Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2589/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 28 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng giai đoạn 2020”;

Căn cứ Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26/6/2015 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Căn cứ Công văn số 1695/BCT-TTTN ngày 12/02/2015 của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển chợ;

Căn cứ công văn số 1487-CV/TU ngày 21/9/2016 của Tỉnh ủy trích kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020;

Xét đề nghị của giám đốc Sở Công Thương tại tờ trình số 175/TTr-SCT ngày 06 tháng 10 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTr: TU, HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- CVP, PCVP(KT) UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Cổng Thông tin Điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CVKT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Thị Minh Hạnh

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định 2589/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 của UBND tỉnh Hà Giang)

Phần mở đầu

SỰ CẦN THIẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng đề án

Chợ là một loại hình thương mại phổ biến, chiếm vị trí quan trọng trong kênh lưu thông phân phối hàng hóa chính và là một nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Duy trì và phát triển hiệu quả mạng lưới chợ sẽ góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và kinh doanh dịch vụ, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân ở nông thôn, miền núi.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI: phấn đấu đến năm 2020 cơ cấu ngành thương mại dịch vụ chiếm 39%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 12.000 tỷ đồng; triển vọng thu nhập của người dân không ngừng tăng lên; những thay đổi về quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch giao thông... sẽ tác động đến số lượng, sự phân bố, công tác tổ chức - quản lý chợ trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành thương mại, kích thích sản xuất phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế... điều này đòi hỏi mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh phải được tổ chức, quản lý một cách hợp lý, phát huy hiệu quả của mạng lưới chợ hiện có, tiến tới kêu gọi, thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với mạng lưới chợ mang tính đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới.

Nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý chợ theo hướng văn minh, hiện đại và chủ động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo hoạt động chợ thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quản lý, khai thác có hiệu quả, tăng sức mua, sức cạnh tranh cho kênh lưu thông hàng hóa qua chợ, vì vậy việc xây dựng đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020 là hết sức cần thiết.

II. Phương pháp xây dựng đề án

Trong quá trình xây dựng đề án, đã sử dụng các phương pháp điều tra, khảo sát, thống kê và tổng hợp số liệu thực tế về hiện trạng hoạt động chợ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh;

Phương pháp phân tích, đánh giá các số liệu và thực trạng hoạt động của mạng lưới chợ; đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động chợ (phong tục tập quán của từng dân tộc, địa phương; vị trí hình thành chợ, hàng hóa lưu thông trên chợ) từ đó nhận định xu hướng phát triển hoạt động của chợ và đề xuất các quan điểm, mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020;

Phương pháp chuyên gia: Tham khảo ý kiến chuyên gia của trung ương và tỉnh trong việc lập và áp dụng các mô hình quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh.

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG, TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Khái quát hạ tầng hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh

Tính đến ngày 31/12/2015, trên địa bàn tỉnh có 159 chợ; về quy mô hạng chợ: 01 chợ đầu mối gia súc, 03 chợ hạng II, 155 chợ hạng III; về cấp công trình: có 43 chợ kiên cố, 83 chợ bán kiên cố, 33 chợ lán trại, chợ tạm. Trong đó, có 154 chợ hoạt động, 5 chợ không hoạt động. Tổng diện tích đất chợ đã đưa vào sử dụng 32,25 ha gồm nhà chợ, sân, bãi để xe và các công trình phụ trợ, cơ bản các chợ đáp ứng được yêu cầu mua bán trao đổi của nhân dân và được trang bị hệ thống cấp điện, cấp nước, bình chữa cháy.

Đa số các chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; một số huyện đã kêu gọi các thành phần kinh tế, các thương nhân kinh doanh trong chợ đóng góp, đầu tư xây dựng chợ cùng với nguồn ngân sách nhà nước, cụ thể: huyện Bắc Quang thu hút đầu tư 17 chợ, Mèo Vạc 01 chợ, Hoàng Su Phì 01 chợ và huyện Quang Bình 02 chợ, huyện Bắc Mê 01 chợ.

Vệ sinh môi trường tại các chợ còn nhiều bất cập, khu vực xử lý rác thải, khu vệ sinh và hệ thống nước phục vụ cho hoạt động của chợ chưa được cải thiện. Các chợ vùng cao mặc dù đã được xây dựng nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ nhưng do thiếu nước sinh hoạt nên không sử dụng được gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

(Chi tiết tại Phụ biểu số 1 đính kèm)

2. Đánh giá công tác quản lý chợ

2.1. Công tác quản lý nhà nước về chợ

Triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển thương mại, quy hoạch chi tiết mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho các địa phương đầu tư, xây dựng và phát triển chợ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương;

Thực hiện phân cấp nhà nước về quản lý chợ, đa số các chợ trên địa bàn tỉnh là chợ hạng 3 đã phân cấp cho các xã, phường của các huyện, thành phố trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ của các ban quản lý, tổ quản lý chợ.

Việc phối hợp giữa ngành chức năng có liên quan để tiến hành kiểm tra về điều kiện kinh doanh, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, bao bì, dấu kiểm dịch (đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm)… tại các chợ chưa được thường xuyên; thiếu các thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác kiểm tra đối với mặt hàng thực phẩm nên vẫn còn tình trạng các hàng hóa kinh doanh tại chợ thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có độ tin cậy.

Việc triển khai quy hoạch và các văn bản của nhà nước còn những hạn chế, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa ngành và cấp chưa được thường xuyên, kịp thời gây khó khăn trong công tác quản lý và phát triển chợ.

2.2. Hoạt động của các đơn vị quản lý chợ

- Đối với mô hình chợ hoạt động do các Ban quản lý, Tổ quản lý chợ vận hành:

Ưu điểm: Cán bộ làm việc trong các Ban quản lý, Tổ quản lý chợ đa số là người địa phương làm công tác kiêm nhiệm nên hiểu được phong tục, tập quán sinh hoạt, mua bán hàng hóa của người dân, nắm bắt kịp thời các văn bản, chủ trương, chính sách của nhà nước nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền.

Hạn chế: Cán bộ Ban quản lý, Tổ quản lý hầu như chưa qua đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ nên năng lực chuyên môn của cán bộ về công tác quản lý chợ còn hạn chế, công tác kiêm nhiệm không thường xuyên có mặt tại chợ nên việc giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh không kịp thời.

- Đối với mô hình quản lý khai thác, kinh doanh chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã:

Ưu điểm: Cán bộ làm công tác quản lý chợ thường là chuyên trách, được quan tâm đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng thực hiện công tác quản lý, thường xuyên có mặt tại chợ nên việc giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh kịp thời. Chủ động bố trí sắp xếp các ngành hàng hợp lý, trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ kinh doanh tại chợ và áp dụng các giải pháp thu hút thương nhân tham gia kinh doanh, mua sắm tại chợ góp phần thực hiện văn minh thương mại, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hạn chế: Công tác phối kết hợp hoạt động chợ với tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật chưa được quan tâm, việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chưa tốt.

Kết quả khảo sát, thăm dò đối với những chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý: thăm dò 45 hộ kinh doanh tại chợ có 32 hộ được hỏi hài lòng với mô hình quản lý do doanh nghiệp, HTX quản lý (chiếm 71,12%); Đối với những chợ chưa chuyển đổi mô hình quản lý: Thăm dò 90 hộ có 24 hộ được hỏi hài lòng với mô hình quản lý do Ban Quản lý chợ (chiếm 37,8%). Qua đó cho thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý từ Ban quản lý, Tổ quản lý chợ sang hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã là phù hợp và cần thiết.

(Chi tiết tại Phụ biểu số 2 đính kèm)

3. Đánh giá thực trạng lưu thông hàng hóa qua chợ

Hiện nay tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ lưu thông qua chợ trung bình trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 50-55% so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua các loại hình phân phối.

Tại các chợ trung tâm huyện, thành phố hàng hóa kinh doanh chủ yếu là thực phẩm tươi sống, hàng tạp hóa, nông sản, hàng thủ công, hàng may mặc và tiêu dùng..., số hộ kinh doanh thường xuyên và cơ cấu hộ kinh doanh các ngành hàng cố định tại các chợ trên địa bàn từng huyện, thành phố không đồng đều. Tuy nhiên mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ chiếm tỷ trọng lớn so với các ngành hàng khác kinh doanh trong chợ. Nguồn hàng lưu thông chính qua các chợ này phần lớn do các tiểu thương mua, thu gom từ các vùng, tỉnh lân cận đem đến cung ứng và một phần nhỏ nông sản, sản phẩm chăn nuôi của nhân dân địa phương.

Tại các chợ nông thôn, hàng hóa của người dân mang đến chợ là nông sản địa phương, mang tính thời vụ, thường có số lượng ít chủ yếu do người dân trực tiếp sản xuất mang sản phẩm sau khi thu hoạch đến chợ để bán và mua những vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt thiết yếu. Hàng hóa của thương nhân mang đến chợ chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, giày dép, thực phẩm, phân bón, công cụ sản xuất... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đối với những mặt hàng nông sản như cam, quýt, chè... có khối sản lớn thương lái thường thu mua tại nhà dân, hoặc tập kết ở những vị trí có đường giao thông thuận lợi.

4. Đánh giá hiệu quả hoạt động của các chợ

4.1. Đối với các chợ hoạt động thường xuyên

Trên địa bàn tỉnh có 17 chợ hoạt động thường xuyên, trong đó: TP Hà Giang có 04 chợ (chợ trung tâm thành phố, chợ xép phường Minh Khai, chợ Cầu Trắng, chợ Ngọc Hà), huyện Vị Xuyên 03 chợ (chợ trung tâm huyện, chợ Vạt, chợ thị trấn Việt Lâm), huyện Bắc Quang 02 chợ (chợ trung tâm huyện, chợ Thủy Vôi), các huyện khác mỗi huyện 01 chợ tại trung tâm. Nhìn chung, các chợ nằm ở những vị trí thuận lợi nên hoạt động hiệu quả, các hộ kinh doanh cố định tại chợ khá đông, hoạt động tất cả các ngày trong tuần, vì vậy đã khai thác tốt công năng của chợ, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán của nhân dân địa phương. Hàng hóa ở những chợ này tương đối đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và có chất lượng tốt; hoạt động của các chợ đã tạo công ăn việc làm cho các thương nhân tham gia kinh doanh tại chợ và thu hút nhân dân ở các vùng lân cận giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, mua bán hàng hóa góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

4.2. Đối với các chợ hoạt động theo phiên

Trên địa bàn tỉnh hiện có 137 chợ hoạt động theo phiên, chủ yếu là các chợ xã. Hàng hóa trao đổi chủ yếu là hàng nông sản địa phương và các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt sản xuất, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân. Bên cạnh đó, chợ phiên còn là nét văn hóa đặc sắc của miền núi, vùng cao là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, do vậy ngoài chức năng là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa, chợ phiên còn có vai trò rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Có 05 chợ không hoạt động gồm: chợ xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên; chợ xã Cán Tỷ, xã Thanh Vân, xã Tả Ván, xã Quản Bạ huyện Quản Bạ do ở vị trí không thuận lợi hoặc gần chợ trung tâm và chợ xã lân cận. Có 11 chợ ở vị trí có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cần di dời đến địa điểm mới như: chợ xã Thái An, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ; chợ xã Bản Nhùng, xã Tả Sử Choóng, Km 16 xã Chiến Phố, xã Bản Phùng, xã Nàng Đôn huyện Hoàng Su Phì; chợ xã Ngam La, xã Du Tiến, xã Mậu Long huyện Yên Minh; chợ Mốc 172 huyện Xín Mần.

4.3. Đối với chợ đầu mối

Chợ đầu mối gia súc Lũng Phin, huyện Đồng Văn là nơi tập trung mua bán, trao đổi gia súc (trâu, bò, dê, lợn...) của nhân dân trong huyện và các huyện lân cận với các thương nhân trong và ngoài tỉnh. Chợ hoạt động theo phiên nhưng đã giải quyết rất tốt khâu lưu thông, rút ngắn khoảng cách giữa người chăn nuôi và người mua, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân.

5. Đánh giá chung

5.1. Những mặt đạt được

- Công tác quy hoạch: Triển khai Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; mạng lưới chợ đã phát triển ở hầu khắp các xã trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều chợ đã được đầu tư xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của nhân dân; các địa phương trong tỉnh coi việc xây dựng phát triển chợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân góp phần phát triển thương mại nông thôn, miền núi và xóa đói giảm nghèo;

- Công tác quản lý chợ đã có bước chuyển biến, một số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý sang cho doanh nghiệp, HTX kinh doanh, quản lý chợ.

- Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng phát triển chợ bước đầu đã được một số huyện triển khai thực hiện.

5.2. Những tồn tại, hạn chế

- Công tác quy hoạch chưa được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; việc phát triển chợ còn dàn trải, mới chú trọng về mặt số lượng, chưa sát với nhu cầu và điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương. Công tác quản lý nhà nước về chợ chưa được chú trọng, có lúc, có nơi còn buông lỏng.

- Công tác đầu tư xây dựng chợ chưa được các địa phương khảo sát, đánh giá về nhu cầu, điều kiện kinh tế, lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng chợ chưa phù hợp... nên xây dựng ở vị trí không thuận lợi, hoặc nhu cầu của địa phương chưa thực sự cần thiết dẫn đến chợ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí nguồn lực xã hội.

- Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển chợ hạn hẹp, công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ mới chỉ thực hiện ở khu vực trung tâm huyện, thị trấn, xã có điều kiện kinh tế phát triển. Các địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng chợ trong nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm; nguồn thu từ chợ thấp không đủ tái đầu tư, mặt khác do ý thức sử dụng và giữ gìn tài sản chung của người dân tham gia hoạt động chợ chưa cao dẫn đến nhiều chợ xuống cấp không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời.

- Một số địa phương chưa bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi công tác quản lý nhà nước về chợ, dẫn đến công tác phối hợp quản lý giữa các huyện, thành phố với ngành chưa thường xuyên, kịp thời.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức, chưa được triển khai đồng bộ, sâu rộng tới nhân dân và thương nhân, do vậy việc nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về chợ chưa được thường xuyên.

- Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý, khai thác chợ. Các ban quản lý chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý như việc bố trí, sắp xếp ngành hàng trong chợ đặc biệt ở những chợ phiên còn chưa hợp lý, nguồn thu từ chợ thấp nên khó khăn trong việc tái đầu tư xây dựng chợ.

- Vệ sinh môi trường chợ còn nhiều bất cập, nhiều chợ chưa được đầu tư đồng bộ hoặc chưa đầu tư các công trình phụ trợ như hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, bãi trông giữ xe, nhiều chợ không còn khả năng mở rộng nên không có đất để xây dựng các công trình phụ trợ.

Phần thứ hai

ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. Định hướng

Thiết lập mô hình tổ chức quản lý chợ phù hợp với quy mô và tính chất của các loại hình chợ trên địa bàn tỉnh; bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng phát triển chợ, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và văn minh thương mại.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ hoạt động thường xuyên tại khu vực trung tâm huyện, thành phố trở thành mô hình hoạt động thương mại văn minh và ngày càng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới chợ. Duy trì hoạt động của các chợ xã, chợ hoạt động theo phiên bảo đảm chức năng là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương và là nơi giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán truyền thống của địa phương.

II. Mục tiêu

- Đến năm 2020, trên 90% số chợ trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả;

- Đến năm 2020, chuyển đổi mô hình quản lý đối với từ 10 - 15 chợ tại các huyện, thành phố;

- Đến năm 2020, nâng số điểm kinh doanh cố định, thường xuyên tại các chợ hoạt động theo phiên lên từ 20 - 30 điểm/chợ;

- Đến năm 2020, tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ lưu thông qua chợ chiếm trên 60% so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua các loại hình phân phối;

- Đến năm 2020, có trên 70% chợ đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

III. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ

1. Công tác quy hoạch chợ

Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới chợ đảm bảo phù hợp với thực tiễn, dự báo khả năng phát triển kinh tế xã hội để xác định nhu cầu đầu tư phát triển chợ ở từng địa phương, từng khu vực cụ thể; lựa chọn vị trí trọng tâm, trọng điểm để đầu tư phát triển chợ, duy trì và phát huy các chợ truyền thống gắn liền với những nét văn hóa của địa phương nhằm kết hợp phát triển chợ gắn với phát triển du lịch và với các loại hình thương mại khác.

2. Đầu tư phát triển chợ theo quy hoạch

Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh chợ, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đánh giá, xem xét các dự án đầu tư xây dựng chợ phù hợp với hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trước khi đầu tư xây mới các chợ phải tiến hành khảo sát, đánh giá và lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn. Mở rộng, nâng cấp những chợ hoạt động quá tải để đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân. Chuyển đổi công năng sử dụng và đưa ra khỏi Quy hoạch đối với những chợ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Rà soát, đánh giá các dự án đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn có tính chất đầu mối, liên vùng, để xem xét cân đối nguồn ngân sách địa phương kết hợp ngân sách Trung ương đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các chợ trên địa bàn bảo đảm phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Phát triển một số chợ liên xã tại khu vực bờ Đông Sông Lô có vị trí trung tâm vùng, là giao điểm của các trục giao thông chính, có thể kết nối thuận tiện với các xã trong vùng có thể trở thành nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa của vùng, của khu vực để phân phối đi các chợ trong và ngoài tỉnh.

3. Tăng cường công tác quản lý chợ

3.1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chợ

Phối hợp chặt chẽ giữa ngành, cấp trong công triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới chợ, nâng cao chất lượng chợ, bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự cho hoạt động của chợ. Thường xuyên tuyên truyền các chính sách của nhà nước, của tỉnh, hướng dẫn người dân và thương nhân tham gia hoạt động chợ tuân thủ nội quy quy chế hoạt động chợ và ý thức giữ gìn môi trường, bảo vệ các thiết bị, tài sản của chợ.

Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác kinh doanh chợ đối với các chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách; nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý chợ phù hợp để chuyển đổi, nhân rộng; hạn chế tối đa các vi phạm, sai phạm trong hoạt động khai thác kinh doanh chợ.

Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng kinh doanh trong chợ. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bán hàng không đúng nơi quy định; không để tình trạng chợ tự phát, chợ lấn chiếm lòng lề đường tồn tại nhằm đảm bảo công bằng giữa các hộ kinh doanh trong chợ.

3.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị quản lý chợ

Củng cố, kiện toàn hoạt động của các Ban quản lý, Tổ quản lý, đối với những chợ hoạt động theo phiên, trước mắt giữ nguyên mô hình quản lý hiện tại và duy trì hoạt động của chợ chưa tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý, đồng thời bố trí sắp xếp lại khu vực ngành hàng hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường và các điều kiện kinh doanh tại chợ.

4. Tăng cường công tác xúc tiến thu hút hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa qua chợ

Xây dựng triển khai phương án bố trí sắp xếp ngành hàng kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh khoa học, khung giá cho thuê mặt bằng hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương nhằm thu hút các thương nhân vào kinh doanh tại chợ; phát triển các đại lý mua bán hàng hóa và cung cấp các dịch vụ, vật tư cho sản xuất và tiêu dùng theo hợp đồng ổn định, lâu dài cho các chợ xã, chợ vùng sâu, vùng xa còn kém phát triển.

Khuyến khích phát triển thương nhân và các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại các huyện, thành phố; xây dựng và phát triển mối liên kết bạn hàng giữa các thương nhân nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của địa phương. Duy trì hoạt động thường xuyên của các thương nhân kinh doanh tại chợ, tạo sự lưu thông, gắn kết giữa sản xuất hàng hóa với tiêu thụ sản phẩm.

Gắn kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung với hệ thống chợ để tạo nguồn cung ứng dồi dào, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm kích thích sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Duy trì hoạt động của những chợ hiện có ở khu vực nông thôn theo mô hình chợ tổng hợp, vừa đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán, vừa giữ được nét văn hóa đặc trưng riêng bảo đảm chợ vừa là nơi để người dân trao đổi mua bán hàng hóa, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Phát triển chợ gắn với hoạt động du lịch ở những địa phương có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan các vùng miền và giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia hoạt động chợ. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới. Từ đó, dần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo môi trường giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa lành mạnh, phát triển thương mại - dịch vụ;

5. Tuyên truyền, vận động chợ hoạt động đảm bảo văn minh thương mại

Đa dạng hóa công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách và quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các chợ. Hướng dẫn các thương nhân trong các chợ kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Phổ biến các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh... của nhà nước cho các thương nhân nắm được và vận dụng các chính sách để phát triển thương mại tại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh lành mạnh cho các thành phần kinh tế. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của chợ, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và phương án phòng chống cháy nổ.

6. Đào tạo nguồn nhân lực quản lý và khai thác chợ

Tổ chức đào tạo nghiệp vụ chợ cho cán bộ làm công tác quản lý chợ, nhằm giúp cho công tác quản lý nhà nước tại các chợ đạt hiệu quả cao, qua đó triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến chủ trương, chính sách, công tác quản lý điều hành hoạt động chợ. Đồng thời giúp cán bộ làm công tác quản lý chợ hiểu rõ về phương thức kinh doanh, cách thức xây dựng, quảng bá thương hiệu chợ, phương pháp quản lý nhân viên, hàng hóa, vệ sinh môi trường. Đồng thời chú trọng đào tạo, tập huấn để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức về quản lý thương mại nói chung và quản lý chợ nói riêng. Tổ chức tập huấn cho các tiểu thương tham gia các điểm bán hàng cố định, thường xuyên trên địa bàn nhằm truyền đạt các kỹ năng bán hàng; cách quản lý hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; bảo quản tốt hàng hóa; chống hàng giả, hàng kém chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định về nhãn hàng hóa.

7. Chuyển đổi mô hình quản lý chợ

a) Định hướng chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh:

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý chợ, từng bước chuyển đổi công tác quản lý chợ từ các ban quản lý hiện nay cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, gắn trách nhiệm của người quản lý chợ với lợi ích kinh tế từ chợ mang lại đối với họ, từ đó tái đầu tư phát triển chợ nhằm từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ, khai thác tốt nhất công năng của các chợ mặt khác giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ.

Đối với những chợ hoạt động thường xuyên: Là những chợ ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, thời gian họp chợ và số lượng người tham gia kinh doanh, mua bán qua chợ đông, nguồn thu từ chợ có khả năng để chi trả tiền công, các dịch vụ và tái đầu tư, có thể thu hồi nguồn vốn đầu tư phát triển chợ, tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc các cá nhân quản lý vận hành, khai thác chợ bằng các hình thức đấu thầu, chỉ thầu hoặc giao quản lý theo lộ trình đối với từng chợ cụ thể, tùy theo đặc điểm của từng chợ và tình hình thực tế của địa phương.

Đối với chợ phiên: là những chợ xã, chợ ở khu vực vùng sâu, vùng xa kinh tế xã hội chưa phát triển thời gian họp chợ ngắn vì vậy nguồn thu từ chợ thấp, khó có khả năng thu hồi vốn để trang trải chi phí và tái đầu tư. Trước mắt tiếp tục giao chính quyền địa phương quản lý chợ thông qua các Ban quản lý, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vận hành, khai thác chợ.

Trên cơ sở các mô hình quản lý mới được áp dụng tại các chợ trung tâm huyện, từng bước chuyển quyền quản lý, khai thác các chợ hoạt động không thường xuyên bằng cách tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị có phương án khai thác, kinh doanh hiệu quả nhất hoặc giao trực tiếp cho doanh nghiệp/HTX đang thực hiện quản lý kinh doanh các chợ trung tâm quản lý, khai thác các chợ phiên, góp phần đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, kết nối thị trường trong tỉnh tốt hơn hạn chế việc chợ hoạt động mang tính chất đơn lẻ, độc lập, chưa tạo thành mối liên kết giữa các chợ trong vùng lân cận như hiện nay.

b) Nguyên tắc chuyển đổi:

Quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ phải công khai minh bạch, theo kế hoạch được duyệt nhằm đảm bảo ổn định xã hội và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đảm bảo các chế độ quyền lợi của người lao động thuộc Ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ và các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và hiệu quả kinh tế - xã hội của các chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý.

Đối với các chợ chuyển đổi mô hình quản lý gắn với đầu tư xây dựng, quản lý chợ, trong đó việc đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo chợ là một nội dung của phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đơn vị đầu tư vốn xây dựng hoặc cải tạo chợ được ưu tiên xem xét trong quá trình lựa chọn đơn vị tiếp nhận quản lý chợ.

c) Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ ở hai cấp, hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm:

Đối với cấp tỉnh: Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Trưởng ban chỉ đạo là Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Công Thương là cơ quan thường trực; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Cục thuế tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động và Thương binh xã hội, Liên minh hợp tác xã Tỉnh.

Đối với cấp huyện, thành phố: Thành lập Ban Chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ, Trưởng ban chuyển đổi chợ là Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Phòng Kinh tế (hoặc Tài chính - Kế hoạch) là cơ quan thường trực; thành viên gồm lãnh đạo các phòng, ban chức năng của huyện, thành phố. Khi tiến hành chuyển đổi chợ nào thì mời Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nơi có chợ và Trưởng ban quản lý chợ đó là thành viên.

d) Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn.

Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới trên địa bàn tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể từng chợ.

Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn huyện, thành phố bao gồm nội dung về thực trạng các chợ, thời gian chuyển đổi, phương thức chuyển đổi (giao, đấu quản lý kinh doanh hoặc chuyển đổi mô hình quản lý kết hợp với đầu tư cải tạo, xây dựng lại chợ) đối với từng chợ trên địa bàn và phân công trách nhiệm, thời hạn triển khai tổ chức thực hiện của các tổ chức, đơn vị liên quan.

Sau khi Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn huyện, thành phố được tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thành phố công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tại các chợ để mọi tổ chức, cá nhân liên quan biết, thực hiện.

e) Thời gian chuyển đổi

- Giai đoạn 2017-2018: Chuyển đổi chợ trung tâm Thành phố Hà Giang; chợ trung tâm các huyện Bắc Quang, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quang Bình, Xín Mần.

- Giai đoạn 2018-2020: Chuyển đổi chợ trung tâm các huyện: Hoàng Su Phì, Yên Minh.

Đối với các chợ phiên: Tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị có phương án khai thác, kinh doanh hiệu quả nhất hoặc giao trực tiếp cho doanh nghiệp/HTX đang thực hiện quản lý kinh doanh các chợ trung tâm quản lý, khai thác các chợ phiên này (đơn vị quản lý các chợ phiên này được tổ chức như một phòng, ban của Công ty/HTX quản lý kinh doanh chợ - mô hình 1 công ty/HTX quản lý, khai thác kinh doanh nhiều chợ), góp phần đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, kết nối thị trường trong tỉnh tốt hơn hạn chế việc chợ hoạt động mang tính chất đơn lẻ, độc lập, chưa tạo thành mối liên kết giữa các chợ trong vùng lân cận như hiện nay.

8. Cơ chế chính sách

- Nhóm chính sách của Trung ương: Vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi về đầu tư, phát triển chợ do Trung ương đã ban hành, cụ thể:

+ Nghị định số 210/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ nông thôn thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp nông thôn. Gồm có: Miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; Hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; Miễn giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ.

+ Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thương xây dựng và quảng bá các mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (ưu tiên triển khai tại chợ, vùng nông thôn và tại các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo).

+ Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020: hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương xây dựng hạ tầng chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xây dựng và phát triển các điểm phân phối tổng hợp tại miền núi, vùng xa.

+ Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

- Nhóm chính sách của tỉnh: Ngoài các chính sách của Trung ương như trên, tỉnh tiếp tục thực hiện các cơ chế để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa qua hệ thống chợ cần đẩy mạnh phát triển lực lượng thương nhân kinh doanh tại các chợ thông qua cơ chế:

+ Hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng chợ cho các tổ chức, cá nhân vào kinh doanh tại các chợ biên giới, chợ cửa khẩu (theo Nghị quyết 206/2015/NQ-HĐND ngày 12/10/2015 của HĐND tỉnh);

+ Gắn kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung với hệ thống chợ để tạo nguồn cung ứng dồi dào. Triển khai hiệu quả Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 12/10/2015 của HĐND tỉnh

+ Xây dựng triển khai phương án bố trí sắp xếp ngành hàng kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh và khung giá cho thuê mặt bằng hợp lý;

+ Tạo điều kiện về mặt bằng và mức thu lệ phí hợp lý đối những người sản xuất hàng hóa trực tiếp mang sản phẩm ra bán tại chợ.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

Triển khai rà soát Quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hàng năm căn cứ vào tình hình phát triển của địa phương để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Xây dựng quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh và lộ trình thực hiện; Phối hợp với các sở, ngành phổ biến, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án này.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ; giúp Ban Chỉ đạo phát triển chợ của tỉnh lập kế hoạch triển khai và tổ chức việc phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý chợ, hàng năm sơ kết công tác xây dựng và công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về chợ và các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển chợ.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, đầu cơ găm hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, không đảm bảo VSATTP tại các chợ.

2. Sở Nội vụ: Hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công nhân viên hưởng lương từ ngân sách đang làm việc tại Ban quản lý, Tổ quản lý chợ khi thực hiện chuyển đổi mô hình chợ từ Ban quản lý, Tổ quản lý chợ sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn các Ban quản lý, Tổ quản lý chợ thực hiện các chế độ về Hợp đồng lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với người lao động khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý, Tổ quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý.

4. Sở Tài chính: Tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý, thanh toán tài sản có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước và vốn đóng góp của các hộ tiểu thương sang loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã theo các quy định hiện hành. Hướng dẫn việc thu các loại phí, lệ phí theo quy định hiện hành và cơ chế tài chính áp dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ. Thẩm định, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác chuyển đổi chợ ở cấp tỉnh.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng hồ sơ, mẫu biểu, trình tự, thủ tục, phương thức đấu thầu quản lý chợ;

Hướng dẫn tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tham gia đấu thầu quản lý chợ; hướng dẫn công tác đầu tư xây dựng chợ theo các quy định của pháp luật hiện hành, quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý các dự án đối với các chợ chuyển đổi gắn với đầu tư xây dựng lại.

Trên cơ sở các cơ chế chính sách của Trung ương, thực hiện lồng ghép, cân đối nguồn ngân sách hàng năm để ưu tiên đầu tư, nâng cấp đối với một số chợ ở những khu vực vùng sâu, biên giới, không có khả năng thu hút các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia đầu tư.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn, thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, và các thủ tục liên quan về môi trường trong quản lý, kinh doanh, khai thác chợ theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường trong quản lý, kinh doanh khai thác chợ.

7. Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và UBND cấp huyện tham mưu địa điểm khảo sát lập quy hoạch xây dựng chợ; chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế xây dựng công trình chợ theo quy định của Luật Xây dựng, thẩm định tham mưu UBND tỉnh phê duyệt.

Hướng dẫn tiêu chuẩn thiết kế xây dựng, cải tạo chợ đối với các chợ chuyển đổi gắn với đầu tư xây dựng lại theo Quyết định số 3621/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9211:2012 “Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế”. Thực hiện chức năng quản lý chất lượng công trình xây dựng chợ theo thẩm quyền.

8. Sở Giao thông và Vận tải: Chỉ đạo Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm chợ gần trục đường Tỉnh lộ, Quốc lộ; kịp thời xử lý hoặc tham mưu xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông, mất trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định các điều kiện, phương án bảo đảm an toàn giao thông và hành lang an toàn giao thông các dự án đầu tư xây dựng chợ.

9. Cục Thuế tỉnh: Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc kê khai, nộp thuế, phí; quản lý, kiểm tra việc thu nộp ngân sách của các đơn vị quản lý chợ (tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản thu nộp ngân sách khác).

10. Công an tỉnh: Thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy, các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy chữa cháy tại các chợ, đảm bảo an toàn giao thông. Phối hợp với các ngành chức năng trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, hàng giả tại các chợ.

11. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn rà soát các Hợp tác xã đủ điều kiện tham gia quản lý chợ trên địa bàn tỉnh tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về quản lý; vận động các hợp tác xã mở rộng quy mô, tăng cường củng cố năng lực về vốn, để đảm bảo điều kiện năng lực tham gia thực hiện quản lý chợ trên địa bàn tỉnh.

12. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố

Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý các chợ trên địa bàn gửi Sở Công Thương tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; phê duyệt Phương án chuyển đổi, Quyết định công nhận doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ đối với chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn;

Tổ chức tuyên truyền chủ trương về công tác chuyển đổi chợ trên địa bàn để nhân dân được biết, hưởng ứng và phối hợp thực hiện. Triển khai tổ chức thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý các chợ trên địa bàn theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ động giải quyết theo thẩm quyền các nội dung liên quan về tài sản, đất đai, lao động trong quá trình thực hiện chuyển đổi.

(có biểu phân công nhiệm vụ kèm theo)

13. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc, vượt quá thẩm quyền giải quyết hoặc có những nội dung cần phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn; yêu cầu các đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để xem xét, quyết định.

 

BIỂU PHÂN CÔNG MỘT SỐ NHIỆM VỤ

Triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2589/QĐ-UBND ngày 28/11/2016 của UBND tỉnh Hà Giang)

STT

Nội dung

Cơ quan thực hiện

Kết quả

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

I. Công tác quy hoạch chợ

1

Rà soát lập Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Sở Công Thương

các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

Quyết định của UBND tỉnh

từ 2016-2017

II. Đầu tư phát triển chợ

1

Triển khai xây dựng danh mục các dự án chợ kêu gọi thu hút đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh chợ

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Công Thương, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

Danh mục chợ kêu gọi đầu tư

năm 2017

2

Rà soát, đánh giá các dự án đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn có tính chất đầu mối, liên vùng, để cân đối, bố trí nguồn ngân sách đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các chợ

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Công Thương, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

Danh mục chợ đầu tư từ ngân sách

năm 2017

3

Hướng dẫn tiêu chuẩn thiết kế xây dựng chợ theo Quyết định số 3621/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9211:2012 “Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế” đối với các chợ xây mới, cải tạo nâng cấp

Sở Xây dựng

Sở Công Thương, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

Văn bản hướng dẫn

năm 2017

III. Công tác quản lý chợ

1

Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của chợ; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm và phương án phòng chống cháy nổ...

UBND các huyện, thành phố;

Sở Công Thương; UBND xã, phường, thị trấn; các Ban quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác chợ

Ban hành nội quy, quy chế, phương án

từ 2017-2018

2

Xây dựng và triển khai phương án bố trí sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại các chợ

UBND các huyện, thành phố;

UBND xã, phường, thị trấn; các Ban quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác chợ

Phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng kinh doanh tại chợ

từ 2017-2018

3

Củng cố, kiện toàn hoạt động của các Ban quản lý, Tổ quản lý đối với những chợ chưa tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý

UBND các huyện, thành phố;

UBND xã, phường, thị trấn;

Các Ban quản lý, tổ quản lý được kiện toàn

từ 2017-2018

4

Tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm... đối với các mặt hàng kinh doanh tại các chợ

UBND các huyện, thành phố;

Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố;

Báo cáo kết quả

từ 2017-2020 (thực hiện thường xuyên)

IV. Công tác xúc tiến thu hút hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa qua chợ

1

Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với hệ thống chợ để tạo nguồn cung ứng dồi dào, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm kích thích sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố;

Quy hoạch

từ 2017-2020

2

Khuyến khích phát triển thương nhân và các loại hình doanh nghiệp hoạt động thương mại tại các huyện, thành phố thông qua các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch

Sở Công Thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

các Sở, Ban, Ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, đơn vị thụ hưởng

Các Chương trình, đề án

từ 2017-2020 (thực hiện thường xuyên)

3

Phát triển chợ gắn với hoạt động du lịch ở những địa phương có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tạo ấn tượng cho du khách đến tham quan các vùng miền và giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia hoạt động chợ

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố;

Các tuor, tuyến du lịch

từ 2017-2020

4

Tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới tại các chợ trên địa bàn tỉnh

Sở Công Thương

Các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố;

Các phiên chợ đưa hàng Việt

từ 2017-2020

V. Tuyên truyền, vận động chợ hoạt động đảm bảo văn minh thương mại

1

Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương, địa phương về chợ cho các thương nhân

Sở Công Thương; UBND các huyện, thành phố

UBND xã, phường, thị trấn; các Ban quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác chợ

Các đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức

từ 2017-2020 (thực hiện thường xuyên)

2

Hướng dẫn các thương nhân trong các chợ kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”

UBND các huyện, thành phố

UBND xã, phường, thị trấn; các Ban quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác chợ

Các văn bản

từ 2017-2020 (thực hiện thường xuyên)

VI. Đào tạo nguồn nhân lực quản lý và khai thác chợ

1

Xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý chợ cho cán bộ của các đơn vị quản lý chợ

Sở Công Thương

các Sở, Ban, Ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.

Các lớp tập huấn

từ 2017-2020 (mỗi năm dự kiến tổ chức từ 1-2 lớp).

VII. Chuyển đổi mô hình quản lý chợ

1

Xây dựng quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh

Sở Công Thương

các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố

Quyết định của UBND tỉnh

từ quý IV/2016 đến quý I/2017

2

Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý chợ cấp tỉnh và Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ cấp huyện

Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố

Sở, ban, ngành liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn

Quyết định

Quý I năm 2017

3

Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn

Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố

Sở, ban, ngành liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn

Kế hoạch

Quý I, quý II năm 2017

4

Thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ

4.1

Chuyển đổi chợ trung tâm Thành phố Hà Giang; chợ trung tâm các huyện: Bắc Quang, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quang Bình, Xín Mần

UBND các huyện, thành phố

UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý, tổ quản lý chợ

Doanh nghiệp, HTX quản lý, kinh doanh khai thác chợ

2017-2018

4.2

Chuyển đổi chợ trung tâm các huyện: Hoàng Su Phì, Yên Minh.

UBND các huyện, thành phố

UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý, tổ quản lý chợ

Doanh nghiệp, HTX quản lý, kinh doanh khai thác chợ

2018-2020

4.3

Các chợ còn lại chuyển đổi mô hình quản lý vào giai đoạn sau hoặc giao cho doanh nghiệp, HTX quản lý kinh doanh khai thác chợ

UBND các huyện, thành phố

UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý, tổ quản lý chợ

Doanh nghiệp, HTX quản lý, kinh doanh khai thác chợ

2021-2025

 

BIỂU 01

TỔNG HỢP CHỢ GIAI ĐOẠN 2010-2015, DỰ KIẾN ĐẾN NĂM 2020

Hiện trạng chợ đến 2015

Dự kiến chợ đến 2020

TT

Tên chợ / Tên đơn vị hành chính

Hạng chợ

Tổng diện tích chợ (m2)

Tổng diện tích đất đã sử dụng

Hiện trạng

TT

Tên chợ / Tên đơn vị hành chính

Hạng chợ

Tổng diện tích chợ (m2)

Nhu cầu vốn ĐT (tỷ đồng)

Năm đầu tư

Ghi chú

A

B

1

2

3

4

C

D

5

6

7

8

9

 

Tổng số

159

410,626

323,922

-

 

Tổng số

169

449,804

756

 

 

I

Thành phố Hà Giang

7

12,805

12,805

-

I

Thành phố Hà Giang

7

12,305

285.8

 

 

1

Chợ Trung tâm TP - P. Trần Phú

2

5,829

5,829

KC

1

Chợ Trung tâm TP - P. Trần Phú

1

5,829

40.0

2017

Nâng cấp

2

Chợ Cầu Trắng - P. Nguyễn Trãi

3

525

525

BKC

2

Chợ Cầu Trắng - P. Nguyễn Trãi

2

525

23.5

2018

Nâng cấp

3

Chợ phường Minh Khai

3

1,732

1,732

BKC

3

Chợ phường Minh Khai

3

1,732

21.5

2019

Nâng cấp

4

Chợ phường Ngọc Hà

3

1,100

1,100

KC

4

Chợ phường Ngọc Hà

3

1,100

 

 

Giữ nguyên

5

Chợ Cầu Gạc Đì - P.Quang Trung

3

619

619

BKC

5

Chợ Cầu Gạc Đì- P.Quang Trung

3

619

 

 

Giữ nguyên

6

Chợ Xã Phương Độ

3

1,500

1,500

BKC

6

Chợ Xã Phương Độ

3

1,500

0.8

2016

Di dời

7

Chợ xã Phương Thiện

3

1,500

1,500

BKC

7

Chợ Phương Thiện

2

1,000

200.0

2020

Nâng cấp, mở rộng

II

Huyện Bắc Quang

23

75,153

75,153

 

II

Huyện Bắc Quang

24

83,414

57.65

 

 

1

Chợ TT huyện - TT Việt Quang

2

5,318

5,318

KC

1

Chợ TT huyện - TT Việt Quang

2

5,318

0.20

2018

Nâng cấp

2

Chợ Thủy Vôi - TT Việt Quang

3

1,307

1,307

BKC

2

Chợ Thủy Vôi - TT Việt Quang

3

1,307

0.10

2019

Nâng cấp

3

Chợ Xã Tân Quang

3

1,761

1,761

BKC

3

Chợ Xã Tân Quang

3

1,761

1.00

2016

Nâng cấp

4

Chợ Xã Tân lập

3

1,141

1,141

BKC

4

Chợ Xã Tân lập

3

1,141

0.40

2020

Nâng cấp

5

Chợ Xã Việt Vinh

3

3,808

3,808

BKC

5

Chợ Xã Việt Vinh

3

3,808

0.40

2017

Nâng cấp

6

Chợ Xã Quang Minh

3

5,041

5,041

BKC

6

Chợ Xã Quang Minh

3

5,041

0.02

2016

Nâng cấp

7

Chợ Xã Vô Điếm

3

2,700

2,700

BKC

7

Chợ Xã Vô Điếm

3

2,700

0.80

2019

Nâng cấp

8

Chợ Xã Kim Ngọc

3

3,608

3,608

BKC

8

Chợ Xã Kim Ngọc

3

3,608

0.50

2018

Nâng cấp

9

Chợ Xã Bằng Hành

3

1,594

1,594

BKC

9

Chợ Xã Bằng Hành

3

1,594

0.50

2019

Nâng cấp

10

Chợ Xã Liên Hiệp

3

3,500

3,500

BKC

10

Chợ Xã Liên Hiệp

3

3,500

0.70

2018

Xây mới ở chỗ cũ

11

Chợ Xã Đức Xuân

3

2,000

2,000

Lán trại

11

Chợ Xã Đức Xuân

3

2,000

0.40

2017

Nâng cấp

12

Chợ Xã Đồng Tiến

3

2,262

2,262

Lán trại

12

Chợ Xã Đồng Tiến

3

2,262

0.80

2016

Xây mới ở chỗ cũ

13

Chợ Xã Thượng Bình

3

1,636

1,636

Lán trại

13

Chợ Xã Thượng Bình

3

1,685

0.50

2016

Nâng cấp, mở rộng

14

Chợ Xã Đồng Tâm

3

6,300

6,300

BKC

14

Chợ Xã Đồng Tâm

3

6,300

1.00

2016

Xây mới ở chỗ cũ

15

Chợ Xã Hùng An

3

3,474

3,474

BKC

15

Chợ Xã Hùng An

3

3,474

 

 

Giữ nguyên

16

Chợ TT Vĩnh Tuy

3

3,726

3,726

BKC

16

Chợ TT Vĩnh Tuy

3

3,726

0.33

2016

Nâng cấp

17

Chợ Xã Vĩnh Hảo

3

4,000

4,000

Lán trại

17

Chợ Xã Vĩnh Hảo

3

4,000

0.50

2016

Xây mới ở chỗ cũ

18

Chợ Xã Việt Hồng

3

2,928

2,928

BKC

18

Chợ Xã Việt Hồng

3

2,928

0.80

2017

Nâng cấp

19

Chợ Xã Đồng Yên (chợ Phố Cáo)

3

5,712

5,712

BKC

19

Chợ Xã Đồng Yên (chợ Phố Cáo)

3

5,925

0.50

2016

Nâng cấp, mở rộng

20

Chợ Xã Vĩnh Phúc

3

4,975

4,975

BKC

20

Chợ Xã Vĩnh Phúc

3

4,975

0.20

2018

Nâng cấp

21

Chợ Xã Đông Thành

3

3,557

3,557

BKC

21

Chợ Xã Đông Thành

3

3,557

0.80

2016

Xây mới ở chỗ cũ

22

Chợ Xã Tiên Kiều

3

2,154

2,154

BKC

22

Chợ Xã Tiên Kiều

3

2,154

0.80

2017

Xây mới ở chỗ cũ

23

Chợ Xã Hữu Sản

3

2,650

2,650

Lán trại

23

Chợ Xã Hữu Sản

3

2,650

0.40

2018

Nâng cấp

 

 

 

 

 

 

24

Chợ Đầu mối Hùng An

Đầu mối

8,000

46.00

2017

Đầu tư mới

3

Huyện Vị Xuyên

21

54,562

 

 

III

Huyện Vị Xuyên

28

65,762

10.6

 

 

1

Chợ Vạt - xã Việt Lâm

3

6,229

1,130

BKC

1

Chợ Vạt - xã Việt Lâm

3

6,229

 

 

Giữ nguyên

2

Chợ Xã Minh Tân

3

4,028

4,028

BKC

2

Chợ Xã Minh Tân

3

4,028

 

 

Giữ nguyên

3

Chợ Xã Linh Hồ

3

2,900

2,900

BKC

3

Chợ Xã Linh Hồ

3

3,200

1.3

2016

Nâng cấp

4

Chợ Xã Tùng Bá

3

2,600

2,600

BKC

4

Chợ Xã Tùng Bá

3

2,600

 

 

Giữ nguyên

5

Chợ Xã Thuận Hòa

3

2,600

2,600

BKC

5

Chợ Xã Thuận Hòa

3

2,600

 

 

Giữ nguyên

6

Chợ Xã Phú Linh

3

2,988

2,988

BKC

6

Chợ Xã Phú Linh

3

2,988

 

 

Giữ nguyên

7

Chợ Xã Phương Tiến

3

948

216

BKC

7

Chợ Xã Phương Tiến

3

948

 

 

Giữ nguyên

8

Chợ thị trấn Việt Lâm

3

3,000

299

BKC

8

Chợ thị trấn Việt Lâm

3

3,000

 

 

Giữ nguyên

9

Chợ xã Thượng Sơn

3

1,860

1,860

BKC

9

Chợ xã Thượng Sơn

3

1,860

 

 

Giữ nguyên

10

Chợ Xã Cao Bồ

3

 

 

Lán trại

10

Chợ Xã Cao Bồ

3

700

2.5

2020

Xây mới ở chỗ cũ

11

Chợ xã Bạch Ngọc

3

4,455

4,455

BKC

11

Chợ xã Bạch Ngọc

3

4,455

 

 

Giữ nguyên

12

Chợ Xã Ngọc Minh

3

1,500

1,500

BKC

12

Chợ Xã Ngọc Minh

3

1,500

 

 

Giữ nguyên

13

Chợ xã Trung Thành

3

2,700

2,700

BKC

13

Chợ xã Trung Thành

3

2,700

 

 

Giữ nguyên

14

Chợ Xã Phong Quang

3

2,000

2,000

BKC

14

Chợ Xã Phong Quang

3

2,000

 

 

Giữ nguyên

15

Chợ xã Đạo Đức

3

2,181

2,181

BKC

15

Chợ xã Đạo Đức

3

2,181

 

 

Giữ nguyên

16

Chợ thị trấn Vị Xuyên

3

6,000

6,000

KC

16

Chợ thị trấn Vị Xuyên

3

6,000

 

 

Giữ nguyên

17

Chợ Xã Lao Chải

3

1,553

1,553

BKC

17

Chợ Xã Lao Chải

3

1,553

 

 

Giữ nguyên

18

Chợ Xã Ngọc Linh

3

1,906

1,906

BKC

18

Chợ Xã Ngọc Linh

3

1,906

 

 

Giữ nguyên

19

Chợ xã Kim Linh

3

1,559

1,559

Lán trại

19

Chợ xã Kim Linh

3

1,559

 

 

Giữ nguyên

20

Chợ Xã Thanh Thủy

3

2,255

2,255

BKC

20

Chợ Xã Thanh Thủy

3

2,255

 

 

Giữ nguyên

21

Chợ xã Kim Thạch

3

1,300

1,300

BKC

21

Chợ xã Kim Thạch

3

1,300

1.7

2017

Di dời

 

 

 

 

 

 

24

Chợ xép khu TĐC Bình Vàng

3

400

2017

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

22

Chợ Gia súc thị trấn Việt Lâm

3

3,500

1.8

2017

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

23

Chợ Gia súc thị trấn Minh Tân

3

3,000

2017

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

25

Chợ xép Km 17

3

300

1.5

2019

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

26

Chợ xép Km 24

3

500

2019

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

27

San ủi mặt bằng chợ Xín Chải

3

1,000

1.8

2018

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

28

San ủi MB chợ Quảng Ngần

3

1,500

2017

Đầu tư mới

4

Huyện Mèo Vạc

9

23,660

23,660

 

IV

Huyện Mèo Vạc

10

37,880

87.4

 

 

1

Chợ Trung tâm huyện Mèo Vạc

2

9,100

9,100

KC

1

Chợ Trung tâm huyện Mèo Vạc

2

9,100

 

 

Giữ nguyên

2

Chợ Xã Lũng Pù

3

1,790

1,790

BKC

2

Chợ Xã Lũng Pù

3

1,800

1.5

2018

Nâng cấp

3

Chợ Xã Sơn Vĩ

3

4,500

4,500

Lán trại

3

Chợ Xã Sơn Vĩ

3

4,500

56.4

2016

Xây mới ở chỗ cũ

4

Chợ Xã Sủng Trà

3

1,540

1,540

BKC

4

Chợ Xã Sủng Trà

3

1,540

 

 

Giữ nguyên

5

Chợ Xã Khâu Vai

3

1,500

1,500

BKC

5

Chợ Xã Khâu Vai

3

2,000

1.5

2018

Nâng cấp, mở rộng

6.

Chợ Xã Xín Cái

3

1,540

1,540

BKC

6

Chợ Xã Xín Cái

3

2,000

1.5

2017

Nâng cấp, mở rộng

7

Chợ mốc 456 Săm Pun - Xã Thượng Phùng

3

1,640

1,640

BKC

7

Chợ mốc 456 Săm Pun - Xã Thượng Phùng

3

1,640

 

 

Giữ nguyên

8

Chợ Xã Niêm Sơn

3

1,000

1,000

BKC

8

Chợ Xã Niêm Sơn

3

3,500

1.5

2018

Nâng cấp, mở rộng

9

Chợ Xã Nậm Ban

3

1,050

1,050

Lán trại

9

Chợ Xã Nậm Ban

3

1,800

10.0

2017

Di dời

 

 

 

 

 

 

10

Chợ Gia súc TT Mèo Vạc

3

10,000

15.0

2017

Đầu tư mới

5

Huyện Đồng Văn

9

47,631

47,309

 

V

Huyện Đồng Văn

9

48,332

55.1

 

 

1

Chợ trung tâm H. Đồng Văn

3

11,920

11,920

KC

1

Chợ trung tâm H. Đồng Văn

2

11,920

42.0

2019

Nâng cấp

2

Chợ Thị trấn Phố Bảng

3

11,652

11,600

BKC

2

Chợ Thị trấn Phố Bảng

3

11,652

 

 

Giữ nguyên

3

Chợ Xã Phố Cáo

3

7,050

7,050

BKC

3

Chợ Xã Phố Cáo

3

7,050

2.7

2017

Nâng cấp

4

Chợ Xã Xà Phìn

3

2,045

2,045

KC

4

Chợ Xã Xà Phìn

3

2,045

1.2

2020

Nâng cấp

5

Chợ Xã Lũng Cú

3

4,440

4,440

KC

5

Chợ Xã Lũng Cú

3

4,440

1.2

2018

Nâng cấp

6

Chợ Xã Ma Lé

3

1,029

1,029

BKC

6

Chợ Xã Ma Lé

3

2,000

1.8

2018

Di dời

7

Chợ Đầu mối Gia súc Lũng Phìn

Đầu mối

7,525

7,525

KC

7

Chợ Đầu mối Gia súc Lũng Phìn

Đầu mối

7,525

2.5

2018

Nâng cấp

8

Chợ Xã Sủng Trái

3

650

650

Lán trại

8

Chợ Xã Sủng Trái

3

650

2.5

2019

Nâng cấp

9

Chợ Xã Sính Lủng

3

1,320

1,050

BKC

9

Chợ Xã Sính Lủng

3

1,050

1.2

2017

Xây mới ở chỗ cũ

6

Huyện Xín Mần

22

37,397

37,397

 

VI

Huyện Xín Mần

22

34,597

71.5

 

 

1

Chợ Xã Nàn Xỉn

3

2,000

2,000

Lán trại

1

Chợ Xã Nàn Xỉn

3

 

1.5

2016

Di dời

2

Chợ Xã Xín Mần

3

2,000

2,000

KC

2

Chợ Xã Xín Mần

3

2,000

1.0

2019

Nâng cấp

3

Chợ Cửa khẩu

3

2,400

2,400

KC

3

Chợ Cửa khẩu

3

2,400

 

 

Giữ nguyên

4

Chợ xã Chí Cà

3

800

800

Lán trại

4

Chợ xã Chí Cà

3

 

1.0

2017

Di dời

5

Chợ Xã Thèn Phàng

3

800

800

Lán trại

5

Chợ Xã Thèn Phàng

3

800

1.0

2017

Xây mới ở chỗ cũ

6

Chợ Km 26

3

2,000

2,000

KC

6

Chợ Km 26

3

2,000

 

 

Giữ nguyên

7

Chợ Xã Bản Díu

3

1,600

1,600

KC

7

Chợ Xã Bản Díu

3

1,600

1.0

2019

Nâng cấp

8

Chợ Xã Pà Vầy Sủ

3

1,000

1,000

KC

8

Chợ Xã Pà Vầy Sủ

3

1,000

1.0

2017

Nâng cấp

9

Chợ Mốc 172

3

1,100

1,100

KC

9

Chợ Mốc 172

3

1,100

 

 

Giữ nguyên

10

Chợ Thị trấn Cốc Pài

3

3,500

3,500

KC

10

Chợ Thị trấn Cốc Pài

3

3,500

62.0

2016

Nâng cấp

11

Chợ Xã Nàn Ma

3

800

800

Lán trại

11

Chợ Xã Nàn Ma

3

800

1.0

2017

Xây mới ở chỗ cũ

12

Chợ Xã Bản Ngò

3

800

800

KC

12

Chợ Xã Bản Ngò

3

800

 

 

Giữ nguyên

13

Chợ Xã Nấm Dẩn

3

1,600

1,600

KC

13

Chợ Xã Nấm Dẩn

3

1,600

 

 

Giữ nguyên

14

Chợ Xã Chế Là

3

1,800

1,800

KC

14

Chợ Xã Chế Là

3

1,800

 

 

Giữ nguyên

15

Chợ Xã Tả Nhìu

3

1,200

1,200

KC

15

Chợ Xã Tả Nhìu

3

1,200

 

 

Giữ nguyên

16

Chợ Xã Cốc Rế

3

1,800

1,800

KC

16

Chợ Xã Cốc Rế

3

1,800

 

 

Giữ nguyên

17

Chợ Xã Thu Tà

3

1,600

1,600

KC

17

Chợ Xã Thu Tà

3

1,600

 

 

Giữ nguyên

18

Chợ Xã Ngán Chiên

3

2,200

2,200

KC

18

Chợ Xã Ngán Chiên

3

2,200

 

 

Giữ nguyên

19

Chợ Xã Trung Thịnh

3

1,200

1,200

Lán trại

19

Chợ Xã Trung Thịnh

3

1,200

2.0

2017

Xây mới ở chỗ cũ

20

Chợ Xã Q.Nguyên

3

2,100

2,100

KC

20

Chợ Xã Q.Nguyên

3

2,100

 

 

Giữ nguyên

21

Chợ Xã Nà Chì

3

3,697

3,697

KC

21

Chợ Xã Nà Chì

3

3,697

 

 

Giữ nguyên

22

Chợ Xã Khuôn Lùng

3

1,400

1,400

KC

22

Chợ Xã Khuôn Lùng

3

1,400

 

 

Giữ nguyên

7

Huyện Yên Minh

14

49,807

21,185

-

VII

Huyện Yên Minh

12

41,092

28.0

 

 

1

Chợ Chợ Xã Phú Lũng

3

2,300

2,300

KC

1

Chợ Chợ Xã Phú Lũng

3

2,798

1.5

2017

Nâng cấp, mở rộng

2

Chợ mốc 358 Xã Bạch Đích

3

7,046

2,177

KC

2

Chợ mốc 358 Xã Bạch Đích

3

7,046

3.5

2018

Nâng cấp

3

Chợ Bản Muồng Xã Bạch Đích

3

850

262

Lán trại

3

Chợ Bản Muồng Xã Bạch Đích

3

850

1.5

2017

Nâng cấp

4

Chợ TT Yên Minh

3

7,200

4,390

KC

4

Chợ TT Yên Minh

2

7,200

9.0

2017

Nâng cấp

5

Chợ Xã Sủng Thài

3

2,300

862

KC

5

Chợ Xã Sủng Thài

3

2,300

1.0

2019

Nâng cấp

6

Chợ Xã Mậu Duệ

3

8,830

2,360

KC

6

Chợ Xã Mậu Duệ

 

 

 

 

Loại bỏ

7

Chợ Xã Mậu Long

3

2,374

735

KC

7

Chợ Xã Mậu Long

3

2,500

1.5

2018

Di dời

8

Chợ Xã Ngọc Long

3

5,008

1,502

KC

8

Chợ Xã Ngọc Long

3

5,008

2.0

2018

Nâng cấp

9

Chợ Xã Lũng Hồ

3

3,000

900

KC

9

Chợ Xã Lũng Hồ

3

3,000

1.0

2019

Nâng cấp

10

Chợ Xã Đường Thượng

3

3,108

1,045

KC

10

Chợ Xã Đường Thượng

 

 

 

 

Loại bỏ

11

Chợ Xã Du Già

3

2,020

606

Lán trại

11

Chợ Xã Du Già

3

2,500

1.5

2019

Nâng cấp, mở rộng

12

Chợ Xã Du Tiến

3

3,239

3,239

KC

12

Chợ Xã Du Tiến

3

3,500

3.0

2019

Di dời

13

Chợ Xã Sủng Tráng

3

1,890

679

Lán trại

13

Chợ Xã Sủng Tráng

3

1,890

1.0

2019

Nâng cấp

14

Chợ Xã Ngam La

3

642

128

Lán trại

14

Chợ Xã Ngam La

3

2,500

1.5

2018

Nâng cấp, mở rộng

8

Huyện Hoàng Su Phì

17

13,008

9,810

-

VIII

Huyện Hoàng Su Phì

18

26,818

28.0

 

 

1

Chợ TT Vinh Quang

3

2,511

2,511

KC

1

Chợ TT Vinh Quang

2

2,511

10.0

2016

Nâng cấp

2

Chợ Xã Bản Máy

3

775.0

350.0

BKC

2

Chợ Xã Bản Máy

3

775

 

 

Di dời

3

Chợ Xã Nậm Dịch

3

738

738

BKC

3

Chợ Xã Nậm Dịch

3

738

1.0

2017

Nâng cấp

4

Chợ Xã Thông Nguyên

3

956.3

956.3

BKC

4

Chợ Xã Thông Nguyên

3

956

1.0

2019

Nâng cấp

5

Chợ Xã Hồ Thầu

3

1,387.9

350.0

BKC

5

Chợ Xã Hồ Thầu

3

1,388

 

 

Giữ nguyên

6

Chợ Xã Túng Sán

3

170.0

170.0

BKC

6

Chợ Xã Túng Sán

3

170

 

 

Giữ nguyên

7

Chợ Xã Nàng Đôn

3

150.0

150.0

Lán trại

7

Chợ Xã Nàng Đôn

 

 

 

 

Loại bỏ

8

Chợ Xã Bản Phùng

3

100.0

100.0

BKC

8

Chợ Xã Bản Phùng

3

1,300

 

 

Giữ nguyên

9

Chợ Xã Chiến Phố

3

200.0

200.0

Lán trại

9

Chợ Xã Chiến Phố

3

200

 

 

Giữ nguyên

10

Chợ Km 16 Mỏ Phìn xã Chiến Phố

3

1,100.0

500.0

BKC

10

Chợ Km 16 Mỏ Phìn xã Chiến Phố

3

1,100

0.5

2016

Di dời

11

Chợ Xã Tả Sử Choóng

3

100.0

100.0

Tạm

11

Chợ Xã Tả Sử Choóng

3

1,000

1.5

2017

Di dời

12

Chợ Xã Pờ Ly Ngài

3

1,513.0

378.0

BKC

12

Chợ Xã Pờ Ly Ngài

3

1,513

 

 

Giữ nguyên

13

Chợ Mốc 227- xã Thàng Tín

3

1,800

1,800

BKC

13

Chợ Mốc 227- xã Thàng Tín

3

1,800

 

 

Giữ nguyên

14

Chợ gia súc TT Vinh Quang

3

360

360

KC

14

Chợ gia súc TT Vinh Quang

3

360

 

 

Giữ nguyên

15

Chợ Xã Bản Nhùng

3

 

 

Tạm

15

Chợ Xã Bản Nhùng

3

450

1.5

2018

Di dời

16

Chợ Xã Tân Tiến

3

1,147

1,147

Tạm

16

Chợ Xã Tân Tiến

3

1,147

 

 

Giữ nguyên

17

Chợ ngã ba đồn Thàng Tín

3

 

 

Tạm

17

Chợ ngã ba đồn Thàng Tín

3

1,000

 

 

Giữ nguyên

 

 

 

 

 

 

18

Chợ Đầu mối Km 38 - Nậm Ty

2

10,000

11.0

2017

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

19

Chợ Sán Sả Hồ

3

410

1.5

2020

Đầu tư mới

9

Huyện Quang Bình

12

45,731

45,731

-

IX

Huyện Quang Bình

12

45,731

18.0

 

 

1

Chợ Xã Bằng Lang

3

2,091

2,091

BKC

1

Chợ Xã Bằng Lang

3

2,091

2

2017

Nâng cấp

2

Chợ Xã Xuân Giang

3

3,450

3,450

BKC

2

Chợ Xã Xuân Giang

3

3,450

1

2016

Nâng cấp

3

Chợ Xã Tân Trịnh

3

6,407.5

6,407.5

Lán trại

3

Chợ Xã Tân Trịnh

3

6,407.5

1.0

2016

Di dời

4

Chợ Xã Tân Bắc

3

1,900.0

1,900.0

BKC

4

Chợ Xã Tân Bắc

3

1,900.0

2.0

2017

Nâng cấp

5

Chợ Xã Tân Nam

3

1,149.5

1,149.5

BKC

5

Chợ Xã Tân Nam

3

1,149.5

1.0

2020

Nâng cấp

6

Chợ Xã Xuân Minh

3

1,200

1,200

BKC

6

Chợ Xã Xuân Minh

3

1,200

1

2020

Nâng cấp

7

Chợ Xã Tiên Nguyên

3

2,000.0

2,000.0

BKC

7

Chợ Xã Tiên Nguyên

3

2,000.0

2.0

2019

Nâng cấp

8

Chợ Xã Vĩ Thượng

3

6,000

6,000

BKC

8

Chợ Xã Vĩ Thượng

3

6,000

1

2018

Nâng cấp

9

Chợ Xã Hương Sơn

3

4,274

4,274

Lán trại

9

Chợ Xã Hương Sơn

3

4,274

2

2017

Nâng cấp

10

Chợ Xã Yên Hà

3

3,600

3,600

BKC

10

Chợ Xã Yên Hà

3

3,600

1

2019

Nâng cấp

11

Chợ Xã Nà Khương

3

9,000

9,000

Lán trại

11

Chợ Xã Nà Khương

3

9,000

2

2018

Nâng cấp

12

Chợ TT Yên Bình

3

10,200

10,200

KC

12

Chợ TT Yên Bình

2

10,200

2

2017

Nâng cấp

10

Huyện Bắc Mê

12

18,373

18,373

-

X

Huyện Bắc Mê

14

21,373

10.0

 

 

1

Chợ Trung Tâm - TT Yên Phú

3

2,500

2,500

KC

 

Chợ Trung Tâm - TT Yên Phú

3

2,500

 

 

Giữ nguyên

2

Chợ Xã Yên Định

3

2,000

2,000

KC

 

Chợ Xã Yên Định

3

2,000

 

 

Giữ nguyên

3

Chợ Minh Ngọc xã Yên Định

3

1,600

1,600

KC

 

Chợ Minh Ngọc xã Yên Định

3

1,600

 

 

Giữ nguyên

4

Chợ Xã Thượng Tân

3

1,500

1,500

BKC

 

Chợ Xã Thượng Tân

3

1,500

 

 

Giữ nguyên

5

Chợ Xã Minh Sơn

3

1,500

1,500

BKC

 

Chợ Xã Minh Sơn

3

1,500

2.0

2019

Xây mới ở chỗ cũ

6

Chợ Phia Vèn, Xã Lạc Nông

3

260

260

BKC

 

Chợ Phia Vèn, Xã Lạc Nông

3

260

 

 

Giữ nguyên

7

Chợ Xã Giáp Trung

3

1,700

1,700

BKC

 

Chợ Xã Giáp Trung

3

1,700

 

 

Giữ nguyên

8

Chợ Xã Yên Cường

3

1,513

1,513

BKC

 

Chợ Xã Yên Cường

3

1,513

 

 

Giữ nguyên

9

Chợ Pắc Mìa, Thị trấn Yên Phú

3

200

200

Tạm

 

Chợ Pắc Mìa, Thị trấn Yên Phú

3

200

2.0

2018

Xây mới ở chỗ cũ

10

Chợ Xã Phiêng Luông

3

3,600

3,600

BKC

 

Chợ Xã Phiêng Luông

3

3,600

2.0

2018

Nâng cấp

11

Chợ Xã Đường Âm

3

1,500

1,500

BKC

 

Chợ Xã Đường Âm

3

1,500

 

 

Giữ nguyên

12

Chợ Xã Đường Hồng

3

500

500

Lán trại

 

Chợ Xã Đường Hồng

3

500

2.0

2016

Xây mới ở chỗ cũ

 

 

 

 

 

 

 

Chợ Xã Phú Nam

3

1,500

1.0

2017

Đầu tư mới

 

 

 

 

 

 

 

Chợ Xã Yên Phong

3

1,500

1.0

2019

Đầu tư mới

11

Huyện Quản Bạ

13

32,500

32,500

-

XI

Huyện Quản Bạ

13

32,500

103.7

 

 

1

Chợ TT Tam Sơn

3

4,500

4,500

KC

 

Chợ TT Tam Sơn

1

4,500

37.5

2016

Nâng cấp

2

Chợ xã Quyết Tiến

3

3,500

3,500

BKC

 

Chợ xã Quyết Tiến

2

3,500

15.0

2016

Nâng cấp

3

Chợ TT cụm xã Cán tỷ, Tráng Kìm, Đông Hà

3

3,000

3,000

BKC

 

Chợ TT cụm xã Cán tỷ, Tráng Kìm, Đông Hà

2

3,000

3.8

2017

Nâng cấp

4

Chợ xã Lùng Tám

3

2,000

2,000

BKC

 

Chợ xã Lùng Tám

3

2,000

3.0

2017

Nâng cấp

5

Chợ xã Thái An

3

3,000

3,000

Lán trại

 

Chợ xã Thái An

2

3,000

4.5

2017

Xây mới ở chỗ cũ

6

Chợ xã Bát Đại Sơn

3

2,000

2,000

Lán trại

 

Chợ xã Bát Đại Sơn

3

2,000

4.5

2018

Di dời

7

Chợ xã Tùng Vài

3

3,000

3,000

BKC

 

Chợ xã Tùng Vài

3

3,000

7.5

2017

Nâng cấp

8

Chợ TrT cụm xã Nghĩa Thuận

3

3,000

3,000

BKC

 

Chợ TrT cụm xã Nghĩa Thuận

3

3,000

15.0

2016

Di dời

9

Chợ xã Cao Mã Pờ

3

2,000

2,000

Lán trại

 

Chợ xã Cao Mã Pờ

3

2,000

3.0

2018

Di dời

10

Chợ xã Cán tỷ

3

1,500

1,500

BKC

 

Chợ xã Cán tỷ

3

1,500

2.3

2018

Xây mới ở chỗ cũ

11

Chợ xã Thanh Vân

3

1,000

1,000

BKC

 

Chợ xã Thanh Vân

3

1,000

2.3

2019

Xây mới ở chỗ cũ

12

Chợ xã Quản Bạ

3

2,000

2,000

BKC

 

Chợ xã Quản Bạ

3

2,000

2.3

2010

Xây mới ở chỗ cũ

13

Chợ xã Tả Ván

3

2,000

2,000

BKC

 

Chợ xã Tả Ván

3

2,000

3.0

2019

Xây mới ở chỗ cũ

 

BIỂU 2

HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ CHỢ VÀ DỰ KIẾN CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ

STT

Tên chợ/địa chỉ

Số biên chế

Loại hình quản lý chợ

Dự kiến thời gian chuyển đổi (MHQL)

Ghi chú

BQL

Tổ quản lý

DN/HTX

I

Huyện Hoàng Su Phì

 

 

 

 

 

 

1

Chợ TM thị trấn Vinh Quang

 

1

 

 

2018-2020

 

2

Chợ xã Bản Máy

 

 

1

 

 

 

3

Chợ Nậm Dịch

 

 

1

 

 

 

4

Chợ xã Thông Nguyên

 

 

1

 

 

 

5

Chợ xã Hồ Thầu

 

 

1

 

 

 

6

Chợ xã Túng Sán

 

 

1

 

 

 

7

Chợ xã Nàng Đôn

 

 

1

 

 

 

8

Chợ xã Bản Phùng

 

 

1

 

 

 

9

Chợ xã Chiến Phố

 

 

1

 

 

 

10

Chợ KM 16 xã Chiến Phố

 

 

1

 

 

 

11

Chợ xã Tải Sử Choóng

 

 

1

 

 

 

12

Chợ xã Pờ Ly Ngài

 

 

1

 

 

 

13

Chợ biên mậu xã Thàng Tín

 

 

1

 

 

 

14

Chợ gia súc TT Vinh Quang

 

1

 

 

 

 

15

Chợ xã Bản Nhùng

 

 

1

 

 

 

16

Chợ xã Tân Tiến

 

 

1

 

 

 

17

Chợ ngã ba đồn Thàng Tín

 

 

1

 

 

 

II

Huyện Quang Bình

 

 

 

 

 

 

1

Chợ xã Bằng Lang

5

1

 

 

 

 

2

Chợ xã Xuân Giang

5

1

 

 

 

 

3

Chợ xã Tân Trịnh

3

1

 

 

 

 

4

Chợ xã Tân Bắc

3

1

 

 

 

 

5

Chợ xã Tân Nam

3

 

1

 

 

 

6

Chợ xã Xuân Minh

3

 

1

 

 

 

7

Chợ xã Tiên Nguyên

3

 

1

 

 

 

8

Chợ xã Vĩ Thượng

5

1

 

 

 

 

9

Chợ xã Hương Sơn

3

 

1

 

 

 

10

Chợ xã Yên Hà

3

1

 

 

 

 

11

Chợ xã Nà Khương

3

 

1

 

 

 

12

Chợ TT Yên Bình

7

1

 

 

2017-2018

 

III

Huyện Mèo Vạc

 

 

 

 

 

 

1

Chợ trung tâm TT Mèo Vạc

6

1

 

 

2017-2018

 

2

Chợ xã Lũng Pù

 

 

 

 

 

 

3

Chợ xã Sơn Vĩ

 

 

 

 

 

 

4

Chợ xã Sủng Trà

 

 

 

 

 

đổi công năng

5

Chợ xã Khâu Vai

5

 

1

 

 

 

6

Chợ xã Xín Cái

3

 

1

 

 

 

7

Chợ xã Niêm Sơn

4

 

 

1

 

 

8

Chợ xã Nậm Ban

 

 

 

 

 

 

9

(xã Thượng Phùng)

3

1

 

 

 

 

IV

Huyện Yên Minh

 

 

 

 

 

 

1

Chợ Phú Lũng

3

1

 

 

 

 

2

Chợ Mốc 358 Bạch Đích

4

1

 

 

 

 

3

Chợ Bản Muồng

4

1

 

 

 

 

4

Chợ Bạch Đích

4

1

 

 

 

 

5

Chợ Lao và Chải

2

 

1

 

 

 

6

Chợ TT Yên Minh

3

1

 

 

2018-2020

 

7

Chợ Sủng Thài

2

 

1

 

 

 

8

Chợ Mậu Duệ

4

1

 

 

 

 

9

Chợ Mậu Long

3

1

 

 

 

 

10

Chợ Ngọc Long

3

1

 

 

 

 

11

Chợ Lũng Hồ

3

1

 

 

 

 

12

Chợ Đường Thượng

3

 

1

 

 

 

13

Chợ Du Già

3

1

 

 

 

 

14

Chợ Du Tiến

3

 

1

 

 

 

15

Chợ Sủng Cháng

3

 

1

 

 

 

16

Chợ Ngam La

2

 

1

 

 

 

V

Huyện Xín Mần

 

 

 

 

 

 

1

Chợ xã Nàn Sỉn

4

 

1

 

 

 

2

Chợ xã Xín Mần

4

 

1

 

 

 

3

Chợ cửa khẩu

3

 

1

 

 

 

4

Chợ xã Chí Cà

3

 

1

 

 

 

5

Chợ xã Thèn Phàng

 

 

1

 

 

 

6

Chợ KM 26

4

 

1

 

 

 

7

Chợ xã Bản Díu

3

1

 

 

 

 

8

Chợ xã Pà Vầy Sủ

 

 

1

 

 

 

9

Chợ mốc 172

4

 

1

 

 

 

10

Chợ TT Cốc Pài

4

1

 

 

2017-2018

 

11

Chợ xã Nàn Ma

3

 

1

 

 

 

12

Chợ xã Bản Ngò

3

 

1

 

 

 

13

Chợ xã Nấm Dẩn

3

1

 

 

 

 

14

Chợ xã Chế Là

3

 

1

 

 

 

15

Chợ xã Tả Nhìu

3

 

1

 

 

 

16

Chợ xã Cốc Rế

3

 

1

 

 

 

17

Chợ xã Thu Tà

3

 

1

 

 

 

18

Chợ xã Ngán Chiên

3

 

1

 

 

 

19

Chợ xã Trung Thịnh

3

 

1

 

 

 

20

Chợ xã Quảng Nguyên

3

1

 

 

 

 

21

Chợ xã Nà Chì

5

 

 

1

 

 

22

Chợ xã Khuôn Lùng

3

 

1

 

 

 

VI

Huyện Đồng Văn

 

 

 

 

 

 

1

Chợ Phố Cáo

11

1

 

 

 

 

2

Chợ Sính Lủng

10

1

 

 

 

 

3

Chợ Lũng Phìn

18

1

 

 

 

 

4

Chợ Lũng Cú

8

1

 

 

 

 

5

Chợ Ma Lé

7

1

 

 

 

 

6

Chợ Trung tâm huyện

11

1

 

 

2017-2018

 

7

Chợ Sủng Trái

5

1

 

 

 

 

8

Chợ TT Phó Bảng

8

1

 

 

 

 

9

Chợ Sà Phìn

11

1

 

 

 

 

VII

Huyện Bắc Mê

 

 

 

 

 

 

1

Chợ xã Đường Hồng

3

1

 

 

 

 

2

Chợ xã Phú Nam

 

 

 

 

 

Chưa được ĐTXD

3

Chợ xã Yên Phong

3

1

 

 

 

 

4

Chợ xã Phiên Luông

3

1

 

 

 

 

5

Chợ xã Minh Sơn

3

1

 

 

 

 

6

Chợ thôn Pắc Mìa - TT Yên Phú

3

1

 

 

 

 

7

Chợ trung tâm huyện Bắc Mê

5

 

 

1

 

 

8

Chợ xã Yên Định

3

1

 

 

 

 

9

Chợ xã Minh Ngọc

5

1

 

 

 

 

10

Chợ xã Thượng Tân

3

1

 

 

 

 

11

Chợ xã Lạc Nông

3

1

 

 

 

 

12

Chợ xã Giáp Trung

3

1

 

 

 

 

13

Chợ xã Yên Cường

3

1

 

 

 

 

14

Chợ xã Đường Âm

3

1

 

 

 

 

VIII

Huyện Bắc Quang

 

 

 

 

 

 

1

Chợ Trung tâm huyện

15

1

 

 

2017-2018

 

2

Chợ Thủy Vôi

1

 

 

 

 

3

Chợ Tân Quang

3

1

 

 

 

 

4

Chợ Tân Lập

3

1

 

 

 

 

5

Chợ Việt Vinh

3

1

 

 

 

 

6

Chợ Quang Minh

3

1

 

 

 

 

7

Chợ Vô Điếm

3

1

 

 

 

 

8

Chợ Kim Ngọc

3

1

 

 

 

 

9

Chợ Bằng Hành

3

1

 

 

 

 

10

Chợ Liên Hiệp

3

1

 

 

 

 

11

Chợ Đức Xuân

3

1

 

 

 

 

12

Chợ Đồng Tiến

3

1

 

 

 

 

13

Chợ Thượng Bình

3

1

 

 

 

 

14

Chợ Đồng Tâm

3

1

 

 

 

 

15

Chợ Hùng An

7

1

 

 

 

 

16

Chợ Vĩnh Tuy

3

1

 

 

 

 

17

Chợ Vĩnh Hảo

3

1

 

 

 

 

18

Chợ Việt Hồng

3

1

 

 

 

 

19

Chợ Đồng Yên (chợ phố cáo)

5

1

 

 

 

 

20

Chợ Vĩnh Phúc

3

1

 

 

 

 

21

Chợ Đông Thành

3

1

 

 

 

 

22

Chợ Tiên Kiều

3

1

 

 

 

 

23

Chợ Hữu Sản

3

1

 

 

 

 

IX

Huyện Quản Bạ

 

 

 

 

 

 

1

Chợ Thị trấn Tam Sơn

4

 

 

1

 

 

2

Chợ xã Quyết Tiến

3

1

 

 

 

 

3

Chợ Tráng Kìm xã Đông Hà

3

1

 

 

 

 

4

Chợ xã Lùng Tám

3

1

 

 

 

 

5

Chợ xã Thái An

3

1

 

 

 

 

6

Chợ xã Bát Đại Sơn

3

1

 

 

 

 

7

Chợ xã Tùng Vài

3

1

 

 

 

 

8

Chợ xã Nghĩa Thuận

3

1

 

 

 

 

9

Chợ xã Cao Mã Pờ

3

1

 

 

 

 

10

Chợ xã Cán Tỷ

 

 

 

 

 

 

11

Chợ xã Thanh Vân

 

 

 

 

 

 

12

Chợ xã Quản Bạ

 

 

 

 

 

 

13

Chợ xã Tả Ván

 

 

 

 

 

 

X

Huyện Vị Xuyên

 

 

 

 

 

 

1

Chợ Lao Chải

 

1

 

 

 

 

2

Chợ Thanh Thủy

 

 

 

 

 

 

3

Chợ Phương Tiến

 

 

 

 

 

 

4

Chợ Phong Quang

 

 

 

 

 

 

5

Chợ Thuận Hòa

 

 

 

 

 

 

6

Chợ Minh Tân

 

1

 

 

 

 

7

Chợ Tùng Bá

 

 

 

 

 

 

8

Chợ Kim Linh

 

1

 

 

 

 

9

Chợ Kim Thạch

 

 

 

 

 

 

10

Chợ Phú Linh

 

 

 

 

 

 

11

Chợ Đạo Đức

 

 

 

 

 

 

12

Chợ Cao Bồ

 

1

 

 

 

 

13

Chợ Ngọc Linh

 

 

 

 

 

 

14

Chợ Linh Hồ

 

 

 

 

 

 

15

Chợ Bạch Ngọc

 

1

 

 

 

 

16

Chợ Trung Thành

 

1

 

 

 

 

17

Chợ Ngọc Minh

 

1

 

 

 

 

18

Chợ Xã Việt Lâm

 

1

 

 

 

 

19

Chợ Thượng Sơn

 

1

 

 

 

 

20

Chợ TT Việt Lâm

 

1

 

 

 

 

21

Chợ TT Vị Xuyên

 

 

 

1

 

 

XI

Thành phố Hà Giang

 

 

 

 

 

 

1

Chợ Trung tâm TP

14

1

 

 

2017-2018

 

2

Chợ Ngọc Hà

5

1

 

 

 

 

3

Chợ Quang Trung

3

1

 

 

 

 

4

Chợ Cầu Trắng

4

1

 

 

 

 

5

Chợ Minh Khai

5

1

 

 

 

 

6

Chợ Phương Thiện

7

1

 

 

 

 

7

Chợ Phương Độ

5

 

1

 

 

 

TỔNG

163

93

46

5

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2589/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020

  • Số hiệu: 2589/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Hà Thị Minh Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản