Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2480/QĐ-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 13 tháng 12 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Căn cứ Nghị quyết 01-NQ/ĐH XVII ngày 16/11/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII;
Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Thông tri số 23-TT/TU ngày 27/8/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Thông báo số 769-TB/TU ngày 19/10/2022 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương thực hiện Đề án “xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường học tại tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2024;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tại Tờ trình số 178/TTr-SGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Có Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
XÂY DỰNG KHÔNG GIAN ĐỌC SÁCH MỞ VÀ THÂN THIỆN TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2024
MỤC LỤC: ĐỀ ÁN
MỤC LỤC: ĐỀ ÁN
Phần thứ nhất
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
2. Các căn cứ xây dựng Đề án
Phần thứ hai
THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THƯ VIỆN, KHÔNG GIAN ĐỌC VÀ VĂN HÓA ĐỌC Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TỈNH VĨNH PHÚC HIỆN NAY
1. Cơ sở vật chất phòng thư viện, nhà thư viện trường học
2. Nguồn nhân lực
3. Không gian đọc sách ngoài thư viện
4. Văn hóa đọc trong nhà trường
Phần thứ ba
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Mục tiêu của Đề án
2. Nhiệm vụ và giải pháp
3. Tính khả thi và đánh giá tác động
Phần thứ tư
LỘ TRÌNH, KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giai đoạn đầu tư xây dựng
2. Khái toán kinh phí
3. Nguồn kinh phí đầu tư
4. Tổ chức thực hiện
PHỤ LỤC 1
DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. KHỐI SỞ GDĐT
2. Thành phố Vĩnh Yên
3. Huyện Bình Xuyên
4. Huyện Tam Dương
5. Thành phố Phúc Yên
6. Huyện Vĩnh Tường
7. Huyện Sông Lô
8. Huyện Tam Đảo
9. Huyện Yên Lạc
10. Huyện Lập Thạch
Phần thứ nhất
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Trong sự phát triển của xã hội loài người, sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng, mở mang trí tuệ và làm phong phú tâm hồn mỗi người. Sách vừa là bạn, vừa là người thầy siêu việt, thắp sáng nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta biết sống, biết suy nghĩ, biết chia sẻ và biết cống hiến. Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của con người, nhất là tại những quốc gia văn minh, phát triển. Mỗi người, muốn làm chủ thông tin, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, văn hóa sống… thông qua đọc sách, cần phải tự rèn luyện bản thân có thói quen đọc sách hàng ngày, đọc sách mọi lúc, mọi nơi khi có thể, có sở thích đọc và kỹ năng đọc,hay còn gọi là có văn hóa đọc.
Cũng bởi vậy, phát triển văn hoá đọc cho mọi thành viên trong xã hội, luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công. Với tầm quan trọng ấy, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”.
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã xác định: Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng; Phát triển văn hóa đọc trên cơ sở khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại… Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Mục đích nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, góp phần xây dựng và phát triển xã hội học tập. Đồng thời, thông qua Ngày Sách, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Đề án, việc xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện được xác định là một trong các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đọc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, với quan điểm Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Một trong các mục tiêu của Đề án đặt ra là:“Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật”.
Tại Vĩnh Phúc, từ khi tái lập tỉnh - năm 1997 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Các trường học trên địa bàn tỉnh, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, kiên cố; thiết bị dạy học được trang bị bổ sung hàng năm đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trong đó, hệ thống các phòng thư viện, nhà thư viện, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thiết bị… phục vụ hoạt động của thư viện trong các trường học cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc của giáo viên, học sinh, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Sau 25 năm, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, lĩnh vực giáo dục vươn lên là một điểm sáng trong bức tranh giáo dục cả nước. Giáo dục Vĩnh Phúc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là địa phương xuất sắc, nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Hiện nay, các trường học trong tỉnh đang không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả của thư viện, tổ chức các hoạt động sáng tạo, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, tạo “cầu nối” tri thức cho học sinh. Tuy nhiên, đa số nhà trường tại Vĩnh Phúc đã được xây dựng từ nhiều năm về trước, sử dụng mô hình thư viện truyền thống với giá sách và bàn đọc trong không gian chật hẹp, tài liệu nghèo nàn, không hấp dẫn để thu hút giáo viên và học sinh đến đọc sách. Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết kế, xây dựng những góc thư viện mở, thân thiện; không gian đọc sách, học tập ngoài trời sáng tạo, hấp dẫn nhằm khơi dậy niềm đam mê và duy trì, tăng cường thói quen đọc sách cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả, việc lập và phê duyệt Đề án Xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện cho các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh là phù hợp và cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà trường phổ thông trên địa bàn tỉnh hiện nay.
2.1. Căn cứ chính trị và pháp lý
- Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
- Văn bản số 3320/BGDĐT-GDTX ngày 06/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào về việc triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
- Văn bản số 282/BGDĐT-CTHSSV ngày 25/01/2017 của Bộ GD&ĐT về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.
- Nghị quyết số 01-NQ/ĐH XVII ngày 16/11/2020 nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10/12/2021 nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 529/QĐ-TU ngày 11/01/2022 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
- Thông tri số 23-TT/TU ngày 27/8/2019 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Văn bản số 10660/UBND-VX2 ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc giao Hội Khuyến học tỉnh khảo sát lập Đề án xây dựng không gian đọc sách và học tập, rèn luyện cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
- Kế hoạch số 325/KH-UB ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
2.2. Căn cứ thực tiễn
Trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí, các phương tiện nghe, nhìn (điện thoại, máy tính bảng, laptop…) tỏ ra vượt trội bởi tính năng tiện dụng, hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn so với trang sách in. Tất cả đang dần dần làm thay đổi hành vi, cách thức tiếp nhận thông tin, kiến thức, kỹ năng cũng như cách thức hưởng thụ văn hóa và giải trí của con người. Bên cạnh đó, do áp lực cuộc sống, các bậc làm cha, làm mẹ cũng chưa thực sự quan tâm, chăm lo đến việc phát triển thói quen đọc cho con từ bé- vốn là yếu tố gốc rễ của văn hóa đọc. Trong các nhà trường, chương trình học còn nặng về kiến thức, chưa khắc phục triệt để được bệnh thi cử và thành tích trong giáo dục, cùng với thư viện truyền thống có không gian chật hẹp, cơ sở vật chất, nguồn tư liệu và những điều kiện thiết yếu trong các thư viện, phòng đọc còn hạn chế nên chưa tạo được sự thuận lợi, hứng thú cho học sinh đọc sách... Những yếu tố cơ bản đó đã góp phần tạo nên xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và “phai nhạt” thói quen đọc sách của một bộ phận công chúng hiện nay, trong đó có học sinh.
Việc làm mới không gian thư viện truyền thống trong các nhà trường (bao gồm: Không gian dành cho bạn đọc; không gian làm việc cho viên chức chuyên môn thư viện; không gian chứa kho sách, báo; không gian hành chính quản trị, nói chuyện chuyên đề; ngoài ra khuôn viên, vườn hoa cây cảnh trong thư viện cũng được xem là không gian thư viện) nhằm tạo sự thoải mái, thân thiện, tiện lợi cho người đọc, giúp tăng cường nhu cầu, hoạt động đọc, thu hút người đến đọc sách nhiều hơn. Vì vậy, quá trình chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện thân thiện góp phần quan trọng tạo sự hứng thú, hấp dẫn, làm thay đổi cách đọc sách, cách sử dụng thư viện của bạn đọc.
Mô hình thư viện xanh được đặt trong khuôn viên tạo sự thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên và hấp dẫn học sinh đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới
Một số mô hình của các nước
(Ảnh sưu tầm)
(Ảnh sưu tầm)
(Ảnh sưu tầm)
Tại Việt Nam các tỉnh, thành phố đã áp dụng như: Nghệ An có khoảng 30% số trường phổ thông; Bình Định; Hạ Long; Bắc Giang;…
Mô hình thư viện thân thiện của Trường THCS Bãi Cháy (TP Hạ Long)
Mô hình thư viện Ngoài trời của Trường TH Bích Sơn (Việt Yên - Bắc Giang)
Không gian đọc và hoạt động truyền cảm hứng cho các em học sinh trong các nhà lớp học tại Thành phố Huế
Góc đọc sách mở, thân thiện tại Trường Tiểu học Thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Năm học 2022 Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường đưa vào sử dụng góc không gian đọc sách mở, thân thiện. Qua gần 2 tháng đi vào sử dụng thu hút được nhiều em học sinh đến học tập vui chơi, trải nghiệm đạt hiệu quả cao.
Thực hiện Chương trình hành động của Bí thư Tỉnh ủy ngày 30/01/2020 về nội dung phát triển văn hóa đọc trong trường học, năm 2021 ngành giáo dục các cấp đã đầu tư cải tạo thí điểm một số thư viện trường học (gồm cơ sở vật chất và tài liệu) như thư viện của các trường: THPT Nguyễn Thái Học, THPT Hai Bà Trưng, THCS Tô Hiệu… mang lại hiệu quả rõ rệt, được các nhà trường, giáo viên và học sinh đánh giá cao; chương trình này đang được tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh.
Ngày 29/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch số 325/KH-UB về việc thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Kế hoạch giao Hội Khuyến học tỉnh xây dựng không gian đọc sách và học tập, rèn luyện cho 100% các trường học trên địa bàn tỉnh. Trước đó, tại văn bản số 10001/UBND-VX2 ngày 10/11/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc lựa chọn trường học để xây dựng không gian đọc sách và học tập, rèn luyện cho học sinh, Hội Khuyến học đã trình UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng không gian đọc sách và học tập, rèn luyện cho học sinh thí điểm ở 3 trường học các cấp với nguồn đầu tư xã hội hóa. Đến nay đã hoàn thành xong các thiết kế mẫu theo góp ý thẩm định của Sở Xây dựng để triển khai thực hiện.
Phần thứ hai
THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THƯ VIỆN, KHÔNG GIAN ĐỌC VÀ VĂN HÓA ĐỌC Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TỈNH VĨNH PHÚC HIỆN NAY
1. Cơ sở vật chất phòng thư viện, nhà thư viện trường học
- Đến năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh có 145 trường Tiểu học, 132 trường Trung học cơ sở, 16 trường liên cấp TH&THCS và 30 trường THPT (29 trường THPT công lập, 01 trường THPT tư thục).
- Hiện tại 100% nhà trường đã có phòng thư viện (phòng đọc và kho sách, 01 phòng thư viện/trường), riêng khối THPT có một số trường có nhà thư viện.
Số lượng thư viện bậc Tiểu học và THCS hiện có 293 phòng.
Số lượng thư viện bậc THPT hiện có 16 nhà và 14 phòng.
Số lượng tài liệu trong thư viện: Hiện tại mỗi trường có số lượng tài liệu với trên 200 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo và các tài liệu khác…
- Thời gian, tần suất sử dụng thư viện và việc cập nhật, bổ sung tài liệu thường xuyên của các bậc học:
Khối Tiểu học: Mỗi tháng (22 ngày) tính trung bình mỗi đơn vị nhà trường có giáo viên, học sinh sử dụng khoảng 15 ngày, số lượt mượn tài liệu của 161 đơn vị là 20.930 đầu sách. Hàng năm các đơn vị bổ sung nguồn học liệu, tài liệu sách báo từ nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn khác cho 161 thư viện của bậc Tiểu học là 22.000 tài liệu với tổng kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Trung bình mỗi trường đạt gần 140 tài liệu/năm, song phần lớn là sách giáo khoa, học liệu dành cho giáo viên.
Khối THCS: Mỗi tháng tính trung bình mỗi đơn vị nhà trường có giáo viên, học sinh sử dụng khoảng 18 ngày, số lượt mượn tài liệu của 148 đơn vị là 47.952 đầu sách. Hàng năm các đơn vị bổ sung nguồn học liệu, tài liệu sách báo từ nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn khác cho 148 thư viện của bậc THCS là 16.600 tài liệu với tổng kinh phí khoảng 1,0 tỷ đồng.Trung bình mỗi trường đạt gần 120 tài liệu/năm, song phần lớn là sách giáo khoa, học liệu dành cho giáo viên.
Khối THPT: Mỗi tháng tính trung bình mỗi đơn vị nhà trường có giáo viên, học sinh sử dụng khoảng 22 ngày, số lượt mượn tài liệu của 30 đơn vị là 7.500 đầu sách. Hàng năm các đơn vị bổ sung nguồn học liệu, tài liệu sách báo từ nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn khác cho 30 thư viện của bậc THPT là 12.000 tài liệu với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Trung bình mỗi trường đạt khoảng 400 tài liệu/năm, song phần lớn là sách giáo khoa, học liệu dành cho giáo viên.
- Theo các Quyết định số: 01/2003/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông ban hành ngày 2/1/2003, Quyết định số 01/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 29/1/2004 và công văn số 11185/GDTH ngày 17/12/2004 về hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông của Bộ GD&ĐT, phòng thư viện của mỗi nhà trường cần đảm bảo diện tích tối thiểu 50m2 để làm phòng đọc và kho sách có đủ điều kiện cho thư viện hoạt động. Như vậy, thư viện của các trường đạt chuẩn quốc gia phải đảm bảo diện tích tối thiểu của phòng đọc là 20 chỗ cho giáo viên và 25 chỗ học sinh.
- Trên thực tế, mặc dù 100% nhà trường tại Vĩnh Phúc đều có phòng thư viện nhưng diện tích, quy mô, cách bố trí khác nhau. Tính trung bình 20 học sinh đọc sách tại thư viện trong một thời điểm, thì con số này bị giới hạn nhiều so với quy mô học sinh của nhà trường tại thời điểm đó. Nói cách khác, không gian thư viện còn hạn chế là một trong những yếu tố khó phát triển, lan tỏa phong trào có tính chất rộng khắp.
- Định mức tối thiểu nhân viên thư viện trong các đơn vị trường học cần: 323 nhân viên (Tiểu học: 145NV, THCS:132NV, TH&THCS: 16NV, THPT: 30NV).
- Về nhân viên thư viện cho các cấp học:
Hiện có 250 nhân viên. Trong đó: Biên chế 157 nhân viên (Tiểu học: 66NV, THCS:79NV, THPT: 12NV), hợp đồng 93 nhân viên (Tiểu học: 34NV, THCS:46NV, THPT: 13NV).
Thiếu 73 nhân viên đang bố trí nhân viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng 68 để làm (01 người/trường).
- Trong bối cảnh thiếu nhân lực chung của toàn ngành, lực lượng nhân viên làm công tác thư viện cũng vừa thiếu, vừa chưa đáp ứng cả 2 yêu cầu về nghiệp vụ thư viện và nghiệp vụ sư phạm, ảnh hưởng nhiều đến khả năng phục vụ nhu cầu đọc sách của giáo viên và học sinh.
- Một số trường học chưa thực sự quan tâm nên thư viện mới chỉ là “kho” chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách. Thiết bị thư viện và một số đầu sách ít được sử dụng, thậm chí “ngủ quên” trong tủ, giá sách từ ngày này sang ngày khác với hình thức còn mới. Cùng với đó, một số cơ sở giáo dục chưa chú trọng, coi trọng và tạo điều kiện để nhân viên thư viện chuyên tâm, phát huy tốt nhất chuyên môn và nhiệm vụ.
Trên thực tế, công tác thư viện tại mỗi nhà trường đều chỉ do một nhân viên phụ trách và đảm nhiệm các khâu/công đoạn từ nhập tài liệu, xử lý kỹ thuật về nội dung, hình thức tài liệu và phục vụ bạn đọc. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, tận tâm để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trên phần mềm quản lý thư viện, đảm bảo chuyên môn. Đặc biệt, tinh thần phục vụ nhiệt tình, chu đáo của nhân viên thư viện đóng vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động của chính thư viện đó. Vậy mà, không ít nhà trường giao cho nhân viên thư viện kiêm nhiệm việc vệ sinh, trực trống, thực hiện các công việc hành chính văn phòng, nội vụ nhà trường…
Chuyên môn chưa được coi trọng và nhìn nhận đúng, mức lương nhân viên thấp, không được hưởng phụ cấp độc hại theo quy định, ít được bồi dưỡng, học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; việc biên chế, đánh giá, xếp loại danh hiệu thi đua đối với nhân viên thư viện nhiều nơi chưa thực hiện đúng điều lệ trường phổ thông… dẫn đến một bộ phận có tâm lý chán nản, xuất hiện hiện tượng nhân viên thư viện nói riêng bỏ nghề, bỏ trường. Hoạt động vận hành thư viện đã khó lại càng khó, chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được nhiều học sinh đến học tập, trải nghiệm ở không gian này.
3. Không gian đọc sách ngoài phòng thư viện
Cùng với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018), vai trò của thư viện trường học hiện nay đã có sự thay đổi. Để hoàn thiện văn bản pháp lý về tổ chức và hoạt động của thư viện, năm 2021, Bộ Giáo dục và đào tạo đang dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi về Thông tư ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Trong đó, định hướng tổ chức thư viện thành không gian mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp học liệu. Thư viện phải đảm bảo 4 yếu tố: nguồn tài liệu, cán bộ thư viện, người đọc, cơ sở vật chất/hạ tầng kỹ thuật cần được liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả hoạt động đọc trong nhà trường.
Như vậy, thư viện mới được hiểu theo nghĩa mở rộng là không gian học tập chung của nhà trường, là trung tâm của kết nối đa chiều, từ kết nối cơ sở vật chất, không gian hạ tầng, nguồn học liệu, kết nối các hoạt động của học sinh nhằm phát huy các phẩm chất và năng lực, kết nối người đọc, cộng đồng - tạo môi trường nuôi dưỡng văn hóa thông qua việc kết nối giữa phụ huynh, cộng đồng và nhà trường bằng hoạt động...
Tại Vĩnh Phúc, hầu hết trường học của tỉnh đều xây dựng từ lâu, khi quy mô học sinh còn nhỏ, các tiêu chuẩn khoa học về cơ sở vật chất và bố trí các khối công trình chưa ban hành nên trong quá trình phát triển có hiện tượng cơi nới, chồng chéo trong xây dựng bổ sung làm cho không gian sân trường chưa thông thoáng, còn bị chia cắt; hầu hết trường học chưa bố trí được không gian đọc sách thân thiện ngoài trời (thư viện mở, thư viện xanh) cho học sinh.
Một số trường, lớp phát động học sinh đóng góp sách, xây dựng tủ sách để đọc chung tại mỗi lớp học khi giải lao. Tuy nhiên việc trang bị góc đọc sách, duy trì phong trào đọc sách tại mỗi lớp học diễn ra tự phát, thiếu sự đồng bộ, thiếu tính kết nối và liên thông với các hoạt động giáo dục.
Qua khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, cơ sở vật chất, loại hình thư viện được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau, cả nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa, hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các nhà trường, diện mạo thư viện và không gian thư viện đã dần chuyển biến theo hướng mở, thân thiện và hiện đại, thu hút với học sinh. Bên cạnh thư viện trường, hiện một số trường còn có góc thư viện xanh tại sân trường, thư viện công cộng, thư viện mở - tại các chân cầu thang, góc thư viện tại các lớp học…, tuy nhiên con số này còn đạt thấp.
Không gian đọc sách tại nhà trường còn hạn chế, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đồng bộ, có nơi xuống cấp, nguồn học liệu, tài liệu, số lượng đầu sách chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đây là lý do cơ bản góp phần làm giảm sức hấp dẫn của thư viện, không thu hút được học sinh đến thư viện đọc sách.
4. Văn hóa đọc trong nhà trường
Văn hóa đọc của học sinh nói riêng trong nhà trường không nằm ngoài thực trạng đọc sách của người Việt Nam. Một khảo sát quốc tế của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á công bố năm 2016 cho thấy, người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.
Nếu như người Pháp và Nhật Bản đọc trung bình 20 cuốn sách/năm, Singapore 14 cuốn/năm, Malaysia 12 cuốn/năm, Trung Quốc 5 cuốn/năm thì người Việt được cho là thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa, đồng nghĩa mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên đó là do chúng ta không quan tâm xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ.
Trái ngược với thời gian ít ỏi dành cho đọc sách, người Việt lại nằm trong top 10 thế giới về thời gian dành cho mạng xã hội. Theo khảo sát về thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam 2018 tiến hành bởi Vinaresearch, trung bình 1 ngày người Việt Nam dành khoảng hơn 2 tiếng để truy cập mạng xã hội, mà phổ biến nhất là Facebook. Thời gian người Việt trên 16 tuổi dành cho Facebook trung bình là gần 4 tiếng/ngày. Khi truy cập mạng xã hội, chỉ có 13,4% thời gian được dành cho học tập, còn lại đa số dùng để kết nối, đọc tin tức, giải trí, mua sắm online và các mục đích khác.
Với học sinh hiện nay, thực trạng đáng báo động đó là các em ngày càng không có hứng thú với việc đọc sách. Học sinh chưa hình thành được thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc, do đó không thể tiếp cận một cách tốt nhất với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích cho việc học tập và cuộc sống của mình.Chất lượng phong trào đọc sách tại mỗi nhà trường là chưa đồng đều và chưa đạt như kỳ vọng, bởi những lý do sau đây:
- Dịch bệnh Covid-19 diễn ra 3 năm qua, học sinh thường xuyên học tập trực tuyến tại nhà, sử dụng các thiết bị điện tử nối mạng, trong khi ý thức tự giác chưa cao, chưa được trang bị kỹ năng học tập, thiếu sự giám sát của phụ huynh học sinh..., đa số học sinh, nhất là các cấp học dưới, có hiện tượng thiếu tập trung chú ý học tập, nghiện việc giải trí, chơi game trên mạng thông qua các thiết bị điện tử. Nhu cầu đọc của học sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn, các phương tiện nghe nhìn có xu hướng lấn át văn hóa đọc.
- Chất lượng, mức độ nhận thức, mức độ quan tâm chỉ đạo và hành động của lãnh đạo mỗi nhà trường, nhất là ở khối các trường trực thuộc huyện quản lý, đối với việc phát triển văn hóa đọc của học sinh, rất khác nhau, nếu không nói là chênh lệch. Có những trường đã khơi dậy và tổ chức tốt việc học sinh đọc sách ngoài giờ, có nhiều hoạt động bổ trợ duy trì thói quen đọc sách cho học sinh nên đã vào nền nếp, song cũng có không ít trường học không có học sinh, giáo viên đến đọc sách và mượn sách. Nói cách khác, mức độ quan tâm của nhà trường tới văn hóa đọc, khơi dậy và duy trì văn hóa đọc, coi trọng nhiệm vụ của nhân viên thư viện chưa đúng mức và phù hợp. Thái độ, cách ứng xử có văn hóa với sách chưa được coi trọng. Học sinh chưa được khuyến khích và truyền cảm hứng đọc sách, áp dụng những điều học tập được từ sách vào thực tiễn, từ tấm gương của người lớn. Trách nhiệm đầu tiên là của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Tiếp đó đối với đội ngũ giáo viên trong nhà trường, cần thay đổi cách nhìn và suy nghĩ về thư viện coi giờ thư viện là giờ lấp chỗ trống. Một số giáo viên còn chưa có hứng thú và kỹ năng đọc khiến việc truyền đạt niềm say mê đọc sách cho các em học sinh còn nhiều bất cập. Để thực hiện các mô hình thư viện trường học, mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp phải trở thành người truyền cảm hứng đọc cho học sinh.
- Tại trường lớp, thời gian đọc sách của học sinh rất ít, bị phân tán, xen kẽ giữa các tiết học. Việc bố trí thời gian dành cho học sinh đọc sách trong nhà trường có rất nhiều hạn chế. Các nhà trường đều không bố trí các tiết đọc sách trong thời gian học chính khóa, mà gần như để “tự phát”, vào giờ ra chơi. Tuy nhiên hiện nay, khối tiểu học đang học 2 buổi trên ngày, thời gian ra chơi giữa buổi khoảng 20 phút, đa số học sinh chưa tìm đến thư viện vì các em còn có các nhu cầu khác của lứa tuổi như vận động, vui chơi. Vẫn còn hiện tượng giao bài tập về nhà vào buổi tối, áp lực ôn luyện tham gia các kỳ thi không bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham gia các kỳ khảo sát chất lượng, kiểm tra đánh giá của các cấp. Đây không chỉ từ phía giáo viên, nhà trường, mà còn là nhu cầu của phụ huynh, sự đồng thuận của hai bên muốn con em rèn luyện kiến thức và nền nếp, ý thức học tập tại nhà.
Với cấp THCS, lịch học dày và khối lượng kiến thức nặng hơn. Bên cạnh thời gian học chính khóa, học sinh còn học các tiết tăng cường vào buổi chiều, chưa kể việc đi học thêm, tự học, làm bài tập ở nhà vào buổi tối. Trong giờ học chính khóa, việc nghỉ giữa giờ là 5 phút, không đủ để lôi kéo, khiến học sinh nhập tâm với việc đọc sách. Nhìn chung, khối lượng kiến thức và áp lực học tập - thi cử còn nặng ở các cấp học trên, nhất là các lớp cuối cấp nên việc khơi dậy đam mê đọc sách là việc cá nhân hóa hơn là tạo ra được một phong trào chung, mang tính rộng khắp.
- Thư viện truyền thống thiếu hấp dẫn. Cơ sở vật chất, thiết bị nghèo nàn, loại hình sách đọc mang tính giáo khoa, hàn lâm, thiếu các đầu sách trang bị kỹ năng, khoa học thường thức, giải trí cho học sinh và phù hợp với lứa tuổi các em... Qua khảo sát, 100% các nhà trường đều khẳng định có nhu cầu và ủng hộ việc xây dựng, cải tạo không gian trường học gắn với việc phát huy văn hóa đọc của học sinh. Các ý kiến đánh giá, mô hình không gian thư viện mở, thân thiện trong trường học có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thay đổi diện mạo nhà trường theo hướng tích cực, nên được nhân rộng, phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Để thúc đẩy văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, qua 8 lần triển khai, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sinh hoạt văn hóa thường niên, được cộng đồng đón nhận và tôn vinh.
Mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc là phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc cho học sinh và mọi thành viên trong xã hội. Nếu văn hóa đọc không phát triển thì mục tiêu học tập của học sinh sẽ không đạt được, không hình thành được nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của công dân và không có xã hội học tập.
Phần thứ ba
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Mục tiêu của Đề án
1.1. Cải thiện môi trường đọc; giúp học sinh trở thành người đọc chủ động, độc lập, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh; đồng thời khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.
1.2. Xây dựng bổ sung không gian đọc sách mở, thân thiện cho học sinh đối với 100% các trường phổ thông nhằm mở rộng không gian đọc sách, tăng thêm chức năng hoạt động học tập cho học sinh, làm phong phú, tiện ích và hiện đại cho cảnh quan chung của nhà trường; cùng với việc nâng cấp hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới để thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
2.1. Truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; vai trò của sách, đọc sách trong đời sống, công việc, học tập, phát triển bản thân; ý nghĩa, tác dụng của Đề án tới các cấp ủy, chính quyền địa phương; các cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo, tới cộng đồng, nhân dân trong tỉnh.
2.2. Giải pháp về đầu tư xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện tại các trường phổ thông trong các năm 2022-2024:
2.2.1. Xây dựng 3 mô hình không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường học tỉnh Vĩnh Phúc cho học sinh ở các cấp học theo hình thức xã hội hóa hoàn thành trong quý II/2023.
- Trường Tiểu học Thanh Trù, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên.
- Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường.
- Trường THPT Tam Dương, huyện Tam Dương.
2.2.2. Xây dựng thí điểm không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường học từ nguồn vốn ngân sách nhà nước
- Thực hiện xây dựng thí điểm ở mỗi cấp học 01 trường/01 huyện, thành phố (tổng số 27 trường học) trong năm 2023.
- Sau khi thực hiện thí điểm đầu tư năm 2023, cơ quan quản lý Đề án phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, lập báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư dự án báo cáo UBND tỉnh làm căn cứ tiếp tục thực hiện triển khai diện rộng trên địa bàn tỉnh vào năm 2024.
2.2.3. Thiết kế và phê duyệt mẫu không gian đọc sách, học tập và rèn luyện cho học sinh cấp Tiểu học, THCS, THPT đáp ứng các yêu cầu chính sau:
- Thiết kế mẫu không gian đọc sách và học tập, rèn luyện cho học sinh cấp Tiểu học, THCS, THPT phải có sự nghiên cứu toàn diện trên hệ thống mạng lưới các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các đặc điểm hiện trạng và điều kiện tự nhiên theo từng vùng, miền (vùng núi, trung du, đồng bằng) để đưa ra các giải pháp thiết kế phù hợp, hướng tới là mô hình điểm để áp dụng nhân rộng cho các trường học. Tạo hiệu ứng lan tỏa và phát huy đúng mục đích khi đưa vào hoạt động.
- Việc bố trí không gian văn hóa đọc cần nghiên cứu kết hợp với không gian cây xanh hiện có, không gian khu vui chơi tạo thành một tổng thể thống nhất. Đặc biệt phải có sự kết nối và liên hệ chặt chẽ với các khối nhà lớp học, khu thư viện truyền thống để dễ dàng cho học sinh tiếp cận. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu xây dựng và hình khối kiến trúc cũng cần có sự nghiên cứu về tỷ lệ, màu sắc, để đảm bảo phù hợp cho từng lứa tuổi, cấp học. Quá trình nghiên cứu cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đơn vị tư vấn có chuyên môn tham gia để phát huy cao nhất giá trị sử dụng.
- Các khối công trình xây dựng chỉ là một phần cấu thành của không gian này, chủ yếu ở dạng nhà lắp ghép, có quy mô là công trình cấp 4 nhưng phải đảm bảo an toàn cho học sinh và cộng đồng; hồ sơ thiết kế phải được các đơn vị tư vấn có năng lực hoạt động xây dựng theo quy định thẩm tra thiết kế về an toàn công trình trước khi thực hiện.
Do tính chất đặc biệt của khí hậu của miền Bắc (mùa hè nóng ẩm, mùa đông hanh khô; chênh lệch nhiệt độ lớn giữa các mùa) nên việc lựa chọn vật liệu chính sử dụng cho công trình phải đảm bảo bền (xác định rõ thời gian của độ bền vật liệu), an toàn, thân thiện với môi trường và phù hợp với cảnh quan sư phạm. Việc lựa chọn vật liệu cần được cơ quan có chuyên môn kiểm định trước khi đưa vào bản vẽ thiết kế thi công mẫu trình UBND tỉnh duyệt.
- Thời gian hoàn thành trong tháng 1 năm 2023.
2.3. Triển khai xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện cho học sinh cho 100 % trường phổ thông còn lại theo thiết kế mẫu phù hợp, hoàn thành trong quý IV năm 2023 và năm 2024.
2.4. Xây dựng và bố trí thời gian đọc sách cho học sinh
2.4.1. Xây dựng và bố trí thời gian đọc sách phù hợp, khoa học cho học sinh, giáo viên từng cấp học trên địa bàn tỉnh. Việc đọc sách phải trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể và đa dạng. Theo đó, có thể dành 1 tiết/tuần cho từng lớp trong khung giờ chính thức, tùy theo điều kiện của mỗi trường và mỗi cấp học dành cho việc đọc của học sinh, giáo viên.
Ngoài ra thời khóa biểu và thời gian đọc sách của mỗi lớp (35 học sinh) thực hiện như sau:
- Đối với khối Tiểu học: Thời gian đọc của học sinh vào các giờ ra chơi, trước và sau các bữa ăn bán trú, cụ thể:
Đối với giờ ra chơi không gian đọc được kết nối với sân trường nên thuận tiện cho học sinh sử dụng các sách báo, truyện, tài liệu.
Trước và sau bữa ăn bán trú: Các nhà trường thường bố trí cho học sinh thời gian chơi tại sân trường khoảng 30 phút. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để học sinh có thể đọc và giải trí trước khi vào giờ nghỉ trưa.
- Đối với cấp THCS, THPT: Thời gian đọc của học sinh và các giờ ra chơi và sau các buổi học chuyên đề, cụ thể:
Đối với giờ ra chơi không gian đọc được kết nối với sân trường nên thuận tiện cho học sinh sử dụng các sách báo, truyện, tài liệu.
Sau các buổi học chuyên đề: Nhà trường bố trí cho thư viện tiếp tục hoạt động để phục vụ cho các em học sinh có nhu cầu đọc, đặc biệt là đối với các em học sinh đang trong thời gian chờ phụ huynh đón.
2.4.2. Nghiên cứu, có giải pháp để giảm áp lực học tập, thi cử đối với học sinh những cấp học dưới, tăng thời gian hướng dẫn đọc sách, tự đọc, kết hợp học mà chơi. Khuyến khích học sinh, giáo viên đọc sách, tạo điều kiện để học sinh đọc sách mọi lúc, mọi nơi như trong giờ ra chơi, giờ đón chờ tan học…
2.5. Tổ chức các hoạt động giáo dục, văn hóa, giải trí, thi đua kết nối với hoạt động đọc của học sinh, giáo viên nhằm lan tỏa, củng cố, đánh giá hiệu quả và phát huy văn hóa đọc trong các nhà trường, các gia đình, phụ huynh học sinh.
2.6. Các trường có phương án quy hoạch, bố trí lại phòng thư viện truyền thống cho phù hợp để kết nối với không gian đọc ngoài trời (do hiện tại trên địa bàn tỉnh một số trường có phòng thư viện ở vị trí khó khăn như trên tầng cao nên khó kết nối với không gian đọc ngoài trời).
2.7. Có giải pháp tăng cường các nguồn lực nhằm đầu tư, cập nhật, mở rộng, liên kết, liên thông nguồn học liệu, luân chuyển tài liệu, sách báo của thư viện giữa các nhà trường theo hướng phù hợp, không giới hạn nhu cầu học tập, giải trí của học sinh; có cơ chế đánh giá thi đua, chế độ đãi ngộ, giải pháp khích lệ nguồn nhân lực, mà trực tiếp là nhân viên thư viện trường học sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
2.8. Bố trí đủ biên chế nhân viên thư viện, tuyển nhân viên hợp đồng vào biên chế và sử dụng số giáo viên thừa cục bộ sang thực hiện kiêm nhiệm.
2.9. Các đơn vị giáo dục chịu trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý, vận hành sau đầu tư nhất là trong thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ để đảm bảo hiệu quả trong quá trình khai thác và sử dụng.
- Độ bền của vật liệu: Căn cứ vào thiết kế mẫu của Sở Xây dựng sau khi được UBND tỉnh phê duyệt (dự kiến tháng 1/2023); trong thiết kế mẫu quy định rõ chủng loại, vật liệu xây dựng cho Đề án và thời gian cho độ bền của vật liệu sử dụng.
- Chi phí bảo trì, sửa chữa: Sau thời hạn bảo hành công trình theo quy định đơn vị sử dụng có trách nhiệm lập dự toán bảo trì (theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ) từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị để thực hiện các công tác bảo trì, sửa chữa và thay thế nhỏ đảm bảo công trình vận hành đạt hiệu quả cao và kéo dài tuổi thọ của công trình.
3. Tính khả thi và đánh giá tác động
3.1. Tính khả thi
- Mục tiêu của Đề án phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:
Vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển giáo dục, đào tạo: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT; Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII; Thông báo số 448-TB/TU ngày 04/10/2021 của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về lĩnh vực giáo dục;Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 10/12/2021 Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giáo dục 2019; Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 15/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017, đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
- Đề án phù hợp với xu thế chung của đổi mới giáo dục và có quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, chính quyền; phù hợp với nguyện vọng của nhân dân để phát triển văn hóa đọc, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hình thức, điều kiện dạy và học trong toàn hệ thống giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn;góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nhằm thực hiện thành công Đề án phát triển giáo dục Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.
- Đề án được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn và thực hiện đầy đủ các bước theo quy định. Quá trình xây dựng, thực hiện Đề án có sự tham gia tư vấn hỗ trợ của các cơ quan chuyên ngành: Các đơn vị tư vấn, Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các địa phương và các cơ sở giáo dục nên có tính khả thi cao.
- Khả năng đáp ứng về ngân sách Nhà nước để thực hiện Đề án
Trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc luôn là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh. Đến năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 32.500 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2025, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định và tỉnh có đủ khả năng cân đối ngân sách để chi cho mục tiêu phát triển giáo dục trong đó có kinh phí thực hiện Đề án.
Ngoài ra để thực hiện đề án, nguồn kinh phí đảm bảo có thể huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư và nguồn xã hội hóa giáo dục.
- Về xác định quy mô xây dựng công trình (là dự án hay phi dự án): Căn cứ Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, các hạng mục xây dựng không gian đọc sách trong Đề án được xác định là công trình xây dựng; theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng (công trình giáo dục). Khi triển khai đầu tư xây dựng công trình tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật về xây dựng.
- Tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có đầy đủ các đặc điểm khí hậu của vùng trung du miền núi phía Bắc. Nhiệt độ trung bình năm là 23,5 - 25°C, nhiệt độ cao nhất là 38,5°C, nhiệt độ thấp nhất là 2°C.
Lượng mưa trung bình hàng năm đạt 1.400 đến 1.600 mm. Lượng mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm.
Hệ thống thư viện mở, thân thiện được xây dựng dưới gốc cây, có bóng râm, và có mái che nên có thể sử dụng được hầu hết vào các ngày trong năm học.
3.2. Đánh giá tác động của Đề án
Giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Khi đi vào thực tiễn, Đề án sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, có tác động sâu sắc và toàn diện trong việc đổi mới môi trường, cảnh quan trường học, phương tiện dạy và học ở mọi lúc, mọi nơi, phát triển văn hóa đọc, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài; là giải pháp góp phần tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
3.3. Dự báo khó khăn, vướng mắc
Một số nội dung của đề án chưa có quy định cụ thể của các ngành chức năng về cơ sở vật chất trường học để đầu tư, xây dựng.
Để thực hiện thành công Đề án, cần có sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan.
Việc quản lý sau đầu tư cần có sự giám sát và chỉ đạo sát sao từ các cấp chính quyền địa phương và ngành Giáo dục để mô hình phát huy hiệu quả.
3.4. Biện pháp khắc phục
- Chú trọng tuyên truyền tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động từ tỉnh tới cơ sở và các sở, ngành liên quan; mở rộng dân chủ trong thảo luận xây dựng Đề án.
- Các sở, ngành liên quan cần phối hợp để xây dựng một số thiết kế mẫu không gian đọc sách mở có tính phù hợp cao với nhiều nhà trường trong các cấp học; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các đơn vị triển khai thực hiện sau khi Đề án được phê duyệt.
- UBND tỉnh phê duyệt thiết kế mẫu và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
Phần thứ tư
LỘ TRÌNH, KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giai đoạn đầu tư xây dựng
- Năm 2023: Đầu tư xây dựng thí điểm không gian đọc sách, học tập và rèn luyện cho học sinh tại 27 điểm trường (trong đó: cấp Tiểu học 9 điểm trường, cấp THCS: 9 điểm trường và THPT là 9 điểm trường).
- Năm 2024: Đầu tư xây dựng không gian đọc sách, học tập và rèn luyện cho học sinh tại 334 điểm trường (trong đó: cấp Tiểu học 171 điểm trường (19 trường có 2 cơ sở), cấp THCS: 138 điểm trường (01 trường có 02 cơ sở) và THPT là 25 điểm trường (05 trường có 02 cơ sở)).
Thống kê các trường xây dựng không gian đọc sách và giai đoạn thực hiện:
Năm thực hiện | Cấp học | Sở GD&ĐT | Vĩnh Yên | Bình Xuyên | Tam Dương | Phúc Yên | Vĩnh Tường | Sông Lô | Tam Đảo | Yên Lạc | Lập Thạch | Tổng |
Năm 2023 | TH |
| 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 61 |
| THCS |
| 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 9 |
| THPT | 9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| 9 |
| TS | 9 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 2 | 27 |
Năm 2024 | TH |
| 12 | 19 | 16 | 14 | 33 | 19 | 14 | 19 | 25 | 171 |
| THCS |
| 8 | 13 | 13 | 11 | 29 | 17 | 10 | 17 | 20 | 138 |
| THPT | 25 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| 25 |
| TS | 25 | 20 | 32 | 29 | 25 | 62 | 36 | 24 | 36 | 45 | 334 |
Tổng số | TH | 0 | 13 | 20 | 17 | 15 | 34 | 20 | 15 | 20 | 26 | 180 |
| THCS | 0 | 9 | 14 | 14 | 12 | 30 | 18 | 11 | 18 | 21 | 147 |
| THPT | 34 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 34 |
| TS | 34 | 22 | 34 | 31 | 27 | 64 | 38 | 26 | 38 | 47 | 361 |
2. Khái toán kinh phí tổng mức đầu tư
2.1. Mức đầu tư dự kiến:
2.1. Mức đầu tư:
- Cấp tiểu học: Dự kiến tối đa khoảng 700 triệu đồng/ điểm trường
- Cấp THCS: Dự kiến tối đa khoảng 800 triệu đồng/ điểm trường
- Cấp THPT: Dự kiến tối đa khoảng 900 triệu đồng/ điểm trường
Ngân sách cụ thể cho 01 khu vực được xác định khi triển khai cụ thể tại từng trường (bao gồm cả sách và các thiết bị).
2.2. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến: 271.100 triệu đồng, trong đó:
- Cấp tiểu học: 178 điểm trường x 700 = 124.600 triệu đồng;
- Cấp THCS: 146 điểm trường x 800 = 116.800 triệu đồng;
- Cấp THPT: 33 điểm trường x 900 = 29.700 triệu đồng.
2.3. Nguồn kinh phí đầu tư
2.3.1. Kinh phí dự kiến hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cấp tỉnh (70%): 189.770 triệu đồng, trong đó:
- Cấp tiểu học: Hỗ trợ 490 triệu đồng/ điểm trường:
178 điểm trường x 490 = 87.220 triệu đồng;
- Cấp THCS: Hỗ trợ 560 triệu đồng/ điểm trường.
146 điểm trường x 560 = 81.760 triệu đồng;
- Cấp THPT: Hỗ trợ 630 triệu đồng/ điểm trường.
33 điểm trường x 630 = 20.790 triệu đồng.
2.3.2. Kinh phí từ các nguồn khác (nguồn ngân sách cấp huyện,nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác): 81.330 triệu đồng.
2.4. Phân kỳ đầu tư:
2.4.1. Giai đoạn 2023
- Thực hiện xong 27 điểm trường; tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: 15.120 triệu đồng, trong đó:
Cấp tiểu học: 9 điểm trường x 490 = 4.410 triệu đồng;
Cấp THCS: 9 điểm trường x 560 = 5.040 triệu đồng;
Cấp THPT: 9 điểm trường x 630 = 5.670 triệu đồng.
- Dự kiến kinh phí từ nguồn khác(nguồn ngân sách cấp huyện,nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác): 6.480 triệu đồng.
2.4.2. Giai đoạn 2024
- Thực hiện xong 330 điểm trường còn lại; tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: 174.650 triệu đồng, trong đó:
Cấp tiểu học: 169 điểm trường x 490 = 82.810 triệu đồng;
Cấp THCS: 137 điểm trường x 560 = 76.720 triệu đồng;
Cấp THPT: 24 điểm trường x 630 = 15.120 triệu đồng.
- Dự kiến kinh phí từ nguồn khác(nguồn ngân sách cấp huyện,nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác): 74.850 triệu đồng.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Hội Khuyến học tỉnh
- Phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng thiết kế không gian đọc sách cho 3 trường Tiểu học, THCS, THPT được chọn thực hiện theo hình thức xã hội hóa, trình Sở Xây dựng thẩm định; phối hợp với Sở GDĐT và các địa phương liên quan hoàn thành trong Quý I năm 2023;
- Phối hợp triển khai các nội dung của Đề án, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao văn hóa đọc trong và ngoài ngành Giáo dục và đào tạo. Phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong xây dựng, phát triển xã hội học tập, tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời sâu rộng trong toàn tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện thu hút đầu tư thí điểm theo hình thức xã hội hóa hoàn thành cho 03 Trường học trong quý II năm 2023. (Đã thực hiện xong ở Trường Tiểu học Thị trấn Vĩnh Tường)
4.2. Sở Xây dựng
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể; lồng ghép các nhiệm vụ của Đề án trong quá trình triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan khác; phối hợp tổ chức giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án.
- Kiểm tra, thẩm định, có ý kiến cụ thể về 03 mẫu thiết kế do Khuyến học tỉnh và các đơn vị tư vấn trình, hoàn thành trong Quý I/2022.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai lập thiết kế mẫu (theo hướng mở) không gian đọc sách học tập và rèn luyện cho các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Các thiết kế mẫu phải thể hiện sự sáng tạo, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, tạo ra các quần thể không gian mang tính nghệ thuật, đa chức năng, thoát ra được những khuôn khổ sẵn có và liên thông với không gian toàn trường; từ đó mang đến cho các em học sinh một không gian đọc sách mở, thân thiện; đáp ứng yêu cầu nâng cao văn hóa đọc trong môi trường học đường và cải tạo cảnh quan trường học. Sau khi hoàn thành thẩm định thiết kế mẫu (theo hướng mở tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường) trình UBND tỉnh Quyết định phê duyệt trong tháng 1/2023.
- Hướng dẫn UBND các huyện thành phố và các cơ sở giáo dục thực hiện trên cơ sở thiết kế mẫu theo hướng mở (có thể tham khảo nhiều mẫu của các đơn vị hoặc tùy theo không gian, vị trí để lên thiết kế cho phù hợp) và thủ tục đầu tư xây dựng.
4.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, tham mưu với UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư công dành cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo cho các đơn vị trong năm 2023 và năm 2024 để thực hiện.
- Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện. Năm 2023, năm 2024 phải bố trí được trong Quý I.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể; lồng ghép các nhiệm vụ của Đề án trong quá trình triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan khác; phối hợp tổ chức giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án.
- Hướng dẫn UBND các huyện thành phố và các cơ sở giáo dục thực hiện quy trình thủ tục theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
4.4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh các nội dung, văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt để đảm bảo đúng tiến độ thực hiện và mục tiêu của Đề án đặt ra.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án hiệu quả.
- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tổng hợp tình hình thực hiện tại các địa phương, các cơ sở giáo dục việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án theo kế hoạch.
- Thường xuyên kiểm tra các đơn vị việc triển khai thực hiện để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các nội dung phát sinh đảm bảo đúng quy quy định.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng, vận hành thư viện kết nối với không gian đọc sách mở, thân thiện đảm bảo hiệu quả đầu tư; thực hiện duy trì thường xuyên không gian đọc sách tại các cơ sở giáo dục.
4.5. Sở Nội vụ
- Lồng ghép các nội dung tại Đề án này vào Chương trình, Kế hoạch thực hiện phát triển thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc.
- Bố trí đáp ứng đủ cán bộ, nhân viên làm công tác thư viện trường học phù hợp yêu cầu phát triển giáo dục.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị UBND tỉnh khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Đề án.
4.6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về nội dung của Đề án.
- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
4.7. UBND các huyện, thành phố
- UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện triển khai xây dựng không gian đọc sách tại các cơ sở giáo dục tại địa phương theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các trường vận hành, khai thác, sử dụng không gian đọc sách đảm bảo hiệu quả.
- Chủ trì tổ chức xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện cho khối TH, THCS trên cơ sở thiết kế mẫu (theo hướng mở) và các quy định hiện hành.
- Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, quản lý điều hành, tạo điều kiện phát huy, tăng cường văn hóa đọc, các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu giáo dục, vui chơi, giải trí, phát triển lành mạnh của thanh, thiếu, nhi tại địa phương.
- Xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội trong việc phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi tại địa phương.
- Bố trí đáp ứng đủ cán bộ, nhân viên làm công tác thư viện trường học phù hợp yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương.
- Bố trí nguồn kinh phí, tạo cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý.
- Thường xuyên kiểm tra việc triển khai, thực hiện, vận hành, khai thác sử dụng tại các đơn vị sau khi đầu tư để phát huy hiệu quả, mục đích đầu tư.
4.8. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc và Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh
- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Đề án.
- Xây dựng kế hoạch tăng cường thời lượng, chất lượng tin, bài nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về văn hóa đọc của tỉnh.
- Phối hợp với Sở GDĐT và các cơ quan liên quan xây dựng, triển khai các chương trình đổi mới nội dung, hình thức về giáo dục văn hóa đọc trong nhà trường nói riêng.
- Xây dựng các phóng sự nêu gương cá nhân, tập thể, mô hình, cách làm đổi mới sáng tạo trong thực hiện, triển khai Đề án, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
4.9. Thời gian thực hiện
- Giai đoạn 2022-2023 thực hiện mô hình tại 03 điểm trường theo hình thức xã hội hóa.
- Giai đoạn 2023 thực hiện hoàn thành 27 điểm trường.
- Giai đoạn 2024 thực hiện hoàn thành số điểm trường còn lại.
PHỤ LỤC 1
DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. KHỐI SỞ GDĐT
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | Vĩnh Yên | Phường Hội Hợp - TP Vĩnh Yên | 2023 |
2. | Trần Hưng Đạo | Xã Kim Long - Huyện Tam Dương | 2023 |
3. | Tam Dương | TT Hợp Hòa - Huyện Tam Dương | 2023 |
4. | Tam Đảo | Xã Tam Quan - Huyện Tam Đảo | 2023 |
5. | Bình Xuyên | TT Hương Canh - Huyện Bình Xuyên | 2023 |
6. | Sáng Sơn (cơ sở 1) | Thị trấn Tam Sơn - Huyện Sông Lô | 2023 |
7. | Lê Xoay | Thị trấn Vĩnh Tường - Huyện Vĩnh Tường | 2023 |
8. | Bến Tre | Phường Hùng Vương- TP Phúc Yên | 2023 |
9. | Yên Lạc | TT Yên Lạc - Huyện Yên Lạc | 2023 |
10. | Tam Đảo 2 | Xã Bồ Lý - Huyện Tam Đảo | 2024 |
11. | Ng Viết Xuân | Xã Đại Đồng - Huyện Vĩnh Tường | 2024 |
12. | Yên Lạc 2 | Xã Liên Châu - Huyện Yên Lạc | 2024 |
13. | Võ Thị Sáu | Xã Phú Xuân - Huyện Bình Xuyên | 2024 |
14. | Chuyên Vĩnh Phúc | Xã Định Trung - TP Vĩnh Yên | 2024 |
15. | Ngô Gia Tự (CS1) | TT Lập Thạch - Huyện Lập Thạch | 2024 |
16. | Trần Nguyên Hãn (CS1) | xã Triệu Đề - Huyện Lập Thạch | 2024 |
17. | Bình Sơn | Xã Nhân Đạo - Huyện Sông Lô | 2024 |
18. | Hai Bà Trưng | Phường Hùng Vương - TP Phúc Yên | 2024 |
19. | Sáng Sơn (cơ sở 2) | Xã Đồng Thịnh - Huyện Sông Lô | 2024 |
20. | Liễn Sơn | Thị trấn Hoa Sơn - Huyện Lập Thạch | 2024 |
21. | Đồng Đậu | Xã Trung Nguyên - Huyện Yên Lạc | 2024 |
22. | Xuân Hòa | Phường Xuân Hòa - TP Phúc Yên | 2024 |
23. | Trần Phú | Phường Liên Bảo - TP Vĩnh Yên | 2024 |
24. | DTNT Tỉnh (CS1) | Phường Đồng Tâm - TP Vĩnh Yên | 2024 |
25. | DTNT Tỉnh (CS2) | Xã Ngọc Thanh - TP. Phúc Yên | 2024 |
26. | Nguyễn Thái Học | Phường Khai Quang - TP Vĩnh Yên | 2024 |
27. | Tam Dương 2 | Xã Duy Phiên - Huyện Tam Dương | 2024 |
28. | Ngô Gia Tự (CS2) | TT Lập Thạch - Huyện Lập Thạch | 2024 |
29. | Trần Nguyên Hãn (CS2) | xã Văn Quán - Huyện Lập Thạch | 2024 |
30. | Đội Cấn | Xã Tam Phúc - Huyện Vĩnh Tường | 2024 |
31. | Nguyễn Thị Giang | xã Lũng Hòa - Huyện Vĩnh Tường | 2024 |
32. | Phạm Công Bình | Nguyệt Đức - Huyện Yên Lạc | 2024 |
33. | Quang Hà (CS1) | TT Gia Khánh - Huyện Bình Xuyên | 2024 |
34. | Quang Hà (CS2) | TT Bá Hiến - Huyện Bình Xuyên | 2024 |
2. Thành phố Vĩnh Yên
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | TH Liên Minh | Phường Liên Bảo | 2023 |
2. | TH Thanh Trù | Xã Thanh Trù | 2023 |
3. | THCS Liên Bảo | Phường Liên Bảo | 2023 |
4. | TH Tích Sơn | Phường Tích Sơn | 2024 |
5. | TH Kim Ngọc | Phường Đống Đa | 2024 |
6. | THCS Hội Hợp | Phường Hội Hợp | 2024 |
7. | THCS Vĩnh Yên | Xã Định Trung | 2024 |
8. | TH Khai Quang | Phường Khai Quang | 2024 |
9. | TH Liên Bảo | Phường Liên Bảo | 2024 |
10. | TH Đồng Tâm (CS1) | Phường Đồng Tâm | 2024 |
11. | TH Hội Hợp B | Phường Hội Hợp | 2024 |
12. | TH Định Trung | Xã Định Trung | 2024 |
13. | TH Đống Đa | Phường Đống Đa | 2024 |
14. | TH Ngô Quyền | Phường Ngô Quyền | 2024 |
15. | TH Hội Hợp A | Phường Hội Hợp | 2024 |
16. | TH Đồng Tâm (CS2) | Phường Đồng Tâm | 2024 |
17. | THCS Đồng Tâm | Phường Đồng Tâm | 2024 |
18. | THCS Tô Hiệu | Phường Đống Đa | 2024 |
19. | THCS Khai Quang | Phường Khai Quang | 2024 |
20. | THCS Định Trung | Xã Định Trung | 2024 |
21. | THCS Thanh Trù | Xã Thanh Trù | 2024 |
22. | THCS Tích Sơn | Phường Tích Sơn | 2024 |
3.Huyện Bình Xuyên
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | TH Hương Sơn | Xã Hương Sơn | 2023 |
2. | THCS Lý Tự Trọng | Thị trấn Hương | 2023 |
3. | TH Tân Phong | Xã Tân Phong | 2024 |
4. | TH Đạo Đức B | Xã Đạo Đức | 2024 |
5. | TH Tam Hợp | Xã Tam Hợp | 2024 |
6. | THCS Hương Canh | TT Hương Canh | 2024 |
7. | TH Quất Lưu | Xã Quất Lưu | 2024 |
8. | THCS Lý Tự Trọng | Thị trấn Hương | 2024 |
9. | THCS Bá Hiến | Thị trấn Bá Hiến | 2024 |
10. | THCS Thiện Kế | Xã Thiện | 2024 |
11. | THCS Gia Khánh | Thị trấn Gia Khánh | 2024 |
12. | THCS Quất Lưu | Xã Quất Lưu | 2024 |
13. | THCS Sơn Lôi | Xã Sơn Lôi | 2024 |
14. | THCS Tân Phong | Xã Tân Phong | 2024 |
15. | TH Bá Hiến A | TT Bá Hiến | 2024 |
16. | TH Bá Hiến B | TT Bá Hiến | 2024 |
17. | TH Đạo Đức A | Xã Đạo Đức | 2024 |
18. | TH Gia Khánh A | Xã Gia Khánh | 2024 |
19. | TH Gia Khánh B | Xã Gia Khánh | 2024 |
20. | TH Hương Canh A | TT Hương Canh | 2024 |
21. | TH Hương Canh B | TT Hương Canh | 2024 |
22. | TH Phú Xuân | Xã Phú Xuân | 2024 |
23. | TH Sơn Lôi B | Xã Sơn Lôi | 2024 |
24. | TH Thanh Lãng A | Xã Thanh Lãng | 2024 |
25. | TH Thiện Kế A | Xã Thiện Kế | 2024 |
26. | TH Thiện Kế B | Xã Thiện Kế | 2024 |
27. | TH Trung Mỹ | Xã Trung Mỹ | 2024 |
28. | THCS Hương Sơn | Xã Hương Sơn | 2024 |
29. | THCS Trung Mỹ | Xã Trung Mỹ | 2024 |
30. | THCS Tam Hợp | Xã Tam Hợp | 2024 |
31. | THCS Thanh Lãng | TT Thanh Lãng | 2024 |
32. | THCS Phú Xuân | TT Phú Xuân | 2024 |
33. | THCS Đạo Đức | TT Đạo Đức | 2024 |
34. | TH Sơn Lôi A | Xã Sơn Lôi | 2024 |
35. | TH Thanh Lãng B | Thị trấn Thanh Lãng | 2024 |
4. Huyện Tam Dương
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | TH Hợp Hoà | Thị trấn Hợp Hòa | 2023 |
2. | THCS Hợp Hoà | Thị trấn Hợp Hòa | 2023 |
3. | TH Duy Phiên | Xã Duy Phiên | 2024 |
4. | TH Hoàng Đan | Xã Hoàng Đan | 2024 |
5. | TH Hoàng Hoa | Xã Hoàng Hoa | 2024 |
6. | TH Hợp Thịnh | Xã Hợp Thịnh | 2024 |
7. | TH Kim Long | Xã Kim Long | 2024 |
8. | THCS Đạo Tú | Xã Đạo Tú | 2024 |
9. | THCS Đồng Tĩnh | Xã Đồng Tĩnh | 2024 |
10. | THCS Hợp Thịnh | Xã Hợp Thịnh | 2024 |
11. | THCS Kim Long | Xã Kim Long | 2024 |
12. | TH Kim Long B | Xã KimLong | 2024 |
13. | TH Vân Hội | Xã Vân Hội | 2024 |
14. | TH Đạo Tú | Xã Đạo Tú | 2024 |
15. | TH Đồng Tĩnh A | Xã Đồng Tĩnh | 2024 |
16. | TH Đồng Tĩnh B | Xã Đồng Tĩnh | 2024 |
17. | TH Hoàng Lâu | Xã Hoàng Lâu | 2024 |
18. | TH Hợp Hòa B | Xã Hợp Hòa | 2024 |
19. | TH Hướng Đạo | Xã Hướng Đạo | 2024 |
20. | TH Thanh Vân | Xã Thanh Vân | 2024 |
21. | TH An Hoà | Xã An Hòa | 2024 |
22. | TH Duy Phiên (CS2) | Xã Duy Phiên | 2024 |
23. | THCS An Hoà | Xã An Hòa | 2024 |
24. | THCS Duy Phiên | Xã Duy Phiên | 2024 |
25. | THCS Hoàng Đan | Xã Hoàng Đan | 2024 |
26. | THCS Hoàng Hoa | Xã Hoàng Hoa | 2024 |
27. | THCS Hoàng Lâu | Xã Hoàng Lâu | 2024 |
28. | THCS Hướng Đạo | Xã Hướng Đạo | 2024 |
29. | THCS Tam Dương | Thị trấn Hợp Hòa | 2024 |
30. | THCS Thanh Vân | Xã Thanh Vân | 2024 |
31. | THCS Vân Hội | Xã Vân Hội | 2024 |
5. Thành phố Phúc Yên
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | Tiểu học Lưu Quý An | Phường Hùng Vương | 2023 |
2. | THCS Lê Hồng Phong | Phường Trưng Trắc | 2023 |
3. | Tiểu học Đồng Xuân | Phường Đồng Xuân | 2024 |
4. | Tiểu học Nam Viêm | Phường Nam Viêm | 2024 |
5. | Tiểu học Ngọc Thanh B | Xã Ngọc Thanh | 2024 |
6. | Tiểu học Hùng Vương | Phường Hùng Vương | 2024 |
7. | Tiểu học Tiền Châu (CS1) | Phường Tiền Châu | 2024 |
8. | THCS Ngọc Thanh B | Xã Ngọc Thanh | 2024 |
9. | THCS Cao Minh | Xã Cao Minh | 2024 |
10. | THCS Nam Viêm | Phường Nam Viêm | 2024 |
11. | Tiểu học Tiền Châu (CS2) | Phường Tiền Châu | 2024 |
12. | Tiểu học Cao Minh (CS1) | Xã Cao Minh | 2024 |
13. | Tiểu học Ngọc Thanh A | Xã Ngọc Thanh | 2024 |
14. | Tiểu học Ngọc Thanh C | Xã Ngọc Thanh | 2024 |
15. | Tiểu học Trưng Nhị | Phường Trưng Nhị | 2024 |
16. | Tiểu học Cao Minh (CS2) | Xã Cao Minh | 2024 |
17. | Tiểu học Xuân Hòa | Phường Xuân Hòa | 2024 |
18. | Tiểu học Phúc Thắng (CS1) | Phường Phúc Thắng | 2024 |
19. | Tiểu học Phúc Thắng (CS2) | Phường Phúc Thắng | 2024 |
20. | THCS Ngọc Thanh | Xã Ngọc Thanh | 2024 |
21. | THCS Xuân Hòa | Phường Xuân Hòa | 2024 |
22. | THCS Đồng Xuân | Phường Đồng Xuân | 2024 |
23. | THCS Hùng Vương | Phường Hùng Vương | 2024 |
24. | THCS Hai Bà Trưng | Phường Trưng Nhị | 2024 |
25. | THCS Tiền Châu | Phường Tiền Châu | 2024 |
26. | THCS Phúc Thắng | Phường Phúc Thắng | 2024 |
27. | THCS Phúc Yên | Phường Trưng Nhị | 2024 |
6. Huyện Vĩnh Tường
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | TH TT Vĩnh Tường | Thị trấn Vĩnh Tường | 2022 |
2. | TH Vũ Di | Xã Vũ Di | 2023 |
3. | THCS Vũ Di | Xã Vũ Di | 2023 |
4. | TH Cao Đại | Xã Cao Đại | 2024 |
5. | TH Đại Đồng | Xã Đại Đồng | 2024 |
6. | TH Kim Xá (CS1) | Xã Kim Xá | 2024 |
7. | TH Nguyễn Thái Học 2 | Thị trấn Thổ Tang | 2024 |
8. | TH Nguyễn Viết Xuân | Xã Ngũ Kiên | 2024 |
9. | TH Phú Đa | Xã Phú Đa | 2024 |
10. | TH Tứ Trưng | Thị Trấn Tứ Trưng | 2024 |
11. | TH Tuân Chính | Xã Tuân Chính | 2024 |
12. | TH An Tường (CS1) | xã An Tường | 2024 |
13. | TH Vĩnh Thịnh (CS1) | Xã Vĩnh Thịnh | 2024 |
14. | THCS TT Vĩnh Tường | Thị trấn Vĩnh Tường | 2024 |
15. | THCS Vĩnh Tường | Thị trấn Vĩnh Tường | 2024 |
16. | THCS Nguyễn Kiến | Xã Tân Phú | 2024 |
17. | THCS Tam Phúc | Xã Tam Phúc | 2024 |
18. | THCS Thổ Tang | Thị trấn Thổ Tang | 2024 |
19. | THCS Thượng Trưng | Xã Thượng Trưng | 2024 |
20. | THCS Tứ Trưng | Thị trấn Tứ Trưng | 2024 |
21. | THCS Việt Xuân | Xã Việt Xuân | 2024 |
22. | TH Bình Dương 1 | Xã Bình Dương | 2024 |
23. | TH Bình Dương 2 | Xã Bình Dương | 2024 |
24. | TH Chấn Hưng | Xã Chấn Hưng | 2024 |
25. | TH Lũng Hòa | Xã Lũng Hòa | 2024 |
26. | TH Lý Nhân | Xã Lý Nhân | 2024 |
27. | TH Nghĩa Hưng | Xã Nghĩa Hưng | 2024 |
28. | TH Nguyễn Thái Học 1 | Xã Thổ Tang | 2024 |
29. | TH Tân Tiến | Xã Tân Tiến | 2024 |
30. | TH Thượng Trưng | Xã Thượng Trưng | 2024 |
31. | TH Vân Xuân | Xã Vân Xuân | 2024 |
32. | TH Việt Xuân | Xã Việt Xuân | 2024 |
33. | TH Yên Bình | Xã Yên Bình | 2024 |
34. | TH Bồ Sao | Xã Bồ Sao | 2024 |
35. | TH Nguyễn Kiến | Xã Tân Phú | 2024 |
36. | TH Phú Thịnh | Xã Tân Phú | 2024 |
37. | TH Tam Phúc | Xã Tam Phúc | 2024 |
38. | TH Vĩnh Ninh | Xã Vĩnh Ninh | 2024 |
39. | TH Vĩnh Sơn | Xã Vĩnh Sơn | 2024 |
40. | TH Yên Lập | Xã Yên Lập | 2024 |
41. | TH Kim Xá (CS1) | Xã Kim Xá | 2024 |
42. | TH An Tường (CS2) | xã An Tường | 2024 |
43. | TH Vĩnh Thịnh (CS2) | Xã Vĩnh Thịnh | 2024 |
44. | THCS Bình Dương | Xã Bình Dương | 2024 |
45. | THCS Vĩnh Sơn | Xã Vĩnh Sơn | 2024 |
46. | THCS Vĩnh Thịnh | Xã Vĩnh Thịnh | 2024 |
47. | THCS Yên Lập | Xã Yên Lập | 2024 |
48. | THCS Vân Xuân | Xã Vân Xuân | 2024 |
49. | THCS Nghĩa Hưng | Xã Nghĩa Hưng | 2024 |
50. | THCS An Tường | Xã An Tường | 2024 |
51. | THCS Cao Đại | Xã Cao Đại | 2024 |
52. | THCS Chấn Hưng | Xã Chấn Hưng | 2024 |
53. | THCS Đại Đồng | Xã Đại Đồng | 2024 |
54. | THCS Kim Xá | Xã Xã Kim Xá | 2024 |
55. | THCS Lũng Hòa | Xã Lũng Hòa | 2024 |
56. | THCS Phú Đa | Xã Phú Đa | 2024 |
57. | THCS Phú Thịnh | Xã Tân Phú | 2024 |
58. | THCS Tân Tiến | Xã Tân Tiến | 2024 |
59. | THCS Tuân Chính | Xã Tuân Chính | 2024 |
60. | THCS Vĩnh Ninh | Xã Vĩnh Ninh | 2024 |
61. | THCS Yên Bình | Xã Yên Bình | 2024 |
62. | THCS Lý Nhân | Xã Lý Nhân | 2024 |
63. | THCS Bồ Sao | Xã Bồ Sao | 2024 |
64. | THCS Ng Viết Xuân | Xã Ngũ Kiên | 2024 |
7. Huyện Sông Lô
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | TH Tam Sơn | TT Tam Sơn | 2023 |
2. | THCS Hoàng Hoa Thám | TT Tam Sơn | 2023 |
3. | TH Lãng Công | Xã Lãng Công | 2024 |
4. | TH Nhân Đạo | Xã Nhân Đạo | 2024 |
5. | TH Đôn Nhân | Xã Đôn Nhân | 2024 |
6. | TH Tân Lập | Xã Tân Lập | 2024 |
7. | TH Yên Thạch (CS1) | Xã Yên Thạch | 2024 |
8. | THCS Lãng Công | Xã Lãng Công | 2024 |
9. | THCS Nhân Đạo | Xã Nhân Đạo | 2024 |
10. | THCS Đôn Nhân | Xã Đôn Nhân | 2024 |
11. | THCS Tân Lập | Xã Tân Lập | 2024 |
12. | THCS Yên Thạch | Xã Yên Thạch | 2024 |
13. | TH Bạch Lưu | Xã Bạch Lưu | 2024 |
14. | TH Hải Lựu (Cs1) | Xã Hải Lựu | 2024 |
15. | TH Quang Yên | Xã Quang Yên | 2024 |
16. | TH Đồng Quế | Xã Đồng Quế | 2024 |
17. | TH Như Thụy | Xã Như Thụy | 2024 |
18. | TH Phương Khoan | Xã Phương Khoan | 2024 |
19. | TH Nhạo Sơn | Xã Nhạo Sơn | 2024 |
20. | TH Tứ Yên | Xã Tứ Yên | 2024 |
21. | TH Đức Bác | Xã Đức Bác | 2024 |
22. | TH Cao Phong | Xã Cao Phong | 2024 |
23. | TH Đồng Thịnh (CS1) | Xã Đồng Thịnh | 2024 |
24. | TH Yên Thạch (CS2) | Xã Yên Thạch | 2024 |
25. | TH Đồng Thịnh (CS2) | Xã Đồng Thịnh | 2024 |
26. | TH Hải Lựu (CS2) | Xã Hải Lựu | 2024 |
27. | THCS Đức Bác | Xã Đức Bác | 2024 |
28. | THCS Cao Phong | Xã Cao Phong | 2024 |
29. | THCS Sông Lô | Xã Nhạo Sơn | 2024 |
30. | THCS Bạch Lưu | Xã Bạch Lưu | 2024 |
31. | THCS Hải Lựu | Xã Hải Lựu | 2024 |
32. | THCS Quang Yên | Xã Quang Yên | 2024 |
33. | THCS Đồng Quế | Xã Đồng Quế | 2024 |
34. | THCS Như Thụy | Xã Như Thụy | 2024 |
35. | THCS Phương Khoan | Xã Phương Khoan | 2024 |
36. | THCS Nhạo Sơn | Xã Nhạo Sơn | 2024 |
37. | THCS Tứ Yên | Xã Tứ Yên | 2024 |
38. | THCS Đồng Thịnh | Xã Đồng Thịnh | 2024 |
8. Huyện Tam Đảo
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | TH Hợp Châu (CS1) | TT Hợp Châu | 2023 |
2. | THCS Tam Đảo | Xã Hồ Sơn | 2023 |
3. | TH Minh Quang (CS1) | Xã Minh Quang | 2024 |
4. | TH Tam Quan 1 | Xã Tam Quan | 2024 |
5. | TH Đại Đình | TT Đại Đình | 2024 |
6. | TH Yên Dương | Xã Yên Dương | 2024 |
7. | TH Tân Đồng | Xã Đạo Trù | 2024 |
8. | THCS Hồ Sơn | Xã Hồ Sơn | 2024 |
9. | THCS Bồ Lý | Xã Bồ Lý | 2024 |
10. | THCS Đạo Trù (CS1) | Xã Đạo Trù | 2024 |
11. | TH Tam Quan 2 | Xã Tam Quan | 2024 |
12. | TH Đại Đình 2 | TT Đại Đình | 2024 |
13. | TH Đồng Tiến | Xã Đạo Trù | 2024 |
14. | TH Vĩnh Thành | Xã Đạo Trù | 2024 |
15. | TH Bồ Lý | Xã Bồ Lý | 2024 |
16. | TH Hổ Sơn | Xã Hồ Sơn | 2024 |
17. | TH Minh Quang (CS2) | Xã Minh Quang | 2024 |
18. | TH Hợp Châu (CS2) | TT Hợp Châu | 2024 |
19. | THCS Đạo Trù (CS2) | Xã Đạo Trù | 2024 |
20. | THCS Nguyễn Trãi | Xã Tam Quan | 2024 |
21. | THCS Yên Dương | Xã Yên Dương | 2024 |
22. | THCS Đại Đình | TT Đại Đình | 2024 |
23. | THCS Hợp Châu | TT Hợp Châu | 2024 |
24. | THCS Minh Quang | Xã Minh Quang | 2024 |
25. | TH &THCS Tam Đảo (TH) | TT Tam Đảo | 2024 |
26. | TH &THCS Tam Đảo (THCS) | TT Tam Đảo | 2024 |
9. Huyện Yên Lạc
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | Tiểu học TT Yên Lạc | Thị trấn Yên Lạc | 2023 |
2. | THCS Yên Lạc | Xã Tam Hồng | 2023 |
3. | Tiểu học Phạm Công Bình | Xã Đồng Văn | 2024 |
4. | Tiểu học Tề Lỗ | Xã Tề Lỗ | 2024 |
5. | Tiểu học Trung Nguyên | Xã Trung Nguyên | 2024 |
6. | Tiểu học Tam Hồng 1 | Xã Tam Hồng | 2024 |
7. | Tiểu học Minh Tân | Thị trấn Yên Lạc | 2024 |
8. | THCS Phạm Công Bình | Xã Đồng Văn | 2024 |
9. | THCS Trung Nguyên | Xã Trung Nguyên | 2024 |
10. | THCS Yên Đồng (CS1) | Xã Yên Đồng | 2024 |
11. | THCS TT Yên Lạc | Thị trấn Yên Lạc | 2024 |
12. | THCS Văn Tiến | Xã Văn Tiến | 2024 |
13. | Tiểu học Văn Tiến | Xã Văn Tiến | 2024 |
14. | Tiểu học Hồng Phương | Xã Hồng Phương | 2024 |
15. | Tiểu học Trung Kiên | Xã Trung Kiên | 2024 |
16. | Tiểu học Liên Châu | Xã Liên Châu | 2024 |
17. | Tiểu học Tam Hồng 2 | Xã Tam Hồng | 2024 |
18. | Tiểu học Yên Phương | Xã Yên Phương | 2024 |
19. | Tiểu học Yên Đồng | Xã Yên Đồng | 2024 |
20. | Tiểu học Đồng Cương | Xã Đồng Cương | 2024 |
21. | Tiểu học Kim Ngọc | Xã Bình Định | 2024 |
22. | Tiểu học Nguyệt Đức | Xã Nguyệt Đức | 2024 |
23. | Tiểu học Hồng Châu | Xã Hồng Châu | 2024 |
24. | Tiểu học Đại Tự | Xã Đại Tự | 2024 |
25. | Tiểu học Trung Hà | Xã Trung Hà | 2024 |
26. | THCS Nguyệt Đức | Xã Nguyệt Đức | 2024 |
27. | THCS Hồng Phương | Xã Hồng Phương | 2024 |
28. | THCS Trung Kiên | Xã Trung Kiên | 2024 |
29. | THCS Yên Đồng (CS2) | Xã Yên Đồng | 2024 |
30. | THCS Tề Lỗ | Xã Tề Lỗ | 2024 |
31. | THCS Tam Hồng | Xã Tam Hồng | 2024 |
32. | THCS Liên Châu | Xã Liên Châu | 2024 |
33. | THCS Yên Phương | Xã Yên Phương | 2024 |
34. | THCS Đồng Cương | Xã Đồng Cương | 2024 |
35. | THCS Kim Ngọc | Xã Bình Định | 2024 |
36. | THCS Hồng Châu | Xã Hồng Châu | 2024 |
37. | THCS Đại Tự | Xã Đại Tự | 2024 |
38. | THCS Trung Hà | Xã Trung Hà, huyện Yên Lạc | 2024 |
10. Huyện Lập Thạch
TT | Tên Trường | Địa Chỉ | Năm |
1. | TH Thị trấn Lập Thạch | Thị trấn Lập Thạch | 2023 |
2. | THCS Thị trấn Hoa Sơn | Thị Trấn Hoa Sơn | 2023 |
3. | TH Đồng Ích (CS1) | Xã Đồng Ích | 2024 |
4. | TH Kim Đồng | Thị trấn Lập Thạch | 2024 |
5. | TH Tử Du | Xã Tử Du | 2024 |
6. | TH Xuân Hòa (CS1) | Thị trấn Xuân Hòa | 2024 |
7. | TH Bắc Bình (CS1) | Xã Bắc Bình | 2024 |
8. | TH Ngọc Mỹ (CS1) | Xã Ngọc Mỹ | 2024 |
9. | TH Hợp Lý | Xã Hợp Lý | 2024 |
10. | TH Thái Hòa | Xã Thái Hòa | 2024 |
11. | TH Thị Trấn Hoa Sơn | Thị Trấn Hoa Sơn | 2024 |
12. | THCS Vân Trục | Xã Vân Trục | 2024 |
13. | THCS Sơn Đông | Xã Sơn Đông | 2024 |
14. | THCS Đình Chu | Xã Đình Chu | 2024 |
15. | THCS Tiên Lữ | Xã Tiên Lữ | 2024 |
16. | THCS Tử Du | Xã Tử Du | 2024 |
17. | THCS Thái Hòa | Xã Thái Hòa | 2024 |
18. | TH Xuân Lôi | Xã Xuân Lôi | 2024 |
19. | TH Sơn Đông | Xã Sơn Đông | 2024 |
20. | TH Triều Đề | Xã Triệu Đề | 2024 |
21. | TH Văn Quán | Xã Văn Quán | 2024 |
22. | TH Đình Chu | Xã Đình Chu | 2024 |
23. | TH Tiên Lữ | Xã Tiên Lữ | 2024 |
24. | TH Bàn Giản | Xã Bàn Giản | 2024 |
25. | TH Liên Hòa | Xã Liên Hòa | 2024 |
26. | TH Liễn Sơn | Xã Liễn Sơn | 2024 |
27. | TH Vân Trục | Xã Vân Trục | 2024 |
28. | TH Quang Sơn(CS1) | Xã Quang Sơn | 2024 |
29. | TH Đồng Ích (CS2) | Xã Đồng Ích | 2024 |
30. | TH Xuân Hòa(CS2) | Thị trấn Xuân Hòa | 2024 |
31. | TH Bắc Bình(CS2) | Xã Bắc Bình | 2024 |
32. | TH Ngọc Mỹ(CS2) | Xã Ngọc Mỹ | 2024 |
33. | TH Quang Sơn(CS2) | Xã Quang Sơn | 2024 |
34. | THCS Hợp Lý | Xã Hợp Lý | 2024 |
35. | THCS Lập Thạch | Thị trấn Lập Thạch | 2024 |
36. | THCS Xuân Hòa | Thị trấn Xuân Hòa | 2024 |
37. | THCS Liễn Sơn | Xã Liễn Sơn | 2024 |
38. | THCS Triệu Đề | Xã Triệu Đề | 2024 |
39. | THCS Đồng Ích | Xã Đồng Ích | 2024 |
40. | THCS Bàn Giản | Xã Bàn Giản | 2024 |
41. | THCS Xuân Lôi | Xã Xuân Lôi | 2024 |
42. | THCS Văn Quán | Xã Văn Quán | 2024 |
43. | THCS Thị trấn Lập Thạch | Thị trấn Lập Thạch | 2024 |
44. | THCS Liên Hòa | Xã Liên Hòa | 2024 |
45. | THCS Ngọc Mỹ | Xã Ngọc Mỹ | 2024 |
46. | THCS Bắc Bình | Xã Bắc Bình | 2024 |
47. | THCS Quang Sơn | Xã Quang Sơn | 2024 |
- 1Quyết định 1261/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 3071/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án “Phát triển hệ thống Thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”
- 3Kế hoạch 1568/KH-UBND năm 2022 về phát triển hệ thống thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 1Quyết định 01/2004/QĐ-BGDĐT sửa đổi Quyết định 01/2003/QĐ-BGDĐT về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 01/2003/QĐ-BGDĐT về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3Công văn 11185/GDTH hướng dẫn tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 4Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Quyết định 284/QĐ-TTg năm 2014 về Ngày Sách Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật Xây dựng 2014
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
- 9Công văn 282/BGDĐT-CTHSSV năm 2017 về đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 10Quyết định 329/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Luật Đầu tư công 2019
- 12Luật giáo dục 2019
- 13Luật Thư viện 2019
- 14Kết luận 51-KL/TW năm 2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 15Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng
- 16Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
- 17Quyết định 1261/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
- 18Quyết định 1373/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19Công văn 3320/BGDĐT-GDTX năm 2021 triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 20Quyết định 3071/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án “Phát triển hệ thống Thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”
- 21Kế hoạch 1568/KH-UBND năm 2022 về phát triển hệ thống thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 22Kế hoạch 325/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Quyết định 2480/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án Xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- Số hiệu: 2480/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/12/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Vũ Việt Văn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra