Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2276/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 23 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ KHAI THÁC TRUNG TÂM TÍCH HỢP DỮ LIỆU TỈNH HÀ GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với Trung tâm dữ liệu;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 43/TTr-STTTT ngày 19/09/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH VÀ KHAI THÁC TRUNG TÂM TÍCH HỢP DỮ LIỆU TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2276 /QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Hà Giang (sau đây gọi tắt là Trung tâm THDL).

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm THDL.

Điều 2. Vị trí, chức năng

1. Vị trí: Trung tâm THDL là công trình hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (sau đây gọi tắt là CNTT) và viễn thông được nhà nước đầu tư xây dựng, duy trì và khai thác nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về CNTT và phát triển chính quyền điện tử của tỉnh;

2. Chức năng: Trung tâm THDL là nơi duy nhất tập trung các thiết bị CNTT và viễn thông chuyên dụng với khả năng lưu trữ, dữ liệu lớn, hệ thống bảo mật an toàn dữ liệu, hệ thống phụ trợ, mạng diện rộng, mạng chuyên dùng và toàn bộ các hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc về quản lý và vận hành Trung tâm THDL

1. Tuân thủ các nguyên tắc, biện pháp bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006.

2. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định áp dụng đối với Trung tâm THDL theo Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định hiện hành.

3. Tuân thủ nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ và duy trì cơ sở dữ liệu (CSDL) được quy định tại Điều 13 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

4. Cơ quan vận hành có thể cung cấp các dịch vụ gia tăng cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và trên cơ sở khai thác hiệu quả hạ tầng Trung tâm THDL.

Chương II

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC TRUNG TÂM THDL

Điều 4. Quản lý hoạt động Trung tâm THDL

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thống nhất quản lý Trung tâm THDL của tỉnh và ủy quyền cho Sở Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý) chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động Trung tâm THDL của tỉnh theo quy định này và các quy định khác của pháp luật.

Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông là đơn vị thực hiện kỹ thuật nghiệp vụ, vận hành, khai thác, tiếp nhận và quản lý tài sản Trung tâm THDL của tỉnh (sau đây gọi tắt là Cơ quan vận hành).

Điều 5. Vận hành Trung tâm THDL

1. Đảm bảo các thiết bị phần cứng, hệ thống mạng, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng hoạt động ổn định, liên tục 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Khi có sự cố xảy ra phải nhanh chóng khắc phục theo quy định.

2. Thực hiện kiểm tra, bảo trì định kỳ hoặc đột xuất đối với tất cả thiết bị phần cứng và mạng; xây dựng sơ đồ vận hành hệ thống bao gồm: Lý lịch chi tiết các thiết bị và các thông số liên quan (tên thiết bị, loại thiết bị, hãng sản xuất, số seria, số part, chức năng, phân vùng, tài liệu chi tiết kết nối hệ thống…) trên hồ sơ giấy đặt tại Trung tâm THDL và trên phần mềm;

3. Thực hiện sao lưu thông số của thiết bị dùng chung sau mỗi lần thay đổi; Quản lý các tài khoản của thiết bị và hệ thống thông tin khác;

4. Cập nhật các bản vá lỗi cho hệ điều hành, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, phần mềm antivirus, theo dõi những cảnh báo, thông báo trong quá trình quét virus.

5. Hàng ngày (kể cả các ngày nghỉ) tiến hành ít nhất 02 lần (buổi sáng và buổi chiều) kiểm tra rà soát quá trình vận hành các phần mềm ứng dụng đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định và liên tục; thực hiện kiểm thử phần mềm ứng dụng của các cơ quan nhà nước trước khi cài đặt tại Trung tâm THDL của tỉnh.

Điều 6. Đảm bảo an toàn thông tin

1. Duy trì, cập nhật thường xuyên đối với hệ thống bảo mật (Tường lửa, Phòng chống mã độc, Phát hiện và ngăn chặn xâm nhập,…) để bảo đảm an toàn, bảo mật cho Trung tâm THDL.

2. Các máy chủ, máy trạm tại Trung tâm THDL phải được cài đặt phần mềm diệt mã độc (virus), thường xuyên cập nhật kịp thời các bản vá, được đặt ở chế độ quét virus thường xuyên, định kỳ, quét khi có kết nối với các thiết bị ngoại vi (usb, ổ cứng cắm ngoài,…).

3. Các thiết bị được phát hiện có mã độc phải thực hiện biện pháp cách ly khỏi hệ thống để tránh lây nhiễm sang các máy tính khác.

4. Việc thay đổi cấu hình của hệ thống tại Trung tâm THDL phải được phê duyệt của cơ quan quản lý.

Điều 7. Quy định về an toàn hoạt động

1. Trung tâm THDL chỉ được đặt các thiết bị đang hoạt động phục vụ vận hành hệ thống, không đặt các thiết bị khác: Thiết bị hỏng, thiết bị chờ thanh lý, hủy, tài liệu, vật tư, các vật dụng dễ cháy nổ,…

2. Trung tâm THDL phải đảm bảo vệ sinh: Môi trường khô ráo, sạch sẽ, không dột, không thấm nước, không bị ánh nắng chiếu rọi trực tiếp. Độ ẩm, nhiệt độ đạt tiêu chuẩn quy định cho các thiết bị CNTT.

3. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy phải được cấp giấy phép của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Hà Giang.

4. Hệ thống điện phải được trang bị máy phát điện dự phòng để đảm bảo cho hệ thống hoạt động trong thời gian nguồn điện lưới gặp sự cố.

5. Hệ thống điều hoà phải bảo đảm nhiệt độ cho phòng máy chủ theo tiêu chuẩn quy định đối với Trung tâm THDL.

6. Hệ thống đường truyền Internet cho Trung tâm THDL phải từ 02 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, có giải pháp chia tải, cân bằng tải đường truyền để đảm bảo độ dự phòng cao và tính sẵn sàng kết nối cho toàn hệ thống.

Điều 8. Xử lý sự cố

1. Khi phát hiện có sự cố, người sử dụng hoặc cán bộ vận hành, cán bộ trực hệ thống có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Cơ quan vận hành, lãnh đạo Cơ quan quản lý để có biện pháp cô lập và xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống.

2. Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của sự cố, đánh giá và phân loại theo 03 mức:

a) Các sự cố thông thường (không gây ảnh hưởng đến hoạt động của Trung tâm THDL), Cơ quan vận hành nhanh chóng xử lý sự cố.

b) Các sự cố nghiêm trọng (sự cố liên quan đến thiết bị mạng, thiết bị bảo mật, máy chủ, đường truyền dữ liệu, cơ sở dữ liệu, các sự cố liên quan đến an ninh thông tin, mất mát dữ liệu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Trung tâm THDL), ngay sau khi phát hiện sự cố cơ quan vận hành cần đánh giá ảnh hưởng của sự cố và thực hiện báo cáo về Cơ quan quản lý để được hướng dẫn xử lý.

c) Các sự cố đặc biệt nghiêm trọng (gây ngưng trệ đến toàn bộ hoạt động của Trung tâm THDL), cơ quan vận hành và cơ quan quản lý phải có đánh giá ảnh hưởng của sự cố và thực hiện báo cáo nhanh về UBND tỉnh để có chỉ đạo xử lý.

3. Quy định khắc phục sự cố

a) Thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi khắc phục sự cố (ưu tiên dữ liệu quan trọng).

b) Đảm bảo an toàn cho người và thiết bị hệ thống.

c) Ghi nhật ký diễn biến sự cố, phương án khắc phục.

4. Các sự cố vượt khả năng xử lý, lãnh đạo Cơ quan vận hành báo cáo lãnh đạo Cơ quan quản lý để đề nghị đơn vị tư vấn, đơn vị cung cấp hoặc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp VNCERT và các đơn vị liên quan hỗ trợ ứng phó và khắc phục sự cố.

Điều 9. Bảo trì, bảo dưỡng Trung tâm THDL

1. Cơ quan vận hành có trách nhiệm thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống theo quy trình và kế hoạch được duyệt.

2. Việc thực hiện bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống do Cơ quan vận hành thực hiện hoặc thuê dịch vụ.

3. Thời gian bảo trì, bảo dưỡng từng thiết bị, phần mềm thực hiện theo yêu cầu thực tiễn và khuyến cáo của nhà cung cấp tối thiểu 01 lần/năm. Bảo trì, bảo dưỡng tổng thể toàn bộ hệ thống ít nhất 01 lần/năm.

4. Việc thực hiện bảo trì, bảo dưỡng không được làm gián đoạn và ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Trung tâm THDL; Quá trình bảo trì, bảo dưỡng phải thực hiện theo đúng kịch bản, quy trình và ghi nhật ký về tình trạng hoạt động trước và sau khi thực hiện.

Điều 10. Quy định về tiếp nhận máy móc, thiết bị và phần mềm của các đơn vị tại Trung tâm THDL

1. Việc triển khai các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trên hạ tầng Trung tâm THDL phải được quy định cụ thể trong Quyết định phê duyệt dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT của cấp có thẩm quyền.

2. Các ứng dụng CNTT chưa được triển khai trên hạ tầng Trung tâm THDL. Các cơ quan, đơn vị (sau đây gọi là cơ quan chủ quản), lập văn bản đề nghị đặt máy chủ, cài đặt phần mềm và bàn giao tài sản về Trung tâm THDL, gửi Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt (nếu phù hợp với hạ tầng kỹ thuật Trung tâm THDL).

3. Cơ quan vận hành có trách nhiệm tiếp nhận máy móc, thiết bị, tiếp nhận cài đặt phần mềm tại Trung tâm THDL theo Quyết định của cấp có thẩm quyền; thủ tục tiếp nhận đặt máy chủ, cài đặt phần mềm và quản lý tài sản do Sở Thông tin và Truyền thông quy định.

4. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản trị, vận hành máy móc, thiết bị, phần mềm của cơ quan mình khi đặt tại Trung tâm THDL (thực hiện từ xa hoặc trực tiếp).

5. Cơ quan chủ quản có thể ủy quyền toàn bộ hoặc một phần nhiệm vụ quản trị, vận hành máy móc, thiết bị, phần mềm của cơ quan mình cho Cơ quan vận hành Trung tâm THDL. Việc ủy quyền phải được thể hiện trên văn bản ký kết, thống nhất giữa hai bên.

Chương III

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM

Điều 11. Trách nhiệm cơ quan quản lý (Sở Thông tin và Truyền thông)

1. Tham mưu UBND tỉnh nâng cấp và mở rộng Trung tâm THDL của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.

2. Tham mưu UBND tỉnh công bố các dịch vụ và ban hành theo thẩm quyền về giá cước các dịch vụ gia tăng được khai thác từ Trung tâm THDL.

3. Quy định thủ tục chuyển giao máy móc, thiết bị, cài đặt phần mềm và quản lý tài sản tại Trung tâm THDL. Quy định quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và khắc phục sự cố Trung tâm THDL.

4. Quy hoạch tài nguyên hệ thống, các giải pháp, phương án kỹ thuật, các kế hoạch phát triển Trung tâm THDL.

5. Chỉ đạo mở hoặc dừng đột xuất một số dịch vụ Trung tâm THDL trong các trường hợp cụ thể.

6. Thanh tra, kiểm tra và giám sát việc vận hành, khai thác dịch vụ của cơ quan vận hành Trung tâm THDL.

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm, báo cáo đột xuất cho UBND tỉnh về tình hình hoạt động Trung tâm THDL.

8. Nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ tích hợp chung theo hướng chuẩn hóa, thống nhất các ứng dụng CNTT trên Trung tâm THDL tỉnh.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan vận hành

1. Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch sao lưu dữ liệu, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa Trang thiết bị Trung tâm THDL; nội quy, quy định chi tiết về vận hành Trung tâm THDL; kế hoạch trực hệ thống Trung tâm THDL.

2. Đào tạo cán bộ quản lý, vận hành có chuyên môn đáp ứng yêu cầu, được trang bị các kiến thức liên quan tới hoạt động của Trung tâm THDL.

3. Tổ chức mua sắm trang thiết bị CNTT và các thiết bị phụ trợ khác đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin và hoạt động thông suốt của Trung tâm THDL; trường hợp, mua sắm thiết bị như: Máy chủ, thiết bị định tuyến, thiết bị chuyển mạch, thiết bị tường lửa phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan quản lý.

4. Trực tiếp tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quy định và triển khai cung cấp dịch vụ theo đúng với tiêu chuẩn chất lượng, quy trình và trên cơ sở khai thác hiệu quả hạ tầng Trung tâm THDL.

5. Hàng năm, xây dựng kinh phí đảm bảo duy trì, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế trang thiết bị và nâng cấp, cập nhật phần mềm Trung tâm THDL của tỉnh, tổng hợp chung trong dự toán chi nghiệp vụ chuyên môn của Cơ quan vận hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý cho cơ quan quản lý về tình hình hoạt động và cung cấp dịch vụ của Trung tâm THDL và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị

1. Sử dụng các dịch vụ của Trung tâm THDL theo quy định.

2. Chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin lưu trữ tại Trung tâm THDL do cơ quan, đơn vị cung cấp, cập nhật đúng quy định pháp luật.

3. Phối hợp với Cơ quan vận hành trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, duy trì hoạt động các hệ thống thông tin của cơ quan mình đặt tại Trung tâm THDL.

Điều 14. Trách nhiệm của người sử dụng

1. Sử dụng dịch vụ Trung tâm THDL theo quy định.

2. Tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật thông tin, quản lý vận hành và khai thác Trung tâm THDL.

3. Không được thực hiện các hành vi đánh cắp, giả mạo tài khoản, truy cập trái phép vào các hệ thống thông tin thuộc Trung tâm THDL.

4. Không được sử dụng các công cụ, phần mềm làm tổn hại đến hoạt động của Trung tâm THDL.

5. Trường hợp phát sinh sự cố, thông báo cho cán bộ kỹ thuật của Cơ quan vận hành để được hướng dẫn và hỗ trợ khắc phục. Phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Cơ quan vận hành trong việc xử lý sự cố và xác nhận kết quả xử lý.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chế này; theo dõi, kiểm tra định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai của các cơ quan, đơn vị.

2. Hàng năm, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông xây dựng dự toán duy trì, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế trang thiết bị và nâng cấp, cập nhật phần mềm hệ thống Trung tâm THDL của tỉnh, gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này trong phạm vi quản lý của mình.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp) xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.