Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc
-------

Số: 23/2008/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 25 tháng 2 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 01/3/2007 của Liên Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
Căn cứ Công văn số 78/HĐND-CTHĐ ngày 28/01/2008 về việc chế độ chính sách đối với lực lượng Bảo vệ dân phố;
Theo đề nghị của Liên ngành: Tài chính - Công an - Nội vụ tại Tờ trình số 1266/TTr-TC-CA-NV ngày 22/11/2007 về việc quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng Bảo vệ dân phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ, chính sách cho lực lượng Bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Tài chính;
- Bộ Công an;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT, các thành viên UBND tỉnh;     
- Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Như Điều 3;
- Sở Tư pháp;
- Đài PTTH, Báo Bình Thuận, TTCB tỉnh;
- Lưu: VT, NC, TH, Vy

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO LỰC LƯỢNG BẢO VỆ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2008/QĐ-UBND ngày 25 /2/2008 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Ban Bảo vệ dân phố, Tổ Bảo vệ dân phố được thành lập ở các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là phường), nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập.

2. Các thành viên Ban Bảo vệ dân phố và Tổ Bảo vệ dân phố.

Điều 2. Các chức danh Bảo vệ dân phố

1. Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

2. Tại mỗi cụm dân cư (theo địa bàn công tác của Cảnh sát khu vực) thành lập 01 Tổ Bảo vệ dân phố, gồm: Tổ trưởng, Tổ phó, các Tổ viên.

3. Tại mỗi phường, thị trấn thành lập 01 Ban Bảo vệ dân phố, gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban và các Ủy viên (thành viên Ban Bảo vệ dân phố đồng thời là Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố tại các cụm dân cư).

Điều 3. Mức phụ cấp hàng tháng

1. Tổ Bảo vệ dân phố:

- Tổ trưởng: được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,8 so với mức lương tối thiểu hàng tháng

- Tổ phó: được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,7 so với mức lương tối thiểu hàng tháng

- Tổ viên: được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,6 so với mức lương tối thiểu hàng tháng

2. Ban Bảo vệ dân phố:

- Trưởng ban: được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,09 so với mức lương tối thiểu hàng tháng

- Phó trưởng ban: được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu hàng tháng

- Ủy viên: được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 0,8 so với mức lương tối thiểu hàng tháng

Điều 4. Trang bị phương tiện cho Bảo vệ dân phố

1. Bảo vệ dân phố được trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác và các phương tiện cần thiết khác như: đồng phục, còi, đèn pin, sổ ghi chép.

2. Bảo vệ dân phố được cấp Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh theo quy định.

3. Chủ tịch UBND các phường, thị trấn có trách nhiệm bố trí địa điểm làm việc cho lực lượng Bảo vệ dân phố.

4. Hàng năm, Công an tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kinh phí trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, tổ chức in và cấp Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh, trang phục và các phương tiện cần thiết khác để phục vụ công tác cho Bảo vệ dân phố theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chế độ, chính sách đối với Bảo vệ dân phố

1. Bảo vệ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 3 Quyết định này. Trường hợp Bảo vệ dân phố giữ nhiều chức danh khác nhau thì phụ cấp sẽ được hưởng theo chức danh cao nhất.

2. Bảo vệ dân phố được bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh trật tự.

- Trong thời gian tập trung bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, ngoài mức phụ cấp hàng tháng, Bảo vệ dân phố được hưởng chế độ phụ cấp đi lại, ăn ở như quy định đối với Công an xã.

- Việc chi trả chế độ do cơ quan tổ chức lớp bồi dưỡng dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả.

3. Bảo vệ dân phố trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh theo quy định tại Điều 3, Điều 11 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thì được xem xét xác nhận là người được hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sĩ. Thủ tục hồ sơ xác nhận thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II, Mục V Phần I của Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp Bảo vệ dân phố trong khi làm nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh mà không đủ điều kiện xem xét xác nhận người hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sĩ, thì được giải quyết chế độ như tai nạn lao động, tuất từ trần.

4. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, hướng dẫn, chỉ đạo công tác cho Bảo vệ dân phố thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân Bảo vệ dân phố được xét thi đua khen thưởng hàng năm, nếu có thành tích đột xuất thì được xét khen thưởng theo Luật thi đua khen thưởng.

Điều 6. Kinh phí hoạt động của Bảo vệ dân phố:

1. Nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Bảo vệ dân phố gồm:

- Kinh phí ngân sách nhà nước cấp.

- Quỹ quốc phòng an ninh.

- Nguồn đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

2. Quản lý, sử dụng kinh phí:

a) Việc trang bị phương tiện làm việc, cấp phát trang phục và chi trả chế độ phụ cấp cho Bảo vệ dân phố phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định hiện hành.

b) Công tác lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp thực hiện theo Nghị định 10/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh và Thông tư 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn.

c) Đối với kinh phí hoạt động từ nguồn Quỹ quốc phòng an ninh: việc quản lý, sử dụng thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 17/2001/QĐ-UBBT ngày 13/3/2001 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về huy động, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng an ninh trên địa bàn Tỉnh và Quyết định số 93/2003/QĐ-UBBT ngày 30/12/2003 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh mức trích để lại thù lao, bồi dưỡng cho người trực tiếp thu và bộ phận chỉ đạo, quản lý công tác thu Quỹ quốc phòng an ninh.

d) Đối với kinh phí hoạt động từ nguồn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân: việc thu, chi phải được mở sổ theo dõi chi tiết và thực hiện công khai cho nhân dân biết. UBND phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức việc thực hiện thu, chi từ nguồn kinh phí này theo quy định hiện hành.

Điều 7. Kinh phí đảm bảo thực hiện chế độ chính sách:

1. Mức phụ cấp hàng tháng cho lực lượng Bảo vệ dân phố được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm của phường, thị trấn và do UBND phường, thị trấn chi trả.

2. Việc trang bị phương tiện làm việc quy định tại Điều 4 do Công an tỉnh lập dự toán trình trình UBND tỉnh quyết định và được bố trí trong dự toán kinh phí an ninh địa phương hàng năm của tỉnh.

3. Kinh phí chi trả chế độ chính sách đối với Bảo vệ dân phố bị thương, hy sinh quy định tại điểm 3 Điều 5 lấy từ nguồn kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công hàng năm do Trung ương phân bổ; kinh phí giải quyết chế độ tai nạn lao động, tuất từ trần (đối với trường hợp Bảo vệ dân phố trong khi làm nhiệm vụ bị thương hoặc hy sinh mà không đủ điều kiện xem xét xác nhận người hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sĩ) được sử dụng trong dự toán chi đảm bảo xã hội của ngân sách cấp huyện.

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

1. Công an tỉnh chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong việc trang bị vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, tổ chức in, cấp Giấy chứng nhận, biển hiệu, băng chức danh, đồng phục và các phương tiện cần thiết khác cho Bảo vệ dân phố theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng này.

Giao Công an tỉnh thực hiện việc rà soát các quy định hiện hành của địa phương về các lực lượng quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trật tự an toàn xã hội để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi hoặc bãi bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách cho Bảo vệ dân phố khi bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đảm bảo hoạt động cho Bảo vệ dân phố theo quy định tại Quyết định này.

4. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức và hoạt động của Bảo vệ dân phố theo thẩm quyền và sự hướng dẫn, kiểm tra của Công an tỉnh.

5. Chủ tịch UBND phường, thị trấn có trách nhiệm bố trí địa điểm làm việc cho Bảo vệ dân phố; cấp và quản lý việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận, biển hiệu và băng chức danh Bảo vệ dân phố; căn cứ số lượng Bảo vệ dân phố và nhu cầu trang bị, tổng hợp báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố để báo cáo Công an tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

6. Hàng năm, Công an phường, thị trấn, Công an huyện, thị xã, thành phố, Công an tỉnh lập dự toán ngân sách đảm bảo cho hoạt động của Bảo vệ dân phố tại địa phương, báo cáo cơ quan Công an cấp trên và Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm để báo cáo cơ quan thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 23/2008/QĐ-UBND quy định chế độ, chính sách cho lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 23/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản