Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 2548/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TẠO DỰNG HÌNH ẢNH TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại;

Căn cứ Quyết định số 44/2019/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch;

Căn cứ Thông tư 22/2016/TT-BTTTT ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 10 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quy chế số 16-QC/TU ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Tỉnh ủy về việc quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2020 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024;

Căn cứ Quyết định 09/2013/QĐ-UBND ngày ngày 13 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống một cửa điện tử trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

Căn cứ Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 715/KH-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2020 của UBND tỉnh thực hiện Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2024;

Căn cứ Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí lập Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 2173/UBND-NCTH ngày 02 tháng 10 năm 2020 của UBND tỉnh về việc lựa chọn phương án thiết kế hình ảnh tỉnh Hậu Giang và mẫu quà tặng lưu niệm tỉnh Hậu Giang;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản:

1. Định vị hình ảnh Hậu Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

1.1. Định hướng chung

1.1.1. Hình ảnh kỳ vọng của Hậu Giang trong tương lai

- Xây dựng chính quyền thân thiện, cầu thị, minh bạch, mang tinh thần phục vụ Nhân dân, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, thủ tục thông thoáng…

- Định vị du lịch theo hướng sinh thái, văn hóa cộng đồng với bản sắc riêng.

- Là địa phương phát triển bền vững về nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, an toàn, với các thương hiệu, sản phẩm chủ lực là lúa gạo, khóm, quýt, bưởi, cá thát lát và các sản phẩm làng nghề. Các mô hình canh tác hiện đại gắn với ứng dụng công nghệ cao có sự liên kết hợp tác giữa các cá nhân, đơn vị nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

- Kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, an toàn, là địa chỉ lý tưởng của các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, địa ốc, tài chính…

- Tạo dựng một cộng đồng doanh nghiệp Hậu Giang năng động, sáng tạo, có văn hóa doanh nghiệp, có tinh thần liên kết trong sản xuất, có trách nhiệm với xã hội, đồng hành với chính quyền trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xây dựng Hậu Giang trở thành nơi đáng sống, có môi trường sống trong lành, an toàn, văn minh; con người Hậu Giang năng động, thích ứng tốt với sự thay đổi, có tinh thần hợp tác, ứng xử có văn hóa ở nơi công cộng, có ý thức chấp hành pháp luật, yêu và tự hào về quê hương.

1.1.2. Tầm nhìn - sứ mệnh - giá trị cốt lõi

a) Tầm nhìn: Vì một Hậu Giang hội tụ, nông nghiệp xanh - công nghệ cao, du lịch sinh thái, phát triển bền vững.

b) Sứ mệnh: Mang đến cho người dân chất lượng sống lý tưởng, cho nhà đầu tư môi trường làm giàu bền vững, cho thị trường những sản phẩm xanh chất lượng cao và cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời.

c) Giá trị cốt lõi:

- Lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư làm nền tảng chính sách.

- Lấy văn hóa truyền thống làm bản sắc địa phương.

- Lấy tri thức, sáng tạo và khoa học kỹ thuật làm động lực phát triển.

- Lấy công nghệ xanh làm nên sự phát triển bền vững.

- Lấy liên kết làm nên thịnh vượng.

- Lấy sự khác biệt làm nên lợi thế.

- Lấy thị trường định hướng các hoạt động kinh tế.

1.1.3. Đối tượng, mục tiêu tạo dựng hình ảnh

a) Du khách: Du khách là những người tham gia các hoạt động du lịch, giải trí và tham gia hội họp tại địa phương.

b) Kiều bào Hậu Giang ở nước ngoài: Những người con Hậu Giang ở xa quê hương, Tổ quốc; những người có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ với người và quê hương Hậu Giang.

c) Dân nhập cư: Là những cư dân có trình độ cao, những chuyên gia trên các lĩnh vực cần thu hút về Hậu Giang và những doanh nhân thành đạt.

d) Doanh nghiệp:

- Những thương nhân tìm đến hợp tác, thu mua chế biến các hàng hóa, đặc sản để xuất khẩu ra bên ngoài địa phương.

- Những nhà đầu tư đến để đầu tư, phát triển các dự án tại địa phương.

- Những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ tại địa phương.

- Nơi đặt trụ sở, chi nhánh của các doanh nghiệp lớn.

đ) Truyền thông: Báo chí trong và ngoài nước, các kênh mạng xã hội luôn biết đến Hậu Giang và xem Hậu Giang là hình mẫu của sự thành công, thịnh vượng.

1.1.4. Các hình ảnh trọng tâm để tạo dựng

Hậu Giang không có lợi thế nổi trội về cơ sở hạ tầng, thay vào đó Hậu Giang sở hữu những giá trị khác biệt, với nét độc đáo riêng như cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, trong lành; con người hiền hậu, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa. Do vậy, hình ảnh địa phương Hậu Giang được lựa chọn 3 nội dung:

- Con người, văn hóa bản địa.

- Các đặc trưng hấp dẫn và lợi thế của địa phương.

- Chất lượng cuộc sống.

1.1.5. Các trụ cột chính

Ba trụ cột chính là cơ sở, nền tảng để Hậu Giang vươn mình phát triển cần tác động và tạo dựng hình ảnh là:

a) Nhóm Dân cư (bao gồm dân nhập cư mới): Nâng cao niềm tự hào quê hương, tự hào về chất lượng sống, trình độ chuyên môn, trình độ lao động sản xuất. Hình ảnh chính quyền thân thiện vì dân phục vụ, hình ảnh chất lượng cuộc sống; điều kiện sống, chất lượng y tế, giáo dục, các dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm…

b) Nhóm Doanh nghiệp: Hậu Giang rộng cửa chào đón thu hút đầu tư, phát triển các dự án trong mọi lĩnh vực, đặc biệt về nông nghiệp (ứng dụng công nghệ cao), du lịch (sinh thái, trải nghiệm, tâm linh), công nghiệp chế biến, logistics.

c) Nhóm Khách du lịch: Hậu Giang là nơi mang đến sự thư giãn, trải nghiệm với những cánh đồng lúa và vườn cây trái bạt ngàn; những cảnh quan sinh thái nguyên sơ, thuần khiết và là nơi tìm về những giá trị văn hóa tâm linh.

1.2. Định vị cụ thể hình ảnh Hậu Giang

1.2.1. Hình ảnh chính quyền thân thiện, hiệu quả

Vì nhân dân phục vụ, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, thực hiện chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẻ tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh hoặc xây dựng chính sách theo hướng sát với thực tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Xây dựng hình ảnh cuộc sống tốt đẹp hơn, chất lượng sống cao hơn: chất lượng y tế, giáo dục, các dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm ngày càng tốt hơn.

1.2.2. Hình ảnh du lịch

- Du lịch Hậu Giang là du lịch sinh thái, thư giãn, trải nghiệm sông nước được khai thác dựa trên cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, thuần khiết, sông nước mênh mang, kênh rạch chằng chịt, trải dài tít tắp; ruộng vườn bát ngát.

- Con người thân thiện, mến khách với bản tính phóng khoáng, hào sảng và chất phác.

- Ẩm thực dân dã nhưng đặc sắc với nguyên liệu tươi ngon và hương vị đặc trưng của món ăn. Những món ăn càng trở nên hấp dẫn khi được ăn ngay tại nơi nó sinh ra, tức ở ngay chính Hậu Giang.

- Đến với Hậu Giang, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác thư giãn thoải mái, trong lành và yên tĩnh, thơ mộng trên những kênh rạch, khu sinh thái và cuộc sống yên lành, tươi vui, thư giãn, thân thiện. Đây là những cảm xúc du khách cảm nhận được khi đến với Hậu Giang và mong tìm lại cho lần du lịch sau.

1.2.3. Hình ảnh nông nghiệp

Đó là hình ảnh một nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, an toàn, phát triển bền vững với các thương hiệu, sản phẩm chủ lực. Các mô hình canh tác hiện đại, ứng dụng công nghệ cao và sự liên kết hợp tác phát triển giữa các cá nhân, đơn vị liên quan nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh và giá trị tốt hơn các sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang. Các sản phẩm nông nghiệp có xuất xứ từ Hậu Giang được gắn tem “Made in Haugiang” sẽ xuất hiện trên thị trường như một sự cam kết, đảm bảo về chất lượng và độ an toàn.

1.2.4. Hình ảnh môi trường đầu tư

Với nhà đầu tư, Hậu Giang là môi trường đầu tư hấp dẫn, là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, tài chính, logistics, đô thị. Đây là vùng đất hứa của các dự án khởi nghiệp; là nơi hình thành các chuỗi cung ứng. Đó còn là nơi xuất xứ sản phẩm, hàng hóa sạch, an toàn “Made in Haugiang” với cam kết về chất lượng.

1.2.5. Cộng đồng doanh nghiệp

Là hình ảnh cộng đồng doanh nghiệp năng động, sáng tạo, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, luôn hướng đến chất lượng cao, giá trị tương xứng với mong đợi của khách hàng; có tinh thần liên kết sản xuất, có trách nhiệm với khách hàng và cộng đồng xã hội; năng lực sản xuất, cạnh tranh ngày càng nâng cao và quy mô hoạt động ngày càng mở rộng; đồng hành cùng với chính quyền Hậu Giang trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

1.2.6. Hình ảnh dân cư

Xây dựng Hậu Giang trở thành nơi đáng sống của cộng đồng dân cư, con người Hậu Giang năng động, thích ứng tốt với sự thay đổi, có tinh thần hợp tác, ứng xử có văn hóa ở nơi công cộng, có ý thức chấp hành pháp luật, yêu quê hương với niềm tự hào về vùng đất và con người Hậu Giang.

1.3. Thương hiệu, biểu trưng Hậu Giang

1.3.1. Thương hiệu

a) Xây dựng thương hiệu “HẬU GIANG - MIỀN ĐẤT HỘI TỤ”.

b) Biểu tượng vui (mascot): “BÉ KHÓM” (Đầu đội vương miện, mình gai góc - cá tính nhưng bên trong thơm ngon, ngọt ngào).

c) Màu sắc nhận diện chủ đạo: Màu vàng, xanh.

d) Ý nghĩa biểu tượng: Là hình ảnh tượng trưng cho người dân Hậu Giang, vượt qua bao khó khăn, vất vả của điều kiện tự nhiên, vẫn mang trong mình sự thơm thảo, ngọt lành, hiếu khách; đằng sau vẻ xù xì, thô ráp là sự dễ gần, dễ mến, là mùi thơm quyến rũ lòng người.

1.3.2. Biểu trưng (logo)

- Trên cơ sở đặc thù về điều kiện, lợi thế vốn có, Hậu Giang đã và đang hướng tới trở thành vùng đất của sự gắn kết, hội tụ của cư dân, du khách, nhà đầu tư, giao thương …. tạo nên những giá trị mới của vùng đất Hậu Giang. Những giá trị đó tiếp tục lan tỏa, tạo nền tảng và động lực cho những chu trình phát triển tiếp theo khiến cho Hậu Giang ngày càng phát triển, phồn thịnh.

- Biểu trưng của tỉnh Hậu Giang được xây dựng trên nền tảng sông nước hội tụ, lấy cảm hứng từ nơi những dòng sông hội tụ tạo thành ngã bảy sông - một trường hợp duy nhất có tại Hậu Giang (thành phố Ngã Bảy). Hình ảnh gồm 7 con thuyền - 7 nhánh sông hội tụ tại một điểm, nhìn tổng thể tựa như những cánh hoa. Những dòng nước - con thuyền - cánh hoa đồng thời xòe ra, thể hiện sự lan tỏa, vận động và phát triển.

- Biểu trưng (logo) của tỉnh Hậu Giang được thực hiện thống nhất về hình dáng, đường nét, ý nghĩa, nhưng có sự thay đổi về màu sắc và những chi tiết để phù hợp cho các lĩnh vực.

Cụ thể:

a) Biểu trưng (logo) Chính quyền màu sắc chủ đạo: Xanh lá.

b) Biểu trưng (logo) Nông nghiệp màu sắc chủ đạo: Vàng (biểu tượng về mùa vàng bội thu).

c) Biểu trưng (logo) Du lịch màu sắc: Đa sắc màu.

d) Biểu trưng (logo) Nhóm ngành khác màu sắc: Nước sông phù sa (biểu trưng sông nước Hậu Giang).

2. Giải pháp xây dựng hình ảnh

2.1. Các nhóm giải pháp xây dựng hình ảnh

2.1.1. Nhóm giải pháp định hướng, đầu tư xây dựng

- Định hướng xây dựng đô thị xanh - nơi gặp gỡ của các dòng sông như một điểm đến không thể thiếu của du khách, đồng thời khai thác triệt để những giá trị, lợi thế từ không gian xanh và vùng sông nước.

- Đầu tư xây dựng các dự án, công trình phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm cho người dân và du khách. Trong đó, chú trọng đầu tư tại các điểm đến quan trọng như thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng…

2.1.2. Nhóm giải pháp xây dựng hình ảnh trực quan

- Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu tỉnh Hậu Giang

- Xây dựng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện

- Xây dựng bộ từ khóa truyền thông cho các lĩnh vực

- Xây dựng các bộ INFORGRAPHICS.

2.1.3. Nhóm giải pháp xây dựng hình ảnh trừu tượng, cảm xúc

- Sáng tạo nghệ thuật (văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh…): Thường xuyên tổ chức các sự kiện, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về Hậu Giang nói riêng và về vùng đất đồng bằng châu thổ sông Cửu Long nói chung.

- Biểu diễn, trình diễn các loại hình nghệ thuật: Thường xuyên tổ chức những chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật, triển lãm tái hiện những giá trị lịch sử, đặc trưng văn hóa, con người của vùng đất Hậu Giang.

- Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật với các địa phương trong và ngoài nước.

2.1.4. Nhóm giải pháp gia tăng sự xác lập, chỉ dẫn địa lý

- Xây dựng biểu trưng (logo) sản phẩm “Made in Haugiang”.

- Xây dựng và xác lập chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm, thương hiệu của Hậu Giang.

- Thành lập vườn ươm khởi nghiệp, sáng tạo.

2.1.5. Nhóm giải pháp gia tăng sự tiếp cận cộng đồng

- Tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo mời gọi đầu tư, giao thương giữa Hậu Giang với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Phối hợp với các đơn vị lữ hành, hiệp hội du lịch xác lập và tổ chức tour, tuyến, điểm tham quan tại Hậu Giang; giới thiệu về lịch sử, văn hóa - nghệ thuật đặc sắc và những đặc sản của địa phương.

- Tổ chức các hoạt động quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm Hậu Giang đến các địa phương trong và ngoài nước.

- Trong xu thế hội nhập, Tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh giới thiệu và quảng bá hình ảnh, con người Hậu Giang đến bạn bè trong nước và quốc tế. Tận dụng tốt những cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại; tranh thủ sự hợp tác, liên kết, hỗ trợ, tư vấn của các đối tác trong và ngoài nước; tích cực tham gia liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng kế hoạch triển khai những cam kết đã ký với các đối tác nước ngoài.

2.2. Nội dung cốt lỗi

2.2.1. Xây dựng hình ảnh chính quyền tỉnh Hậu Giang

- Xây dựng khẩu hiệu (slogan).

- Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn hóa cho cơ quan chính quyền tỉnh Hậu Giang.

- Xây dựng tài nguyên truyền thông.

- Chăm sóc và phát triển nội dung truyền thông số.

- Hoạt động truyền thông, quảng cáo.

- Tổ chức các sự kiện.

2.2.2. Xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh Hậu Giang

- Xây dựng khẩu hiệu (slogan).

- Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn hóa cho du lịch tỉnh Hậu Giang.

- Xây dựng tài nguyên truyền thông.

- Chăm sóc và phát triển nội dung truyền thông số.

- Hoạt động truyền thông, quảng cáo.

- Tổ chức các sự kiện.

2.2.3. Xây dựng hình ảnh nông nghiệp tỉnh Hậu Giang

- Xây dựng khẩu hiệu (slogan).

- Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu chuẩn hóa cho nông nghiệp tỉnh Hậu Giang.

- Xây dựng tài nguyên truyền thông.

- Chăm sóc và phát triển nội dung truyền thông số.

- Hoạt động truyền thông, quảng cáo.

- Tổ chức các sự kiện.

3. Nhu cầu vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư triển khai thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 dự kiến khoảng 195.800 tỷ đồng, được phân thành các năm như sau:

- Năm 2021: Khoảng 38.300 tỷ đồng

- Năm 2022: Khoảng 31.500 tỷ đồng

- Năm 2023: Khoảng 43.500 tỷ đồng

- Năm 2024: Khoảng 37.500 tỷ đồng

- Năm 2025: Khoảng 45.000 tỷ đồng.

(Dự toán chi tiết theo từng hạng mục và từng năm được nêu tại các phụ lục kèm theo Đề án).

Điều 2. Tổ chức thực hiện Đề án

1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các tổ chức chính trị xã hội; các sở, ban, ngành Tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án đến cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn Tỉnh; tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án thuộc lĩnh vực của đơn vị mình; tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thành viên và quần chúng Nhân dân tích cực hưởng ứng các hoạt động của Đề án.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các cấp, các sở, ban ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Đề án. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Chịu trách nhiệm tham mưu các nội dung xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh Hậu Giang.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch truyền thông, quảng bá nội dung Đề án.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền, giới thiệu về hình ảnh Hậu Giang.

- Quản lý, giám sát nội dung truyền thông hình ảnh Hậu Giang trên các kênh truyền thông, tuyên truyền.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thành lập vườn ươm khởi nghiệp, sáng tạo.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố; doanh nghiệp xây dựng hình ảnh Hậu Giang thông qua các sản phẩm hàng hóa mang biểu trưng “Made in Haugiang”.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu nội dung xây dựng hình ảnh nông nghiệp tỉnh Hậu Giang.

- Phối hợp với Sở Công Thương và đơn vị liên quan xây dựng hình ảnh Hậu Giang thông qua các sản phẩm nông nghiệp mang biểu trưng “Made in Haugiang”.

7. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu nội dung xây dựng hình ảnh chính quyền tỉnh Hậu Giang.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp thực hiện thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ đối với bộ nhận diện hình ảnh tỉnh Hậu Giang.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình; tin, bài tuyên truyền quảng bá về hình ảnh Hậu Giang.

- Tổ chức tuyên truyền quảng bá nội dung Đề án; sản xuất các chương trình giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đặc trưng văn hóa, con người Hậu Giang.

Điều 3. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và đoàn thể tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Lưu: VT. HN

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đồng Văn Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2548/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 2548/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Đồng Văn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản