Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2227/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030,

Căn cứ Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 18/01/2012 của Tỉnh ủy Bắc Giang về việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề An toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Kế hoạch số 959/KH-UBND ngày 15/5/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 96/TTr-SYT ngày 30/11/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020 (Có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì tổ chức, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Đề án.

Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các Tổ chức CT-XH tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.
Bản điện t:
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, TKCT, TH, KT, NC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ánh Dương

 

ĐỀ ÁN

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 2227/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền, phát sinh qua thực phẩm, duy trì phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, ổn định trật tự chính trị xã hội, thể hiện nếp sống văn minh.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế của nước ta chuyển sang cơ chế thị trường. Các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nhập từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trong nước, việc lạm dụng các hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng quá mức, không được kiểm soát sử dụng trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; sản phẩm thực phẩm không đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý; nhãn hàng, quảng cáo không đúng sự thật là khá phổ biến. Thực phẩm nhập từ nước ngoài, nhất là qua đường tiểu ngạch rất lớn, hầu hết không được kiểm soát về VSATTP.

Những thiệt hại do không đảm bảo VSATTP gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế và cả trật tự, an toàn xã hội. Về sức khỏe, ngộ độc thực phẩm, các bệnh cấp và mạn tính nguy hiểm do thực phẩm bẩn nếu nặng có thể gây tử vong, nhẹ cũng làm cho suy giảm sức khỏe, đau yếu do bệnh tật thường xuyên, về kinh tế đó là chi phí khám bệnh, phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, mất thu nhập do phải nghỉ làm... Về trật tự, an toàn xã hội, nó gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, dẫn đến giảm sút lòng tin với hoạt động quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng...

Trong hoạt động bảo đảm VSATTP, công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định vì nó là cơ sở để làm thay đổi nhận thức, hành vi của đông đảo nhân dân, lực lượng quyết định cho thắng lợi của công tác này. Những năm vừa qua, công tác tuyên truyền về VSATTP của tỉnh ta đã được tích cực triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều nội dung, hình thức hoạt động tuyên truyền về VSATTP đã được triển khai thực hiện thường xuyên, nhận thức của cán bộ quản lý, của đông đảo nhân dân về tầm quan trọng của VSATTP đã có chuyển biến tích cực, dư luận xã hội đã có những phản ứng khá mạnh mẽ, cảnh giác khi có những hiện tượng, vụ việc VSATTP không bảo đảm xảy ra. Người dân băn khoăn và cẩn thận hơn khi đi mua, chế biến và sử dụng thực phẩm. Tuy nhiên công tác này thời gian qua cũng có những hạn chế, khó khăn nhất định, việc tuyên truyền về VSATTP còn chưa sâu, chưa sát với thực tế, việc tiếp cận mạnh mẽ đồng bộ ở những khu vực trọng điểm chưa đủ mạnh để làm chuyển biến từ nhận thức sang hành vi của người dân. Việc phổ biến kiến thức, phổ biến luật pháp về VSATTP chưa sâu, chưa cụ thể, thể hiện ở việc người dân mới chỉ quan tâm, bức xúc với từng vụ việc không đảm bảo VSATTP được phát hiện, trong khi kiến thức về lựa chọn, phân biệt thực phẩm an toàn và chưa an toàn, kiến thức về quy định của pháp luật về xử lý vi phạm VSATTP chưa tốt, nhất là những người trực tiếp nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm chưa tuân thủ tốt quy định của luật pháp về VSATTP.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Phải xác định, vấn đề đảm bảo VSATTP là vấn đề lớn, nan giải, phải làm quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên, có sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng, đặc biệt là sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của cấp ủy và chính quyền các cấp. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tuyên truyền về VSATTP, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, người nuôi trồng, sản xuất, chế biến thực phẩm và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về VSATTP. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, khắc phục được những hạn chế của những năm trước đây, phát huy hiệu quả của công tác này, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh.

Với quyết tâm tập trung chỉ đạo, đảm bảo nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020 như sau:

II. Căn cứ xây dựng Đề án

- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

- Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật An toàn thực phẩm;

- Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030;

- Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 18/01/2012 của Tỉnh ủy Bắc Giang về việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề An toàn thực phẩm trong tình hình mới;

- Kế hoạch số 959/KH-UBND ngày 15/5/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2012-2017

I. Những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền VSATTP

Những năm vừa qua, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức, pháp luật về VSATTP đã được các ngành, các địa phương quan tâm, triển khai thực hiện, đặc biệt trong các đợt cao điểm như dịp Tết, tháng hành động vì VSATTP, lễ hội, mùa hè, các sự kiện do địa phương tổ chức... Hình thức và nội dung tuyên truyền ngày càng được mở rộng, phát huy được hiệu quả; công tác tuyên truyền VSATTP luôn đi đôi, đồng bộ với công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức tập huấn, hội thảo khoa học; nội dung triển khai học tập, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về VSATTP, các kế hoạch của tỉnh được chú trọng, Trung bình mỗi năm toàn tỉnh tổ chức được khoảng 90 hội nghị, lễ phát động triển khai tháng hành động về VSATTP với hơn 11.000 lượt người tham gia; tổ chức hàng nghìn cuộc nói chuyện, thu hút được trên 400.000 lượt người tham dự... Hàng trăm tin, bài tuyên truyền kiến thức pháp luật, hoạt động về VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các Bản tin nội bộ để làm tài liệu sinh hoạt tại các chi, đảng bộ và trong các ngành cũng như trong nhân dân; trình chiếu các tiểu phẩm tuyên truyền về VSATTP tại các buổi chiếu phim lưu động thuộc các huyện miền núi...

Kết quả hoạt động tuyên truyền về VSATTP đã góp phần cải thiện, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về VSATTP của người dân và các lực lượng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ người có kiến thức, thực hành đúng về VSATTP của các nhóm đối tượng truyền thông đạt tỷ lệ khá; Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý có kiến thức, thực hành đúng về VSATTP đạt 81,4%; tỷ lệ người trực tiếp sản xuất thực phẩm đạt 72,5%; tỷ lệ người làm kinh doanh thực phẩm đạt 71,4%; tỷ lệ người tiêu dùng thực phẩm đạt 70,8% (Chi tiết tại Phụ lục 1).

II. Tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền VSATTP và nguyên nhân

1. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nhân lực làm công tác tuyên truyền VSATTP

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền về VSATTP còn hạn chế, chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các thời gian cao điểm có chiến dịch, có tháng hành động. Việc phối hợp giữa các ban ngành có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Chưa giao thành chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về tuyên truyền VSATTP cho các đơn vị, địa phương, việc kiểm tra, giám sát hoạt động này còn ít. Nguồn nhân lực làm công tác tuyên truyền VSATTP rất thiếu về số lượng, và hạn chế về chất lượng, nhất là cán bộ chuyên trách. Tổng số cán bộ tham gia làm công tác tuyên truyền VSATTP tại các cấp là 1.430 người, trong đó cán bộ chuyên trách chỉ chiếm chiếm 4,2%. Kể cả cán bộ chuyên trách cũng không chỉ làm riêng về tuyên truyền VSATTP mà còn được giao làm nhiều hoạt động chuyên môn khác của các đơn vị. Trong các đơn vị chuyên môn, tâm lý nhiều cán bộ không thích làm công tác tuyên truyền, truyền thông.

Nguyên nhân do sự quan tâm chưa đúng mức của lãnh đạo các địa phương, đơn vị làm công tác này, việc phân công nhiệm vụ, bố trí cán bộ làm công tác tuyên truyền VSATTP chưa hợp lý, thiếu ổn định. Cán bộ làm công tác tuyên truyền chưa có chế độ thỏa đáng nên ảnh hưởng đến sự nhiệt tình, yêu nghề của cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền viên ở cơ sở,

2. Hình thức tuyên truyền

- Tuyên truyền trực tiếp

Trong những năm qua, hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng còn đơn điệu, số lượng ít, chưa tập trung cho trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao. Hình thức truyền thông trực tiếp chủ yếu là: Tổ chức các lễ phát động, hội nghị tại tỉnh hoặc các huyện, thành phố, đối tượng tham dự đa phần là cán bộ, học sinh, phụ nữ, thanh niên của các cơ quan, tổ chức nhà nước, số người trực tiếp và liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân còn ít. Việc lồng ghép tuyên truyền VSATTP tại các buổi họp, sinh hoạt của một số hội, đoàn thể chưa nhiều, trung bình chỉ được hơn 20 lần/xã, phường, thị trấn/năm, thời lượng dành cho nội dung tuyên truyền VSATTP tại các buổi này chưa nhiều. Việc tuyên truyền trực tiếp tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao về mất VSATTP như các chợ, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp, nhà trường có bếp ăn tập thể còn quá ít, hiệu quả thấp.

Nguyên nhân do thiếu các phương tiện nghe nhìn ở cơ sở, tài liệu không đầy đủ. Lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp, nhà trường chưa quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thỏa đáng cho công tác tuyên truyền VSATTP tại chính đơn vị mình. Các đơn vị quản lý thì chưa quan tâm đúng mức để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc hoạt động tuyên truyền VSATTP tại các khu vực này.

- Tuyên truyền gián tiếp

Đây là hình thức tuyên truyền được thực hiện nhiều trong thời gian qua và đã phát huy được tính tích cực, tuy nhiên chất lượng chưa cao, thường tập trung vào các đợt cao điểm như chiến dịch, tháng hành động. Thời lượng dành cho phát sóng, đăng bài còn khiêm tốn, thời điểm phát sóng, đăng bài chưa được ưu tiên đúng mức nên hiệu quả còn hạn chế. Chưa duy trì được thường xuyên nội dung ATTP trên chuyên mục, chuyên trang trên sóng Đài PT&TH tỉnh và Báo Bắc Giang. Chưa phát huy được kênh tuyên truyền trên hệ thống các trang Web của cơ quan chức năng, đơn vị có nhiệm vụ về VSATTP và trên mạng xã hội,

Nguyên nhân là các đơn vị chưa chủ động về kế hoạch, chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, cơ quan và cá nhân, nguồn kinh phí đầu tư cho hình thức tuyên truyền này còn hạn hẹp, chưa tận dụng hết các kênh tuyên truyền phổ biến trong xã hội.

- Tuyên truyền lưu động: Đây cũng là phương pháp tuyên truyền mang lại hiệu quả, phù hợp với vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên những năm qua được triển khai thực hiện còn hạn chế, trung bình mỗi năm mỗi huyện/thành phố chỉ thực hiện 01 lần. Nguyên nhân do thiếu kinh phí hoạt động.

- Tuyên truyền thông qua các ấn phẩm, tài liệu

Hình thức tuyên truyền này còn rất yếu, các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền ít, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung ương cấp, số lượng ngày càng giảm, không đủ để cấp phát, sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng. Tính trung bình mỗi huyện/thành phố chỉ được cấp hơn 200 bản tài liệu; hơn 3000 tờ rơi, chủ yếu là áp phích, hình thức Pano, tranh tuyên truyền, băng roll rất ít, chỉ có lác đác ở một số địa phương khi vào chiến dịch, tháng cao điểm. Không có những ấn phẩm, tài liệu riêng của tỉnh tuyên truyền về VSATTP.

Nguyên nhân do thiếu kinh phí, mặt khác năng lực viết bài, biên soạn tài liệu, biên tập của cán bộ làm công tác tuyên truyền về VSATTP còn hạn chế.

3. Hạn chế về nội dung tuyên truyền VSATTP

Thời gian vừa qua, nội dung tuyên truyền về VSATTP chủ yếu dựa vào tài liệu do Trung ương cấp, chưa sát thực tế, nhu cầu của từng nhóm đối tượng, điều kiện tại địa phương, nội dung chủ yếu tập trung vào đưa tin các hoạt động bề nổi, đưa tin các vụ ngộ độc thực phẩm, ít đề cập đến phổ biến kiến thức, pháp luật về VSATTP, chưa đi sâu vào những nội dung phổ biến, hướng dẫn kiến thức và kỹ năng thực hành về VSATTP sát thực với các nhóm đối tượng khác nhau, nội dung ít được cập nhật thường xuyên, dẫn đến đơn điệu, nhàm chán, chưa thu hút được sự quan tâm của người nghe. Chưa nêu gương, biểu dương được nhiều gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay về VSATTP, cũng chưa mạnh dạn thông tin, phê phán những cá nhân, tập thể vi phạm quy định của luật pháp về VSATTP trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Nguyên nhân do hầu hết cán bộ làm tuyên truyền VSATTP còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hàng năm ít được tập huấn, cập nhật để nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về tuyên truyền.

4. Hạn chế trong nhận thức, thực hành về VSATTP

Các nhóm đối tượng tuyên truyền có hiểu biết, thực hành không đúng những quy định về VSATTP còn cao: Nhóm lãnh đạo quản lý Nhà nước còn 17,7%; Nhóm lãnh đạo quản lý trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn 21,7%; nhóm trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm còn 27,5%; nhóm kinh doanh thực phẩm còn 28,6%; nhóm người tiêu dùng thực phẩm còn 29,2%.

Nguyên nhân là do các nhóm đối tượng không ổn định, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hướng dẫn thực hành về VSATTP chưa đủ mạnh, hiệu quả chưa cao. Nhóm cán bộ quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa được tập huấn, cập nhật thường xuyên, đầy đủ về quy định của luật pháp; kiến thức, thực hành về quy trình công nghệ sản xuất, chế biến thực phẩm chưa tốt.

5. Tình hình ngộ độc thực phẩm

Giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính, với 842 người mắc. 100% số vụ ngộ độc thực phẩm là do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật. Số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể là 12 vụ, chiếm 50% số vụ. Ngoài ra hàng năm trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh đơn lẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy... phải vào điều trị tại các cơ sở y tế, nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát tốt về VSATTP (Chi tiết tại Phụ lục 2).

Nguyên nhân trực tiếp là do việc đảm bảo VSATTP ở một số doanh nghiệp cung ứng suất ăn cho người lao động không thực hiện nghiêm ngặt và thường xuyên về VSATTP; nhiều gia đình chưa có ý thức cao, chưa có kiến thức về việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình, nhất là khi tổ chức ăn uống tập trung trong các buổi tiệc cưới, lễ hội... Nguyên nhân sâu xa là những người sản xuất, chế biến thực phẩm và người dân khi sử dụng thực phẩm chưa được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ về kiến thức, kỹ năng thực hành về VSATTP, chưa thấy được trách nhiệm to lớn của cá nhân và tập thể đối với công tác VSATTP.

6. Khó khăn về nguồn kinh phí

Kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức, pháp luật về VSATTP những năm qua rất khó khăn. Nguồn kinh phí chủ yếu do Trung ương hỗ trợ thông qua dự án VSATTP hàng năm, trung bình mỗi năm tỉnh được Trung ương hỗ trợ khoảng 275 triệu đồng cho hoạt động này, chiếm tỷ trọng 28,14% so với số kinh phí Trung ương cấp cho chương trình VSATTP và chương trình mục tiêu y tế - dân số. Hàng năm ngân sách tỉnh cũng cấp đối ứng, bổ sung một phần nhưng chủ yếu cho một số hoạt động cụ thể trong các chiến dịch, tháng cao điểm, hầu như không có kinh phí cho hoạt động tuyên truyền. Các địa phương (huyện, xã) không bố trí kinh phí cho hoạt động này trong kế hoạch hàng năm, khi vào các chiến dịch, tháng cao điểm chỉ làm một số rất ít các băng rôn vượt đường treo ở một vài địa điểm trung tâm tại địa phương, tác dụng tuyên truyền không lớn.

Nguyên nhân do nhiều địa phương chưa quán triệt tốt vị trí, tầm quan trọng của công tác VSATTP, nhất là công tác tuyên truyền VSATTP, không giao chỉ tiêu, không có kế hoạch bố trí kinh phí cho công tác này hàng năm. Mặt khác kinh phí Trung ương những năm vừa qua ngoài ngân sách nhà nước có sự tài trợ khá lớn của các tổ chức quốc tế, nay bị cắt giảm, chỉ chủ yếu còn nguồn ngân sách nên rất hạn chế. Chưa huy động được nguồn xã hội hóa cho hoạt động này, sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, những doanh nghiệp lớn có bếp ăn tập thể không có, việc bảo đảm kinh phí cho hoạt động tuyên truyền tại chính các doanh nghiệp cũng rất hạn chế.

(Chi tiết tại Phụ lục 3).

Phần thứ ba

MỤC TIÊU, NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu, chỉ tiêu

1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức của người quản lý; người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm về an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân trên địa bàn.

2. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020

- ≥ 98% người quản lý; ≥ 95% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; ≥ 80% người tiêu dùng thực phẩm có kiến thức thực hành đúng về ATTP;

- 100% cán bộ quản lý ATTP các cấp, cộng tác viên ATTP ở tuyến xã, phường, thị trấn được tập huấn thường xuyên hàng năm để cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về VSATTP;

- Tỷ lệ người có kiến thức, thực hành đúng về ATTP có kiến thức, thực hành đúng về ATTP đối với đối tượng lãnh đạo quản lý đạt ≥ 95%; đối tượng trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm đạt ≥ 90%; đối tượng làm kinh doanh thực phẩm đạt ≥ 85%; đối tượng người tiêu dùng thực phẩm đạt ≥ 80%.

(Chi tiết tiến độ từng năm tại Phụ lục 4)

3. Đối tượng tuyên truyền

- Các nhà lãnh đạo, quản lý công tác VSATTP;

- Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm;

- Người tiêu dùng thực phẩm.

II. Nội dung đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, giai đoạn 2018-2020 cần tập trung triển khai thực hiện, đổi mới một số nội dung tuyên truyền về VSATTP như sau:

1. Đổi mới về hình thức tuyên truyền VSATTP

- Hình thức tuyên truyền trực tiếp: Bên cạnh tổ chức các chiến dịch, tháng hành động, phải tăng cường về số lượng các buổi tuyên truyền trực tiếp về VSATTP tại cộng đồng. Dành thời lượng tuyên truyền về VSATTP nhiều hơn trong các buổi họp, hội nghị của các cấp, các ngành, đặc biệt là các buổi họp dân ở thôn xóm, tổ dân phố. Tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề về VSATTP lồng ghép với các ngày tuyên truyền pháp luật định kỳ tại cơ sở, với các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như hái hoa dân chủ, biểu diễn sáng tác thơ văn, hò vè, tiểu phẩm... có nội dung tuyên truyền về VSATTP. Tập trung, tăng cường thực hiện tuyên truyền VSATTP tại các khu vực có nguy cơ cao, trọng điểm như chợ, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp, các trường học. Mở rộng hình thức tư vấn trực tiếp qua đường dây nóng, qua mạng xã hội...

- Hình thức tuyên truyền gián tiếp: Tăng cường tuyên truyền VSATTP thường xuyên liên tục trên đài, báo và các phương tiện truyền thông đại chúng khác, kể cả khi không có chiến dịch cao điểm hay không phải tháng hành động, Tăng thời lượng, phát sóng, đưa tin bài; duy trì, mở rộng nội dung tuyên truyền về VSATTP trên các chuyên mục, chuyên trang của đài, báo. Mở thêm các kênh tuyên truyền VSATTP trên các trang Web, trang mạng xã hội để dễ tiếp cận các nhóm đối tượng và truyền tải thông điệp tuyên truyền về VSATTP đến cộng đồng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

- Hình thức tuyên truyền lưu động: Tiếp tục duy trì và tăng cường hình thức này đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao và tập trung cho các chiến dịch, tháng hành động...đây là hình thức tuyên truyền có hiệu quả.

- Phát triển các ấn phẩm, tài liệu phục vụ tuyên truyền VSATTP: Trên cơ sở các tài liệu, vật tư tuyên truyền do Trung ương hỗ trợ, Phát huy tính sáng tạo, đẩy mạnh việc thiết kế, xây dựng, tự sản xuất các tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng của tỉnh; hình thức tài liệu thu hút được người xem, người đọc. Phục hồi lại, duy trì phát hành thường xuyên bản tin của ngành y tế và các ngành khác như Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương... trong đó có chuyên mục về VSATTP. Thường xuyên có bài viết tuyên truyền VSATTP lồng ghép trong ấn phẩm bản tin của các cấp ủy đảng, các ban, ngành liên quan có bản tin chuyên ngành. Tăng số lượng các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về VSATTP cho tỉnh và các địa phương, đảm bảo đầy đủ và phục vụ tốt các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở.

2. Đổi mới về nội dung tuyên truyền VSATTP:

- Nội dung tuyên truyền cần tập trung nhiều hơn cho việc phổ biến kiến thức, quy định của luật pháp về VSATTP và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy trình, quy phạm chuyên môn về VSATTP.

- Nội dung các tin, bài, thông điệp tuyên truyền phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ làm theo và được cập nhật, đổi mới thường xuyên về kiến thức, nội dung, không dập khuôn theo mẫu hoặc lặp đi lặp lại quá nhiều các thông điệp dễ gây nhàm chán. Thông tin trong tuyên truyền phải trung thực, kịp thời, khách quan, không cường điệu hóa gây hoang mang dư luận.

- Công khai biểu dương gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền cổ vũ, phổ biến khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn. Đồng thời phê phán những cá nhân, tập thể chưa thực hiện tốt các quy định về VSATTP trên các bản tin, bài báo, bảo đảm thông tin công khai, đầy đủ, chính xác đến người dân.

Phần thứ tư

GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền về VSATTP

1. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí cán bộ

- Kiện toàn lại Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp, hoàn thiện quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, duy trì hoạt động thường xuyên. Trong hoạt động, xác định lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động VSATTP.

- Hàng năm tỉnh và các địa phương (huyện, xã), các đơn vị, ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch bảo đảm VSATTP trong đó có giao chỉ tiêu về hoạt động tuyên truyền về VSATTP. Xây dựng lịch và thực hiện kiểm tra, đôn đốc hoạt động tuyên truyền về VSATTP định kỳ và đột xuất,

- Rà soát, bố trí cán bộ, giao nhiệm vụ cho cá nhân cán bộ và các tập thể làm công tác tuyên truyền về VSATTP theo hướng chuyên trách, ổn định.

- Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến pháp luật, kiến thức quản lý, kỹ năng tuyên truyền về VSATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm... cho cán bộ lãnh đạo, quản lý VSATTP các cấp, các cộng tác viên, cán bộ chuyên trách của các ngành, các đơn vị, cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp làm việc về nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về VSATTP cho lãnh đạo và cán bộ y tế trường học; Đặc biệt là tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ chuyên trách về tuyên truyền VSATTP ở các cấp.

- Thường xuyên định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền VSATTP ở các cấp, các ngành, các đơn vị.

- Hàng năm tổ chức điều tra, đánh giá về kiến thức, hành vi về VSATTP trong các nhóm đối tượng để đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền VSATTP.

2. Giải pháp về phối hợp liên ngành trong hoạt động tuyên truyền VSATTP

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tuyên truyền về VSATTP ở các cấp, thực hiện chế độ thông tin, thông báo tình hình hoạt động giữa các ngành, các đơn vị, địa phương về hoạt động tuyên truyền VSATTP.

- Huy động đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, công thương, nông nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; các doanh nghiệp thực phẩm để phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động tuyên truyền VSATTP, hướng dẫn kiến thức pháp luật, thực hành bảo đảm ATTP thông qua hình thức tổ chức các phong trào cộng đồng dân cư và các cấp hội.

- Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống loa đài tại địa phương; đặc biệt là Đài PT&TH tỉnh, Báo Bắc Giang trong công tác tuyên truyền về VSATTP. Phối hợp tốt, thường xuyên với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, nhất là các đơn vị có cơ quan thường trú tại tỉnh để thống nhất thông tin tuyên truyền, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực và chủ động;

3. Giải pháp bảo đảm kinh phí cho hoạt động tuyên truyền VSATTP

- Hàng năm tỉnh và các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết về kinh phí cho công tác tuyên truyền VSATTP trong kinh phí cấp chung hoạt động VSATTP. Tăng tỷ lệ kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền VSATTP từ các nguồn do Trung ương hỗ trợ qua các chương trình dự án về VSATTP, nguồn do tỉnh và các địa phương cấp từ ngân sách cho các hoạt động VSATTP theo kế hoạch hàng năm.

- Tranh thủ nguồn kinh phí từ xã hội hóa, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đóng góp nguồn kinh phí cho hoạt động tuyên truyền VSATTP, doanh nghiệp tự bố trí kinh phí duy trì và mở rộng hoạt động tuyên truyền VSATTP thường xuyên tại doanh nghiệp,

- Tăng cường việc quản lý, sử dụng kinh phí trong hoạt động tuyên truyền về VSATTP bảo đảm đúng mục đích, đúng nội dung, đúng quy định hiện hành của Nhà nước, tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án: 5.400.000.000 đồng (Năm tỷ bốn trăm triệu đồng). Trong đó:

- Tuyến tỉnh: 3.300.000.000 đồng.

- Tuyến huyện, xã: 2.100.000.000 đồng

(Chi tiết nguồn vốn và nhu cầu kinh phí theo năm tại Phụ lục 5)

II. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế: Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án và kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động của đề án. Tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh và trực tiếp triển khai thực hiện một số hoạt động sau:

- Xây dựng mạng lưới làm công tác tuyên truyền VSATTP trong ngành y tế. Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông VSATTP cho cán bộ làm công tác tuyên truyền VSATTP trong ngành.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương, các ban, ngành, đoàn thể và đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền, giáo dục về VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, của Trung ương, trong các ngành. Tổ chức tuyên truyền trên trang Web của ngành và các đơn vị y tế, trên mạng xã hội. Duy trì việc công khai đường dây nóng tư vấn về VSATTP tại các đơn vị chức năng trong ngành ở các cấp.

- Làm đầu mối tham mưu tổ chức các chiến dịch, đợt cao điểm, tháng hành động về VSATTP, trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền.

- Phối hợp với các địa phương, các ban ngành, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật về VSATTP cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, nhất là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, chế biến xuất ăn; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, tập huấn về VSATTP cho cán bộ lãnh đạo trường học và y tế học đường.

- Xây dựng nội dung, sản xuất các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về VSATTP sử dụng trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức điều tra đánh giá về nhận thức, hành vi của các nhóm đối tượng để đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền VSATTP. Đồng thời tham mưu việc tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện đề án theo hình thức thích hợp.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, các hội để triển khai tập huấn, tuyên truyền, giáo dục về VSATTP cho người nuôi trồng nông, lâm, thủy sản thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý.

- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình, quy trình, quy phạm nuôi trồng nông, lâm, thủy sản thực phẩm sạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người tiêu dùng các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm thủy sản an toàn, không an toàn; duy trì công việc công khai đường dây nóng về VSATTP của các đơn vị chức năng trong ngành tại các cấp.

3. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, các hội để triển khai tập huấn, tuyên truyền, giáo dục về VSATTP cho người sản xuất, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp. Chú trọng tuyên truyền phổ biến về kiến thức, pháp luật VSATTP, các quy trình, quy phạm công nghệ sản xuất, bảo quản, kinh doanh bảo đảm VSATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Duy trì việc công khai đường dây nóng về VSATTP của các đơn vị chức năng trong ngành tại các cấp.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các các hoạt động của Đề án. Định hướng nội dung tuyên truyền cho các cơ quan báo chí; Đài truyền thanh các huyện, thành phố; hệ thống Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn về ATTP theo định kỳ tháng, quý, năm.

- Theo dõi đôn đốc các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP theo đề án này; giám sát việc quảng cáo thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật.

- Xem xét cấp phép cho việc sản xuất các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, quảng cáo về VSATTP cần phải cấp phép theo đúng quy định của luật pháp.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí bảo đảm VSATTP gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thay đổi những phong tục tập quán không đảm bảo VSATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng con người.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền vận động người dân bảo đảm VSATTP trong các khu du lịch, lễ hội, các sự kiện thể thao, văn hóa trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các trường học triển khai việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục về VSATTP vào các môn học phù hợp, các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức, hành vi về VSATTP cho học sinh, sinh viên. Thường xuyên tuyên truyền về VSATTP tới toàn thể giáo viên; các trường học có bếp ăn tập thể, căng tin kinh doanh ăn uống thực hiện tốt VSATTP.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ y tế học đường.

7. Đài PT&TH tỉnh, Báo Bắc Giang

- Thường xuyên duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng chuyên mục, chuyên trang về ATTP trên sóng Đài phát thanh và truyền hình, trên báo in vào báo điện tử theo chỉ tiêu đề án để thực hiện nội dung tuyên truyền; kịp thời biểu dương trên đài, báo các gương người tốt việc tốt, cũng như phê phán các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về VSATTP. Ưu tiên thời lượng, thời điểm phát sóng, đăng bài nội dung về VSATTP.

- Tăng số lượng tin, bài, phóng sự, phỏng vấn, video clip, hình ảnh, tổ chức các chương trình đối thoại, tọa đàm trực tiếp liên quan đến các nội dung về VSATTP phát trên sóng Đài phát thanh, truyền hình và đăng tải trên báo in, báo điện tử.

8. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trong kế hoạch hàng năm để đáp ứng yêu cầu thực hiện đề án.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và quản lý việc sử dụng kinh phí theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

9. Các sở, ban ngành khác: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chỉ đạo các đơn vị trong ngành, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về VSATTP tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động; các đơn vị có bếp ăn tập thể thực hiện tốt công tác bảo đảm VSATTP

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức giám sát, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền VSATTP trong ngành, đơn vị mình và ở địa phương. Gắn các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận với nội dung tuyên truyền về VSATTP.

11. UBND huyện, thành phố

- Hàng năm xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án của huyện, thành phố. Bố trí nguồn kinh phí của địa phương bảo đảm cho kế hoạch thực hiện đề án.

- Phối hợp với các sở chuyên ngành của tỉnh triển khai việc thực hiện các nội dung của đề án tại địa phương, đảm bảo hiệu quả, hoàn thành tiến độ chỉ tiêu kế hoạch theo quy định của đề án.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thực hành về VSATTP, ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP cho nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng. Không để ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

12. Chế độ kiểm tra, báo cáo, sơ kết, tổng kết

Định kỳ 6 tháng, UBND các huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án (qua Sở Y tế); hàng năm tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Đề án. Tháng 12/2020 tổ chức tổng kết thực hiện Đề án./.

 

PHỤ LỤC 1:

KẾT QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN KIẾN THỨC, PHÁP LUẬT VỀ VSATTP TỪ NĂM 2011 ĐẾN 2016
(Kèm theo Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020)

TT

Hoạt động

ĐV tính

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Cộng

TB năm

1

Lễ phát động/Hội nghị phát động tháng hành động

Buổi

105

93

62

108

115

56

539

90

Lượt người

24967

13951

6478

6326

12340

3598

67696

11283

2

Nói chuyện, hội nghị, hội thảo, tập huấn, hội nghị....

Buổi

12658

5254

10633

6549

832

899

36825

6138

Lượt người

805690

345717

1177598

505500

30397

44950

2909852

484975

3

Phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện

Lượt

24184

12556

12799

12890

12500

12850

87779

14630

4

Báo viết, báo điện tử

Bài

320

38

26

53

58

90

585

98

5

Sản phẩm truyền thông

Băng rôn, khẩu hiệu

Chiếc

1828

329

2086

1225

532

452

6452

1075

Tranh, pano, áp phích

Tờ

4835

975

1127

5061

778

800

12449

2075

Tờ gấp, tài liệu

Tờ

77104

2464

16250

44250

73172

9694

222934

37156

Băng, đĩa hình, đĩa âm

Chiếc

296

69

726

30

164

308

1593

266

Tuyên truyền cơ động

Buổi

12

9

11

11

11

 

54

9

Luật ATTP

Quyển

 

5886

 

 

 

 

5886

981

Tài liệu phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP

Quyển

 

3705

 

141

141

9611

13598

2266

Tạp chí sức khỏe và ATTP

Quyển

 

1500

 

 

 

 

1500

250

Bản tin về VSATTP

Quyển

1250

 

2093

6200

4800

8844

23187

3865

 

PHỤ LỤC 2:

TÌNH HÌNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH 2011-2016
(Kèm theo Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020)

Năm

Số vụ ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân do vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm qua TP

Sự cố về ATTP khác

Số lượng

Số ca mắc

Số người mắc

Số người bị tử vong do NĐTP

Số lượng

Số ca mắc

Số người mắc

Số người bị tử vong do NĐTP

2011

8

131

131

0

8

131

131

0

0

2012

2

25

25

0

2

25

25

0

0

2013

5

196

196

0

5

196

196

0

0

2014

3

250

250

0

3

250

250

0

0

2015

1

8

8

0

1

8

8

0

0

2016

5

232

232

0

5

232

232

0

0

Cộng

24

842

842

0

24

842

842

0

0

 

PHỤ LỤC 3:

KINH PHÍ CHI CHO CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VSATTP TỪ 2011-2016
(Kèm theo Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020)

ĐV tính: đồng

Năm

Tổng kinh phí chi cho hoạt động VSATTP

Kinh phí chi cho công tác tuyên truyền về VSATTP

Tỷ lệ (%)

2011

1.354.000.000

364.000.000

26,88

2012

1.620.000.000

450.000.000

27,78

2013

1.529.761.000

426.945.000

27,91

2014

517.000.000

200.000.000

38,68

2015

532.000.000

214.000.000

40,17

2016

328.050.000

0

0

Cộng

5.881.511.000

1.654.945.000

28,14

 

PHỤ LỤC 4:

CHỈ TIÊU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THEO TIẾN ĐỘ TỪ 2018-2020
(Kèm theo Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020)

Nội dung

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tỷ lệ người quản lý có kiến thức thực hành đúng về ATTP

81.4

≥ 87

≥ 93

≥ 98

Tỷ lệ người sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm có kiến thức thực hành đúng về ATTP

71.4

≥ 78

≥ 89

≥ 95

Tỷ lệ người người tiêu dùng thực phẩm có kiến thức thực hành đúng về ATTP

70

≥ 75

≥ 77

≥ 80

Tỷ lệ cán bộ quản lý ATTP các cấp được tập huấn chương trình cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ

85

90

95

100

Tỷ lệ cộng tác viên ATTP ở tuyến xã, phường được tập huấn kiến thức về ATTP

80

88

95

100

 

PHỤ LỤC 5:

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THEO CÁC NĂM
(Kèm theo Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020)

Đơn vị tính: đồng

Năm

Nguồn vốn

Tập huấn, tổ chức điều tra nhận thức về VSATTP các nhóm đối tượng

Tuyên truyền trực tiếp, lưu động và xuất bản ấn phẩm, tài liệu

Tuyên truyền gián tiếp

Cộng

2018

Tỉnh

700 000 000

300 000 000

200 000 000

1 200 000 000

Huyện, xã

 

500 000 000

200 000 000

700 000 000

Cộng

700 000 000

300 000 000

200 000 000

1 200 000 000

2019

Tỉnh

500 000 000

400 000 000

200 000 000

1 100 000 000

Huyện, xã

 

500 000 000

200 000 000

700 000 000

Cộng

500 000 000

900 000 000

400 000 000

1 800 000 000

2020

Tỉnh

400 000 000

400 000 000

200 000 000

1 000 000 000

Huyện, xã

 

500 000 000

200 000 000

700 000 000

Cộng

400 000 000

900 000 000

400 000 000

1 700 000 000

Cộng tỉnh

1 600 000 000

1 100 000 000

600 000 000

3 300 000 000

Cộng huyện, xã

 

1 500 000 000

600 000 000

2 100 000 000

TỔNG CỘNG

1 600 000 000

2 600 000 000

1 200 000 000

5 400 000 000

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2227/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020

  • Số hiệu: 2227/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/12/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Lê Ánh Dương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản