Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2571/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 01 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2008 - 2013 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng ngày 24/3/2004;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 62/2006/QĐ-BNN ngày 16/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 125/TTr-SNN ngày 16/9/2008 về việc đề nghị phê duyệt Đề án giống cây trồng Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2013 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2013 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên Đề án:

Đề án giống cây trồng Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2013 và định hướng đến năm 2020.

2. Mục tiêu đề án:

- Cung cấp đủ giống tốt để thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, các chương trình và dự án lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cung ứng giống cho nhu cầu của các địa phương trong và ngoài tỉnh.

- Hoàn thiện bộ máy quản lý để kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với các loài cây trồng chính.

- Nâng cao phẩm chất di truyền, chọn lọc được nhiều giống có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi; nâng cao tính phong phú về loài trong cơ cấu giống cây trồng rừng; nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, nhất là phương pháp nhân giống sinh dưỡng.

- Củng cố nâng cấp vườn ươm, vườn ngân hàng dòng hiện có đủ để cung cấp giống có chất lượng cao cho trồng rừng.

3. Nội dung của đề án:

a) Về sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp:

- Loài cây ưu tiên phát triển: Thông 3 lá, thông ca-ri-bê, kiền kiền, các loài dầu, xoan ta, keo lai, dó trầm, tre trúc, luồng, song mây, xoan chịu hạn, bách xanh, pơ mu…

- Xây dựng hệ thống nguồn giống:

+ Thiết lập vườn ươm trên cơ sở chọn lọc cây trội đối với những loài cây bản địa như bách xanh, pơ mu.

+ Xây dựng rừng giống chuyển hoá đối với những loài cây bản địa như kiền kiền, dầu, cẩm lai… ở các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh.

+ Xây dựng các vườn ngân hàng dòng các loại thông ca-ri-bê, keo lai, luồng… trên địa bàn các huyện và thành phố Đà Lạt.

- Cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống vườn ươm, cơ sở nuôi cấy mô:

+ Nâng cấp 07 vườn ươm cố định.

+ Xây dựng mới 01 cơ sở nuôi cấy mô.

b) Về nghiên cứu giống cây lâm nghiệp:

Điều tra, bình tuyển cây trội làm giống một số loài như: Bách xanh, pơ mu…; khảo nghiệm một số loài như: xoan ta, keo lai, dó trầm, tre trúc, luồng, song mây… để xác định khả năng thích nghi với điều kiện lập địa và từng vùng sinh thái.

4. Các giải pháp chủ yếu:

a) Về tổ chức quản lý:

- Qui hoạch, bố trí vùng trồng rừng, loài cây trồng hợp lý theo vùng sinh thái, theo mục tiêu trồng rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ và có hiệu quả các nguồn giống cây lâm nghiệp trên địa bàn.

- Xây dựng hoàn chỉnh các qui trình, hướng dẫn kỹ thuật đối với các loài cây phổ biến, loài ưu tiên phát triển.

- Tổ chức quản lý giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

b) Về tổ chức sản xuất, cung ứng giống:

- Tổ chức sản xuất, cung ứng đủ giống tốt cho nhu cầu trồng rừng. Chú trọng phát triển giống cây trồng được sản xuất bằng phương pháp vô tính từ nguồn giống có chất lượng cao; quan tâm đến yếu tố đa loài, đa dòng trong trồng rừng.

- Tạo điều kiện cho mạng lưới giống, thông tin giống cây lâm nghiệp hoạt động hiệu quả.

c) Về khoa học và công nghệ:

- Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong vịêc sản xuất giống cây lâm nghiệp nhất là phương pháp nuôi cấy mô.

- Điều tra, tuyển chọn, khảo nghiệm lai tạo giống mới góp phần làm phong phú tập đoàn giống cây trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

d) Về nguồn lực:

- Nguồn lực con người: Đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật viên chuyên về sản xuất giống đảm bảo nhu cầu cho cả mạng lưới giống của tỉnh.

- Nguồn lực giống cây lâm nghiệp: Xây dựng các nguồn giống trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp đủ vật liệu giống cho công tác sản xuất, cung ứng giống; ưu tiên phát triển các nguồn giống có chất lượng cao.

- Đối với vườn ươm: Cải tạo và nâng cấp và mở rộng vườn ươm một cách hợp lý.

đ) Về cơ chế, chính sách:

- Thực hiện chính sách đầu tư, tín dụng và chính sách ưu đãi về đất đai, khuyến khích mọi thành phần kinh tế sử dụng giống tốt trong trồng rừng.

- Xây dựng đơn giá cây giống hợp lý, phù hợp với loài cây trồng, chi phí sản xuất cây giống.

5. Kinh phí thực hiện:

Dự kiến tổng kinh phí giai đoạn 2008 - 2013: 6.940.000.000 đồng (sáu tỷ, chín trăm bốn mươi triệu đồng), trong đó:

- Vốn từ các chương trình dự án Trung ương hỗ trợ: 2.460.000.000 đồng, chiếm 35,45%.

- Vốn địa phương đầu tư: 2.000.000.000 đồng, chiếm 28,82%.

- Vốn của các Công ty, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khác, vốn vay tín dụng, hỗ trợ…: 2.480.000.000 đồng, chiếm 35,73%.

Điều 2. Căn cứ nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng năm và từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu của sản xuất, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt; Giám đốc Vườn Quốc gia: Cát Tiên, Bidoup - Núi Bà; Giám đốc các Công ty Lâm nghiệp, các Lâm trường; Trưởng các Ban Quản lý rừng; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Sĩ Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2571/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Đề án giống cây trồng Lâm nghiệp giai đoạn 2008 - 2013 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 2571/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/10/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Hoàng Sĩ Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản