Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 25/2008/QĐ-UBND

Điện Biên Phủ, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH TẠM THỜI VỀ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN, GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 23/12/2004;
Căn cứ Quyết định số: 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số: 661/1998/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
Căn cứ Quyết định số: 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 – 2015;
Căn cứ Quyết định số: 2855/2008/QĐ-BNN ngày 17/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố xác định cây cao su là cây đa mục đích;
Căn cứ Thông báo số: 355-TB/TU ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương phát triển cây cao su;
Căn cứ Nghị quyết số: 107/NQ-HĐND, ngày 10 tháng 12 năm 2007 của HĐND tỉnh Điện Biên về định hướng và giải pháp phát triển cây Cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Căn cứ Nghị Quyết số: 144/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của HĐND tỉnh Điện Biên về thông qua Quy hoạch phát triển cây cao su và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên đại bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020;
Xét đề nghị của liên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường - Tài chính;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số: 1479/QĐ-UBND ngày 17/10/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách tạm thời hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn đến năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển cây cao su của tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đinh Tiến Dũng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
Ban hành kèm theo Quyết định số: 25/2008/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2008 của UBND tỉnh Điện Biên

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này cụ thể hóa một số nội dung trong việc sử dụng đất trồng cao su, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trồng cao su, chính sách hỗ trợ phát triển cao su áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên để phát triển cao su đại điền.

Ngoài các chính sách quy định tại Quyết định này, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong nước thực hiện các dự án đầu tư trồng cao su đại điền và chế biến cao su trên địa bàn tỉnh còn được hưởng các chính sách khác theo quy định của Nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng:

- Các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong nước là chủ đầu tư trực tiếp thực hiện các dự án trồng, khai thác và chế biến cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

- Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp đầu tư phát triển cây cao su đại điền.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG CAO SU VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN TỚI VIỆC GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 2. Quy định về đất sử dụng trồng cao su đại điền

a) Chủ đầu tư các dự án trồng cao su đại điền được UBND tỉnh cho thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển cây cao su đại điền phù hợp với quy hoạch phát triển cây cao su đã được phê duyệt (hoặc trong vùng được cấp có thẩm quyền thỏa thuận cho Dự án trồng cao su). Việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định hiện hành của UBND tỉnh.

b) Thời hạn sử dụng đất được giao, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để trồng cây cao su đối với mỗi dự án không quá 50 năm kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa theo Quyết định giao đất của UBND tỉnh, hoặc từ ngày ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường.

c) Đơn giá giao đất, cho thuê thực hiện theo các quy định hiện hành của UBND tỉnh. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và của Quyết định này

d) Việc chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng các yêu cầu trồng cây cao su để giao hoặc cho Doanh nghiệp thuê trồng cao su, gồm các loại đất sau:

- Đất rừng phòng hộ là đất không có rừng (trạng thái Ia, Ib, Ic).

- Đất rừng sản xuất là đất không có rừng (trạng thái Ia, Ib, Ic), rừng nghèo kiệt, rừng không có khả năng phát triển thành rừng giàu (trạng thái IIIa1, IIa, IIb) có trữ lượng thấp hơn 50 m3/ha; rừng trồng mật độ còn dưới 600 cây/ha.

- Đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả kém hiệu quả.

- Đất nương rẫy đang sản xuất.

Điều 3. Quy định về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

1. Điều kiện về đất được tham gia góp vốn

- Đất tham gia góp vốn phải đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của Luật đất đai. Diện tích phải liền vùng, liền khoảnh, nằm trong vùng quy hoạch trồng cao su đã được phê duyệt (hoặc trong vùng được cấp có thẩm quyền thỏa thuận cho Dự án trồng cao su) và phải đáp ứng được tiêu chuẩn đất trồng cao su theo quy định.

- Những diện tích đất phù hợp, đủ tiêu chuẩn trồng được cao su song chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất hợp lệ theo quy định của Luật Đất đai, thì tổ chức, hộ gia đình phải thực hiện việc kê khai và làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước hoặc ngay sau khi đã trồng cao su để hoàn thiện các thủ tục pháp lý khi thực hiện góp vốn với Doanh nghiệp trồng cao su.

- Trường hợp có sự chênh lệch giữa diện tích đất đo đạc thực tế để trồng cao su so với diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất thực tế đưa vào trồng cao su để làm căn cứ tính cổ phần trong Doanh nghiệp trồng cao su.

2. Giá trị góp vốn và quản lý, sử dụng đất khi tham gia góp vốn

2.1. Giá trị góp vốn được xác định thông qua giá trị quyền sử dụng đất hợp pháp của người góp vốn đối với diện tích đất góp vốn trong thời hạn sử dụng đất đủ điều kiện trồng cây cao su.

a) Giá trị góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho diện tích đủ điều kiện trồng cây cao su được tính tối đa không quá 10.000.000 đồng/ha (mười triệu đồng/một hecta). Không phân biệt hạng đất.

b) Việc góp vốn được thực hiện bằng hợp đồng dân sự giữa 2 bên theo phương thức không chuyển quyền sử dụng đất từ người góp vốn sang doanh nghiệp cao su.

2.2. Quản lý, sử dụng đất khi tham gia góp vốn:

a) Doanh nghiệp cao su được nhận quyền sử dụng đất từ người tham gia góp vốn để trực tiếp quản lý, sử dụng, không phải thuê phần diện tích đất đó.

- Trường hợp doanh nghiệp cao su thực hiện việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật Đất đai. Trong trường hợp này mức xác định giá trị chuyển nhượng do 2 bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật dân sự.

- Trường hợp do góp vốn bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì doanh nghiệp cao su có quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng góp vốn với người góp vốn bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật dân sự. Diện tích đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao cho doanh nghiệp trồng cao su về mặt pháp lý vẫn thuộc quyền sử dụng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp trồng cao su chỉ thực hiện quyền quản lý đối với toàn bộ diện tích đó để sử dụng vào mục đích trồng, kinh doanh sản phẩm cây cao su. Các tổ chức, hộ gia đình,

cá nhân có đất tham gia góp vốn với Doanh nghiệp phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đó đúng mục đích theo yêu cầu của Doanh nghiệp, không được tự ý sử dụng sang mục đích khác khi chưa được Doanh nghiệp đồng ý hoặc khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

b) Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản vườn cây cao su; hộ gia đình cá nhân được trồng xen lúa và các loại cây họ đậu trên diện tích đất trồng cao su, theo hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp cao su và của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Xử lý quyền sử dụng đất đang góp vốn trong trường hợp đặc biệt.

- Đất đang góp vốn mà Nhà nước thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai thì hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị chấm dứt. Bên nhận góp vốn, bên góp vốn được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật đất đai.

- Trường hợp bên góp vốn là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì phải bồi thường thiệt hại cho bên nhận góp vốn theo quy định của pháp luật về dân sự. Trường hợp bên nhận góp vốn là người gây ra hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi giá trị quyền sử dụng đất. Bên nhận góp vốn phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương đương với giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm nộp tiền và phải bồi thường thiệt hại cho bên cho thuê đất, bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về dân sự.

- Trong thời hạn hợp đồng góp vốn có hiệu lực; nếu người góp vốn thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho giá trị góp vốn cho người khác thì phải được sự thỏa thuận của các bên theo hợp đồng góp vốn đã ký kết và quy định của pháp luật về dân sự.

- Trường hợp đất do người sử dụng đất là cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà cá nhân đó chết nhưng không có người thừa kế thì Nhà nước thu hồi đất. Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị chấm dứt; bên nhận góp vốn được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn còn lại của hợp đồng góp vốn đã đăng ký.

- Trường hợp bên góp vốn gặp rủi ro hoặc lý do bất khả kháng, không tiếp tục thực hiện hợp đồng góp vốn; nếu rút khỏi dự án (không tham gia góp vốn vào doanh nghiệp cao su) thì bên nhận góp vốn thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Việc xử lý tài sản trên đất đó thực hiện theo hợp đồng góp vốn đã ký kết và theo quy định của pháp luật về dân sự.

Điều 4. Xác định cổ phần, cổ tức khi góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

1. Chủ hộ gia đình, cá nhân có đất góp vốn là cổ đông ưu đãi của doanh nghiệp cao su; mức cổ phần được xác định theo giá trị góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất.

Đối với diện tích đất rừng sản, hoặc đang giao cho cộng đồng dân cư quản lý sử dụng, khi chuyển sang trồng cao su thì Người đại diện hợp pháp của nhóm hộ hoặc cộng đồng được giao quyền sử dụng đất đó sẽ đứng tên trong danh sách cổ đông của Doanh nghiệp sở hữu phần vốn góp tương đương với diện tích đất thực tế của nhóm hộ, cộng đồng đó đưa vào trồng cao su (Người đại diện hợp pháp là người được các thành viên trong nhóm hộ hoặc cộng đồng bầu ra). Đối với diện tích đất thực tế đưa vào trồng cao su thuộc đất chưa sử dụng, đất chưa giao quyền sử dụng thì đại diện cho phần vốn góp bằng giá trị quyền sử dụng đất đó sẽ do UBND tỉnh chỉ định.

2. Việc hưởng lợi nhuận, cổ tức của các cổ đông theo điều lệ của doanh nghiệp cao su và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi vườn cây cao su đưa vào kinh doanh. Nội dung cụ thể được xác định trong hợp đồng góp vốn.

Điều 5. Sử dụng lao động đối với phát triển cây cao su.

1. Các doanh nghiệp cao su có trách nhiệm tuyển dụng lao động trong độ tuổi lao động của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và Ưu tiên tuyển dụng lao động của các hộ gia đình, cá nhân khác tại địa bàn vào làm công nhân, lao động của các Nông trường cao su trực thuộc doanh nghiệp.

Việc tuyển dụng lao động được thỏa thuận hợp đồng giữa 2 bên góp vốn và nhận góp vốn theo diện tích đất góp vốn hoặc theo nhu cầu tuyển dụng lao động của Doanh nghiệp trồng cao su. Trường hợp hộ gia đình có lao động nhiều hơn so với diện tích đất góp vốn, thì doanh nghiệp sẽ cân đối trên tổng diện tích chung, để tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh.

2. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý lao động, tiền lương, chế độ bảo hiểm, chế độ độc hại, đặc thù và chế độ chính sách được hưởng khác được thực hiện bằng văn bản theo quy định của Luật Lao động và pháp luật khác có liên quan.

Điều 6. Quy định bồi thường về đất đai, tài sản vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất để phát triển cây cao su.

1. Nhà nước thu hồi đất phát triển cây cao su đại điền theo vùng quy hoạch phát triển cao su được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi trên đất cho người đang sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đất đang sử dụng vào mục đích lâm nghiệp có nguồn gốc của lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ; bao gồm cả đất của các tổ chức đoàn thể khác (nhà trường, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ...) đang quản lý, sử dụng.

b) Đất sản xuất nông nghiệp trên nương; đất chưa sử dụng; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ được chuyển đổi sang trồng cây cao su mà các loại đất đó chưa giao, chưa cho thuê, hiện do UBND cấp xã đang quản lý.

c) Diện tích đất chưa sử dụng, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ mà các diện tích đất đó chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ nhưng hiện do hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ (đồng sử dụng) hoặc cộng đồng dân cư thôn bản, đội sản xuất đang sử dụng.

2. Việc xử lý tài sản trên đất đã thu hồi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nằm xen kẽ trong vùng đất trồng cao su đại điền thì xử lý như sau:

a) Nhà nước không thu hồi đất, không bồi thường về đất; mà đất đó hộ gia đình, cá nhân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn với doanh nghiệp cao su theo diện tích thực tế đủ điều kiện trồng cây cao su của từng hộ gia đình, cá nhân đó trong các trường hợp sau đây:

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất đã được cấp GCNQSDĐ sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ hoặc GCNQSDĐ lâm nghiệp theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ; bao gồm cả hình thức nhóm hộ đồng sử dụng.

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ hợp lệ, đủ điều kiện nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.

- Đất làm nương rẫy hoặc trồng cây hàng năm khác của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp được UBND cấp xã xác nhận đất đó đã được sử dụng ổn định, không tranh chấp trước ngày 01/7/2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành).

b) Giá trị tài sản thanh lý rừng (nếu có) nêu tại mục a, khoản 3 điều này các hộ gia đình, cá nhân được hưởng.

Điều 7. Quyền lợi của người lao động khi tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

1. Hộ gia đình và cá nhân tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (sau đây được gọi là góp vốn) sau khi diện tích cao su đưa vào kinh doanh, được hưởng cổ tức theo điều lệ của doanh nghiệp. Mức hưởng cổ tức của các cổ phần phụ thuộc vào giá trị góp vốn của từng cổ phần và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Các hộ gia đình và cá nhân không phải là cổ phần của doanh nghiệp cao su cũng được nhận hợp đồng lao động theo nhu cầu tuyển dụng lao động của Doanh nghiệp và được hưởng tiền công lao động theo thỏa thuận giữa 2 bên.

Chương III

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU

Điều 8. Hỗ trợ đầu tư phát triển cây cao su.

1. Hỗ trợ doanh nghiệp

1.1. Hỗ trợ về vốn: Các doanh nghiệp cao su thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo quy định hiện hành.

1.2. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào:

a) Tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào đối với nhà máy chế biến mủ cao su; vườn ươm giống;

nhà làm việc của doanh nghiệp cao su, gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, bưu chính viễn thông (kể cả hệ thống cung cấp điện, nước và đường giao thông, phục vụ cho các cụm dân cư, thôn, bản trong vùng dự án phát triển cao su).

b) Khuyến khích các doanh nghiệp cao su đầu tư xây dựng các công trình trong hàng rào và xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng để vận chuyển vật tư, cây giống và phục vụ cho việc khai thác sản phẩm; trường hợp tuyến đường giao thông nội đồng trùng với tuyến đường liên thôn, liên bản được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước thì việc thi công sẽ ưu tiên giao cho doanh nghiệp cao su thực hiện.

2. Hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân có đất chuyển sang trồng cây cao su.

a) Hỗ trợ một lần tiền mặt cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp chuyển sang trồng cây cao su bằng hình thức góp vốn quy định tại mục a, khoản 3 Điều 6 Quyết định này khi chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng cây cao su theo quy định sau:

- Hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha đối với diện tích đất trồng cây lâu năm (bao gồm cả cây lâm nghiệp) của hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng bằng nguồn vốn tự có hoặc bằng nguồn vốn vay.

- Hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha đối với diện tích đất trồng cây hàng năm đang canh tác của hộ gia đình, cá nhân.

- Hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha trồng rừng bằng nguồn vốn tự có.

- Hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha rừng khoanh nuôi tái sinh bằng nguồn vốn tự có.

b) Hỗ trợ sản xuất:

Hỗ trợ 100% giống lúa và cây họ đậu, phân bón hóa học theo quy trình kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên diện tích đất trồng cao su trong thời gian 2 năm đầu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây cao su.

c) Hỗ trợ di chuyển nhà ở trong vùng phát triển cây cao su:

Hộ gia đình, cá nhân có nhà ở (không phải là lán trại trông coi nương rẫy, chăn thả gia súc) tự nguyện di chuyển nhà ở để tạo phần đất tham gia trồng cây cao su được hỗ trợ di chuyển nhà 2.000.000 đồng/hộ sau khi đã di chuyển được chính quyền xã xác nhận.

d) Hỗ trợ di chuyển mộ:

Trường hợp khi xây dựng cơ sở hạ tầng vùng phát triển cây cao su có mộ cần bắt buộc phải di chuyển thì được hỗ trợ di chuyển mộ theo mức quy định trong đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất hiện hành của UBND tỉnh Điện Biên; đối với mộ vô thừa nhận thì chủ đầu tư có trách nhiệm thuê di chuyển, chi phí di chuyển theo mức quy định hiện hành của UBND tỉnh.

4. Nguồn kinh phí hỗ trợ:

Từ nguồn ngân sách tỉnh và từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu cho bảo vệ và phát triển rừng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt các doanh nghiệp lập dự án đầu tư phát triển cây cao su đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành. Kinh phí lập dự án đầu tư phát triển cây cao su do chủ đầu tư là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

Điều 10. Thực hiện các nội dung về quản lý đất đai.

1. Trên cơ sở quy hoạch phát triển cây cao su và dự án đầu tư của doanh nghiệp cao su được phê duyệt; UBND tỉnh tiến hành thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang trồng cây cao su. Sau khi thực hiện bồi thường, thanh lý tài sản trên đất, UBND tỉnh thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; cấp GCNQSDĐ cho các doanh nghiệp cao su để thực hiện dự án theo quy định hiện hành. Diện tích đất giao hoặc cho thuê theo từng dự án đầu tư và quỹ đất hiện có của địa phương.

2. Đối với đất trồng cây cao su theo hình thức góp vốn thì thực hiện như sau:

- Đo đạc bản đồ địa chính, quy chủ để xác định hiện trạng về diện tích đất, vị trí, chủ sử dụng đất của người góp vốn trên hồ sơ và trên thực địa trong vùng dự án phát triển cây cao su đại điền trước khi tiến hành khai hoang trồng cây cao su.

- Sau khi tiến hành khai hoang, xác định lại tổng diện tích đất đủ điều kiện trồng cây cao su để tham gia góp vốn (trừ diện tích không khai hoang được, không đủ tiêu chí trồng cây cao su, diện tích sử dụng để làm đường giao thông nội đồng...).

- Trường hợp các thửa đất tham gia góp vốn manh mún nhỏ lẻ; sau khai hoang phải tổ chức phân chia, bố trí lại khu đất tham gia góp vốn theo hình thức dồn điền, đổi thửa để thuận lợi cho tổ chức sản xuất, quản lý lâu dài vườn cây cao su.

Trường hợp hộ gia đình và cá nhân không có đất sản xuất, diện tích đất góp vốn nhỏ (dưới 0,5 ha) thì được nhà nước giao thêm đất (từ diện tích đất của nhà nước đã khai hoang phát triển cao su đại điền) để tham gia góp vốn trên cơ sở cân đối nhu cầu lương thực của từng đối tượng, diện tích giao thêm tối đa không quá 03 ha/hộ.

- UBND cấp xã, huyện phối hợp với doanh nghiệp cao su lập phương án giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các trường hợp nêu trên.

- Kinh phí đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, giao đất và cấp GCNQSDĐ do ngân sách tỉnh chi trả.

Điều 11. Trách nhiệm của các cấp, các ngành.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, căn cứ các quy định của Nhà nước về chính sách phát triển rừng sản xuất và Quyết định này hướng dẫn chi tiết để cấp huyện, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

b) Ban hành quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các loại giống lúa trồng trên nương, các loại cây họ đậu trồng xen trên đất trồng cao su trong thời gian kiến thiết cơ bản để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ giống cho nhân dân.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND cấp huyện trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng; thanh lý các loại rừng thuộc sở hữu nhà nước trên diện tích chuyển sang trồng cây cao su. Tham gia thẩm định các dự án đầu tư và định mức kinh tế kỹ thuật phát triển cây cao su.

d) Xây dựng kế hoạch trồng cao su, kế hoạch kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su hàng năm. Tổng hợp, theo dõi việc triển khai kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, định kỳ 6 tháng một lần báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính.

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh lập dự toán ngân sách hàng năm và bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ; kinh phí thực hiện các nội dung khác có liên quan.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện thực hiện các quy định về thanh lý các loại rừng và tài sản trên đất thuộc sở hữu nhà nước trên diện tích chuyển sang trồng cây cao su.

c) Hướng dẫn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, ứng vốn, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển cây cao su.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường.

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện việc thu hồi đất, giao đất cho các doanh nghiệp cao su đã có dự án đầu tư phát triển cao su được phê duyệt theo quy định hiện hành (hoặc kế hoạch phát triển cây cao su đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận).

b) Chủ trì thực hiện đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, giao đất trong diện tích quy hoạch và cấp GCNQSDĐ trồng cây cao su cho doanh nghiệp.

c) Hướng dẫn doanh nghiệp, UBND cấp huyện thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường để phát triển cây cao su.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong vùng nguyên liệu cao su.

b) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thẩm định, cấp phép kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển cây cao su.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố.

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách này đến tận các hộ gia đình, cá nhân trong vùng quy hoạch phát triển cao su.

b) Phối hợp với doanh nghiệp cao su xây dựng kế hoạch trồng cao su, kế hoạch kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su hàng năm trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung của tỉnh. Chỉ đạo Hạt kiểm lâm, UBND cấp xã quản lý chặt chẽ về phát triển cao su trên địa bàn.

c) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng để giao cho doanh nghiệp phát triển cây cao su theo dự án đã được phê duyệt. Thực hiện việc thanh lý rừng theo thẩm quyền. Phối hợp với các doanh nghiệp cao su tổ chức bảo vệ vườn cây cao su.

d) Theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách trên địa bàn, định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng góp vốn, hợp đồng lao động trồng cây cao su trên địa bàn; công khai tại UBND cấp xã danh sách các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp vốn trồng cây cao su.

- Phối hợp với doanh nghiệp cao su trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ trồng cây cao su hộ gia đình, cá nhân.

- Tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quyết định này tới hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển cây cao su trên địa bàn xã.

7. Doanh nghiệp cao su.

- Có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại Quyết định này. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, xã công bố công khai các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp tới tận địa bàn, người dân trồng cây cao su.

- Ký kết và thực hiện hợp đồng góp vốn, hợp đồng lao động và các nội dung về đầu tư ứng trước giống, phân bón và thu mua mủ cao su với các hộ gia đình, cá nhân trồng cao su theo đúng quy định của pháp luật và của Quyết định này.

Điều 12. Điều khoản thi hành.

1. Chính sách này được quy định áp dụng cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; hộ gia đình và cá nhân tham gia phát triển cây cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

2. Khi chính sách của Nhà nước có liên quan đến Quyết định thay đổi hoặc do biến động của thị trường ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách này thì UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh nội dung quy định này cho phù hợp với tình hình thực tế./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2008/QĐ-UBND Quy định tạm thời về hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành

  • Số hiệu: 25/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Đinh Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 09/06/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản