Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 24/2005/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BỘ THUỶ SẢN VỚI HỘI, HIỆP HỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Bộ Thuỷ sản với Hội nghề cá Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Tạ Quang Ngọc

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA BỘ THỦY SẢN VỚI HỘI NGHỀ CÁ VIỆT NAM, HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 24/2005/-BTS ngày 05/08/2005
của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bộ Thuỷ sản thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Bộ đối với Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam theo quy định tại khoản 7, Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; khoản 9, Điều 51 Luật Thuỷ sản năm 2003; Mục a, b khoản 1 Điều 11 Nghị định 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; khoản 18, Điều 2 Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản; khoản 1 Điều 4 và Điều 33 Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 2. Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của ngành Thuỷ sản được thành lập theo Quyết định số 33/2000/QĐ-BTCCBCP ngày 05/05/2000 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Quyết định số 27/2001/QĐ-BTCCBCP ngày 22/5/2000 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về việc phê duyệt bản Điều lệ của Hội Nghề cá Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội).

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của ngành Thuỷ sản được thành lập theo Quyết định số 242/QĐ-BTS ngày 08/6/1998 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản và Quyết định số 56/2000/QĐ-BTCCBCP ngày 06/9/2000 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về việc phê duyệt Điều lệ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội).

Hội, Hiệp hội được tổ chức và hoạt động theo pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 88/2003/ND-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội; Điều lệ của Hội, Hiệp hội.

Điều 3. Mục đích và phạm vi điều chỉnh của Quy chế

1. Mục đích

1.1. Giúp Bộ Thuỷ sản thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thuỷ sản đối với hoạt động của Hội, Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

1.2. Giúp Hội, Hiệp hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội, Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

2. Phạm vi điều chỉnh

Xây dựng mối quan hệ làm việc có hiệu quả giữa Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản (sau đây gọi tắt là Bộ Thuỷ sản) với Ban chấp hành/Ban Thường vụ Trung ương Hội và Ban chấp hành Hiệp hội trong việc xác định nội dung phối hợp, cơ chế và kế hoạch làm việc nhằm góp phần quản lý, phát triển sản xuất kinh doanh thuỷ sản theo hướng bền vững, hiệu quả.

Chương II

NỘI DUNG, CƠ CHẾ LÀM VIỆC

Điều 4. Nội dung công việc

1. Đối với Bộ Thuỷ sản

1.1. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho Hội, Hiệp hội tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về thuỷ sản theo quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thuỷ sản, xây dựng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng nông, ngư dân; tham gia các chương trình kinh tế - xã hội, dự án trong hoặc ngoài nước do Bộ quản lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội, Hiệp hội.

1.2. Tổ chức lấy ý kiến của Hội, Hiệp hội để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về thuỷ sản.

1.3. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về thuỷ sản đối với Hội, Hiệp hội; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm của Hội, Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

2. Đối với Hội, Hiệp hội

2.1. Thực hiện việc thông tin tuyên truyền giáo dục hội viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thuỷ sản, các chương trình kinh tế của ngành thuỷ sản thông qua các hoạt động, sinh hoạt của tổ chức Hội, Hiệp hội.

2.2. Tham gia với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển thuỷ sản, các chương trình kinh tế - xã hội của ngành thuỷ sản.

2.3. Được Bộ Thuỷ sản tạo điều kiện :

- Triển khai kế hoạch hoạt động của Hội, Hiệp hội trong việc đào tạo tập huấn, xúc tiến thương mại, hội thảo, tham quan trong và ngoài nước cho các hội viên, cho những người trực tiếp sản xuất kinh doanh thuỷ sản và cán bộ của Hội, Hiệp hội;

- Phối hợp hoạt động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản, xây dựng các mô hình hộ xoá đói giảm nghèo, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, làng cá văn hoá kiểu mẫu, xây dựng các đơn vị và cá nhân điển hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ an ninh quốc phòng miền biển, nếp sống văn hoá xã hội lành mạnh, văn minh.

Điều 5. Cơ chế làm việc

1. Căn cứ vào nhiệm vụ kinh tế - xã hội của ngành, Hội, Hiệp hội xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc hằng năm của mình. Từ đó đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản về các nội dung công việc cần phối hợp với Bộ Thuỷ sản.

2. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch nội dung công tác hằng năm của Bộ Thuỷ sản và đề xuất của Hội, Hiệp hội : Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và tổ chức của Hội, Hiệp hội xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản phê duyệt chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động hằng năm giữa Bộ với Hội, Hiệp hội để tổ chức thực hiện.

3. Hàng năm, Hội, Hiệp hội báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của mình cho Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản làm việc với Ban chấp hành hoặc Ban Thường vụ Hội, Hiệp hội mỗi năm 01 lần vào thời gian thích hợp.

Điều 6. Trách nhiệm của Bộ Thuỷ sản

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Bộ, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc Bộ thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động hằng năm giữa Bộ Thuỷ sản và Hội, Hiệp hội về những phần việc có liên quan tới đơn vị và định kỳ kiểm tra việc thực hiện.

2. Chỉ đạo Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản thực hiện các chương trình kế hoạch phối hợp hoạt động hằng năm giữa Bộ Thuỷ sản Hội, Hiệp hội về những phần việc có liên quan tới địa phương và định kỳ kiểm tra việc thực hiện.

3. Vụ Tổ chức cán bộ là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thực hiện quản lý nhà nước về thuỷ sản đối với Hội, Hiệp hội.

Điều 7. Trách nhiệm của Hội, Hiệp hội

1. Nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức của Hội, Hiệp hội nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình kế hoạch của Hội, Hiệp hội và chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động hằng năm giữa Bộ Thuỷ sản với Hội, Hiệp hội.

2. Chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc Hội, Hiệp hội thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản trong triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động hằng năm giữa Bộ với Hội, Hiệp hội.

Điều 8. Tổng kết đánh giá kết quả làm việc

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị thuộc bộ cùng Hội, Hiệp hội tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động vào thời gian cuối năm và thống nhất chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động cho năm sau giữa Bộ với Hội, Hiệp hội.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9.

1. Quy chế này được thực hiện thống nhất trong tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc ngành thuỷ sản và các tổ chứuc của Hội, Hiệp hội.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những vấn đề vướng mắc, các cá nhân, đơn vị kịp thời báo cáo Bộ trưởng và Ban chấp hành Hội, Hiệp hội để nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Tạ Quang Ngọc