Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2135/QĐ-BNN-TCTL

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH THỦY LỢI LƯU VỰC SÔNG LÔ - GÂM”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi số 32/2001/UBTVQH10 ngày 04/4/2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2238/QĐ-BNN-KH ngày 20/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về quản lý quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét văn bản góp ý số 3155/UBND-NLN ngày 17/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, số 1784/SNN-TL ngày 29/10/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, số 77a/CCTL-QH ngày 20/10/2012 của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng, số 1122/BC-SNN ngày 21/12/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, số 2717/UBND-NLN ngày 11/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn góp ý cho Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm; Ý kiến đơn vị thẩm tra;

Xét Tờ trình số 109/TTr-QHTL ngày 22/3/2013 của Viện Quy hoạch Thủy lợi về việc xin phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm” kèm theo hồ sơ dự án đã được thẩm tra, bổ sung, chỉnh sửa;

Xét Tờ trình số 35/TTr-TCTL-QLNN ngày 06/8/2013 của Tổng cục Thủy lợi trình phê duyệt “Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm”;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm với các nội dung chính sau:

I. PHẠM VI

Phạm vi nghiên cứu chính của dự án là phần diện tích lưu vực sông Lô - Gâm trên lãnh thổ Việt Nam gồm: tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang, 5 huyện của tỉnh Lào Cai (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng), 2 huyện của tỉnh Yên Bái (Yên Bình, Lục Yên), 3 huyện của tỉnh Cao Bằng (Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình), 4 huyện của tỉnh Bắc Kạn (Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn), 4 huyện của tỉnh Phú Thọ (Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Ba và thành phố Việt Trì), 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc (Lập Thạch, sông Lô) với tổng diện tích tự nhiên 2.262.955 ha, tổng dân số khoảng 3,1 triệu người. Ngoài ra có nghiên cứu: Tình hình sử dụng nước phía thượng lưu Trung Quốc; phòng chống lũ, bổ sung nước mùa kiệt của các công trình trên dòng chính sông Lô - Gâm cho hạ du.

Lưu vực sông Lô - Gâm được chia thành 4 vùng thủy lợi (Phụ lục I).

II. MỤC TIÊU

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp và phát triển bền vững nguồn nước lưu vực sông Lô - Gâm giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước dân sinh, công nghiệp và các ngành khác; phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai, góp phần phòng chống lũ cho hạ du; thích ứng với biến đổi khí hậu; cải tạo môi trường nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của lưu vực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao và ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng ven biên giới, cụ thể:

- Đảm bảo nguồn cấp nước cho 3,1 triệu dân, các khu công nghiệp khai khoáng và chế biến nông sản, trong đó đặc biệt chú trọng đến các vùng khan hiếm nước.

- Cấp nước tưới cho khoảng 53.500 ha lúa đông xuân, 87.500 ha lúa mùa, và một phần diện tích trồng màu, cây công nghiệp.

- Nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng, khai thác công trình dòng chính điều tiết nước phục vụ sản xuất, phòng chống lũ cho lưu vực và vùng hạ du.

- Đề xuất các giải pháp tiêu nước cho các khu vực tập trung dân cư như thành phố Việt Trì, thành phố Tuyên Quang và giải pháp tổng thể cho khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm ổn định và nâng cao đời sống, bảo vệ người và tài sản của nhân dân trong lưu vực.

- Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi hàng năm và dài hạn của các tỉnh trong lưu vực.

III. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH

1. Tiêu chuẩn tính toán

a) Tiêu chuẩn cấp nước cho nông nghiệp: Các công trình khai thác dòng chính sông Lô, sông Phó Đáy (từ Liễn Sơn trở xuống) có mức đảm bảo tưới 85%; các công trình còn lại có mức đảm bảo tưới 75%.

b) Tiêu chuẩn tiêu thoát nước: Khu đô thị tính mưa 24 giờ max, tần suất 10%, tiêu trong 24 giờ; Khu vực nông nghiệp tính mưa 5 ngày max, tần suất 10%, tiêu trong 7 ngày.

c) Tiêu chuẩn chống lũ:

+ Đê hữu Lô đoạn qua thành phố Việt Trì chống lũ tần suất 1%;

+ Đê tả Phó Đáy đoạn qua huyện Vĩnh Tường chống lũ tần suất 1-2%;

+ Đê thuộc thành phố Tuyên Quang, huyện Sông Lô, Lập Thạch chống lũ tần suất 2%;

+ Các tuyến, đoạn đê khác chống lũ tần suất 5%.

2. Quy hoạch cấp nước

a) Phương án cấp nước nông nghiệp

Cải tạo, nâng cấp 1.580 công trình, xây mới 1.230 công trình. Sau quy hoạch các công trình tưới cho 47.500 ha lúa đông xuân, 76.300 ha lúa mùa, 13.900 ha màu, cây công nghiệp. Còn lại 6.000 ha lúa đông xuân, 11.200 ha lúa mùa không bố trí được công trình tưới do ở khu vực có địa hình hiểm trở, nguồn nước khó khăn, suất đầu tư quá cao, đề nghị sử dụng nguồn nước tưới từ các công trình tạm, khe, mó và nhờ nước trời. Phương án cụ thể cho các vùng như sau:

- Lưu vực sông Lô

+ Giữ nguyên 1.147 công trình hiện có, tưới cho 7.140 ha lúa đông xuân, 11.843 ha lúa mùa, 1.468 ha màu, cây công nghiệp.

+ Cải tạo, nâng cấp 554 công trình (71 hồ chứa, 16 đập dâng, 11 trạm bơm, 456 công trình nhỏ) tưới tăng thêm 2.775 ha lúa đông xuân, 2.142 ha lúa mùa, 1.249 ha màu, cây công nghiệp.

+ Xây mới 136 công trình (7 hồ chứa, 9 đập dâng, 20 trạm bơm, 100 công trình nhỏ) tưới 4.913 ha lúa đông xuân, 6.473 ha lúa mùa, 2.331 ha màu, cây công nghiệp.

- Lưu vực sông Gâm

+ Giữ nguyên 2.332 công trình hiện có, tưới cho 2.501 ha lúa đông xuân, 10.958 ha lúa mùa, 983 ha màu, cây công nghiệp.

+ Cải tạo, nâng cấp 589 công trình (5 hồ chứa, 18 đập dâng, 566 công trình nhỏ) tưới tăng thêm 1.134 ha lúa đông xuân, 1.438 ha lúa mùa, 977 ha màu, cây công nghiệp.

+ Xây mới 506 công trình (14 hồ chứa, 6 đập dâng, 6 trạm bơm, 480 công trình nhỏ) tưới 2.657 ha lúa đông xuân, 5.159 ha lúa mùa, 2.346 ha màu, cây công nghiệp.

- Lưu vực sông Chảy

+ Giữ nguyên 1.228 công trình hiện có, tưới cho 4.862 ha lúa đông xuân, 8.080 ha lúa mùa, 651 ha màu, cây công nghiệp.

+ Cải tạo, nâng cấp 209 công trình (40 hồ chứa, 19 đập dâng, 150 công trình nhỏ) tưới tăng thêm 914 ha lúa đông xuân, 1.592 ha lúa mùa, 329 ha màu, cây công nghiệp.

- Xây mới 310 công trình (7 hồ chứa, 12 đập dâng, 1 trạm bơm, 290 công trình nhỏ) tưới 2.732 ha lúa đông xuân, 4.349 ha lúa mùa, 1.500 ha màu, cây công nghiệp.

- Lưu vực sông Phó Đáy

+ Giữ nguyên 437 công trình hiện có, tưới cho 3.027 ha lúa đông xuân, 4.119 ha lúa mùa, 317 ha màu, cây công nghiệp.

+ Cải tạo, nâng cấp 228 công trình (2 hồ chứa, 3 đập dâng, 13 trạm bơm, 212 công trình nhỏ) tưới tăng thêm 854 ha lúa đông xuân, 489 ha lúa mùa, 178 ha màu, cây công nghiệp.

+ Xây mới 278 công trình (2 hồ chứa, 3 đập dâng, 2 trạm bơm, 271 công trình nhỏ) tưới 779 ha lúa đông xuân, 1.276 ha lúa mùa, 805 ha màu, cây công nghiệp.

(Phụ lục II, III, IV, V)

b) Phương án nguồn cấp nước đô thị, công nghiệp và sinh hoạt

- Cấp nước đô thị, công nghiệp: Khai thác nguồn nước sông Miện cấp cho thành phố Hà Giang công suất 14.500m3/ngđ, khai thác nguồn nước sông Lô cấp cho thành phố Tuyên Quang công suất 10.000m3/ngđ, khai thác nguồn nước sông Lô cấp cho thành phố Việt Trì công suất 5.000m3/ngđ.

- Cấp nước cho các thị trấn: Mở rộng mạng lưới cấp nước hiện có của các thị trấn, bảo đảm đủ nước cho toàn bộ dân số tập trung.

- Cấp nước sinh hoạt nông thôn:

+ Xây dựng 358 hồ treo, bể chứa nước cho các vùng khan hiếm nước: Tỉnh Hà Giang xây dựng 305 hồ treo cấp nước sinh hoạt cho 102 nghìn dân vùng đặc biệt khan hiếm nước thuộc 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh; tỉnh Cao Bằng xây dựng 34 bể chứa cấp nước sinh hoạt cho 13,6 nghìn dân thuộc các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc và Nguyên Bình; tỉnh Lào Cai xây dựng 19 công trình hồ, bể chứa cấp nước sinh hoạt cho 22,8 nghìn dân của các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai.

+ Xây dựng 770 hệ thống cấp nước tập trung quy mô nhỏ cấp nước cho 461,6 nghìn dân.

+ Hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước phân tán cho khoảng 459,6 nghìn dân.

3. Quy hoạch tiêu, thoát nước

Phần lớn diện tích lưu vực sông Lô - Gâm tiêu tự chảy tự nhiên ra sông suối. Diện tích tiêu bằng công trình 77.425 ha (49.973 ha lưu vực sông Lô, 6.533 ha lưu vực sông Chảy, 20.919 ha lưu vực sông Phó Đáy) cụ thể như sau:

a) Lưu vực sông Lô

- Khu tiêu thành phố Tuyên Quang: Cải tạo hệ thống trục tiêu thành phố Tuyên Quang (Ngòi Cơi, Ngòi Là, Ngòi Chả, Ngòi Thục), xây dựng 4 cống tiêu (cống Ngòi Cơi, cống Ngòi Là, cống Ngòi Chả, cống Ngòi Thục) với tổng lưu lượng thiết kế 70m3/s. Khống chế mực nước ngập úng trong nội đồng của thành phố dưới cao trình +24,0 m, không ngập các khu vực dân cư nội thành khi xảy ra trận mưa 220 mm/ngày.

- Khu tiêu Việt Trì và hạ sông Lô:

+ Cải tạo hệ thống ngòi tiêu ra sông Lô tiêu tự chảy cho 35.000 ha của thành phố Việt Trì, huyện Đoan Hùng, huyện Phù Ninh, huyện Thanh Ba, huyện Sông Lô.

+ Xây mới các trạm bơm: Cầu Gần (1.950 ha), Bình Bộ (2.490ha), Tiên Du (500 ha) tiêu cho khu vực ven sông Lô của huyện Phù Ninh và phía bắc thành phố Việt Trì.

+ Chuyển đổi 765 ha vùng ruộng úng trũng phía nam huyện Sông Lô (116 ha cuối ngòi tiêu Cầu Ngạc thuộc các xã Đôn Nhân, Đồng Quế, Phương Khoan; 307 ha cuối ngòi tiêu Cầu Đọ thuộc các xã Tam Sơn, Nhạc Sơn, Yên Thạch, Như Thụy; 342 ha cuối ngòi tiêu cầu Mai thuộc các xã Đồng Thịnh, Tứ Yên, Cao Phong) sang sản xuất 1 vụ cá và 1 vụ lúa đông xuân.

b) Lưu vực sông Chảy, duy trì 32 cống tiêu vùng hạ lưu sông Chảy tiêu cho 6.533 ha.

c) Lưu vực sông Phó Đáy

- Cải tạo 4 ngòi tiêu (Cầu Đen, Cầu Liễn Sơn, Cầu Phú Thụ, Cầu Bì La) đảm bảo yêu cầu tiêu.

- Cải tạo hệ thống ngòi tiêu và xây dựng trạm bơm Triệu Đề tiêu cho 5.130 ha khu cầu Triệu.

(Phụ lục II, III, IV, V)

4. Quy hoạch phòng chống lũ

- Nâng cấp tuyến đê hữu Lô đoạn xã Khang An - Thái Long (thành phố Tuyên Quang) dài 6,9 km chống lũ tần suất 2%, kè bờ và cứng hóa mặt đê bảo đảm yêu cầu chống lũ cho khu vực phía nam thành phố Tuyên Quang.

- Cứng hóa mặt đê tả Lô đoạn Vĩnh Lợi - Sầm Dương dài 28,7 km.

- Vận hành 4 cống tiêu (cống Ngòi Cơi, Ngòi Là, Ngòi Chả và Ngòi Thục) bảo đảm ngăn lũ thành phố Tuyên Quang ứng với mực nước + 29,0 m.

- Vận hành hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang để bảo vệ cho vùng nghiên cứu và hạ du sông Hồng.

- Xây dựng tuyến kè chống sạt lở đê sông Lô đoạn xã sầm Dương dài 5 km, tuyến kè chống sạt lở đê sông Lô đoạn xã Xuân Vân dài 3,0 km.

(Phụ lục II, III, IV, V)

5. Giải pháp phi công trình

- Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

- Thực hiện tốt công tác trồng và bảo vệ rừng nhằm tăng khả năng điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ.

- Tiếp tục triển khai công tác nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

- Quản lý khai thác cát trên lưu vực sông Lô - Gâm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, ổn định dòng chảy phục vụ cấp, thoát nước.

- Quy hoạch và xây dựng hệ thống cảnh báo phòng, tránh lũ quét trên các nhánh sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, quy hoạch các khu tái định cư mới phục vụ di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ quét.

- Củng cố mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn; nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo lũ.

- Xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó khẩn cấp cho một số vùng trọng điểm lũ, ngập.

- Xây dựng các bản đồ ngập lụt phục vụ công tác phòng chống úng, lũ cho khu vực thành phố Hà Giang, thành phố Tuyên Quang và hạ du lưu vực.

- Xây dựng quy trình vận hành của hồ Tuyên Quang theo thời gian thực bảo đảm hiệu quả chống lũ, tiêu úng, cấp nước và duy trì dòng chảy mùa kiệt, đồng thời hạn chế thấp nhất xói lở lòng dẫn hạ du do vận hành hồ.

- Phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên lưu vực sông Lô - Gâm bảo đảm thoát lũ, cấp nước, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, rừng phòng hộ, đất lúa và ổn định đời sống đồng bào dân tộc.

- Xây dựng chương trình khoa học công nghệ cho lưu vực sông Lô - Gâm: Các giải pháp tiết kiệm nước nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình, chủ động thích nghi với biến đổi khí hậu; cạn kiệt dòng chảy, xói lở lòng dẫn; giải pháp công trình phục vụ khai thác các vùng đất dốc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

- Phát triển các hồ chứa nhỏ đa mục tiêu gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát huy lợi thế của vùng, tiết kiệm nước ở khu vực thiếu nguồn nước; lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền kiến thức cho người dân nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ công trình cấp nước, sẵn sàng ứng phó khi có mưa lũ.

IV. KINH PHÍ VÀ THỨ TỰ ƯU TIÊN THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện quy hoạch 10.750 tỷ đồng, trong đó:

a) Phân theo giai đoạn đầu tư:

- Nhu cầu vốn giai đoạn 2013 đến 2020: 6.640 tỷ đồng.

- Nhu cầu vốn giai đoạn sau 2020: 4.110 tỷ đồng.

b) Phân theo hạng mục công việc

- Vốn thực hiện các giải pháp phi công trình: 500 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư xây dựng các công trình: 10.250 tỷ đồng.

2. Thứ tự ưu tiên

Căn cứ nội dung quy hoạch và khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm đầu tư đồng bộ và có hiệu quả, cụ thể theo trình tự ưu tiên sau:

- Công trình cấp nước vùng cao.

- Các trạm bơm ven sông không hoạt động được do mực nước bị hạ thấp.

- Sửa chữa, nâng cấp công trình, hệ thống công trình xuống cấp.

- Chương trình an toàn hồ chứa.

- Hoàn thiện hệ thống tiêu.

- Xây dựng công trình bổ sung năng lực tưới.

- Các công trình thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Chỉnh trị sông.

- Xây dựng kế hoạch khẩn cấp cho các vùng trọng điểm.

V. GIẢI PHÁP VỀ VỐN

Nguồn vốn thực hiện quy hoạch được cân đối từ vốn ngân sách Nhà nước hàng năm (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn), vốn đầu tư huy động xã hội hóa, đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc:

- Chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch hoặc rà soát quy hoạch thủy lợi chi tiết thuộc phạm vi của tỉnh. Tranh thủ nguồn vốn từ các Bộ, ngành, vốn ODA, vốn lồng ghép với chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện quy hoạch này.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên phạm vi địa bàn tỉnh; chỉ đạo, tổ chức xử lý, giải tỏa các công trình xâm hại, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Pháp luật; thực hiện tốt công tác trong và bảo vệ rừng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH và ĐT, TC;
- UBND các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc;
- Lưu VT, KH, TCTL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng

 

PHỤ LỤC I

PHÂN VÙNG, PHÂN KHU THỦY LỢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2135/QĐ-BNN-TCTL ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

Vùng quy hoạch

Diện tích tự nhiên (ha)

Dân số (người)

Giới hạn

1

Sông Lô

706.217

1.419.000

Bao gồm: 5/18 xã huyện Yên Minh, huyện Quản Bạ, 23/24 xã huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang, 7/25 xã huyện Hoàng Su Phì, 5/19 xã huyện Xín Mần, 20/21 xã huyện Bắc Quang, 14/15 xã huyện Quang Bình, 1 xã huyện Đồng Văn (Tỉnh Hà Giang); 1 xã huyện Yên Bình, 1 xã huyện Lục Yên (Tỉnh Yên Bái); huyện Hàm Yên, 17/31 xã huyện Yên Sơn, 2 xã huyện Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang, 15/33 xã huyện Sơn Dương (Tỉnh Tuyên Quang); 11/26 xã, phường thành phố Việt Trì, 12/28 xã huyện Đoan Hùng, 5/27 xã huyện Thanh Ba, 11/19 xã huyện Phù Ninh (Tỉnh Phú Thọ); 4/20 xã huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô (Tỉnh Vĩnh Phúc)

2

Sông Gâm

947.530

757.000

Bao gồm: Huyện Pác Nặm, huyện Ba Bể, 9/22 xã huyện Chợ Đồn, 4/11 xã huyện Ngân Sơn (Tỉnh Bắc Kạn); huyện Na Hang; huyện Lâm Bình; 24/26 xã huyện Chiêm Hóa, 5/31 xã huyện Yên Sơn (Tỉnh Tuyên Quang); 18/19 xã huyện Đồng Văn, 13/18 xã huyện Yên Minh, huyện Mèo Vạc, huyện Bắc Mê, 1 xã huyện Vị Xuyên (Tỉnh Hà Giang); huyện Bảo Lâm, 16/17 xã huyện Bảo Lạc, 5/20 xã huyện Nguyên Bình (Tỉnh Cao Bằng)

3

Sông Chảy

462.750

707.000

Bao gồm: 18/25 xã huyện Hoàng Su Phì, 14/19 xã huyện Xín Mần, 1 xã huyện Quang Bình (Tỉnh Hà Giang); huyện Bắc Hà, huyện Si Ma Cai, 3/15 xã huyện Bảo Thắng, 10/16 xã huyện Mường Khương, 17/18 xã huyện Bảo Yên (Tỉnh Lào Cai); 23/24 xã huyện Lục Yên, 23/26 xã huyện Yên Bình (Tỉnh Yên Bái); 16/18 xã huyện Đoan Hùng (Tỉnh Phú Thọ); 3 xã huyện Yên Sơn (Tỉnh Tuyên Quang)

4

Sông Phó Đáy

146.458

266.000

Bao gồm: 10/22 xã huyện Chợ Đồn (Tỉnh Bắc Kạn); 6/31 xã huyện Yên Sơn, 18/33 xã huyện Sơn Dương (Tỉnh Tuyên Quang); 6/20 xã huyện Lập Thạch, 2 xã huyện Tam Đảo (Tỉnh Vĩnh Phúc)

 

Tổng

2.262.955

3.148.000

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2135/QĐ-BNN-TCTL năm 2013 phê duyệt Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Lô - Gâm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2135/QĐ-BNN-TCTL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/09/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hoàng Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản