Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 234/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 29 tháng 01 năm 2007 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP, ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP, ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 984/QĐ-UBND, ngày 11 tháng 5 năm 2006 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển các khu, cụm, tuyến công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Vĩnh Long tại Tờ trình số 08/TTr-SCN, ngày 09 tháng 01 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010 (kèm theo Đề án Chương trình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010).
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và huyện, thị xã, cùng các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Chương trình này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KHU, CỤM, TUYẾN CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 234/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHU, CỤM, TUYẾN CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN (2001 - 2005):
1. Tổng quan về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005:
Công nghiệp Vĩnh Long nếu xét trình độ sản xuất được chia làm 2 ngành: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm 65% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh, xét về cơ cấu kinh tế chưa phải là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng rất đa dạng bao gồm nhiều ngành như: Cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, gia công kim loại, hóa chất, vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, dệt, da, may... được hình thành và phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu và lao động địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh như ngành chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm mỹ nghệ, hoá chất và dược liệu, thuốc lá, may mặc, giày da… Trong thời gian qua 5 năm (2001 - 2005), giá trị sản xuất của ngành có tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 17,23%/năm, giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994) năm 2005 là 2.021,555 tỷ đồng so năm 2000 tăng hơn 2 lần, thu hút giải quyết việc làm cho 52.451 lao động; so năm 2001 tăng 11.861 lao động. Qua kết quả trên, ngành công nghiệp đã góp phần cho cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Long ở năm 2005 là khu vực I chiếm 53,38%; khu vực II chiếm 15,49% và khu vực III chiếm 31,13%. Trong đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 11,8% trong GDP toàn tỉnh, so với năm 2001 cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp dịch vụ, giảm nông nghiệp nhưng sự chuyển dịch còn chậm.
2. Tình hình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề:
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 163/QĐ-TTg, ngày 09/8/1999 về việc thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long. Sau khi thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp đã xúc tiến triển khai qui hoạch khu công nghiệp Mỹ Thuận với diện tích 73 ha thuộc ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi, thị xã Vĩnh Long và giao cho Công ty Xây dựng Kinh doanh và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Đến tháng 8/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 670/QĐ-TTg, ngày 08/8/2002 tạm ngưng triển khai dự án đầu tư khu công nghiệp Mỹ Thuận và chuyển sang khu công nghiệp Hoà Phú.
Từ đó cho đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện qui hoạch chi tiết và tiến hành triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng 2 khu công nghiệp (Hoà Phú và Bình Minh) và tuyến công nghiệp Cổ Chiên.
a) Khu công nghiệp Hoà Phú:
Tính đến thời điểm hiện nay, khu công nghiệp đã thực hiện xong giai đoạn 1 với diện tích là 121 ha, trong đó đất công nghiệp là 92,41 ha, đang xúc tiến triển khai giai đoạn 2 là 109 ha.
Về thu hút đầu tư hiện có 13 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đăng ký và xây dựng nhà máy sản xuất trong đó đã có 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tổng số diện tích đã đăng ký 79 ha, còn lại 13 ha đạt 85,86% diện tích đất công nghiệp. 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động là Công ty Liên doanh Tỷ Xuân, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thức ăn gia súc Đỗ Lộc, Công ty trách nhiệm hữu hạn trách nhiệm hữu hạn trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng Tân Hải Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn Biofeed, Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ Nam Mỹ Thuận. Các doanh nghiệp đang xây dựng cơ bản là công ty trách nhiệm hữu hạn Acecook Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Á Châu. Các công ty còn lại đang lập thủ tục đầu tư, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp là 269 tỷ đồng và 25 triệu USD; tổng số vốn đầu tư hạ tầng cơ sở khu công nghiệp là 231 tỷ.
b) Khu công nghiệp Bình Minh:
Diện tích là 162 ha, trong đó dành 32 ha khu dịch vụ, nhà ở chuyên gia, tổng số vốn đầu tư hạ tầng là 400 tỷ. Chủ đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần địa ốc Hoàng Quân Mêkông, hiện đang triển khai hạ tầng khu dịch vụ, nhà ở chuyên gia đã bồi hoàn cho các hộ dân, tiến hành bàn giao cắm mốc và trình qui hoạch chi tiết cho các Bộ, ngành Trung ương để Thủ tướng phê duyệt, chủ đầu tư đã có một số công tác xúc tiến đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp Bình Minh.
c) Tuyến công nghiệp Cổ Chiên:
Tổng số diện tích là 256 ha chạy dài dọc theo sông Cổ Chiên nằm trên địa bàn thị xã Vĩnh Long, huyện Long Hồ, huyện Mang Thít. Tuyến này chia làm 8 khu, hiện đang triển khai thu hồi đất, bồi hoàn di dời các cơ sở sản xuất, hộ dân, san lấp mặt bằng, tổng diện tích 2 khu (khu 4 và khu 5) là 45 ha trong đó khu 4 là 30 ha, khu 5 là 15 ha. Hiện đã bố trí các cơ sở sản xuất gốm ở khu 5 là 26 cơ sở sản xuất, các cơ sở đã triển khai xây dựng nhà xưởng, lò đốt với 21 cơ sở, khu 4 đã có 5 công ty đăng ký là (Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vietfeed, Công ty trách nhiệm hữu hạn AnCo, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sáng Lập, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc Thảo) với diện tích là 20 ha; những ngành nghề đầu tư ở khu 4 là sản xuất bêtông nóng, chế biến thủy sản, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản. Các tiểu khu còn lại đều có các doanh nghiệp hoạt động sản xuất với nhiều ngành nghề: Gốm, gạch, đóng tàu, xà lan, chế biến thủy sản, kinh doanh, vật liệu xây dựng, kho xăng dầu,…
3. Về phát triển làng nghề:
Hiện nay chưa có tiêu chí về làng nghề tiểu thủ công nghiệp Việt Nam, nếu lấy tiêu chí trước đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời là làng nghề có 50% số hộ hoặc số lao động tham gia hoạt động nghề, thu nhập tối thiểu chiếm 50% tổng thu nhập của làng. Căn cứ vào tiêu chí trên ở Vĩnh Long có 11 làng nghề trong khu vực nông thôn, trong đó có 8 làng nghề sản xuất gạch ngói, một làng nghề chầm nón lá, một làng nghề chầm lá lợp nhà, một làng nghề đan đát, thúng, rỗ, cần xé từ tre. Địa bàn chủ yếu làng nghề chủ yếu ở huyện Mang Thít và Long Hồ.
Trong 11 làng nghề trên, số làng nghề gạch ngói hiện phải chịu nhiều sức ép của các sản phẩm cùng loại có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Vì vậy nếu các làng nghề không thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, không có giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, xúc tiến thương mại, hợp tác sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn cho phát triển tới. Trong năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh tiêu chí làng nghề từ 50% xuống 30%, căn cứ tiêu chí phát triển làng nghề mới theo Chương trình Mỗi làng một nghề, Vĩnh Long xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề báo cáo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin hỗ trợ, thống kê có 67 làng nghề có nghề tiểu thủ công nghiệp chưa đạt tiêu chí và dự kiến phát triển thêm 63 làng nghề mới.
4. Đánh giá chung về tình hình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề trong thời gian qua:
Khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề trong thời gian qua chủ yếu là tập trung phát triển khu công nghiệp Hoà Phú đã thu hút được 13 nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy. Khu công nghiệp Bình Minh đang xúc tiến triển khai xây dựng hạ tầng và thực hiện công tác xúc tiến đầu tư để khi cầu Cần Thơ đưa vào hoạt động thì khu công nghiệp cũng bắt đầu phát huy tác dụng, tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã được quy hoạch chi tiết làm 8 cụm trong đó chủ yếu đầu tư vào khu 4 và 5 để phát triển ngành nghề chế biến, có 5 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, còn lại các khu khác nhà đầu tư tự thoả thuận mua đất đối với dân để xây dựng nhà máy sản xuất như ngành gốm, đóng tàu xà lan, chế biến thuỷ sản, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng...
Đối với các cụm công nghịêp ở huyện, thị xã mặc dù có dự kiến phát triển nhiều cụm công nghiệp vừa và nhỏ nhưng triển khai quy hoạch chi tiết chỉ có huyện Vũng Liêm, cụm công nghiệp Trung Thành Đông với quy mô 52 ha (hiện đang tạm dừng để tìm cụm công nghiệp khác, quy hoạch chi tiết và phát triển ngành nghề thuận lợi hơn); huyện Tam Bình đang xúc tiến quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp dọc Quốc lộ 1A với diện tích 128 ha với 6 cụm nhằm phát huy được lợi thế về giao thông và phát triển những ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đối với làng nghề trong thời gian qua có thể nói là phát triển chậm, số lượng ngành nghề không nhiều, qui mô sản xuất làng nghề không lớn ngoại trừ nghề gạch, gốm, trình độ tay nghề chưa cao. Những năm gần do tác động của nền kinh tế thị trường, do không chịu áp lực cạnh tranh một số nghề truyền thống như nghề làm đường ở Tam Bình, làm nhang, sản xuất tàu hủ ki… bị mất đi hoặc thu hẹp sản xuất. Và có dấu hiệu xuất hiện nghề mới như nghề gốm, tiểu thủ công nghiệp từ cây lác, lục bình, chuối.
Từ kết quả đạt được và tồn tại trong việc triển khai thực hiện phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề trong thời gian qua có thể đánh giá là do các nguyên nhân:
Nguyên nhân đạt được:
- Việc triển khai các khu công nghiệp và tuyến công nghiệp gần trục giao thông đường bộ và đường thuỷ cùng với hạ tầng điện, nước khá hoàn chỉnh nên dễ dàng thu hút các nhà đầu tư.
- Việc xây dựng có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn về kinh phí, bồi hoàn, tái định cư, giải toả.
- Kịp thời ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư với những ưu đãi về thuê đất, thủ tục hành chính, miễn giảm thuế và các chính sách hỗ trợ khác về xúc tiến thương mại.
- Thực hiện công tác bồi hoàn áp giá hợp lý tạo được sự đồng thuận của người dân nơi bị giải toả, để xây dựng khu công nghiệp.
- Cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm đến phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, vận động nhân dân phát triển nghề và tạo điều kiện, học tập, tham quan các tỉnh về mô hình phát triển nghề và làng nghề.
Nguyên nhân yếu kém:
Việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp và làng nghề vẫn có những tồn tại:
- Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trũng cho nên suất đầu tư cao hơn so với khu vực miền Đông.
- Một số khu công nghiệp thuận lợi được đường bộ, không thuận lợi đường thuỷ hoặc ngược lại thuận lợi đường thuỷ khó khăn về đường bộ nên hạn chế về ngành nghề phát triển đối với nhà đầu tư.
- Vốn đầu tư lớn mà kinh phí hỗ trợ về ngân sách còn thấp, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có thời gian dài mới mang lại hiệu quả.
- Điều kiện đền bù giải toả thường kéo dài nên ảnh hưởng đến sự biến động giá đất, dẫn đến có một số hộ chưa chịu di dời hoặc không nhận tiền đền bù từ đó gây khó khăn về tiến độ thực hiện đầu tư.
- Đối với nghề và làng nghề đa phần sản xuất nhỏ, thiếu vốn đầu tư, sản xuất thủ công, khả năng cạnh tranh yếu, cơ chế chính sách cho phát triển nghề và làng nghề chưa triển khai đầy đủ, đồng bộ, nhận thức về phát triển nghề và làng nghề chưa nhất quán, nên việc triển khai chỉ đạo phát triển còn nhiều lúng túng.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC KHU, CỤM, TUYẾN CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
1. Thuận lợi, khó khăn:
Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề là một nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp tỉnh tăng trưởng nhanh. Trong thời gian tới, ở lĩnh vực này đứng trước những thuận lợi, khó khăn
a) Thuận lợi:
Xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá và hội nhập quốc tế đã tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút và nhận các chuyển giao khoa học công nghệ, thị trường mở rộng.
Sự chuyển dịch các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu nông sản, thủy sản của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.
Nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước được ban hành và thực hiện có kết quả, đang tiếp tục được hoàn thiện.
Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thuận lợi cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến.
Có vị trí địa lý thuận lợi nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, gần thành phố Cần Thơ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cơ sở hạ tầng được tăng cường với việc nâng cấp Quốc lộ 1A, cầu Mỹ Thuận, tới đây là cầu Cần Thơ, cảng Cần Thơ, dự án khí - điện - đạm Cà Mau.
Có lực lượng lao động dồi dào, trẻ, khỏe, cần cù, nhiệt tình trong lao động, chịu khó học tập nhanh chóng tiếp thu cái mới.
b) Khó khăn:
Hội nhập kinh tế đang tạo áp lực lớn về cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương.
Xuất phát điểm của ngành còn thấp, quy mô sản xuất chủ yếu vừa và nhỏ, trình độ công nghệ sản xuất còn yếu kém.
Cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh đồng bộ, chi phí đầu tư cao so với vùng Đông Nam Bộ.
Một số khu, tuyến công nghiệp đã đưa vào hoạt động, khai thác không thuận lợi và đồng bộ về đường thuỷ và đường bộ nên thiếu sự hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Lao động qua đào tạo chưa nhiều, nên chưa có đủ chất lượng lao động cần thiết để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nhất là những ngành nghề có đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao.
Sản xuất mang tính tự phát, năng lực cạnh tranh và nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp bị áp lực từ những sản phẩm thay thế và từ phía khách hàng trong quá trình phát triển kinh doanh của ngành nghề và làng nghề.
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển và mở rộng để phục vụ cho các nhà đầu tư.
2. Quan điểm phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề:
Định hướng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII nhiệm kỳ 2005 - 2010 là:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm: 14%
- Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân hàng năm: 26%
- Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2010 là khu vực I: 38%; khu vực II: 25%; khu vực III: 37%.
Từ định hướng, mục tiêu trên; việc phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề xuất phát dựa trên các quan điểm sau:
- Hình thành các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề sản xuất tập trung với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cùng với các chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả các nguồn lực của địa phương, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, về thị trường, nguyên liệu và tài nguyên khoáng sản cho chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản, thuỷ sản, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực và tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ và tổ chức quản lý sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh.
- Phát triển các cơ sở sản xuất hiện có, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, từng bước phát triển làng nghề truyền thống và làng nghề mới đạt tiêu chí, tiến tới hoàn thiện mỗi làng nghề một nghề sản xuất phi nông nghiệp, tạo lập sự hợp tác sản xuất nông thôn và thành thị, gắn sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội tỉnh; cơ cấu kinh tế nông thôn; đa dạng hoá ngành nghề và hướng về xuất khẩu góp phần thực hiện quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn theo hướng phát triển bền vững.
- Quy hoạch xây dựng các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề phải thuận lợi giao thông đường bộ và đường thuỷ và các hạ tầng bến bãi, cầu cống, điện, nước, vùng nguyên liệu và nguồn nhân lực nhằm tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư.
- Qui mô cụm, tuyến công nghiệp ở các huyện, thị từ 30ha đến 50ha.
- Phát triển khu công nghiệp, tuyến công nghiệp và làng nghề theo nguyên tắc phát triển bền vững trong đó coi trọng 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường.
3. Định hướng phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề:
a) Định hướng phát triển các khu công nghiệp tập trung:
Phát triển và hoàn chỉnh 2 khu công nghiệp Hoà Phú, Bình Minh và tuyến công nghiệp Cổ Chiên, đến năm 2010 sẽ lắp đầy để các doanh nghiệp đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả gắn với quá trình đô thị hoá thị xã Vĩnh Long lên thành phố; thị trấn Cái Vồn lên thị xã.
b) Định hướng và mục tiêu phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở huyện, thị xã:
Phát triển cụm công nghiệp vừa và nhỏ phải theo quy hoạch thống nhất, bố trí ở những địa điểm khu đất công hoặc đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, thực hiện phân khu chức năng ngành nghề hợp lý với các cụm công nghiệp trong huyện, thị xã và khu công nghiệp tỉnh phù hợp với lợi thế và khả năng từ cụm công nghiệp gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Cơ cấu ngành nghề trong cụm công nghiệp phải được xác định chuyên môn hoá và phát triển tổng hợp. Xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ cả về dịch vụ và xã hội, thuận tiện phục vụ hiệu quả cho nhà đầu tư, người lao động và khách hàng.
Theo định hướng qui hoạch đến năm 2010; các huyện, thị xã tuỳ theo nhu cầu phát triển của từng nơi mà phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ nhưng qui mô tối đa là 30 ha, trước mắt có thể xuất phát từ yêu cầu phát triển cho 5 năm tới, dự kiến phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở huyện và thị xã là 7 cụm, tuyến công nghiệp.
c) Định hướng phát triển làng nghề:
- Định hướng:
- Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống, gắn với các cụm, các khu dân cư có ngành nghề sản xuất tập trung, có quy mô sản xuất, có lực lượng lao động, có số lượng sản phẩm, giá trị sản phẩm đạt tiêu chí quy định làm cơ sở hình thành làng nghề để thu hút lao động, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo sản phẩm tiêu dùng và làm hàng hoá xuất khẩu góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Tập trung nâng cao năng lực mở rộng làng nghề hiện có, phát triển làng nghề mới, mỗi huyện xây dựng và tổ chức một số làng nghề trên cơ sở phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hiện có.
- Kết hợp chặt chẽ phát triển làng nghề với các giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hoá, giá trị tinh thần gắn với du lịch sinh thái để phục vụ trong và ngoài nước qua đó quảng bá thương hiệu làng nghề của từng địa phương.
- Phát triển làng nghề phải gắn với việc khai thác nguồn lao động tại chỗ, thế mạnh nguồn nguyên liệu: Lác, đậu các loại màu, lương thực, lúa gạo, nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất sét, cát…) với nhiều ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của làng nghề.
- Mục tiêu:
+ Phát triển làng đã có nghề nhưng chưa đạt tiêu chí là 25 làng nghề cụ thể phân bố các làng nghề như sau:
- Thị xã Vĩnh Long: 4 làng nghề với ngành nghề sản xuất chiếu, đan đát, thủ công mỹ nghệ, sấy nhãn, chế biến các sản phẩm từ gạo.
- Huyện Long Hồ: 3 làng nghề với các ngành nghề sản xuất gốm, dệt chiếu thảm, chầm nón, sấy nhãn, đan đát, thủ công mỹ nghệ.
- Huyện Vũng Liêm: 5 làng nghề với các ngành nghề sản xuất gốm, se lỏi, dệt chiếu, thủ công mỹ nghệ.
- Huyện Bình Minh: 4 làng nghề với các ngành nghề đan thảm lục bình, cốm dẹp, tàu hủ ky, sản xuất nhang.
- Huyện Trà Ôn: 2 làng nghề với ngành nghề sản xuất bánh tráng, thủ công mỹ nghệ..
- Huyện Tam Bình: 3 làng nghề với các ngành nghề đan thảm lục bình; kết cườm trang trí; làm bánh tráng giấy; bánh kẹo; may thêu thủ công.
- Huyện Mang Thít: 4 làng nghề với ngành nghề sản xuất gạch; gốm; đan đát; sấy nhãn.
+ Phát triển thêm làng nghề mới ở các huyện, thị tuỳ theo lợi thế ở từng nơi mà phát triển làng nghề mới dựa trên cơ sở có thể mở rộng các ngành nghề truyền thống hoặc du nhập ngành nghề mới mà điều kiện nguyên liệu, lao động tay nghề tại địa phương có khả năng phát triển như ngành nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ từ cây, hoa, lá, kim loại, đồ mộc, chạm trổ, chế biến các loại sản phẩm từ gạo, nếp, bột mì, súc sản, thủy sản, trái cây, du lịch sinh thái, trồng hoa, nuôi cá kiểng….
Mục tiêu phát triển làng nghề đã phải xuất phát từ lợi thế vị trí địa lý, lao động và khả năng tập trung nguồn lực để thực hiện, các huyện chọn một nghề có khả năng phát triển hoặc du nhập từ nơi khác để tiến hành xây dựng dự án đầu tư để triển khai thực hiện từ kết quả đạt được rút kinh nghiệm triển khai cho làng nghề khác. Cần quan tâm việc phát triển nghề ở các tuyến dân cư vượt lũ.
4. Các giải pháp phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề:
a) Quy hoạch phát triển các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề hợp lý:
- Có sự phối hợp giữa cơ quan tỉnh, huyện và thị xã có liên quan phối hợp trong triển khai quy hoạch cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề.
- Tiến hành điều tra ngành nghề để đánh giá tiềm năng, phát triển những nhân tố mới và tác động các yếu tố xã hội để quy hoạch phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề được cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội - an ninh, trật tự. Bố trí cơ cấu ngành nghề hướng về công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và tạo sự hợp tác với các doanh nghiệp ở các đô thị nhằm phát huy lợi thế của địa phương và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp của địa phương.
- Chú trọng việc quy hoạch hạ tầng tương ứng với quy mô phát triển, chú ý việc phát triển ngoài khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề .
- Nghiên cứu xây dựng tiêu chí làng nghề phù hợp điều kiện của tỉnh và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề.
- Tỉnh hỗ trợ cho các huyện, thị xã lập qui hoạch cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã.
b) Chính sách đất đai:
Đất đai là một trong nguồn lực để phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề. Chính sách đất đai cần hướng tới phục vụ cho phát triển công nghiệp, không để đất đai là nhân tố khó khăn cho đầu tư phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề .
Thực hiện chủ trương chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang sử dụng vào việc hình thành những khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề .
Triển khai nhanh chóng việc thỏa thuận địa điểm, đền bù, giải tỏa, cấp đất xây dựng khu tái định cư .
Cho các nhà đầu tư thuê đất với giá phù hợp, hoặc miễn giảm trong các thời kỳ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp huyện, thị. Đối với những ngành nghề thuộc diện khuyến khích theo quy định hiện hành của Nhà nước sẽ được xem xét ưu đãi về việc giảm, miễn tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành
c) Chính sách đầu tư:
Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề bằng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nước, cước phí vận chuyển, bưu điện.
Đa dạng hoá các hình thức đầu tư thông qua việc hợp tác đầu tư nhằm có đủ vốn để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề, lập quỹ khuyến công để hỗ trợ cho việc xây dựng các cụm công nghiệp và làng nghề.
Cụ thể hoá các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề về cơ sở hạ tầng theo Quyết định 132/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cho sản xuất thuận lợi.
d) Phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cho các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề:
Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản bảo đảm cho việc cung ứng lao động trẻ, khoẻ có nghề nghiệp chuyên môn và giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương là hết sức quan trọng, cần thực hiện đào tạo nghề cho thanh niên đến tuổi lao động, đảm bảo cho thanh niên được học nghề để đáp ứng yêu cầu các nhà tuyển dụng.
Mở rộng hình thức đào tạo kèm cặp tại chỗ và theo lớp học như đào tạo tại cơ sở sản xuất, các trung tâm bồi dưỡng đào tạo, gởi đi đào tạo ở các trường đào tạo từng công đoạn, mở các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật công nghệ và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra cần có mô hình đào tạo thích hợp: Mô hình kết hợp đào tạo nghề với văn hoá, mô hình đào tạo hướng nghiệp, mô hình đào tạo bồi dưỡng. Đẩy mạnh phát triển các trung tâm tư vấn tìm kiếm việc làm đồng thời mở rộng phạm vi hợp tác giữa các trung tâm này với các trung tâm huấn luyện kỹ năng, nghề nghiệp và với các cơ sở sản xuất trong khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề có nhu cầu sử dụng lao động để từng bước hình thành thị trường lao động.
đ) Chính sách vốn:
Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề đòi hỏi vốn lớn để đầu tư cho hạ tầng cơ sở, thời gian thu hồi chậm, vì vậy cần có sự hỗ trợ nguồn vốn Nhà nước ban đầu và có cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn khác thông qua sự hợp tác đầu tư hoặc từ nguồn vốn ODA, các hình thức lấy đất đổi hạ tầng, và tỉnh sẽ hỗ trợ cho việc qui hoạch phát triển hạ tầng đến hàng rào các khu, cụm, tuyến công nghiệp. Đối với làng nghề, nguồn vốn cho phát triển chủ yếu là huy động sự đóng góp của nhân dân, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần để hoàn thiện hạ tầng hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi.
1. Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị cụ thể hoá nhiệm vụ kế hoạch hàng năm về chương trình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tích cực nhất để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất công nghiệp có sự phát triển nhanh, ổn định góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà trên các lĩnh vực quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu, chế biến, khoa học công nghệ, đào tạo, đất đai, vốn cùng các cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước vào đầu tư và hợp tác sản xuất công nghiệp.
2. Các Sở, ngành có liên quan đến phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề có trách nhiệm hướng dẫn triển khai và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp trong phạm vi chức năng.
Kiện toàn hệ thống quản lý các khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề, nhằm nâng cao năng lực quản lý và đề xuất cơ chế chính sách, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp, nghiên cứu hợp tác và chuyển giao khoa học, công nghệ giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, chú trọng mối liên kết 4 nhà giữa Nhà nước; nhà nông; nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, tổ chức dạy, truyền nghề và bảo tồn nghề truyền thống như một di sản văn hoá của cộng đồng.
3. Kinh phí xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách được cân đối trong kế hoạch chi hàng năm, kinh phí thực hiện dự án được Nhà nước hỗ trợ một phần còn lại từ các nguồn khác.
Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề có một vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn 2001 - 2005 đã đạt được kết quả khả quan, đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển, phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề chưa phát huy được hết vai trò, đời sống nhân dân chưa cao. Vì vậy, trong giai đoạn 2006 - 2010 nhằm tạo sự chuyển biến phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề cần phải có sự tổ chức thực hiện tốt các giải pháp, tích cực của các ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng sự quyết tâm của người dân mới tạo ra sự phát triển đồng bộ và bền vững. Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010 đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn ngành, có sự đầu tư lớn và bên cạnh đó phải có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới làm cho ngành có sự tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế./.
- 1Nghị định 66/2006/NĐ-CP về việc phát triển ngành nghề nông thôn
- 2Quyết định 163/1999/QĐ-TTg về việc thành lập Ban quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 132/2001/QĐ-TTg về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Nghị định 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn
Quyết định 234/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010
- Số hiệu: 234/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/01/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Trương Văn Sáu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/01/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra