Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2434/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 04 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 06 năm 2020 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân bổ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt Danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2022 của HĐND tỉnh Bình Định ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Điều 2. Giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Vân Canh và Tây Sơn tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Vân Canh và Tây Sơn và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 2434/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh Bình Định)

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025:

- Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020;

- Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 3% - 4%; phấn đấu khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn;

- Giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với phương tiện nghe, nhìn;

- Giải quyết cơ bản công tác định canh, định cư. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trên 100% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS hộ nghèo; phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát cho 100% số hộ DTTS nghèo;

- Giữ vững 100% tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, học sinh trong độ tuổi: Học tiểu học đạt trên 99,7%, học sinh trung học cơ sở phấn đấu đạt trên 95%, học sinh trung học phổ thông phấn đấu đạt trên 60%;

- Giữ vững 100% xã đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trong giai đoạn 2020-2025 và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giữ vững 100% xã có bác sỹ; 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 97% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xuống dưới 10%;

- Phấn đấu trên 50% lao động là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp;

- Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu 100% thôn (làng) có nhà sinh hoạt cộng đồng; trên 50% thôn (làng) có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng;

- Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương;

- Công tác quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được giữ vững trong tình hình mới.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi của Chương trình: Trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

2. Đối tượng của Chương trình

- Xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN;

- Hộ gia đình, cá nhân người DTTS;

- Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn;

- Doanh nghiệp, Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến hết năm 2025.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

a) Mục tiêu

- Hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn ĐBKK chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương;

- Phấn đấu đạt 90% hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn ĐBKK làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định tại Quyết định số 36/2022/QĐ-UBND ngày 25/7/2022 của UBND tỉnh Quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất, mức giao đất ở cho hộ gia đình để thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ;

- Góp phần đạt 90% hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn ĐBKK được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

- Tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và địa bàn sinh sống.

b) Đối tượng: Hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN: (1) chưa có đất ở; (2) chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng; (3) làm nghề nông, lâm nghiệp nhưng không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của tỉnh; (4) có khó khăn về nước sinh hoạt. Ưu tiên hộ nghèo DTTS thuộc danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động.

c) Nội dung

- Nội dung số 01: Hỗ trợ đất ở: Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách, UBND huyện xem xét, quyết định giao đất để làm nhà ở cho các đối tượng nêu trên phù hợp với điều kiện, tập quán ở địa phương và pháp luật về đất đai, cụ thể:

Ở những nơi có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương sử dụng số tiền hỗ trợ từ ngân sách để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho các đối tượng được thụ hưởng;

Ở các địa phương không có điều kiện về đất đai, chính quyền địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.

- Nội dung số 02: Hỗ trợ nhà ở: Hỗ trợ xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, nội dung hỗ trợ áp dụng theo quy định tại điểm c khoản 5 Mục III Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ;

- Nội dung số 03: Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: Hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu từ 50% đất sản xuất trở lên theo định mức của địa phương thì được hưởng một trong hai chính sách sau:

Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: Hộ không có đất sản xuất nếu có nhu cầu và chính quyền địa phương bố trí được đất sản xuất thì được chính quyền địa phương trực tiếp giao đất sản xuất;

Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

- Nội dung số 04: Hỗ trợ nước sinh hoạt:

Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: Ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình;

Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, vùng ĐBKK, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh;

- Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Dự án này có nhu cầu vay vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có đất ở, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, tạo quỹ đất sản xuất, học nghề và chuyển đổi nghề.

d) Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

đ) Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 38.619 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 33.582 triệu đồng (vốn đầu tư: 13.985 triệu đồng; kinh phí sự nghiệp dự kiến: 19.597 triệu đồng); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 5.037 triệu đồng, gồm: Vốn ĐTPT 2.097 triệu đồng và vốn SN 2.940 triệu đồng); vốn vay tín dụng chính sách và các nguồn huy động hợp pháp khác.

2. Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết

a) Mục tiêu: Nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.

b) Đối tượng: Hộ gia đình được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Hộ đồng bào DTTS còn du canh, du cư; hộ gia đình cá nhân di cư tự do đến địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai cần phải bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; hộ gia đình, cá nhân tự nguyện di chuyển đến sinh sống ở các điểm bố trí dân cư tập trung hoặc được bố trí đến sinh sống ổn định ở các điểm bố trí dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước; xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN.

c) Nội dung

- Hỗ trợ khảo sát vị trí, địa điểm phục vụ công tác quy hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư;

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng đất ở tại điểm tái định cư; khai hoang đất sản xuất; đầu tư xây dựng: Đường giao thông (nội vùng dự án và đường nối điểm dân cư mới đến tuyến giao thông gần nhất); công trình thủy lợi nhỏ, điện, nước sinh hoạt và một số công trình thiết yếu khác;

- Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình: Hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất (đối với trường hợp phải thay đổi chỗ ở); hỗ trợ kinh phí di chuyển các hộ từ nơi ở cũ đến nơi tái định cư; thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện hành khác đối với các hộ được bố trí ổn định như người dân tại chỗ;

- Hỗ trợ địa bàn bố trí dân xen ghép: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến (khai hoang, bồi thường theo quy định khi thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân khi thu hồi đất); xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, các công trình thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt và một số công trình hạ tầng thiết yếu khác.

d) Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án. UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

đ) Dự kiến nhu cầu vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 89.355 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 77.700 triệu đồng (vốn đầu tư: 77.317 triệu đồng; kinh phí sự nghiệp dự kiến: 383 triệu đồng); ngân sách địa phương bố trí vốn

đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 11.655 triệu đồng, gồm: Vốn ĐTPT 11.598 triệu đồng và vốn SN 57 triệu đồng); vốn vay tín dụng chính sách và các nguồn huy động hợp pháp khác.

3. Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

a) Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân

- Mục tiêu: Tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

- Đối tượng

Hộ gia đình đồng bào DTTS, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau: Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng;

Cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào DTTS&MN được giao rừng theo quy định của pháp luật đang thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.

- Nội dung

Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế theo quy định hiện hành; diện tích rừng tự nhiên do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý;

Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình;

Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung;

Đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ;

Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Hộ gia đình được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan;

Trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ.

- Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án. UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất;

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 231.303 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 201.134 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Tiểu dự án (Dự kiến 30.169 triệu đồng vốn SN).

b) Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN

- Nội dung số 01: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Mục tiêu: Hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.

Đối tượng: Các hộ nghèo, cận nghèo. Ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), Hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS.

Địa bàn: Các xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN;

Nội dung: Ưu tiên tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường, trong đó:

Với các địa phương có thế mạnh trong phát triển nguồn nguyên liệu, có điều kiện phát triển sản xuất: Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND huyện lựa chọn để hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do các tổ chức kinh tế và người dân trong vùng cùng tham gia thực hiện, tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau: (i) Tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường; (ii) Hỗ trợ nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật; (iii) Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; (iv) Hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ; xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối.

Với những địa phương đã bước đầu hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị: Tập trung hỗ trợ để củng cố, mở rộng, nâng cấp liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã có.

Với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị: Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, trong đó tập trung hỗ trợ một số nội dung chủ yếu sau:

(i) Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, gồm: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất; (ii) Hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: Hỗ trợ thiết kế nhà xưởng; hướng dẫn vận hành máy móc thiết bị; thiết bị, vật tư sản xuất; dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm; (iii) Hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật.

Các đối tượng của Tiểu dự án được vay vốn tín dụng chính sách và vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành.

Phân công thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện. UBND cấp huyện tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Bình Định thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách theo quy định hiện hành.

- Nội dung số 02: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Mục tiêu: Bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững;

Đối tượng: Các dự án phát triển dược liệu quý có hoạt động ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người DTTS (ưu tiên các dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ), do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình người DTTS, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trong vùng; thôn, xã, huyện nơi triển khai dự án;

Nội dung

Địa phương nơi triển khai dự án căn cứ điều kiện thực tế hỗ trợ, bố trí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đủ môi trường rừng để triển khai dự án;

Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông kết nối đạt chuẩn cấp V miền núi, hệ thống điện, cấp thoát nước) để phục vụ dự án phát triển vùng nguyên liệu. Ưu tiên hỗ trợ các dự án nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn thực hiện dự án để hình thành vùng nguyên liệu;

Hỗ trợ kinh phí cải tạo cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, cơ sở bảo quản dược liệu quý và mua sắm trang thiết bị trong hàng rào dự án. Ưu tiên hỗ trợ các khu, vùng nuôi trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao;

Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ;

Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh;

Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng;

Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi;

Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm;

Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ 01 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm;

Hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 50% tổng số lao động trở lên là người DTTS;

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng; xúc tiến thương mại cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Phân công thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện nghiên cứu, khảo sát, xây dựng dự án phát triển dược liệu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Định thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách đối với dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

- Nội dung số 03: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN.

Mục tiêu: Thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các DTTS;

Đối tượng: (i) Doanh nghiệp, Hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất; doanh nghiệp, Hợp tác xã mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN; (ii) Các trường đại học trên địa bàn tỉnh có đông sinh viên DTTS theo học và có các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN; (iii) Hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN.

Nội dung

Hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS&MN;

Hỗ trợ xây dựng, vận hành các dự án “Trung tâm hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN ” tại các trường đại học;

Định kỳ hằng năm tổ chức biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào DTTS;

Tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN;

Tổ chức các hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN.

Phân công thực hiện

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương hướng dẫn triển khai các hoạt động thúc đẩy sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN; hướng dẫn các trường đại học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các dự án “Trung tâm hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN”. Tổ chức đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các nội dung liên quan theo định kỳ, đột xuất;

Sở Công Thương hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN;

UBND cấp huyện tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến nguồn vốn thực hiện Tiểu dự án 2: Nhu cầu vốn thực hiện là 83.025 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 72.195 triệu đồng từ ngân sách (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 10.830 triệu đồng vốn SN).

4. Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc

a) Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN

- Mục tiêu: Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 95% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh;

- Phạm vi: Các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN;

- Nội dung

Nội dung số 01: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS&MN; ưu tiên đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; trường, lớp học đạt chuẩn; công trình thủy lợi nhỏ; công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình có nhiều hộ nghèo, phụ nữ hưởng lợi;

Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế xã bảo đảm đạt chuẩn;

Đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn trên cùng địa bàn (hệ thống hạ tầng phục vụ giáo dục, y tế; hệ thống cầu, đường giao thông; hạ tầng lưới điện...); xây dựng cầu dân sinh để phục vụ sinh hoạt, tăng cường kết nối, tạo trục động lực phát triển đồng bộ trên cơ sở thúc đẩy liên kết giữa các xã đặc biệt khó khăn nhằm phát huy sức mạnh tiểu vùng giúp phát triển bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS&MN;

Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước.

Nội dung số 02: Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS&MN.

- Phân công thực hiện

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn chung về tổ chức thực hiện Tiểu dự án và hướng dẫn thực hiện Nội dung số 1; chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế chỉ đạo các địa phương rà soát danh mục đầu tư bảo đảm không trùng lặp về nội dung, nguồn vốn trên cùng một địa bàn;

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Nội dung số 2;

UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 325.320 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 282.888 triệu đồng (vốn đầu tư: 255.954 triệu đồng; kinh phí sự nghiệp dự kiến: 26.934 triệu đồng); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 42.432 triệu đồng, gồm: Vốn ĐTPT 38.392 triệu đồng và vốn SN 4.040 triệu đồng); và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

b) Tiểu dự án 2: Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc

Tỉnh Bình Định không thực hiện vì không có đối tượng được quy định tại Tiểu dự án này.

5. Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

a) Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS

- Mục tiêu: Củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học (bao gồm cả các hoạt động dạy và học trực tuyến), nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ;

- Đối tượng

Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho các trường ở bậc Tiểu học) và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đang trực tiếp quản lý, giảng dạy và học tập tại các nhà trường. Ưu tiên đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú ở vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn; các trường chưa có cơ sở vật chất hoặc có nhưng còn phải thuê, mượn hoặc xuống cấp;

Cán bộ quản lý, giáo viên, người tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ (già làng, trưởng thôn, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các đối tượng khác) ở vùng đồng bào DTTS&MN. Ưu tiên đầu tư cho cho các địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Nội dung

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú: Nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng/công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh DTTS; Ưu tiên đầu tư xây dựng trường dân tộc nội trú cho huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống nhưng chưa có hoặc phải đi thuê địa điểm để tổ chức hoạt động;

Xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS: Xây dựng tài liệu phục vụ hướng dẫn dạy xóa mù chữ, thiết kế công nghệ, thiết bị lưu trữ cơ sở dữ liệu về xóa mù chữ, dạy học xóa mù chữ; bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ; hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm.

- Phân công thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện Tiểu dự án; trực tiếp thực hiện hỗ trợ, đầu tư cho các trường ở bậc Trung học Phổ thông. UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất;

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 86.237 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 74.989 triệu đồng (vốn đầu tư: 63.332 triệu đồng; kinh phí sự nghiệp dự kiến: 11.657 triệu đồng); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 11.248 triệu đồng, gồm: Vốn ĐTPT 9.500 triệu đồng và vốn SN 1.748 triệu đồng); và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

b) Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN

- Mục tiêu

Nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào DTTS&MN;

Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN.

- Đối tượng

Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc và dạy tiếng DTTS: Cán bộ, công chức, viên chức theo dõi công tác dân tộc ở các sở, ban, ngành và cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS; dạy tiếng DTTS đối với cán bộ, công chức, viên chức, thuộc nhóm đối tượng 3, 4 tiếp xúc trực tiếp, làm việc với đồng bào DTTS;

Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học: Học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức học tập và công tác trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN và trong các cơ quan công tác dân tộc được hỗ trợ trong đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học; ưu tiên người DTTS thuộc nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn, hộ DTTS nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn, người DTTS có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ DTTS.

- Nội dung

Nội dung số 01: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 2, 3 và 4; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN;

Bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN.

Nội dung số 02: Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học

Đối với bồi dưỡng hệ dự bị đại học: Hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trường đại học tổ chức bồi dưỡng hệ dự bị đại học cho học sinh vùng đồng bào DTTS&MN.

Đối với đào tạo sau đại học: Hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo trình độ sau đại học các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng DTTS và miền núi, đạt tỷ lệ khoảng 0,7% cán bộ có trình độ sau đại học thuộc nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và DTTS có chất lượng nguồn nhân lực thấp theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

- Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện.

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 11.466 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 9.971 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 1.495 triệu đồng vốn SN).

c) Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN

- Mục tiêu: Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng;

- Đối tượng: (i) Người lao động là người DTTS, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN; (ii) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng đồng bào DTTS&MN; (iii) Các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở giới thiệu việc làm có hoạt động liên quan đến người lao động là người DTTS và người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN; (iv) Các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động vùng đồng bào DTTS&MN; các tổ chức, cá nhân tư vấn cho người lao động vùng đồng bào DTTS&MN đi làm việc ở nước ngoài.

- Nội dung

Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào DTTS&MN gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo;

Hỗ trợ đào tạo nghề;

Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS&MN để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng;

Chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người DTTS;

Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN: Phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; xây dựng các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; số hóa các chương trình, giáo trình, học liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học; hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho người học; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo;

Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát đánh giá; xây dựng bộ chỉ số (KPI) để làm cơ sở giám sát và đánh giá việc triển khai các nội dung theo mục tiêu của dự án và xây dựng phương pháp, cơ chế giám sát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án.

- Phân công thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án. UBND cấp huyện tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 27.406 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 23.832 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 3.574 triệu đồng vốn SN).

d) Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp

- Mục tiêu: Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình (bao gồm: Quy trình triển khai dự án, tiểu dự án của Chương trình; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện), các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung liên quan khác cho cán bộ cơ sở thực hiện Chương trình cấp xã và cấp thôn.

- Đối tượng

Cộng đồng: Ban giám sát cộng đồng xã, đại diện cộng đồng, người dân, cộng tác viên giảm nghèo, các tổ duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại thôn, người có uy tín trong cộng đồng, ưu tiên người DTTS và phụ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực;

Cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp: Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở các cấp (bao gồm cán bộ thuộc các cơ quan, ban ngành chủ trì và tham gia tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình) và cán bộ các tổ chức đoàn thể, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.

- Nội dung

Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; ưu tiên các nội dung giới thiệu về cách tiếp cận, phương pháp và các mô hình giảm nghèo thành công;

Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình; tổ chức hội thảo, hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương;

Thực hiện nâng cao năng lực chuyên sâu phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các nhóm địa bàn: Ưu tiên các xã còn yếu về năng lực làm chủ đầu tư, về thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù; ưu tiên những thôn sẽ trực tiếp thực hiện những dự án, công trình cụ thể; tập trung vào các nội dung còn thiếu, còn yếu của cán bộ cơ sở, đại diện cộng đồng;

Hỗ trợ chuyển đổi số và nâng cao khả năng học tập, chia sẻ kinh nghiệm trực tuyến cho cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp; thực hiện các hoạt động để nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan (ngoài các cơ quan tổ chức chủ trì và tham gia thực hiện Chương trình) để có sự phối hợp hiệu quả, huy động nguồn lực tổng hợp cho Chương trình.

- Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án. UBND các huyện tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 17.665 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 15.360 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án

(Dự kiến 2.305 triệu đồng vốn SN)..

6. Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch

a) Mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS&MN để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

b) Đối tượng

Huyện có xã, thôn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN;

Bản sắc văn hóa, di sản của các DTTS;

Đồng bào các DTTS; nghệ nhân người DTTS;

Cán bộ, công chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc;

Văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào DTTS;

Lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN;

Doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN.

c) Nội dung

Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS;

Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch;

Xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận;

Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể;

Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tập quán xã hội, nhạc cụ, kiến trúc truyền thống, trang phục truyền thống, các môn thể thao truyền thống, tiếng nói, chữ viết và các giá trị khác văn hóa khác);

Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS (mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các DTTS, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các DTTS; mô hình xây dựng đời sống văn hóa các DTTS; mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng);

Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN, vùng di dân tái định cư;

Hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống;

Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu;

Xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào DTTS để cấp phát cho cộng đồng các DTTS;

Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS;

Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS;

Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào DTTS&MN kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS&MN;

Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS;

Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS&MN;

Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS;

Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN;

Hỗ trợ xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các DTTS, hướng tới phát triển cộng đồng và phát triển du lịch.

d) Phân công thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án. UBND các huyện tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

đ) Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 64.539 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 56.121 triệu đồng (vốn đầu tư: 37.865 triệu đồng; kinh phí sự nghiệp dự kiến 18.256 triệu đồng); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 8.418 triệu đồng, gồm: Vốn ĐTPT 5.680 triệu đồng và vốn SN 2.738 triệu đồng) và các nguồn hợp pháp khác.

7. Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

a) Mục tiêu: Cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN.

b) Đối tượng: (i) Người dân tại vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi; (ii) trung tâm y tế huyện; (iii) cán bộ y tế, dân số, nhân viên Trung tâm y tế huyện, nhân viên trạm y tế xã, viên chức dân số xã, nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn.

c) Nội dung

- Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN: Đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm y tế huyện; đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã; đào tạo y học gia đình cho nhân viên trạm y tế xã; hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn; hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm;

- Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN: Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh với sự tham gia của toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS&MN; đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số nhanh; ổn định và phát triển dân số của đồng bào DTTS tại vùng đồng bào DTTS&MN; nâng cao năng lực quản lý dân số; phòng chống bệnh Thalassemia tại vùng đồng bào DTTS&MN;

- Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS: Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em.

d) Phân công thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án. UBND các huyện tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

đ) Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 11.075 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 9.630 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 1.445 triệu đồng vốn SN).

8. Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

a) Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

b) Đối tượng: Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

c) Nội dung

- Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, gồm: (i) Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng; (ii) thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; (iii) hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em; (iv) triển khai 04 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em;

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, gồm: (i) Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội tạo thu nhập và lồng ghép giới; (ii) hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; (iii) thí điểm và nhân rộng mô hình địa chỉ an toàn hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình; (iv) thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người;

- Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị: (i) đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương; (ii) đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thông qua mô hình Câu lạc bộ “thủ lĩnh của sự thay đổi”; (iii) công tác giám sát và đánh giá về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện Chương trình; (iv) nâng cao năng lực của phụ nữ DTTS tham gia ứng cử, vận động bầu cử vào các cơ quan dân cử;

- Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng: (i) Xây dựng chương trình phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới; (ii) xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới; (iii) Thực hiện các hoạt động phát triển năng lực cho các cấp; (iv) đánh giá kết quả hoạt động phát triển năng lực.

d) Phân công thực hiện: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Dự án. UBND các huyện tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Dự án theo định kỳ, đột xuất.

đ) Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 28.360 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 24.660 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 3.700 triệu đồng vốn SN).

9. Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

a) Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn

- Mục tiêu: Xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Đối tượng

Hộ dân tộc nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ;

Các xã, thôn đặc biệt khó khăn có đồng bào các dân tộc thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 sinh sống ổn định thành cộng đồng.

- Phạm vi: Các hộ dân tộc thiểu số nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được thụ hưởng chính sách của Tiểu dự án này thì không được thụ hưởng chính sách tại các Dự án khác của Chương trình;

- Nội dung: Đối với các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn: Hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Trường hợp xác định vật nuôi hoặc cây trồng khác phù hợp với địa phương, thực hiện đầu tư và tính quy đổi giá trị từ bò hoặc gà, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ/hộ không thay đổi so với hạn mức được giao;

- Phân công thực hiện

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án;

UBND các huyện được thụ hưởng chính sách chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn bảo đảm không trùng lắp đối tượng, nội dung với các Dự án, Tiểu dự án khác thuộc Chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 97.257 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 84.572 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 12.685 triệu đồng vốn SN).

b) Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN

- Mục tiêu

Chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn;

Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN vào năm 2025;

Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và duy trì không phát sinh kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao;

Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và không có hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN.

- Đối tượng: Nhóm vị thành niên, thanh niên là người DTTS thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn; các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; nhóm phụ nữ và nam giới người DTTS thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong vùng đồng bào DTTS&MN; người có uy tín trong cộng đồng các DTTS;

- Nội dung

Công tác truyền thông: Biên soạn, cung cấp tài liệu, tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; tổ chức các hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và trong vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật về hôn nhân, về kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

Duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc tham gia thực hiện Dự án;

Kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Mô hình, Dự án và thực hiện các chính sách.

- Phân công thực hiện

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan xác định đối tượng, địa bàn, tham mưu hướng dẫn tổ chức thực hiện Tiểu dự án;

Sở Y tế hướng dẫn các địa phương về chuyên môn của nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thuộc Tiểu dự án;

UBND các huyện tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tiểu dự án theo định kỳ, đột xuất.

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 9.179 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 7.981 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 1.198 triệu đồng vốn SN).

10. Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình

a) Tiểu dự án 1: Biểu dưỡng, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030

- Nội dung số 01: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín.

Mục tiêu: Xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN. Biểu dương, tôn vinh, ghi nhận công lao, sự đóng góp của các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế;

Đối tượng: Già làng, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ cốt cán có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN; các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế;

Nội dung

Xây dựng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN;

Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN;

Xây dựng, phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn, quản lý, sử dụng lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu, thông tin, gặp mặt, tọa đàm, hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trang bị phương tiện nghe nhìn phù hợp cho lực lượng cốt cán, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN nhằm nâng cao năng lực, khả năng tiếp nhận thông tin, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao;

Hỗ trợ, kịp thời động viên và có biện pháp bảo vệ phù hợp trong công tác vận động, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội;

Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến;

Định kỳ (02 năm/lần) tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến (Già làng, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ cốt cán; nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người DTTS và các đối tượng khác) trong vùng đồng bào DTTS&MN;

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, gặp mặt, tọa đàm, tặng quà, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội theo khu vực;

Xây dựng, triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN.

Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện Tiểu dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Nội dung số 02: Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.

Mục tiêu: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào DTTS và nhân dân.

Đối tượng: Người dân ở vùng đồng bào DTTS&MN; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện; công chức thực hiện công tác dân tộc ở cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN; lãnh đạo tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã; thôn; già làng, trưởng thôn, người có uy tín, các chức sắc, chức việc tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS&MN; doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Nội dung

Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền gồm các hoạt động: Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi (bằng các hình thức phù hợp với vùng miền, địa phương cấp huyện, tỉnh, khu vực và toàn quốc), nói chuyện chuyên đề, xây dựng mô hình điểm, câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật; lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đặc thù (bằng tiếng phổ thông và tiếng DTTS), tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, phát hành tài liệu (tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, sổ tay truyền thông và các ấn phẩm, tài liệu khác) bằng chữ phổ thông hoặc song ngữ chữ phổ thông và chữ DTTS;

Thực hiện thông tin đối ngoại vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển;

Tuyên truyền, truyền thông, vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN tham gia tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Phân công thực hiện

Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện;

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung thông tin đối ngoại vùng đồng bào DTTS&MN;

UBND huyện tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

- Nội dung số 3: Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Mục tiêu: Bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào DTTS&MN, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Đối tượng: Già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào DTTS&MN; người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ các cơ quan liên quan.

Nội dung: Nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý điểm vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người DTTS, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi; xây dựng các chương trình về trợ giúp pháp lý cho người DTTS ở vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào DTTS&MN; biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS;

Phân công thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện. UBND các huyện có liên quan tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ, đột xuất.

Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 6.558 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 5.702 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án

(Dự kiến 856 triệu đồng vốn SN).

b) Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN

- Mục tiêu: Hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm của địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS&MN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

- Đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan làm công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cấp xã; cơ quan thường trực Chương trình cấp tỉnh, huyện; các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN;

- Nội dung

(i) Chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030;

(ii) Tổ chức thực hiện các hoạt động hội nghị, hội thảo, buổi làm việc trực tuyến của Ban Chỉ đạo tỉnh và cơ quan thường trực Chương trình cấp tỉnh với cơ quan, tổ chức liên quan đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình;

(iii) Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự;

(iv) Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS&MN.

- Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung (i) và (ii). Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện nội dung (iii). Sở Công Thương và Liên minh HTX tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn thực hiện nội dung (iv).

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 14.783 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 12.854 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 10.290 triệu đồng; kinh phí sự nghiệp 2.564 triệu đồng); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án (Dự kiến 1.929 triệu đồng, gồm: Vốn ĐTPT 1.545 triệu đồng và vốn SN 384 triệu đồng).

c) Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình

- Mục tiêu: Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.

- Đối tượng: Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; người dân trên địa bàn thụ hưởng Chương trình.

- Nội dung

Xây dựng Bộ chỉ số theo dõi thực hiện, khung kết quả của Chương trình, gồm: Hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện dự án, tiểu dự án; xây dựng chi tiết hệ thống giám sát và đánh giá, hệ thống các biểu mẫu báo cáo, cơ chế thu thập thông tin; nội dung, cơ chế báo cáo; cách thức sử dụng thông tin của hệ thống giám sát và đánh giá cho quản lý và tổ chức thực hiện (áp dụng công nghệ 4.0, phần mềm ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động);

Xây dựng, thí điểm, tập huấn và vận hành phần mềm giám sát đánh giá, đảm bảo thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin giám sát và đánh giá phục vụ kịp thời cho yêu cầu quản lý Chương trình;

Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá cho các địa phương, gồm cả cơ quan chủ trì và các ban ngành tham gia tổ chức thực hiện Chương trình;

Tuyên truyền, biểu dương, thi đua, khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình;

Tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng. Tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách của Chương trình;

Tổ chức chỉ đạo thực hiện điểm Chương trình tại một số địa bàn phù hợp;

Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình ở cấp tỉnh đến cấp xã.

- Phân công thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện;

- Dự kiến vốn và nguồn vốn: Nhu cầu vốn thực hiện là 3.453 triệu đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương 3.003 triệu đồng (kinh phí sự nghiệp); ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Dự án

(Dự kiến 450 triệu đồng vốn SN).

IV. TỔNG NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 1.145.600 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 527.554 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 618.046 triệu đồng), trong đó:

1. Ngân sách trung ương: 996.174 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 458.743 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp: 537.431 triệu đồng.

2. Đối ứng của địa phương (Tối thiểu 15% so với ngân sách trung ương): 149.426 triệu đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 68.811 triệu đồng;

- Vốn sự nghiệp: 80.615 triệu đồng.

3. Vốn vay tín dụng chính sách: Theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ- CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

 (Kèm theo phụ lục 1 và 2).

V. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Về nguyên tắc và giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình

- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn ĐBKK; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo;

- Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số;

- Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân;

- Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc gắn với củng cố quốc phòng, an ninh;

- Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng;

- Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình.

2. Về giải pháp huy động vốn

- Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định; có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA; tăng cường huy động các nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân;

- Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.

3. Về cơ chế, chính sách hỗ trợ; quản lý, thực hiện Chương trình

- Ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để đầu tư các công trình giao thông kết nối, công trình điện lưới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các huyện nghèo có nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư trường dân tộc nội trú cho các huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, có nhiều xã đặc biệt khó khăn nhưng chưa có địa điểm hoặc phải thuê địa điểm hoạt động;

- Thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương; ưu tiên hỗ trợ cho các hộ DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách nhà nước, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện việc cho vay ưu đãi, nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, nguồn vốn đối ứng của hộ gia đình;

- Thực hiện cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào DTTS&MN theo quy định của cấp có thẩm quyền;

- Xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh;

4. Về bộ máy quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình

a) Cấp tỉnh: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Giao Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Giúp việc cho cơ quan thường trực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 đặt tại Ban Dân tộc tỉnh, sử dụng biên chế thuộc Ban Dân tộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước.

b) Cấp huyện: Giao Chủ tịch UBND huyện quyết định kiện toàn hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện. Giao Phòng Dân tộc, Văn phòng HĐND&UBND huyện (đối với các huyện không có Phòng Dân tộc) làm cơ quan thường trực, giúp việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện.

5. Về công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người DTTS nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS&MN; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người DTTS, nhất là người DTTS nghèo.

6. Về khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc.

7. Về hợp tác quốc tế

Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 26/02/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

VI. PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

a) Ban Dân tộc tỉnh

- Là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện thụ hưởng Chương trình hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ vốn đối ứng thực hiện Chương trình tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành;

- Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn quy trình, tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; tổng hợp, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất cho cơ quan tổng hợp Kế hoạch thực hiện Chương trình, UBND tỉnh và Trung ương;

- Chủ trì, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các Dự án, Tiểu dự án, Nội dung được phân công tại mục IV, phần thứ ba Kế hoạch này.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Thực hiện chức năng cơ quan tổng hợp Chương trình;

- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp nhu cầu, dự kiến kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Chương trình vào kế hoạch 05 năm (2021-2025) và kế hoạch hàng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn quy định chi tiết cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp, cân đối, bố trí vốn; thẩm định nguồn vốn đầu tư theo tiến độ và kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm trình UBND tỉnh quyết định; phân bổ nguồn vốn Kế hoạch thực hiện Chương trình và các nguồn vốn khác có liên quan trong Kế hoạch thực hiện Chương trình (vốn đầu tư phát triển của Trung ương và địa phương); hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình; đề xuất cân đối nguồn vốn địa phương 05 năm (2021-2025) và hằng năm;

- Kiểm tra, đánh giá định kỳ và đột xuất hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư cho Chương trình.

c) Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn;

- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện Chương trình hằng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; đề xuất cân đối nguồn vốn địa phương 5 năm (2021-2025) và hằng năm;

- Chủ trì hướng dẫn cơ chế tài chính, thanh quyết toán các nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình;

- Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình sử dụng kinh phí các chính sách, dự án thuộc Chương trình của các sở, ban ngành, địa phương thực hiện;

- Theo dõi, tổng hợp kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình báo cáo UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền.

d) Các sở, ban, ngành được phân công chủ trì các Dự án, Tiểu dự án, Nội dung được phân công tại mục III, phần thứ ba Kế hoạch này

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn và phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương 05 năm (2021-2025) và hằng năm thực hiện đối với Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, lĩnh vực gửi Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp vào kế hoạch chung theo quy định;

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nội dung thành phần thuộc Chương trình được phân công chủ trì;

- Chịu trách nhiệm rà soát, xác định địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, hướng dẫn địa phương để tổ chức thực hiện bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với các Chương trình, dự án, Đề án khác và nhiệm vụ thường xuyên của các sở, ban ngành và địa phương;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nguồn lực và các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung thành phần Chương trình được phân công chủ trì theo quy định, gửi Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định;

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả thực hiện nội dung thành phần và sử dụng nguồn vốn được giao gửi về Ban Dân tộc tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp;

- Xây dựng và hướng dẫn cơ chế huy động thêm nguồn lực để thực hiện các nội dung do đơn vị chủ trì.

đ) Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Định

Hướng dẫn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh và phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng ưu đãi khác theo quy định.

e) Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện vốn tín dụng chính sách, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

f) Các sở, ban, ngành tham gia thực hiện Chương trình

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm nghiên cứu, lồng ghép thực hiện Chương trình với các Chương trình mục tiêu, dự án khác được giao chủ trì quản lý bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo.

g) Cục Thống kê tỉnh

Tăng cường, nâng cao chất lượng thông tin thống kê, chế độ báo cáo thống kê của ngành; thực hiện tốt cơ chế phối hợp, cung cấp, phổ biến thông tin trong công tác thống kê, nhất là những thông tin có tác động ảnh hưởng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

h) Công an tỉnh

Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn nắm chắc tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc. Kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước. Tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao ý thức cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang xử lý thông tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang, kích động người dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, có đạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

k) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chủ trì, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường, phối hợp nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội để chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

l) Các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh

Có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu của Chương trình.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

Thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc về Kế hoạch thực hiện Chương trình của tỉnh.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 05 năm và hằng năm bao gồm các nội dung: Kế hoạch về nguồn vốn, mục tiêu, nhiệm vụ gửi Cơ quan chủ trì Dự án, Tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan liên quan theo quy định;

- Huy động nguồn lực và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của các sở, ban ngành tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của các phòng, ban ngành cùng cấp và UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện theo nguyên tắc tăng cường phân cấp cho cơ sở và đề cao tinh thần trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trên địa bàn, phát huy tính dân chủ ở cơ sở;

- Tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo quy định;

- Chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí của Chương trình theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên địa bàn có hiệu quả, không để thất thoát; đảm bảo việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch, phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức phân bổ vốn theo quy định; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện thanh toán, quyết toán theo quy định về tài chính hiện hành.

VII. VỀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Định kỳ trước ngày 15 tháng 11 hằng năm, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan thường trực (Ban Dân tộc tỉnh) để tổng hợp, báo cáo các Bộ, ngành Trung ương và HĐND, UBND tỉnh; thực hiện tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện./.

 

PHỤ LỤC 1

TỔNG HỢP KINH PHÍ (DỰ KIẾN) CÁC DỰ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS VÀ MIỀN NÚI TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN 1: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

ĐVT: Triệu đồng

STT

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH

Tổng kinh phí 2021-2025

 

Ghi chú

Năm 2021 và năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

 

TỔNG VỐN CHƯƠNG TRÌNH

1.145.600

169.114

408.788

410.222

157.476

 

1

Nguồn kinh phí Trung ương (dự kiến) bố trí

996.174

147.056

355.468

356.714

136.936

 

a)

Đầu tư phát triển

458.743

84.116

163.861

164.970

45.796

 

b)

Hỗ trợ sự nghiệp

537.431

62.940

191.607

191.744

91.140

 

2

Nguồn kinh phí địa phương (dự kiến) đối ứng

149.426

22.058

53.320

53.508

20.540

 

a)

Đầu tư phát triển

68.811

12.617

24.579

24.746

6.869

 

b)

Hỗ trợ sự nghiệp

80.615

9.441

28.741

28.762

13.671

 

 

PHỤ LỤC 2

KINH PHÍ (DỰ KIẾN) CHI TIẾT CHO CÁC DỰ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS VÀ MIỀN NÚI TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, GIAI ĐOẠN 1: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

ĐVT: Triệu đồng

STT

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH

Tổng kinh phí 2021 - 2025

Trong đó

Chi tiết trong giai đoạn 2021 - 2025

Ghi chú

Nguồn Trung ương

Đối ứng của địa phương

Năm 2021 và 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Trung ương bố trí

Địa phương đối ứng

Trung ương bố trí

Địa phương đối ứng

Trung ương bố trí

Địa phương đối ứng

Trung ương bố trí

Địa phương đối ứng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

 

A

TỔNG NGUỒN KINH PHÍ

1.145.600

996.174

149.426

147.056

22.058

355.468

53.320

356.714

53.508

136.936

20.540

 

 

Đầu tư phát triển

527.554

458.743

68.811

84.116

12.617

163.861

24.579

164.970

24.746

45.796

6.869

 

 

Sự nghiệp

618.046

537.431

80.615

62.940

9.441

191.607

28.741

191.744

28.762

91.140

13.671

 

B

CHI TIẾT TỪNG DỰ ÁN

1.145.600

996.174

149.426

147.056

22.059

355.468

53.319

356.714

53.506

136.936

20.373

 

I

DỰ ÁN 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

38.619

33.582

5.037

6.001

900

11.553

1.733

12.662

1.899

3.366

505

 

 

Đầu tư phát triển

16.082

13.985

2.097

4.042

606

3.714

557

4.823

723

1.406

211

 

 

Sự nghiệp

22.537

19.597

2.940

1.959

294

7.839

1.176

7.839

1.176

1.960

294

 

II

DỰ ÁN 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết

89.355

77.700

11.655

13.917

2.088

27.834

4.175

27.974

4.196

7.975

1.196

 

 

Đầu tư phát triển

88.915

77.317

11.598

13.917

2.088

27.834

4.175

27.834

4.175

7.732

1.160

 

 

Sự nghiệp

440

383

57

0

0

0

0

140

21

243

36

 

III

DỰ ÁN 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

314.328

273.329

40.999

36.642

5.496

86.114

12.917

86.114

12.917

64.459

9.669

SN

1

Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ và nâng cao thu nhập cho người dân

231.303

201.134

30.169

29.427

4.414

57.236

8.585

57.236

8.585

57.235

8.585

SN

2

Tiểu dự án 2: Đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào đồng bào DTTS&MN

83.025

72.195

10.830

7.215

1.082

28.878

4.332

28.878

4.332

7.224

1.084

SN

IV

DỰ ÁN 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc

325.320

282.888

42.432

48.764

7.315

102.917

15.437

102.917

15.437

28.290

4.243

 

 

Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS & MN

325.320

282.888

42.432

48.764

7.315

102.917

15.437

102.917

15.437

28.290

4.243

 

 

Đầu tư phát triển

294.346

255.954

38.392

46.072

6.911

92.143

13.821

92.143

13.821

25.596

3.839

 

 

Sự nghiệp

30.974

26.934

4.040

2.692

404

10.774

1.616

10.774

1.616

2.694

404

 

V

DỰ ÁN 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

142.774

124.152

18.622

17.478

2.621

47.130

7.069

47.130

7.069

12.414

1.863

 

 

Đầu tư phát triển

72.832

63.332

9.500

11.400

1.710

22.800

3.420

22.800

3.420

6.332

950

 

 

Sự nghiệp

69.942

60.820

9.122

6.078

911

24.330

3.649

24.330

3.649

6.082

913

 

1

Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

86.237

74.989

11.248

12.565

1.885

27.463

4.119

27.463

4.119

7.498

1.125

 

 

Đầu tư phát triển

72.832

63.332

9.500

11.400

1.710

22.800

3.420

22.800

3.420

6.332

950

 

 

Sự nghiệp

13.405

11.657

1.748

1.165

175

4.663

699

4.663

699

1.166

175

 

2

Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS & MN;

11.466

9.971

1.495

996

149

3.989

598

3.989

598

997

150

SN

3

Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi

27.406

23.832

3.574

2.382

357

9.534

1.430

9.534

1.430

2.382

357

SN

4

Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp

17.665

15.360

2.305

1.535

230

6.144

922

6.144

922

1.537

231

SN

VI

DỰ ÁN 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

64.539

56.121

8.418

8.628

1.294

20.934

3.140

20.934

3.140

5.625

844

 

 

Đầu tư phát triển

43.545

37.865

5.680

6.833

1.025

13.666

2.050

13.666

2.050

3.700

555

 

 

Sự nghiệp

20.994

18.256

2.738

1.795

269

7.268

1.090

7.268

1.090

1.925

289

 

VII

DỰ ÁN 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

11.075

9.630

1.445

937

141

3.887

583

3.887

583

919

138

SN

VIII

DỰ ÁN 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

28.360

24.660

3.700

2.464

370

9.865

1.480

9.865

1.480

2.466

370

SN

IX

DỰ ÁN 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

106.436

92.553

13.883

9.247

1.387

37.022

5.553

37.019

5.553

9.265

1.390

SN

1

Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù

97.257

84.572

12.685

8.449

1.267

33.829

5.074

33.829

5.074

8.465

1.270

SN

2

Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN

9.179

7.981

1.198

798

120

3.193

479

3.190

479

800

120

SN

X

DỰ ÁN 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình

24.794

21.559

3.235

2.978

447

8.212

1.232

8.212

1.232

2.157

155

 

 

Đầu tư phát triển

11.835

10.290

1.545

1.852

278

3.704

556

3.704

556

1.030

155

 

 

Sự nghiệp

12.959

11.269

1.690

1.126

169

4.508

676

4.508

676

1.127

 

 

1

Tiểu dự án 1: Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào; truyền thông phục vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021-2030

6.558

5.702

856

570

86

2.281

342

2.281

342

570

86

SN

2

Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN

14.783

12.854

1.929

2.108

316

4.730

710

4.730

710

1.286

193

 

 

Đầu tư phát triển

11.835

10.290

1.545

1.852

278

3.704

556

3.704

556

1.030

155

 

 

Sự nghiệp

2.948

2.564

384

256

38

1.026

154

1.026

154

256

38

 

3

Tiểu dự án 3: Kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo, tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình

3.453

3.003

450

300

45

1.201

180

1.201

180

301

45

SN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2434/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025

  • Số hiệu: 2434/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản