Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2433/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 05 tháng 9 năm 2016 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;
Căn cứ Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 07/2015/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1154/SCT-TTr ngày 24/8/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số ....../QĐ-UBND, ngày... tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Tình hình thực hiện
Thực hiện Quyết định số 1073/QĐ-TTg , ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2011 - 2015. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện. Sau 05 năm tổ chức, triển khai thực hiện, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã từng bước phát triển và đi vào cuộc sống; góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nhận thức về vị trí, vai trò, những lợi ích của TMĐT đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức, triển khai các dịch vụ điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh và tuyên truyền, quảng bá trên mạng internet ngày càng nhiều.
Cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, interrnet đạt tốc độ phát triển nhanh, rộng khắp trên toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về viễn thông và internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú, đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy TMĐT phát triển.
100% cơ quan của nhà nước trong tỉnh và hầu hết các xã, phường, thị trấn đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng nhiều phần mềm ứng dụng và xây dựng kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; 100% cơ quan, đơn vị đã có mạng LAN; 100% máy tính được kết nối mạng LAN; 100% máy tính được kết nối Internet; tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức là 90%. Có trên 800 mạng LAN tại các điểm Internet công cộng với hơn 10.000 máy vi tính.
Tính đến 31 tháng 12 năm 2015, toàn tỉnh có 40 trang thông tin điện tử (Website) của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các trang thông tin điện tử này đều được tích hợp vào cổng thông tin điện tử của tỉnh theo mô hình Chính phủ điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành. 100% dịch vụ hành chính công trên cổng thông tin điện tử của tỉnh ở mức độ 1 và 2; 42 dịch vụ ở mức độ 3 và một số ít chuyển sang mức độ 4.
Có trên 600 trang thông tin của các trường học và gần 500 website của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp có website và tham gia mua bán, trao đổi trên mạng tăng. Thông qua Chương trình “Mỗi doanh nghiệp một Website” đã hỗ trợ trên 70 doanh nghiệp xây dựng Website; vận động gần 200 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có Website tham gia vào các sàn giao dịch trực tuyến trong nước. Tuyên truyền, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp có Website tham gia Chương trình gắn nhãn “Trust.vn” của Bộ Công Thương.
Dịch vụ ngân hàng và thanh toán điện tử được đẩy mạnh, tính đến 31 tháng 12 năm 2015, toàn tỉnh có 254 máy ATM; 683 máy POS; trên 1.200.000 thẻ và 40/87 đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ (chiếm khoảng 50%), chủ yếu là hệ thống các siêu thị và trung tâm mua sắm hiện đại chấp nhận thanh toán qua POS. Có 1.321/1.655 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước mở tài khoản và thực hiện trả lương qua tài khoản, đạt 80%. Các ngân hàng thương mại liên tục phát triển sản phẩm, dịch vụ như: Phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ ngân hàng qua Internet, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, điện thoại, nộp thuế điện tử… ngoài ra, còn phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới như: Dịch vụ VN - Topup; dịch vụ ví điện tử, phát hành thẻ ghi nợ nội địa ATM và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác.
Việc kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử góp phần tích cực trong cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có gần 30 ngân hàng tham gia triển khai dịch vụ thuế điện tử, trong đó 5.676 doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế; 5.382 doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ với các ngân hàng; có 2.454 doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử thành công.
Thủ tục thông quan điện tử được triển khai và đạt hiệu quả cao, thu hút được 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia. Có gần 100% doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục hải quan điện tử. Hải quan Hải Dương đã xây dựng và triển khai thành công hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại trên nền tảng tập trung hóa xử lý dữ liệu, tích hợp đầy đủ các chức năng, xử lý hồ sơ hải quan điện tử, manifest điện tử, thanh toán điện tử, giấy phép điện tử; xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan, thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và một cửa khu vực ASEAN.
Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia được triển khai giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc trao đổi thông tin, trích xuất dữ liệu, triển khai cơ chế phối hợp một cách thuận tiện, nhanh chóng. Đến cuối năm 2015 đã có 10 doanh nghiệp đăng ký hồ sơ thành lập qua hệ thống ở mức độ 4 và gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập ở mức độ 2, 3.
Các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được hàng chục cuộc hội thảo, tập huấn và đào tạo nghiệp vụ về CNTT và TMĐT cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.
Các doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước tiếp cận với việc quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình trên mạng internet. Việc mua bán, trao đổi trên môi trường mạng đã từng bước được hình thành và xuất hiện trong hoạt động của một số doanh nghiệp và một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh niên và học sinh, sinh viên, nhất là trên các hệ thống các trang mạng xã hội. Nhiều hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm được diễn ra trên các trang mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen mua sắm hàng hóa trên môi trường mạng và đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.
Phương thức thanh toán và giao hàng trực tuyến, chuyển khoản sau khi đặt hàng cho đến thanh toán khi nhận hàng được các doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT thực hiện tương đối linh hoạt, cơ bản đáp ứng yêu cầu của người mua, đi đầu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử, hàng không, du lịch…
Theo đánh giá của Cục TMĐT và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2015 chỉ số TMĐT của Hải Dương đứng thứ 12 trên cả nước (tăng 06 bậc so với 2014). Chỉ số về giao dịch G2B năm 2015 đứng thứ 16 (tăng 14 bậc so với 2014). Chỉ số về giao dịch B2B năm 2015 là 17 (giảm 02 bậc so với 2014). Chỉ số về giao dịch B2C năm 2015 là 15 (bằng với 2014). Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng TMĐT năm 2015 là 10 (tăng 04 bậc so với 2014).
2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Tồn tại, hạn chế
- Nguồn nhân lực phục vụ cho TMĐT của tỉnh còn yếu và thiếu. Việc triển khai ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp vẫn còn chậm nên hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh;
- Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân triển khai ứng dụng TMĐT của các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa nhiều. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về TMĐT còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra;
- Số lượng website tăng nhưng chưa nhiều; doanh nghiệp tổ chức, triển khai ứng dụng TMĐT chủ yếu là tự phát; thiếu định hướng; tập trung ở các doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh; các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế;
- Hoạt động thanh toán điện tử còn thấp, phương thức thanh toán mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ, giá mua, giá bán; chưa tích hợp tính năng bán hàng, thanh toán trực tuyến...;
- Độ tin cậy, an toàn, bảo mật thông tin trong các giao dịch TMĐT chưa cao; doanh nghiệp chưa chủ động trong việc minh bạch thông tin trên môi trường mạng.
2.2. Nguyên nhân
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT chưa được quan tâm đúng mức; môi trường pháp lý cho TMĐT được hình thành, nhưng việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật còn lúng túng; một số chính sách chưa thực sự hỗ trợ và tạo điều kiện để TMĐT phát triển;
- Nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của TMĐT trong một bộ phận cán bộ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp còn chưa cao, do vậy việc triển khai ứng dụng CNTT và TMĐT còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có sàn giao dịch TMĐT để hỗ trợ doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá trên mạng;
- Doanh nghiệp của Hải Dương chủ yếu là vừa và nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh; mặt khác doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ được lợi ích do TMĐT đem lại nên chưa quan tâm đầu tư cho phương thức kinh doanh tiên tiến, hiện đại này;
- Cơ chế quản lý, xử phạt các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân vi phạm còn nhiều bất cập. Chưa có nhiều đơn vị cung cấp các dịch vụ về an ninh, an toàn mạng hỗ trợ cho doanh nghiệp;
- Đại bộ phận người tiêu dùng vẫn giữ thói quen và tâm lý mua hàng truyền thống; chưa phát triển thói quen mua hàng qua mạng gây cản trở lớn đối với việc thúc đẩy TMĐT phát triển.
II. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
1. Căn cứ pháp lý xây dựng chương trình
- Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
- Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
- Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
- Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng;
- Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 phê duyệt Chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020;
- Quyết định số 07/2015/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2015 ban hành Quy chế Quản lý và thực hiện Chương trình phát triển TMĐT quốc gia;
- Quyết định số 1563/QĐ-TTg , ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020;
- Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử.
2. Sự cần thiết của Chương trình phát triển TMĐT tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020
- TMĐT là một hình thức thương mại tiên tiến, hiện đại; là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và xã hội thông tin; TMĐT đem lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Phát triển TMĐT là xu thế tất yếu và cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và của doanh nghiệp;
- Đối với doanh nghiệp, TMĐT giúp doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng và tiếp thị. TMĐT còn giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí giao dịch; người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm; thuận lợi trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp;
- Đối với xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT làm thay đổi phương thức kinh doanh, giao dịch truyền thống, đem lại những lợi ích to lớn cho xã hội. TMĐT còn tạo điều kiện cho việc thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các thành phần tham gia vào quá trình thương mại hóa, đồng thời tạo điều kiện đẩy nhanh việc tiếp cận nền kinh tế số hóa;
- Chương trình phát triển TMĐT của tỉnh Hải Dương 2016 - 2020 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực thi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng được hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp hỗ trợ TMĐT phát triển, đưa TMĐT của Hải Dương phát triển và từng bước hội nhập với cả nước, khu vực và thế giới. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI; nâng cao nhận thức của cán bộ cơ quan nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong cơ quan nhà nước, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và trong các lĩnh vực đời sống.
3.1. Mục tiêu chung
Xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, các hoạt động hỗ trợ TMĐT trên địa bàn tỉnh Hải Dương phù hợp với tình hình phát triển chung của cả nước; đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
3.2. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2020, các mục tiêu cần đạt được là:
- 100% doanh nghiệp và 60% người dân trên địa bàn tỉnh biết đến lợi ích của TMĐT. 100% doanh nghiệp sử dụng công cụ điện tử ở các mức độ khác nhau trong hoạt động kinh doanh;
- 40% doanh nghiệp hiện diện trên internet; 20% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình;
- 90% hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại chấp nhận thẻ thanh toán POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. 60% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử;
- Đến năm 2020 triển khai ứng dụng rộng rãi hệ thống thanh toán điện tử áp dụng cho tất cả các loại hình TMĐT, đặc biệt là mô hình TMĐT B2C. Nâng chỉ số TMĐT của Hải Dương đứng trong Top 10 của cả nước;
- Mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển đối với mọi tầng lớp dân cư trong tỉnh, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên;
- Tạo lập được môi trường pháp lý an toàn trong giao dịch TMĐT cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư;
- Đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển TMĐT của tỉnh. Trong đó có khoảng 500 lượt cán bộ cơ quan nhà nước và 3.000 lượt tổ chức, doanh nghiệp, sinh viên và người dân được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu về TMĐT.
4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
4.1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT
Tổ chức tuyên truyền để cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh nắm vững các quy định, những văn bản, chế độ, chính sách của pháp luật liên quan tới TMĐT.
Xây dựng các chương trình hoặc chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về TMĐT trên báo giấy, báo điện tử, phát thanh, truyền hình hoặc tổ chức các sự kiện thúc đẩy TMĐT với các nội dung như: Các mô hình ứng dụng TMĐT trên thế giới và Việt Nam; kinh nghiệm triển khai, ứng dụng TMĐT; lợi ích từ TMĐT; cách thức giao dịch, thanh toán an toàn, kỹ thuật, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân khi mua bán, trao đổi trên mạng...
Xuất bản ấn phẩm, cẩm nang, sổ tay hoặc tờ rơi, tờ gấp quảng bá về TMĐT và các hình thức khác.
* Giải pháp thực hiện:
- Mỗi năm tổ chức 01 - 02 khóa tập huấn triển khai các văn bản pháp luật về TMĐT cho các cán bộ chuyên trách quản lý TMĐT, CNTT tại các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh;
- Mỗi năm xây dựng 06 - 08 phóng sự tuyên truyền, phổ biến về TMĐT trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hải Dương;
- Tổ chức 01 sự kiện truyền thông về “Ngày mua sắm trực tuyến” vào đầu tháng 12 hàng năm;
- Mỗi năm xuất bản 01 cuốn “Sổ tay thương mại điện tử” hoặc xuất bản tờ rơi, tờ gấp (bản in và bản điện tử) cung cấp thông tin pháp luật về TMĐT, phát hành rộng rãi cho cán bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
4.2. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT
Tổ chức các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao kiến thức và đào tạo chuyên sâu về TMĐT cho cán bộ thuộc các tổ chức, đơn vị cơ quan nhà nước trong tỉnh.
Tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn giúp doanh nghiệp và người dân thực hiện được các kỹ năng khai thác thông tin trực tuyến, phương pháp quản trị website TMĐT tử hữu hiệu; giới thiệu về sàn giao dịch TMĐT và xây dựng thương hiệu trên internet; chiến lược marketing TMĐT hiện đại; các vấn đề pháp lý, văn hóa, đạo đức kinh doanh trong TMĐT...
* Giải pháp thực hiện:
- Mỗi năm tổ chức 01- 02 khóa đào tạo (khoảng 40 - 50 người/khóa) cho cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh;
- Mỗi năm tổ chức 05 - 06 khóa đào tạo (khoảng 80 - 100 người/khóa) cho các tổ chức, doanh nghiệp, sinh viên và người dân có nhu cầu.
4.3. Phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT
Tổ chức triển khai phát triển các sản phẩm, các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng TMĐT gồm:
Xây dựng Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Hải Dương nhằm tạo môi trường ứng dụng TMĐT và hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng marketing trên môi trường mạng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện, năng lực, tài chính vận hành và duy trì website riêng.
Xây dựng bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website TMĐT để tổ chức bán hàng trực tuyến theo mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT tử trong nước và quốc tế.
* Giải pháp thực hiện:
- Xây dựng Sàn giao dịch TMĐT đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, các công cụ tiện ích và nguồn lực để tạo môi trường giao dịch thuận tiện, an toàn cho doanh nghiệp và người mua hàng. Gồm 02 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật của sàn giao dịch TMĐT; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm tăng nhận biết của doanh nghiệp và người dân về sàn;
+ Giai đoạn 2: Đẩy mạnh các hoạt động marketing quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tổ chức hội chợ, triển lãm trực tuyến... xây dựng và triển khai các công cụ và tạo môi trường để các doanh nghiệp tiến hành các giao dịch đàm phán, ký kết hợp đồng, đấu giá, đấu thầu…; vận động, mời gọi doanh nghiệp tham gia sàn.
- Xây dựng bản đồ trực tuyến tích hợp dữ liệu cơ bản về hệ thống, mạng lưới chợ, siêu thị, đại lý, tổng đại lý phân phối ngành hàng tiêu dùng của Hải Dương từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phân phối, kế hoạch bán hàng, giới thiệu sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh và kiểm soát hiệu quả hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Giúp cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thông tin làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng thương mại, chủ yếu là hệ thống chợ, siêu thị, hệ thống các cửa hàng xăng dầu...;
- Mỗi năm lựa chọn hỗ trợ khoảng 20 (Hai mươi) doanh nghiệp xây dựng, thiết kế Website TMĐT để tham gia tổ chức kinh doanh trên mạng;
- Mỗi năm lựa chọn hỗ trợ khoảng 20 (Hai mươi) doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín và triển khai ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường mạng.
4.4. Tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT
Tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê tình hình ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) xử lý và công bố số liệu thống kê để đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, làm cơ sở để đưa ra những đề xuất, kiến nghị cần thiết cho những năm tiếp theo.
Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh dịch vụ cho thuê thiết bị tính toán, phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông khác. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ phục vụ phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử hỗ trợ người mua thanh toán trực tuyến, xây dựng thương hiệu; ứng dụng chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử, ứng dụng các công nghệ bảo mật để trao đổi thông tin trên môi trường mạng.
* Giải pháp thực hiện:
- Mỗi năm tổ chức 01 cuộc điều tra, thống kê mức độ ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh vào khoảng tháng 6 - 7 hàng năm;
- Mỗi năm tổ chức 01 hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê thiết bị tính toán phần mềm và các dịch vụ cung cấp các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin điện tử, các dịch vụ cung cấp chữ ký số... với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
4.5. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức các hoạt động phát triển TMĐT
Mỗi năm tổ chức 01 - 02 cuộc kiểm tra về TMĐT tại doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình triển khai chính sách và thực thi pháp luật về TMĐT tại địa phương, những khó khăn, vướng mắc, những quy định chưa hợp lý đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tổ chức các đoàn cán bộ và doanh nghiệp của tỉnh đi khảo sát, học tập kinh nghiệm các địa phương (nếu cần thiết) đã xây dựng và triển khai TMĐT đạt kết quả tốt, khảo sát một số doanh nghiệp ứng dụng thành công.
Cử cán bộ phụ trách TMĐT và CNTT dự đào tạo, hội thảo, tập huấn về TMĐT do các Bộ, ngành tổ chức.
Ban hành Quy định quản lý nhà nước về TMĐT trên địa bàn tỉnh.
1. Tổng kinh phí dự kiến (có phụ lục chi tiết kèm theo) để triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020 là 10.732.000.000 đồng (Mười tỷ, bẩy trăm ba mươi hai triệu đồng chẵn).
2. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp trong ngân sách tỉnh; từ các chương trình, dự án của Chính phủ, Bộ Công Thương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Trong đó:
- Từ ngân sách Trung ương: 1.440.000.000 đồng;
- Từ ngân sách tỉnh: 5.092.000.000 đồng;
- Đóng góp từ các doanh nghiệp: 4.200.000.000 đồng.
1. Sở Công Thương
- Là cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và các Sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo quy định hiện hành;
Tổng hợp, báo cáo quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định
- Tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và hướng dẫn của Trung ương;
- Hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cụ thể, xây dựng chương trình thương mại điện tử, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để tổ chức triển khai thực hiện.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai việc phát triển hạ tầng mạng internet phục vụ phát triển TMĐT; xây dựng và đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ hỗ trợ TMĐT;
- Phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh ứng dụng CNTT và TMĐT; đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin phục vụ ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp và người dân;
- Hướng dẫn triển khai các vấn đề về an toàn trong giao dịch điện tử, chữ ký số, chứng thực điện tử, các chuẩn trao đổi dữ liệu; triển khai đồng bộ Chương trình này với các chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh, gắn kết phát triển TMĐT với Chính phủ điện tử;
- Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện các biện pháp an toàn thông tin trong giao dịch TMĐT.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tổng hợp cân đối, lồng ghép các nguồn lực, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội trong tỉnh với Chương trình phát triển TMĐT hàng năm.
4. Sở Tài chính
Tham mưu, cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh hàng năm để đảm bảo nguồn vốn thực hiện chương trình.
5. Công an tỉnh
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát, an toàn, an ninh trong TMĐT.
6. Các Sở, ngành liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển TMĐT của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ nội dung của Chương trình, phối hợp với Sở Công Thương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
8. Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương và Chi cục Hải quan Hải Dương
Chủ động phối hợp và xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ điện tử thuộc ngành, lĩnh vực nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển.
9. Các doanh nghiệp
Tích cực tham gia các chương trình, dự án của cơ quan Nhà nước; chủ động xây dựng, triển khai và nâng cao hiệu quả ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh./.
- 1Nghị quyết 86/2007/NQ-HĐND thông qua Đề án thực hiện Chương trình phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại đến năm 2010 do tỉnh Điện Biên ban hành
- 2Quyết định 637/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020
- 3Quyết định 1384/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020
- 4Quyết định 1377/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2016-2020
- 5Quyết định 3886/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020
- 6Quyết định 1928/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020
- 7Quyết định 369/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020
- 8Quyết định 1201/QĐ-UBND về Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2020
- 9Quyết định 2094/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 kèm theo Quyết định 1867/QĐ-UBND
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Luật Giao dịch điện tử 2005
- 3Luật Công nghệ thông tin 2006
- 4Quyết định 1073/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 86/2007/NQ-HĐND thông qua Đề án thực hiện Chương trình phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại đến năm 2010 do tỉnh Điện Biên ban hành
- 6Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
- 7Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- 8Quyết định 689/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 10Quyết định 07/2015/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 12Quyết định 637/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020
- 13Quyết định 1384/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020
- 14Quyết định 1563/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 1377/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2016-2020
- 16Quyết định 3886/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020
- 17Quyết định 1928/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020
- 18Quyết định 369/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2020
- 19Quyết định 1201/QĐ-UBND về Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2020
- 20Quyết định 2094/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 kèm theo Quyết định 1867/QĐ-UBND
Quyết định 2433/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu: 2433/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/09/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
- Người ký: Nguyễn Dương Thái
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra