Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2007/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 04 tháng 6 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRONG TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quy chế đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/03/2006 của Bộ Văn hóa và Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 2875/QĐ-UBND ngày 19/10/2005 của UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang;
Xét đề nghị của Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định nầy, bản Quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trong tỉnh An Giang.
Điều 2. Sở Văn hóa -Thông tin là cơ quan thường trực của Hội đồng đặt tên đường, có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thành viên Hội đồng đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trong tỉnh An giang và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định nầy./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25 /2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Quy chế nầy quy định việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng; điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình xem xét, quyết định việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Mục đích ý nghĩa:
Thông qua công tác đặt, đổi tên đường nhằm tôn vinh những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các nhà chính trị - quân sự lỗi lạc và giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa xã hội.
Điều 3. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: “Công trình công cộng bao gồm quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, bến xe, công trình văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí”.
Đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng (gọi tắt là đặt, đổi tên đường) là việc ấn định tên hoặc thay đổi, sắp xếp, điều chỉnh tên theo trình tự Quy chế này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 4. Tên đường và công trình công cộng tại An Giang bao gồm:
1. Tên các danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa xuất sắc trong các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, khoa học, văn hoá, nghệ thuật, kinh tế từ thời dựng nước đến nay.
2. Tên các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng có cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
3. Tên những người có công lớn trong việc khai thôn, lập ấp được nhân dân kính trọng, tôn thờ.
4. Tên các danh nhân văn hóa thế giới và tên những người nước ngoài có công lao và ảnh hưởng to lớn đối với Việt Nam.
5. Các địa danh ghi dấu các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, của địa phương.
6. Các địa danh hành chính xưa và các địa danh cổ thuộc tỉnh, các di tích và danh thắng nổi tiếng.
7. Tên các sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc.
8. Tên ngày Quốc lễ.
9. Tên theo số thứ tự.
Điều 5. Quản lý Nhà nước về đặt, đổi tên đường và công trình công cộng:
Nhà nước thống nhất quản lý việc đặt, đổi tên đường. Ủy ban nhân dân tỉnh là cấp quyết định đặt tên đường sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết thông qua. Chính quyền cấp Thành phố-thị xã-huyện; phường-xã-thị trấn; các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và cá nhân không được phép tự đặt tên đường.
Chương II
NGUYÊN TẮC ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 6. Nguyên tắc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng:
1. Nguyên tắc chung:
a) Chỉ sử dụng tên những người đã mất để đặt tên đường.
b) Việc đặt mới và sửa đổi tên đường trên địa bàn tỉnh phải mang tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài, thuận lợi cho công dân. Tên nhân vật, sự kiện, địa danh được chọn lựa đặt tên đường phải thực sự tiêu biểu, rõ ràng.
c) Hạn chế tối đa việc xáo trộn, thay đổi tên đường, kể cả thay đổi tên đường đã đặt trước đây.
d) Dựa vào tầm cỡ, công lao và sự nghiệp của các danh nhân để đặt sao cho phù hợp, tương xứng với chiều dài, lộ giới và vị trí tuyến đường, công trình công cộng được xây dựng.
2. Nguyên tắc cụ thể:
a) Đường có lộ giới (được hiểu là bề rộng lòng đường và lề đường hai bên) tối thiểu 06m trở lên mới được đặt tên. Các đường có lộ giới dưới mức quy định này gọi là hẻm và đặt tên theo bảng số nhà nhỏ giữa hai số nhà đầu hẻm kèm theo tên đường.
b) Tên các danh nhân lịch sử cùng thời hoặc cùng lĩnh vực hoạt động được nghiên cứu ưu tiên đặt gần nhau, tạo thành các cụm trên đường có liên quan.
c) Tên các nhân vật lịch sử gắn liền với các sự kiện lịch sử hoặc địa danh diễn ra sự kiện lịch sử được nghiên cứu, ưu tiên đặt ở các đường gần nhau hoặc kế tiếp nhau theo cùng một tuyến.
d) Nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi như: Tên húy, tên hiệu, tước hiệu, bút hiệu thì chỉ dùng một tên phổ biến nhất, đông đảo nhân dân biết đến để đặt tên đường. Tránh việc trùng lắp đặt mới tên đường giữa các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
đ) Các địa danh lịch sử gắn với các sự kiện lịch sử, tên các địa danh là đơn vị hành chính xưa được nghiên cứu, ưu tiên đặt tên cho đường đi qua địa danh đó.
e) Tên số thứ tự chỉ được dùng đặt những con đường ở khu cư xá, chung cư hoặc khu nhà nhiều tầng, các số phải sắp đặt theo thứ tự từ nhỏ đến lớn; theo hướng từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây.
g) Chỉ đặt một tên đối với đường dài và thông suốt. Khi đường bị ngắt khúc bởi các giao lộ lớn hoặc vòng xoay thì đoạn kế tiếp được nghiên cứu đặt tên khác.
h) Ưu tiên sử dụng tên các nhân vật, sự kiện lịch sử - văn hóa có gắn bó với tỉnh, khu vực Nam Bộ để đặt tên đường.
Điều 7. Không dùng để đặt tên đường đối với các trường hợp:
1. Tên các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử chưa được xác định rõ ràng hoặc đang còn tranh cãi.
2. Các tên không có ý nghĩa hoặc quá dung tục.
Chương III
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
(Gọi tắt là Hội đồng đặt tên đường)
Điều 8. Tổ chức của Hội đồng đặt tên đường:
1. Hội đồng đặt tên đường do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan và những cán bộ, nhà nghiên cứu có trình độ, năng lực, có hiểu biết sâu rộng về lịch sử và các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế. Sở Văn hóa - Thông tin là cơ quan Thường trực của Hội đồng đặt tên đường.
2. Tổ chuyên viên giúp việc là những chuyên viên có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và do Sở Văn hóa -Thông tin đề xuất.
3. Văn phòng Hội đồng đặt tên đường tại Sở Văn hóa - Thông tin, số 14 đường Lê Triệu Kiết, Phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên.
Điều 9. Chức năng của Hội đồng đặt tên đường:
Hội đồng đặt tên đường có chức năng tư vấn, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 10. Nhiệm vụ của Hội đồng đặt tên đường:
1. Nghiên cứu tham mưu điều chỉnh, sửa đổi tên đường không hợp lý đang tồn tại ở An Giang.
2. Nghiên cứu đặt tên mới cho những con đường hiện chưa có tên, những con đường sắp mở; các công viên, quảng trường và công trình công cộng được xây dựng theo quy hoạch phát triển của tỉnh.
3. Tổ chức triển khai công tác đặt tên mới và sửa đổi tên đường một cách khoa học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, tra cứu và kế thừa.
4. Nghiên cứu xây dựng Quỹ tên đường và thường xuyên cập nhật bổ sung để sử dụng cho trước mắt và lâu dài.
5. Nghiên cứu khảo sát thực trạng và đề ra giải pháp đặt mới, đổi tên đường, bảng tên đường và nội dung chú thích, tin học hoá công tác quản lý Nhà nước về tên đường trên địa bàn tỉnh An Giang và những dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu có liên quan đến việc đặt mới, đổi tên đường và công trình công cộng của tỉnh.
Điều 11. Chế độ làm việc của Hội đồng đặt tên đường:
1. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của Hội đồng.
2. Thành viên của Hội đồng thực hiện theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng, có trách nhiệm thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, thu thập tư liệu; tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội; nghiên cứu các tài liệu lịch sử để đề xuất việc đặt mới và sửa đổi tên đường thông qua cơ quan Thường trực và tại các phiên họp của Hội đồng.
Các thành viên Hội đồng đặt tên đường có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế, không được tuỳ tiện sử dụng hồ sơ tư liệu, kết quả nghiên cứu của Hội đồng để in ấn, phổ biến khi chưa có sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng; nếu có thành tích, đóng góp tích cực trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, phát hiện, đề xuất có giá trị… sẽ được xét khen thưởng theo chế độ hiện hành; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý tuỳ theo mức độ và hậu quả gây ra. Tuỳ trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ ra Quyết định bổ sung hoặc thay đổi thành viên Hội đồng đặt tên đường.
3. Hội đồng quyết định việc đặt, đổi tên đường trên cơ sở đa số quá bán thành viên Hội đồng. Trường hợp Hội đồng có hai ý kiến ngang nhau thì ý kiến của bên có Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định cuối cùng. Trường hợp Hội đồng có ý kiến thống nhất chưa quá bán thì trình UBND tỉnh xem xét.
4. Tổ chuyên viên giúp việc làm việc theo sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng. Tổ trưởng chịu trách nhiệm điều phối công việc của bộ phận giúp việc, theo dõi thực hiện kế hoạch của Hội đồng, chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp của Hội đồng, đề xuất biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động với Chủ tịch Hội đồng hoặc các Phó Chủ tịch Hội đồng.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, tổ chức, cá nhân trong các công tác đặt, đổi tên đường:
1. Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, các nhà nghiên cứu, tổ chức và cá nhân có quyền gửi văn bản để xuất việc đặt mới và sửa đổi tên đường, công viên, quảng đường và công trình công cộng với Hội đồng đặt tên đường tỉnh; đồng thời có trách nhiệm cung cấp tư liệu về các nhân vật, sự kiện, địa danh mà mình đề nghị dùng đặt tên cho đường ở tỉnh, để Hội đồng xem xét, tư vấn, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, ngoài việc đề xuất đặt, đổi tên đường trong phạm vi hành chính mà mình quản lý, thường xuyên báo cáo phản ảnh thực trạng đặt tên đường trên địa bàn; khi mở đường mới chưa có tên, phải kịp thời đề xuất đặt tên với Hội đồng đặt tên đường tỉnh.
Điều 13. Trình tự công tác đặt, đổi tên đường và công trình công cộng:
1. Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đề xuất, kiến nghị, tư liệu lịch sử đã thu thập gắn với yêu cầu đặt, đổi tên đường và công trình công cộng, cơ quan Thường trực Hội đồng đặt tên đường tỉnh tham mưu, đề xuất nêu rõ lý do, mục đích của việc đặt tên đường, xây dựng và bổ sung Quỹ tên đường, đề xuất đặt tên cho những con đường cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Trên cơ sở văn bản tham mưu của Hội đồng đặt tên đường, Ủy ban nhân dân tỉnh công bố công khai dự kiến đặt, đổi tên đường và công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết.
3. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về đặt tên đường. Sở Giao thông vận tải thực hiện gắn bảng tên đường không quá 30 ngày kể từ khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 14. Cơ quan Thường trực của Hội đồng đặt tên đường:
Sở Văn hóa- Thông tin là cơ quan thường trực của Hội đồng đặt tên đường, có trách nhiệm phối hợp với các thành viên của Hội đồng, các cơ quan, sở, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, khoa học, xã hội, các nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt công tác nghiên cứu, tham mưu việc đặt mới và sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng theo đúng Quy chế này, báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung phù hợp.
Điều 15. Kinh phí hoạt động của Hội đồng đặt tên đường:
Hội đồng đặt tên đường được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách tỉnh và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh./.
- 1Quyết định 21/2011/QĐ-UBND về Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh Hậu Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành
- 2Quyết định 04/2007/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 114/2006/QĐ-UBND về Quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh Bình Dương
- 3Quyết định 114/2006/QĐ-UBND về Quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh Bình Dương
- 4Quyết định 55/2010/QĐ-UBND về đặt tên đường tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới đợt 1 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5Quyết định 27/2014/QĐ-UBND về Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh An Giang
- 6Quyết định 357/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh An Giang kỳ 2014-2018
- 1Nghị định 91/2005/NĐ-CP về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng
- 2Thông tư 36/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 21/2011/QĐ-UBND về Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh Hậu Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành
- 5Quyết định 04/2007/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 114/2006/QĐ-UBND về Quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh Bình Dương
- 6Quyết định 114/2006/QĐ-UBND về Quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng tỉnh Bình Dương
- 7Quyết định 55/2010/QĐ-UBND về đặt tên đường tại thị trấn A Lưới, huyện A Lưới đợt 1 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Quyết định 25/2007/QĐ-UBND về quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trong tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 25/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/06/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Lê Minh Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra