Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2212/2005/QĐ-BTM

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 2212/2005/QĐ-BTM NGÀY 15 THÁNG 08 NĂM 2005 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KINH DOANH THÉP XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Chỉ thị số 30/2004/CT-TTg ngày 05 tháng 08 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng gía thị trường trong thời gian trước mắt;
Nhằm từng bước xây dựng hệ thống kinh doanh thép xây dựng phát triển phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; bảo đảm cân đối cung cầu và chất lượng thép xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kinh doanh thép xây dựng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Thương mại, các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh thép xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY CHẾ

KINH DOANH THÉP XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2212/2005/QĐ-BTM ngày 15 tháng 08 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này điều chỉnh hoạt động kinh doanh thép xây dựng trên thị trường Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thép xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. ”Thép xây dựng” lá các loại thép được sử dụng trong xây dựng, bao gồm: thép tròn cuộn, thép thanh tròn trơn, thép thanh vằn, thép thanh có đốt.

2. ”Nhà cung ứng thép xây dựng” là nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thép xây dựng để tiêu thụ trên thị trường Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung ứng).

3. ”Nhà phân phối thép xây dựng” là nhà bán buôn, bán lẻ hoặc vừa bán buôn vừa bán lẻ thép xây dựng (sau đây gọi là nhà phân phối).

4. ”Tổng đại lý thép xây dựng” là thương nhân có mạng lưới đại lý bán lẻ trực thuộc để thực hiện việc nhập thép xây dựng từ nhà cung ứng, nhà phân phối và giao cho các đại lý bán lẻ thép xây dựng của mình (say đây gọi là tổng đại lý).

5. ”Đại lý bán lẻ thép xây dựng” là thương nhân nhận thép xây dựng từ nhà cung ứng, nhà phân phối hoặc tổng đại lý để thực hiện việc bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng (sau đây gọi là đại lý bán lẻ).

Chương 2:

HỆ THỐNG KINH DOANH THÉP XÂY DỰNG

Điều 4. Các chủ thể tham gia hệ thống kinh doanh thép xây dựng

Hệ thống kinh doanh thép xây dựng trên thị trường Việt Nam bao gồm các chủ thể như nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ và các đơn vị trực thuộc các chủ thể này như chi nhánh, xí nghiệp, cửa hàng bán lẻ.

Điều 5. Quyền và trách nhiệm của nhà cung ứng

1. Nhà cung ứng có các quyền sau đây:

a) Thiết lập hệ thống phân phối thép xây dựng trực thuộc gồm chi nhánh, xí nghiệp, cửa hàng bán lẻ;

b) Lựa chọn và ký hợp đồng mua bán thép xây dựng với nhà phân phối:

c) Lựa chọn thương nhân, thiếp lập hệ thống tổng đại lý và đại lý bán lẻ;

d) ấn định giá thép xây dựng cho tổng đại lý và đại lý bán lẻ, ấn định giá bán lẻ thép xây dựng trong hệ thống phân phối thép xây dựng trực thuộc và hệ thống đại lý của mình;

đ) Lựa chọn hình thức thù lao hoặc chiết khấu thương mại cho nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ theo quy định;

e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý của tổng đại lý, đại lý bán lẻ;

g) Bảo vệ thương hiệu, uy tín, chất lượng sản phẩm của mình;

h) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nhà cung ứng có các trách nhiệm sau đây:

a) Ký hợp đồng mua bán thép xây dựng bằng văn bản với các nhà phân phối;

b) Ký hợp đồng đại lý bằng văn bản với tổng đại lý và đại lý bán lẻ;

c) Hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ thực hiện hợp đồng;

d) Chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá bán lẻ thép xây dựng do mình cung ứng trên thị trường;

đ) Trả thù lao hoặc chiết khấu thương mại trên cơ sở thoả thuận theo các quy định hiện hành và phải được thể hiện rõ trong hợp đồng;

e) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Quyền và trách nhiệm của nhà phân phối

1. Nhà phân phối có các quyền sau đây:

a) Thiết lập hệ thống phân phối thép xây dựng trực thuộc gồm chi nhánh, xí nghiệp, cửa hàng bán lẻ;

b) Lựa chọn và ký hợp đồng mua bán thép xây dựng với nhà cung ứng;

c) Lựa chọn thương nhân, thiếp lập hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ;

d) ấn định giá thép xây dựng giao cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ;

đ) Lựa chọn hình thức thù lao hoặc chiết khấu thương mại cho các tổng đại lý, đại lý bán lẻ theo quy định;

e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của tổng đại lý, đại lý bán lẻ;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nhà phân phối có trách nhiệm sau đây:

a) Ký hợp đồng mua bán thép xây dựng bằng văn bản với nhà cung ứng;

b) Ký hợp đồng đại lý bằng văn bản với các tổng đại lý, đại lý bán lẻ;

c) Hướng dẫn, cung ứng thông tin, tạo điều kiện cho tổng đại lý và đại lý bán lẻ thực hiện hợp đồng;

d) Liên đới chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá thép xây dựng đã giao cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ và hệ thống phân phối thép xây dựng trực thuộc;

đ) Trả thù lao hoặc chiêt khấu thương mại trên cơ sở thoả thuận theo các quy định hiện hành và phải được thể hiện rõ trong hợp đồng;

e) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quyền và trách nhiệm của tổng đại lý

1. Tổng đại lý có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn nhà cung ứng, nhà phân phối để làm tổng đại lý;

b) Lựa chọn thương nhân, thiết lập mạng lưới đại lý bán lẻ thép xây dựng;

c) ấn định giá thép xây dựng giao cho đại lý bán lẻ theo thoả thuận trong hợp đồng với nhà cung ứng, nhà phân phối;

d) Lựa chọn hình thức thù lao hoặc chiết khấu thương mại cho các đại lý bán lẻ theo quy định;

đ) Yêu cầu nhà cung ứng, nhà phân phối hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện có liên quan để thực hiện hợp đồng đại lý;

e) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên đại lý;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổng đại lý có các trách nhiệm sau đây:

a) Ký hợp đồng tổng đại lý bằng văn bản với nhà cung ứng, nhà phân phối;

b) Ký hợp đồng đại lý bằng văn bản với đại lý bán lẻ;

c) Hướng dẫn cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho đại lý bán lẻ thực hiện hợp đồng đại lý;

d) Liên đới chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá thép xây dựng đã giao cho đại lý bán lẻ;

đ) Trả thù lao đại lý, chiết khấu thương mại trên cơ sở thoả thuận theo các quy định hiện hành và phải được thể hiện rõ trong hợp đồng;

e) Chịu sự kiểm tra, giám sát và thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động cho nhà cung ứng và nhà phân phối;

g) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quyền và trách nhiệm của đại lý bán lẻ

1. Đại lý bán lẻ có các quyền say đây:

a) Lựa chọn nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý để làm đại lý bán lẻ;

b) Yêu cầu nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý hướng dẫn, cung cấp thông tin và các điều kiện có liên quan để thực hiện hợp đồng.

c) Hưởng thù lao, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do hoạt động đại lý mang lại.

2. Đại lý bán lẻ có các trách nhiệm sau đây:

a) Bán thép xây dựng theo giá do bên giao đại lý ấn định;

b) Liên đới chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá bán thép xây dựng đã bán cho người tiêu dùng;

c) Chịu sự kiểm tra, giám sát của và thường xuyên báo cáo hoạt động đại lý với nhà cung ứng, nhà phân phôi, tổng đại lý;

d) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Ghi nhãn thép xây dựng

Thép xây dựng được kinh doanh trên thị trường Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hoá. Việc ghi nhãn đối với thép xây dựng được thực hiện bằng cách ghi trực tiếp vào sản phẩm hoặc có nhãn phụ cài, đính kèm theo sản phẩm trưng bày tại nơi bán hàng hoặc ghi vào phiếu riêng để chuyển riêng cho khách hàng. Nội dung cụ thể của nhãn hàng hoá đối với thép xây dựng được thực hiện theo Thông tư số 06/2000/TT-BXD ngày 04 tháng 07 năm 2000 của Bộ Xây dựng.

Điều 10. Niêm yết giá bán thép xây dựng

1. Nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ phải niêm yết giá bán thép xây dựng công khai tại nơi giao dịch. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ phải nghiêm chỉnh thực hiện bán thép xây dựng đúng giá đã niêm yết.

Điều 11. Bình ổn giá

1. Trường hợp giá thị trường của thép xây dựng có biến động bất thường thì Nhà nước sẽ sử dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bình ổn giá của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 12. Chế độ báo cáo

Trong trường hợp cần thiết, để phục vụ yêu cầu bình ổn thị trường thép xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trung ưng và địa phương) có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh thép xây dựng báo cáo về hoạt động kinh doanh và các yếu tố hình thành giá bán thép xây dựng.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ưng có trách nhiệm chỉ đạo Sở Thương mại, Sở Tài chính và các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của Quy chế này trên địa bàn, bao gồm:

1. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết đối với tất cả các nhà cung ứng, nhà phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ thép xây dựng đóng trên địa bàn.

2. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm quy định của Quy chế này và các quy định hiện hành khác của pháp luật để bảo đảm bình ổn thị trường thép xây dựng trên địa bàn.

Điều 14. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ưng chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định trong Quy chế này và các văn bản có liên quan khác nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo đảm ổn định thị trường thép xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

2. Trong quá trình thực hiện tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm kịp thời báo cáo các vướng mắc phát sinh về Bộ Thương mại để xử lý./.

 

 

Phan Thế Ruệ

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2212/2005/QĐ-BTM về việc ban hành quy chế kinh doanh thép xây dựng do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 2212/2005/QĐ-BTM
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/08/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Phan Thế Ruệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 38 đến số 39
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản