Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2201/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 07 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 36/TTr-STP ngày 24 tháng 7 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Phần I

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật Công chứng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/11/2006;

Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

II. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, với dân số trên hai triệu người; có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; cùng với quá trình phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa và thu hút lao động nhập cư cũng diễn ra nhanh chóng. Tình hình đó làm phát sinh nhu cầu xác lập và thực hiện hợp đồng, giao dịch về dân sự, thương mại, kinh tế… ngày càng cao. Đồng thời, nhu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh cũng liên tục gia tăng. Qua thống kê báo cáo cho thấy, số lượng công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch tại các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều (theo báo cáo số liệu thống kê, năm 2006 số lượng việc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch tại các phòng Công chứng và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã là 8.274 trường hợp; năm 2007: 18.252 trường hợp; năm 2008: 57.289 trường hợp). Bên cạnh sự gia tăng về số lượng yêu cầu công chứng, chứng thực, tính đa dạng, phức tạp và yếu tố mới trong các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hành nghề công chứng và hoạt động chứng thực phải có sự đầu tư nhiều và sâu hơn cho hoạt động này nhằm đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Để thực hiện quy định pháp luật và chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu công chứng của nhân dân và định hướng phát triển hoạt động công chứng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng được nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân, phục vụ có hiệu quả cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (sau đây gọi là Đề án) là cơ sở pháp lý giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Đề án xác định mục đích, nguyên tắc và định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, quy định về lộ trình và mạng lưới phát triển tổ chức hành nghề công chứng với những bước đi, giải pháp khả thi, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai trong từng giai đoạn.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ NGUYÊN TẮC PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TẠI TỈNH ĐỒNG NAI

I. MỤC TIÊU

1. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng. Việc xã hội hóa hoạt động công chứng phải có bước đi phù hợp theo quy hoạch và lộ trình cụ thể nhằm bảo đảm cho sự phát triển hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và định hướng phát triển chung của tỉnh.

2. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh phải gắn kết với mật độ dân cư, diện tích, tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng của tổ chức, cá nhân và thực hiện quy định pháp luật về công chứng; từng bước chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho các tổ chức hành nghề công chứng nhằm đảm bảo và tăng cường tính pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch, phục vụ hiệu quả cho quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Nai.

II. NGUYÊN TẮC PHÁT TRIỂN

1. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch và lộ trình phù hợp với từng địa phương (theo địa giới hành chính cấp huyện) và từng giai đoạn.

2. Phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa phương chưa có phòng Công chứng hoặc đã có phòng Công chứng nhưng nhu cầu công chứng cao. Đồng thời khuyến khích xã hội hóa hoạt động công chứng tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG

1. Định hướng chung về phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Việc xây dựng và thành lập Văn phòng công chứng phải theo quy hoạch của tỉnh; xây dựng một mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng gắn với địa bàn dân cư, địa giới hành chính và phân bố dân cư; phân bố các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng địa phương để phục vụ kịp thời và thuận lợi cho nhu cầu công chứng của nhân dân.

Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án (2009 - 2012) cần ổn định và tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của 04 (bốn) phòng Công chứng hiện có; phát triển Văn phòng công chứng tại các địa phương có nhu cầu công chứng cao và có điều kiện thuận lợi để thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, đồng thời khuyến khích phát triển Văn phòng công chứng tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Trong những giai đoạn tiếp theo, tiếp tục nâng cao chất lượng công chứng tại các phòng Công chứng và Văn phòng công chứng; đồng thời rà soát, sắp xếp tổ chức hành nghề Công chứng, phân bố hợp lý theo từng địa phương; tiến tới chuyển đổi, xã hội hóa các phòng Công chứng; mở rộng hệ thống tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân.

2. Quy hoạch phát triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng theo từng địa phương

Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng được xây dựng trên cơ sở diện tích và phân bổ dân cư, phân bố các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dự báo tốc độ phát triển và nhu cầu công chứng của từng địa phương.

Tỉnh Đồng Nai quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo từng huyện, thị xã và thành phố (gồm 09 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố). Trong đó, tập trung phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương chưa có tổ chức hành nghề công chứng và địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thực hiện nhiều quan hệ giao dịch dân sự.

II. LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG

Căn cứ nhu cầu công chứng và yêu cầu quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo lộ trình sau:

1. Giai đoạn 1 (từ năm 2009 đến năm 2012)

- Tập trung xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng; phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân, đồng thời khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu phát triển tổ chức hành nghề công chứng nhằm đáp ứng kịp thời và tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu công chứng theo từng địa bàn phân bố dân cư; do đó cần bố trí tổ chức thành lập Văn phòng công chứng cân đối giữa các địa phương.

- Số lượng các tổ chức hành nghề công chứng (Văn phòng công chứng) tại tỉnh Đồng Nai dự kiến từ 26 Văn phòng, bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 02 Văn phòng công chứng; riêng thành phố Biên Hòa cần có thêm 06 Văn phòng công chứng; bên cạnh đó giữ nguyên 04 phòng Công chứng hiện có và củng cố, nâng cao chất lượng công chứng, điều kiện cơ sở vật chất.

Phân bố cụ thể theo từng địa phương như sau:

- Thành phố Biên Hòa: Giữ nguyên phòng Công chứng số 01 và thành lập thêm 06 Văn phòng công chứng, quy hoạch tập trung ở các khu vực: Phường Long Bình Tân, Tân Biên, Tân Hiệp, Bình Đa, Thống Nhất và Bửu Hòa.

- Huyện Tân Phú: Thành lập 02 Văn phòng công chứng;

- Huyện Nhơn Trạch: Thành lập 02 Văn phòng công chứng;

- Huyện Cẩm Mỹ: Thành lập 02 Văn phòng công chứng;

- Huyện Xuân Lộc: Thành lập 02 Văn phòng công chứng;

- Huyện Vĩnh Cửu: Thành lập 02 Văn phòng công chứng;

- Huyện Trảng Bom: Thành lập 02 Văn phòng công chứng;

- Huyện Thống Nhất: Thành lập 02 Văn phòng công chứng;

- Đối với huyện Long Thành, Định Quán và thị xã Long Khánh: Vẫn giữ nguyên các phòng Công chứng số 2, 3, 4 và kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng công chứng viên, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhân dân tại địa phương và thành lập thêm 02 Văn phòng công chứng ở mỗi huyện, thị xã.

2. Giai đoạn 2 (từ năm 2012 đến năm 2015): Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng; duy trì, ổn định các phòng Công chứng hiện có; củng cố, phát triển Văn phòng công chứng theo hướng phân bố hợp lý tổ chức hành nghề công chứng theo từng địa phương; những địa phương có mật độ dân cư đông và có nhu cầu công chứng cao, có thể thành lập thêm từ 10 đến 15 Văn phòng công chứng ở thành phố Biên Hòa; từ 05 đến 10 Văn phòng công chứng ở các huyện, thị xã.

3. Giai đoạn 3 (sau năm 2015): Tiếp tục phát triển thêm các Văn phòng công chứng tại địa phương phục vụ nhu cầu công chứng của nhân dân và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; tổ chức lại các phòng Công chứng ở những địa phương có Văn phòng công chứng hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân và yêu cầu quản lý Nhà nước.

III. THÀNH LẬP VÀ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

1. Trụ sở Văn phòng công chứng và lưu trữ hồ sơ tại Văn phòng công chứng

a) Văn phòng công chứng phải có trụ sở riêng, địa chỉ cụ thể, bảo đảm diện tích làm việc cho Công chứng viên, nhân viên, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người yêu cầu công chứng, bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy và lưu trữ hồ sơ.

b) Việc lưu trữ hồ sơ tại Văn phòng công chứng phải do người đã được đào tạo chuyên môn về công tác lưu trữ thực hiện. Hồ sơ công chứng phải được bảo mật theo quy định.

2. Thành lập Văn phòng công chứng

a) Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải nộp hai bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng tại Sở Tư pháp. Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gồm có:

- Đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng phải do Công chứng viên thành lập ký tên. Đối với Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp doanh thì tất cả các Công chứng viên thành lập đều phải ký tên trong đơn đề nghị thành lập Văn phòng công chứng.

- Bản sao quyết định bổ nhiệm của Công chứng viên đề nghị thành lập Văn phòng công chứng;

- Đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ các vấn đề sau:

+ Sự cần thiết thành lập Văn phòng công chứng tại địa phương, các điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu công chứng tại địa phương.

+ Loại hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng công chứng; tên gọi, tên giao dịch; tổ chức và nhân sự của Văn phòng công chứng; phần vốn góp và tiến độ góp vốn (đối với Văn phòng công chứng do hai Công chứng viên trở lên thành lập).

+ Về cơ sở vật chất: Dự kiến địa điểm đặt trụ sở; tổng diện tích (trường hợp sử dụng một phần nhà riêng phải nêu rõ diện tích và vị trí của phần diện tích mà Văn phòng công chứng sử dụng; trường hợp thuê, mượn nhà làm trụ sở thì phải có hợp đồng thuê, mượn nhà tối thiểu là 03 năm kể từ ngày làm thủ tục đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng); các diện tích dự kiến sử dụng để tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng, lưu trữ hồ sơ, nơi để xe khách và nhân viên Văn phòng; điều kiện thực hiện các quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; điều kiện và phương hướng áp dụng công nghệ thông tin; những cơ sở vật chất khác.

+ Kế hoạch triển khai hoạt động của Văn phòng công chứng: Tiến độ và kế hoạch đưa Văn phòng công chứng vào hoạt động; quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ công chứng; tiến độ thực hiện các dự kiến về tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất…

b) Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng (hoặc một trong các Công chứng viên thành lập) trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng tại Sở Tư pháp.

c) Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Sở Tư pháp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép thành lập hoặc từ chối việc thành lập bằng văn bản trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản tham mưu đề xuất của Sở Tư pháp.

3. Đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng

a) Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Công chứng viên (hoặc một trong các Công chứng viên thành lập) Văn phòng công chứng phải nộp một bộ hồ sơ đăng ký tại Sở Tư pháp.

Hồ sơ đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng gồm có:

- Đơn đề nghị đăng ký hoạt động do Công chứng viên thành lập (hoặc các Công chứng viên thành lập) ký tên;

- Giấy tờ chứng minh trụ sở của Văn phòng công chứng;

- Hợp đồng mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Công chứng viên;

Theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Luật Công chứng thì Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Công chứng viên của tổ chức mình. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Công chứng viên, do đó để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có thể xảy ra do lỗi của Công chứng viên đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân khi yêu cầu công chứng và tăng cường an toàn pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch được công chứng, Văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Công chứng viên tối thiểu 100.000.000 đồng.

Mức mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tối thiểu 100.000.000 đồng đối với một Công chứng viên và phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của Công chứng viên tại Văn phòng công chứng. Mức mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tối thiểu sẽ được hủy bỏ khi có quy định của cơ quan có thẩm quyền về việc này.

- Các giấy tờ khác theo quy định pháp luật và giấy tờ chứng minh các điều kiện hoạt động đã nêu trong Đề án thành lập Văn phòng công chứng.

b) Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng.

4. Lĩnh vực hành nghề của tổ chức hành nghề công chứng

Tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản và động sản, công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, từ chối nhận di sản, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng, soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp và các việc khác liên quan đến việc công chứng theo quy định pháp luật.

5. Lệ phí đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng

Khi đăng ký hoạt động, Văn phòng công chứng phải nộp lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.

6. Phí công chứng

Thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17/10/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng.

7. Chế độ tài chính của tổ chức hành nghề công chứng

a) Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Chế độ tài chính của phòng Công chứng được thực hiện theo quy định pháp luật về đơn vị sự nghiệp và các quy định khác có liên quan;

b) Văn phòng công chứng do một Công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai Công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Văn phòng công chứng có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của Công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.

c) Các tổ chức hành nghề công chứng phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

8. Trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng

Thực hiện thủ tục đề nghị thành lập, đăng ký hoạt động, đăng ký mã số thuế, khắc dấu, lập sổ sách, tổ chức hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật và Đề án này.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

b) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Đề án trong từng giai đoạn; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh;

c) Tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Công chứng và Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Đồng Nai;

d) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Chủ trì việc tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp hỗ trợ, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biện pháp bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho các phòng Công chứng;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét cho phép thành lập hoặc từ chối việc thành lập Văn phòng công chứng theo quy định pháp luật và Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Đồng Nai;

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch của Ủy ban nhân dân cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng;

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp tình hình và thống kê hoạt động công chứng theo định kỳ, đột xuất gửi Bộ Tư pháp;

- Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng;

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra theo định kỳ và đột xuất, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật;

- Yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động theo định kỳ 06 tháng và hàng năm;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định pháp luật.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính

a) Phối hợp Sở Tư pháp xây dựng dự toán và cấp phát kinh phí xây dựng, thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Phối hợp Sở Tư pháp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng và hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

3. Trách nhiệm của Cục Thuế

Hướng dẫn tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục đăng ký mã số thuế, lập sổ sách và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật.

4. Trách nhiệm của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

Phối hợp Sở Tư pháp triển khai thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.

Quá trình thực hiện Đề án, nếu có khó khăn vướng mắc, Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2201/QĐ-UBND năm 2009 về đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 2201/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/08/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Một
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản