Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 243-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 1979

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;
Để thực hiện nghị quyết số 14-NQ/TƯ ngày 11-01-1979 của Bộ chính trị trung ương Đảng về cải cách giáo dục;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: - Trường phổ thông là đơn vị cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường phổ thông có nhiệm vụ giáo dục thế hệ thanh niên, thiếu niên trở thành những người lao động mới, làm chủ tập thể và phát triển toàn diện, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình giáo dục học sinh, trường phổ thông phải thực hiện tốt nguyên lý giáo dục của Đảng và Nhà nước “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Điều 2: - Trường phổ thông là đơn vị sự nghiệp, có ngân sách riêng, có bộ máy quản lý hành chính và chuyên môn hoàn chỉnh.

Mỗi trường phổ thông do một hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng phụ trách. Hiệu trưởng là người phụ trách cao nhất của trường, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân, và trước cấp trên trực tiếp về mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. Các phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm về phần công tác được phân công, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm chung về các mặt công tác của trường.

Điều 3: - Nhiệm vụ cụ thể của trường phổ thông là:

1. Căn cứ vào phương hướng phát triển giáo dục của Nhà nước, vào tình hình thực tế của địa phương và của đơn vị, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn của trường

2. Trên cơ sở đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục theo những quy định của Bộ Giáo dục, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh theo mục tiêu đã quy định cho từng cấp học.

3. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân địa phương và phối hợp với các cơ quan hữu quan, chăm lo việc giáo dục chính trị và tư tưởng cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, tổ chức tốt việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực góp phần vào việc phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương theo chức năng của nhà trường.

4. Quản lý về các mặt tổ chức, cán bộ, biên chế, kinh phí và tài sản của nhà trường theo chính sách và chế độ chung của Nhà nước; thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với cán bộ, giáo viên và học sinh; cùng với chính quyền địa phương chăm lo điều kiện làm việc, đời sống vật chất và tinh thần của toàn thể cán bộ, giáo viên.

Điều 4: - Số lượng biên chế của trường phổ thông được quy định thống nhất như sau:

1. Mỗi trường phổ thông có một hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng phụ trách:

- Trường từ 27 lớp trở xuống thì có hai phó hiệu trưởng;

- Trường từ 28 lớp trở lên thì có ba phó hiệu trưởng

2. Số giáo viên làm công tác bí thư đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (trường phổ thông trung học) và tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (trường phổ thông cơ sở) được quy đinh như sau:

- Trường từ 18 lớp trở xuống được bố trí tính theo biên chế bằng ½ giáo viên;

- Trường từ 27 lớp trở xuống được bố trí tính theo biên chế bằng ¾ giáo viên;

- Trường từ 28 lớp trở lên được bố trí một giáo viên.

Đối với trường có học sinh nội trú, nếu xét cần phải tăng hơn số quy định nói trên, thì số cán bộ tăng thêm đó thuộc biên chế của tỉnh, thành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Số giáo viên làm công tác giảng dạy (kể cả công tác chủ nhiệm lớp) được quy định như sau:

- Trường phổ thông cơ sở: một lớp cấp I được bố trí tính theo biên chế bằng 1,15 giáo viên, và một lớp cấp II được bố trí tính theo biên chế bằng 1,7 giáo viên hoặc bằng 1,85 giáo viên, kể cả giáo viên ngoại ngữ;

- Trường phổ thông trung học: một lớp được bố trí tính theo biên chế bằng 2,1 giáo viên, kể cả giáo viên ngoại ngữ;

4. Số cán bộ, nhân viên làm công tác phục vụ giảng dạy được quy định như sau:

a) Công tác thư viện:

- Trường từ 18 lớp trở xuống được bố trí một người;

- Trường từ 27 lớp trở xuống được bố trí hai người;

- Trường từ 28 lớp trở lên được bố trí ba người;

b) Công tác thí nghiệm:

- Trường phổ thông cơ sở được bố trí một người;

- Trường phổ thông trung học từ 18 lớp trở xuống được bố trí một người, và từ 19 lớp trở lên được bố trí hai người.

c) Công tác văn phòng (văn thư, kế toán, thủ quỹ, y tế trường học, bảo vệ và phục vụ):

- Trường từ 18 lớp trở xuống được bố trí ba người;

- Trường từ 27 lớp trở xuống được bố trí năm người;

- Trường từ 28 lớp trở lên được bố trí bảy người;

Riêng các trường ở thành phố và thị xã được bố trí thêm một người nữa để làm công tác bảo vệ (như vậy công tác bảo vệ ở các trường nói trên là hai người)

d) Số lượng cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý ở các trường phổ thông trung học vừa học, vừa làm (kể cả các trường phổ thông trung học có sản xuất) nhiều hay ít là tùy thuộc vào quy mô của trường và khối lượng công việc cụ thể; việt xét duyệt biên chế này do Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố quyết định trên nguyên tắc tiết kiệm lao động.

e) Số nhân viên nhà ăn, nhà trẻ, bảo vệ sức khỏe và phục vụ đời sống của cán bộ, giáo viên và học sinh nội trú được áp dụng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 5: - Số người thay thế cho giáo viên nữ nghỉ để sinh đẻ hay chăm nom con ốm được quy định như sau:

- Đối với cấp I trường phổ thông cơ sở, kế hoạch biên chế hàng năm được phép tính thêm 8% số người để thay thế, so với tổng số giáo viên nữ của địa phương hiện có trong biên chế Nhà nước;

- Đối với cấp II trường phổ thông cơ sở và trường phổ thông trung học, khi giáo viên nữ nghỉ để sinh đẻ hoặc chăm nom con ốm, thì sắp xếp giáo viên khác dạy thay và trả thù lao theo chế độ dạy thêm giờ.

Điều 6: - Để nhanh chóng đưa các hoạt động của trường phổ thông vào nề nếp theo phương hướng cải cách giáo dục, Hội đồng Chính phủ quyết định:

1. Bộ Giáo dục, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng các ngành có liên quan khác nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, biện pháp, tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và giáo viên, để các trường phổ thông có thể thực hiện tốt những tiêu chuẩn biên chế đã được quy định.

2. Bộ Giáo dục, Ban tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm quy định chế độ công tác và chế độ trách nhiệm của giáo viên, cán bộ, nhân viên trong nhà trường, nhằm nâng cao hiệu suất công tác và chất lượng giảng dạy ở các trường.

3. Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, Bộ Lao động cần ban hành những văn bản cần thiết để bổ sung và sửa đổi chế độ thù lao về dạy thêm giờ cho thích hợp với tình hình thực tế.

4. Bộ Giáo dục, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định mức bình quân học sinh trên lớp, mức chỉ tiêu trong nhà trường và chế độ quản lý tài chính phù hợp với từng địa phương và từng loại trường.

Điều 7: - Quyết định nay được thi hành kể từ ngày ban hành, những quy định trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 8: - Các đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thủ trưởng các ngành liên quan ở trung ương và chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 243-CP năm 1979 về việc tổ chức bộ máy, biên chế của các trường phổ thông do Hội đồng chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 243-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/06/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản