Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2223/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 28 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy định nội dung chi và mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Căn cứ Kết luận số 686-KL/TU ngày 12/9/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 188/TTr-SNN ngày 25 tháng 8 năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

(Có Chương trình kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu tích hợp, lồng ghép nội dung, nhiệm vụ Chương trình Khuyến nông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 vào Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và các đề án, chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn để triển khai thực hiện theo quy định.

2. Các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo Chương trình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chánh Văn phòng (NLN)
Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử;
- Lưu: VT, NLN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khánh

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN NÔNG TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 -2025
(Kèm theo Quyết định số: 2223/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Sự cần thiết

Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc và Trung du Bắc bộ, phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Yên Bái là 688.627,64 ha, xếp thứ 8 so với 11 tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện) với tổng số 173 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh có trên 821.000 người (trong đó dân số nông thôn chiếm trên 80,2%) với 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, có bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và đa dạng.

Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế chủ lực Trung Quốc - Việt Nam: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Hệ thống giao thông tương đối đa dạng như đường bộ, đường sắt và đường thủy, nhất là đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã tạo cho Yên Bái có điều kiện và cơ hội thuận lợi để hội nhập và giao lưu thương mại, phát triển văn hóa xã hội nói chung và giao thương hàng hóa nông lâm sản nói riêng, không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.

Yên Bái có địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành vùng cao và vùng thấp: Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh; vùng thấp có độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên. Tổng diện tích đất nông nghiệp 583.717,47 ha chiếm 84,76% diện tích đất tự nhiên. Vị trí địa lý thuận lợi và sự đa dạng tiểu vùng thổ nhưỡng, khí hậu đã tạo cho Yên Bái có những lợi thế phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ...

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong những năm qua công tác khuyến nông đã được tăng cường với nhiều nội dung và hình thức hoạt động khác nhau góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân và các tổ chức sản xuất; nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công các kiến thức đã học để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Hoạt động công tác khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp, của hệ thống khuyến nông, những năm gần đây sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn những năm vừa qua đã đạt được những kết quả nổi bật: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,13%, vượt 0,13% so với mục tiêu. Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị cao.1 Xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ.2

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong sản xuất nông lâm nghiệp còn bộc lộ những hạn chế: Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; trình độ sản xuất của nông dân không đồng đều giữa các vùng; giá trị sản xuất nông nghiệp thấp, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ; các sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận còn ít; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; chất lượng sản phẩm chưa cao và khả năng cạnh tranh còn thấp.

Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế đó là do công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiệm vụ đào tạo tập huấn khuyến nông chưa được sâu rộng, chưa gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; nguồn ngân sách cho hoạt động khuyến nông còn nhiều khó khăn nên việc xây dựng và nhân rộng mô hình từ nguồn ngân sách địa phương chủ yếu mới triển khai được ở quy mô nhỏ, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đơn giản, với những đối tượng cây trồng, vật nuôi có chu kỳ kinh doanh ngắn ngày.

Vì vậy việc đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trở nên quan trọng và cấp thiết. Phương hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh đã xác định: Phát triển nông, lâm nghiệp đa mục tiêu, chuyên canh nông sản chủ lực, đặc sản, hữu cơ và sản phẩm công nghệ cao; phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn sinh học. Nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với vùng cao là bảo đảm sinh kế cho người dân; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa... Với vùng thấp hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực, cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng.

Xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn, việc xây dựng “Chương trình Khuyến nông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025” là rất quan trọng và cần thiết nhằm đẩy mạnh công tác khuyến nông, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh trong phát triển nông nghiệp nông thôn và các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Huy động các nguồn lực của các tổ chức và cá nhân tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thông qua công tác thông tin tuyên truyền; bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông và bà con nông dân; tư vấn dịch vụ khuyến nông; triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, mô hình khuyến nông theo hướng hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

2. Căn cứ pháp lý

- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

- Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;

- Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 04/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định nội dung chi và mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

- Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 03/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

- Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về phê duyệt danh mục ngành hàng, sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản quan trọng khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chung

Xây dựng Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025 gồm tập hợp các nhiệm vụ khuyến nông, tập trung vào các ngành hàng, sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản quan trọng. Góp phần tổ chức lại sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung hàng hóa, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động thực tiễn; thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến. Làm căn cứ đề xuất kế hoạch khuyến nông, dự toán kinh phí hàng năm và chủ động trong việc bố trí nguồn lực triển khai thực hiện.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ và cộng tác viên khuyến nông. Nâng cao kiến thức, trình độ và kỹ năng canh tác cho người sản xuất về các kỹ thuật nuôi trồng, thâm canh tiên tiến, an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc.

- Tổ chức 25 lớp đào tạo cho khoảng 750 học viên tham gia. Xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên khuyến nông có nghiệp vụ, có kinh nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

- Tổ chức 150 lớp tập huấn kỹ thuật cho 6.000 lượt nông dân và người sản xuất với các nội dung thuộc 5 lĩnh vực và 19 sản phẩm thuộc danh mục ngành hàng, sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản quan trọng khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

2.2. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Đầu tư trang thiết bị như máy quay phim, dựng hình, máy ảnh, máy chiếu và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng kịch bản, quay phim, dựng hình.

- Xây dựng các ấn phẩm khuyến nông như: Bản tin khuyến nông, lịch nông vụ, tờ rơi, tờ gấp kỹ thuật cấp phát cho cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông; cho nông dân và các tổ chức sản xuất.

- Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP cho tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua các gian hàng trưng bày, triển lãm tại các diễn đàn, hội chợ, hội nghị về nông nghiệp, nông thôn trong và ngoài tỉnh.

- Tổ chức 03 đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại nhũng vùng có điều kiện tương đồng trong và ngoài tỉnh làm hạt nhân đi đầu, từng bước lan tỏa trong cộng đồng.

2.3. Xây dựng 14 mô hình trình diễn với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP; mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất có chứng nhận; sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.

2.4. Tư vấn cho nông dân và các tổ chức sản xuất về chính sách và pháp luật trong nông nghiệp, nông thôn; liên kết sản xuất theo chuỗi; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ; tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; khởi nghiệp, lập dự án đầu tư quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

2.5. Liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp với nông dân và giữa nông dân với nông dân. Phối hợp với các trung tâm, viện, trường triển khai các dự án khuyến nông Trung ương. Thực hiện hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông, lâm nghiệp.

III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Phạm vi

Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Căn cứ vào danh mục Chương trình được phê duyệt, hàng năm sẽ tiến hành khảo sát chọn địa điểm, xây dựng thuyết minh dự án, kế hoạch dự toán chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo các quy định hiện hành của Nhà nước, làm căn cứ triển khai thực hiện.

2. Đối tượng

Đối tượng để triển khai Chương trình trên địa bàn bao gồm: Người nông dân, chủ trang trại, tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHƯƠNG TRÌNH

1. Về đào tạo, tập huấn

Xuất phát từ nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, bám sát vào các ngành hàng, sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản quan trọng để xây dựng kế hoạch, tổ chức khóa học ngắn hạn gắn lý thuyết với thực hành. Cụ thể:

- Tổ chức 25 lớp đào tạo, tập huấn cho 750 học viên (TOT) tham gia nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng khuyến nông, kỹ năng viết tin bài và chụp ảnh tuyên truyền.

- Tổ chức 150 lớp tập huấn cho 6.000 học viên về kỹ thuật sản xuất, quản lý kinh doanh nông nghiệp, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, dịch hại. Đối tượng là nông dân, chủ trang trại, tổ liên kết, tổ viên tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản.

- Tổ chức 01 đoàn học tập trong tỉnh, 02 đoàn học tập ngoài tỉnh nhằm học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp điển hình, tiên tiến trong.

2. Về thông tin, tuyên truyền

Truyền tải những chủ trương, chính sách của Nhà nước, của ngành nông nghiệp, quy trình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, những điển hình tiên tiến trong sản xuất nông lâm nghiệp; thông tin về thị trường, giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại...

- Cử cán bộ khuyến nông tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng kịch bản, quay phim, dụng hình; đầu tư trang thiết bị như máy quay phim, máy tính cấu hình cao phục vụ dựng hình, máy ảnh chuyên dụng... để chủ động xây dựng các chương trình truyền hình khuyến nông.

- Xây dựng, đăng tải các tin bài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phát hành 1.000 cuốn Bản tin Khuyến nông Yên Bái/quý; xây dựng lịch nông vụ với 1.000 cuốn/quý; hàng năm xây dựng, xuất bản 9.000 tờ rơi, tờ gấp kỹ thuật cấp phát cho cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, các tổ hợp tác, hợp tác xã.

- Nâng cấp, duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp Khuyến nông Yên Bái “Khuyennongyenbai.vn” góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh trong nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; thông tin thị trường; tin hoạt động khuyến nông; xây dựng nông thôn mới...

- Hàng năm tổ chức từ 10 - 15 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực và các sản phẩm OCOP của các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các diễn đàn khuyến nông, hội chợ, hội nghị trong và ngoài tỉnh.

3. Xây dựng và nhân rộng mô hình

Xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với địa phương theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất có chứng nhận, sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2021 - 2025, triển khai 14 dự án khuyến nông, bao gồm:

3.1. Lĩnh vực Trồng trọt (Xây dựng 08 mô hình):

- Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị.

- Mô hình liên kết trồng thâm canh Dong riềng DR1 theo tiêu chuẩn VietGAP.

- Mô hình sản xuất chè xanh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Mô hình thâm canh cam an toàn theo chuỗi giá trị.

- Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngô ngọt.

- Mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây khoai sọ.

- Mô hình ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn lồng chín muộn.

3.2. Lĩnh vực Chăn nuôi (Xây dựng 03 mô hình):

- Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm chất lượng cao (Giống gà: Ri lai, Mía lai, Chọi lai, Đông dư...) theo hướng an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc.

- Mô hình chăn nuôi dê Boer sinh sản theo hướng an toàn sinh học.

- Mô hình chăn nuôi gà đen bản địa Mù Cang Chải theo hướng hữu cơ.

3.3. Lĩnh vực Lâm nghiệp (Xây dựng 02 mô hình):

- Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Bạch đàn lai nuôi cấy mô đã được công nhận.

- Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lai nuôi cấy mô đã được công nhận.

3.4. Lĩnh vực Thủy sản (Xây dựng 01 mô hình):

- Mô hình nuôi cá Lăng Nha trong lồng trên hồ Thác Bà.

4. Tư vấn khuyến nông

Thực hiện tư vấn về chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất theo chuỗi. Phương thức thực hiện thông qua tư vấn trực tiếp và các phương tiện truyền thông. Tổ chức 10 buổi tọa đàm, diễn đàn; 04 buổi hội thảo; 04 chương trình hỏi đáp trên truyền hình.

5. Hợp tác về khuyến nông

Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về khuyến nông và khoa học công nghệ với các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để đưa tiến bộ kỹ thuật, các giống vật nuôi, giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Phối hợp với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao triển khai các mô hình thuộc dự án khuyến nông trung ương. Đề xuất, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, cấp tỉnh.

(Danh mục nhiệm vụ, dự án khuyến nông tại Phụ lục 01)

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về chính sách

Cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.3

Ngân sách Nhà nước được bố trí đảm bảo để thực hiện Chương trình trên cơ sở kế hoạch, dự toán hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Giải pháp về thực hiện chương trình

Tích cực đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông. Đẩy mạnh áp dụng các phương pháp tiếp cận tiên tiến, có sự tham gia của người dân, nhất là phương pháp lớp học hiện trường; phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm...vào hoạt động khuyến nông để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động.

Trong quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong hệ thống khuyến nông, giữa các cấp chính quyền, địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông.

3. Giải pháp về kỹ thuật

Ứng dụng kết quả các nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến về các giống cây trồng vật nuôi có triển vọng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và về năng suất, chất lượng để đưa vào thực hiện nhằm phát triển bền vững, có hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.

Ưu tiên các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, có chứng nhận, sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc; mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại; mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đối với hộ nghèo, đồng bào thiểu số áp dụng tiến bộ kỹ thuật thiết thực, đơn giản dễ làm, dễ tiếp cận và phù hợp nhằm mở rộng diện tích, nâng cao năng suất. Với những tiến bộ kỹ thuật theo hướng công nghệ cao hoặc cần đầu tư lớn, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học tổ chức thực hiện ở những hộ, tổ chức có điều kiện về đầu tư, mở rộng sản xuất.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí

Nhu cầu kinh phí giai đoạn 2021 - 2025 là 22.735,1 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 20.296,1 triệu đồng (Bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và thực hiện lồng ghép với các chính sách đề án, chương trình phát triển nông lâm nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia).

- Huy động doanh nghiệp hỗ trợ, đối ứng của nông dân: 2.439 triệu đồng.

2. Kinh phí phân theo tiến độ thực hiện

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nguồn kinh phí

Giai đoạn 2021-2025

Năm thực hiện

2021

2022

2023

2024

2025

1

Ngân sách nhà nước

20.296,1

3.404,3

3.801,3

4.173,9

4.445,5

4.471,1

2

Đối ứng của người dân, doanh nghiệp

2.439,0

285,2

285,3

674,4

545,6

648,5

 

Tổng cộng

22.735,1

3.689,5

4.086,6

4.848,3

4.991,1

5.119,6

(Chi tiết phân kỳ kinh phí thực hiện tại Phụ lục 02)

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành; các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu tích hợp, lồng ghép nội dung, nhiệm vụ Chương trình Khuyến nông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 vào Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và các đề án, chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn để triển khai thực hiện theo quy định.

- Căn cứ Chương trình được phê duyệt và nhu cầu thực tiễn sản xuất, thị trường tổng hợp xây dựng kế hoạch khuyến nông hàng năm; tổ chức thẩm định nội dung, dự toán kinh phí và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các nhiệm vụ, dự án khuyến nông theo phân cấp quản lý.

- Hàng năm, tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tại địa phương theo quy định.

- Trong quá trình thực hiện, căn cứ chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh và nhu cầu thực tiễn sản xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh chương trình khuyến nông địa phương.

2. Các sở, ban, ngành có liên quan

Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo Chương trình.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố

Căn cứ nội dung Chương trình và nhiệm vụ khuyến nông trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời triển khai thực hiện tốt Chương trình tại địa phương./.

 

PHỤ LỤC 01:

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ DỰ ÁN KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Chương trình Khuyến nông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025)

TT

Nhiệm vụ

Quy mô/khối lượng

Nguồn kinh phí (Triệu đồng)

Mục tiêu tổng quát và kết quả cần đạt được

Tổng

Trong đó

Nhà nước hỗ trợ

ND đối ứng

I

ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN

175 lớp

3.735

3.735

 

 

1

Tổ chức các lớp đào tạo (TOT) cho cán bộ, cộng tác viên khuyến nông.

25 lớp (40 học viên/lớp)

1.125

1.125

0

100% cán bộ khuyến nông và 50-60 cộng tác viên/huyện được tham gia khóa đào tạo. Nâng cao năng lực hệ thống cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông có nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

2

Tập huấn kỹ thuật

150 lớp (40 học viên/lớp)

2.250

2.250

0

Nội dung tập huấn về các cây trồng, vật nuôi thuộc 5 lĩnh vực và 19 sản phẩm được khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tập trung vào 10 sản phẩm chủ lực, 10 sản phẩm đặc sản và 70 sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc...

3

Học tập kinh nghiệm.

 

360

360

0

Trao đổi, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả tại những vùng có điều kiện tương đồng, làm hạt nhân đi đầu trong việc thực hiện và từng bước lan tỏa trong cộng đồng

2.1

Học tập mô hình chanh leo, hồng FUYU

1 đoàn

130

130

0

2.2

Học tập mô hình thủy sản nước ngọt ứng dụng TBKT.

1 đoàn

130

130

0

2.3

Học tập mô hình phát triển Quế, cây ăn quả

1 đoàn

100

100

0

II

THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

 

5.460,39

5.460,39

0,00

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật, những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, những điển hình tiên tiến; thông tin thị trường, giá cả nông lâm sản, vật tư kỹ thuật; phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

- 100% cộng tác viên khuyến nông, các tổ hợp tác, hợp tác xã, trưởng thôn, bản được cấp phát bản tin khuyến nông, lịch nông vụ.

- Các cộng tác viên khuyến nông, các hộ nông được cấp các tờ rơi, tờ gấp.

1

Bản tin, tài liệu, ấn phẩm

 

2.860,7

2.860,7

 

1.1

Xuất bản Bản tin

20.000 cuốn

872,0

872,0

0

1.2

Lịch nông vụ khuyến nông

20.000 cuốn

1.678,7

1.678,7

0

1.3

Tờ gấp kỹ thuật

45000 tờ

310,0

310,0

0

2

Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng

 

1.557,5

1.557,5

 

Hàng năm thực hiện trên 50 tin, phóng sự, chương trình truyền hình về những kết quả, thành tựu trong sản xuất nông lâm nghiệp, khuyến nông, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; các kết quả triển khai chương trình OCOP và sản xuất theo chuỗi...

2.1

Chuyên mục khuyến nông, phóng sự (Đài PTTH tỉnh)

265 chương trình (53 Chương

1437,5

1437,5

0

2.1.1

Hướng dẫn kỹ thuật, kết quả hoạt động, gương điển hình....

260 buổi/5 năm

1170

1170

 

2.1.2

Phóng sự theo chuyên đề

5 chuyên đề /5 năm

267,5

267,5

 

-

Khuyến nông với công tác xây dựng NTM

 

53,5

53,5

 

 

Hiệu quả của HTX SX theo chuỗi giá trị

 

53,5

53,5

 

Hàng năm thực hiện trên 50 tin, phóng sự, chương trình truyền hình về những kết quả, thành tựu trong sản xuất nông lâm nghiệp, khuyến nông, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; các kết quả triển khai chương trình OCOP và sản xuất theo chuỗi...

 

Hiệu quả HTX sản xuất Quế theo chuỗi giá trị

 

53,5

53,5

 

 

Xây dựng sản phẩm OCOP gạo nếp Tú Lệ

 

53,5

53,5

 

 

Kết quả chương trình khuyến nông giai đoạn 2023 - 2025

 

53,5

53,5

 

2.2

Chuyên mục nhà nông cần biết trên Báo Yên Bái

240 tin, bài

120

120

0

Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; các gương điển hình tiên tiến nhằm khuyến cáo nhân rộng...

3

Trang thông tin điện tử tổng hợp Khuyến nông Yên Bái

2.265 tin, bài

205

205

0

- Phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; thông tin thị trường; chuyên mục hỏi đáp với nông dân và tổ chức sản xuất.

- Các tổ chức sản xuất, hộ nông dân có sử dụng internet được tiếp cận với các thông tin, các tiến bộ kỹ thuật mới thông qua Website Khuyến nông Yên Bái.

4

Tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm

05 lần/5 năm

489,75

489,75

0

Quảng bá giới thiệu sản phẩm, khai thác thị trường; nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để cải tiến, nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm mới.

5

Mua trang thiết bị, đào tạo kỹ năng quay phim

01 bộ máy quay phim; Đào tạo 02 cán bộ

247,44

247,44

0

Mua sắm trang thiết bị thông tin tuyên truyền; cử 02 cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng kịch bản, quay phim, dựng hình để chủ động xây dựng các chương trình khuyến nông (trên 50 chương trình/năm, tạo kho tư liệu khuyến nông).

-

Máy quay camera chuyên dụng và các thiết bị phụ trợ

01 bộ

95,2

95,2

 

 

-

Bộ máy trạm sản xuất dựng chương trình;

01 bộ

98,5

98,5

 

 

-

Đào tạo kỹ năng quay phim dựng hình

02 cán bộ

53,74

53,74

 

 

6

Tổ chức hội thảo, tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

05 Hội thảo/05 năm

100

100

 

Tuyên truyền các nội dung chuyên đề, nâng cao nhận thức và thúc đẩy bà con nông dân tích cực hưởng ứng công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa phương

III

XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

 

12.871,74

10.432,74

2.439,00

 

a

Ngân sách khuyến nông Trung ương

 

1.800

1.800

0

 

1

Dự án “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Bạch đàn lai mô đã được công nhận”

110 ha/02 năm

1.800

1.800

0

Chuyển giao các dòng Bạch đàn mô đã được công nhận để phát triển trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn. Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất. Nhân rộng các dòng Bạch đàn lai mô được công nhận ra sản xuất.

b

Ngân sách tỉnh

 

11.071,735

8.632,735

2.439,0

 

1

Xây dựng mô hình sản xuất chè xanh an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

15 ha

582

435

147

Xây dựng được mô hình sản xuất, chế biến chè, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, đảm bảo an toàn thực phẩm làm nguyên liệu cho chế biến chè xanh. Liên kết tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững.

2

Xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo chuỗi

15 ha

579

435

144

Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo chuỗi. Xây dựng thành công 03 mô hình liên kết sản xuất cam với quy mô 15ha/3 năm

3

Xây dựng mô hình liên kết sản xuất trồng thâm canh Dong riềng DR1 theo tiêu chuẩn VietGap

15 ha

558,000

420

138

Xây dựng mô hình 15 ha/3 năm, thâm canh dong riềng giống DR1 có năng suất, chất lượng cao. Tạo liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ. Nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế ≥ 15% so với sản xuất đại trà.

4

Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao theo VietGAP

15 ha

898,8

840

58,8

Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, đảm bảo an toàn thực phẩm làm nguyên liệu cho chế biến sản xuất gạo an toàn, có chứng nhận VietGAP. Liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo và phát triển mô hình bền vững.

5

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngô ngọt

15 ha

369

279

90

Xây dựng mô hình sản xuất ngô ngọt 15ha/03 năm, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Xây dựng chuỗi liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời cung cấp một lượng thức ăn xanh phục vụ cho chăn nuôi gia súc.

6

Xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm

30ha

549

405

144

Xây dựng mô hình 30ha liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giảm chi phí trong sản xuất, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất lúa từ 10-15%.

7

Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học gắn với truy xuất nguồn gốc

2.700 con (chi tiết...)

399

300

99

Xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có gắn với truy xuất nguồn gốc. Tăng năng suất, chất lượng thịt. Yêu cầu khối lượng xuất chuồng lúc 16 tuần tuổi đạt 2- 2,2kg /con; tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng cơ thể dưới 3 kg đem lại hiệu quả kinh tế cao.

8

Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học bằng giống Boer

6 dê đực và 42 dê cái sinh sản

493

375

118

Cải tạo giống dê, nâng cao chất lượng đàn dê trên địa phương. Giúp người chăn nuôi tiếp cận với phương pháp chăn nuôi mới, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Yêu cầu khối lượng sơ sinh dê ngoại ≥ 2kg/con; 01 dê đực phối chửa 20-40 dê cái.

9

Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lai mô đã được công nhận

115 ha

1.800

1.400

400

- Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất, nhân rộng các dòng Keo lai mô được công nhận ra sản xuất. Năng suất bình quân toàn chu kỳ đạt từ 25- 30m3/ha/năm. Năng suất rừng tăng tối thiểu 30% so với mô hình trồng rừng gỗ nhỏ

10

Dự án“Xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây khoai sọ

15 ha

721,53

721,53

 

- Áp dụng các biện pháp thâm canh nhằm tăng năng suất sản lượng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, góp phần xây dựng thương hiệu khoai sọ nương Trạm Tấu.

11

Dự án “Xây dựng mô ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn lồng chín muộn”

15 ha

1.878

1.367

511

- Trẻ hoá các diện tích nhãn già cỗi có năng suất thấp, chất lượng kém thành vườn nhãn có năng suất cao, chất lượng tốt, rút ngắn được thời gian từ trồng đến thu hoạch, giống chín muộn góp phần rải vụ thu hoạch

12

Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen bản địa Mù Cang Chải theo hướng hữu cơ”

1000 con

120

120

 

- Xây dựng mô hình điểm chăn nuôi 1.000 con gà đen bản địa theo hướng hữu cơ, là nơi tham quan, học tập và tuyên truyền nhân rộng.

13

Nuôi cá Lăng Nha trong lồng trên hồ Thác Bà”

3.000m3/3 năm

2.124,405

1.535,21

589,2

- Góp phần đưa năng suất nuôi thủy sản lên 10 tấn - 12 tấn/ha. Giúp cho người dân tiếp thu và làm chủ được quy trình kỹ thuật nuôi cá Lăng nha trong lồng. Tận dụng được những tiềm năng sẵn có tại địa phương

V

TƯ VẤN KHUYẾN NÔNG

 

668

668

0

 

1

Tư vấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật

8 buổi tọa đàm

288

288

0

- Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, các chương trình hỏi đáp trên truyền hình v.v.. để trao đổi, tư vấn những vấn đề người dân quan tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất cho nông dân và các tổ chức sản xuất

- Tư vấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; khởi nghiệp, lập dự án đầu tư. Nâng cao trình độ kỹ thuật và kỹ năng tổ chức, quản lý sản xuất góp phần tăng nhanh sản lượng, nâng cao chất lượng nông, lâm sản hàng hóa.

2

Tư vấn thông qua chương trình hỏi đáp trên sóng Phát thanh Truyền hình tỉnh

4 chương trình

200

200

0

3

Tư vấn thông qua Hội thảo trên các mô hình liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp

4 hội thảo

180

180

0

 

TỔNG CỘNG (I II III IV V)

 

22.735,13

20.296,13

2.439,00

 

 

PHỤ LỤC 02:

PHÂN KỲ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Chương trình Khuyến nông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025)

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Tổng kinh phí

Ngân sách tỉnh hỗ trợ

Đóng góp của người dân

Tổng

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

I

Đào tạo, tập huấn

 

 

3.735.000

3.735.000

775.000

805.000

575.050

774.950

805.000

 

 

 

 

 

 

II

Thông tin tuyên truyền

 

 

5.460.390

5.460.390

1.042.590

1.042.590

1.042.590

1.290.030

1.042.590

 

 

 

 

 

 

III

Xây dựng và nhân rộng mô hình

 

 

12.871.735

10.432.735

1.586.735

1.786.735

2.389.245

2.213.510

2.456.510

2.439.000

285.200

285.250

674.430

545.600

648.520

a

Ngân sách TT khuyến nông Quốc Gia

 

 

1.800.000

1.800.000

800.000

1.000.000

0

0

0

0

0

0

0

0

0

1

Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Bạch đàn lai mô đã được công nhận

ha

11

1.800.000

1.800.000

800.000

1.000.000

0

0

0

0

0

0

0

0

0

b

Ngân sách tnh

 

8.632.735

786.735

786.735

2.389.245

2.213.510

2.456.510

2.439.000

285.200

285.250

674.430

545.600

648.520

1

Mô hình liên kết sản xuất chè xanh an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

ha

15

582.000

435.000

 

 

145.000

145.000

145.000

147.000

 

 

49.000

49.000

49.000

2

Xây dựng mô hình sản xuất cam an toàn theo chuỗi

ha

15

579.000

435.000

 

 

145.000

145.000

145.000

144.000

 

 

48.000

48.000

48.000

3

Mô hình liên kết sản xuất trồng thâm canh Dong riềng DR1 theo tiêu chuẩn VietGap

ha

15

558.000

420.000

 

 

140.000

140.000

140.000

138.000

 

 

46.000

46.000

46.000

4

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao theo VietGap

ha

15

898.800

840.000

 

 

224.000

280.000

336.000

58.800

 

 

15.680

19.600

23.520

5

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngô ngọt

ha

15

369.000

279.000

 

 

93.000

93.000

93.000

90.000

 

 

30.000

30.000

30.000

6

Xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm

ha

30

549.000

405.000

 

 

135.000

135.000

135.000

144.000

 

 

48.000

48.000

48.000

7

Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm chất lượng cao theo hướng ATSH gắn với truy xuất nguồn gốc

con

2700

399.000

300.000

150.000

150.000

 

 

 

99.000

49.500

49.500

 

 

 

8

Xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản theo hướng an toàn sinh học bằng giống Boer

con

6 dê đực, 42 dê cái

493.000

375.000

125.000

125.000

125.000

 

 

118.000

39.300

39.350

39.350

 

 

9

Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô được công nhận

ha

115

1.800.000

1.400.000

 

 

360.000

460.000

580.000

400.000

 

 

108.000

140.000

152.000

10

DA mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây khoai sọ nương

ha

15

721.530

721.530

 

 

240.510

240.510

240.510

0

 

 

 

 

 

11

Dự án “Xây dựng mô ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn lồng chín muộn”

ha

15

1.878.000

1.367.000

 

 

270.000

455.000

642.000

511.000

 

 

94.000

165.000

252.000

12

Chăn nuôi gà đen bản địa Mù Cang Chải theo hướng hữu cơ

con

1.000

120.000

120.000

 

 

 

120.000

 

0

 

 

 

 

 

13

Mô hình nuôi cá Lăng nha trong lồng trên Hồ Thác Bà

m2

3.000

2.124.405

1.535.205

511.735

511.735

511.735

 

 

589.200

196.400

196.400

196.400

 

 

IV

Tư vấn dịch vụ khuyến nông

 

 

668.000

668.000

 

167.000

167.000

167.000

167.000

 

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG

 

 

22.735.125

20.296.125

3.404.325

3.801.325

4.173.885

4.445.490

4.471.100

2.439.000

285.200

285.250

674.430

545.600

648.520

 



1. Vùng lúa chất lượng cao 3.000 ha, vùng trồng dâu nuôi tằm 900 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000 ha, vùng quế 78.000 ha, vùng măng tre Bát độ 5.000 ha, vùng Sơn tra trên 9.200 ha, rừng trồng gỗ nguyên liệu 90.000 ha...

2. Cam Sành Lục Yên, Bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ, gạo Mường Lò, cá hồ Thác Bà...

3. Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông; Thông tư 75/2019/TT-BTC ngày 04/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông; Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 04/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định nội dung chi và mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 03/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2223/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 2223/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/09/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Nguyễn Văn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản