Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2419/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 23 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2009 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;

Căn cứ Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày 22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư Trạm Y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008 -2010; Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009 - 2013”;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 709/TTr-SYT ngày 23/6/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Hệ thống y tế theo quy hoạch này gồm mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, y tế cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, mạng lưới sản xuất, lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc.

II. Nguyên tắc quy hoạch:

- Phát triển hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả, bền vững, bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong hoạt động chuyên môn của từng tuyến, giữa các tuyến dịch vụ và các lĩnh vực; kết hợp hài hòa giữa phát triển y tế chuyên sâu với y tế phổ cập, giữa phòng bệnh, nâng cao sức khỏe với chữa bệnh, phục hồi chức năng; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.

- Phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ y tế theo địa bàn dân cư nhằm tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao.

- Phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và yêu cầu đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

III. Phạm vi quy hoạch: Tập trung vào việc củng cố và sắp xếp mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế một cách hợp lý, bao gồm: quản lý nhà nước, dịch vụ khám, chữa bệnh; y tế dự phòng; sản xuất, cung ứng, phân phối thuốc; mạng lưới dân số - kế hoạch hóa gia đình; y dược học cổ truyền và y tế cơ sở (huyện, xã, thôn, bản).

IV. Mục tiêu chung: Xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân; giảm tỉ lệ mắc bệnh, tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống.

V. Mục tiêu cụ thể:

1. Từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo mô hình: Trung tâm Y tế huyện, thành phố, bao gồm hai chức năng y tế dự phòng và khám, chữa bệnh.

2. Đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh nhằm giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật gây ra, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

2.1. Phòng, chống dịch chủ động, tích cực, không để dịch lớn xảy ra.

2.2. Dự báo, kiểm soát và khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm và các tác nhân truyền nhiễm gây dịch, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh.

2.3. Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, tai nạn gây thương tích.

2.4. Khống chế số người nhiễm HIV/AIDS ở mức dưới 0,16% dân số vào năm 2010 và không tăng hơn trong các năm sau.

3. Đầu tư phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh theo hướng:

3.1. Đảm bảo tính hệ thống và tính liên tục trong chuyên môn của từng tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa.

3.2. Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh theo cụm dân cư, không phân biệt địa giới hành chính; các đơn vị chuyên môn y tế được quản lý theo ngành, bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại tất cả các tuyến.

3.3. Bảo đảm đủ điều kiện xử lý chất thải y tế và khả năng chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện để các hoạt động khám chữa bệnh không ảnh hưởng đến người dân và môi trường sống.

3.4. Phấn đấu đến năm 2015, số giường bệnh/vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường (có 2 giường của bệnh viện tư nhân) và đến năm 2020, đạt 25 giường bệnh/vạn dân (có 5 giường của bệnh viện tư nhân).

3.5. Đầu tư đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; duy trì, củng cố và thành lập các khoa Đông y tại các Trung tâm Y tế huyện, thành phố.

4. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Đến năm 2015, bảo đảm 100% các xã có trạm y tế kiên cố và 80% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

5. Phát triển nguồn nhân lực y tế cân đối và hợp lý, phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản:

- 06 Bác sỹ/vạn dân vào năm 2015 và 08 Bác sỹ/vạn dân vào năm 2020.

- 01 Dược sỹ đại học/vạn dân vào năm 2015 và 1,5 Dược sỹ đại học/vạn dân vào năm 2020.

- Tỷ lệ y tá, điều dưỡng/Bác sỹ đạt 3,2 vào năm 2015 và 3,5 vào năm 2020.

6. Quy hoạch và phát triển các vùng dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm. Củng cố, phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để chủ động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm.

VI. Thực trạng hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam:

1. Mạng lưới khám chữa bệnh (chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo):

1.1. Toàn tỉnh hiện có 2.873 giường bệnh (trong đó có 250 giường của Bệnh viện đa khoa Trung ương), đạt 19,22 giường/vạn dân, phân bố như sau:

- Giường bệnh công lập: 2.723 giường, đạt 18,21 giường/vạn dân.

- Giường bệnh công lập thuộc ngành y tế Quảng Nam: 2.473 giường, đạt 16,54 giường/vạn dân (cả nước 17,24 giường/vạn dân).

- Giường bệnh tư nhân: 150 giường, đạt 01 giường/vạn dân, chiếm 5,72% giường bệnh ngành y tế tỉnh quản lý (cả nước tỷ lệ này là 2%).

Phân theo tuyến như sau:

* Tuyến tỉnh: Có 08 cơ sở khám chữa bệnh, gồm 03 bệnh viện đa khoa, 04 bệnh viện chuyên khoa và 01 Trung tâm chuyên khoa với 1.450 giường bệnh, chiếm tỷ lệ 53,25% (cả nước là 52,03%), đạt 9,7 giường/vạn dân (cả nước 09 giường/vạn dân), bao gồm:

- Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam, đóng tại thành phố Tam Kỳ, là bệnh viện hạng II, quy mô 600 giường bệnh.

- Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam, đóng tại huyện Điện Bàn, là bệnh viện hạng II, quy mô 200 giường bệnh.

- Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, đóng tại huyện Đại Lộc, là bệnh viện hạng II, quy mô 200 giường bệnh.

- 04 bệnh viện chuyên khoa gồm: Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền, đóng tại thành phố Tam Kỳ, là những bệnh viện hạng III, quy mô mỗi bệnh viện từ 100 - 120 giường bệnh.

- Trung tâm Da liễu tỉnh, đóng tại thành phố Tam Kỳ, chức năng chính là chỉ đạo và triển khai chương trình phòng chống phong, phòng và điều trị các bệnh thuộc chuyên khoa da liễu và bệnh lây truyền qua đường tình dục; quy mô 30 giường.

- Ngoài ra, còn có 04 đơn vị: Hội đồng Giám định y khoa, Trung tâm Pháp Y, Ban bảo vệ sức khoẻ cán bộ, Trung tâm cấp cứu 115 thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đặc thù của mỗi đơn vị.

* Tuyến huyện, thành phố:

- 18 Trung tâm Y tế, trong đó có 15 Trung tâm Y tế thực hiện hai chức năng: y tế dự phòng và khám chữa bệnh với tổng số giường bệnh là 1.023 giường, chiếm tỷ lệ 37,56% (cả nước là 35,1%), có 11 trung tâm đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III, 4 trung tâm đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng IV.

- 09 Phòng khám đa khoa khu vực (Phước Sơn: 01, Nam Giang: 01, Hiệp Đức: 02, Thăng Bình: 01, Quế Sơn: 01, Đại Lộc: 02, Duy Xuyên: 01), bình quân mỗi Phòng khám có từ 05 - 10 giường bệnh.

* Tuyến xã, phường, thị trấn (gọi tắt là tuyến xã): Có 240 Trạm Y tế xã.

* Y tế tư nhân:

- Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức, đóng tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, quy mô 70 giường bệnh.

- Bệnh viện đa khoa Thái Bình Dương, đóng tại thành phố Hội An, quy mô 80 giường bệnh.

* Ngoài ra, có Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, trước mắt mới tiếp nhận cơ sở của Bệnh viện đa khoa huyện Núi Thành, là bệnh viện hạng II, quy mô 250 giường bệnh, đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

1.2. Hệ thống xử lý chất thải y tế:

- Hiện tại, có 4/23 bệnh viện công lập (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc) và 1/2 bệnh viện tư nhân (Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức) có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu.

- Về xử lý rác thải y tế: chỉ duy nhất Bệnh viện đa khoa tỉnh có 01 lò đốt công suất 250 kg/ngày nhưng đang phải đốt từ 250 - 300 kg rác thải hàng ngày cho toàn bộ rác thải y tế từ các bệnh viện khu vực đồng bằng trên địa bàn tỉnh (kể cả bệnh viện tư nhân) nên đang xuống cấp rất nhanh.

1.3. Trang thiết bị chuyên môn:

Tuy đã có đầu tư trang thiết bị (Bệnh viện đa khoa tỉnh đã có máy CT-Scanner, X-quang tăng sáng truyền hình, Phaco lạnh, siêu âm màu, thiết bị nội soi chẩn đoán, nội soi phẫu thuật...; Trung tân Y tế tuyến huyện đều có xe cứu thương, X-quang, siêu âm, xét nghiệm huyết học, sinh hoá...), nhưng nhìn chung còn rất thiếu, chỉ trang bị được từ 50% - 70% danh mục cần thiết theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.

1.4. Chất lượng khám chữa bệnh các tuyến từng bước được nâng cao. Các Trung tân Y tế huyện (trừ Nam Trà My, Tây Giang, Phú Ninh mới thành lập) đều triển khai được phẫu thuật cấp cứu ngoại sản. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã phẫu thuật nội soi tiêu hoá, tai mũi họng, sản phụ khoa; điều trị kết hợp xương. Bước đầu triển khai khoa ung thư tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tình trạng quá tải bệnh viện thường xuyên xảy ra. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân qua nhiều năm là 157,7% ở tuyến tỉnh, 171,3 % ở tuyến huyện (trung bình cả nước tuyến tỉnh là 102% và tuyến huyện là 85%).

- 03 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 8/15 Trung tân Y tế huyện đã có khoa Y học cổ truyền hoạt động tốt, thu hút khá đông người bệnh (trừ các huyện mới thành lập, miền núi).

- Tại tuyến xã: 133/240 xã (55,42%) đạt chuẩn quốc gia về y tế đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ.

2. Mạng lưới y tế dự phòng:

* Tuyến tỉnh: Có Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Bướu cổ, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm nghiệm, các đơn vị hệ điều trị có chức năng quản lý bệnh xã hội như: Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trung tâm Da liễu, Bệnh viện Tâm thần và một số đơn vị có chức năng đặc thù: Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Pháp y, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh.

2.1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chưa đạt chuẩn quốc gia, trang thiết bị thiết yếu và chuyên dụng chưa đầy đủ theo danh mục của Bộ Y tế, chưa đáp ứng được yêu cầu giám sát, phát hiện dịch, kiểm soát bệnh nghề nghiệp, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; labô xét nghiệm chưa đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 1.

2.2. Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh thiếu trang thiết bị phục vụ khám, chẩn đoán chuyên sâu (máy soi col, máy chụp nhũ ảnh, xét nghiệm tế bào âm đạo...), thiếu các trang bị để xử lý các tai biến do thủ thuật sản phụ khoa.

2.3. Trang thiết bị của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các kỹ thuật truyền thông.

2.4. Trung tâm Kiểm nghiệm: Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đạt yêu cầu, chỉ mới trang bị một số máy: Quang phổ kế, Chuẩn độ điện thế tự động, Thử độ rã, tủ hút khí độc, HPPL …

2.5. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chưa có trụ sở làm việc.

* Tuyến huyện, thành phố: Có các khoa đảm nhận chức năng y tế dự phòng trong Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị còn rất sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, HIV/AIDS; kiểm tra chất lượng thực phẩm, nước uống; phòng chống bệnh nghề nghiệp, truyền thông giáo dục sức khỏe...

3. Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn, thôn bản:

3.1. Trạm Y tế xã:

- Về nhân lực:

Tổng số cán bộ y tế là 1.183 người, trung bình 4,93 cán bộ y tế/trạm. Cơ cấu chưa phù hợp: 85/240 xã (35,11%) có Bác sĩ (cả nước 65,4%); 244 Nữ hộ sinh (20,62%); 157 Điều dưỡng (13,27%), 620 y sĩ (52,41%); nhiều Trạm Y tế xã chưa có cán bộ y tế đảm nhận công tác y học cổ truyền và dược.

- Về cơ sở vật chất và trang thiết bị:

Các Trạm Y tế đều được cung cấp dụng cụ phục vụ các hoạt động khám chữa bệnh thông thường, sơ cứu vết thương, đỡ đẻ, chăm sóc bé, khám phụ khoa, khử khuẩn dụng cụ, tiêm chủng... Một số ít trạm có bác sỹ (huyện Điện Bàn và Đại Lộc) đã được trang bị siêu âm và máy đo điện tim từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, nhìn chung trang thiết bị còn chắp vá, chưa đồng bộ, xuống cấp. Riêng dụng cụ khám chữa bệnh thông thường các chuyên khoa: mắt, răng, tai mũi họng chưa được trang bị.

- Về hoạt động chuyên môn:

Nhìn chung, các Trạm Y tế đều thực hiện đạt yêu cầu công tác sơ cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, triển khai có chất lượng các chương trình y tế. Tuy nhiên, tại các xã miền núi, việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhất là công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

3.2. Y tế thôn bản:

Toàn tỉnh có 1.776 nhân viên y tế thôn bản đang hoạt động (bình quân 1,06 nhân viên y tế/thôn bản), đa số nhân viên y tế thôn bản đã được đào tạo cơ bản theo chương trình của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế.

4. Mạng lưới dân số - kế hoạch hóa gia đình:

4.1. Về tổ chức: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh trực thuộc Sở Y tế được thành lập từ tháng 4/2008 trên cơ sở tổ chức lại Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thành phố trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2009.

4.2. Về nhân lực: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh có 14 cán bộ; các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thành phố có 77 cán bộ (trung bình 3 - 5 cán bộ/trung tâm); mỗi xã, phường, thị trấn có một cán bộ chuyên trách và trung bình mỗi thôn, bản có 2,79 cộng tác viên (toàn tỉnh có 4.668 cộng tác viên).

4.3. Tình hình hoạt động chuyên môn:

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận: tỷ suất sinh thô giảm nhanh, bình quân giảm 1%o/năm; tỷ lệ sinh con thứ ba giảm bình quân 1,11%/năm. Nhận thức của toàn xã hội về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được nâng lên rõ rệt và phát triển theo hướng tích cực. Tuy nhiên, chương trình dân số mới chỉ tập trung vào mục tiêu giảm sinh (thực chất là các biện pháp tránh thai) mà chưa chú trọng đến các khía cạnh khác như: chất lượng, cơ cấu dân số, phân bố dân cư...; một số nội dung thực hiện chưa phù hợp với vùng sâu, vùng nghèo nên chương trình mới chỉ có hiệu quả ở vùng thành thị, vùng nông thôn phát triển.

5. Mạng lưới sản xuất, kinh doanh, cung ứng và phân phối thuốc:

- Hiện tại tỉnh Quảng Nam chưa có cơ sở sản xuất thuốc, chưa có cơ sở thu mua chế biến dược liệu, chỉ có Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế thực hiện chức năng mua bán dược phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, vật tư y tế. Với 41 nhà thuốc, 173 hiệu thuốc, 286 đại lý, 16 quầy thuốc và 178 quầy bán lẻ tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phân bố khắp các vùng miền trong tỉnh.

- Tại các bệnh viện, trung tâm y tế có các nhà thuốc và khoa dược phục vụ cung ứng thuốc cho người bệnh ngoại trú, nội trú.

- Về hoạt động chuyên môn, cơ bản đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu thuốc, vật tư y tế cho phòng bệnh và khám chữa bệnh của nhân dân một cách hợp lý, an toàn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP), tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), quy chế kê đơn bán thuốc theo đơn chưa đảm bảo. Công tác thông tin thuốc còn nhiều hạn chế và tình trạng lạm dụng kháng sinh, vitamin, thuốc ngoại nhập, thuốc đắt tiền vẫn còn phổ biến. Các quầy thuốc, đại lý tập trung nhiều ở đô thị, nơi đông dân cư, còn ở những nơi xa xôi, hẻo lánh thì rất ít, chỉ đảm bảo phục vụ ở mức tối thiểu.

6. Nguồn nhân lực y tế:

6.1. Tổng số cán bộ y tế (chi tiết tại Phụ lục 4 kèm theo): Toàn tỉnh có 4.246 cán bộ y tế (nữ: 2.634 người, chiếm 62,03%), trong đó, có 660 Bác sỹ, 33 Dựơc sỹ đại học (chưa kể 50 Bác sỹ, 03 Dựơc sỹ đại học làm việc tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và 11 Dựơc sỹ đại học làm việc tại Công ty Cổ phần Dược – Vật tư y tế Quảng Nam), cụ thể:

- Tuyến tỉnh:                                          1.569 người, chiếm 36,95%

- Tuyến huyện, thành phố:                      1.494 người, chiếm 35,18%

- Tuyến xã, phường:                              1.183 người, chiếm 27,86%

- Hệ điều trị (tỉnh, huyện):                       2.268 người, chiếm 53,41%

- Hệ dự phòng (tỉnh, huyện):                  524 người, chiếm 12,34%

- Cán bộ y tế có trình độ đại học:           919 người, chiếm 21,64%

- Cán bộ y tế có trình độ sau đại học:     273 người, chiếm 6,42% tổng số cán bộ y tế và 30,2% cán bộ đại học.

6.2. Tỷ lệ cán bộ y tế so với dân số:

- Tỷ lệ Bác sỹ/vạn dân:                          4,41 (nếu tính cả Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam là: 4,75; bình quân cả nước: 5,88).

- Tỷ lệ Y, Bác sỹ/vạn dân:                      11,35 (cả nước 11,86%)

- Tỷ lệ Y tá, Điều dưỡng/vạn dân:           5,47 (cả nước 5,95%)

- Tỷ lệ Y tá, Điều dưỡng/Bác sỹ:                        2,8 (cả nước 1,5)

- Tỷ lệ Dược sỹ đại học/vạn dân:           0,22 (nếu tính cả Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Khối doanh nghiệp: 0,31; cả nước 0,77).

6.3. Công tác đào tạo (chi tiết tại Phụ lục 5 kèm theo):

Từ năm 2001 - 2008, tổng số cán bộ, viên chức được đào tạo là 621 người, trong đó:

- Bác sỹ: 196 người

- Dược sỹ đại học: 53 người

- Sau đại học: 245 người (Tiến sĩ: 01 người, Thạc sĩ: 58 người, Bác sỹ chuyên khoa II: 13 người, Bác sỹ chuyên khoa I: 164 người, Dược sỹ chuyên khoa I: 7 người, Bác sỹ nội trú: 02 người).

- Cử nhân: 127 người.

6.4. Năng lực đào tạo của Trường Cao đẳng Y tế tỉnh: Tính từ năm 1997 - 2008, trường đã tổ chức đào tạo với nhiều loại hình sau:

- Cao đẳng điều dưỡng:                         610 học viên

- Trung cấp điều dưỡng:                        1.220 học viên

- Dược sỹ trung học:                              983 học viên

- Hộ sinh trung học:                                511 học viên

- Cao đẳng xét nghiệm:                         118 học viên

- Y sỹ:                                                  1.017 học viên

VII. Về đầu tư kinh phí cho ngành y tế tỉnh những năm qua:

1. Chi sự nghiệp y tế:

- Năm 2006:                                          106.647 triệu đồng

- Năm 2007:                                          144.754 triệu đồng

- Năm 2008:                                          141.167 triệu đồng

2. Chi khám chữa bệnh cho người nghèo:

+ Năm 2006:                                         22.998 triệu đồng

- Năm 2007:                                          38.028 triệu đồng

- Năm 2008:                                          37.394 triệu đồng

3. Chi khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi:

- Năm 2006:                                          7.684 triệu đồng

- Năm 2007:                                          11.250 triệu đồng

- Năm 2008:                                          11.250 triệu đồng

4. Chi Chương trình mục tiêu Phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS:

- Năm 2006:                                          5.109 triệu đồng

- Năm 2007:                                          6.597 triệu đồng

- Năm 2008:                                          7.660 triệu đồng

5. Chi đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế (chi tiết tại Phụ lục 7):

Tính đến năm 2009, tổng kinh phí đầu tư:            150.123 triệu đồng, bao gồm:

- Vốn sự nghiệp y tế:                                        33.321 triệu đồng

- Vốn trái phiếu Chính phủ:                                67.500 triệu đồng

- Vốn khác (ODA, NGO, vay tồn ngân ...):           49.302 triệu đồng

6. Chi đầu tư xây dựng cơ bản (chi tiết tại Phụ lục 6 kèm theo):

Tính đến 31/12/2008 (Sở làm chủ đầu tư):           147.751 triệu đồng, bao gồm:

- Vốn xây dựng cơ bản tập trung:                      93.364 triệu đồng

- Vốn Chương trình mục tiêu:                             17.887 triệu đồng

- Vốn trái phiếu Chính phủ:                                 36.500 triệu đồng

Trong đó:

+ Đã giải ngân trong năm 2008:                          2.150 triệu đồng

+ Chuyển sang kế hoạch năm 2009:                   34.350 triệu đồng

VIII. Dự báo phát triển:

1. Dự báo quy mô phát triển dân số:

Mặc dù tốc độ gia tăng dân số và tỷ suất sinh đang giảm dần qua các năm nhưng tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vẫn còn cao (11,27 %o năm 2007) nên dân số vẫn tiếp tục tăng trong 10 năm tới. Với tốc độ như hiện nay, dự báo dân số toàn tỉnh sẽ ở mức 1.582.191 người vào năm 2015 và 1.636.311 người vào năm 2020.

2. Dự báo nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân:

Từ việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, dự báo nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong giai đoạn tới:

2.1. Các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm tiếp tục lưu hành: sốt rét, lao HIV/AIDS, sốt xuất huyết, viêm phổi, tiêu chảy ..., đặc biệt, một số bệnh mới phát sinh do virus như: SARS, cúm A (H5N1, H1N1) đã, đang và sẽ có nguy cơ phát thành dịch nguy hiểm...

2.2. Các bệnh về dinh dưỡng và chuyển hóa đang ở xu thế phát triển:

- Suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em ở các huyện miền núi, huyện nghèo và ngược lại là tình trạng béo phì của trẻ em thành phố, vùng khá giả.

- Bệnh về máu, đặc biệt là bệnh bạch cầu cấp (Leucemie) và suy tủy ở trẻ em.

- Bệnh tiểu đường, bệnh goute...

2.3. Các vấn đề sức khỏe mới đang nổi lên nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ và phòng ngừa có hiệu quả:

- Ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc gây nghiện.

- Tai nạn thương tích trong giao thông, lao động.

- Nghiện hút và các bệnh do hút thuốc lá gây ra.

- Lạm dụng rượu bia và các bệnh lý do rượu gây ra.

2.4. Các bệnh không nhiễm trùng đang có xu hướng ngày càng gia tăng: các bệnh tim mạch, tâm thần và sức khỏe tâm thần, ung thư, bệnh nghề nghiệp, bệnh người già...

2.5. Các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường: chủ yếu là môi trường lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và xử lý chất thải y tế.

Đến năm 2020, Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Lúc đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ có sự chuyển hướng lớn từ khâu dự phòng, điều trị các bệnh lây nhiễm sang giải quyết các bệnh nhiễm trùng và các bệnh không nhiễm trùng, tai nạn, thương tích và ngộ độc.

3. Dự báo nguồn nhân lực: Trong những năm tới, nhu cầu cán bộ y tế có chất lượng là rất lớn, tuy nhiên, do cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường nên việc đáp ứng nguồn nhân lực là thách thức lớn, sẽ rất khó khăn để có được bác sỹ, dược sỹ đại học công tác tại huyện, xã và cán bộ chuyên khoa sâu công tác tại địa phương kể cả tuyến tỉnh.

IX. Nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

1. Củng cố, hoàn thiện các cơ quan quản lý nhà nước về y tế:

Tập trung củng cố, kiện toàn các phòng chuyên môn nghiệp vụ, nhất là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và các Phòng Y tế huyện, thành phố để tham mưu giúp các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

2. Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế dự phòng:

Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện, xã đủ khả năng giám sát, phát hiện và kiểm soát các dịch, bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình ngày càng thuận lợi và có chất lượng. Giảm nhanh và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; cải thiện nhận thức và hành vi cộng đồng về bảo vệ sức khoẻ; xây dựng kế hoạch dự phòng, kiểm soát một số bệnh không lây có xu hướng gia tăng như tai nạn thương tích, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tâm thần. Tập trung vào các nội dung sau:

2.1. Các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh:

- Từng bước phát triển hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh đủ khả năng kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế lao động và vệ sinh môi trường, sức khỏe trường học và dinh dưỡng.

- Hoàn thành việc xây dựng và cung cấp trang thiết bị labô xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 1 trước năm 2012, đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2 trước năm 2020, từng bước đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng và trang bị để Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn quốc gia.

- Thành lập Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

- Củng cố và nâng cao năng lực các trung tâm chuyên khoa hiện có.

- Đầu tư chuẩn hóa Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ nhằm nâng cao năng lực công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; thực hiện đa dạng hóa các loại hình truyền thông; từng bước thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này.

- Nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm nghiệm để có thể kiểm nghiệm đa số thuốc lưu thông trên thị trường và đến năm 2011 đạt nguyên tắc: Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP). Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đầu tư đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm nghiệm.

2.2. Các bộ phận thuộc hệ dự phòng tại Trung tâm Y tế huyện, thành phố:

- Duy trì, củng cố, phát triển các bộ phận thuộc hệ dự phòng tại Trung tâm Y tế huyện, thành phố:

- Đầu tư đủ trang thiết bị thiết yếu cho bộ phận y tế dự phòng tuyến huyện để thực hiện tốt các chức năng: vệ sinh phòng bệnh, giám sát, phát hiện sớm và phòng chống hiệu quả các loại dịch/bệnh, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, truyền thông - giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kiểm soát mức sinh hợp lý, quản lý các bệnh xã hội và tham gia xây dựng làng văn hóa sức khỏe trên địa bàn.

3. Quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh:

Hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh - phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật, đạt các tiêu chí xếp hạng do Bộ Y tế quy định. Phát triển nguồn nhân lực cân đối và hợp lý, bảo đảm đạt các chỉ tiêu cơ bản. Tập trung vào các nội dung sau:

3.1. Tiếp tục phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh và 2 Bệnh viện đa khoa khu vực theo hướng nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng quy mô giường bệnh phục vụ mục tiêu phát triển một số mũi nhọn kỹ thuật y tế, tập trung đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh đến 2015 ngang tầm với khu vực miền Trung.

3.2. Tăng cường cán bộ chuyên môn sâu và trang thiết bị phù hợp để Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đạt hạng II vào 2015.

3.3. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh: Nhi, Tâm thần, Lao và bệnh phổi; các cơ sở khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế các huyện mới thành lập: Phú Ninh, Nam Trà My, Tây Giang, Nông Sơn. Hoàn thiện cải tạo, nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế, Phòng khám đa khoa khu vực đang xuống cấp, đảm bảo đến năm 2015, tất cả Trung tâm Y tế huyện, thành phố đều đạt hạng III với quy mô ít nhất 50 giường bệnh.

3.4. Xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải lỏng tại tất cả các bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Hoàn thành đề án xử lý rác thải y tế đã được phê duyệt.

3.5. Nâng cấp khoa Ung bướu của Bệnh viện đa khoa tỉnh; nâng cấp Trung tâm Da liễu thành Bệnh viện Da liễu, thành lập Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phụ sản từ nguồn đầu tư của ngân sách, hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ và nguồn xã hội hoá...

3.6. Xây dựng trụ sở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Pháp y, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh.

3.7. Tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh viện tư nhân phát triển: Bệnh viện Hoàng Quốc, Bệnh viện Phụ sản...

3.8. Đảm bảo chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân đạt 22,5 giường vào năm 2015 và 25 giường vào năm 2020 (kể cả giường bệnh ngoài công lập).

3.9. Đảm bảo các trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh:

- Tiếp tục đầu tư trang thiết bị theo danh mục quy định của Bộ Y tế cho từng tuyến, đạt 80% vào năm 2010 và 100% vào năm 2015 cho tất cả bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, thành phố.

- Đến năm 2015, có 80% Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh có máy siêu âm, máy đo điện tim, bộ dụng cụ khám mắt và các thiết bị thông thường. Đến năm 2020, tất cả các Trạm Y tế có đầy đủ các thiết bị y tế theo danh mục quy định của Bộ Y tế.

4. Quy hoạch phát triển mạng lưới sản xuất, cung ứng và phân phối thuốc:

Xây dựng khoa Dược tại các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và hoàn thiện mạng lưới cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh. Tập trung vào các nội dung sau:

4.1. Quy hoạch phát triển Khoa Dược tại các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, thành phố:

- Kho của các Khoa Dược phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP).

- Đến cuối năm 2009, tất cả nhà thuốc, quầy thuốc trong khuôn viên bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, thành phố phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP).

- Đẩy mạnh công tác thông tin thuốc, kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, đẩy lùi tình trạng lạm dụng thuốc và sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh, vitamin, thuốc ngoại nhập, thuốc đắt tiền.

4.2. Quy hoạch phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc:

- Từ năm 2010 - 2015, lập đề án xây dựng cơ sở sản xuất thuốc và đến năm 2020, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, chế biến dược liệu tại địa phương.

- Đến năm 2015, có cơ sở thu mua, chế biến dược liệu như: Đẳng sâm (Tây Giang), Thảo Quả (Tiên Phước), Sâm Ngọc Linh (Nam Trà My)…

- Thực hiện theo lộ trình: đến đầu năm 2011, các cơ sở tham gia mạng lưới phân phối thuốc, các cơ sở kinh doanh thuốc phải đảm bảo yêu cầu: Thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) và Thực hành tốt nhà thuốc (GPP). Đối với các quầy thuốc, đại lý thuốc phải đạt yêu cầu trên vào đầu năm 2013.

- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý thông qua hệ thống thông tin đại chúng.

- Nâng cao vai trò và tránh nhiệm tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn cho nhân dân của cán bộ dược trong hệ thống bán lẻ thuốc.

5. Quy hoạch phát triển mạng lưới dân số - kế hoạch hóa gia đình:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình từ tỉnh đến các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

- Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh, phấn đấu mức giảm tỷ suất sinh thô hằng năm 0,4%o (giai đoạn 2009-2010) và 0,3%o (giai đoạn 2011-2015); tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn tỉnh vào năm 2012, đối với vùng sâu, vùng xa, ven biển, núi cao và vùng nghèo vào năm 2015.

- Xây dựng và trình HĐND tỉnh thông qua Đề án quy định về chế độ, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và chế độ khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

6. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế xã, thôn bản:

- Trạm Y tế đảm bảo đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường, sơ cấp cứu ban đầu; tổ chức thực hiện và quản lý tốt các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm.

- Nâng cấp và mở rộng Trạm Y tế xã về cơ sở vật chất (chi tiết tại Phụ lục 3 kèm theo), trang thiết bị và cán bộ. Ít nhất 05 cán bộ y tế/trạm, trung bình mỗi cán bộ y tế xã phục vụ từ 1.000 - 1.200 dân tùy theo địa bàn và điều kiện giao thông. Riêng thành phố Tam Kỳ và Hội An, mỗi cán bộ y tế xã, phường phục vụ từ 1.400 - 1.600 dân.

- Các Trạm Y tế ở các xã có từ 5.000 dân trở lên có thể thực hiện khám chữa bệnh một số bệnh chuyên khoa như: mắt, răng, tai mũi họng…

- Mỗi thôn bản trung bình có 1 - 2 Nhân viên y tế được đào tạo từ sơ học trở lên; phát triển đội ngũ tình nguyện viên tại các thôn, khối phố ở các huyện đồng bằng, thành phố.

- Các doanh nghiệp, xí nghiệp, nông trường có số lượng dưới 200 người cần có 1 cán bộ y tế, 200 - 500 người phải có từ 1 - 3 cán bộ y tế phục vụ, từ 500 người trở lên thì thành lập Trạm Y tế.

- Các trường phổ thông có 1 - 2 cán bộ y tế; Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp có Trạm Y tế với 2 - 3 cán bộ y tế phục vụ.

- Các chỉ tiêu đến năm 2015:

+ 100% Trạm Y tế được xây dựng kiên cố.

+ 80% Trạm Y tế có Bác sỹ làm việc (các huyện miền núi: 60%).

+ 100% Trạm Y tế có Nữ hộ sinh hoặc Y sỹ sản nhi.

+ 100% Trạm Y tế có cán bộ trình độ Dược tá và cán bộ được đào tạo hoặc bổ túc về y học cổ truyền.

- Các chỉ tiêu đến năm 2020:

+ 100% Trạm Y tế có Bác sỹ làm việc.

+ Chuẩn hóa cán bộ y tế xã đạt trình độ từ trung học trở lên, đủ khả năng giải quyết một số bệnh chuyên khoa thông thường với kỹ thuật cơ bản, thường qui như: mắt; tai, mũi, họng; răng; sức khỏe sinh sản và trẻ em.

+ Đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

X. Nhu cầu kinh phí, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2009 - 2015.

Tổng nhu cầu kinh phí đầu tư: 1.917,032 tỷ đồng, phân theo lĩnh vực và nguồn vốn đầu tư như sau:

1. Lĩnh vực đầu tư:

1.1. Xây dựng cơ bản (chi tiết tại Phụ lục 3 và Phụ lục 6 kèm theo):

Nội dung

Số lượng

Thành tiền (triệu đồng)

Bệnh viện, Trung tâm tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố

30

278.200

Trạm Y tế

137

134.500

Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Hoàng Quốc (ngoài công lập)

02

1.160.000

Cộng

 

1.572.700

1.2. Trang thiết bị y tế (chi tiết tại Phụ lục số 7 kèm theo):

Nội dung

Số lượng

Thành tiền (triệu đồng)

Bệnh viện, Trung tâm tuyến tỉnh

15

174.839

Trung tâm Y tế huyện, thành phố (tính cả các Trạm Y tế trực thuộc)

15

139.973

Cộng

 

314.812

1.3. Đào tạo (chi tiết tại Phụ lục số 8 kèm theo):

Loại hình đào tạo

Số lượng

Kinh phí (triệu đồng)

Bác sỹ

527

14.124

Dược sỹ đại học

244

6.539

Điều dưỡng

1.817

Kinh phí thường xuyên của Trường Cao đẳng Y tế

Cán bộ y học cổ truyền (TYT)

150

450

Cán bộ dược (TYT)

195

878

Nhân viên y tế thôn bản

1.673

7.529

Cộng

 

29.520

2. Nguồn vốn đầu tư:

2.1. Ngân sách nhà nước, bao gồm:

- Nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung và nguồn kinh phí sự nghiệp bố trí trong dự toán kế hoạch hàng năm theo khả năng cân đối của ngân sách.

- Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008 - 2010 theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nguồn vốn đầu tư giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

- Nguồn vốn chương trình mục tiêu

2.2. Nguồn vốn viện trợ của các nước, các tổ chức phi Chính phủ (ODA, ADB, NGO…

2.3. Nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Phân kỳ đầu tư:

3.1. Giai đoạn 2009 - 2010: 335,144 tỷ đồng, bao gồm:

* Lĩnh vực đầu tư:

- Xây dựng cơ bản: 303,7 tỷ đồng

Nội dung

Số lượng

Thành tiền (triệu đồng)

Bệnh viện, Trung tâm tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố

28

98.700

Trạm y tế

30

45.000

Bệnh viện Phụ sản (ngoài công lập)

01

160.000

Cộng

 

303.700

- Trang thiết bị y tế: 18,728 tỷ đồng

Nội dung

Số lượng

Thành tiền (triệu đồng)

Bệnh viện, Trung tâm tuyến tỉnh

07

3.805

Trung tâm Y tế huyện, thành phố (tính cả các Trạm Y tế trực thuộc)

09

14.923

Cộng

 

18.728

- Đào tạo: 12,716 tỷ đồng

Loại hình đào tạo

Số lượng

Kinh phí (triệu đồng)

Bác sĩ

104

2.787

Dược sĩ

40

1.072

Điều dưỡng

1.217

Kinh phí thường xuyên của Trường Cao đẳng y tế

Cán bộ y học cổ truyền (TYT)

150

450

Cán bộ dược (TYT)

195

878

Nhân viên y tế thôn bản

1.673

7.529

Cộng

 

12.716

* Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách Nhà nước: 128,144 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách tỉnh: 12,144 tỷ đồng

+ Trái phiếu Chính phủ: 86 tỷ đồng

+ Nguồn xây dựng trạm y tế xã:             18 tỷ đồng (theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

+ Nguồn vốn hỗ trợ các huyện nghèo: 12 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ).

- Nguồn viện trợ (ODA, ADB, NGO…): 47 tỷ đồng

- Nguồn xã hội hóa (Bệnh viện Phụ sản): 160 tỷ đồng

3.2. Giai đoạn 2011 - 2015: 1.581,888 tỷ đồng

* Lĩnh vực đầu tư:

- Xây dựng cơ bản: 1.269 tỷ đồng

Nội dung

Số lượng

Thành tiền (triệu đồng)

Bệnh viện, Trung tâm tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố

28

179.500

Trạm Y tế

107

89.500

Bệnh viện Hoàng Quốc

01

1.000.000

Cộng

 

1.269.000

- Trang thiết bị y tế: 296,084 tỷ đồng

Nội dung

Số lượng

Thành tiền (triệu đồng)

Bệnh viện, Trung tâm tuyến tỉnh

14

171.034

Trung tâm Y tế huyện, thành phố (tính cả các Trạm Y tế trực thuộc)

15

125.050

Cộng

 

296.084

- Đào tạo: 16,804 tỷ đồng

Loại hình đào tạo

Số lượng

Kinh phí (triệu đồng)

Bác sĩ

423

11.337

Dược sĩ

204

5.467

Điều dưỡng

600

Kinh phí thường xuyên của Trường Cao đẳng y tế

Cộng

 

16.804

* Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách Nhà nước: 477,712 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách tỉnh: 400,512 tỷ đồng

+ Nguồn xây dựng trạm y tế xã:             38,5 tỷ đồng (theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

+ Nguồn vốn hỗ trợ các huyện nghèo: 38,7 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ).

- Nguồn viện trợ (ODA, ADB, NGO…): 104,202 tỷ đồng

- Nguồn xã hội hóa (Bệnh viện Hoàng Quốc): 1.000 tỷ đồng

XI. Giải pháp thực hiện quy hoạch.

1. Giải pháp về tài chính.

- Tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước để nâng cấp các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố; bảo đảm kinh phí khám chữa bệnh cho người có công cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội khác.

- Nghiên cứu sửa đổi định mức chi thường xuyên trong lĩnh vực y tế theo hướng ưu tiên cho các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

- Tiếp nhận và đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư Trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008 – 2010, vốn hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo.

- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế.

- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực y tế.

- Thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với các cơ sở y tế công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ sở.

- Quản lý và sử dụng các nguồn tài chính đầu tư cho y tế đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

2. Giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Phụ lục 8a).

- Tăng cường đào tạo theo chế độ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, chú trọng tuyển sinh người dân tộc thiểu số, đào tạo chuyên tu (bác sĩ, dược sĩ).

- Có chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo, phân công cán bộ y tế sau khi tốt nghiệp; có cơ chế thu hút, sử dụng cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập và chính sách tăng cường cán bộ y tế cho cơ sở, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

- Chú trọng đào tạo toàn diện cho cán bộ đầu ngành, tăng cường đào tạo về quản lý cho cán bộ lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Nâng cao năng lực đào tạo của Trường Cao đẳng Y tế tỉnh.

- Bổ sung biên chế hàng năm cho ngành y tế để đến năm 2020 đạt mức quy định tại Thông tư Liên tịch số 08/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.

3. Giải pháp về cung ứng thuốc, thiết bị y tế.

- Tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bán thuốc theo đơn tại các cơ sở kinh doanh thuốc.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hướng dẫn nhân dân hiểu biết đúng đắn và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý thông qua hệ thống truyền thông đại chúng.

- Nâng cao vai trò và tránh nhiệm tư vấn cho nhân dân về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn của Dược sỹ trong hệ thống bán lẻ thuốc.

- Quy hoạch phát triển vùng dược liệu và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc tại địa phương.

- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư trang thiết bị từng bước hiện đại, phù hợp với từng tuyến chuyên môn.

4. Giải pháp về đất đai và môi trường đầu tư.

- UBND huyện, thành phố ưu tiên bố trí quỹ đất cho xây dựng và phát triển các cơ sở y tế, kể cả công lập và ngoài công lập. Diện tích đất để xây dựng các cơ sở y tế phải đảm bảo định mức sau:

+ Bệnh viện tuyến tỉnh: 60 - 100m2/giường bệnh.

+ Trung tâm Y tế huyện, thành phố: 100 - 120m2/giường bệnh.

+ Phòng khám đa khoa khu vực liên xã: 3.000m2 - 5.000m2/Phòng khám.

+ Trạm Y tế: trên 500m2 đối với khu vực nông thôn, trên 200m2 đối với khu vực thành thị.

- Có cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế ngoài công lập.

5. Hợp tác quốc tế và xã hội hóa.

- Tăng cường xây dựng và giới thiệu các đề án, dự án cơ hội theo định hướng quy hoạch phát triển ngành với các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ trong nước và nước ngoài để kêu gọi viện trợ, hợp tác đầu tư.

- Tiếp tục triển khai đạt tiến độ và có chất lượng đối với các dự án đang được thưc hiện từ các nguồn vốn vay ODA, ADB, các nguồn tài trợ của tổ chức FHF, LIFE-GAP, Quỹ toàn cầu phòng chống Lao, Sốt rét, các dự án hợp tác, viện trợ quốc tế của Bộ Y tế triển khai trên địa bàn tỉnh.

- Tích cực tranh thủ các nguồn viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi Chính phủ như: Tầm nhìn thế giới, Đông Tây hội ngộ, Atlantic Philansophia, Malteser... hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chương trình y tế cộng đồng, ứng dụng kỹ thuật y học tiên tiến, sản xuất thuốc (Tân dược và thuốc Đông y)...

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề. y tế, văn hoá, thể thao và môi trường.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực y tế.

- Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện pháp lý theo quy định được phép tổ chức cung cấp các dịch vụ y tế, không phân biệt y tế công lập hay ngoài công lập; các cơ sở y tế cạnh tranh lành mạnh, hợp tác và cùng phát triển ổn định, lâu dài; đảm bảo lợi ích của từng cá nhân, tập thể và của toàn xã hội theo quy định của pháp luật.

6. Nâng cao năng lực quản lý.

- Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước và quản lý hoạt động chuyên môn của đơn vị.

- Tăng cường đào tạo kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ đảm nhận công tác quản lý, cán bộ trong diện quy hoạch, kế cận và từng bước mở rộng cho các đối tượng khác.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo tinh thần Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

- Tăng cường công tác rèn luyện y đức, giao tiếp ứng xử trong đội ngũ cán bộ y tế để xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính.

- Phân cấp quản lý cho các tuyến y tế theo quy định để các đơn vị phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

- Kiện toàn hệ thống thanh tra y tế đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; nâng cao hiệu lực hoạt động công tác thanh tra.

- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, đặc biệt là xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có hiệu quả.

- Kết hợp chặt chẽ giữa quân y và dân y trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

XII. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch. Chú trọng công tác đào tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đúng lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu theo từng giai đoạn đã đề ra.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối, bố trí kế hoạch vốn hàng năm từ nguồn kinh phí của tỉnh, hỗ trợ của Trung ương, huy động các nguồn tài trợ và bố trí vốn đối ứng cho các dự án viện trợ về y tế, giám sát thực hiện quy hoạch đúng tiến độ.

3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc bố trí nguồn vốn và đảm bảo nguồn ngân sách hàng năm theo kế hoạch.

4. Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp Sở Y tế tham mưu HĐND, UBND tỉnh có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực và bố trí biên chế cho ngành y tế.

5. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho phát triển hệ thống y tế; chỉ đạo, phân công các ban ngành, đoàn thể tùy theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với ngành y tế trong việc thực hiện quy hoạch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Y tế;
- TT TU;
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu VT, VX
E:\Vien\Quyet dinh\Nam 2009\QD-PDQHYT 12-7-29.V.doc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Cả

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2419/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

  • Số hiệu: 2419/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Trần Minh Cả
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản