Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2493/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 11 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHÒNG CÔNG CHỨNG TỈNH SƠN LA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Công chứng năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Căn cứ Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 07/2020/TT-BTP ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Căn cứ Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Căn cứ Quyết định số 2324/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh về việc thành lập Phòng Công chứng tỉnh Sơn La;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 848/TTr-SNV ngày 08 tháng 10 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Công chứng tỉnh Sơn La như sau:

1. Vị trí và chức năng

a) Phòng Công chứng tỉnh Sơn La (gọi tắt là Phòng Công chứng) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp; có chức năng công chứng các loại hợp đồng, giao dịch bằng văn bản; giao dịch giấy tờ bằng văn bản; chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu theo quy định của Luật Công chứng năm 2014; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bảo sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và các quy định khác.

b) Phòng Công chứng có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Phòng Công chứng chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

a) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm về công chứng và tổ chức thực hiện các kế hoạch đó.

b) Công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của Luật Công chúng như:

- Công chúng hợp đồng mua bán, vay, mượn, thế chấp, cầm cố tài sản;

- Công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất và nhà ở;

- Công chứng hợp đồng cho thuê, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

- Công chứng thỏa thuận phân chia, nhập và xác nhận tài sản của vợ, chồng;

- Công chứng di chúc, khai nhận di sản, thỏa thuận phân chia di sản, từ chối nhận di sản, nhận lưu giữ di chúc;

- Công chứng hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền;

- Công chứng bản dịch các giấy tờ văn bản từ tiếng việt sang tiếng nước ngoài và từ tiếng nước ngoài sang tiếng việt;

- Công chứng hợp đồng giao dịch khác theo quy định của pháp luật.

c) Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực giấy tờ theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bảo sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 32, Điều 33 Luật Công chứng năm 2014.

đ) Tổ chức thực hiện công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

e) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết, truyền thông về tổ chức và hoạt động công chứng ở địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động công chứng.

g) Quản lý viên chức, người lao động; tài chính, tài sản và cơ sở vật chất của Phòng Công chứng theo quy định của pháp luật.

f) Thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Công chúng.

3. Cơ cấu tổ chức

a) Lãnh đạo Phòng Công chứng: Trưởng phòng và không quá 02 Phó trưởng phòng.

- Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng Công chứng.

- Phó Trưởng phòng là người giúp Trưởng phòng phụ trách một số lĩnh vực công tác, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Trưởng phòng vắng mặt, một Phó Trưởng phòng được Trưởng phòng ủy quyền điều hành các hoạt động của Phòng Công chứng.

b) Các viên chức thuộc Phòng Công chứng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính; Trưởng phòng Công chứng tỉnh Sơn La; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Thường trực tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, NC, Hiệp(15b).

CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2493/QĐ-UBND năm 2021 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Công chứng tỉnh Sơn La

  • Số hiệu: 2493/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Hoàng Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản