Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2220/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 24 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC TỈNH THANH HÓA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Văn bản số 1108/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 22/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 14/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1273/TTr-SGDĐT ngày 20/5/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính; Hiệu trưởng các trường đại học trực thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2 Quyết định;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (để b/c);
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông;
- Lưu: VT, VX, THKH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đầu Thanh Tùng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC TỈNH THANH HÓA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số      /QĐ-UBND ngày      /      /2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

Phần I

TÍNH CẤP THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. TÍNH CẤP THIẾT

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”, trong đó nêu rõ: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo…”.

Trong những năm qua, kinh tế-xã hội của tỉnh đã và đang phát triển nhanh và bền vững, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tạo điều kiện để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói chung, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông nói riêng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương của tỉnh quan tâm. Phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo ngày càng nâng cao. Đội ngũ nhà giáo có nhiều đóng góp nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu về đổi mới giáo dục hiện nay, số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn còn hạn chế, còn một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu cần tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được xem xét, bố trí công tác phù hợp.

Thực hiện Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngày 26/12/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi là Chương trình giáo dục phổ thông 2018), đã quy định cấp tiểu học học 02 buổi/ngày, điều chỉnh cơ cấu môn học, bổ sung một số môn học mới, cấu trúc lại một số môn học theo hướng tích hợp, dẫn đến thay đổi về cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học. Luật Giáo dục năm 2019 quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) là có bằng cử nhân; Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình đến năm 2030, 100% giáo viên TH và THCS hoàn thành chương trình đào tạo nâng trình độ chuẩn, được cấp bằng cử nhân.

Ngày 10/9/2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Quyết định số 700-QĐ/TU về việc ban hành Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025; theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là “xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Đề án "Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” là rất cần thiết, nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, kịp thời chuẩn bị tốt về đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn toàn tỉnh theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật giáo dục năm 2019;

- Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

- Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

- Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

- Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm;

- Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

- Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”;

- Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập;

- Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

- Văn bản số 1108/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 22/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

- Quyết định số 700-QĐ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025.

- Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 17/6/2020 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

- Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 14/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục 2021-2025;

- Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022.

III. CĂN CỨ THỰC TIỄN

1. Thực trạng quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2021-2022

- Toàn tỉnh có tổng số 1.308 trường phổ thông công lập, trong đó có 600 trường tiểu học, 70 trường TH&THCS, 539 trường THCS, 11 trường THCS Dân tộc nội trú, 08 trường THCS&THPT và 80 trường THPT.

- Tổng số 20.112 lớp phổ thông công lập, trong đó có 11.807 lớp tiểu học (9.839 lớp học 02 buổi/ngày), 5.970 lớp THCS và 2.335 lớp THPT, với tổng số 658.982 học sinh (351.018 học sinh TH, 211.461 học sinh THCS và 96.503 học sinh THPT).

So với năm học 2015-2016: Số trường phổ thông công lập giảm 149 trường, số lớp tăng 1.788 lớp, số học sinh tăng 114.620 học sinh.

2. Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2021-2022

Toàn tỉnh có tổng số 31.799 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông công lập (Tiểu học 14.721 người, THCS 11.776 người và THPT 5.302 người), trong đó:

- Cán bộ quản lý có 2.929 người (Tiểu học: 1.400 người, THCS: 1.248 người, THPT: 281 người). So với năm học 2015-2016, giảm 374 người. Có trình độ đạt chuẩn trở lên: 2.915 người, chiếm tỷ lệ 99,52 % (trong đó có trình độ trên chuẩn 415 người, tỷ lệ 14,17%), trình độ chưa đạt chuẩn còn 14 người, tỷ lệ 0,48 %.

- Giáo viên có 28.870 người (Tiểu học 13.321 người, THCS 10.528 người, THPT 5.021 người); trong đó biên chế 28.672 người, hợp đồng 198 người. So với năm học 2015-2016, giảm 1.320 người. Có trình độ đạt chuẩn trở lên: 26.164 người, chiếm tỷ lệ 90,63% (trong đó có trình độ trên chuẩn 1.558 người, tỷ lệ 5,4%), trình độ chưa đạt chuẩn còn 2.706 người, tỷ lệ 9,37 %.

So với định mức quy định của tỉnh, còn thiếu 4.953 giáo viên (trong đó TH thiếu 4.040 giáo viên, THCS thiếu 696 giáo viên, THPT thiếu 217 giáo viên). So với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn thiếu 5.364 giáo viên (TH thiếu 4.040 giáo viên, THCS thiếu 994 giáo viên, THPT thiếu 330 giáo viên), trong đó bao gồm nhu cầu giáo viên do tăng số lớp và bổ sung giáo viên về hưu (chưa bao gồm số giáo viên kiêm nhiệm công tác Đoàn, Đội).

3. Đánh giá chung

3.1. Về ưu điểm

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đa số có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, tâm huyết với nghề, thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp; có ý chí vươn lên, tích cực học tập, rèn luyện, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Nhiều nhà giáo có năng lực quản lý, năng lực giảng dạy, luôn cố gắng khắc phục khó khăn vươn lên trong công tác, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Trình độ đào tạo từng bước được nâng cao, có 91,45% đạt chuẩn trở lên (trong đó trên chuẩn: 6,2%); 81,4% là đảng viên, hơn 90% giáo viên có thâm niên trong nghề từ 10 năm trở lên. Đội ngũ nhà giáo là lực lượng chủ yếu, góp phần quan trọng trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong những năm gần đây, đội ngũ giáo viên phổ thông theo từng môn học, cấp học được bố trí, sắp xếp ngày càng phù hợp. Việc tuyển dụng, hợp đồng, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên được thực hiện đúng quy định; giáo viên không đáp ứng yêu cầu đã được sắp xếp, bố trí công tác phù hợp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ nhà giáo luôn được các cấp, các ngành và cơ quan quản lý giáo dục quan tâm chỉ đạo nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cơ quan quản lý giáo dục đã thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo về tiền lương, chế độ phụ cấp, ưu đãi, phụ cấp thâm niên, tinh giản biên chế,… theo quy định.

3.2. Hạn chế tồn tại và nguyên nhân

3.2.1. Hạn chế tồn tại

a) Về số lượng và cơ cấu giáo viên

Số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, cấp học còn bất cập, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo quy định. Đối với cấp tiểu học, thiếu nhiều giáo viên, một số địa phương không đủ giáo viên cơ bản để bố trí 01 giáo viên/lớp; cấp THCS, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ, thiếu giáo viên môn đặc thù. Cơ cấu giáo viên theo môn học chưa đảm bảo theo quy định để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, so với số giáo viên hiện có, đến năm học 2024-2025 sẽ thiếu 578 giáo viên tiểu học dạy các môn Tin học và Công nghệ, thiếu 402 giáo viên THPT dạy Âm nhạc, Mỹ thuật; thiếu 931 giáo viên Ngoại ngữ (ở cả 03 cấp học), số lượng sinh viên đang đào tạo các ngành này thấp hơn nhiều so với nhu cầu, nguy cơ thiếu nguồn tuyển dụng là rất cao.

Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường trên cùng địa bàn và giữa các địa phương trên toàn tỉnh. Việc bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng giáo viên, dạy liên trường, tăng tiết còn nhiều khó khăn, bất cập.

b) Về chất lượng đội ngũ

Chất lượng đội ngũ giáo viên ở các vùng, miền không đồng đều; còn có nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, không tuân thủ những quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện sa sút về ý chí, chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, còn bệnh thành tích, làm giảm uy tín của nhà giáo, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân đối với ngành giáo dục. Một bộ phận giáo viên Tiếng Anh có năng lực còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Toàn tỉnh còn 2.720 cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông (tỷ lệ 8,55 %) chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019, trong đó cấp tiểu học còn 1.974 người và cấp THCS còn 746 người.

Vẫn còn cán bộ quản lý giáo dục năng lực hạn chế, thiếu kiến thức về pháp luật, tổ chức bộ máy, quản lý nhân sự, quản lý chuyên môn, quản lý tài chính, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc còn thấp. Một bộ phận còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin nên chưa tích cực đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường.

c) Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo

Trong thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương đã thường xuyên quan tâm chăm lo bảo đảm chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục phổ thông thiếu giáo viên chưa có nguồn kinh phí để chi trả hợp đồng giáo viên, chi trả chế độ cho giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết nên gặp khó khăn khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

3.2.2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

- Số lượng biên chế Bộ Nội vụ giao hằng năm cho tỉnh thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế, dẫn đến một số địa phương có hiện tượng dồn lớp, sĩ số học sinh vượt quá nhiều so với quy định.

- Trong những năm qua, do quy mô phát triển mạng lưới trường lớp, học sinh thường xuyên biến động nên nhu cầu về số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên có sự thay đổi, đối với cấp tiểu học quy mô học sinh trong những năm gần đây ngày càng tăng và quy định học 02 buổi/ngày dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng cao. Tại một số địa bàn, đặc biệt là khu vực miền núi do mật độ dân cư nhỏ, phân tán dẫn đến quy mô trường lớp nhỏ, còn có nhiều điểm trường lẻ, gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp giáo viên.

- Quy định về chuẩn trình độ đào tạo thay đổi, dẫn đến vẫn còn 8,55% cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định.

- Một số nội dung bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn bất cập, chương trình bồi dưỡng còn có nội dung bị trùng lặp, thời điểm tổ chức bồi dưỡng chưa hợp lý, dẫn đến hiệu quả bồi dưỡng còn chưa cao.

- Một số quy định về bổ nhiệm hạng, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ dạy môn học mới, dạy môn học tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều bất cập, gây tâm lý lo lắng, lãng phí thời gian, kinh phí của đội ngũ nhà giáo.

- Mức lương và phụ cấp đối với nhà giáo vẫn còn thấp so với một số ngành nghề khác nên chưa hấp dẫn học sinh có học lực giỏi học ngành sư phạm. Đội ngũ nhà giáo công tác tại khu vực miền núi còn gặp khó khăn về điều kiện làm việc, chưa yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với địa phương.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Việc giao biên chế giáo viên còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế tại từng vùng, miền; quy định tỉ lệ giáo viên/lớp của tỉnh còn thấp hơn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc bố trí, sắp xếp giáo viên ở một số địa phương còn chưa hợp lý, vẫn chưa giải quyết được tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở cấp THCS.

- Công tác tuyển dụng giáo viên tại một số địa phương chưa kịp thời, quy trình tuyển dụng còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tại các nhà trường trong từng năm học. Ở một số địa phương thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên dạy môn cơ bản ở cấp tiểu học, giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học (ở cả 03 cấp học) và giáo viên dạy các môn học và hoạt động giáo dục mới như Công nghệ, Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Trải nghiệm, Giáo dục địa phương….

- Chưa có quy định về việc bố trí ngân sách để các cơ sở giáo dục thiếu giáo viên hợp đồng giáo viên, bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết nên đã gây nhiều khó khăn trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Việc giải thể, sáp nhập các trường để thực hiện chủ trương mỗi cấp học chỉ có 01 trường/01 đơn vị hành chính cấp xã, phường gây khó khăn cho công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, cũng như xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn sau khi sáp nhập.

- Công tác đánh giá, xếp loại đội ngũ nhà giáo có lúc, có nơi còn hình thức, chưa đánh giá đúng thực chất, năng lực của đội ngũ nhà giáo; chưa thực sự khích lệ nhà giáo cố gắng, nỗ lực, phấn đấu trong công tác. Một bộ phận nhà giáo năng lực còn hạn chế, chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học và tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều giáo viên Tiếng Anh có nguồn gốc đào tạo tại chức hoặc chuyển từ dạy ngoại ngữ khác nên năng lực còn hạn chế; số giáo viên Tiếng Anh chưa đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam còn chiếm tỷ lệ cao.

- Chưa có quy hoạch tổng thể về nhu cầu đào tạo và phát triển nhân lực sư phạm theo từng giai đoạn. Trong nhiều năm, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sư phạm còn bất cập, chủ yếu dựa trên năng lực của cơ sở đào tạo, chưa gắn với nhu cầu đào tạo giáo viên theo từng cấp học, môn học, vùng miền, địa phương.

4. Dự báo quy mô trường, lớp, học sinh và nhu cầu đội ngũ giáo viên phổ thông công lập giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030

4.1. Quy mô trường, lớp, học sinh phổ thông công lập

Đến năm học 2025-2026, tổng số 1.263 trường phổ thông công lập (giảm 45 trường), trong đó: 575 trường tiểu học, 524 trường THCS, 80 trường THPT và 84 trường phổ thông có nhiều cấp học; tổng số 21.536 lớp (tăng 1.424 lớp), trong đó: 12.022 lớp TH, 6.997 lớp THCS và 2.517 lớp THPT; tổng số 741.172 học sinh (tăng 82.190 học sinh).

Đến năm học 2030-3031, số trường phổ thông công lập giữ ổn định như năm học 2025-2026, tổng số 23.429 lớp với 781.286 học sinh.

4.2. Nhu cầu đội ngũ giáo viên phổ thông công lập

a) Nhu cầu đội ngũ giáo viên phổ thông

- Theo quy định của UBND tỉnh, đến năm học 2025-2026, nhu cầu 36.552 giáo viên phổ thông công lập (TH: 18.033 người, THCS: 12.944 người và THPT: 5.575 người). So với số giáo viên hiện có năm học 2021-2022, còn thiếu 8.190 người (TH thiếu 4.932 người, THCS thiếu 2.632 người và THPT thiếu 626 người). người và THPT thiếu 640 người). Riêng giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT, đến năm học 2022-2023 thiếu 138 người (Âm nhạc: 69 người, Mỹ thuật: 69 người); đến năm học 2024-2025 thiếu 408 người (Âm nhạc: 204 người, Mỹ thuật: 204 người).

Đến năm học 2030-2031, nhu cầu 39.393 giáo viên (TH 19.728 người, THCS 14.090 người và THPT 5.575 người). So với số giáo viên hiện có năm học 2021-2022 còn thiếu 11.034 người (TH thiếu 6.634 người, THCS thiếu 3.760

- Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2025-2026, nhu cầu 37.024 giáo viên (TH: 18.033 người, THCS: 13.294 người và THPT: 5.697 người). So với số giáo viên hiện có năm học 2021-2022, còn thiếu 8.662 giáo viên (TH thiếu 4.932 người, THCS thiếu 2.982 người và THPT thiếu 748 người).

Đến năm học 2030-2031, nhu cầu 40.219 giáo viên (TH: 19.728 người, THCS: 14.470 người và THPT: 6.020 người). So với số giáo viên hiện có năm học 2021-2022, còn thiếu 11.860 giáo viên (TH thiếu 6.634 người, THCS thiếu 4.140 người và THPT thiếu 1.085 người).

b) Nhu cầu đội ngũ giáo viên dạy 07 môn bắt buộc chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông

Đến năm học 2025-2026, theo quy định của UBND tỉnh, nhu cầu 425 giáo viên dạy 07 môn, thiếu 71 người so với số giáo viên hiện có năm học 2021-2022. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu 434 giáo viên dạy 07 môn, thiếu 80 giáo viên so với hiện có năm học 2021-2022.

Đến năm học 2030-2031, theo quy định của UBND tỉnh, nhu cầu 503 giáo viên dạy 07 môn, thiếu 150 giáo viên so với hiện có năm học 2021-2022. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu 513 giáo viên, thiếu 160 giáo viên so với hiện có năm học 2021-2022.

I. MỤC TIÊU CHUNG

Phần II

MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Giai đoạn 2022-2025

- Hằng năm tuyển dụng đủ số lượng, đảm bảo về cơ cấu đội ngũ giáo viên từng môn học, cấp học theo chỉ tiêu biên chế được giao.

- 100% cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, 96% giáo viên tiểu học, 98% giáo viên THCS, 100% giáo viên THPT có trình độ đạt chuẩn trở lên. Trong đó, phấn đấu có trình độ trên chuẩn cụ thể theo từng cấp học: 9,3% CBQL và 1,4% giáo viên cơ sở giáo dục tiểu học, 14% và 4,5 % giáo viên cơ sở giáo dục THCS, 79% CBQL và 28,5% giáo viên cơ sở giáo dục THPT.

- 100% cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông thuộc đối tượng đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo kế hoạch (đến năm 2028 đảm bảo 100% CBQL và giáo viên đạt trình độ chuẩn về đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019).

- 100% giáo viên Tiếng Anh đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, trong đó giáo viên tiếng Anh dạy Tiểu học và THCS đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 (B2), giáo viên tiếng Anh dạy THPT đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 (C1).

- 100% cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- 100% cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý, trong đó 90% đạt mức độ khá trở lên.

- 100% giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

- 100% giáo viên đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Định hướng đến năm 2030

- Đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định, cân đối cơ cấu môn học trong mỗi cấp học; bố trí đủ giáo viên dạy 02 buổi/ngày đối với cấp tiểu học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đào tạo trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên, phấn đấu tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ trên chuẩn cụ thể theo từng cấp học: 12% CBQL và 2,5 % giáo viên tiểu học, 18% CBQL và 6 % giáo viên THCS, 84% CBQL và 33% giáo viên THPT.

- 100% cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông được tham gia bồi dưỡng theo nhu cầu và kế hoạch của cơ quan quản lý giáo dục.

Phần III

NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. NỘI DUNG

1. Phát triển đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đảm bảo số lượng giáo viên theo quy định

1.1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên rà soát về nhu cầu, đánh giá đúng thực trạng về số lượng giáo viên, cơ cấu môn học, cấp học theo sự phát triển quy mô trường, lớp và yêu cầu thực hiện chương trình, qua đó nắm rõ số lượng giáo viên thừa, thiếu từng môn học, cấp học để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp. Triển khai thực hiện phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

1.2. Ban hành quy định điều động, luân chuyển có thời hạn giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cơ sở giáo dục và giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Sửa đổi, bổ sung, thay thế quy định của tỉnh về định mức bình quân học sinh/lớp và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1.3. Bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết, hợp đồng giáo viên các trường công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới; tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, kịch bản dạy học theo hình thức trực tuyến trong tình huống ứng phó khi thiên tai hoặc dịch bệnh xảy ra.

1.4. Thực hiện tuyển dụng kịp thời biên chế được giao trong từng năm học, trong đó ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy theo định mức quy định. Trong trường hợp chưa kịp tuyển dụng thì hợp đồng giáo viên, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

1.5. Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo mới giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Có phương án tuyển dụng giáo viên thuộc đối tượng đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng.

1.6. Có phương án cử giáo viên tham gia đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông; bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới, các môn tích hợp; bồi dưỡng giáo viên môn tự nhiên để dạy Tin học cấp tiểu học và THCS; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên phổ thông …nhằm đảm bảo có đủ nguồn giáo viên để tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

2.1. Hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên, đảm bảo đúng đối tượng, nguyên tắc và lộ trình quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tham gia đào tạo đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.

2.2. Tập trung bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản lý, năng lực giảng dạy và giáo dục, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đổi mới phương pháp dạy học tích hợp, dạy học liên môn; cách thức, phương pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo và kiểm tra, đánh giá. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường; đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, tăng cường tổ chức hội thảo về chuyên môn, nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục.

2.3. Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên về quản trị nhà trường, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình bồi dưỡng nhà giáo: Bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới theo các module và lộ trình triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2.4. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý theo chuẩn hiệu trưởng; đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; đánh giá, xếp loại viên chức hằng năm đảm bảo khách quan, công bằng, tránh bệnh thành tích và có tác dụng khích lệ, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo cống hiến, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gắn việc đánh giá xếp loại với việc sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo.

Đối với những cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn và có kết quả đánh giá, xếp loại theo chuẩn, đánh giá xếp loại viên chức không đảm bảo quy định thì bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp, hoặc thực hiện cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định.

2.5. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, tạo điều kiện để cán bộ quản lý phát huy năng lực, quản trị nhà trường; thí điểm thi tuyển chức danh quản lý cơ sở giáo dục.

2.6. Triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm tuyển được những sinh viên có học lực loại giỏi, xuất sắc từ các trường sư phạm để bổ sung về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên.

3. Đảm bảo về kinh phí cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh

3.1. Báo cáo Trung ương hỗ trợ địa phương kinh phí bố trí ngân sách để các cơ sở giáo dục phổ thông thiếu giáo viên chi trả hợp đồng giáo viên và chế độ giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

3.2. Bố trí ngân sách để đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên theo lộ trình quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và chính sách đối với sinh viên sư phạm theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

3.3. Hằng năm bố trí ngân sách bồi dưỡng chương trình, sách giáo khoa mới theo các module và lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

3.4. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông tư thục chất lượng cao nhằm giảm áp lực về biên chế giáo viên đối với cơ sở giáo dục công lập.

3.5. Tổ chức, rà soát các cơ sở giáo dục phổ thông công lập ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và chất lượng giáo dục để thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tự chủ về biên chế, nhằm giảm áp lực về ngân sách và biên chế.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông

4.1. Các sở, ngành, cơ quan truyền thông, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng về chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

4.2. Ngành giáo dục và đào tạo, các đơn vị, cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt đến đội ngũ nhà giáo về triển khai, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, qua đó giúp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, qua đó khuyến khích học sinh khá, giỏi và học sinh miền núi của tỉnh theo học ngành sư phạm, tạo nguồn giáo sinh bổ sung cho đội ngũ giáo viên còn thiếu, nhất là nguồn giáo viên gắn bó lâu dài tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát

Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, phân công công tác đối với đội ngũ nhà giáo giáo; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đội ngũ cán bộ quản lý; công tác đánh giá, xếp loại và thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo; xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đội ngũ nhà giáo nhằm chấn chỉnh thực hiện đúng quy định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Khái toán kinh phí giai đoạn 2022-2025: 432,6 tỷ đồng, trong đó:

- Đào tạo nâng trình độ chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ: 66,4 tỷ đồng;

- Đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ: 280,2 tỷ đồng;

- Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới: 86,0 tỷ đồng.

2. Nguồn kinh phí

- Theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

- Nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp cử người đi đào tạo, bồi dưỡng; do người học tự đóng góp;

- Nguồn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan thường trực chủ trì triển khai thực hiện Đề án; có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp của Đề án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án trong toàn tỉnh theo từng năm và từng giai đoạn, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt nội dung Đề án đến đội ngũ nhà giáo và CBQL các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh để có nhận thức đầy đủ và tham gia thực hiện Đề án đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

- Hằng năm phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu số lượng người làm việc, giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng cấp học để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét giao bổ sung số lượng người làm việc cho các cơ sở giáo dục, để đáp ứng yêu cầu triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện mục tiêu Đề án.

- Hằng năm, chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn cho đội ngũ giáo viên phổ thông theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 và giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo mới giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Đề án

- Chủ trì phối hợp với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông theo kế hoạch, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2. Sở Nội vụ

- Hằng năm, chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thẩm định nhu cầu số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục để tham mưu UBND tỉnh, đề nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao chỉ tiêu số lượng người làm việc các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan, tham mưu UBND tỉnh giao số lượng người làm việc các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đảm bảo phù hợp và theo định mức quy định, đồng thời khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

- Hằng năm, đẩy nhanh việc thẩm định Kế hoạch tuyển dụng giáo viên trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhằm bổ sung kịp thời số giáo viên còn thiếu để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở từng cấp học.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố thẩm định nhu cầu giáo viên hợp đồng, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện chi trả tiền hợp đồng lao động hoặc chế độ làm thêm giờ, giáo viên dạy liên trường theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh có phương án điều chuyển giáo viên giữa huyện thừa sang huyện thiếu; chính sách thu hút sinh viên sư phạm có học lực loại giỏi, xuất sắc từ các trường sư phạm trên cả nước có nguyện vọng công tác lâu dài tại tỉnh Thanh Hóa.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; kiểm tra, quyết toán việc sử dụng kinh phí theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thường xuyên cập nhật, đưa tin về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Đề án.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, trong đó tập trung thực hiện tốt việc tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thực hiện điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, nhất là các trường phổ thông sau khi sắp xếp, sáp nhập; rà soát cơ sở giáo dục tiểu học, THCS ở những địa bàn có điều kiện và khả năng xã hội hóa để thí điểm thực hiện tự chủ về tài chính và đội ngũ, nhằm giảm áp lực về biên chế giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trên địa bàn; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà giáo trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các phòng chức năng có liên quan, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc trong việc triển khai thực hiện Đề án.

- Hằng năm Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ tổ chức rà soát thực trạng, nhu cầu đội ngũ giáo viên các trường tiểu học, THCS để tham mưu UBND tỉnh, đề nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ giao chỉ tiêu biên chế, đồng thời trình HĐND tỉnh giao số lượng người làm việc các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Thực hiện điều chuyển giáo viên thuộc diện dôi dư trong huyện, điều động sang huyện khác còn thiếu.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông và bồi dưỡng theo kế hoạch; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS bố trí, sắp xếp giáo viên giảng dạy phù hợp để giáo viên yên tâm vừa làm, vừa học.

- Rà soát nhu cầu sử dụng giáo viên từ năm 2024 trở đi, để tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ; cam kết tuyển dụng, sử dụng giáo viên sau khi tốt nghiệp.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án trên địa bàn.

- Đánh giá, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/12 hằng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

6. Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Hằng năm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp để tuyển đủ, có chất lượng sinh viên các ngành đào tạo giáo viên theo quy định; nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên; tổ chức tuyển sinh, đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ; tham gia bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

V. PHỤ LỤC CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

(Các nhiệm vụ chủ yếu triển khai thực hiện Đề án tại Phụ lục kèm theo)

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐẾ ÁN

TT

Tên nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Sản phẩm

Thời gian hoàn thành

Ghi chú

1

Quy định điều động, luân chuyển giáo viên có thời hạn từ nơi thừa đến nơi thiếu.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, UBND các huyện, TX, TP và các đơn vị có liên quan

Quy định

Quý IV/2022

 

2

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên TH, THCS theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các cơ sở đào tạo, UBND các huyện, TX, TP và các đơn vị có liên quan

Kế hoạch

Hàng năm

 

3

Tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các cơ sở đào tạo, UBND các huyện, TX, TP và các đơn vị có liên quan

Quyết định

Hằng năm

 

4

Rà soát nhu cầu số lượng người làm việc theo từng cấp học để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ giao bổ sung số lượng người làm việc cho các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn tỉnh

Sở Nội vụ

Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, TX, TP và các đơn vị có liên quan

Báo cáo

Thường xuyên hằng năm

 

5

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp học; thực hiện điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu

Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, TX, TP

Sở Nội vụ

Kế hoạch

Thường xuyên hằng năm

 

6

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí chi trả tiền hợp đồng lao động hoặc chi trả chế độ làm thêm giờ đối với giáo viên

Sở Tài chính

Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, TX, TP

Hướng dẫn

Thường xuyên hằng năm

 

7

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các huyện, TX, TP và các đơn vị có liên quan

Kế hoạch

Thường xuyên hằng năm