Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 219/1998/QĐ-NHNN1

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "THỂ LỆ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP VÀ DẠY NGHỀ"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước ngày 23/5/1990;
Căn cứ Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg ngày 2/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập Quỹ tín dụng đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ nghiên cứu kinh tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Thể lệ tín dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 40/1997/QĐ-NHNN1 ngày 5/12/1997 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về việc ban hành Thể lệ tín dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Điều 3. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các Ngân hàng thương mại được Thống đốc Ngân hàng nhà nước giao nhiệm vụ cho vay đối với học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

Thủ trưởng các đơn vị liên quan ở Ngân hàng nhà nước Trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Dương Thu Hương

(Đã ký)

 

THỂ LỆ

TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP VÀ DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 219/1998/QĐ-NHNN1ngày 01/7/1998 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thể lệ này quy định việc cho vay vốn của các Ngân hàng thương mại được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) cho vay tiền từ Quỹ tín dụng đào tạo được thành lập theo Quyết định 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (sau đây gọi tắt là học sinh).

Điều 2.  Đối tượng cho vay:

Đối tượng cho vay là con các gia đình gặp khó khăn về tài chính đang theo học hệ chính quy tập trung dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Học sinh trước khi nhập trường có hộ khẩu thường trú ở nông thôn hoặc vùng khó khăn được vay vốn sau khi nhập trường và được vay ở các năm tiếp theo nếu liên tục duy trì điểm trung bình chung mở rộng được xếp loại từ trung bình trở lên.

2. Học sinh năm thứ nhất có tổng số điểm thi vào trường thuộc loại khá trở lên so với điểm xét tuyển (theo sự phân loại của nhà trường), và được vay ở các năm tiếp theo nếu đạt yêu cầu của điểm 3 trong điều này.

3. Học sinh liên tục duy trì điểm trung bình chung mở rộng được xếp loại trung bình - khá trở lên (đối với những trường hợp đã vào học tập từ một kỳ học trở lên).

4. Học sinh là con các gia đình thuộc diện chính sách (theo quy định của Nhà nước) nếu không đạt kết quả học tập theo tiêu chuẩn quy định trên, vẫn được vay tiền khi có xác nhận và đề nghị cho vay của nhà trường.

Điều 3.- Điều kiện để được vay tiền.

- Thuộc các đối tượng được vay tiền quy định tại Điều 2 của Thể lệ này.

- Có địa chỉ rõ ràng của gia đình hoặc người đỡ đầu ở Việt Nam.

- Có đơn xin vay tiền.

Học sinh vay tiền từ Quỹ tín dụng đào tạo không phải áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay.

Điều 4.- Nhà trường có trách nhiệm giúp đõ ngân hàng trong việc kiểm soát đối tượng cho vay và sử dụng tiền vay của học sinh.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5.- Tiền vay từ Quỹ tín dụng đào tạo dùng để hỗ trợ học sinh giải quyết một phần chi phí trong quá trình theo học tại trường, bao gồm:

- Chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, nghiên cứu.

- Chi phí sinh hoạt trực tiếp phục vụ cho học tập.

Điều 6.- Mức tiền cho vay:

Mức tiền cho vay do Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng cho vay quyết định phù hợp với nhu cầu vay tiền của học sinh mỗi trường và mức trượt giá hàng năm, nhưng mức tối đa là 150.000 VND cho mỗi học sinh một tháng.

Điều 7.- Thời hạn cho vay:

Thời hạn cho vay tối đa là 10 năm, riêng các học sinh tốt nghiệp ra trường đi nhận công tác ở nông thôn, vùng khó khăn có thể kéo dài nhưng không quá 15 năm. Việc xác định thời hạn cho vay căn cứ vào thời gian học và khả năng hoàn trả nợ sau khi ra trường của sinh viên. Ngân hàng và người vay thoả thuận thời hạn trả nợ cuối cùng và các kỳ hạn nợ cụ thể, nhưng thời điểm trả món nợ và lãi tiền vay đầu tiên là 6 tháng sau khi học sinh nhận công tác và không quá một năm sau khi học sinh tốt nghiệp.

Điều 8.- Lãi suất cho vay tối đa bằng 50% trần lãi suất cho vay ngắn hạn hoặc lãi suất cho vay thông thường bình quân do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố. Mức lãi suất cụ thể do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trên cơ sở thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

III. THỦ TỤC CHO VAY, THU NỢ

Điều 9.- Đơn xin vay và trình tự xét duyệt:

1. Đơn xin vay phải có đủ các yếu tố sau:

- Tên đầy đủ của người vay, trường, lớp, khoá học.

- Tên đầy đủ và địa chỉ của cha, mẹ hoặc người đỡ đầu.

- Địa chỉ gia đình.

- Đề nghị được vay tiền từ Quỹ tín dụng đào tạo.

- Cam kết của người vay về việc trả nợ.

- Cam kết của cha, mẹ hoặc người đỡ đầu về việc trả nợ thay khi người vay không trả được nợ.

- Xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi học sinh có hộ khẩu thường trú trước khi nhập trường về địa chỉ và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình học sinh.

2. Trình tự xét duyệt đơn xin vay.

Sau khi có đơn xin vay theo đúng quy định tại điểm 1 của điều này, người vay gửi cho Hội sinh viên (đối với các trường đại học, cao đẳng) hoặc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (đối với các trường còn lại) của trường. Hội sinh viên hoặc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm kiểm tra lại đơn vị vay của học sinh, nếu thấy người xin vay đúng đối tượng được vay theo quy định của Thể lệ tín dụng này thì Hội sinh viên hoặc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh gửi danh sách kèm đơn xin vay của học sinh cho nhà trường. Nhà trường có trách nhiệm kiểm soát lại và gửi cho ngân hàng danh sách học sinh thuộc đối tượng được vay tiền.

Điều 10.- Hồ sơ xin vay

Học sinh có nhu cầu xin vay phải gửi tới ngân hàng các tài liệu sau:

- Đơn xin vay tiền: Chỉ phải gửi tới ngân hàng lần đầu.

- Bảng dự kiến các khoản thu, chi và nhu cầu xin vay tiền có xác nhận của nhà trường: Học sinh phải gửi tới ngân hàng hàng năm.

Điều 11.- Căn cứ vào danh sách học sinh được nhà trường đề nghị ngân hàng cho vay và hồ sơ xin vay của học sinh, ngân hàng cùng người vay tiến hành ký hợp đồng tín dụng hàng năm. Hợp đồng tín dụng phải có đủ các yếu tố sau:

- Tổng mức cho vay trong năm: Do ngân hàng và người vay thoả thuận nhưng không được vượt quá giới hạn do Tổng giám đốc Ngân hàng quy định và quy định của Thể lệ này.

- Phương pháp cho vay: Thực hiện cho vay theo tài khoản cho vay thông thường.

- Thoả thuận về giải ngân: Việc phát hành tiền vay thực hiện từng lần phù hợp với nhu cầu sử dụng tiền vay của học sinh (theo từng tháng hoặc từng đợt trong năm), không cho vay trọn gói theo tổng mức tiền vay đã ký trong hợp đồng tín dụng.

- Thoả thuận về trả nợ: Theo quy định tại Điều 12 của Thể lệ này.

Điều 12.- Thu nợ, thu lãi:

1. Trong thời gian theo học tại trường, học sinh chưa phải trả nợ gốc.

2. Sau khi tốt nghiệp không quá 15 ngày hoặc hết thời hạn học tập, sinh viên có nợ vay phải đến Ngân hàng cho vay để thoả thuận cách trả nợ gốc và lãi (trả trực tiếp hoặc ngân hàng báo nợ về đơn vị công tác). Chỉ sau khi học sinh xuất trình các giấy tờ xác nhận của Ngân hàng về cam kết trả nợ của học sinh, nhà trường mới làm các thủ tục phát bằng tốt nghiệp, phân công công tác. Ngân hàng khuyến khích học sinh khi ra trường, trường hợp do mức thu nhập thấp không trả được nợ đúng hạn, người vay có thể viết đơn xin gia hạn nợ gửi Ngân hàng xem xét, quyết định; thời gian gia hạn tối đa không quá 2 năm. Trong thời gian còn nợ vay Ngân hàng, nếu có sự thay đổi nơi ở, nơi làm việc, số điện thoại (nếu có) thì người vay có trách nhiệm thông báo sự thay đổi đó cho Ngân hàng.

3. Đến kỳ hạn trả nợ, nếu học sinh không trả được nợ thì cha, mẹ hoặc người đỡ đầu phải trả nợ thay theo cam kết tại đơn xin vay của học sinh.

4. Trường hợp vì lý do nào đó (chuyển trường, bỏ học, bị xoá tên khỏi danh sách học sinh,...) mà học sinh đang có nợ vay Ngân hàng không còn theo học tại trường thì phải trả hết nợ cho Ngân hàng, trường hợp học sinh chưa trả hết nợ thì nhà trường có trách nhiệm nhắc nhở học sinh bằng văn bản và tạo điều kiện cho Ngân hàng thu hồi số tiền đã cho học sinh vay.

5. Lãi tiền vay được trả cùng nợ gốc; lãi tiền vay chỉ tính từ ngày học sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệp (kể cả trường hợp học sinh không đủ tư cách thi tốt nghiệp cũng phải tính lãi từ thời điểm này), trong thời gian học sinh theo học tại trường tiền vay không tính lãi.

Điều 13.- Đôn đốc thu hồi nợ:

Trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn thì việc đôn đốc thu hồi nợ được tiến hành như sau:

1. Ngân hàng có quyền áp dụng các biện pháp:

- Gửi Thông báo tới cơ quan người vay đang làm việc, gia đình, chính quyền địa phương nơi gia đình người vay cư trú.

- Đề nghị cơ quan người vay đang làm việc, gia đình, chính quyền địa phương nơi gia đình người vay cư trú đôn đốc người vay trả nợ.

2. Cơ quan người vay đang làm việc, gia đình, chính quyền địa phương nơi gia đình người vay cư trú phối hợp với Ngân hàng đôn đốc người vay trả nợ đúng hạn khi nhận được thông báo của Ngân hàng về việc người vay không trả nợ đúng hạn, cụ thể như sau:

- Đôn đốc người vay trả nợ đúng hạn, gửi Thông báo cho Ngân hàng biết về việc đã nhận được Thông báo của Ngân hàng, các biện pháp đôn đốc trả nợ đã thực hiện; phối hợp với Ngân hàng để thực hiện các biện pháp thu nợ.

- Nếu gia đình người vay thay đổi nơi ở hoặc người vay thay đổi nơi làm việc thì gia đình hoặc chính quyền địa phương nơi gia đình người vay cư trú, cơ quan người vay làm việc trước có trách nhiệm thông báo lại cho Ngân hàng biết sự thay đổi này và nơi cư trú mới của gia đình người vay, nơi làm việc mới của người vay.

IV. KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14.- Trong quá trình phát tiền vay Ngân hàng có trách nhiệm yêu cầu học sinh xuất trình giấy tờ về kết quả học tập có xác nhận của nhà trường để đảm bảo cho vay đúng đối tượng quy định.

Điều 15.- Trong quá trình quản lý học sinh nếu nhà trường phát hiện thấy học sinh sử dụng tiền vay không đúng mục đích hoặc có liên quan tới các tệ nạn xã hội phải thông báo cho Ngân hàng biết. Ngân hàng cùng nhà trường bàn bạc thống nhất biện pháp thu nợ trước hạn, trường hợp người vay không chấp hành nhà trường cùng Ngân hàng thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết đối với học sinh và cha mẹ hoặc người đỡ đầu của học sinh trong việc thực hiện trách nhiệm trả nợ Ngân hàng.

Điều 16.- Trường hợp người vay và cha, mẹ hoặc người đỡ đầu không thực hiện đúng cam kết vay tiền, tuỳ theo mức độ vi phạm, Ngân hàng cùng nhà trường được áp dụng các chế tài về tín dụng và các quy định khác của pháp luật để xử lý.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17.- Tổng giám đốc, Giám đốc các Ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay học sinh có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Thể lệ tín dụng này. Hàng quý lập báo cáo tình hình cho vay, thu nợ gửi về Vụ Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng Nhà nước.

Điều 18.- Việc sửa đổi, bổ sung thể lệ này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 219/1998/QĐ-NHNN1 về "Thể lệ tín dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề" do Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước ban hành

  • Số hiệu: 219/1998/QĐ-NHNN1
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/07/1998
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Dương Thu Hương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/07/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản