Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2232 /QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 14 tháng 7 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON BÁN CÔNG SANG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON CÔNG LẬP
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 159/2010/NQ-HĐND ngày 22/4/2010 của HĐND tỉnh về chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1367/TTr-GD&ĐT ngày 31/5/2010 về việc ban hành Đề án chuyển các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Điều 2. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các ngành liên quan có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập theo Nghị quyết số 159/2010/NQ-HĐND ngày 22/4/2010 của HĐND tỉnh, báo cáo kết quả với UBND tỉnh.

Quyết định này thay thế Quyết định số: 1975/QĐ-UBND ngày 21/6/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Hiệu trưởng các trường Mầm non bán công trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GD&ĐT;
- TTTV TU, TTHĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở: Nội vụ, Tài chính, KH&ĐT;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, VX
D:\2010\QUYẾT ĐỊNH\MAM NON 05 7 2010.doc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Minh Ánh

 

ĐỀ ÁN

CHUYỂN ĐỔI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON BÁN CÔNG SANG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON CÔNG LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2232 /QĐ-UBND ngày 14/7/2010 của UBND tỉnh)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

- Căn cứ Điều 48 Luật Giáo dục năm 2005 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 quy định nhà trường mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Việc tồn tại các trường bán công trong hệ thống giáo dục là không đúng theo luật định, do đó cần phải chuyển đổi các trường bán công đúng loại hình quy định của Luật;

- Căn cứ Điều 28 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục về chuyển đổi cơ sở giáo dục bán công được thành lập trước ngày 01/10/2006 sang loại hình khác.

- Căn cứ Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước.

- Căn cứ Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao quy định đến năm 2010 phải chuyển tất cả các trường bán công sang loại hình thích hợp.

- Căn cứ Thông tư số 11/2009/TT - BGDĐT ngày 08/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập; cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, trong đó quy định việc chuyển đổi các trường bán công sang các loại hình thích hợp phải được HĐND tỉnh thông qua.

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập;

- Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015;

- Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.

- Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Căn cứ Nghị quyết số 152/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 của HĐND tỉnh về Chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2010;

2. Cơ sở thực tiễn và hiện trạng các trường mầm non bán công (MNBC)

2.1. Tình hình trường, lớp và cơ sở vật chất

Hiện nay, toàn tỉnh có 125 trường mầm non hệ bán công, với tổng số 1.071 lớp, 28.610 học sinh, 1.076 phòng học, đặc biệt số cháu đi nhà trẻ ở loại hình tư thục có 4.311 cháu/6.268 cháu, chiếm tỷ lệ 68%.

Toàn bộ cơ sở vật chất giáo dục mầm non bán công hiện có là của nhà nước đầu tư xây dựng và quyền sở hữu thuộc về nhà nước.

2.2. Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên:

Chức danh

Công lập

Bán công

Tư thục

Tổng cộng

Tỷ lệ BC trong TS

Tỷ lệ tư thục trong TS

TS CBQL

128

250

06

384

65%

1,5%

- Biên chế

128

217

0

345

63%

0%

- Hợp đồng

0

33

06

39

84%

15%

TS GV mầm non

892

1.373

586

2.851

48%

20%

- Biên chế

529

364

0

893

41%

0%

- Hợp đồng

363

1.009

586

1.958

51%

30%

Trong đó GV nhà trẻ

59

116

444

619

18%

71%

- Biên chế

38

55

0

93

59%

0%

- Hợp đồng

21

61

444

526

11%

84%

GV nhà trẻ được đào tạo nghiệp vụ nhà trẻ

2

20

0

22

91%

0%

- Biên chế

2

19

0

21

90%

0%

- Hợp đồng

0

1

0

1

100%

0%

TS Nhân viên

177

435

11

623

70%

1,7%

- Biên chế

30

73

0

103

71%

0%

- Hợp đồng

147

362

11

520

69%

2,1%

Số lượng cán bộ, giáo viên trong biên chế nhà nước đang công tác tại các trường mầm non bán công tuy chiếm tỉ lệ không quá 50% trên tổng số cán bộ, giáo viên hiện có, nhưng vẫn có số lượng đông với trên 600 người và sẽ là lực lượng nòng cốt trong Hội đồng sư phạm của các cơ sở giáo dục công lập.

Đặc biệt, trong tổng số 619 cô đang đảm nhận việc nuôi dạy trẻ (từ 0 tuổi đến 03 tuổi) chỉ có 21 cô được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ là cô nuôi dạy trẻ (chiếm 3,3%) và có 598 cô (chiếm 96,7%) được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ để làm giáo viên mẫu giáo nhưng làm công tác nuôi dạy trẻ.

2.3 Về số lượng và chất lượng đào tạo

Tuy có nhiều nỗ lực từ các ngành, các cấp, nhất là từ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các trường mầm non bán công, song do đặc thù của trường mầm non bán công được xem là loại hình ngoài công lập, nên về mặt kinh phí phải tự cân đối thu chi và phần thiếu hụt thì ngân sách nhà nước hỗ trợ. Học sinh ở các trường này phải nộp học phí và các khoản đóng góp khác tương đối cao so với các cấp học và bậc học khác. Về mặt đội ngũ CBGVNV, hầu hết là hợp đồng và rất khó được tuyển dụng vào biên chế nhà nước. Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học rất thấp.

Các đặc điểm trên làm cản trở rất nhiều đến việc huy động số trẻ em trong 3 độ tuổi ra học mẫu giáo nói chung, trẻ 5 tuổi ra học mẫu giáo nói riêng. Chất lượng chăm sóc, giáo dục cũng vì thế rất khó được cải thiện đáng kể, cụ thể là:

- Về mặt số lượng: Hiện chỉ huy động được hơn 70% trẻ trong 3 độ tuổi và hơn 80% trẻ trong độ tuổi 5 tuổi ra học mẫu giáo.

- Về mặt chất lượng: Tuy có được cải thiện nhưng nhìn chung chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đảm bảo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nguyên nhân cơ bản là do thiếu kinh phí, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn nghèo nàn, đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu và chế độ đãi ngộ đối với số lao động hợp đồng thường rất thấp nên chưa động viên được đội ngũ này toàn tâm, toàn ý cho công việc.

2.4. Về kinh phí hoạt động của các trường mầm non bán công

Năm

Tổng kinh phí hoạt động

Nguồn học phí

Ngân sách hỗ trợ

Tỷ lệ từ ngân sách hỗ trợ

2008

53.296 triệu

9.987 triệu

43.309 triệu

81%

2009

58.661 triệu

10.375 triệu

48.286 triệu

82%

2010

68.172 triệu

10.945 triệu

57.227 triệu

84%

Như vậy, mặc dù là những trường bán công nhưng hằng năm ngân sách nhà nước đều phải đầu tư rất lớn, bình quân trong 3 năm qua chiếm đến 82,6 % trên tổng kinh phí hoạt động trong các trường học.

II. ĐỊNH HƯỚNG, MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC VÀ GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI

1. Định hướng các mô hình chuyển đổi

Thực hiện hướng dẫn của Trung ương, trên phạm vi toàn quốc có các mô hình chuyển đổi các trường mầm non bán công như sau:

1.1. Chuyển sang trường dân lập hoặc tư thục

Chuyển sang loại hình này đang gặp khó khăn, vì ít nhà đầu tư tham gia đăng ký đầu tư, vì thế hầu như không có tỉnh, thành phố nào chuyển các trường bán công sang dân lập hay tư thục.

Tuy nhiên, tập thể hoặc cá nhân nào có mong muốn đầu tư để chuyển đổi sang loại hình trường tư thục trong một thời gian nhất định sẽ được Nhà nước khuyến khích và ưu đãi về cho thuê và xây dựng cơ sở vật chất, về giao đất và cho thuê đất, về lệ phí trước bạ, thuế GTGT, thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng và huy động vốn, về BHXH, BHYT, khen thưởng và xử lý tài sản khi chuyển đổi hình thức hoạt động.

1.2. Chuyển sang trường công lập

Đây là xu hướng phổ biến hiện nay nhằm tạo điều kiện cho con em lao động được học tập và hưởng thụ thành quả của nền giáo dục một cách công bằng, bình đẳng, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam còn nghèo.

Thực tế hiện tại UBND các huyện, thành phố trong tỉnh có trường mầm non bán công đều có văn bản đề nghị chuyển 100% số trường mầm non bán công hiện có sang loại hình trường công lập.

2. Mục đích

- Thực hiện Luật Giáo dục ngày 14/6/2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2009.

- Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010.

- Tiếp tục huy động sự tham gia của xã hội vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục bên cạnh sự gia tăng ngân sách đầu tư hàng năm của Nhà nước, đảm bảo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

- Đổi mới cơ chế quản lý, phát triển quy mô và nâng cao chất lượng một cách phù hợp; phát huy cao độ nội lực, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính để các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện hoạt động dạy - học, phát huy tối đa vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với sự phát triển nhà trường.

- Việc chuyển đổi mô hình trường bán công sang công lập nhằm đảm bảo tính công bằng trong giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo một cách toàn diện.

3. Mục tiêu cụ thể

3.1. Đối với trường mẫu giáo bán công:

Chuyển tất cả trường mẫu giáo bán công trên địa bàn tỉnh sang trường mẫu giáo công lập, trực thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố để tiến hành thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi theo Đề án của Chính phủ, theo Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

3.2. Đối với trường mầm non bán công (vừa có lớp nhà trẻ, vừa có lớp mẫu giáo)

- Hướng chung, kể từ năm học 2010 - 2011 đại bộ phận các trường mới được chuyển sang công lập chỉ duy trì số cháu nhà trẻ hiện có và không tuyển mới, để trong thời gian tối đa 02 năm các trường này chỉ còn tiếp nhận những cháu trong độ tuổi mẫu giáo (từ 03 đến 05 tuổi) và khi đó được gọi tên là trường mẫu giáo công lập.

- Để có mô hình tiêu biểu trong việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu trong độ tuổi nhà trẻ, mỗi huyện, thành phố tuỳ theo điều kiện của mình, có thể giữ lại từ 01 đến 02 trường mầm non công lập (có cả mẫu giáo và nhà trẻ) được chuyển từ trường bán công sang.

3.3 Đối với nhà trẻ và các nhóm trẻ tư nhân

Đẩy mạnh xã hội hoá đối với lĩnh vực chăm sóc, giáo dục cho các cháu trong độ tuổi nhà trẻ (từ 0 tuổi đến dưới 03 tuổi) bằng cách mở rộng cho tư nhân đảm nhận dưới hình thức nhà trẻ tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình.

Các cấp, các ngành có bước chuẩn bị thích hợp và các giải pháp hữu hiệu để khuyến khích đẩy mạnh việc mở các nhà trẻ tư thục và nhóm trẻ gia đình tư nhân theo đúng tinh thần Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và các văn bản khác của Trung ương, của tỉnh về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường nhằm đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của con em nhân dân.

Cá biệt, ở những nơi chưa có điều kiện để xây dựng và phát triển nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ gia đình tư thục nhằm đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ cháu, UBND các huyện, thành phố có thể cho phép các trường mầm non công lập được chuyển từ trường mầm non bán công sang vẫn tiếp tục thu nhận các cháu trong độ tuổi nhà trẻ nếu có khả năng về cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên… Mức thu học phí đối với các trẻ ở các trường này được thực hiện theo hướng: có sự thoả thuận giữa nhà trường và gia đình của trẻ, tự cân đối thu chi và phi lợi nhuận. Việc thu, quản lý và sử dụng nguồn thu này phải đảm bảo công khai, minh bạch và đúng nguyên tắc tài chính.

Ở các huyện miền núi, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (có quyết định công nhận của các cơ quan có thẩm quyền) thì tuỳ theo khả năng ngân sách, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên và nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ các cháu, UBND các huyện xem xét và quyết định việc giữ lại hay không giữ lại số lượng bao nhiêu cháu trong độ tuổi nhà trẻ từng trường mầm non công lập ở đơn vị mình. Mức thu học phí các cháu độ tuổi nhà trẻ ở các đơn vị này sẽ được áp dụng theo mức dành cho trẻ ở các đơn vị công lập do HĐND tỉnh quyết định.

4. Nguyên tắc

Quá trình chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang công lập phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như sau:

- Đảm bảo thực hiện đúng Luật giáo dục hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục.

- Ổn định và phát huy được các mặt mạnh vốn có của hệ thống giáo dục của tỉnh.

- Phù hợp với thực tiễn và đặc điểm của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, được sự đồng tình ủng hộ của xã hội, từng bước thực hiện công bằng trong giáo dục.

5. Các giải pháp thực hiện chuyển đổi

5.1. Giải pháp về tuyên truyền vận động

Các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm cho mọi người nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục mầm non nói chung, của việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập nói riêng.

5.2. Giải pháp về tài chính

Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ tài chính, Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt phân loại đơn vị tự chủ về tài chính.

a) Về mức thu học phí sau khi chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập:

Trong thời gian chờ ban hành quy định về mức thu học phí mới, tạm thời giữ nguyên mức thu học phí của trường mầm non bán công theo quy định tại Quyết định số 108/2003/QĐ-UB ngày 03/10/2003 của UBND tỉnh về quy định mức thu và sử dụng tiền học phí, tiền xây dựng trường theo Nghị quyết số 71/2003/NQ-HĐND ngày 06/8/2003 của HĐND tỉnh và Quyết định số 09/2004/QĐ-UB ngày 30/01/2004 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 108/2003/QĐ-UB ngày 03/10/2003.

Khi có quy định về điều chỉnh mức thu học phí (trong đó có quy định mức thu thấp nhất và cao nhất cho mỗi bậc học, cấp học của từng vùng, miền), đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức thu học phí mới cho cấp học mầm non theo hướng như sau:

- Đối với các lớp nhà trẻ:

+ Nếu trong thời gian còn ở trong trường mầm non công lập mới được chuyển từ bán công sang thì thu theo mức trong khung quy định về mức thu học phí của Chính phủ nhưng ở mức cao và có chú ý đến sự phù hợp với từng vùng, miền.

+ Đối với nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình: Mức thu do thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục với gia đình của trẻ.

- Đối với các lớp mẫu giáo:

+ Đối với các cháu mẫu giáo 5 tuổi: Thu theo mức thu trong khung quy định về mức thu học phí của Chính phủ nhưng thu ở mức thấp, có chú ý đến sự phù hợp với từng vùng, miền nhằm thực hiện yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo quy định của Luật sửa đổi và bổ sung Luật Giáo dục được Quốc hội ban hành năm 2009 và Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015.

+ Đối với các cháu mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi: Thu theo mức thu trong khung quy định về mức thu học phí của Chính phủ nhưng thu ở mức cao và có chú ý đến sự phù hợp với từng vùng, miền.

b) Kinh phí cần bổ sung hằng năm

- Trong khi vẫn duy trì mức thu học phí hiện hành theo quy định của HĐND và UBND tỉnh, nếu thiếu kinh phí thì Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Tài chính huyện, thành phố xem xét tham mưu UBND huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh để bổ sung kinh phí phù hợp.

c) Về đối tượng miễn giảm và mức miễn giảm

Tạm thời thực hiện theo quy định tại Quyết định số 108/2003/QĐ-UB ngày 03/10/2003 của UBND tỉnh về quy định mức thu và sử dụng tiền học phí, tiền xây dựng trường theo Nghị quyết số 71/2003/NQ-HĐND ngày 06/8/2003 của HĐND tỉnh và Quyết định số 09/2004/QĐ-UB ngày 30/01/2004 của UBND tỉnh về sửa đổi và bổ sung Quyết định số 108/2003/QĐ-UB ngày 03/10/2003 và sẽ điều chỉnh khi có quy định chính thức về điều chỉnh mức thu học phí mới.

5.3. Giải pháp về cơ cấu tổ chức và xây dựng đội ngũ CBGVNV

a) Cơ cấu tổ chức

Giữ nguyên các tổ chức hiện có bên trong của từng đơn vị, từng bước củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy.

Trường mầm non bán công khi được chuyển sang trường công lập hoạt động theo Điều lệ trường công lập cùng cấp học, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và các quy định hiện hành của Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên

Nhu cầu bổ sung đội ngũ theo định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, cụ thể như sau:

Chức danh

Nhu cầu

B.chế hiện có

Cần bổ sung

Ghi chú

CBQL

- Hiệu trưởng

- Phó Hiệu trưởng

(bq 1,5 cán bộ/trường)

522

209

313

345

205

140

177

04

173

 

209 trường

 

 

(bq 1,3 g.viên/lớp)

2.325

861

1.464

1.789 lớp

(bq 3 nhân viên/trường)

627

103

524

 

Cộng:

3.474

1.309

2.165

 

Đối với số CBQL, giáo viên, nhân viên hiện còn đang thiếu so với định mức quy định tại Thông tư Liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào quy mô phát triển của cấp học mầm non, khả năng cân đối về tài chính để bổ sung dần, đảm bảo đến năm 2015 có đủ số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo định mức quy định.

Tiến hành rà soát về số lượng, cơ cấu, trình độ, năng lực, phẩm chất để đánh giá thực trạng đội ngũ hiện có và đề ra kế hoạch nhằm xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu và đảm bảo về trình độ, năng lực công tác.

Đánh giá lại đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hợp đồng, đề xuất nhu cầu tuyển dụng viên chức sự nghiệp, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế theo từng năm học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

- Đối với người lao động trong biên chế nhà nước được giữ nguyên biên chế và được hưởng mọi quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước.

- Đối với người lao động ngoài biên chế nhà nước, giải quyết theo các hướng sau:

+ Tuyển dụng vào biên chế theo quy định hiện hành của nhà nước, nhất là đối với các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

+ Ưu tiên ký hợp đồng lao động lại đối với những người đủ điều kiện và đã hợp đồng nhiều năm theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động. Người lao động ký hợp đồng được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo các quy định hiện hành của nhà nước như các đối tượng trong biên chế nhà nước.

+ Đối với số giáo viên đảm nhận việc nuôi dạy các cháu trong độ tuổi nhà trẻ ở các trường công lập được chuyển từ trường bán công sang, nếu đến thời điểm không còn các cháu trong độ tuổi nhà trẻ ở các trường này thì hướng giải quyết như sau:

* Đội ngũ cô giáo được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ là giáo viên mẫu giáo thì chuyển sang dạy mẫu giáo.

* Số cô giáo được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ là cô nuôi dạy trẻ thì bổ túc thêm kiến thức về phần nuôi và chăm sóc trẻ để đảm nhận phần nuôi dưỡng, chăm sóc, còn phần giảng dạy thì do các cô giáo có chuyên môn nghiệp vụ là giáo viên mẫu giáo đảm nhận.

- Để giảm bớt thiệt thòi cho số giáo viên, nhân viên đã hợp đồng giảng dạy và làm việc lâu năm tại các cơ sở giáo dục ở bậc học mầm non, việc sắp xếp lại mức lương cho các đối tượng này có thể thực hiện theo phương án sau:

Sau khi chuyển đổi các trường mầm non từ bán công sang công lập, cần tiến hành ký hợp đồng lại đối với số giáo viên, nhân viên đã và đang được hợp đồng trước đây và mức chi trả lương được giải quyết theo hướng sau:

* Đối với giáo viên, nhân viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ tốt nghiệp trung cấp trở xuống, đã có 02 năm công tác được tính một bậc lương. Căn cứ vào tổng số năm đã giảng dạy, làm việc để xếp lại bậc lương tương ứng trước khi ký hợp đồng.

* Đối với giáo viên, nhân viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học trở lên, đã có 03 năm công tác được tính một bậc lương. Căn cứ vào tổng số năm đã giảng dạy, làm việc để xếp lại bậc lương tương ứng trước khi ký hợp đồng.

(Không lấy bậc lương được ký thỏa thuận hợp đồng sau khi được xếp lại làm căn cứ để tính truy lĩnh tiền lương thời gian công tác trước khi ký hợp đồng mới).

Giao Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn việc tính chế độ trích nộp và trợ cấp BHXH cho các đối tượng này.

5.4. Giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học

Trong Đề án phát triển mầm non miền núi đã có kế hoạch đầu tư: 112,815 tỉ đồng, kinh phí kiên cố hóa trường lớp học đầu tư 54 tỉ đồng xây dựng 353 phòng học, cấp huyện bổ sung khoảng 24 tỉ đồng.

Ngoài ra, cần lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn xây dựng cơ bản, vốn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, vốn từ chương trình kiên cố hóa trường học, vốn từ Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi do Chính phủ phê duyệt và các nguồn vốn, nguồn tài trợ khác để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tu sửa, mua sắm cơ sở vật chất - thiết bị dạy học cho các trường mầm non theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa và đồng bộ hóa.

III. QUY TRÌNH, THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Quy trình chuyển đổi

a) Lập Hội đồng thẩm định

Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố, các thành viên gồm lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (Ủy viên thường trực), Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch và Văn phòng HĐND, UBND huyện, thành phố.

Nhiệm vụ: Thẩm định Đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập thuộc UBND huyện, thành phố, hoàn thành đầy đủ hồ sơ trình UBND huyện, thành phố xem xét, quyết định.

b) Các bước thực hiện Đề án

- Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai, hướng dẫn các trường mầm non bán công xây dựng đề án chuyển đổi của trường.

- Hiệu trưởng các trường mầm non bán công xây dựng đề án chuyển đổi của đơn vị phải lấy ý kiến tổ chức Đảng, Công đoàn, Hội đồng sư phạm nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh trước khi trình Hội đồng thẩm định phê duyệt.

2. Thời gian thực hiện       

Đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập được thực hiện sau khi HĐND tỉnh thông qua. Việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

A. Cấp tỉnh

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, tổng hợp kết quả chuyển đổi loại hình trường mầm non trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể, phù hợp theo phương thức HĐND tỉnh đã thông qua.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính bố trí đầy đủ nguồn vốn đảm bảo triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành liên quan tham mưu nguồn kinh phí triển khai thực hiện Đề án hiệu quả và hướng dẫn các ngành, UBND các huyện, thành phố quản lý, sử dụng kinh phí đảm bảo đúng quy định trong quá trình thực hiện Đề án.

4. Sở Nội vụ

- Hướng dẫn phòng Nội vụ về nội dung, trình tự, thủ tục thẩm định trình UBND cấp huyện ra quyết định chuyển đổi các loại hình trường mầm non bán công sang công lập.

- Thẩm định kế hoạch tuyển dụng biên chế viên chức giáo dục mầm non của UBND cấp huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt.

5. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn việc thu, trích nộp và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non sau khi chuyển đổi từ trường bán công sang trường công lập theo Đề án này.

B. UBND huyện, thành phố

- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập tại địa phương.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định và hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; Kiểm tra, tổng hợp kết quả chuyển đổi loại hình trường mầm non trên địa bàn, báo cáo UBND huyện, thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo; Xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2010 - 2011 và những năm tiếp theo; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng định mức kinh phí hỗ trợ hàng năm, đảm bảo nguồn chi, thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch căn cứ phương án tài chính của đơn vị xây dựng và đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện thẩm định để Phòng Giáo dục và Đào tạo trình UBND huyện, thành phố phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; Căn cứ Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND huyện, thành phố về giao dự toán thu - chi ngân sách hằng năm và bổ sung dự toán (nếu có) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

- Chỉ đạo Phòng Nội vụ thẩm định nhu cầu biên chế của từng trường, tổng hợp xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên mầm non của huyện, thành phố trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tham mưu UBND huyện, thành phố ra quyết định chuyển đổi loại hình trường mầm non sau khi được HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (nơi có trường mầm non bán công được chuyển đổi sang công lập) phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vị trí, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục mầm non nói chung, của việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập nói riêng; Phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chuyển đổi trường mầm non bán công thành trường mầm non công lập trên địa bàn đạt kết quả tốt; Tạo điều kiện thuận lợi để trường mầm non bán công trên địa bàn chuyển sang trường công lập hoạt động có hiệu quả cả trong quá trình chuyển đổi và sau khi chuyển đổi.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan báo cáo kịp thời UBND tỉnh để xem xét, điều chỉnh phù hợp./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2232/QĐ-UBND năm 2010 về Đề án chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non công lập do Tỉnh Quảng Nam ban hành

  • Số hiệu: 2232/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Minh Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản