Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 258/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 29 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA LIÊN NGÀNH 178 TỈNH BÌNH DƯƠNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 17/3/2003;

Căn cứ Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm;

Căn cứ Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm;

Xét đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1218/TTr-LĐTBXH ngày 13/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Văn hóa – Thông tin, Thương mại – Du lịch, Y tế, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các thành viên của Đội Kiểm tra liên ngành 178 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

QUY CHẾ

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỄM TRA LIÊN NGÀNH 178 TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 258/2006/QĐ-UBND ngày 29/11/ 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí.

Đội Kiểm tra Liên ngành 178 (Sau đây gọi tắt là Đội 178) do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập, Đội 178 có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Đội hoạt động theo Quy chế do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, các thành viên của Đội hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, dưới sự chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, ma tuý, mại dâm, AIDS và Văn hoá phẩm độc hại của tỉnh. Sở Lao động – Thương binh & Xã hội (Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) là cơ quan thường trực phòng, chống mại dâm chịu trách nhiệm quản lý, điều hành trực tiếp các hoạt động thường xuyên của Đội 178. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cử thành viên tham gia Đội 178 tỉnh có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Đội tham gia công tác theo kế hoạch và theo yêu cầu đột xuất.

Điều 2. Chức năng.

Đội 178 có chức năng giúp Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, AIDS và Văn hoá phẩm độc hại của tỉnh thực hiện chức năng kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính các tệ nạn hoạt động về mại dâm, các cơ sở massage, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trá hình để hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh theo Pháp Lệnh Phòng, chống mại dâm; Nghị quyết 05/CP ngày 29/01/1993 của Chính phủ; Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; Quyết định số 52/2006/QĐ-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 – 2010; Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2006 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm và các văn bản quy định Pháp luật hiện hành.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ của Đội Kiểm tra 178.

1. Đội 178 có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm về việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm; các vấn đề có liên quan đến hoạt động mại dâm, việc sử dụng lao động, khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động và các quy định pháp luật có liên quan khác, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực mại dâm trên địa bàn tỉnh.

2. Trường hợp cần thiết, Đội Trưởng Đội 178 quyết định việc kiểm tra đột xuất trong các trường hợp sau:

- Có đơn thư phản ánh, tố cáo về tình hình hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

- Theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan (Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá – Thông tin, Thương mại và Du lịch, Y tế) hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp. Đội Trưởng chịu trách nhiệm về quyết định kiểm tra của mình và phải báo cáo bằng văn bản kết quả kiểm tra đột xuất cho Thủ trưởng trực tiếp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3. Xây dựng Chương trình, kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện.

4. Đề xuất, kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cấp có thẩm quyền về biện pháp quản lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật do Đội kiểm tra phát hiện lập biên bản.

5. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Đội Kiểm tra Liên ngành cấp dưới trong việc thực hiện Chương trình, kế hoạch kiểm tra.

6. Thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ (quý, 6 tháng, 1 năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện công tác kiểm tra của Đội.

Điều 4. Quyền hạn của Đội Kiểm tra 178.

1. Được quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân bị kiểm tra cung cấp tình hình, số liệu, tài liệu và trả lời các vấn đề liên quan đến việc kiểm tra.

2. Liên hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, thu thập thông tin phục vụ cho công tác kiểm tra.

3. Đối với những hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Đội hoặc hành vi có dấu hiệu của tội phạm thì Đội phải lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính và xử lý các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và chuyển biên bản, những tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện dùng để vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

4. Được quyền lập biên bản vi phạm Pháp luật trên lĩnh vực về sử dụng lao động, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở massage, các quán cà phê, giải khát trá hình… lợi dụng để hoạt động mại dâm.

5. Được quyền tạm giữ các tang vật, phương tiện có liên quan đến hoạt động mại dâm và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực theo quy định của Pháp luật.

6. Được quyền lập biên bản và tạm giữ người hoạt động quả tang về mại dâm không nơi cư trú nhất định, chuyển Thủ trưởng cơ quan Công an cấp huyện, thị xã nơi hoạt động quả tang về mại dâm quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo Nghị định số 43/2005/NĐ–CP ngày 05/4/2005 của Chính phủ; Thông tư Liên tịch số 31/2005/TTLT ngày 25/10/2005 của Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 43/2005/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản quy định Pháp luật hiện hành.

7. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính và trên cơ sở bàn bạc thống nhất với các thành viên trong Đội 178, Đội trưởng đề nghị bằng văn bản về hình thức mức xử phạt, biện pháp xử lý vi phạm hành chính và gửi kèm hồ sơ vi phạm hành chính đến cấp thẩm quyền xử lý, xem xét quyết định.

8. Đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì Đội 178 phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

9. Khi có quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 49 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Đội 178 được quyền khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các cơ sở dịch vụ hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh.

10. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên của Đội phải thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn được giao; không gây khó khăn, cản trở cho hoạt động bình thường của cơ sở bị kiểm tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên về các quyết định xử lý vi phạm của mình.

Chương III

TỔ CHỨC BỘ MÁY, KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 5. Tổ chức bộ máy.

Đội Kiểm tra Liên ngành 178 tỉnh có 1 Đội trưởng và từ 1 đến 2 Đội phó, các thành viên của Đội gồm các thành phần sau:

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh, Cơ quan chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội): Lãnh đạo Chi cục làm Đội Trưởng, 1 Đội Phó làm tham mưu giúp việc cho Đội Trưởng và 2 Đội viên;

2. Công an tỉnh.

a) Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự - Xã hội (PC14): 1 Đội Phó là lãnh đạo Phòng và 2 Đội viên.

b) Phòng cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự - Xã hội (PC13): 2 Đội viên.

3. Sở Văn hoá – Thông tin: 1 Đội viên.

4. Sở Thương mại và Du lịch: 1 Đội viên.

5. Sở Y tế: 1 Đội viên.

6. Văn phòng làm việc của Đội 178 đặt tại Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

7. Lãnh đạo Đội và các thành viên của Đội do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký Quyết định đề bạt, miễn nhiệm, trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sau khi đã trao đổi và thống nhất với cơ quan quản lý trực tiếp của thành viên đó.

8. Thẻ kiểm tra của các thành viên Đội 178 do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp.

Điều 6. Đội 178 được trang bị các phương tiện, thiết bị chuyên dùng và vũ khí để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định hiện hành. Đội 178 sử dụng con dấu của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 7. Về kinh phí hoạt động của Đội.

- Kinh phí hoạt động của Đội 178 tỉnh Bình Dương được duyệt theo dự toán hàng năm của Đội, chủ yếu được sử dụng từ nguồn thu xử phạt hành chính do Đội 178 tỉnh lập biên bản, được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép để lại sử dụng và được phân bổ về tài khoản của Chi cục Phòng, chống tệ nạn Xã hội cụ thể như sau:

- Trích 20% để khen thưởng thường xuyên, đột xuất; phụ cấp làm ngoài giờ, thêm giờ, kiểm tra vào ban đêm, ngày lễ, ngày nghỉ…

- Trích 30% chi cho mua sắm trang, thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra.

- Trích 50% còn lại chi hỗ trợ cho công tác kiểm tra như: chi phí xăng dầu, công tác phí, các chi phí khác phát sinh trong quá trình kiểm tra, hợp đồng thuê phương tiện (xe ô tô) vận chuyển tang vật được tạm giữ…

- Trong trường hợp kinh phí xử phạt hàng năm không đủ chi cho hoạt động của Đội thì Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh trên cơ sở đề nghị của Đội Trưởng Đội 178 đã được cơ quan quản lý về Tài chính thẩm định và đề xuất.

Các nguyên tắc thu, chi của Đội 178 được thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT

Điều 8. Chế độ làm việc.

1. Đội Trưởng là người điều hành mọi hoạt động của Đội 178, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và trước pháp luật toàn bộ hoạt động của Đội về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đội Phó được Đội Trưởng phân công phụ trách một số mặt công tác, chịu trách nhiệm trước Đội Trưởng về phần việc được phân công, đồng thời cùng với Đội Trưởng liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được phân công phụ trách.

2. Đội 178 làm việc theo chế độ tập thể. Trong quá trình kiểm tra, các thành viên trong Đội có sự bàn bạc, trao đổi để thống nhất về kế hoạch kiểm tra, các biện pháp xử lý hành chính như: tạm giữ người, tang vật, các giấy tờ có liên quan đến các hoạt động kinh doanh, mại dâm… kiến nghị các hình thức xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Khi đi kiểm tra, Đội 178 phải có ít nhất từ 3 thành viên trở lên và phải xuất trình thẻ kiểm tra. Nếu phối hợp với các Đội kiểm tra Liên ngành 178 của các huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn, hoặc Đội kiểm tra 814 các cấp thì phải có ít nhất 2 thành viên trong Đội 178 tham gia. Mọi trường hợp kiểm tra phải đảm bảo thành phần cần thiết cho việc lập biên bản, kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm khi thi hành nhiệm vụ.

4. Hàng tháng, quý, Đội 178 họp toàn Đội để đề ra kế hoạch công tác và báo cáo kết quả công tác với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; hàng quý, 6 tháng, năm phải báo cáo kết quả công tác với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 9. Mối quan hệ công tác.

Hàng tháng, quý, 6 tháng, năm Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh và Đội Kiểm tra liên ngành các cấp phải thống nhất xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể nhằm hạn chế việc chồng chéo và kiểm tra trên cùng một địa bàn.

1. Với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực phòng, chống tệ nạn mại dâm).

Đội 178 chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với toàn bộ hoạt động của Đội, chấp hành chế độ báo cáo theo quy định, tham mưu và thực hiện kế hoạch công tác theo nhiệm vụ được giao.

2. Với các sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã.

Đội 178 xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành tỉnh, với các Đội kiểm tra Liên ngành 178 các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và đội Kiểm tra Liên ngành 814 các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đội.

Qua thực tiễn công tác kiểm tra, Đội 178 phát hiện những sai phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm và xử lý theo thẩm quyền, kịp thời kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cơ quan ban, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các cơ sở, dịch vụ kinh doanh trá hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Điều 10. Khen thưởng - Kỷ luật.

Các thành viên trong Đội 178 có thành tích thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác được giao sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành; khi thi hành nhiệm vụ, nếu bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng thì được hưởng chế độ trợ cấp, đền bù theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ; trường hợp gây thiệt hại thì cơ quan nơi người đó công tác có trách nhiệm bồi thường và người đã gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn theo quy định của pháp luật;

Trong khi thi hành nhiệm vụ, Đội 178 và các thành viên trong Đội nếu có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Quy chế này được áp dụng đối với Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh Bình Dương. Các thành viên của Đội 178 tỉnh chấp hành nghiêm túc những quy định trong Quy chế này.

Điều 12. Trong quá trình thực hiện, khi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy chế, thay đổi thành viên cho phù hợp với tình hình thực tế hoặc có khó khăn vướng mắc thì Đội Trưởng Đội 178 tỉnh phải kịp thời báo cáo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trao đổi thống nhất với các Sở, Ngành có liên quan để kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 258/2006/QĐ-UBND về Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 258/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản