- 1Quyết định 107/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT về Quy định quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 23/2014/QĐ-UBND về thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 5Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2014 tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, tiêu thụ chè an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Đất đai 2003
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 6Quyết định 1373/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2300/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 08 năm 2014 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CHÈ CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND tỉnh ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật đất đai số 13/2003/QH11;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới;
Căn cứ văn bản số 1318/UBND-XD ngày 02/5/2013 của UBND tỉnh về lập quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; Quyết định số 2027/QĐ-UBND ngày 05/7/2013 của UBND Tỉnh về việc phê duyệt dự toán kinh phí lập Quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; Quyết định số 480/QĐ-UBND ngày 19/02/2014 của UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển cây chè công nghiệp giai đoạn 2014 - 2020;
Theo đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1142/TTr-SNN ngày 31/3/2014, Văn bản số 2027/SNN-PTNT ngày 26/5/2014 và Văn bản số 3225/SNN-PTNT ngày 06/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu chung
- Khai thác tiềm năng đất đai, lao động và các nguồn lực xã hội để phát triển chè, tạo ra vùng tập trung chuyên canh chè có năng suất, chất lượng cao; cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến chè, phục vụ xuất khẩu. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, miền núi, tạo tiền đề để xây dựng nông thôn mới.
- Góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Từng bước thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, tập trung với các sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
- Duy trì 927 ha đã có, trồng mới 2.473ha để hình thành các vùng chè công nghiệp tập trung và ổn định quy mô diện tích 3.400 ha vào năm 2020, trong đó có 930 ha chè công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Xây dựng mới và đưa vào hoạt động 7 xưởng chế biến với tổng công suất 68 tấn chè búp tươi/ngày đêm theo công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu chế biến cho các vùng nguyên liệu mới.
- Đến năm 2020, diện tích chè đưa vào khai thác sản phẩm đạt 2.100 ha, sản lượng 6.200 tấn búp khô sơ chế, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 triệu USD. Có 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng VietGAP.
- Giải quyết việc làm cho 13.500 lao động tại các vùng sản xuất chè.
1. Điều kiện xây dựng vùng chè công nghiệp
Vùng chè công nghiệp ở Hà Tĩnh phải đảm bảo các nhóm tiêu chí sau:
* Nhóm tiêu chí về điều kiện sinh thái:
- Đất tốt, nhiều mùn, thoát nước, có độ dốc bình quân < 25°. Thành phần cơ giới đất thịt pha cát đến đất thịt nặng, tầng đất đày > 0,5 m; độ pH là 4 - 6,5;
- Mực nước ngầm sâu từ 1m trở lên;
- Lượng mưa 1.500-2.900mm và phân bố đều cho các giai đoạn;
- Độ ẩm không khí 80-85%; giới hạn nhiệt độ thích hợp từ 22-28°C.
* Nhóm tiêu chí về mức độ tập trung quỹ đất và yếu tố kinh tế - xã hội:
- Diện tích tối thiểu mỗi lô quy hoạch 5 ha, địa hình thuận lợi, tốt nhất là liền vùng, liền khoảnh.
- Vùng nguyên liệu tập trung trên 100 ha (để đảm bảo nguyên liệu cho 1 nhà máy chế biến). Khoảng cách các lô trong vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo thuận lợi cho sản xuất, kết nối.
- Hệ thống giao thông, điện, nguồn nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và chế biến.
- Người làm chè có kiến thức, am hiểu kỹ thuật trong sản xuất cây chè.
- Hệ thống dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất;
- Phù hợp với quy hoạch KT-XH của tỉnh, huyện và quy hoạch nông thôn mới cấp xã và các quy hoạch khác.
2. Quy hoạch vùng nguyên liệu chè tập trung gắn với công nghiệp chế biến
Đến năm 2020, hình thành 10 vùng nguyên liệu gắn với chế biến trên địa bàn 5 huyện, với diện tích vùng quy hoạch 3.648ha, trong đó diện tích sản xuất 3.400ha (đã có 927ha, mở rộng 2.473ha) cụ thể:
Huyện Kỳ Anh 745ha, trong đó đã có 297ha, mở rộng 448ha, bao gồm 2 vùng nguyên liệu tập trung: Vùng Trung - Tây - Hợp tại các xã Kỳ Trung, Kỳ Tây, Kỳ Hợp và vùng Thượng - Lâm - Sơn tại các xã Kỳ Thượng, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn;
Huyện Hương Khê 1.248 ha, trong đó đã có 176 ha, mở rộng 1.072 ha, bao gồm 3 vùng nguyên liệu tập trung: Vùng Hương Trà - Hương Xuân; vùng Lộc Yên; vùng Hương Lâm - Hương Liên;
Huyện Hương Sơn 1,164 ha, trong đó đã có 441 ha, mở rộng 723 ha, bao gồm 4 vùng nguyên liệu tập trung: vùng Sơn Kim 2 - Sơn Tây; vùng Sơn Lễ - Sơn Tiến; Vùng Sơn Lâm - Sơn Hồng; vùng Sơn Thủy;
Huyện Vũ Quang 63 ha, trong đó đã có 13ha, mở rộng là 50ha, gồm 2 lô sản xuất được bố trí tại xã Sơn Thọ, kết nối với vùng Sơn Kim 2 - Sơn Tây (Hương Sơn) tạo thành vùng nguyên liệu tập trung.
Huyện Lộc Hà 200ha với tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất mới là 180ha tập trung thành 1 vùng nguyên liệu tại xã Hồng Lộc.
Trong tổng diện tích 3.400 ha, lựa chọn những xã, vùng, lô có điều kiện tốt để quy hoạch vùng chè thâm canh ứng dụng công nghệ cao hướng đến năm 2020 đạt 930ha, gồm Hương Sơn 360ha, Hương Khê 130ha, Vũ Quang 40ha, Kỳ Anh 250 ha.
3. Quy hoạch các công trình phục vụ sản xuất, chế biến
3.1. Công trình phục vụ sản xuất
Hệ thống vườn ươm chè giống được đặt tại các xí nghiệp chè của Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh (Xí nghiệp chè 12/9, Xí nghiệp chè 20/4, Xí nghiệp chè Tây Sơn) và Tổng đội TNXP - XDKTM Tây Sơn. Với tiến độ trồng bình quân hàng năm khoảng 400 ha thì nhu cầu giống chè cho trồng mới và trồng lại hàng năm là 8,4 triệu bầu giống. Căn cứ vào nhu cầu giống hàng năm của từng địa bàn để xác định diện tích đặt bầu tại các trung tâm ươm giống cho phù hợp.
Xây dựng mới 84 km và nâng cấp 118 km đường giao thông nối các vùng nguyên liệu với tuyến đường chính
Xây dựng 15km tuyến kênh dẫn nước và 39 trạm bơm để lấy nước tưới từ các mô hình thủy lợi nhỏ, hồ, đập trong vùng đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt tại các vùng nguyên liệu chè mới.
3.2. Chế biến
Tiếp tục phát huy hết công suất hoạt động 3 nhà máy chế biến, trong đó có 02 nhà máy tại các xí nghiệp thuộc Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh (tại xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh; xã Hương Trà, huyện Hương Khê) và 1 nhà máy chế biến của Tổng đội TNXP - XDKT mới Tây Sơn, huyện Hương Sơn.
Nâng công suất nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh tại xã Sơn Kim 2 từ 13 tấn lên 15 tấn búp tươi/ngày đêm để phục vụ thêm cho vùng chè Sơn Thọ, huyện Vũ Quang.
Xây dựng mới và đưa vào hoạt động 7 xưởng chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung, tại các xã Lộc Yên, Hương Lâm, Sơn Lễ, Sơn Lâm, Sơn Thủy, Kỳ Thượng, Hồng Lộc; để đạt tổng công suất 68 tấn chè búp tươi/ngày đêm theo công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu chế biến cho các vùng nguyên liệu tập trung.
Khuyến khích, kêu gọi, thu hút đầu tư để hình thành nhà máy, cơ sở chế biến các sản phẩm cao cấp từ chè trên địa bàn tỉnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho người trồng chè, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm chè.
1. Giải pháp về chỉ đạo thực hiện, quản lý quy hoạch
- Tổ chức công bố, tuyên truyền rộng rãi Quy hoạch để chính quyền địa phương các cấp, nhân dân, các tổ chức và các doanh nghiệp... nắm rõ, tạo đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Chính quyền các cấp phải tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch thành đề án, kế hoạch sản xuất; hàng năm kiểm tra, giám sát thực hiện, đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
- Trên cơ sở quy hoạch vùng chè, các huyện chỉ đạo các xã tổ chức tốt quản lý quy hoạch về mặt hồ sơ và thực địa; tiến hành khoanh vùng, bảo vệ quỹ đất cho trồng chè công nghiệp; các cấp chính quyền địa phương phối hợp, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp, xí nghiệp trong khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển chè trên địa bàn, đảm bảo đúng quy hoạch.
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 08/01/2014 của UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, tiêu thụ chè an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ việc đầu tư mới các dự án cơ sở chế biến chè trên địa bàn, chấm dứt hoạt động các cơ sở chế biến không đúng quy hoạch, không có vùng nguyên liệu hoặc không đạt tiêu chuẩn chế biến an toàn theo quy định tại Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Giải pháp về đất đai
- Đối với diện tích đất chưa sử dụng nằm trong vùng quy hoạch trồng chè do Ủy ban nhân dân xã quản lý, thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân hoặc cho thuê đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng sử dụng để trồng chè. Đối với một số diện tích đất quy hoạch trồng chè công nghiệp đang thuộc các Ban quản lý rừng, thực hiện cắt chuyển về địa phương cấp xã để thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dân đầu tư trồng chè.
- Chuyển đổi một số diện tích đất quy hoạch cao su đang gặp khó khăn trong triển khai do biến đổi khí hậu sang quy hoạch trồng chè công nghiệp, cụ thể, 200ha tại TK 249; TK 269 - xã Hương Lâm; 80ha tại TK 265, TK 262- xã Hương Liên, huyện Hương Khê; 100ha tại TK 43, xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn, sang quy hoạch trồng chè công nghiệp.
- Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây màu, chè lấy lá kém hiệu quả,...sang trồng chè công nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp trên những diện tích đã được quy hoạch phát triển chè đến năm 2020 gắn với việc điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
- Các đơn vị sản xuất và chế biến chè trên địa bàn có cơ chế tăng diện tích nhận khoán cho các hộ có khả năng đầu tư thâm canh chè lâu dài. Có cơ chế khuyến khích thực hiện việc chuyển đổi tích tụ ruộng đất cho những hộ có điều kiện sản xuất chè, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh, đưa cơ giới vào sản xuất đem lại khối lượng sản phẩm lớn và tập trung.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuê đất để xây dựng nhà máy chế biến chè chất lượng cao.
3. Giải pháp về giống
- Phối hợp với các cơ sở, trung tâm nghiên cứu giống quốc gia chọn lọc, khảo nghiệm một số giống truyền thống kết hợp với giống nhập nội tạo ra một số giống chè mới phù hợp với điều kiện lập địa, sinh thái của vùng Hà Tĩnh, bổ sung vào bộ giống chè của tỉnh;
- Chọn lựa các giống chè chủ đạo của tỉnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Thay thế các giống cũ năng suất chất lượng thấp bằng các giống đã được khẳng định như giống PH7, PH8; giống LDP1, LDP2; giống chè PH1....Đảm bảo cơ cấu giống hợp lý.
- Tiếp tục nâng cấp và xây dựng vườn ươm gắn với áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất giống để có nguồn bầu giống chất lượng cao phục vụ công tác trồng mới. Căn cứ vào thị trường, điều kiện sinh thái, địa hình ở từng vùng chè để lựa chọn giống chè sản xuất phù hợp. Mở rộng diện tích giống mới có năng suất, chất lượng; thanh lý, thay giống mới ở những diện tích chè già cỗi, năng suất kém, thoái hóa.
- Đẩy mạnh công tác nhân giống mới, bố trí hợp lý các cơ sở nhân giống trên địa bàn các huyện trồng chè công nghiệp đảm bảo sản xuất giống chè tại chỗ, cung cấp đủ giống cho trồng mới và trồng lại chè.
- Tăng cường công tác quản lý giống chè, không để giống không rõ nguồn gốc, giống không phù hợp với vùng sinh thái đưa vào sản xuất đại trà. Hình thành mạng lưới sản xuất cây giống sạch bệnh, chất lượng cao cung cấp cho các người dân.
- Tập trung về một mối trong việc cung cấp giống chè tốt, sạch bệnh. Giao Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh đảm nhận công tác khảo nghiệm, sản xuất thử và sản xuất giống đại trà cung cấp cho các vùng trồng chè trong tỉnh.
4. Giải pháp về chính sách
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hiện hành: Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh...; thực hiện các chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất trên cơ sở gắn với chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các chính sách có liên quan.
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí cho điều tra cơ bản, xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn tập trung, lập các dự án đầu tư phát triển chè an toàn; hỗ trợ đầu tư cho xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng (giao thông, kênh mương tưới cấp 1, cấp 2, trạm bơm, hệ thống điện hạ thế...) cho vùng sản xuất chè an toàn theo dự án được phê duyệt; hỗ trợ khảo nghiệm để áp dụng đại trà các loại giống chè năng suất cao, chất lượng tốt làm nguyên liệu chế biến chè cao cấp xuất khẩu sang thị trường các nước; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư lĩnh vực chế biến, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm sản phẩm chè công nghiệp đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, từng bước hình thành kênh thị trường ngoài nước bền vững; chính sách bảo hiểm sản xuất cho người nông dân trồng chè; chính sách, chế tài bảo vệ nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh chè, xây dựng vùng nguyên liệu.
5. Giải pháp về khoa học công nghệ và canh tác bền vững
- Các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất chè trên địa bàn chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các hộ trồng chè liên kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chè. Mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất chè; thực hiện tốt Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quy định về quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn.
- Đẩy mạnh việc sử dụng máy, công cụ cải tiến trong khâu làm cỏ, bón phân, thu hái và đốn chè nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Sử dụng công nghệ cao trong bảo quản, đóng gói sản phẩm như máy hút chân không, sao tẩm, máy ủ hương, máy đóng gói nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Đổi mới thiết bị và công nghệ chế biến chè theo hướng sử dụng công nghệ cao như các dây chuyền chế biến chè, đa dạng hóa các sản phẩm chè với mẫu mã, bao bì hiện đại, an toàn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
- Quan tâm vấn đề cải tạo đất, chống xói mòn, thoái hóa, đảm bảo sản xuất bền vững. Có giải pháp che phủ đất chống xói mòn, khắc phục đất nghèo dinh dưỡng bằng các giải pháp bồi dục đất (tủ gốc, trồng xen cây họ đậu, tăng phân hữu cơ, bón bổ sung các chế phẩm có nguồn gốc sinh học...), thực hiện chế độ tưới hợp lý.
- Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong chăm sóc và bảo vệ cây chè an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, quản lý dịch hại tổng hợp không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
6. Giải pháp về khuyến nông và đào tạo nhân lực
- Thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trong đó chú trọng nội dung đào tạo nghề trồng chè công nghiệp. Thông qua công tác khuyến nông để tổ chức các chương trình tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân trồng chè với các nội dung về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, đốn tỉa, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, sơ chế, bảo quản... Xây dựng mô hình điểm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và công nghệ tưới, quy trình kỹ thuật sản xuất và thu hái, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chè.
- Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực ngành sản xuất chè, bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè. Hợp tác với các cơ quan nghiên cứu để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến, bảo quản sản phẩm chè.
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết chè an toàn giữa doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cộng đồng về sản xuất chè an toàn.
7. Giải pháp về tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm
- Sản xuất chè tại các vùng chè công nghiệp cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000, từng bước áp dụng tiêu chuẩn HCCP chè an toàn. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh yêu cầu có sự liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, trong đó các doanh nghiệp trực tiếp quản lý quy trình kỹ thuật, thực hiện cung ứng giống, vật tư cho các vùng chè và có tổ chuyên phòng trừ sâu bệnh và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vùng chè trồng mới phải được đơn vị chuyên ngành về chè tư vấn, hướng dẫn ngay từ đầu về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và định hướng tiêu thụ sản phẩm.
- Xây dựng và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng chè từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Tạo điều kiện để người trồng chè tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong hướng dẫn, quản lý, giám sát quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
- Khuyến khích, kêu gọi đầu tư để hình thành các nhà máy, cơ sở chế biến các sản phẩm cao cấp từ chè với công nghệ hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè bán sản phẩm đầu ra với khối lượng ổn định, giá cả hợp lý, có hiệu quả và đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.
- Xây dựng và củng cố mô hình liên kết “4 nhà” là giải pháp để sản xuất và giúp tiêu thụ sản phẩm bền vững. Tăng cường mô hình liên kết ngang giữa các hộ trồng thành hợp tác xã, phường chè, đội chè hay nhóm liên minh để thuận lợi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh chè và chính quyền địa phương trên địa bàn trong liên kết với nông dân, HTX, xây dựng phát triển bền vững các vùng nguyên liệu.
- Xem xét, thành lập thêm các Đội TNXP-XDKTM trồng chè nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ xã hội có trình độ và hình thành thêm các đơn vị nòng cốt trong sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 08/01/2014 của UBND tỉnh, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
8. Giải pháp về vốn và huy động vốn
- Các thành phần kinh tế tăng cường sử dụng vốn tự có để đầu tư phát triển sản xuất, các ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư. Kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển chè công nghiệp gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
- Sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách phát triển chè (Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến rau, quả, chè an toàn đến 2015); Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ...), Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (phát triển mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện...), chương trình khuyến nông, khuyến công, công tác giống...; chương trình hỗ trợ của các tổ chức, dự án quốc tế.
- Lựa chọn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lồng ghép nguồn vốn các chương trình dự án, để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với vùng chè công nghiệp.
9. Giải pháp về thị trường
- Hướng phát triển cho thị trường chè Hà Tĩnh là tập trung xuất khẩu. Tiếp tục củng cố, duy trì các thị trường đã có (Afganistan, Pakistan, Nga, các nước Ảrập Xê út...); mở rộng, thâm nhập thị trường mới (EU, Tây Á...).
- Tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Thu hút, khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư vào vào phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè tại tỉnh. Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước, ngoài nước nhằm nâng cao tiềm lực xuất khẩu.
- Đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến chất lượng bao bì và mẫu mã hàng hóa, chuyển đổi linh hoạt cơ cấu chủng loại sản phẩm chè để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Chú trọng phát triển thương hiệu từ các sản phẩm đơn giản đến sản phẩm chế biến cao cấp, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển thương hiệu chè Hà Tĩnh.
- Thâm nhập và củng cố vị thế của chè Hà Tĩnh trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua đầu tư phát triển thương hiệu chè Hà Tĩnh, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của mình.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất thông qua công tác khuyến nông, khuyến công, chú trọng đến việc cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản về thị trường và nâng cao năng lực thị trường cho nông dân.
1. Dự kiến vốn đầu tư
Tổng vốn đầu tư dự kiến: 182,8 tỷ đồng.
- Vốn khai hoang: 4,7 tỷ đồng
- Vốn xây dựng đồi chè: 107,9 tỷ đồng, bao gồm: trồng mới, trồng lại, chăm sóc vườn cây
- Vốn xây dựng vườn ươm: 10,8 tỷ đồng
- Vốn xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng: 33,6 tỷ đồng
- Vốn xây dựng xưởng chế biến: 19 tỷ đồng
- Hệ thống quản lý: 1,8 tỷ đồng
- Dự án ưu tiên: 5 tỷ đồng
2. Nguồn vốn đầu tư.
- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước (Trung ương, tỉnh, địa phương) và các tổ chức tài trợ quốc tế: 42,8tỷ đồng
- Nguồn vốn của các thành phần kinh tế (doanh nghiệp trong và ngoài nước, hộ gia đình, cá nhân...) 77,9 tỷ đồng.
- Nguồn vốn vay tín dụng: 62,1 tỷ đồng.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện công bố rộng rãi quy hoạch; lập kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện quy hoạch theo quy định. Phối hợp với các địa phương triển khai quy hoạch và chỉ đạo địa phương khoanh vùng quy hoạch đưa diện tích trồng chè vào vùng quy hoạch.
- Triển khai và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình sản xuất chè.
- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về công tác giống trên địa bàn. Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở kết hợp Chi cục Quản lý thị trường thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giống, thuốc bảo vật thực vật, phân bón... trên thị trường, giám sát việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè an toàn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Triển khai các mô hình vườn chè chất lượng cao, an toàn, xây dựng “cánh đồng chè mẫu”.
2. Các sở, ngành, cơ quan liên quan
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Lồng ghép, bố trí các nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp để ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng chè công nghiệp. Xúc tiến đầu tư, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi về cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến chè trên địa bàn tỉnh.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, các địa phương rà soát, xây dựng chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn; xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, cân đối tham mưu bố trí kinh phí thực hiện; kiểm tra, thanh quyết toán nguồn kinh phí.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong canh tác và sản xuất giống chè. Tham mưu, hướng dẫn ban hành các quy định về chất lượng sản phẩm chè sản xuất ra.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện. Hướng dẫn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thực hiện việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất.
- Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và địa phương liên quan trong việc tăng cường quản lý công tác chế biến chè, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chè của tỉnh; thúc đẩy phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến các sản phẩm cao cấp từ chè trên địa bàn tỉnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sản xuất chè công nghiệp; chè an toàn chất lượng cao.
- Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện để triển khai thực hiện tốt quy hoạch.
3. UBND các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Lộc Hà:
Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức quản lý quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo có hiệu quả, đúng quy định.
- Ban hành chính sách phát triển vùng chè công nghiệp của địa phương; phối hợp, lồng ghép các chương trình dự án để phát triển vùng chè theo quy hoạch đã phê duyệt.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển vùng chè công nghiệp theo đúng quy hoạch, bền vững.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, UBND các huyện: Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang; Lộc Hà và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Đất đai 2003
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Quyết định 107/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT về Quy định quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Quyết định 4184/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển chè tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015
- 8Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 10Quyết định 674/QĐ-UBND năm 2014 duyệt cấp kinh phí hỗ trợ chương trình phát triển chè năm 2013 do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 11Quyết định 23/2014/QĐ-UBND về thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 12Quyết định 1373/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới
- 13Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2014 tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất, tiêu thụ chè an toàn, bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Quyết định 2300/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020
- Số hiệu: 2300/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/08/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Lê Đình Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/08/2014
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết