Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2592/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNN-PTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 20/7/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Kết luận 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục các tác động của đại dịch Covid - 19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1736/SNN&PTNT-KHTC ngày 01/10/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

KẾ HOẠCH

QUAN TRẮC, CẢNH BÁO MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số:2592/QĐ-UBND ngày 15/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời ảnh hưởng về chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản, từ đó khuyến cáo, hướng dẫn cho các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp xử lý, kiểm soát môi trường nước, phòng bệnh cho thủy sản nuôi đạt hiệu quả.

- Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng cho cán bộ và người sản xuất về công tác quan trắc, cảnh báo, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

2. Yêu cầu

Tổ chức có hiệu quả các nội dung kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện. Trong triển khai thực hiện kế hoạch, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan.

II. NỘI DUNG

1. Tập huấn, phổ biến kiến thức về quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản

- Nội dung tập huấn:

Các thông số cơ bản và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản.

Biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng nước trong ao nuôi: Quản lý các yếu tố thủy lý, thủy hóa, thủy sinh vật như: pH, ôxy, nhiệt độ, độ trong, H2S, NH4, NH3, NO2, NO3….

Hướng dẫn cán bộ phụ trách thủy sản cấp xã và người nuôi thủy sản sử dụng máy đo và bộ đo nhanh môi trường để kiểm tra chất lượng nước nuôi định kỳ hoặc kiểm tra chất lượng nước khi ao nuôi có hiện tượng bất thường như: Máy đo, bộ đo ôxy, pH, nhiệt độ, H2S…

Hướng dẫn các biện pháp xử lý khi môi trường nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm như: Biện pháp xử lý hóa chất, chế phẩm sinh học, xử lý cá, thay nước...

- Địa điểm tập huấn: Tại các xã, phường, thị trấn có vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, những vùng có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn hoặc có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản thuộc các huyện, thành phố của tỉnh.

- Đối tượng tập huấn: Cán bộ phụ trách công tác thủy sản của xã, phường, thị trấn và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa tỉnh.

- Số lớp tập huấn: 9 lớp/năm, 45 lớp/5 năm (30 đại biểu/lớp).

- Thời gian tập huấn: Từ tháng 2-9 hàng năm, thời gian tổ chức 01 lớp tập huấn 01 ngày/lớp.

2. Quan trắc môi trường NTTS

- Đối tượng: Tập trung cho các vùng nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh gồm cá truyền thống và cá rô phi.

- Vùng quan trắc: Thực hiện quan trắc ở vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có chung nguồn nước cấp, thường xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vùng nuôi có diện tích từ 10 ha trở lên đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, 50 ha trở lên đối với hình thức nuôi khác, 1.000m3 trở lên đối với nuôi lồng, bè, 3 ha đối với vùng sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản.

- Điểm quan trắc: Điểm quan trắc sẽ chọn đặt tại khu vực nước cấp cho vùng nuôi tập trung và trong ao nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực. Điểm được chọn phải ổn định, đại diện cho thủy vực nơi cần quan trắc. Cụ thể:

Quan trắc ở đầu nguồn nước cấp cho vùng sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản tập trung, trọng điểm của tỉnh.

Quan trắc tại điểm đầu nguồn nước cấp cho vùng nuôi nuôi trồng thủy sản thương phẩm tập trung và trong ao nhằm xác định diễn biến môi trường trong quá trình nuôi. Ao được chọn mang tính chất đặc trưng và đại diện cho khu vực, nơi có nguy cơ ô nhiễm cao (đảm bảo diện tích từ 2.000-10.000m2).

- Thông số quan trắc: Căn cứ vào thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, thực hiện quan trắc các thông số môi trường, gồm: Ôxy hòa tan (DO), pH, nhu cầu oxy hóa học (COD), độ trong, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), hydro sunfua (H2S). Các chất dinh dưỡng: Nitrite (NO2-) Nitơ - amoni (NH ). Vi khuẩn Streptococcus.sp. Trong đó:

Các thông số: Độ trong, oxy hòa tan (DO), pH, hydro sunfua (H2S): Được đo tại điểm quan trắc bằng đĩa Secchi, máy đo và bộ đo nhanh.

Các thông số: Nitơ - amoni (NH )­­, Nitrite (NO2-), nhu cầu oxy hóa học (COD), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), vi khuẩn streptococcus.sp được phân tích tại phòng thí nghiệm.

- Tần suất quan trắc:

Định kỳ: Thực hiện lấy mẫu quan trắc hàng tháng, 01 lần/tháng, 6 tháng/năm tương đương 6 lần/năm từ tháng 2-9 hàng năm. Tập trung vào thời điểm giao mùa, thời điểm nắng nóng, thời điểm mưa bão, mùa vụ sản xuất để tổ chức lấy mẫu quan trắc nhằm đưa ra các biện pháp cảnh báo kịp thời, phù hợp và hiệu quả cho người nuôi.

Đột xuất: Khi phát hiện môi trường có diễn biến bất thường hoặc xảy ra dịch bệnh thủy sản thực hiện quan trắc đột xuất để hướng dẫn xử lý kịp thời.

- Số lượng mẫu quan trắc:

Đối với sản xuất giống: 4 mẫu/vùng x 6 lần/năm x 5 năm = 120 mẫu.

Đối với nuôi thương phẩm: Nuôi ao, đầm: Thực hiện quan trắc tại 9 vùng/3 huyện, thành phố, mỗi vùng tại 3 điểm gồm 01 điểm đầu nguồn nước cấp và 02 điểm tại ao. Nuôi cá lồng: Thực hiện quan trắc 01 vùng, 3 điểm/vùng. Tại mỗi điểm quan trắc sẽ lấy 01 mẫu để phân tích.

3 mẫu/vùng x 10 vùng x 6 lần/năm x 5 năm = 900 mẫu

Dự kiến tổng số mẫu quan trắc: 34 mẫu/12 vùng/lần x 6 lần/năm x 5 năm = 1.020 mẫu.

3. Trang bị thiết bị phục vụ quan trắc

- Chủng loại: Ngoài các thông số môi trường phân tích tại phòng thí nghiệm, các thông số môi trường thực hiện đo trực tiếp tại điểm quan trắc bằng các bộ đo nhanh và máy đo, gồm: pH, DO, H2S.

- Số lượng:

Máy đo: 02 máy đo pH, 02 máy đo DO, 02 máy đo H2S, 02 đĩa Seccchi.

Bộ đo nhanh: 05 bộ đo pH, 05 bộ đo DO, 05 bộ đo H2S.

15 bộ/năm x 5 năm = 75 bộ/5 năm.

4. Thời gian thực hiện

Thực hiện quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản 5 năm từ năm 2021-2025.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tập huấn, thông tin tuyên truyền

- Phối hợp với đơn vị chuyên môn để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ quan trắc cho cán bộ phụ trách thủy sản; các biện pháp quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho người sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua các lớp tập huấn, loa truyền thanh về vai trò, ý nghĩa của công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế tác động từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tới môi trường.

2. Giải pháp về kỹ thuật

- Công tác lấy mẫu: Lựa chọn đơn vị có đủ năng lực theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT về quan trắc môi trường. Cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với đơn vị quan trắc, cấp huyện, cấp xã từ khâu khảo sát, lựa chọn địa điểm; thu mẫu kiểm tra phân tích đến thông báo kết quả; khuyến cáo và hướng dẫn cho người dân...

- Theo dõi, đánh giá diễn biến môi trường, các thông số môi trường ở các thời điểm có khả năng gây bệnh cho đối tượng nuôi để làm tiền đề nghiên cứu biện pháp phòng bệnh hữu hiệu, xác định cơ cấu đối tượng nuôi, thời gian thả nuôi phù hợp.

3. Giải pháp về quản lý

- Thu thập, quản lý và xây hệ thống dựng dữ liệu về quan trắc môi trường qua các năm làm cơ sở phục vụ cho việc nghiên cứu, quản lý nuôi trồng thủy sản.

- Khuyến cáo và giám sát chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, đặc biệt là các chất cấm trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế tác động gây ô nhiễm môi trường nước. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Thông báo kịp thời, sâu rộng về kết quả quan trắc bằng văn bản đến các cơ quan liên quan và người nuôi trồng thủy sản để phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại do môi trường, dịch bệnh gây ra.

IV. DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Dự toán tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025: 2.300.000.000 đồng (Hai tỷ ba trăm triệu đồng).

Trong đó, phân kỳ thực hiện 5 năm:

Năm 2021: 484.000.000 đ

Năm 2022: 454.000.000 đ

Năm 2023: 454.000.000 đ

Năm 2024: 454.000.000 đ

Năm 2025: 454.000.000 đ

- Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh (từ nguồn sự nghiệp kinh tế bố trí hàng năm).

(Chi tiết tại phụ lục kèm theo).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và địa phương có liên quan tổ chức triển khai; phân công, đôn đốc, chỉ đạo, giao Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả. Kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản:

Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025 gửi Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán chi tiết báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT thẩm định phê duyệt để triển khai thực hiện theo quy định.

Tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT theo quy định.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo quy định Luật ngân sách Nhà nước, hàng năm bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch và hướng dẫn thanh quyết toán theo quy định.

3. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND cấp xã phối hợp với Chi cục Thủy sản trong công tác triển khai kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trên địa bàn.

- Tuyên truyền, phổ biến, khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản thực hiện tốt các quy định về nuôi trồng thủy sản nhằm giảm tác động xấu tới môi trường; thông báo kịp thời kết quả quan trắc môi trường và các biện pháp hướng dẫn xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của cơ quan chuyên môn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản tại địa phương, nhằm phát hiện và phối hợp xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong nuôi trồng thủy sản.

Trên đây là Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2592/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 2592/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Khước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản