Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2455/1997/QĐ-ĐA

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ DUYỆT PHIM

Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 08/11/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá - Thông tin;
Căn cứ Nghị định số 48/CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động điện ảnh;
Để củng cố và tăng cường công tác quản lý tác phẩm điện ảnh;
Xét đề nghị của Cục trưởng cục Điện ảnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy chế duyệt phim".

Điều 2: Quy chế này thay thế Quy chế duyệt các tác phẩm điện ảnh ban hành theo Quyết định số 619/QĐ ngày 21/7/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành. Mọi quy định trước đây trái với Quy chế này đề bãi bỏ.

Điều 3: Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện Quy chế này và tổ chức theo dõi, phát hiện những trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý.

 

 

Nguyễn Trung Kiên

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

DUYỆT PHIM
(Ban hành theo Quyết định số 2455/QĐ-ĐA ngày 9 tháng 8 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích duyệt phim, băng đĩa hình (dưới đây, gọi tắt là duyệt phim):

Duyệt phim trước khi phổ biến là thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh nhằm đạt các yêu cầu sau đây:

1. Bảo đảm nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước, không trái với truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, lợi ích tinh thần của xã hội và công dân.

2. Theo dõi, điều chỉnh, cân đối chương trình phim trong toàn xã hội, ngăn chặn việc sản xuất và nhập khẩu, phổ biến phim một cách tuỳ tiện gây hỗn loạn trên thị trường điện ảnh, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc.

3. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nghệ sỹ sáng tác điện ảnh, các tổ chức sản xuất nhập khẩu, kinh doanh điện ảnh hợp pháp và lợi ích của khản giả điện ảnh.

Điều 2: Thẩm quyền duyệt phim.

1. Phim sản xuất trong nước hoặc nhập từ nước ngoài đều phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép mời được phổ biến rộng rãi theo quy định cụ thể sau đây:

a) Cục Điện ảnh duyệt và cho phép phổ biến phim, băng đĩa hình, phim truyện do các đơn vị trong cả nước sản xuất hoặc nhập khẩu; Phim, băng đĩa hình các loại do các cơ sở thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin sản xuất. Phim, băng đĩa hình được Bộ Văn hoá - Thông tin đặt hàng hoặc trợ giá.

b) Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt và cho phép phổ biến phim, băng đĩa hình: Ca nhạc, sân khấu, ca kịch cải lương, tài liệu - khoa học, hoạt hình, thể thao, karaoke, mốt thời trang, giáo khoa, dạy ngoại ngữ do các cơ sở có tư cách pháp nhân hoặc có trụ sở chính tại địa phương mình sản xuất hoặc nhập khẩu. 2. Các loại phim, băng đĩa hình thay sách hoặc kèm theo sách của các nhà xuất bản thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản.

3. Việc phát sóng phim, băng đĩa hình trên các Đài truyền hình thực hiện theo quy định của Luật Báo chí và quy định tại mục 4, chương III Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động điện ảnh.

4. Giấy phép phổ biến phim, băng đĩa hình do Cục Điện ảnh Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cấp có giá trị trong cả nước.

5. Băng đĩa hình được phép phổ biến phải dãn nhãn kiểm soát của Cục Điện ảnh. Băng đĩa hình đã dán nhãn của Cục Điện ảnh có giá trị lưu hành trong phạm vi cả nước.

Điều 3: Các Hội đồng duyệt phim:

1. Thực hiện chức năng tư vấn giúp Cục trưởng Cục Điện ảnh - Bộ Văn hoá - Thông tin trong việc duyệt phim có các Hội đồng Trung ương duyệt phim. Các Hội đồng Trung ương duyệt phim do Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập.

2. Thực hiện chức năng tư vấn giúp Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin trong việc duyệt phim có Hội đồng duyệt phim cấp tỉnh. Hội đồng duyệt phim cấp tỉnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập.

3. Các Hội đồng trên được thành lập và hoạt động theo những quy chế do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành.

4. Căn cứ ý kiến của các Hội đồng duyệt phim Cục trưởng Cục Điện ảnh hoặc giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin xem xét, quyết định cho phép hoặc không cho phép phổ biến phin, băng đĩa hình được trình duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quyết định cho phép phổ biến phim phải ghi rõ đối tượng, phạm vi được phổ biến.

Điều 4: Không cho phép phổ biến những phim có nội dung sau đây:

1. Chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

2. Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phòng mỹ tục và môi trường sinh thái;

3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

4. Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

5. Dùng hình ảnh, ngôn ngữ âm thanh, hành động, kích thích dâm ô truỵ lạc, vô luân, loạn luân; Mô tả hành động tình dục giữa người với người, giữa người với súc vật; Mô tả hành động thủ dâm hoặc bộ phận sinh dục, cảnh khoả thân kích thích dâm ô.

6. Dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động miêu tả cảnh đánh, giết người dã man, tra tấn ghê rợn và những hành động khác xúc phạm đến tính mạng và nhân phẩm con người, tàn nhẫn đối với súc vật, mô tả cảnh đầu rơi, cắt từng bộ phận cơ thể con người, mô tả cảnh thoả mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; không nhằm tố cáo tội ác, không nhằm bảo vệ chính nghĩa, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.

7. Những phim chất lượng kỹ thuật và nghệ thuận quá thấp kèm, không đạt tiêu chuẩn tối thiểu.

8. Những phim đã được phép phổ biến nhưng có nội dung thuộc loại cần hạn chế phù hợp với tình hình tại địa phương vào thời điểm phát hành thì Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố có quyền tạm hoãn việc cho phép phổ biến trong một thời gian nhất định sau khi được sự chấp thuận của Cục Điện ảnh.

Điều 5: Trường hợp cần thể hiện trên phim những nội dung quy định tại khoản 5, 6 Điều 4 theo yêu cầu của chủ đề tác phẩm, mang tính nhân bản hoặc nhằm tố cáo tội ác, để cao chính nghĩa thì được phép thể hiện xa, mờ, thoáng qua và phải được hội đồng duyệt phim của Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Sở Văn hoá - Thông tin cho phép.

Điều 6: Những phim chưa qua xét duyệt và chưa có quyết định cho phép phổ biến của Cục Điện ảnh hoặc Sở Văn hoá - Thông tin mà đã đưa ra phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào (giới thiệu, chiêu đãi, họp báo. ..) là phạm pháp. Phim đó sẽ bị tịch thu, những người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 7: Tổ chức, cá nhân có phim trình duyệt có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin trong trường hợp không nhất trí với quyết định của Cục trưởng Cục Điện ảnh hoặc Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin.

Chương 2:

THỦ TỤC TỔ CHỨC DUYỆT PHIM

Điều 8: Những phim, băng đĩa hình trình duyệt phải là tác phẩm hoàn chỉnh về nội dung và kỹ thuật do một cơ sở có tư cách pháp nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hợp pháp trình duyệt. Tác phẩm được sản xuất bằng vật liệu nào (phim nhựa, băng đĩa hình...) thì phải trình duyệt dưới dạng vật liệu đó (trong trường hợp không duyệt được trên vật liệu gốc, khi chiếu phải giữ nguyên nội dung như bản đã trình duyệt).

Tác phẩm do nước ngoài sản xuất mà chưa được lồng tiếng hoặc lồng thuyết minh tiếng Việt thì phải có bản dịch lời từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt kèm theo. Bản dịch phải đảm bảo tính chính xác về nội dung và có tên người dịch để chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch trước pháp luật.

Điều 9: Thủ tục đăng ký duyệt phim:

1. Cơ sở có phim trình duyệt phải làm phiếu đăng ký xét duyệt phim, băng đĩa hình (theo mẫu ở phụ lục số 1) gửi Cục Điện ảnh đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 hoặc gửi Sở Văn hoá - Thông tin sở tại đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Quy chế này.

2. Khi mang tác phẩm đến duyệt, nếu là phim nhập khẩu phải có văn bản xác nhận nhập khẩu hợp pháp và giấy xác nhận bản quyền, nếu là phim sản xuất trong nước phải kèm theo biên bản của cơ sở sản xuất phim đánh giá nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật. Biên bản này phải được Thủ trưởng cơ quan chủ quan cấp trên trực tiếp của cơ sở sản xuất phim xác nhận, ký tên đóng dấu.

3. Căn cứ phiếu đăng ký trình duyệt phim Cục Điện ảnh hoặc Sở Văn hoá - Thông tin sắp xếp đưa vào chương trình làm việc của các Hội đồng duyệt phim và thông báo cho đương sự biết ngày giờ xét duyệt trong vòng một tuần kể từ ngày nhận được phiếu đăng ký.

Điều 10: Những phim phải xử lý sau khi duyệt:

a. Những phim sau khi duyệt có quyết định phải sửa chữa thì khi sửa chữa xong phải đăng ký để kiểm tra những chỗ sửa chữa hoặc duyệt lại từ đầu.

b. Những phim đã có quyết định cấm phổ biến hoặc chưa được phép phổ biến thì chủ sở hữu của phim đó có trách nhiệm huỷ bỏ hoặc bảo quản một cách chặt chẽ. Nếu để lọt ra ngoài hoặc tuỳ tiện phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào thì chủ sở hữu bộ phim phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 11:

1. Cục Điện ảnh có trách nhiệm định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý thông báo công khai danh mục những phim được phép hoặc cấm phổ biến để các cơ quan quản lý các cấp và công luận trong cả nước biết và kiểm tra ngân chặn những trường hợp vi phạm.

2. Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý ra thông báo công khai danh mục những phim được Sở cho phép hoặc cấm phổ biến để các cơ quan quản lý các cấp ở địa phương và công luận biết và kiểm tra ngăn chặn những trường hợp vi phạm. Thông báo này phải được gửi tới Cục Điện ảnh, Thanh tra Bộ Văn hoá - Thông tin, A25 Bộ Nội vụ, Cục Điện ảnh tổng hợp và thông báo hàng tháng đến các địa phương trong cả nước để phối hợp kiểm tra, quản lý.

Điều 12: Mọi chi phí cho việc tổ chức xét duyệt phim do tổ chức có phim trình duyệt chịu. Mức thu và sử dụng tiền chi phí duyệt phim vận dụng theo quy định hiện hành.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13: Các hội đồng duyệt phim ở trung ương và địa phương, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và phổ biến phim, băng đĩa hình phải nghiêm chỉnh thực hiện Quy chế này.

Điều 14: Cục Điện ảnh, Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện Quy chế này và tổ chức theo đõi, phát hiện những trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý.

Điều 15: Quy chế này thay thế Quy chế duyệt các tác phẩm điện ảnh (Ban hành theo quyết định số 619/QĐ ngày 21/7/1990 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin - Thể thao và Du lịch) và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Mọi quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

PHỤ LỤC 1:

MẪU PHIẾU

ĐĂNG KÝ DUYỆT PHIM

ĐƠN VỊ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

..........

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày.....tháng....năm 199

Kính gửi:.................................................

Đề nghị............. đưa vào chương trình duyệt bộ phim sau đây:

Tên phim:

Hãng sản xuất:

Tên đối tác nhập phim:

Tên tác giả: Biên kịch:

Đạo diễn:

Kỹ thuật sản xuất:................

Độ dài:...........Mầu:.............

Nói tiếng:......................... Ý kiến nhận xét của cơ sở..........

.................................... .................................... ....................................

Đề nghị duyệt vào khoảng thời gian từ:......đến.......năm 199

Hồ sơ gửi kèm (nếu có):..............................

Ngày....tháng....năm 199

Chức danh, ký tên, đóng dấu

(Ghi rõ họ tên)

PHỤ LỤC SỐ 2:

MẪU QUYẾT

ĐỊNH CHO PHÉP PHỔ BIẾN PHIM

BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN CỤC ĐIỆN ẢNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:......./ĐA/QĐ

Để Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin vận dụng

Hà Nội, ngày tháng năm 199

QUYẾT ĐỊNH

CHO PHÉP PHỔ BIẾN TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỆN ẢNH

Căn cứ Quyết định số 578/QĐ-TC ngày 9/5/1994 của Bộ Văn hoá - Thông tin quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Điện ảnh;
Căn cứ "Quy chế xét duyệt tác phẩm điện ảnh" ban hành ngày 21 tháng 7 năm 1990;
Căn cứ Quyết định số 439/QĐ-ĐA ngày 26/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc giao quyền cho Cục trưởng Cục Điện ảnh ký quyết định cho phép phổ biến phim;
Xét đề nghị của Hội đồng xét duyệt tác phẩm điện ảnh trong biên bản duyệt phim ngày... tháng... năm 199...

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Tác phẩm điện ảnh "...................."

Hãng sản xuất:

Cơ quan chủ quản (hoặc đơn vị trình duyệt):

Biên kịch:

Đạo diễn:

Kỹ thuật sản xuất:.............., năm sản xuất:..................

Độ dài:.............., mầu sắc:............, nói tiếng...........

Chủ đề tư tưởng:

Phạm vi được phép phổ biến:

Điều 2.- Kể từ ngày ký quyết định này mọi sự thay đổi, sửa chữa, xoá bỏ hoặc bổ sung nội dung đều nghiêm cấm.

Điều 3.- Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, phòng Kinh tế - Kỹ thuật, phòng Nghệ thuật và Phổ biến phim Cục Điện ảnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố và các đơn vị có tác phẩm được phép phổ biến trên đây chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỆN ẢNH

Mã số:.............

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2455/1997/QĐ-ĐA về Quy chế duyệt phim do Bộ Văn hóa thông tin ban hành

  • Số hiệu: 2455/1997/QĐ-ĐA
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/08/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Nguyễn Trung Kiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/09/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản