Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2278/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 28 tháng 8 năm 2019 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23/11/2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 -2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 theo nội dung đính kèm.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./,
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2278/QĐ-UBND ngày 28/8/2019 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Trong thời kỳ 2016 - 2018, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả tích cực: Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng hợp lý; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đạt 6,9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 39,2 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7.423 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2018 là 38.196 tỷ đồng.
Công tác đối ngoại, vận động, xúc tiến đầu tư đạt kết quả khá. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA của 22 đối tác phát triển, có 36 tổ chức phi Chính phủ có các dự án thực hiện trên địa bàn, bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp FDI của 05 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nguồn vốn nước ngoài của các dự án ODA đã giải ngân trong thời kỳ 2016 - 2018 chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và chiếm 31% tổng đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là nguồn lực rất quan trọng, góp phần tích cực trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Trong bối cảnh sắp tới, để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, tỉnh Quảng Trị chủ trương huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong đó nguồn vốn nước ngoài đặc biệt là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng.
Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 (Sau đây gọi là Định hướng) là văn bản mang tính chiến lược, thể hiện chủ trương của tỉnh Quảng Trị trong thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, chính sách cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi của các Nhà tài trợ có sự thay đổi theo hướng chuyển từ quan hệ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác.
Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 được xây dựng trên cơ sở:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
2. Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020;
3. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị 5 năm 2016 - 2020;
4. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020;
5. Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ;
6. Định hướng và các lĩnh vực ưu tiên tài trợ ODA của các nhà tài trợ: WB, ADB; AFD, Nhật Bản, Italia, Áo, Đan Mạch... trong giai đoạn tới.
7. Báo cáo đánh giá tình hình thu hút, quản lý và sử dụng ODA tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2018
Nội dung Định hướng gồm 5 phần:
- Phần I: Sự cần thiết, mục đích và phạm vi của Định hướng.
- Phần II: Đánh giá kết quả vận động, quản lý sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016 - 2018
- Phần III: Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025
- Phần IV: Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025.
- Phần V: Tổ chức thực hiện.
SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI CỦA ĐỊNH HƯỚNG
1. Sự cần thiết của Định hướng
Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập và mở rộng giao lưu kinh tế và tăng cường quan hệ đối ngoại của cả nước, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã mang lại những kết quả thiết thực, trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện nền kinh tế của tỉnh, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hiện nay, chính sách viện trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đối với Việt Nam có nhiều thay đổi mạnh mẽ, chuyển đổi căn bản từ quan hệ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác. Trước bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh về chính sách trong vận động, quản lý, sử dụng nguồn vốn này theo hướng sàng lọc, lựa chọn các dự án tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo không vượt trần bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an toàn nợ công do Quốc hội phê duyệt.
Đối với tỉnh Quảng Trị, trước yêu cầu mới của quan hệ hợp tác phát triển, cần thiết phải ban hành Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 để phù hợp với “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018.
Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 đề ra những giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh Quảng Trị, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Định hướng là văn bản thể hiện chủ trương, định hướng của tỉnh Quảng Trị trong thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2020 và tầm nhìn 2021 - 2025, bao gồm: Các định hướng chiến lược, chính sách, các giải pháp đồng bộ về hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ đã được ký kết đồng thời huy động các khoản viện trợ mới để gối đầu cho thời kỳ sau 2021 - 2025.
Định hướng này làm căn cứ để các ngành, các cấp, các địa phương trên địa bàn tỉnh và nhà tài trợ sử dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch hợp tác phát triển; đề xuất các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 đồng thời là cơ sở để minh bạch hóa chính sách của tỉnh Quảng Trị trong việc thu hút, quản lý và sử dụng đối với nguồn vốn này.
Phạm vi của Định hướng này bao quát các hoạt động liên quan đến công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi do các đối tác phát triển (song phương hoặc đa phương) tài trợ cho tỉnh Quảng Trị.
1. Kết quả vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016 - 2018
Trong giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Quảng Trị có 08 dự án ODA mới được ký kết với tổng vốn cam kết là 2.508,344 tỷ đồng. Trong đó, có 03 dự án do UBND tỉnh Quảng Trị trực tiếp làm cơ quan chủ quản với tổng vốn cam kết là 1.312,646 tỷ đồng, 05, dự án ODA do các Bộ, ngành Trung ương làm cơ quan chủ quản (gọi tắt là dự án Ô) với tổng vốn cam kết thực hiện các hợp phần trên địa bàn tỉnh là 1.195,698 tỷ đồng.
Tính theo đối tác phát triển thì Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài trợ lớn nhất với 04 dự án, tổng vốn cam kết là 1.047,698 tỷ đồng; tiếp theo là Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với 02 dự án, tổng vốn cam kết là 1.012,646 tỷ đồng; Áo với 01 dự án, tổng vốn cam kết là 300 tỷ đồng, EU 01 dự án với tổng vốn cam kết là 148 tỷ đồng.
Hình 1:
Theo cơ cấu ngành, lĩnh vực thì lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị có tỷ trọng vốn cam kết cao nhất (1.160,646 tỷ đồng), tiếp theo đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo (643,78 tỷ đồng); Giao thông vận tải (334 tỷ đồng); Tài nguyên môi trường (69,918 tỷ đồng), lĩnh vực y tế (300 tỷ đồng).
Hình 2: Cơ cấu theo lĩnh vực các dự án ký kết mới giai đoạn 2016 - 2018
2. Kết quả giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016-2018
Giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh Quảng Trị có 33 dự án ODA được triển khai thực hiện với tổng vốn cam kết là 6.872,045 tỷ đồng.
Tổng vốn giải ngân các dự án ODA thời kỳ này là 2.372,876 tỷ đồng (bằng 78% kế hoạch vốn được giao), trong đó: giải ngân vốn đối ứng là 301,641 tỷ đồng (bằng 58% kế hoạch vốn được giao), giải ngân vốn nước ngoài là 2.071,235 tỷ đồng (bằng 83% kế hoạch được giao). Nguồn vốn giải ngân bình quân mỗi năm là 790,959 tỷ đồng/năm.
Thứ nhất, trong điều kiện ngân sách địa phương rất hạn hẹp, không thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư trên địa bàn tỉnh, việc huy động, sử dụng tốt và có hiệu quả nguồn vốn ODA đã góp phần bổ sung một nguồn lực rất quan trọng cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thời kỳ 2016 - 2018, tổng giải ngân nguồn vốn ODA chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội1 và chiếm 31% tổng đầu tư từ ngân sách nhà nước2 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Thứ hai, nguồn vốn ODA góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo và tạo diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương hưởng lợi.
+ Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước...) và phát triển đô thị: Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết mới trong giai đoạn 2016 - 2018 là 1.160,646 tỷ đồng, bằng 46,1% tổng giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong cùng kỳ (có tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn ODA cam kết cho tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2018). Các dự án ODA thực hiện trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị như: Đông Hà, Thị xã Quảng Trị, Lao Bảo, Khe Sanh... thông qua các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn như: Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (2.253,841 tỷ đồng), dự án Thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Đông Hà (367,176 tỷ đồng), dự án Xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải thị xã Quảng Trị (180,559 tỷ đồng),...
+ Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo: Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết mới trong giai đoạn 2016 - 2018 là 643,78 tỷ đồng, bằng 25,7% tổng giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong cùng kỳ.
Việc triển khai thực hiện các dự án ODA trong giai đoạn này đã góp phần cải thiện CSHT nông thôn, thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình Hạnh phúc tỉnh Quảng Trị); Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thủy lợi, kè đập góp phần điều hòa nguồn nước, phục vụ tưới tiêu, phòng chống hạn hán, lũ lụt, cung cấp nước sinh hoạt cho các đô thị, vùng nông thôn (dự án Quản lý thiên tai, dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Quảng Trị)... Ngoài ra, nguồn vốn ODA thực hiện thông qua các dự án trồng rừng, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng của một số cây trồng có thế mạnh của địa phương (dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị)...
+ Lĩnh vực giao thông vận tải: Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết mới giai đoạn 2016 - 2018 là 334 tỷ đồng, bằng 13,3% tổng giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong cùng kỳ.
Trong giai đoạn này, nhiều công trình sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả rất tốt góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy giao thương, buôn bán, đi lại của người dân, điển hình như: Dự án Đường giao thông Thạch Kim - Hiền Hòa, huyện Vĩnh Linh; dự án Đường nối cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1A; dự án Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị...
+ Lĩnh vực tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu: Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết mới giai đoạn 2016 - 2018 là 69,918 tỷ đồng bằng 2,9% tổng giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong cùng kỳ.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hỗ trợ bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các dự án điển hình như: Dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng (BCC); dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị (JICA2),...
+ Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập ở tất cả các cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng...). Các dự án điển hình như: Chương trình phát triển giáo dục trung học phổ thông; chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học,...
+ Trong lĩnh vực y tế: Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết mới trong giai đoạn 2016 - 2018 là 300 tỷ đồng, bằng 12% tổng giá trị vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong cùng kỳ.
Việc thực hiện các dự án ODA trong lĩnh vực y tế đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hỗ trợ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS,... Các dự án điển hình như: Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; Nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng,...
Thứ ba, vốn ODA đã góp phần tiếp nhận kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thể chế. Một phần vốn ODA đã hỗ trợ tài chính để đào tạo và đào tạo lại cho một lực lượng lớn nguồn nhân lực, bao gồm: các cán bộ làm việc ở các ban quản lý dự án, các cán bộ của các cơ quan chuyên môn các cấp, người dân hưởng lợi vùng dự án ODA.
Thứ tư, vốn ODA đã góp phần thực hiện các chính sách đối ngoại của tỉnh. Thông qua hợp tác thực hiện các chương trình, dự án ODA cung cấp cho tỉnh, Chính phủ và nhân dân các nước tài trợ cùng như các tổ chức quốc tế đã hiểu và tích cực ủng hộ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thắt chặt tình cảm hữu nghị và hợp tác phát triển.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận và thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của 22 nhà tài trợ như: Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc, EU, Ả Rập Xê út, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Quỹ OPEC vì phát triển quốc tế (OFID),...
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong những năm qua còn tồn tại một số bất cập và hạn chế, đó là:
a) Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết có xu hướng giảm dần trong khi vốn nước ngoài giải ngân không đều qua từng năm.
Hình 3: Vốn nước ngoài ký kết và giải ngân qua các năm thời kỳ 2016 - 2018
ĐVT: tỷ đồng
Một số nhà tài trợ đặc biệt là các nhà tài trợ vốn ODA viện trợ không hoàn lại giảm dần hoặc chấm dứt chương trình viện trợ không hoàn lại trong khi một số nhà tài trợ khác chuyển dần từ cung cấp vốn ODA ưu đãi sang các khoản vay kém ưu đãi hơn hoặc các khoản vay thương mại.
Chính sách của Chính phủ là giảm dần các khoản cấp phát cho địa phương, tăng các khoản vay lại nhằm giảm bớt áp lực nợ công. Đối với một địa phương còn khó khăn như tỉnh Quảng Trị, việc tiếp cận các khoản vay lại là một thách thức rất lớn điều đó thể hiện rõ qua kết quả vốn nước ngoài ký kết mới đang có xu hướng giảm dần.
b) Cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục.
- Giai đoạn 2016 - 2018 có rất nhiều văn bản hướng dẫn dưới Luật được điều chỉnh hoặc thay đổi liên quan đến việc quản lý các dự án đầu tư như các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công... nên công tác theo dõi, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi có nhiều thay đổi so với trước đó. Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến ODA thay đổi liên tục, nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, còn chậm trễ, thiếu kịp thời dẫn tới việc triển khai áp dụng đôi lúc còn bị động, lúng túng.
- Việc hướng dẫn giải ngân nguồn vốn nước ngoài không thống nhất với các quy định tại Luật Đầu tư công; công tác kiểm soát chi vốn nước ngoài còn nhiều bất cập. Việc giao kế hoạch vốn nước ngoài chưa phù hợp với tiến độ thực hiện và tiến độ bố trí vốn đối ứng.
- Thủ tục trình, phê duyệt các chương trình, dự án còn phức tạp từ xây dựng đề xuất dự án, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư ... và phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ. Do đó, thời gian chuẩn bị chương trình, dự án ODA kéo dài, bao gồm từ đề xuất dự án cho đến khi ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA thường mất từ 2 - 3 năm, cá biệt có dự án kéo dài từ 5 - 6 năm.
- Quy trình, thủ tục giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ trong quá trình thực hiện dự án còn có sự khác biệt, chưa hài hòa (công tác đấu thầu, thẩm định, tuyển chọn tư vấn, ...) làm thời gian thực hiện dự án bị kéo dài, thiết kế ban đầu không còn phù hợp, nhiều dự án phải điều chỉnh làm đội vốn đầu tư.
c) Công tác chuẩn bị, tổ chức và thực hiện.
- Chất lượng chuẩn bị các đề xuất dự án, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư còn sơ sài, dẫn tới nội dung dự án phải bổ sung và điều chỉnh nhiều lần. Công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp rất nhiều trở ngại, vướng mắc làm kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí và làm giảm hiệu quả đầu tư.
- Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý dự án ODA nhìn chung còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp.
d) Về đảm bảo vốn đối ứng thực hiện dự án
- Việc bố trí vốn đối ứng chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ thực hiện dẫn đến phát sinh nhiều vướng mắc đặc biệt là các dự án ô do các Bộ, ngành Trung ương làm chủ quản có hợp phần thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2018, nhu cầu vốn đối ứng cần bố trí cho các dự án ODA trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 180 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, vốn đối ứng do ngân sách Trung ương phân bổ và vốn ngân sách tỉnh không cân đối đủ, bình quân chỉ vào khoảng 130 tỷ đồng/năm nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA.
- Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã được phê duyệt trong đó phần lớn đã tổng hợp, tính toán cân đối nhu cầu vốn đối ứng cho các dự án hoàn thành và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn này. Do đó, các dự án mới ký Hiệp định hoặc chuẩn bị ký Hiệp định chưa được bổ sung kế hoạch trung hạn nên việc cân đối, bố trí vốn đối ứng cho các dự án mới này gặp rất nhiều khó khăn.
- Năng lực trả nợ và khả năng bố trí vốn đối ứng của chủ dự án của một số dự án ODA vay lại còn hạn chế dẫn tới việc phải dừng hoạt động dự án, rút khỏi Hiệp định vay.
đ) Công tác theo dõi, giám sát và đánh giá ODA
- Công tác giám sát và đánh giá đặc biệt là đánh giá sau khi dự án kết thúc chưa được quan tâm và chú trọng thực hiện. Việc kiểm tra, đánh giá chỉ tập trung vào giai đoạn thực hiện, hoàn thành, chưa đánh giá hiệu quả đầu tư, tính bền vững và tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của dự án.
- Các Chủ dự án, ban quản lý dự án chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo yêu cầu về thời gian và nội dung theo quy định hiện hành. Chất lượng các báo cáo chưa cao.
1. Bối cảnh trong nước và quốc tế
1.1. Bối cảnh quốc tế
Trên bình diện quốc tế xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo, song tình hình chính trị và an ninh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như ở một số khu vực do hậu quả khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công,... chậm được khắc phục; xung đột vũ trang khu vực chưa được ngăn chặn và chủ nghĩa khủng bố quốc tế hoành hành. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ ở các khu vực và trên phạm vi toàn cầu trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mang lại những cơ hội phát triển to lớn đi kèm với những thách thức cho các quốc gia.
1.2. Bối cảnh trong nước và tỉnh Quảng Trị
Dự báo, thời kỳ 2019 - 2020, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và của tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định; sự nghiệp đổi mới toàn diện đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Nền kinh tế của đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế, các chính sách về đối ngoại vẫn tiếp tục được tăng cường. Kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ khá cao và liên tục; những tiến bộ xã hội, nhất là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực đã được các nhà tài trợ ghi nhận và đánh giá cao, tạo được sự tin tưởng và ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ.
Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Quảng Trị cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh cũng như mục tiêu đưa tỉnh nhà sớm thoát khỏi nhóm các tỉnh khó khăn.
- Nền kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ; đời sống nhân dân một số vùng còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp so với cả nước. Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn hạn chế. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thấp so với nhu cầu chi; nguồn thu nhỏ, thiếu ổn định ảnh hưởng đến quá trình quản lý, điều hành ngân sách và thực hiện các chính sách phát triển của địa phương.
- Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được xác định.
- Phần lớn các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao, năng lực cạnh tranh yếu; thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp.
- Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có mặt còn hạn chế, đời sống dân cư ở một số vùng nông thôn và miền núi còn khó khăn, chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp nhân dân còn khá lớn.
- Ô nhiễm môi trường còn gia tăng ở một số nơi; việc thu gom chất thải rắn chưa đạt yêu cầu. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là về thoát nước và xử lý nước thải.
1.3. Những thay đổi chính sách của các Nhà tài trợ, đối tác chính của tỉnh
Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011 - 2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
1.3.1. Ngân hàng Thế giới (WB)
Ngày 30/5/2017, Ngân hàng Thế giới đã thông qua Khung đối tác quốc gia (CPF) mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới với Việt Nam. Khung đối tác này hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Với Khung đối tác mới này Nhóm Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình và tốt nghiệp quy chế vay vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của Ngân hàng Thế giới. Khung đối tác mới tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phối hợp và hỗ trợ với các đối tác phát triển khác, và huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển, ví dụ huy động nguồn vốn thương mại và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: phát triển bao trùm và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư vào con người và tri thức, bền vững môi trường và năng lực ứng phó, quản trị tốt. CPF sẽ được thực hiện với sự tham gia đáng kể của chính quyền địa phương, sẽ thử nghiệm và áp dụng cách tiếp cận đa ngành và theo vùng, và sẽ quan tâm giải quyết và lồng ghép vấn đề giới thông qua một loạt các hình thức gồm hỗ trợ tư vấn, phân tích, đối thoại chính sách, cho vay và lập các đối tác chiến lược, cụ thể như sau:
- Hỗ trợ toàn diện nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế tư nhân vào các ngành kinh tế.
- Phấn đấu đảm bảo bền vững tài chính các dịch vụ công và các chính sách xã hội.
- Hỗ trợ giảm nghèo nhóm dân tộc thiểu số nhờ các hoạt động tạo việc làm và thu nhập.
- Hỗ trợ đa ngành nhằm tăng cường mối liên kết giữa giáo dục, đào tạo và thị trường lao động.
- Thúc đẩy và khuyến khích sản xuất điện với mức phát thải các-bon thấp.
1.3.2. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
ADB vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng đồng đều và bền vững hơn về môi trường, vốn là mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược Đối tác quốc gia (CPS) của ADB với Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020, bám sát Kế hoạch Phát triển kinh tế 5 năm 2016 - 2020 của Chính phủ, hỗ trợ của ADB trong khuôn khổ CPS tập trung vào tạo việc làm có chất lượng và cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, giải quyết các vấn đề về tính bền vững môi trường và biến đổi khí hậu.
- ADB sẽ hỗ trợ các dự án nội vùng và trong các lĩnh vực giao thông đô thị, thoát nước và nước thải, và thích ứng biến đổi khí hậu đô thị. Hơn nữa, ADB sẽ tích cực tìm kiếm để huy động nguồn vốn đồng tài trợ ưu đãi từ các quỹ tín thác của ADB cũng như từ các đối tác song phương và đa phương.
- Đối với các hoạt động của mình tại Việt Nam, ADB sẽ cố gắng để mang lại giá trị gia tăng lớn hơn bằng cách tích cực lồng ghép đổi mới và công nghệ. ADB sẽ hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm nước ở nông trại để thúc đẩy nông nghiệp thân thiện với khí hậu; tích hợp các mạng lưới đường sắt đô thị và xe buýt; mở rộng quản lý ngập lụt và nước thải đô thị thích ứng biến đổi khí hậu; sử dụng các phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo để cải thiện các dịch vụ công đô thị; và sử dụng phân tích tín dụng được định hướng bởi công nghệ giúp thúc đẩy phổ cập tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. ADB sẽ tăng cường hỗ trợ cho phát triển khu vực tư nhân tại Việt Nam, sử dụng cả nguồn tài trợ có và không có sự bảo lãnh của chính phủ.
Thứ nhất, ADB sẽ hỗ trợ cải cách các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thông qua các khoản vay do chính phủ bảo lãnh. Với việc tăng cường các bảng cân đối kế toán và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này sẽ có khả năng thu hút nguồn vốn thương mại nhiều hơn.
Thứ hai, ADB sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn giao dịch và hỗ trợ chuẩn bị các dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư, trong những lĩnh vực như đường vành đai, đường cao tốc và chuyển đổi rác thành năng lượng.
Thứ ba, ADB sẽ mở rộng các hoạt động không có sự bảo lãnh của chính phủ để bao trùm những lĩnh vực mới như nông nghiệp, y tế và giáo dục. Trong năm 2017, ADB đã cho một ngân hàng tư nhân vay 100 triệu USD để hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và cho một công ty vay 100 triệu USD trong dự án chuyển đổi rác thành năng lượng.
1.3.3. Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)
JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về các dự án nâng cao nguồn nhân lực, cải cách thể chế, chống biến đổi khí hậu, môi trường... thông qua nguồn vốn ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam, đặc biệt là những lĩnh vực về thuế, hải quan, quản lý nợ công...
2.1. Nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2019 - 2020
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 đã chỉ rõ: để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 11,5 - 12,5%/năm (thời kỳ 2011 - 2015) và từ 12,5 - 13,5%/năm (thời kỳ 2016 - 2020), nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 170.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có vai trò quan trọng.
2.2. Nhu cầu huy động và dự báo giải ngân vốn ODA thời kỳ 2019 - 2020
2.2.1. Dự báo vốn ODA huy động và ký kết
Căn cứ vào kết quả thực hiện nguồn vốn ODA thời kỳ 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh và kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Quảng Trị đã được Chính phủ phê duyệt. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, trong thời kỳ 2019 - 2020, nguồn vốn ODA cần huy động đạt khoảng 4.176 tỷ đồng (tương đương 183,7 triệu USD3). Trong đó:
- Vốn ODA ký kết trong thời kỳ 2016 - 2018 chuyển tiếp sang thực hiện thời kỳ 2019 - 2020: 2.012 tỷ đồng (tương đương 88,5 triệu USD).
- Vốn ODA ký kết mới trong thời kỳ 2019 - 2020: Khoảng 2.164 tỷ đồng (95,2 triệu USD).
2.2.2. Dự báo vốn ODA thực hiện giải ngân
- Vốn ODA chuyển tiếp từ thời kỳ 2016 - 2018 sang thực hiện giải ngân trong thời kỳ 2019 - 2020: 2.012 tỷ đồng (tương đương 88,5 triệu USD).
- Vốn ODA ký kết mới trong thời kỳ 2019 - 2020: 870 tỷ đồng (tương đương 38,3 triệu USD).
Như vậy, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi dự kiến giải ngân trong thời kỳ 2019 - 2020 là khoảng 2.882 tỷ đồng (tương đương 126,8 triệu USD).
3. Định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2019-2020
3.1. Quan điểm, nguyên tắc chung
- Tập trung xử lý các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã được ký kết.
- Tiếp tục lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính để thực hiện giải ngân sau 2020 nhằm đảm bảo sự liên tục, không bị sụt giảm đột ngột vốn đầu tư phát triển giai đoạn sau năm 2020, phù hợp với khả năng cân đối vốn đối ứng và khả năng vay trả nợ của địa phương.
- Tranh thủ, tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương trong giai đoạn 2019 - 2020. Đối với nguồn vốn vay ưu đãi IBRD của Ngân hàng Thế giới (WB), OCR của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tiếp tục huy động và sử dụng cho phát triển cơ sở hạ tầng.
- Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
3.2. Nguyên tắc sử dụng theo nguồn vốn
- Viện trợ không hoàn lại: Ưu tiên sử dụng để xóa đói giảm nghèo; các lĩnh vực xã hội; xây dựng chính sách phát triển thể chế và nguồn nhân lực; chuyển giao kiến thức và công nghệ; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị các dự án kết cấu hạ tầng có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc đồng tài trợ cho các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay,
- Vốn vay ODA: Ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng giao thông thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, phù hợp quy hoạch, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền.
- Vốn vay ưu đãi: Ưu tiên sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, có khả năng tạo ra nguồn thu để trả nợ; các dự án vay về để cho vay lại.
3.3. Lĩnh vực/dự án ưu tiên: Ưu tiên cho lĩnh vực/nhóm dự án hỗ trợ thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, cụ thể như sau:
- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp), phát triển đô thị thông minh, thủy lợi.
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách, thể chế và cải cách.
- Phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức và phát triển công nghệ.
- Giải quyết ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
- Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
3.4. Nguyên tắc rà soát danh mục các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
- Cân đối, bố trí vốn cho các dự án trong số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao.
- Đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án ODA bảo đảm tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân của các dự án theo thứ tự ưu tiên như sau: (i) dự án kết thúc hiệp định vay trong giai đoạn 2018 - 2020 và không có khả năng gia hạn; (ii) dự án ô chưa được bố trí kế hoạch trung hạn 2016 - 2020; (iii) dự án có tiến độ và khả năng giải ngân tốt, các dự án lớn, quan trọng, cấp bách đang chậm giải ngân do thiếu kế hoạch vốn nước ngoài và vốn đối ứng; (iv) dự án đã ký hiệp định vay nhưng chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
- Đối với các dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân thấp, không hiệu quả, UBND tỉnh sẽ đề xuất cắt giảm vốn để điều chuyển cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt.
- Tập trung vận động các dự án sử dụng vốn dư (gồm vốn dư sau đấu thầu, vốn dư do thay đổi tỷ giá, lãi suất, dự phòng chưa phân bổ và các khoản vốn dư khác) để tận dụng nguồn vốn có điều kiện vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ, phát huy hiệu quả của chương trình, dự án đang thực hiện nhưng phải đảm bảo không bổ sung thêm hạn mức kế hoạch vốn nước ngoài trung hạn 2016 - 2020.
- Đối với các đề xuất dự án mới: Việc lựa chọn và chuẩn bị đề xuất dự án mới phải tuân thủ các quan điểm chủ đạo của Chính phủ về tầm nhìn, định hướng đối với giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục lựa chọn, chuẩn bị các chương trình, dự án ưu tiên cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân; tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
- Những khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, khả năng bố trí vốn đối ứng cũng như khả năng trả nợ của tỉnh trong tương lai.
- Sử dụng vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế.
- Ưu tiên sử dụng cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, ví dụ: các dự án giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng (giao thông, đô thị thông minh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo...), phát triển nông nghiệp thông minh (thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, điện khí hóa nông nghiệp...).
- Ưu tiên các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng.
- Ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi như là đòn bẩy, thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân, không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các dự án mà tư nhân quan tâm, có khả năng thực hiện với công nghệ hiệu quả và chi phí thấp hơn.
- Sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư tư nhân. Giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư dự án.
Quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện của các chương trình và dự án ODA sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn xây dựng Đề xuất dự án, Báo cáo chủ trương đầu tư trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương liên quan đồng thời căn cứ vào khả năng hỗ trợ của các nhà tài trợ, khả năng vay trả nợ của địa phương.
Để chủ động trong công tác vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị phát triển một cách mạnh mẽ và vững chắc, phấn đấu đến năm 2020, Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:
1. Nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, Ban ngành, các tổ chức Đảng và chính quyền ở các cấp xem việc tích cực vận động, thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi là một nhiệm vụ quan trọng; cần được thường xuyên quan tâm chỉ đạo và theo dõi thực hiện, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
- Kiện toàn, xây dựng bộ máy quản lý các dự án ODA theo hướng chuyên nghiệp, tập trung để sử dụng các cán bộ có năng lực để quản lý, theo dõi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính công trong lĩnh vực thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thông qua việc xây dựng và công khai các thủ tục hành chính nói chung trong đó bao gồm quy trình vận động và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các ban ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án ODA.
2. Nhóm giải pháp về chính sách
- Tăng cường quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp lý có liên quan. Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách để tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi. Dịch chuyển hướng tiếp cận các khoản vay ưu đãi cho các lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn cao như: Y tế, môi trường, giao thông...
- Tăng cường theo dõi, giám sát và đánh giá các chương trình và dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi: Thiết lập trung tâm thông tin, dữ liệu về các chương trình, dự án ODA phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi, đánh giá việc sử dụng nguồn vốn ODA đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tăng cường công tác giám sát cộng đồng tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích cộng đồng tham gia theo dõi, giám sát việc đầu tư và sử dụng nguồn vốn ODA.
- Thống nhất một đầu mối về vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ở tỉnh Quảng Trị là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu tổng hợp cho UBND tỉnh trong việc vận động, điều phối, cân đối, theo dõi, đánh giá các chương trình dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh.
- Kiện toàn, tăng cường tổ chức bộ máy làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh như: Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Liên hiệp Hữu nghị với nước ngoài; sử dụng tốt đội ngũ cán bộ đã được đào tạo và có kinh nghiệm; tạo điều kiện cho cán bộ làm việc kiêm nhiệm ở một số dự án ODA để trau dồi thêm nghiệp vụ và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm; bổ sung biên chế hợp lý, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao.
- Từng bước thực hiện tốt các chủ trương phân cấp của Chính phủ, tạo điều kiện để các cấp và người dân, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân được tham gia vào quá trình sử dụng và thực hiện các dự án ODA.
- Tăng cường tính chủ động của các ngành, các huyện, thị trong việc đề xuất các chương trình dự án ODA đảm bảo tính phù hợp và thiết thực.
4. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực
- Nâng cao trình độ hiểu biết của lãnh đạo, cán bộ quản lý trong việc thực hiện các chương trình và dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi về chính sách, quy trình và thủ tục của Việt Nam cũng như nhà tài trợ.
- Tăng cường năng lực trong việc xác định, đề xuất, vận động dự án, xây dựng văn kiện dự án cho đội ngũ cán bộ các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và thị xã kể cả nâng cao năng lực về ngoại ngữ và quản lý dự án.
- Nâng cao năng lực các Ban quản lý dự án.
- Ưu tiên cân đối, bố trí ngân sách tỉnh để đối ứng cho các dự án ODA và dự án vay ưu đãi đã được cam kết với nhà tài trợ. Phân cấp mạnh mẽ trách nhiệm bố trí vốn đối ứng cho các địa phương, đơn vị được giao làm Chủ dự án. Song song với công tác vận động các khoản tài trợ mới, tỉnh Quảng Trị chủ động cân đối ngân sách của địa phương để hoàn trả các khoản đã vay của tỉnh, đảm bảo mức dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Việc đảm bảo yêu cầu về dư nợ vay là yếu tố quyết định để tỉnh được tiếp cận các khoản vay ODA khác trong tình hình mới.
- Bố trí kinh phí cho công tác vận động, xúc tiến nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hàng năm khoảng 2.000 - 3.000 triệu đồng, trong đó chi phí chuẩn bị đầu tư khoảng 1.500 - 2.000 triệu đồng.
6. Giải pháp thông tin, tuyên truyền khen thưởng về ODA
- Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản và các đơn vị thụ hưởng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và có chất lượng thông tin về các chương trình, dự án ODA theo quy định.
- Tăng cường thông tin tuyên truyền ra nước ngoài về ODA và vốn vay ưu đãi; tìm hiểu chiến lược hợp tác phát triển trong từng giai đoạn của từng nhà tài trợ.
- Có chế độ khen thưởng các tập thể, cá nhân trong, ngoài nước có thành tích xuất sắc, hiệu quả trong công tác vận động và thực hiện dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
7. Các giải pháp mang tính chất hỗ trợ
- Làm tốt công tác lễ tân, ngoại giao, lãnh sự: Thể hiện phong cách làm việc khoa học, hữu nghị, nhiệt tình của đội ngũ làm công tác đối ngoại; gây mối thiện cảm đối với các nhà tài trợ.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, nhất là sự phối hợp giữa Sở Ngoại vụ và Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tìm kiếm nhà tài trợ và tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán.
- Nâng cao chất lượng nghiệp vụ quản lý, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài trên các lĩnh vực xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, hoạt động hành nghề.
1. Các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và trách nhiệm được giao phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện Định hướng này. Tăng cường công tác vận động, thu hút, quản lý, theo dõi, báo cáo và đánh giá dự án ODA do đơn vị mình làm Chủ dự án, thực thi dự án hoặc hưởng lợi dự án nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi việc thực hiện, kịp thời phát hiện những vướng mắc và đề xuất UBND tỉnh xử lý; định kỳ 06 tháng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Định hướng.
3. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ban ngành liên quan cân đối ngân sách tỉnh hàng năm để bố trí kinh phí cho công tác xúc tiến, vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đảm bảo cho các Sở, Ban ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt các giải pháp trong Định hướng này.
4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại để thông tin tuyên truyền về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 tỉnh Quảng Trị.
5. Trong quá trình thực hiện Định hướng, các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố và thị xã, Ban quản lý dự án có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần và báo cáo năm đầy đủ, đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cho UBND tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả Định hướng này./.
TT | TÊN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN | ĐỊA ĐIỂM | Nhà tài trợ | ƯU TIÊN SỬ DỤNG ODA | MỤC TIÊU DỰ ÁN | CÁC HẠNG MỤC ĐẦU TƯ | TỔNG VỐN ĐẦU TƯ (TRIỆU USD) |
1 | 2 | 3 | 4 | 4 | 5 | 6 | 7 |
| TỔNG CỘNG |
|
|
|
|
| 909,20 |
|
|
|
|
| 302,38 | ||
1 | Kè chống xói lở khẩn cấp bờ sông Ba Lòng, đoạn qua thị trấn Krông, Klang và xã Mò Ó huyện Đakrông | Đakrông | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Xây dựng hệ thống kè sông, chống sạt lở, chống xâm thực ăn sâu vào các khu vực đất lở, đất sản xuất của nhân dân | Chiều dài kè 3km, 4 bến nước, 5 cống tiêu | 5,00 |
2 | Xây dựng CSHT khu vực thị tứ Tà rụt, huyện Đakrông | Đakrông | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Đảm bảo giao thông đi lại, nâng cao hạ tầng sinh hoạt phục sinh hoạt đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Tây của huyện | Xây dựng đường với chiều dài 5 km, 01 trạm bơm nước 1.050 m3/ngày đêm và hệ thống cấp nước thị tứ | 5,00 |
3 | Đường giao thông kết nối cộng đồng các bản miền núi phía Tây, huyện Vĩnh Linh với huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị | Vĩnh Linh | Chính phủ Ireland | Viện trợ không hoàn lại | Phát triển hệ thống giao thông đường bộ để sử dụng hiệu quả không gian và thiết lập mạng lưới giao thông liên kết giữa các xã đồng bằng miền núi và hệ thống trong khu vực | Chiều dài 23 km | 24,56 |
4 | Xây dựng cơ sở ha tầng phục vụ phát triển thương mại thế giới | Hướng Hóa, Đakrông | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực biên giới, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng | Xây dựng 03 chợ biên giới (Nâng cấp xã xây dựng hạ tầng tại khu vực cửa khẩu phụ, lối mở. Nhà kiểm soát liên hợp, khu vực kho bãi tập kết, khu vực làm thủ tục và giám sát đối với phương tiện và hàng hóa, đường giao thông | 4,70 |
5 | Đường giao thông Vĩnh Khê - Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị | Vĩnh Linh | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Phát triển hệ thống giao thông cộng đồng, góp phần phát triển toàn diện Kinh tế - xã hội | Xây dựng hệ thống giao thông Vĩnh Khê - Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị | 11,00 |
6 | Xây dựng hệ thống đường giao thông ứng cứu khẩn cấp Gio An - Trung Sơn - Vĩnh Trường, Gio Linh | Gio Linh | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Đảm bảo giao thông đi lại, hạn chế nguy cơ, giảm thiệt hại về người và tài sản vào mùa mưa lũ, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội | Chiều dài 10km | 8,00 |
7 | Phát triển đô thị động lực thành phố Đông Hà | Đông Hà | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Tạo động lực cho sự phát triển bền vững của Đông Hà, phấn đấu trở thành đô thị loại II đến năm 2020. | HP 1-Phát triển hệ thống giao thông đô thị; HP2- Cải thiện điều kiện thoát nước và VSMT; HP3- Tái định cư | 70,00 |
8 | Xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao thu nhập cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị | Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân 47 xã vùng dân tộc thiểu số | Xây dựng cơ sở ha tầng: đường giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa xã, công trình điện, công trình nước sạch Hỗ trợ phát triển sản xuất Nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân: đào tạo tập huấn về các chương trình, chính sách, tập huấn kỹ năng quản lý, giám sát | 23,73 |
9 | Đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh ĐT.575a, ĐT.575.b, ĐT.576, ĐT.578, ĐT.582, ĐT.585, ĐT.588a | Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội. | ĐT.575a dài 7 km đạt quy mô đường cấp III đồng bằng. ĐT 575.b dài khoảng 12 km đạt quy mô đường IV đồng bằng, ĐT.576 dài khoảng 18 km đạt quy mô đường cấp III đồng bằng. ĐT.578 dài khoảng 12 km đạt quy mô đường cấp IV đồng bằng. ĐT.582 dài 15 km đạt quy mô đường cấp II. ĐT.585 dài khoảng 12 km đạt quy mô đường cấp IV đồng bằng, ĐT.588a dài khoảng 17 km đạt quy mô đường cấp IV miền núi | 67,60 |
11 | Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây | Đakrông | JICA | vay ưu đãi và vay lại | Hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, góp phần XDGN các xã, bản và khu vực lân cận | Chiều dài 23 km | 22,40 |
12 | Đường giao thông liên xã Húc - Ba Tầng | Hướng Hóa | JICA | vay ưu đãi và vay lại | Cứu hộ cứu nạn, thúc đẩy phát triển KTXH | 10 km đường | 10,00 |
13 | Hồ điều hòa sinh thái thị trấn Khe Sanh | Hướng Hóa | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Cứu hộ cứu nạn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số | Diện tích mặt nước khoảng 40 ha, nạo vét và cải tạo cảnh quan xung quanh hồ | 15,40 |
14 | Phát triển đô thị thị trấn Cam Lộ | Cam Lộ | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng thị trấn | Xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, các công trình công cộng | 35,00 |
|
|
|
|
| 340,86 | ||
1 | Dự án Thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Đông Hà, giai đoạn II | TP.Đông Hà | WB | vay ưu đãi và vay lại | Hoàn thiện hệ thống thoát nước TP.Đông Hà nhằm mục tiêu đưa thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II trước năm 2020 | Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thoát nước các phường có quy hoạch chi tiết phát triển mở rộng thành phố Đông Hà Xây dựng 02 trạm bơm dâng nước thải; Nạo vét và kè Hồ Khe Mây; Nâng công suất trạm xử lý lên 10.000 m3/ngày/đêm | 28,00 |
2 | Dự án Xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải thị xã Quảng Trị tỉnh Quảng Trị (giai đoạn 2) | Thị xã Quảng Trị | Italia | vay ưu đãi và vay lại | Đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước xử lý nước thải thị xã Quảng Trị nhằm tránh ngập úng, bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thị xã Quảng Trị | Xây dựng hệ thống thoát nước mưa 12km. Nạo vét và sửa chữa các tuyến thoát nước mưa nạo vét kênh tiêu chính của thị xã nối từ trung tâm thị xã đổ ra sông Thạch Hãn | 10,56 |
3 | Nâng cấp, mở rộng và chống thất thoát nước hệ thống cấp nước thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị | TX Quảng Trị; TP Đông Hà | Đan Mạch | vay ưu đãi và vay lại | Cung cấp nước sạch, hạn chế tình trạng thất thoát nước, duy trì hệ thống cấp nước an toàn cho người dân qua đó nâng cao chất lượng triển KT-XH của địa phương | Giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch; Cải tạo, nâng công suất 02 nhà máy nước gồm: Nhà máy nước Đông Nam Quảng Trị và nhà máy nước Tân Lương, TP Đông Hà | 35,00 |
4 | Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung tỉnh Quảng Trị | Các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân | Xây dựng 04 hệ thống cấp nước sạch tại 04 huyện để cấp cho 20.900 người dân hộ gia đình. 90.300 nhân khẩu với định mức dùng 100 lít/người/ngày đêm | 11,02 |
5 | Đập ngăn mặn Vĩnh Phước | TP Đông Hà. - huyện Triệu Phong | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Nâng cấp hệ thống thủy lợi đảm bảo ngăn mặn giữ ngọt, chủ động tưới tiêu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt kết hợp với phát triển giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp. dân sinh kinh tế nhằm nâng cao đời sống kinh tế xã hội | Xây dựng đập ngăn mặn BCCT có 3 khoang cửa van để điều tiết Cầu giao thông trên cống rộng 8m Xây dựng đường nối tiếp kết nối với tuyến đường tránh QLT phía Đông thành phố Đông Hà Xây dựng khu quản lý và vận hành công trình trên diện tích rộng 500m2 Xây dựng 01 trạm biến áp với công suất 50KVA, đường dây 3 pha đấu nối với lưới điện 22KV | 10,78 |
6 | Hệ thống tiêu úng, thoát nước lũ sông Cảnh Hòm, huyện Gio Linh | Gio Linh | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Kiên cố hóa hệ thống đê kè, hạn chế, giảm thiệt hại về người và tài sản góp phần tăng cường khả năng tưới tiêu, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và người dân khu vực | Xây dựng hệ thống đê kè hai bên bờ sông Cảnh Hòm với chiều dài 20 km | 22,00 |
7 | Dự án xây dựng và cải thiện nguồn nước cấp sinh hoạt cho 12 xã vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nhằm khắc phục hậu quả sau lũ lụt | 12 xã thuộc huyện Hải Lảng |
|
| Cải thiện nguồn cấp nước sinh hoạt cho người dân của 12 xã vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị | Cải tạo và nâng cấp 19 công trình cấp nước tập trung hiện có; Xây mới (Trạm biến, nhà máy xử lý, hệ thống đường ống); 05 công trình quy mô tập trung, 30 công trình liên thôn; | 220,00 |
8 | Xây dựng hệ thống thu gom chất thải rắn tại các bãi biển tỉnh Quảng Trị | Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng |
|
| Thu gom chất thải rắn tại các bãi biển đảm bảo môi trường biển được bảo vệ | Hệ thống thu gom CTR dọc 75 km bờ biển | 3,50 |
|
|
|
|
| 174,93 | ||
1 | Dự án Phục Hồi hệ thống rừng phòng hộ chân cát ven biển tỉnh Quảng Trị nhằm ứng phó với BĐKH | Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Phục hồi và phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Trị nhằm ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. | Trồng (100ha) rừng phi lao chắn cát, phục hồi các loại cây bụi bản địa (trâm bầu) ven biển Quảng Trị nhằm chắn cát, nâng cao khả năng chống chịu của vùng cát với BĐKH; Cải thiện tình trạng thu gom rác thải theo tiêu chí nông thôn mới; Hỗ trợ kỹ thuật phát triển sinh kế bản địa cho hộ nghèo ven biển | 45,00 |
2 | Kè chống xói lở khẩn cấp đê hữu Bến Hải, huyện Gio Linh và Kè chống xói lở khẩn cấp kết hợp tuyến đường phòng lũ sông Vĩnh Phước thành phố Đông Hà | Gio Linh, Đông Hà | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Phòng chống và giảm thiểu tác động của thiên tai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như phát triển bền vững góp phần bảo vệ môi trường | Xây dựng hệ thống kè chống xói lở khẩn cấp đê hữu sông Bến Hải với chiều dài 10.6km Xây dựng kè chống xói lở kết hợp tuyến đường phòng tránh lũ đoạn Cầu Lai Phước - khu dân cư Tân Vinh) | 50,00 |
3 | Di dân tái định cư vùng sụt, sụt lở đất huyện Cam Lộ | Các xã: Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | - Nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Hạn chế thiệt hại cho người dân khi xảy ra lũ, lụt sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn huyện; - Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của khu vực dự án nói riêng và của tỉnh Quảng Trị nói chung; | Đầu tư xây dựng 15m đường giao thông cấp VI đồng bằng, mặt cắt ngang 6,5m (mặt đường 5,5m; lề đường 0,5 x 2 bên) bằng bê tông nhựa và bê tông xi măng; san lấp mặt bằng 9,5ha; hệ thống cấp điện sinh hoạt 12km, 05 trạm biến áp 100kVA-22/0,4kV; hệ thống cấp điện sinh hoạt 7km, 5 trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng... | 10,00 |
4 | Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu - tiểu dự án Đông Hà | TP Đông Hà | AFD | vay ưu đãi và vay lại | Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đô thị, đảm bảo khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi hậu, tao môi trường sống bền vững cho người dân đô thị | Cải tạo đê kè, hệ thống thoát nước Xây dựng các tuyến đường dọc đường sắt Xây dựng chợ đầu mối Nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị các khu LIA Xây dựng trường THCS Nguyễn Trãi Xây dựng công viên phía Đông Hùng Vương | 49,27 |
5 | Đường tránh lũ, phát triển kinh tế, ổn định dân cư dân tộc thiểu số phía Bắc huyện Hướng Hóa | Hướng Hóa | JICA/ADB | vay ưu đãi và vay lại | Cứu hộ cứu nạn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số | Chiều dài 21 km | 17,16 |
6 | Thiết lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Trị | Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng | WB | vay ưu đãi và vay lại | Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Trị | Thiết lập dọc 75km bờ biển | 3,50 |
|
|
|
|
| 41,00 | ||
1 | Quản lý bền vững nguồn năng lượng tái chế dựa vào cộng đồng | Hải Lăng. Triệu Phong | ADB/WB | vay ưu đãi và vay lại | Tăng cường và nâng cao năng lực. hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo | Hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tái tạo thông qua các mô hình: tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để trồng nấm, làm phân bón vi sinh nhằm nâng cao thu nhập; Thành lập quỹ tín dụng quay vòng hỗ trợ làm biogas cho các hộ gia đình chăn nuôi, đặc biệt là hộ nghèo; Tập huấn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về sử dụng năng lượng một cách bền vững | 25,00 |
2 | Xây dựng Trung tâm khám chữa bệnh Quốc tế Lao Bảo | Lao Bảo | Áo | vay ưu đãi và vay lại | Chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng | Trung tâm khám chữa bệnh 100 giường | 18,00 |
3 | Đầu tư nâng cấp trạm y tế vùng Lia, huyện Hướng Hóa | Ba Tầng, A Dơi, Xy, A Xing, Hướng Lập, Hướng Việt | India | vay ưu đãi và vay lại | Chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng | 6 nhà 2 tầng, mỗi nhà 20 giường bệnh | 2,00 |
4 | Tăng cường cơ sở vật chất cho đổi mới chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông | Toàn tỉnh | ADB | vay ưu đãi và vay lại | Bảo đảm điều kiện và cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới | Xây dựng các phòng học Xây dựng bổ sung các phòng chức năng Mua sắm bổ sung thiết bị dậy học | 16,00 |
|
|
|
|
| 30,03 | ||
1 | Phát triển bền vững hồ tiêu tỉnh Quảng Trị | Tỉnh Quảng Trị | WB | vay ưu đãi và vay lại | Tăng cường tính cạnh tranh của ngành hàng Hồ tiêu | Xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững theo hướng hữu cơ, sạch, có chứng nhận; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hồ tiêu | 17,65 |
2 | Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (sử dụng vốn kết dư) | Huyện Triệu Phong | OFID | vay ưu đãi và vay lại | Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của huyện theo quy hoạch đã được phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; Góp phần nâng cao khả năng phục vụ cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão | Kéo dài các tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 1810m | 0,88 |
3 | Nâng cấp hệ thống hồ chứa phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị | Gio Linh | WB | vay ưu đãi và vay lại | Cải tạo môi trường, điều hòa khí hậu, chống bão lũ thiên tai để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân | Hồ nước trung tâm thị trấn Gio Linh; Xây dựng kè bờ hồ rộng 10,2ha Hồ chứa Tân Bích: Xây dựng hệ thống đập 300m, tràn 25m, kênh 4km | 5,50 |
4 | Dự án trồng rừng nguyên liệu theo tiêu chuẩn FSC | Toàn tỉnh | JICA | vay ưu đãi và vay lại | Chuyển đổi đất sản xuất, nâng cao giá trị gỗ nguyên liệu đạt tiêu chuẩn FSC | 3.000 ha rừng nguyên liệu | 6,00 |
- 1Quyết định 57/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tỉnh Lâm Đồng
- 2Kế hoạch 312/KH-UBND năm 2016 thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020 do tỉnh An Giang ban hành
- 3Quyết định 2996/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 của tỉnh Hòa Bình
- 4Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 5Quyết định 1019/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 2796/QĐ-UBND
- 6Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 2109/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 7Quyết định 2242/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025" do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 1Quyết định 321/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật đấu thầu 2013
- 3Luật Xây dựng 2014
- 4Luật Đầu tư công 2014
- 5Luật ngân sách nhà nước 2015
- 6Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7Quyết định 57/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tỉnh Lâm Đồng
- 8Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
- 9Kế hoạch 312/KH-UBND năm 2016 thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020 do tỉnh An Giang ban hành
- 10Luật Quản lý nợ công 2017
- 11Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
- 12Quyết định 1489/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 2996/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 của tỉnh Hòa Bình
- 14Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 15Quyết định 1019/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 2796/QĐ-UBND
- 16Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 2109/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 17Quyết định 2242/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025" do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
Quyết định 2278/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn 2021-2025
- Số hiệu: 2278/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/08/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Người ký: Nguyễn Đức Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra