Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG COVID-19
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 2194/QĐ-BCĐQG

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG VÀ ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ LÂY NHIỄM DỊCH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC VÀ KÝ TÚC XÁ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật An toàn vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;

Căn cứ Quyết định số 56/2010/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp;

Xét đề nghị của Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.

Điều 2. Hướng dẫn gồm 2 phần:

1. Phần thứ nhất. Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

2. Phần thứ hai. Hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Công văn số 1133/BYT-MT ngày 09/3/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động; Công văn số 2002/BYT-MT ngày 10/4/2020 của Bộ Y tế về việc phân luồng khử khuẩn khi có người lao động được xác định mắc COVID-19 tại nơi làm việc và Công văn số 490/BYT-MT ngày 06/02/2020 của Bộ Y tế về khuyến cáo phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) tại nơi làm việc.

Điều 4. Các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó TTg CP. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế;
- TLĐLĐVN, Phòng TMCNVN;
- Các VP, Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ;
- Các Viện VSDTTW, VSDTTN, Pasteur NT, TPHCM, SKNNMT, YTCC TPHCM;
- Sở Y tế, Trung tâm KSBT/YTDP các tỉnh, TP;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BCĐQGPCDB, MT.

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Bộ Y tế

 

HƯỚNG DẪN

PHÒNG, CHỐNG VÀ ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ LÂY NHIỄM DỊCH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC VÀ KÝ TÚC XÁ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BCĐQG ngày tháng năm 2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19)

PHẦN THỨ NHẤT

HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC VÀ KÝ TÚC XÁ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

I. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi

- Nơi làm việc bao gồm văn phòng, công sở, khu dịch vụ (trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, ngân hàng, bưu điện), cơ sở sản xuất, kinh doanh,... sau đây gọi là cơ sở lao động.

- Ký túc xá hoặc nơi lưu trú tập trung cho người lao động sau đây gọi là ký túc xá.

- Hướng dẫn này không áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/02/2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Conona 2019 (COVID-19) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Đối tượng

2.1 Các nhóm đối tượng

- Người lao động, người sử dụng lao động và ban quản lý ký túc xá.

- Nhà thầu, đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ, suất ăn,... cho cơ sở lao động và ký túc xá.

- Bộ phận y tế, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động (sau đây gọi chung là cán bộ y tế).

2.2 Đối tượng làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao

- Cán bộ y tế, công an, quân đội và các cán bộ tham gia giám sát, cách ly, xét nghiệm hoặc ứng phó, phòng, chống dịch COVID-19.

- Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc cao nơi công cộng: nhân viên hàng không; thuyền viên, nhân viên đường sắt; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phục vụ mục đích công cộng (người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và sử dụng ứng dụng kết nối); người lao động làm việc tại các khu dịch vụ, nhân viên môi trường đô thị, v.v...

- Cán bộ, nhân viên các lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu (Hải quan, kiểm hóa, biên phòng; an ninh hàng không, kỹ thuật mặt đất; cảng vụ, hoa tiêu, đại lý hàng hải; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; đơn vị y tế tại cửa khẩu).

3. Một số khái niệm

- Khoảng giãn cách tối thiểu và việc đeo khẩu trang thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

- Rửa tay được hiểu là rửa tay với nước sạch và xà phòng ít nhất trong thời gian 30 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

- Dung dịch sát khuẩn tay: Phải chứa ít nhất 60% cồn hoặc các hoạt chất diệt khuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

- Ca bệnh là trường hợp có xét nghiệm dương tính với SARS-COVI-2. Người tiếp xúc vòng 1 là người tiếp xúc gần với ca bệnh. Người tiếp xúc vòng 2 là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với ca bệnh.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

1. Trước khi đến nơi làm việc

1.1. Hướng dẫn chung khi ở nhà/ký túc xá

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi...), thường xuyên súc miệng, họng bằng nước muối 9‰ hoặc nước súc miệng, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng; Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã.

- Chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho thời gian làm việc hoặc đi công tác như nước uống và cốc uống dùng riêng (đảm bảo vệ sinh); khăn giấy, khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn tay khi không có điều kiện rửa tay với nước sạch và xà phòng trong quá trình làm việc; quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác (nếu cần)…

- Tự theo dõi sức khỏe hằng ngày (đo nhiệt độ). Nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì chủ động ở nhà/ký túc xá, không đi làm/đi công tác, thông báo cho cơ quan, đơn vị quản lý và thực hiện các nội dung sau:

+ Nếu ở nhà thì đeo khẩu trang, tự cách ly ở phòng riêng, thoáng khí, giữ khoảng cách với người khác ít nhất 02 mét. Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc, uống nước, bát, đũa,... Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy, thức ăn thừa và đồ đựng thức ăn dùng một lần sau khi sử dụng vào thùng rác riêng có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng và thải bỏ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không đến chỗ đông người. Chủ động cập nhật tình hình sức khỏe, kết quả khám cho đơn vị quản lý.

+ Nếu đang ở ký túc xá, thông báo với Ban quản lý ký túc xá để thực hiện theo Hướng dẫn tại Mục VI, Phần I và Phụ lục số 6 của Hướng dẫn này.

- Không được đi làm nếu đang trong thời gian cách ly y tế theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

- Thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế như hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, nếu phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách an toàn khi tiếp xúc và không tụ tập đông người tại nơi công cộng.

1.2. Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Ngoài các hướng dẫn chung ở trên, người lao động cần lưu ý:

- Tham khảo thông tin về tình hình dịch và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế http://ncov.moh.gov.vn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của chuyến công tác.

- Người lao động nếu có bệnh mạn tính (như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi,...) cần cân nhắc trước khi đến các khu vực, địa phương có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

- Tìm hiểu thông tin và các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ cán bộ y tế/cơ quan y tế địa phương.

1.3. Lưu ý khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, ký túc xá theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú, ký túc xá đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp tại gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác ít nhất 2 mét.

- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hằng ngày.

- Hằng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang đúng quy định, thường xuyên rửa tay.

- Hằng ngày thông báo cho cán bộ y tế cấp xã hoặc cán bộ quản lý được phân công phụ trách theo dõi 2 lần (sáng, chiều) về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

- Thông báo ngay cho cán bộ y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở.

- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú, ký túc xá.

- Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng, thức ăn thừa và đồ đựng thức ăn dùng một lần sau khi sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly để được thu gom, xử lý theo quy định.

- Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá.

- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, ưu tiên sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn phòng, đặc biệt các bề mặt thường xuyên tiếp xúc và phòng vệ sinh. Hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

2. Tại nơi làm việc

2.1. Các hướng dẫn chung cho người lao động

- Việc đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng giãn cách tại nơi làm việc, hội họp, khi ăn ca, các khu vực công cộng tại cơ sở lao động thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Lắp vách ngăn giữa các vị trí làm việc (nếu có thể).

- Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

- Rửa tay thường xuyên. Rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trước khi tiếp xúc với các bề mặt tay nắm cửa, nút bấm thang máy,...

- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.

- Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

- Chủ động thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn. Hạn chế dùng chung các dụng cụ, phương tiện lao động,... nếu có phải vệ sinh các vị trí tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn trước khi sử dụng (Tham khảo thêm mục V về khử khuẩn nơi làm việc).

- Không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa,… theo quy định tại nơi làm việc.

- Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc là ca bệnh, hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc và cán bộ y tế tại nơi làm việc để thực hiện theo hướng dẫn tại Mục VI và VII, Phần I của Hướng dẫn này.

- Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19.

2.2. Đối với người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao

Ngoài các hướng dẫn chung ở trên, người lao động cần lưu ý:

- Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Tuy nhiên cần lưu ý rửa tay ngay sau khi cởi bỏ găng tay và thay găng tay khi phải tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên và dùng giấy lau tay sử dụng một lần hoặc khăn lau tay để làm khô tay.

- Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

- Người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông sử dụng ứng dụng kết nối: Chủ động thực hiện đóng mở cửa xe cho khách (nếu có thể).

- Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã.

2.3. Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Ngoài các hướng dẫn ở trên (Mục 2.1 và 2.2), người lao động cần lưu ý:

- Tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác.

- Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 02 mét đối với những người đang có biểu hiện ho hoặc hắt hơi.

- Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và nếu cần thiết thì đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

3. Khi kết thúc thời gian làm việc

3.1. Đảm bảo vệ sinh phòng, chống lây nhiễm

- Dọn vệ sinh và vứt bỏ túi chứa khăn giấy, khẩu trang, vật dụng đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay.

- Không mặc quần áo, giầy, ủng sử dụng khi làm việc về nhà/ký túc xá. Để quần áo, vật dụng (đối với khẩu trang, găng tay sử dụng nhiều lần) đã sử dụng trong túi kín và giặt sạch sau mỗi ca làm việc.

3.2. Sau khi đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

- Người lao động tự theo dõi các triệu chứng mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và đo nhiệt độ 02 lần một ngày trong 14 ngày.

- Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì người lao động phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và cách ly chặt chẽ tại cơ sở y tế. Thông báo cho người quản lý hoặc/và cán bộ y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết.

4. Thực hiện việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng. Không phát tán các thông tin không chính thức, chưa được kiểm chứng.

5. Nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế điện tử tự nguyện và thường xuyên cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

6. Tuân thủ và thực hiện đầy đủ nội dung, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn này và các quy định, yêu cầu của người sử dụng lao động. Tham gia tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc và tại cộng đồng.

* Những việc người lao động cần làm để phòng trách mắc COVID-19 có trong Phụ lục 2 của Hướng dẫn này.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, BAN QUẢN LÝ KÝ TÚC XÁ

1. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá bao gồm người sử dụng lao động, đại diện các phòng ban, bộ phận y tế, nhân sự, công đoàn/tổ chức đại diện người lao động, an toàn vệ sinh lao động,... Trong đó bộ phận y tế là thường trực của Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tại nơi làm việc,... Tổ chức công đoàn/đại diện người lao động có trách nhiệm phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tuyên truyền cho người lao động; phản ánh các khó khăn, vướng mắc và việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động.

2. Thiết lập kênh liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng cấp tỉnh hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương.

3. Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá.

4. Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19

4.1. Kế hoạch được xây dựng trên căn cứ kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc đánh giá những việc cần làm tại các phụ lục từ số 2 đến số 6 ban hành kèm theo Hướng dẫn này.

4.2. Nội dung của kế hoạch bao gồm những nội dung cần triển khai; người chịu trách nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện; người chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát; kinh phí đảm bảo thực hiện. Lập bản đồ các vị trí có nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc, ký túc xá. Kế hoạch phải được thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện để điều chỉnh phù hợp.

Kế hoạch phải bao gồm cả phương án xử trí và bố trí phòng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở; hoặc có ca bệnh hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 trong quá trình làm việc hoặc khi đang ở ký túc xá. Sắp xếp nhân lực, kinh phí phù hợp để thực hiện kế hoạch.

Kế hoạch bố trí khu cách ly tập trung tại khu vực làm việc hoặc tại ký túc xá của người lao động theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khi được yêu cầu.

5. Không cho phép người không có phận sự vào khu vực làm việc/ký túc xá. Trong trường hợp cần thiết vào khu vực làm việc/ký túc xá thì bảo vệ phải ghi lại thông tin cá nhân, kê khai y tế bắt buộc của người vào (khách), người tiếp khách, vị trí tiếp khách, thời gian tiếp khách vào sổ trực ban, không cho phép khách đi vào các khu vực không liên quan. Nếu được thì bố trí riêng khu vực để tiếp khách. Khách vào khu vực làm việc/ký túc xá phải được đo nhiệt độ, đeo khẩu trang và rửa tay. Gắn biển “Đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào” đặt ngay cổng ra vào.

6. Bố trí đủ nhân lực tại cổng ra vào để đo kiểm tra thân nhiệt cho người lao động và đảm bảo khoảng giãn cách tối thiểu tại khu vực cổng ra vào tại thời điểm đầu giờ và khi hết giờ làm việc. Việc thực hiện được điều chỉnh tùy theo tình hình dịch.

7. Rà soát, sắp xếp và tổ chức công việc tại nơi làm việc để đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định.

8. Đối với các cuộc họp, hội nghị, sự kiện, hoạt động tập trung đông người: Ưu tiên hình thức trực tuyến (online). Nếu không tổ chức trực tuyến được thì phải thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 của Hướng dẫn này.

9. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh hoạt (nếu được). Khuyến khích người lao động trao đổi, làm việc hoặc giao ca trực tuyến qua điện thoại, các phần mềm hội thảo trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội khác, E-mail,…

10. Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay có đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các vị trí trước khi vào làm việc; trước và sau khi ăn, tại các khu vệ sinh; tại các vị trí có tiếp xúc chung như: cây ATM, bình nước uống công cộng, máy bán hàng tự động,…

11. Đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại cơ sở lao động/phương tiện vận chuyển/ký túc xá cho người lao động theo hướng dẫn tại Mục V, Phần I của Hướng dẫn này. Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt 24/24 giờ và đủ nhà vệ sinh theo quy định.

12. Tăng cường thông khí nơi làm việc bằng cách tăng thông gió, hoặc mở cửa sổ, cửa ra vào, sử dụng quạt. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.

13. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy đặt tại các vị trí thuận tiện. Đảm bảo có đủ các trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác vệ sinh, khử khuẩn nơi làm việc, khu ký túc xá .

14. Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần lắp đặt hệ thống vách ngăn trong suốt; cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang, găng tay đúng cách cho người lao động; cung cấp các dung dịch sát khuẩn tay tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch.

15. Đối với phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối, khuyến khích lắp đặt vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách, tăng thông gió bằng cách mở cửa sổ.

16. Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở lao động/ký túc xá cho người lao động.

- Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, đảm bảo các điều kiện vệ sinh như đo nhiệt độ, khai báo y tế hằng ngày, đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ.

- Sắp xếp giờ nghỉ giải lao/ăn trưa lệch giờ. Cung cấp các suất ăn cá nhân. Tránh tập trung đông người ở căng tin/phòng ăn trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện, trò chuyện khi ăn. Ăn xong rời khỏi căng tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết.

- Đảm bảo khoảng cách khi ăn, bố trí so le tùy theo tình hình dịch. Khuyến khích lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn.

- Bố trí khu vực rửa tay trước và sau khi ăn. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn ngay sau mỗi lượt người lao động ăn, uống.

- Có biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt hoặc phiếu ăn để trả tiền ăn.

17. Nếu có tổ chức đưa đón người lao động phải đảm bảo các quy định sau:

- Số lượng người trên xe đưa đón người lao động thực hiện theo hướng dẫn về quy định giãn cách trên phương tiện giao thông của Bộ Giao thông vận tải.

- Bố trí camera giám sát trên xe (nếu có thể). Khuyến khích thực hiện thông gió tự nhiên trên phương tiện. Đảm bảo có sẵn dung dịch sát khuẩn tay.

- Thực hiện đo kiểm tra nhiệt độ cho người lao động và yêu cầu người lao động rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe và đeo khẩu trang suốt hành trình.

- Lập danh sách hoặc quản lý danh sách người lao động đi xe hoặc bằng thẻ. Khuyến khích cố định người lao động di chuyển trên cùng một xe đưa đón.

- Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn xe trước/sau mỗi lần đưa đón.

18. Thông báo, đề nghị các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (thực phẩm, cung cấp suất ăn, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…) cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

19. Khi có trường hợp người lao động/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc hoặc là ca bệnh hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì thực hiện theo hướng dẫn tại mục VI và VII, Phần I của Hướng dẫn này. Đối với cơ sở lao động có phòng, trạm y tế tại nơi làm việc cần rà soát sắp xếp và thông báo lối đi riêng dành cho người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng, khó thở đến khám và tư vấn.

20. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc các bề mặt nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm các quy định của công ty và của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức cho người lao động thực hiện khai báo y tế điện tử (app nCOVI hoặc các giải pháp cập nhật) theo quy định của Bộ Y tế.

21. Tổ chức thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động và khách hàng (nếu có). Treo, dán các áp phích, thông báo hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực công cộng (khu vực dùng chung tại nơi làm việc, căng tin, khu vệ sinh, cây ATM), trên phương tiện vận chuyển để người lao động/khách hàng có thể đọc và làm theo. Ban hành các quy định về phòng, chống dịch của đơn vị và có chế tài xử lý các vi phạm nếu người lao động không tuân thủ. Thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác cho người lao động để tránh lo lắng không cần thiết.

22. Đảm bảo điều kiện và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của Hướng dẫn. Bố trí người kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại nơi làm việc.

* Những việc người sử dụng lao động cần làm để phòng, chống COVID-19 tại nơi làm việc có trong Phụ lục 3 của Hướng dẫn này.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC Y TẾ TẠI CƠ SỞ LAO ĐỘNG

1. Liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được hướng dẫn, phối hợp xây dựng kế hoạch và hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch.

2. Đề xuất người sử dụng lao động thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác/người phụ trách phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở lao động.

3. Tham mưu cho người sử dụng lao động xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc.

4. Tham mưu cho người sử dụng lao động để ra thông báo, hướng dẫn các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (thực phẩm, cung cấp suất ăn, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…) ký cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và cơ chế thực hiện giám sát.

5. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân và phòng, chống dịch cho người lao động và khách hàng (nếu có). Tổ chức cho người lao động thực hiện khai báo y tế điện tử (app NCOVI hoặc các giải pháp cập nhật) theo quy định của Bộ Y tế.

6. Đề xuất người sử dụng lao động bố trí và bổ sung trang thiết bị, khẩu trang, xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay, dung dịch khử khuẩn bề mặt … cho bộ phận y tế tại cơ sở lao động; bố trí khu vực riêng và bố trí phân luồng chăm sóc để xử trí khi có trường hợp có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở.

7. Phối hợp với công đoàn/tổ chức đại diện người lao động, tổ trưởng, người phụ trách các phòng ban, phân xưởng để theo dõi sức khỏe người lao động, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở. Tiến hành lập danh sách và theo dõi sức khỏe của các trường hợp tiếp xúc gần với người có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở.

8. Khi phát hiện người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau, rát họng, khó thở tại nơi làm việc hoặc là ca bệnh hoặc người tiếp xúc vòng 1 hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì thực hiện xử trí theo quy định tại mục VI và VII Phần I Hướng dẫn này. Đối với cơ sở lao động có phòng, trạm y tế tại nơi làm việc cần rà soát sắp xếp và thông báo lối đi riêng dành cho người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng, khó thở đến khám và tư vấn.

9. Đề xuất người sử dụng lao động phân công/thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc triển khai các nội dung phòng, chống dịch của người lao động và các bộ phận tại cơ sở lao động. Tổ kiểm tra giám sát gồm tổ trưởng, người phụ trách các phòng ban, bộ phận an toàn vệ sinh lao động, công đoàn/tổ chức đại diện người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các tổ, phân xưởng, phòng, ban, nhân viên vệ sinh, khử khuẩn môi trường, các đơn vị đối tác (người cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ,…).

Kiểm tra, báo cáo người sử dụng lao động để bổ sung kịp thời vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế theo quy định tại bộ phận y tế.

10. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch COVID-19, tổng hợp báo cáo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc hằng ngày, tuần, tháng cho người sử dụng lao động/Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở lao động.

* Những việc người làm công tác y tế tại cơ sở lao động cần làm để phòng, chống COVID-19 tại nơi làm việc có trong Phụ lục 4 của Hướng dẫn này.

V. VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, KHỬ KHUẨN TẠI NƠI LÀM VIỆC, KÝ TÚC XÁ

1. Nguyên tắc chung

- Khử khuẩn bằng (i) chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc (ii) pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc (iii) dung dịch chứa 0,05% clo hoạt tính sau khi pha hoặc (iv) cồn 70%. Chỉ pha dung dịch đủ dùng trong ngày. Dùng cồn 70% để lau các bề mặt thiết bị điện tử dễ bị ăn mòn bởi hóa chất hoặc có tiết diện nhỏ.

- Thời gian cách ly sau khi khử khuẩn ít nhất 30 phút.

- Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Đối với các bề mặt bẩn phải được làm sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch tẩy rửa và nước trước khi khử khuẩn.

- Sử dụng găng tay cao su, khẩu trang, quần áo bảo hộ khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn.

2. Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc

2.1. Làm tốt công tác vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chung tại nơi làm việc.

- Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, phân xưởng, gian bán hàng, các bề mặt có tiếp xúc: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày.

- Đối với các vị trí tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung, nút bấm tại cây ATM, máy bán hàng tự động, bình nước uống công cộng,…: khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày.

- Đối với khu vệ sinh chung: Vệ sinh khử khuẩn ít nhất 02 lần/ca làm việc, ngày.

2.2. Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.

2.3. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hằng ngày theo quy định.

3. Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại ký túc xá

3.1. Tổ chức khử khuẩn tại phòng ở và các khu vực của ký túc xá (bao gồm cả khu bán hàng/căng tin, nơi tập thể dục, thư viện, phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vệ sinh chung,…) cho người lao động như sau:

- Đối với nền nhà, bàn ghế, các đồ vật, bề mặt có tiếp xúc: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày.

- Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, điều khiển từ xa, nút bấm tại cây ATM, máy bán hàng tự động, bình nước uống công cộng: khử khuẩn ít nhất 01 - 02 lần/ngày.

- Đối với khu vực rửa tay, nhà vệ sinh: Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày.

3.2. Tăng cường thông khí tại các phòng và các khu vực trong ký túc xá cho người lao động bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.

3.3. Xử lý chất thải: Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện tại khu vực ký túc xá cho người lao động và thực hiện thu gom, xử lý hằng ngày theo quy định.

4. Khử khuẩn phương tiện giao thông vận tải công cộng và phương tiện chuyên chở người lao động

- Thường xuyên vệ sinh, dọn rửa, lau khử khuẩn bề mặt tay nắm cửa xe, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe, điều hòa trong xe và các vị trí không đảm bảo vệ sinh, có tiếp xúc với người trên phương tiện giao thông đường bộ, tàu hoả, tàu thuyền bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,1% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.

- Khử khuẩn tàu bay thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, quy định của hãng hàng không hoặc Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.

Những việc cần làm khi thực hiện vệ sinh môi trường khử khuẩn tại nơi làm việc và ký túc xá để phòng, chống COVID-19 có trong Phụ lục 5 của Hướng dẫn này.

VI. XỬ TRÍ KHI CÓ TRƯỜNG HỢP MỆT MỎI, SỐT, HO, ĐAU RÁT HỌNG VÀ KHÓ THỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC/KÝ TÚC XÁ

Khi phát hiện người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc/ký túc xá, cần thực hiện theo các bước sau:

1. Thông báo cho cán bộ quản lý cơ sở lao động/ký túc xá và cán bộ y tế tại cơ sở lao động.

2. Cán bộ quản lý/cán bộ y tế cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách.

3. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 01 mét với những người khác.

4. Đưa đến khu vực cách ly đã được bố trí tại cơ sở lao động/ký túc xá.

Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời tại nơi làm việc, ký túc xá:

- Bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu làm việc, ký túc xá (nếu có thể).

- Phòng cách ly tạm thời phải đảm bảo: Thoáng khí, thông gió tốt; Hạn chế đồ đạc trong phòng; Có chỗ rửa tay; Có thùng đựng rác có nắp đậy kín; Có khu vực vệ sinh riêng.

5. Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương để được tư vấn và nếu cần thì đến cơ sở y tế khám và điều trị.

6. Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển đến cơ sở y tế.

7. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình sức khỏe của người lao động đó.

8. Lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc/ký túc xá khi cơ quan y tế yêu cầu.

* Những việc cần làm khi có trường hợp bị sốt, hoặc ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc, ký túc xá có trong Phụ lục số 6 của Hướng dẫn này.

VII. PHÂN LUỒNG, KHỬ KHUẨN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG KHI CÓ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC XÁC ĐỊNH MẮC COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC VÀ KÝ TÚC XÁ

1. Hướng dẫn phân luồng

Thực hiện phân luồng cách ly ngay khi phát hiện ca bệnh là người lao động hoặc và ký túc xá được xác định mắc COVID-19 như sau:

1.1. Ca bệnh: Lập tức chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh được phép thu dung, điều trị theo chỉ định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh. Trong khi chờ chuyển đi, cần cách ly tạm thời ca bệnh tại khu vực riêng đã được bố trí ở nơi làm việc, ký túc xá và thực hiện các biện pháp phòng hộ để tránh lây nhiễm cho người lao động khác.

1.2. Người tiếp xúc vòng 1: Lập tức chuyển cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế hoặc cơ sở cách ly tập trung do BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia hoặc cấp tỉnh quy định.

1.3. Người tiếp xúc vòng 2: Yêu cầu cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú và tự theo dõi sức khỏe trong khi chờ kết quả xét nghiệm của người tiếp xúc vòng 1. Nếu người tiếp xúc vòng 1 có kết quả xét nghiệm âm tính thì kết thúc việc cách ly.

Trong trường hợp người lao động vẫn phải tiếp tục đến cơ quan làm việc thì cách ly ngay tại nơi làm việc/ký túc xá và đảm bảo duy trì hoạt động tại nơi làm việc. Trường hợp bố trí được khách sạn lưu trú trên địa bàn ngoài thời gian làm việc cho người lao động thì thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 1462/QĐ-BYT ngày 30/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời cách ly tại khách sạn cho cán bộ y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đảm bảo các điều kiện an toàn, phương tiện đi lại nếu người lao động được bố trí cách ly tại khách sạn.

1.4. Người lao động khác tại nơi làm việc, ký túc xá:

- Tiếp tục làm việc và lưu trú tại nhà hoặc ký túc xá (sau khi đã tiến hành khử trùng và vệ sinh môi trường theo hướng dẫn dưới đây).

- Tự theo dõi sức khỏe và theo dõi thông tin của những người tiếp xúc vòng 2.

2. Khử khuẩn, vệ sinh môi trường

Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng hoặc hướng dẫn khác của Ban chỉ đạo quốc gia hoặc Bộ Y tế nếu có và lưu ý một số nội dung đối với khử khuẩn nơi làm việc của bệnh nhân COVID-19 như sau:

2.1. Khu vực cần khử khuẩn tại nơi làm việc:

- Vị trí làm việc, phòng làm việc, phòng họp, căng tin, khu vực vệ sinh chung và các khu vực dùng chung khác...

- Khu vực liền kề xung quanh: Tường bên ngoài của phòng làm việc, hành lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, sảnh chờ,...

- Phương tiện chuyên chở người lao động (nếu có).

2.2. Nguyên tắc khử khuẩn chung theo hướng dẫn tại Điểm 1, Mục 5, Phần I của Hướng dẫn này.

2.3. Để đảm bảo hiệu quả khử khuẩn và an toàn, người lao động có thể tiếp tục làm việc vào ngày tiếp theo kể từ khi kết thúc công việc khử khuẩn.

VIII. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Người sử dụng lao động

- Tự rà soát, lập kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá theo hướng dẫn này;

- Phổ biến cho công đoàn/tổ chức đại diện và người lao động các nội dung người lao động cần thực hiện để phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá;

- Ban hành các quy định về phòng, chống dịch của đơn vị và có chế tài xử lý các vi phạm nếu người lao động không tuân thủ.

- Thường xuyên tự kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 cũng như có phương án để khắc phục các tồn tại nếu có.

- Báo cáo kết quả triển khai thực hiện cho cơ quan y tế địa phương theo quy định.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Chỉ đạo các cơ sở lao động trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Báo cáo kết quả triển khai cho Bộ Y tế (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19).

3. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn và thực hiện giám sát quá trình triển khai thực hiện hướng dẫn.

4. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn lao động cấp tỉnh và công đoàn các cấp phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và người sử dụng lao động tổ chức triển khai; tuyên truyền, phổ biến; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hướng dẫn.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để bổ sung, điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp.

- Tăng cường nhân lực y tế hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở lao động, khu công nghiệp và ký túc xá của người lao động. Đảm bảo đủ kinh phí, bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, tập huấn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hướng dẫn cho các cơ sở y tế, cơ sở lao động và các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, thành phố.

- Chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện cách ly tập trung tại nơi làm việc, khu công nghiệp, ký túc xá cho người lao động khi cần thiết và huy động các nguồn lực để thực hiện việc cách ly chống dịch; tạo điều kiện, hỗ trợ để người được cách ly yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.

- Kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại cơ sở lao động, khu công nghiệp trên địa bàn và có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc theo quy định. Báo cáo kết quả triển khai cho Bộ Y tế (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19).

6. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Xây dựng hướng dẫn chi tiết và chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn khi nhận được thông tin từ cơ sở lao động, ký túc xá, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động, người lao động phải có trách nhiệm hỗ trợ cơ sở lao động, ký túc xá và người lao động theo đúng quy định.

- Giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố làm đầu mối chỉ đạo các Trung tâm y tế quận, huyện tổ chức phổ biến triển khai thực hiện Hướng dẫn này cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn triển khai Hướng dẫn cho người làm công tác y tế tại cơ sở lao động, người lao động và người sử dụng lao động tại các cơ sở lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế)./.

PHẦN THỨ HAI

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ LÂY NHIỄM DỊCH COVID-19 TẠI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH

I. MỤC ĐÍCH

Đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 thông qua bộ chỉ số nhằm xác định các mức độ nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để có các biện pháp khắc phục, phòng, chống lây nhiễm, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc không bao gồm quy mô sản xuất, kinh doanh hộ gia đình.

III. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ

1. Số lượng người lao động làm việc tập trung của cơ sở sản xuất, kinh doanh (10 điểm)

- Dưới 50 người 01 điểm

- Từ 50 – 199 người 02 điểm

- Từ 200 - 499 người 04 điểm.

- Từ 500 - 999 người 06 điểm.

- Từ 1000 - 4999 người 08 điểm.

- Từ 5000 người trở lên 10 điểm.

2. Mật độ người lao động ở các phân xưởng tính bằng số diện tích làm việc cho 01 người lao động (10 điểm)

- 01 người lao động/lớn hơn hoặc bằng 01 m2 0 điểm.

- 01 người lao động/dưới 01 m2 10 điểm.

3. Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ người lao động (30 điểm)

(Chỉ tính điểm đối với người có nguy cơ cao nhất)

- Không có 0 điểm.

- Người tiếp xúc vòng 2

(người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với ca bệnh) 05 điểm.

- Người tiếp xúc vòng 1 (người tiếp xúc gần với ca bệnh) 10 điểm.

- Có ca bệnh 20 điểm.

- Có ca bệnh và lây nhiễm cho người khác 30 điểm.

4. Thông khí nhà xưởng (10 điểm)

- Thông khí tự nhiên (bằng hệ thống cửa mở/quạt hút gió) 0 điểm.

- Thông khí hỗn hợp 05 điểm

- Sử dụng điều hòa 10 điểm.

5. Tổ chức thời gian làm việc (05 điểm)

- Nhỏ hơn hoặc bằng 8 giờ/ngày 0 điểm.

- Trên 8 giờ 05 điểm.

6. Tỷ lệ người lao động được quan sát thấy có kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phân xưởng (10 điểm)

- 100% 0 điểm.

- 80% đến dưới 100% 07 điểm.

- 60% đến dưới 80% 09 điểm.

- Dưới 60% 10 điểm.

7. Điều kiện vệ sinh cá nhân cho người lao động (20 điểm)

7.1. Bố trí khu vực rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có tối thiểu 60% nồng độ cồn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng.

- Tất cả các bộ phận đều có 0 điểm.

- Tỷ lệ các bộ phận không có giảm từ 90% xuống 10% 01-09 điểm.

- Tất cả các bộ phận đều không có 10 điểm

7.2. Tỷ lệ người lao động thực hiện rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có tối thiểu 60% nồng độ cồn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng; trước và sau khi ăn.

- 100% người lao động quan sát được thực hiện 0 điểm.

- Tỷ lệ thay đổi giảm từ 90% xuống 10% 01-09 điểm.

- Dưới 10% người lao động quan sát thấy thực hiện 10 điểm.

8. Sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc (30 điểm)

8.1. Cung cấp khẩu trang cho người lao động mỗi ngày hoặc khẩu trang giặt được.

- 100% người lao động 0 điểm.

- Tỷ lệ người lao động được cấp giảm từ 90% xuống 10% 02-09 điểm.

- Dưới 10% người lao động 10 điểm.

8.2. Tỷ lệ người lao động đeo khẩu trang trong lúc làm việc.

- 100% người lao động 0 điểm.

- Tỷ lệ thay đổi giảm từ 90% xuống 10% 02-18 điểm.

- Dưới 10% người lao động 20 điểm.

9. Hoạt động của các khu dịch vụ không thiết yếu tại cơ sở sản xuất, kinh doanh (quán cà phê, thư viện, phòng tập thể thao, …) (5 điểm)

- Không có 0 điểm

- Đảm bảo các quy định phòng, chống dịch 01 điểm.

- Không đảm bảo các quy định phòng, chống dịch 05 điểm.

10. Bố trí dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn tại các vị trí có tiếp xúc chung như: cây ATM, bình nước uống công cộng, máy bán hàng tự động, thang máy,… (10 điểm)

- Không có các vị trí tiếp xúc chung 0 điểm

- Có đầy đủ dung dịch sát khuẩn tất cả các vị trí 01 điểm.

- Có dung dịch sát khuẩn nhưng không đầy đủ 05 điểm.

- Không có dung dịch sát khuẩn 10 điểm.

11. Tổ chức bữa ăn ca cho người lao động (45 điểm)

11.1. Hình thức tổ chức ăn ca.

- Tổ chức tại cơ sở sản xuất, kinh doanh 0 điểm.

- Không tổ chức ăn 45 điểm.

(Nếu không tổ chức ăn ca thì không đánh giá các chỉ số từ 11.2 đến 11.8).

11.2. Giám sát sức khỏe hằng ngày của đơn vị cung cấp bữa ăn ca.

- Có khai báo y tế, đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, găng tay 0 điểm.

- Có nhưng không đầy đủ 03 điểm.

- Không 05 điểm.

11.3. Số người ăn cùng một lúc ở nhà ăn, căng tin.

- Dưới 50 người 01 điểm.

- Từ 50 đến dưới 100 người 02 điểm.

- Từ 100 đến 500 người 03 điểm.

- Từ 500 đến 1.000 người 04 điểm.

- Trên 1.000 người 05 điểm.

11.4. Bố trí vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn hoặc bố trí so le.

- Có bố trí đầy đủ 0 điểm

- Có bố trí nhưng không đầy đủ 03 điểm.

- Không bố trí 05 điểm.

11.5. Điều kiện vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc tại khu ăn, uống.

- Có thực hiện ngay sau mỗi lượt ăn, uống 0 điểm

- Thực hiện nhưng không đầy đủ 05điểm.

- Không thực hiện 10 điểm.

11.6. Bố trí khu vực và người lao động thực hiện rửa tay trước và sau khi ăn.

- Có bố trí và thực hiện 0 điểm.

- Có 50% người lao động thực hiện rửa tay 05 điểm.

- Không bố trí hoặc không rửa tay 10 điểm.

11.7. Hình thức cung cấp suất ăn.

- Cung cấp suất ăn cá nhân 0 điểm.

- Cung cấp suất ăn theo nhóm 05 điểm.

11.8. Hình thức trả tiền bữa ăn ca.

- Không phải sử dụng tiền mặt 0 điểm.

- Sử dụng phiếu ăn 03 điểm.

- Phải sử dụng tiền mặt hoặc phiếu ăn 05 điểm.

12. Tổ chức đưa đón người lao động (20 điểm)

12.1. Phương tiện di chuyển đến nơi làm việc của người lao động (20 điểm)

- Có tổ chức đưa đón 0 điểm.

(Nếu có, tiếp tục đánh giá các chỉ số từ 12.2 đến 13.5)

- Không tổ chức đưa đón 100% 20 điểm.

(Nếu không, không đánh giá chỉ số từ 12.2 đến 13.5)

12.2. Số người lao động đi làm bằng xe đưa đón.

- Dưới 50 người 01 điểm.

- Từ 50 – 99 người 02 điểm.

- Từ 100 – 199 người 03 điểm.

- Từ 200 – 499 người 04 điểm.

- Từ 500 – 999 người 05 điểm.

- Từ 1000 – 5000 người 07 điểm.

- Trên 5000 người. 10 điểm.

12.3. Mật độ người trên xe.

- Sử dụng dưới 50% số ghế ngồi của xe 0 điểm.

- Sử dụng 50% đến dưới 70% số ghế ngồi của xe 05 điểm.

- Sử dụng trên 70% số ghế ngồi của xe 10 điểm.

13. Các trang thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch trên phương tiện đưa đón người lao động (15 điểm)

13.1. Thông gió trên phương tiện.

- Thông gió tự nhiên (mở cửa) 0 điểm.

- Sử dụng điều hòa 03 điểm.

13.2. Có sẵn dung dịch sát khuẩn tay chứa trên 60% nồng độ cồn.

- Có 0 điểm.

- Không 03 điểm.

13.3. Thực hiện đo nhiệt độ cho người lao động trước khi lên xe.

- Có 0 điểm.

- Không 03 điểm.

13.4. Lập danh sách hoặc theo dõi người đi xe bằng thẻ.

- Có 0 điểm.

- Không 03 điểm.

13.5. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn xe trước/sau mỗi lần đưa đón.

- Có 0 điểm.

- Không 03 điểm.

14. Phương án ứng phó phòng, chống dịch (50 điểm)

14.1. Kế hoạch ứng phó.

- Có kế hoạch 0 điểm.

- Không có kế hoạch 10 điểm.

14.2. Cán bộ đầu mối thông tin về phòng, chống dịch.

- Có 0 điểm.

- Không 05 điểm.

14.3. Bố trí khu vực/phòng cách ly tạm thời.

- Có 0 điểm.

- Có nhưng không đúng quy định 03 điểm.

- Không có 05 điểm.

14.4. Có trạm y tế/người làm công tác y tế hoặc hợp đồng với cơ sở khám bệnh chữa bệnh theo quy định.

- Có 0 điểm

- Không 05 điểm

14.5. Tỉ lệ người lao động được phổ biến, hướng dẫn các thông tin về phòng, chống dịch tại nơi làm việc/ ký túc xá/ nơi lưu trú của người lao động.

- 100% người lao động 0 điểm.

- Tỷ lệ không được phổ biến, hướng dẫn giảm từ 90% xuống 10% 01-09 điểm.

- Dưới 10% người lao động: 10 điểm.

14.6. Hướng dẫn/tuyên truyền tại các vị trí cần thiết (nơi làm việc, căng tin, khu vệ sinh, ký túc xá cho người lao động, cây ATM cây nước uống công cộng, máy bàn hàng tự động, trên phương tiện vận chuyển,…).

- Có đầy đủ 0 điểm.

- Có nhưng không đầy đủ 03 điểm.

- Không có 05 điểm.

14.7. Phân công người giám sát thực hiện ở từng khâu.

- Có đầy đủ 0 điểm.

- Có nhưng không đầy đủ 03 điểm.

- Không có 05 điểm.

14.8. Thành lập đoàn tự kiểm tra và đi kiểm tra hằng ngày.

- Có đầy đủ 0 điểm.

- Có nhưng không đầy đủ 03 điểm.

- Không có 05 điểm.

15. Vệ sinh, khử khuẩn môi trường tại nơi làm việc/ ký túc xá (30 điểm)

15.1. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn.

- Có đầy đủ 0 điểm.

- Có nhưng không đầy đủ 05 điểm.

- Không có 10 điểm.

15.2. Sử dụng dung dịch khử khuẩn.

- Đúng quy định 0 điểm.

- Không đúng quy định 05 điểm.

15.3. Thực hiện làm sạch bề mặt trước khi khử khuẩn hằng ngày.

- Có đầy đủ theo quy định 0 điểm

- Có nhưng không đầy đủ 03 điểm

- Không có 05 điểm

15.4. Phương pháp khử khuẩn.

- Đúng quy định 0 điểm

- Không đúng quy định 05 điểm

15.5. Bố trí thùng rác có nắp đậy tại các vị trí thuận tiện.

- Có đầy đủ 0 điểm

- Có nhưng không đầy đủ 03 điểm

- Không có 05 điểm.

IV. ĐÁNH GIÁ VÀ KẾT LUẬN NGUY CƠ

1. Chỉ số nguy cơ lây nhiễm (sau đây gọi tắt là CSNCLN)

CSNCLN được tính bằng tổng số điểm thực tế chấm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh chia cho tổng số điểm của các chỉ số từ 1 đến 15 phần II ở trên nhân với 100.

CSNCLN = (CS1+CS2+CS3+…+ CS15)/300*100.

2. Phương pháp đánh giá

- Đánh giá đối với từng phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất,… để xác định nguy cơ của từng phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất, …

- Đánh giá đối với toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh bằng trung bình cộng điểm đánh giá của từng phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất,…

- Nếu số điểm của từng nội dung số 8, 14, 15 đạt trên 50% sẽ bị coi là điểm liệt và sẽ xếp luôn thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Việc tạm dừng hoạt động hay thực hiện các biện pháp khắc phục của cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ áp dụng theo từng phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất,… và theo mức độ nhóm nguy cơ lây nhiễm.

- Đối với nội dung số 2 (Mật độ người lao động ở các phân xưởng tính bằng số diện tích làm việc cho 01 người lao động) và nội dung số 12.3 (Mật độ người trên xe) thực hiện chấm điểm khi có yêu cầu giãn cách của Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia hoặc Bộ, ngành liên quan. Nếu không chấm điểm thì được tính là 0 điểm (không điểm) và số điểm tối đa của nội dung số 2 và nội dung số 12.3 không tính vào mẫu số chung khi tính chỉ số nguy cơ lây nhiễm chung của cơ sở sản xuất, kinh doanh.

3. Xếp loại nhóm nguy cơ lây nhiễm

- Tổng số điểm chấm đạt dưới hoặc bằng 15%: Rất ít nguy cơ. Phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất… /Cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoạt động tuy nhiên vẫn thường xuyên duy trì và đánh giá nhằm đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch.

- Tổng số điểm chấm đạt từ 16- 30%: Nguy cơ lây nhiễm thấp. Phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất… /Cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoạt động, phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở chỉ số thành phần cao nhất.

- Tổng số điểm chấm đạt từ 31-50%: Nguy cơ lây nhiễm trung bình. Phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất… /Cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể được hoạt động với điều kiện phải thường xuyên đánh giá và khắc phục các chỉ số thành phần cao nhất mới được phép hoạt động.

- Tổng số điểm chấm đạt từ 51- 80%: Nguy cơ lây nhiễm cao. Phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất… /Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ngay giải pháp khắc phục các tồn tại để giảm thiểu nguy cơ. Nếu không, có thể phải tạm dừng hoạt động.

- Tổng số điểm chấm đạt từ 81 - 100%: Nguy cơ lây nhiễm rất cao. Phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất… /Cơ sở sản xuất, kinh doanh nên dừng hoạt động và thực hiện ngay giải pháp khắc phục các tồn tại để giảm thiểu nguy cơ.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người sử dụng lao động

- Tổ chức thực hiện việc đánh giá nguy cơ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Hướng dẫn này ngay sau khi nhận được hướng dẫn và báo cáo kết quả đánh giá về thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh;

- Căn cứ kết quả đánh giá, thực hiện các biện pháp khắc phục (nếu có);

- Việc thực hiện đánh giá lại được tiến hành thường xuyên ít nhất 2 tuần/lần hoặc khi có người lao động thuộc diện là ca bệnh, người tiếp xúc vòng 1, người tiếp xúc vòng 2 hay có sự cố khác.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Chỉ đạo các cơ sở lao động trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo kết quả triển khai cho Bộ Y tế (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19).

3. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn lao động các cấp phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham gia việc tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến; kiểm tra, giám sát việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố

4.1. Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ban ngành liên quan, Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện:

- Phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện đánh giá nguy cơ theo hướng dẫn này.

- Tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh.

4.2. Trên cơ sở kết quả đánh giá, giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các biện pháp xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.

4.3. Kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

5. Trong quá trình triển khai thực hiện mọi khó khăn vướng mắc đề nghị gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế)./.

 

PHỤ LỤC SỐ 1

HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 KHI TỔ CHỨC HỌP, HỘI NGHỊ, HỘI THẢO, TẬP HUẤN, SỰ KIỆN TẬP TRUNG

I. YÊU CẦU ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ TỔ CHỨC SỰ KIỆN

1. Lập danh sách Ban tổ chức, người tham dự họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, sự kiện tập trung đông người (sau đây gọi là sự kiện) với đầy đủ thông tin bao gồm họ và tên, địa chỉ công tác, nơi cư trú và số điện thoại liên hệ.

2. Phòng, hội trường, địa điểm tổ chức sự kiện phải đảm bảo thông thoáng. Ưu tiên sử dụng thông gió tự nhiên, hạn chế sử dụng điều hòa nếu có thể.

3. Sắp xếp các vị trí ngồi cách nhau đảm bảo khoảng giãn cách tối thiểu theo quy định. Nên sắp xếp, đặt biển tên và thông báo trước các vị trí ngồi để khách tham dự chủ động vào vị trí.

4. Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào dự sự kiện. Bố trí người mở cửa cho khách tham sự kiện (nếu được).

5. Có biển báo/quy định yêu cầu người tham dự sự kiện: Phải khai báo y tế điện tử; thực hiện đeo khẩu trang theo quy định; rửa tay trước khi vào tham gia sự kiện; không trao đổi hoặc nói chuyện; giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định với người khác trong quá trình tham dự sự kiện.

6. Bố trí nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% độ cồn trước khi vào phòng, địa điểm tổ chức sự kiện.

7. Phục vụ giải khát và nước uống tại chỗ cho từng cá nhân tại vị trí đã được sắp xếp trước (nếu có thể).

8. Khuyến khích không giải lao tập trung giữa giờ. Giải lao, nghỉ tại chỗ. Tổ chức tập thể dục giữa giờ tại chỗ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

9. Ăn uống tại sự kiện: Ưu tiên hình thức ăn uống tại chỗ với suất ăn, uống cá nhân. Nếu ăn tập trung phải đảm bảo khoảng cách tổi thiểu theo quy định, ngồi so le, không ngồi đối diện hoặc có vách ngăn giữa các vị trí ngồi. Không nói chuyện, thảo luận trong giờ ăn.

10. Đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn môi trường hằng ngày tại địa điểm tổ chức sự kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về khử khuẩn tại nơi làm việc. Lưu ý thực hiện khử khuẩn các bề mặt có nguy cơ tiếp xúc tại phòng họp (mặt bàn, micro, bàn phím máy tính dùng chung, các nút bấm điều khiển,…) sau mỗi buổi làm việc hoặc khi thấy cần. Bố trí đủ thùng đựng rác thu gom rác thải.

11. Bố trí phòng cách ly khi có trường hợp mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng hoặc khó thở trong thời gian tham dự sự kiện và xử trí theo hướng dẫn tại mục VI, Phần I của Hướng dẫn.

12. Bố trí người kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về phòng, chống dịch nêu trên.

II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM DỰ SỰ KIỆN

1. Tự theo dõi sức khỏe. Nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc đang thực hiện cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế thì không tham dự sự kiện.

2. Khai báo y tế điện tử.

3. Đeo khẩu trang theo quy định.

4. Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân khi tham dự sự kiện, cụ thể như sau:

- Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn, đặc biệt trước khi vào phòng họp, trước và sau khi ăn uống.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Không khạc, nhổ tại nơi tổ chức sự kiện.

- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

- Chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho thời gian dự sự kiện như khăn giấy, khẩu trang, dung dịch có chứa cồn (ít nhất 60% cồn), bình đựng nước uống,…

5. Hạn chế tụ tập đông người;

6. Đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc với người khác theo quy định.

7. Nếu có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, khó thở phải báo ngay cho Ban tổ chức sự kiện.

8. Tuân thủ đầy đủ hướng dẫn và quy định của Ban tổ chức sự kiện.

 

PHỤ LỤC SỐ 2

NHỮNG VIỆC NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN LÀM ĐỂ PHÒNG TRÁNH MẮC COVID-19

TT

VIỆC CẦN LÀM

Đánh dấu (X) đã làm

I

Trước khi đến nơi làm việc

 

1

Tự kiểm tra thân nhiệt (đo nhiệt độ), theo dõi sức khỏe bản thân.

 

2

Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân.

 

 

Rửa tay thường xuyên

 

 

Súc miệng, họng bằng nước muối 9‰ hoặc nước súc miệng

 

 

Ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng

 

 

Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã

 

3

Chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho thời gian làm việc/đi công tác

 

 

Nước uống hợp vệ sinh và cốc uống dùng riêng (đảm bảo vệ sinh);

 

 

Khăn giấy, khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn tay

 

 

Quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác (nếu cần)…

 

 

Tham khảo thông tin về tình hình dịch và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm

 

 

Cân nhắc trước khi đến các khu vực, địa phương có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nếu có bệnh mạn tính (như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi,...)

 

 

Tìm hiểu thông tin và các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19

 

4

Nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì ở nhà hoặc ký túc xá, không đến nơi làm việc và thực hiện như sau:

 

4.1

Khi ở nhà

 

 

Đeo khẩu trang, tự cách ly ở phòng riêng, thoáng khí, giữ khoảng cách với người khác ít nhất 02 mét.

 

 

Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

 

 

Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng.

 

 

Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc, uống nước, bát, đũa,... Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không đến chỗ đông người.

 

 

Chủ động cập nhật tình hình sức khỏe, kết quả khám cho đơn vị quản lý.

 

4.2

Khi ở ký túc xá, thông báo với Ban quản lý ký túc xá để thực hiện theo Hướng dẫn tại Mục VI, Phần I và Phụ lục 4 của Hướng dẫn này.

 

5

Có trong thời gian cách ly tại nhà theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19? Nếu có thì nghỉ ở nhà.

 

II

Tại nơi làm việc

 

6

Người lao động đeo khẩu trang theo quy định của Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

 

7

Đảm bảo khoảng giãn cách tại nơi làm việc, hội họp, khi ăn ca của Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa,… Lắp vách ngăn giữa các vị trí làm việc (nếu có thể)

 

8

Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

 

9

Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân

 

 

Rửa tay thường xuyên

 

Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay.

 

Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng.

 

Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

 

Không khạc, nhổ tại nơi làm việc.

 

10

Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe.

 

 

Tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể.

 

Ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

 

Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…

 

11

Báo cáo với người quản lý hoặc/và người làm công tác y tế thực hiện xử trí theo quy định nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc hoặc là ca bệnh hoặc ngưởi tiếp xúc vòng 1, hoặc người tiếp xúc vòng 2.

 

12

Chủ động thường xuyên vệ sinh mặt bàn làm việc, các dụng cụ lao động và vị trí thường xuyên tiếp xúc của cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn. Hạn chế dùng chung các dụng cụ, phương tiện lao động,... nếu có phải vệ sinh các vị trí tiếp xúc bằng dung dịch sát khuẩn trước khi sử dụng.

 

13

Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 hoặc đã được điều trị khỏi COVID-19.

 

14

Người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao

 

 

Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết.

 

 

Đeo khẩu trang đúng cách.

 

 

Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2m.

 

 

Mặc quần áo phòng hộ trong trường hợp phải tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm bệnh (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay).

 

 

Người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông sử dụng ứng dụng kết nối chủ động thực hiện đóng mở cửa xe cho khách (nếu có thể).

 

15

Người lao động đi công tác đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

 

 

Tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác

 

 

Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi.

 

 

Tránh xa ít nhất 02 mét đối với những người đang ho hoặc hắt hơi.

 

 

Khi có các biểu hiện sốt hoặc ho, đau rát họng, khó thở trong khi đi công tác

 

 

- Đeo khẩu trang.

 

 

- Hạn chế tối đa tiếp xúc với những người xung quanh.

 

 

- Thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

 

III

Kết thúc công việc

 

16

Dọn vệ sinh và vứt bỏ túi chứa khăn giấy, khẩu trang, vật dụng đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay

 

17

Không mặc quần áo, giầy, ủng sử dụng khi làm việc về nhà/ký túc xá/nơi lưu trú.

 

18

Để quần áo, vật dụng (đối với khẩu trang, găng tay sử dụng nhiều lần) đã sử dụng trong túi kín

 

19

Giặt sạch quần áo, vật dụng sau mỗi ca làm việc.

 

20

Trường hợp đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

 

-

Tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ hai lần một ngày.

 

-

Nếu xuất hiện có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau rát họng,khó thở:

 

 

+ Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và cách ly theo quy định

 

 

+ Đeo khẩu trang.

 

 

+ Hạn chế tối đa tiếp xúc gần dưới 02 mét với những người khác.

 

 

+ Thông báo cho người quản lý hoặc/và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết.

 

IV

Thực hiện việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19 cho đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng. Không phát tán các thông tin không chính thức, chưa được kiểm chứng.

 

V

Nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế điện tử tự nguyện và thường xuyên cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

VI

Tuân thủ và thực hiện đầy đủ nội dung, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn này và các quy định, yêu cầu của người sử dụng lao động. Tham gia tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc và tại cộng đồng

 

 

PHỤ LỤC SỐ 3

NHỮNG VIỆC NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, BAN QUẢN LÝ KÝ TÚC XÁ CẦN LÀM ĐỂ PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC

TT

VIỆC CẦN LÀM

Đánh dấu (X) đã làm

1

Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc

 

2

Thiết lập kênh liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095).

 

3

Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá.

 

4

Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, kế hoạch phải bao gồm cả phương án xử trí và bố trí phòng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở; hoặc là ca bệnh hoặc ngưởi tiếp xúc vòng 1, hoặc người tiếp xúc vòng 2 trong quá trình làm việc hoặc khi đang ở ký túc xá.

 

5

Rà soát và kiểm tra các vật tư, hậu cần phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay (chứa ít nhất 60% cồn), vệ sinh môi trường (Chloramine B,...), thùng đựng rác thải,...

 

6

Phương án xử trí và bố trí phòng riêng để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc.

 

7

Không cho phép người không có phận sự vào khu vực làm việc/ký túc xá

 

8

Bố trí nhân lực tại cổng ra vào vào đầu ca làm việc để đo thân nhiệt nhanh cho người lao động và thực hiện khử khuẩn (nếu có thể). Đảm bảo khoảng cách giãn cách đối với người lao động tại khu vực cổng ra vào tại thời điểm đầu giờ và khi hết giờ làm việc.

 

9

Rà soát, sắp xếp và tổ chức công việc tại nơi làm việc để đảm bảo giãn cách theo đúng quy định. Lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi, nếu có thể.

 

10

Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động tập trung đông người trừ trường hợp thực sự cần thiết.

 

11

Cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh hoạt, hội thảo trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội khác, E-mail,…

 

12

Rà soát khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn

 

 

- Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% độ cồn tại các vị trí trước khi vào làm việc, trước và sau khi ăn và tại các khu vệ sinh; tại các vị trí có tiếp xúc chung như: cây ATM, cây uống nước công cộng, máy bán hàng tự động.

 

 

- Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy

 

 

- Đảm bảo có đủ các trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác vệ sinh, khử khuẩn

 

 

Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt 24/24 giờ và đủ nhà vệ sinh theo quy định

 

13

Tại nơi làm việc phải tiếp xúc với nhiều người

 

 

- Cân nhắc lắp đặt hệ thống vách ngăn trong suốt

 

 

- Cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang, găng tay đúng cách

 

 

- Cung cấp các dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch.

 

14

Vệ sinh môi trường, khử khuẩn hằng ngày (Bảng kiểm tại Phụ lục 5 của Hướng dẫn này).

 

15

Tăng cường thông gió, hoặc mở cửa sổ, cửa ra vào, hoặc sử dụng quạt. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.

 

16

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc/khu dịch vụ/ký túc xá của người lao động.

 

 

Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, đeo khẩu trang và găng tay khi phục vụ.

 

Sắp xếp giờ nghỉ giải lao/ăn trưa lệch giờ. Cung cấp suất ăn cá nhân. Tránh tập trung đông người ở căng tin trong một khung giờ, tránh ngồi đối diện, không nói chuyện khi ăn. Ăn xong rời khỏi căng tin ngay, tránh tiếp xúc không cần thiết.

 

Lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn, đảm bảo khoảng cách khi ăn, bố trí so le.

 

Bố trí khu vực rửa tay trước và sau khi ăn. Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn ngay sau mỗi lượt ăn, uống.

 

Hạn chế sử dụng tiền mặt để chi trả bữa ăn ca.

 

17

Đối với phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối, khuyến khích lắp đặt vách ngăn giữa người điều khiển phương tiện và hành khách.

 

18

Tổ chức đưa đón người lao động phải đảm bảo các quy định sau:

 

 

- Số lượng người trên xe đưa đón người lao động thực hiện theo hướng dẫn về quy định giãn cách trên phương tiện giao thông của Bộ Giao thông vận tải.

- Bố trí camera giám sát trên xe (nếu có thể). Khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện. Đảm bảo có sẵn dung dịch sát khuẩn tay chứa trên 60% nồng độ cồn.

- Thực hiện đo nhiệt độ cho người lao động và yêu cầu người lao động rửa tay sát khuẩn trước khi lên xe.

- Lập danh sách hoặc quản lý danh sách người lao động đi xe hoặc bằng thẻ.

- Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn xe sau mỗi lần đưa đón.

 

19

Thông báo, đề nghị các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (thực phẩm, cung cấp suất ăn, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…) cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

 

20

Khi có trường hợp người lao động/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt hoặc ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc hoặc là ca bệnh hoặc ngưởi tiếp xúc vòng 1, hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì thực hiện theo hướng dẫn tại mục VI và VII Phần I của Hướng dẫn này. Đối với cơ sở lao động có phòng, trạm y tế tại nơi làm việc cần rà soát sắp xếp và thông báo lối đi riêng dành cho người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng, khó thở đến khám và tư vấn.

 

21

Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh môi trường nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc các bề mặt nếu không cần thiết, thực hiện nghiêm các quy định của công ty và của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức cho người lao động thực hiện khai báo y tế điện tử (app NCOVI hoặc các giải pháp cập nhật) theo quy định của Bộ Y tế

 

22

Tổ chức thông tin truyền thông, treo, dán các áp phích, phân phát các tờ rơi về phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực công cộng (khu vực dùng chung tại nơi làm việc, căng tin, khu vệ sinh, cây ATM), trên phương tiện vận chuyển để người lao động/khách hàng có thể đọc và làm theo.

 

23

Ban hành các quy định về phòng, chống dịch của đơn vị và có chế tài xử lý các vi phạm nếu người lao động không tuân thủ.

 

24

Đảm bảo điều kiện và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của Hướng dẫn. Bố trí người thực hiện kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại nơi làm việc.

 

 

PHỤ LỤC SỐ 4

NHỮNG VIỆC NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC Y TẾ TẠI CƠ SỞ LAO ĐỘNG CẦN LÀM ĐỂ PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC

TT

VIỆC CẦN LÀM

Đánh dấu (X) đã làm

1

Liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc thông qua đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được hướng dẫn, phối hợp xây dựng kế hoạch và hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch.

 

2

Đề xuất người sử dụng lao động thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở lao động.

 

3

Tham mưu cho người sử dụng lao động xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19

 

4

Tham mưu cho người sử dụng lao động để ra thông báo, hướng dẫn đối với các đơn vị đối tác cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh, các dịch vụ.

 

5

Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân và phòng, chống dịch cho người lao động và khách hàng (nếu có),tổ chức cho người lao động thực hiện khai báo y tế điện tử (app NCOVI hoặc các giải pháp cập nhật) theo quy định của Bộ Y tế.

 

6

Đề xuất người sử dụng lao động bố trí và bổ sung trang thiết bị, khẩu trang, xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn,… cho bộ phận y tế tại cơ sở lao động; bố trí khu riêng để xử trí khi có trường hợp có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở.

 

7

Phối hợp với tổ trưởng, người phụ trách các phòng ban, bộ phận an toàn vệ sinh lao động, công đoàn thực hiện kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các tổ, phân xưởng, phòng, ban, nhân viên vệ sinh, khử khuẩn môi trường, các đơn vị đối tác (người cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ,…) thực hiện theo hướng dẫn phòng, chống dịch.

 

8

Kiểm tra, báo cáo người sử dụng lao động để bổ sung kịp thời vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế theo quy định tại bộ phận y tế.

 

9

Phối hợp với tổ trưởng, người phụ trách các phòng ban để theo dõi sức khỏe người lao động. Khi phát hiện người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại nơi làm việc hoặc là ca bệnh hoặc ngưởi tiếp xúc vòng 1, hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì thực hiện xử trí theo quy định tại mục VI và VII của Phần I Hướng dẫn này. Đối với cơ sở lao động có phòng, trạm y tế tại nơi làm việc cần rà soát sắp xếp và thông báo lối đi riêng dành cho người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, đau rát họng, khó thở đến khám và tư vấn.

 

10

Thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc hằng ngày, tuần, tháng.

 

 

PHỤ LỤC SỐ 5

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI THỰC HIỆN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG KHỬ KHUẨN TẠI NƠI LÀM VIỆC VÀ KÝ TÚC XÁ ĐỂ PHÒNG, CHỐNG COVID-19

TT

VIỆC CẦN LÀM

Đánh dấu (X) đã làm

I

Vệ sinh khử khuẩn tại nơi làm việc

 

1

Công tác vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chung tại nơi làm việc. Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, phân xưởng, gian bán hàng, các bề mặt có nguy cơ tiếp xúc cao, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày.

 

2

Vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, điều khiển từ xa, bàn phím máy tính, điện thoại dùng chung nút bấm tại cây ATM, máy bán hàng tự động, bình nước uống công cộng,… khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày

 

3

Vệ sinh khử khuẩn khu vực vệ sinh chung 02 lần/ngày

 

4

Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.

 

5

Thu gom chất thải và đưa đi xử lý hằng ngày.

 

II

Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại ký túc xá

 

5

Đối với nền nhà, bàn ghế, các đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày

 

6

Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, điều khiển từ xa, nút bấm tại cây ATM, máy bán hàng tự động, bình nước uống công cộng: khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày.

 

7

Đối với khu vực rửa tay, nhà vệ sinh: Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày.

 

8

Tăng cường thông khí tại các phòng trong ký túc xá cho người lao động bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt. Thường xuyên vệ sinh hệ thống thông gió, quạt, điều hòa.

 

9

Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện tại khu vực ký túc xá cho người lao động và thực hiện thu gom, xử lý hằng ngày

 

 

PHỤ LỤC SỐ 6

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI CÓ TRƯỜNG HỢP BỊ MỆT MỎI, SỐT, HO, ĐAU RÁT HỌNG VÀ KHÓ THỞ TẠI NƠI LÀM VIỆC, KÝ TÚC XÁ

TT

VIỆC CẦN LÀM

Đánh dấu (X) đã làm

1

Thông báo cho cán bộ quản lý nơi làm việc, ký túc xá và người làm công tác y tế tại cơ sở lao động.

 

2

Cung cấp khẩu trang y tế cho người lao động và hướng dẫn đeo đúng cách.

 

3

Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 01 mét với những người khác

 

4

Đưa đến khu vực cách ly đã được bố trí tại cơ sở lao động, ký túc xá.

 

5

Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và đến cơ sở y tế khám và điều trị.

 

6

Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển.

 

7

Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe của người lao động đó.

 

8

Lập danh sách người tiếp xúc và thực hiện khử khuẩn tại nơi làm việc/ký túc xá khi cơ quan y tế yêu cầu.

 

 

* Yêu cầu đối với nơi cách ly tạm thời tại nơi làm việc, ký túc xá

- Bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu làm việc, ký túc xá (nếu có thể).

- Phòng cách ly tạm thời phải đảm bảo: Thoáng khí, thông gió tốt; Hạn chế đồ đạc trong phòng; Có chỗ rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng; Có thùng đựng rác có nắp đậy kín; Có khu vực vệ sinh riêng.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG năm 2020 về Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 ban hành

  • Số hiệu: 2194/QĐ-BCĐQG
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/05/2020
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19
  • Người ký: Đỗ Xuân Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản