Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2550/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 05 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Kết luận số 01-KL/TU ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XX) về thực hiện Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND thành phố và Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tại Tờ trình số 96/TTr-NCKT ngày 28 tháng 3 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”, với các nội dung chính sau:

I. Mục tiêu của Đề án

1. Mục tiêu tổng quát

a) Mục tiêu phát triển đến năm 2015

Phát triển dịch vụ theo hướng chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn; Phù hợp với WTO, BTA; Tập trung và thứ tự ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng góp phần thúc đẩy khu vực dịch vụ của thành phố phát triển nhanh và bền vững; Đưa Đà Nẵng từng bước trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ giai đoạn 2011-2015 là 16-17%/năm; tỷ trọng GDP của khu vực dịch vụ đến năm 2015 chiếm trên 54,2% trong tổng GDP thành phố.

b) Tầm nhìn đến năm 2020

Đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ lớn; là trung tâm du lịch, phân phối, CNTT - truyền thông, tài chính - ngân hàng và logistic của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cả nước, cũng như của khu vực ASEAN; đồng thời là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ cao, thể thao lớn; tiếp cận và đạt trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển Du lịch

- Tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cả nước, khu vực ASEAN và thế giới;

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của lĩnh vực khách sạn, nhà hàng đạt 18%/năm. Số lượt khách đến với Đà Nẵng năm 2015 đạt khoảng 4 triệu lượt khách, tốc độ tăng trung bình hàng năm giai đoạn 2011-2015 khoảng 18%/năm. Trong đó, khách quốc tế khoảng 1 triệu lượt khách; khách nội địa khoảng 3 triệu lượt khách. Số ngày khách lưu trú bình quân đạt 2,2 ngày. Doanh thu ngành du lịch đến năm 2015 chiếm 9,9% tổng giá trị dịch vụ. Số phòng khách sạn phục vụ lưu trú đến năm 2015 là 16.900 phòng, trong đó tổng số phòng khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao năm 2015 là 9.600 phòng.

b) Phát triển Thương mại

- Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm phân phối lưu chuyển hàng hóa bán buôn và bán lẻ của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên;

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của lĩnh vực thương mại giai đoạn 2011-2015 đạt 12,2%/năm; trong đó tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 20,5 %/năm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bình quân thời kỳ 2011-2015 là 16-17%/năm.

c) Phát triển Công nghệ cao, thông tin, truyền thông

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao, thông tin, truyền thông đạt 23,5%/năm và tốc độ đổi mới công nghệ trung bình đạt 20-30%/năm. Hoàn thành bước đầu hạ tầng và đưa vào khai thác Khu Công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung thành phố.

d) Phát triển Logistics

- Hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics tại miền Trung, lấy thành phố Đà Nẵng là trung tâm Logistics. Trong đó các nhà giao nhận, vận tải sử dụng Cảng Đà Nẵng như là Cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics vào các nước ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương;

- Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ban đầu cho chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics;

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của lĩnh vực Logistics là 14,5%/năm.

e) Phát triển dịch vụ Tài chính, Ngân hàng

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành tài chính, tín dụng là 16%/năm. Tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán 20-25%/năm; tốc độ tăng vốn huy động 20-25%/năm. Tỷ lệ nguồn vốn trung dài hạn/nguồn vốn huy động 30-35%; tốc độ tăng dư nợ cho vay 20-25%/năm. Tín dụng trung, dài hạn duy trì ở mức 40% tổng dư nợ; 100% tổ chức tín dụng kinh doanh có hiệu quả.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm của dịch vụ bảo hiểm là 15%, trong đó: phi nhân thọ 17%/năm, nhân thọ 12%/năm. Đầu tư vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế thành phố tăng trung bình 20%/năm.

g) Phát triển Giáo dục, đào tạo

Phát triển lĩnh vực giáo dục, đào tạo để thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao của khu vực miền Trung và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 16,5%/năm giai đoạn 2011-2015. Phát triển thêm các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề đạt chuẩn quốc gia.

h) Phát triển Y tế

Tập trung đầu tư để Đà Nẵng từng bước trở thành 01 trong 04 trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của lĩnh vực y tế đạt 11%/năm.

II. Nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2011-2015

1. Phát triển Du lịch

- Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất du lịch; liên kết, đa dạng hóa hệ thống các tuyến, tour, điểm, khu du lịch; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế;

- Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện và định chế tổ chức sự kiện quốc tế định kỳ;

- Xây dựng, phát triển, khai thác và quảng bá du lịch Đà Nẵng là điểm đi, đến, mua sắm, lưu trú, tính văn minh hóa và tiện ích trong chuỗi di sản thế giới của khu vực Miền Trung và Hành lang kinh tế Đông Tây;

- Tập trung khai thác loại hình du lịch mà Đà Nẵng có thế mạnh như du lịch núi, sông, biển, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch MICE…

- Phát triển du lịch biển tập trung tại cả ba khu vực: Non Nước - Ngũ Hành Sơn - Bắc Mỹ An; Mỹ Khê - Sơn Trà; Xuân Thiều - Nam Ô - Hải Vân; sớm triển khai Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân và bán đảo Sơn Trà.

- Tập trung đầu tư, xây dựng Khu du lịch Bà Nà và vùng phụ cận trở thành khu nghỉ dưỡng núi đặc trưng, riêng có của thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch tại bán đảo Sơn Trà; phát triển thành điểm đến hấp dẫn và thu hút khách du lịch;

- Phát triển du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác hiệu quả các điểm văn hóa đã được công nhận cấp thành phố, quốc gia...;

- Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch Đà Nẵng ở các lĩnh vực còn hạn chế;

- Quy hoạch hệ thống dịch vụ vui chơi giải trí theo 3 tuyến nội thành - ven biển - ngoại thành, gắn kết với vùng phụ cận là Hội An - Mỹ Sơn, Kỳ Hà - Dung Quất và Lăng Cô - Huế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; tổ chức các sự kiện quy mô lớn;

- Hoàn thiện môi trường du lịch, chú trọng cải thiện tình hình đón và phục vụ khách tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, duy trì trật tự tại các điểm tham quan, tránh tình trạng chèo kéo, phiền nhiễu khách du lịch;

- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch theo tính chuyên môn hóa và trình độ quản lý cao.

- Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến vào các thị trường trọng điểm. Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch của thành phố.

2. Phát triển Thương mại

- Phát triển hệ thống phân phối, mạng lưới bán lẻ hướng đến phục vụ trực tiếp người tiêu dùng tại các khu vực dân cư, và vùng nông thôn ngoại thành;

- Triển khai một số tuyến phố chuyên doanh gồm các cửa hàng đồ hiệu, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi phục vụ kéo dài về đêm... ở các khu vực trung tâm;

- Đầu tư phát triển mới các trung tâm thương mại, bách hóa tổng hợp, siêu thị ở các khu trung tâm, khu đô thị. Ưu tiên triển khai dự án trung tâm thương mại phức hợp đẳng cấp quốc tế tại sân vận động Chi Lăng;

- Phát triển mạnh xuất khẩu, đồng thời triển khai các Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực như thủy sản, chế biến tinh, gia công phần mềm, cơ khí điện tử, thiết bị viễn thông... Phát triển hệ thống thương mại điện tử. Xây dựng và triển khai đề án thành lập Trung tâm (Sở) giao dịch hàng hóa cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đẩy mạnh công tác giám sát hệ thống phân phối, chống hàng giả, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và văn minh thương mại;

- Xây dựng một số doanh nghiệp xuất khẩu mạnh của thành phố cả 2 khu vực FDI và trong nước;

- Xây dựng và triển khai thực hiện các các chính sách xúc tiến thương mại, chương trình hợp tác đầu tư, phát triển thương mại với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, khu vực ASEAN và một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

3. Phát triển Công nghệ cao, công nghệ thông tin, truyền thông

- Hỗ trợ, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyển giao, chuyển đổi, sử dụng công nghệ cao và đầu tư vào các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung của thành phố.

- Hoàn thiện việc xây dựng đề án chính quyền điện tử theo tiến độ và kế hoạch đến 2015 để làm nền tảng phát triển dịch vụ truyền thông;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển và khai thác hạ tầng viễn thông băng rộng, đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông - CNTT. Tăng cường việc hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm sử dụng chung một phần mạng lưới, công trình, thiết bị viễn thông bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả;

- Tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả dự án CNTT và Truyền thông thành phố, đối với các gói thầu và các hạng mục phục vụ việc cung cấp hạ tầng và dịch vụ CNTT cho các tổ chức công dân theo Mô hình chính quyền điện tử đã được phê duyệt đến 2015;

- Ưu tiên bố trí kinh phí cho chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các tập đoàn đa quốc gia vào Khu Công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung thành phố; nâng cấp trường cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt Hàn thành trường đại học Công nghệ thông tin.

- Tập trung sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA cho các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT, trong đó chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng và mở rộng mạng băng rộng đến các phường, xã và hoàn thiện mạng viễn thông dùng riêng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đến phường, xã để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và thúc đẩy ứng dụng CNTT.

4. Phát triển Logistics

- Thành lập Ban tư vấn dịch vụ Logistics trực thuộc thành phố để quản lý chuyên ngành về Logistics;

- Nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trạm trung chuyển, dừng chân, kho hàng... để phục vụ cho chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics;

- Cải tạo, xây dựng, chuyển chức năng bến bãi hiện có và xây dựng các bến bãi mới để hình thành mạng lưới giao thông tĩnh, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông công cộng và đỗ xe cá nhân trong đô thị. Ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và trên cao tại khu trung tâm, khu đô thị đã ổn định;

- Phối hợp với các địa phương miền Trung, Bộ, ngành Trung ương xây dựng hệ thống giao thông đường bộ: Kết nối đường bộ các khu công nghiệp, khu kinh tế miền Trung; kết nối đường bộ các cửa khẩu phía Tây (Bờ Y, Đắc Ốc, Lao Bảo) với khu kho bãi ICD Hòa Nhơn;

- Nâng cấp và hiện đại hóa giao thông đường sắt, đường hàng không tại nút giao thông thành phố Đà Nẵng, kết nối các ga đường sắt, hàng không với khu ICD Hòa Nhơn;

- Nâng cao chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trở thành một trong ba điểm có lưu lượng hành khách và hàng hóa lớn của cả nước để nối với các đường bay nội địa và quốc tế, mở thêm các tuyến đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng;

- Tăng cường giao lưu hàng hóa trên cùng EWEC, tạo điều kiện tốt nhất cho công nghiệp địa phương phát triển… nhằm tạo ra nhu cầu vận tải trong khu vực, cho Logistics phát triển.

5. Phát triển dịch vụ Tài chính, Ngân hàng

- Quy hoạch các địa điểm, vị trí để làm cơ sở xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, các dự án trong lĩnh vực này và xây dựng để trở thành trung tâm tài chính của khu vực Miền Trung;

- Khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng đa dạng, đa tiện ích trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các dịch vụ ngân hàng truyền thống, đồng thời tiếp cận nhanh hoạt động ngân hàng hiện đại có hàm lượng công nghệ cao. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch qua ngân hàng;

- Định hướng dịch vụ bảo hiểm phát triển theo hướng mở rộng các loại hình bảo hiểm, các đối tượng bảo hiểm, nhất là các loại hình phục vụ cho đại đa số người lao động, nhân dân vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị bảo hiểm 100% vốn nước ngoài mở văn phòng hoạt động tại Đà Nẵng;

- Đẩy mạnh phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thẩm định giá, định giá tài sản, chứng khoán… để hướng tới mục tiêu Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

6. Phát triển Giáo dục, đào tạo

- Phát triển thêm các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề đạt chuẩn quốc gia không chỉ phục cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung và một số quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông;

- Mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường lớp mẫu giáo, nhất là ở vùng nông thôn, thông qua một hệ thống trường, lớp đa dạng và một mạng lưới phổ biến kiến thức và tư vấn nuôi dạy trẻ cho các gia đình;

- Khuyến khích mở các loại hình trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo chủ trương xã hội hóa. Tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ Anh văn và một số ngoại ngữ quan trọng khác cho giáo viên và học sinh;

- Khuyến khích các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng) liên kết quốc tế, đào tạo lao động chất lượng cao; khuyến khích các trường, cơ sở giáo dục quốc tế có uy tín, thương hiệu thành lập chi nhánh tại thành phố theo quy hoạch.

7. Phát triển Y tế

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kêu gọi đầu tư từ các nguồn viện trợ của các tổ chức viện trợ nước ngoài… góp phần tăng chỉ số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho ngành kinh tế trong tương lai;

- Tăng cường đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, thành lập các bệnh viện chuyên khoa và trung tâm y tế chuyên ngành theo quy hoạch phát triển mạng lưới y tế đến năm 2020, nhất là bệnh viện ung thư, lão khoa, tim mạch... đáp ứng nhu cầu khám và điều trị các bệnh chuyên khoa đang có xu hướng tăng nhanh; ứng dụng các kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh;

- Mở rộng và đẩy mạnh dịch vụ du lịch y tế, từng bước thành lập các khoa khám chữa bệnh quốc tế tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa… tiến đến thành lập Bệnh viện Quốc tế giai đoạn đến năm 2020;

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa y tế, phát triển các bệnh viện tư, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân cả về số lượng và chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh;

- Xây dựng các gói dịch vụ y tế theo định hướng công bằng và hiệu quả từ tuyến y tế quận/ huyện đến tuyến y tế thành phố, từ lĩnh vực y tế dự phòng đến lĩnh vực điều trị. Tiếp tục phát triển và nâng cao năng lực của Trung tâm y tế dự phòng của thành phố để làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu, dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các bệnh dịch nguy hiểm và bệnh dịch mới phát sinh;

- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân. Xây dựng và triển khai đề án “Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố” theo mô hình Chuỗi thực phẩm an toàn;

- Nâng cấp trường Cao đẳng kỹ thuật Y tế thành trường Đại học Kỹ thuật Y tế.

8. Phát triển Dịch vụ khác

Triển khai các chính sách và giải pháp phù hợp để phát triển các ngành dịch vụ khác về tư vấn pháp lý, tư vấn quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, dịch vụ khoa học công nghệ, thể dục thể thao... nhằm tạo sự đa dạng và thúc đẩy ngành dịch vụ thành phố phát triển toàn diện hơn.

III. Giải pháp thực hiện

1. Các giải pháp đột phá

a) Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi;

b) Đẩy nhanh tiến độ các dự án dịch vụ trọng điểm;

c) Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động;

d) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ.

2. Các giải pháp hỗ trợ

a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức;

b) Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển dịch vụ;

c) Phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp;

d) Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông;

e) Đẩy mạnh liên kết kinh tế với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện của thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án theo đúng tiến độ đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện và thực tiễn phát sinh, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề cần bổ sung, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- TV TU, TT HĐND thành phố;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Các Sở, ban ngành;
- UBND các quận, huyện;
- Công báo thành phố;
- VP UBND TP: P.QLĐTh, P.QLĐTư, P.KTTH, P.VX, P.TH, P.KTN(2);
- Lưu: VT-LT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2550/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”

  • Số hiệu: 2550/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/04/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Văn Hữu Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản