ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Quảng Trị, ngày 03 tháng 09 năm 2019 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN VAY PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA), VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
Trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế và tăng cường quan hệ đối ngoại của cả nước, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã mang lại những kết quả thiết thực, trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện nền kinh tế của tỉnh, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế, bất cập như: một số dự án được đàm phán, ký kết Hiệp định nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn; sự thay đổi cơ chế trong nước về sử dụng vốn ODA cho các hoạt động quản lý dự án và chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, bố trí vốn đối ứng không đầy đủ và kịp thời... đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai và giải ngân vốn ODA đã cam kết với nhà tài trợ.
Những hạn chế, bất cập trên là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là: Thiếu vốn đối ứng nên không hấp thụ vốn nước ngoài; Hết hạn mức kế hoạch trung hạn, phải chờ cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, bổ sung; Dự án mới ký kết hiệp định chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa có cơ sở bố trí kế hoạch vốn hằng năm; Thiếu kế hoạch vốn các dự án Ô; Dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian; Các cơ quan/đơn vị liên quan chưa quyết liệt giải quyết hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, triển khai dự án kéo dài, phải trả chi phí lãi suất, phí cam kết; các chương trình, dự án ô chưa có quy định rõ ràng về cơ chế quản lý và phân bổ vốn...
Để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập trên đây và phát huy hơn nữa vai trò của các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ hiện nay chủ yếu là vay ưu đãi với lãi suất gần với lãi suất thị trường, việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới là hết sức cần thiết; do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, Chủ dự án, BQLDA ODA và địa phương liên quan khẩn trương tập trung triển khai thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
1. Đối với các dự án đã ký kết Hiệp định và đang triển khai thực hiện:
1.1. Các chủ dự án, BQLDA ODA:
(i) Khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định trên Tabmis ngay sau khi được giao kế hoạch để các dự án có cơ sở giải ngân.
(ii) Rà soát và đề xuất cắt giảm những nội dung chưa thực sự cấp bách, khẩn trương có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm thủ tục điều chỉnh dự án, giảm vốn vay với nhà tài trợ;
(iii) Tiếp tục thực hiện rà soát hoạt động chi có tính chi thường xuyên đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và khẩn trương đề xuất điều chuyển sang vốn đầu tư phát triển hoặc cắt giảm vốn vay nước ngoài (nếu có), gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Về nội dung các khoản chi sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thuộc chương trình, dự án đã đàm phán, ký kết, các Chủ dự án chỉ đạo các BQLDA ODA khẩn trương phân loại, đánh giá các nội dung chi của chương trình, dự án, trao đổi thống nhất với nhà tài trợ phương án cắt giảm và báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) kèm đánh giá tác động của việc cắt giảm theo nguyên tắc:
- Đối với hoạt động mua sắm trang thiết bị: rà soát trên nguyên tắc đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không sử dụng vốn vay để mua xe ô tô, trang thiết bị văn phòng.
- Đối với hoạt động đào tạo theo các Chương trình, Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc dự án. Các Chủ dự án chỉ đạo các BQLDA ODA thực hiện rà soát lại chương trình đào tạo, cắt giảm các nội dung không thực sự cần thiết.
- Đối với hoạt động chi nghiên cứu, khảo sát, xây dựng chế độ, chính sách, tăng cường năng lực, chi hoạt động của Ban quản lý dự án: Các Chủ dự án chỉ đạo các BQLDA ODA chủ động rà soát, cắt giảm; tính toán các hoạt động thiết yếu còn lại để vận hành dự án bố trí trong kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước, không sử dụng vốn vay cho các hoạt động này.
(iv) Chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
(v) Theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, có hiệu lực từ năm 2020, các dự án không được kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn. Vì vậy, đối với các dự án không thể giải ngân hết trong năm 2019, các Chủ dự án ODA chỉ đạo các BQLDA chủ động rà soát, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở KH&ĐT) để tổng hợp đưa vào kế hoạch năm 2020.
(vi) Nghiêm túc thực hiện việc báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (http://dautucong.mpi.gov.vn) phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chính phủ.
1.2. Sở Kế hoạch & Đầu tư:
- Chủ trì tổng hợp tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA trên địa bàn tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh theo quy định của Chính phủ.
- Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho các chương trình, dự án ODA đang triển khai thực hiện và các dự án ODA mới ký kết Hiệp định.
- Phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh trong việc bố trí đủ vốn cho các chương trình, dự án nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh (gồm cả vốn đối ứng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu; nguồn cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác).
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình và khả năng giải ngân của từng dự án, kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án giải ngân thấp sang dự án giải ngân cao theo quy định; ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án kết thúc hiệp định trong năm kế hoạch; bố trí đủ để thanh toán cho các cam kết hợp đồng đã ký với nhà thầu; ưu tiên các dự án ODA khẩn cấp, trọng điểm, đang gặp vướng mắc do thiếu kế hoạch vốn...
1.3. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở/ban ngành, Chủ dự án ODA trong việc cung cấp số liệu về tình hình vay trả nợ của tỉnh; thẩm định phương án vay, trả nợ của từng dự án ODA để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, trình Bộ Tài chính thẩm định theo quy định của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
- Tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác báo cáo theo quy định về chế độ báo cáo thông tin về nợ công tại Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công gửi Bộ Tài chính.
1.4. Kho bạc Nhà nước tỉnh:
Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố, thị xã thanh toán vốn cho các dự án ODA khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian sớm nhất; phối hợp chặt chẽ với chủ dự án xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; Rà soát, phối hợp với Sở Tài chính thống nhất số liệu, định kỳ gửi thông tin về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn đối ứng cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định; Tăng cường kiểm soát chi các nguồn vốn nước ngoài và vốn đối ứng, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao hàng năm; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các chủ dự án thực hiện đúng quy định về quản lý vốn đầu tư, quản lý các nguồn vốn tạm ứng và thu hồi số dư nợ tạm ứng theo quy định; Báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án ODA chậm thực hiện thủ tục giải ngân, thanh toán kế hoạch vốn và xử lý thu hồi số dư nợ tạm ứng quá hạn theo quy định.
1.5. Các Sở chuyên ngành: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định về lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, thiết kế dự toán xây dựng công trình, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn ODA.
2. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài đang vận động
Trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án vận động nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần lưu ý: (i) Ưu tiên vận động dự án ODA cho đầu tư phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó cân nhắc kỹ về hiệu quả, quy mô dự án khi đề xuất sử dụng vốn vay ưu đãi; (ii) Chỉ vay theo phương thức chỉ định nhà cung cấp, nhà thầu của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp chứng minh hàng hóa, thiết bị của nhà tài trợ nước ngoài có ưu thế vượt trội về công nghệ. Rà soát các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, đánh giá khả năng bố trí nguồn vốn trả nợ và bố trí vốn đối ứng, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, khả năng trả nợ của địa phương, chủ dự án, trường hợp các dự án thẩm định không hiệu quả thì không đề xuất triển khai; ưu tiên tập trung nguồn vốn vay ODA cho các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng; (iii) Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay; không sử dụng vốn vay để mua sắm ô tô, vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành. Chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, các khoản thuế, chi phí lãi suất, các khoản phí nước ngoài thu trong thời gian xây dựng phải được bố trí từ vốn đối ứng theo quy định, không sử dụng vốn vay.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh, các Chủ dự án ODA và BQLDA ODA trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên do tỉnh Sơn La ban hành
- 2Quyết định 819/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Quy trình nội bộ thủ tục hành chính lĩnh vực đấu thầu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện tại Một cửa điện tử do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 3Quyết định 2278/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn 2021-2025
- 4Quyết định 1019/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 2796/QĐ-UBND
- 1Luật Đầu tư công 2019
- 2Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công
- 3Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ
- 4Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên do tỉnh Sơn La ban hành
- 5Quyết định 819/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Quy trình nội bộ thủ tục hành chính lĩnh vực đấu thầu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện tại Một cửa điện tử do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 6Quyết định 2278/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn 2021-2025
- 7Quyết định 1019/QĐ-UBND năm 2020 sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi tỉnh Sơn La kèm theo Quyết định 2796/QĐ-UBND
Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Số hiệu: 11/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/09/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Người ký: Nguyễn Đức Chính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/09/2019
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết