Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2550/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 19 tháng 10 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025;
Căn cứ Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh;
Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình Hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN SAU CHIẾN TRANH TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2016-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2550/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Sau khi hòa bình lập lại, Quảng Trị được đánh giá là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hậu quả chiến tranh, đứng đầu cả nước về diện tích đất đai bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Với trên 80% dân số sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp thì diện tích đất còn chưa an toàn do ô nhiễm bom mìn tiếp tục tác động lâu dài đến công cuộc xóa đói - giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Báo cáo của dự án khảo sát tác động bom mìn của Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn (BOMICEN) - Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVAF) cho thấy tại 9 huyện thị của tỉnh Quảng Trị còn trên 390.000 ha trong tổng số 479.413 ha đất còn ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn và vật nổ, chiếm trên 83% tổng diện tích toàn tỉnh.
Nhiều kết quả nghiên cứu khác cho thấy 04 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, bom mìn vẫn còn là mối đe dọa lớn đối với sự an toàn của người dân địa phương trong các hoạt động hàng ngày và là một trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn vật nổ đã gây thương vong cho 8.526 người dân Quảng Trị, trong đó có 5.101 người bị thương và 3.425 người chết. Đặc biệt, phần lớn các tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra thường xảy ra với trẻ em (từ 16 tuổi trở xuống) chiếm trên 31% tổng số nạn nhân.
Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền, quân đội và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tập trung mọi nỗ lực xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh để tái định cư, ổn định đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, do mức độ ô nhiễm bom mìn nặng nề và nguồn lực hạn chế, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng đối với tính mạng và cản trở các nỗ lực xóa đói giảm nghèo và phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Trị. Với sự nỗ lực của địa phương và sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành TW, từ năm 1996, tỉnh Quảng Trị là tỉnh đầu tiên được Chính phủ cho phép thí điểm hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có nhiều tổ chức PCPNN hợp tác với tỉnh Quảng Trị triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn như PeaceTrees Vietnam (Hoa Kỳ), Clear Path International (Hoa Kỳ), Mine Advisory Group (Anh), SODI (Đức), APOPO (Bỉ), Norwegian People’s Aid (Na Uy), Roots of Peace (Hoa Kỳ), Catholic Relief Services (Hoa Kỳ), Danish Demining Group (Đan Mạch)... Trong 20 năm qua (1996-2016), bên cạnh sự nỗ lực của Trung ương và địa phương, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng đối với hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị. Tổng nguồn kinh phí tài trợ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn đến nay đã đạt gần 70 triệu USD. Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế đã giúp rà sạch trên 11.000 ha đất bị ô nhiễm nặng, di dời và phá hủy trên 430.000 đơn vị bom mìn. Các chương trình khảo sát, giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái định cư đã làm giảm thiểu các tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, giúp đỡ nạn nhân bom mìn và cộng đồng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm bom mìn vẫn còn nghiêm trọng, kéo dài, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục phải có những nỗ lực lớn hơn nhằm đảm bảo tính mạng, ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI
1.1 Mục đích
- Cụ thể hóa Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 ban hành theo Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chương trình hành động số 26-CTHĐ/TU ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
- Tập trung khắc phục, giải quyết những hạn chế, khó khăn trong giai đoạn 1996-2016 đối với hoạt động bom mìn nhân đạo trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ mới đã xác định; phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
1.2 Yêu cầu
- Bám sát các nội dung cơ bản của Chương trình hành động số 26-CTHĐ/TU ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy Quảng Trị và Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; tham vấn các chiến lược, chương trình hành động bom mìn của các nước, các địa phương trong khu vực.
- Tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của các địa phương và cộng đồng trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn tỉnh.
- Các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình hành động phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
1.3 Phạm vi
Chương trình hành động này được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị.
2.1 Hướng đến mô hình “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm của bom mìn, vật nổ đối với người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
2.2 Tiếp tục giảm thiểu số vụ và số người bị tai nạn do bom mìn gây ra tại tỉnh Quảng Trị, hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.
2.3 Huy động nguồn lực quốc tế, trung ương và địa phương cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn nhằm góp phần xóa đói - giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
3.1. Giai đoạn 2016 - 2020
a. Xây dựng, ban hành và triển khai Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020.
b. Thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài về các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh.
c. Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cá nhân nước ngoài và các tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ, hỗ trợ thực hiện Chương trình hành động của tỉnh.
d. Thành lập Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị nhằm tham mưu Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh về các chính sách, chương trình, kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn và triển khai có hiệu quả các hoạt động lập kế hoạch, điều phối, quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn toàn tỉnh.
e. Nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu của tỉnh để tổng hợp, quản lý dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm và hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan, đơn vị, các tổ chức PCPNN và người dân địa phương.
f. Xây dựng bộ Hướng dẫn hoạt động cấp tỉnh hoặc Quy chuẩn kỹ thuật của tỉnh (SOP) về rà phá bom mìn.
g. Xây dựng hướng dẫn về lồng ghép khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tăng cường lồng ghép các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và các dự án hỗ trợ phát triển nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, tiết kiệm nguồn lực và tránh chồng chéo hoạt động.
h. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thực trạng về hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh cho người dân, đặc biệt là trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hạn chế tối đa các tai nạn, thương tích.
i. Xây dựng và tổ chức triển khai bộ tiêu chí “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm từ bom mìn, vật nổ.
j. Xây dựng hệ thống quản lý và ứng phó với nguy cơ bom mìn vật nổ sót lại sau chiến tranh hoặc hệ thống quản lý rủi ro về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nhằm chủ động giải quyết hậu quả bom mìn theo hướng bền vững.
3.2. Giai đoạn 2020-2025
a. Rà soát Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh giai đoạn 2016-2025, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016-2020, xây dựng ban hành và triển khai Kế hoạch hoạt động giai đoạn 2021-2025.
b. Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến vận động Chính phủ các nước, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cá nhân nước ngoài và các tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ, hỗ trợ thực hiện Chương trình hành động của tỉnh.
c. Hoàn thành khảo sát, rà phá bom mìn, trong đó có bom chùm và những vật nổ nguy hiểm nhất ở độ sâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
d. Phổ cập kiến thức phòng tránh bom mìn cho các đối tượng, các địa bàn trên phạm vi toàn tỉnh.
e. Tiếp tục lồng ghép các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và các dự án hỗ trợ phát triển nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, tiết kiệm nguồn lực và tránh chồng chéo hoạt động.
f. Nhân rộng mô hình các dự án hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tái định cư, phát triển cộng đồng tiến tới các nạn nhân tự hỗ trợ nhau ổn định cuộc sống.
i. Đảm bảo sự kết nối hiệu quả giữa Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC) với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia (VNMAC) và xây dựng hiệu quả cơ chế chia sẻ dữ liệu khảo sát toàn quốc của trung ương đến địa phương và giữa địa phương với trung ương.
j. Hoàn thiện hệ thống quản lý và ứng phó với nguy cơ bom mìn vật nổ sót lại sau chiến tranh hoặc hệ thống quản lý rủi ro về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nhằm chủ động giải quyết hậu quả bom mìn trên địa bàn tỉnh.
k. Hoàn thiện năng lực điều phối hoạt động bom mìn của địa phương trong tổng thể chương trình quốc gia, tiến tới chủ động công tác khắc phục hậu quả bom mìn khi các nguồn viện trợ quốc tế giảm dần.
l. Đảm bảo cơ bản hoàn thành mục tiêu “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm của bom mìn, vật nổ.
4.1. Nguồn vốn vận động viện trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
4.2. Từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương.
4.3. UBND tỉnh đảm bảo cấp một khoản kinh phí đối ứng từ ngân sách khoảng 5% đến 7% tổng kinh phí viện trợ nước ngoài cam kết để phục vụ công tác vận động, quản lý và triển khai các chương trình, dự án.
5.1. Tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh cấp tỉnh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể và các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, vận động thu hút nguồn lực (trong nước và quốc tế), quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án, chương trình.
5.2. Lồng ghép các dự án khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương; hoàn thiện, nhân rộng các mô hình dự án có hiệu quả.
5.3. Đẩy mạnh công tác vận động, thu hút tài trợ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bố trí một nguồn lực phù hợp từ ngân sách địa phương như đã cam kết ở trên để tham gia, hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
5.4. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách, các quy định có liên quan đến hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn theo hướng bền vững.
5.5. Kết nối chương trình hành động của tỉnh với Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương có cùng vấn đề ô nhiễm bom mìn.
6.1. Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh
- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2016-2025.
- Giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động và các Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động.
- Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.
6.2. Sở Ngoại vụ - cơ quan Thường trực BCĐ
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng các đề xuất dự án để vận động kinh phí tài trợ cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì công tác vận động các nhà tài trợ hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
- Tham mưu việc đàm phán, ký kết các khoản viện trợ cho các chương trình, dự án hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
- Quản lý, điều phối các chương trình, dự án hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
6.3 Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh
- Tham mưu công tác quản lý nhà nước các hoạt động kỹ thuật liên quan việc rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
- Chỉ đạo, quản lý, triển khai các hoạt động rà phá bom mìn do lực lượng Quân sự địa phương thực hiện khi được cấp có thẩm quyền cấp phép; quản lý nhà nước đối với các hoạt động rà phá bom mìn do các đơn vị trung ương, các công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng các đề xuất dự án, triển khai các dự án hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh. Chủ trì việc đề xuất địa bàn phục vụ hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ, đảm bảo hài hòa, hiệu quả theo quy định.
6.4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Tham mưu về mặt chính sách trong lĩnh vực quản lý ngành đối với các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và các hoạt động có liên quan.
- Đề xuất và phối hợp thực hiện các hoạt động liên quan đến hợp phần “Hỗ trợ nạn nhân chiến tranh”.
6.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu việc lồng ghép hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vào chương trình phát triển KT-XH của địa phương trình UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xem xét.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ tham mưu việc bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư, vốn đối ứng liên quan đến việc triển khai các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các ngành, địa phương tham mưu việc phê duyệt các chương trình, dự án theo quy định hiện hành.
6.6. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tham mưu, theo dõi tổ chức thực hiện các công việc có liên quan đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động của dự án thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Giáo dục.
- Đề xuất và phối hợp thực hiện các hoạt động liên quan đến hợp phần “Giáo dục phòng tránh bom mìn”, đặc biệt đối với các hoạt động tuyên truyền và giáo dục phòng tránh bom mìn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh.
6.7. Sở Y tế
- Tham mưu, theo dõi tổ chức thực hiện các công việc có liên quan đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động của dự án thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Y tế.
- Đề xuất và phối hợp thực hiện các hoạt động liên quan đến hợp phần “Hỗ trợ nạn nhân bom mìn”, đặc biệt trong công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho các nạn nhân bom mìn.
6.8. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Ngoại vụ trong việc tham mưu, thẩm định việc bố trí vốn đối ứng liên quan đến việc triển khai các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp xây dựng chính sách thu hút, quản lý sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, các hoạt động quản lý và điều phối của Ban chỉ đạo và các cơ quan liên quan; chủ trì công tác tham mưu quản lý tài chính đối với các khoản viện trợ không hoàn lại cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn.
6.9. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ đề xuất các biện pháp tăng cường công tác đối ngoại nhân dân để kêu gọi hỗ trợ các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn; thông qua mối quan hệ đối ngoại nhân dân vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, tài trợ triển khai các chương trình, dự án viện trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
6.10. Các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao, các Sở, Ban, ngành, các địa phương cần tích cực chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát, điều chỉnh bổ sung các dự án rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngành, địa phương; chủ động, tăng cường công tác quan hệ, vận động, thực hiện và quản lý các chương trình, dự án viện trợ PCPNN trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện chương trình này đến UBND tỉnh (thông qua Sở Ngoại vụ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) để xem xét, chỉ đạo thực hiện.
6.11. Các tổ chức quốc tế, chương trình, dự án tham gia vào hoạt động rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh
- Chủ động xây dựng chương trình kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương triển khai các dự án đã được phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ trong công tác định hướng, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
- Tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và quản lý giúp địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động này.
Sở Ngoại vụ (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với BCH Quân sự tỉnh để tham mưu, giúp UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình hành động này, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động; tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.
- 1Kế hoạch 318/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 2Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Định ban hành
- 3Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Kiên Giang ban hành
- 1Quyết định 504/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2016 về tăng cường thực hiện giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 318/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 5Kế hoạch 66/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Định ban hành
- 6Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2020 về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Kiên Giang ban hành
Quyết định 2550/QĐ-UBND năm 2016 về Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, giai đoạn 2016-2025 của tỉnh Quảng Trị
- Số hiệu: 2550/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/10/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Người ký: Nguyễn Đức Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/10/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra