Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2134/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KHO VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030”

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; Thông tư 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn xác định mức cho phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 54/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 39/2009/NĐ-CP; Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp; Thông tư số 26/2012/TT-BCT ngày 29 tháng 1 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2009/TT-BCT;

Căn cứ Quyết định số 150/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Trưởng Bộ Công Thương về việc Ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Quyết định số 78/2007/QĐ-UBND ngày 07/9/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Bắc Giang đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 318/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quy định về quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

Quyết định số 527/2013/QĐ-UBND ngày 27/9/2013 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quy chế quản lý, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 402/BC-SKHĐT ngày 08 tháng 12 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển kho vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030", với một số nội dung sau:

1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của quy hoạch

- Đối tượng nghiên cứu: Các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu thực trạng và quy hoạch phát triển kho vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

2. Mục đích, yêu cầu của quy hoạch

- Đánh giá thực trạng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tỉnh Bắc Giang.

- Lập quy hoạch phát triển kho vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp và công tác tổ chức thực hiện nội dung quy hoạch.

3. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch phát triển kho VLNCN phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quy hoạch phát triển công nghiệp, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn tỉnh.

- Việc đầu tư xây dựng kho chứa VLNCN phải được tiến hành chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ và đúng theo văn bản pháp luật hiện hành.

- Khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu các công nghệ, biện pháp thay thế, hạn chế việc sử dụng VLNCN trong thăm dò, khai thác khoáng sản.

4. Mục tiêu quy hoạch

- Quy hoạch phát triển kho VLNCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục tiêu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đồng thời định hướng phát triển các kho VLNCN gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là ngành công nghiệp khai khoáng.

- Việc quy hoạch phát triển kho VLNCN phù hợp với lộ trình thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh; phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành VLNCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 của Chính phủ, cụ thể:

- Giai đoạn 2015-2020, giữ nguyên 14 kho và bổ sung thêm thêm 20 kho, tổng số kho là 34 với tổng sức chứa 113 tấn.

- Giai đoạn 2020-2030, giảm 02 kho so với giai đoạn 2015-2020, số kho còn lại 32 chiếc với tổng sức chứa 108,5 tấn.

5. Định hướng phát triển kho chứa vật liệu nổ công nghiệp

- Xây dựng kho VLNCN bám sát theo quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, đảm bảo nhu cầu sử dụng VLNCN cho hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng kho VLNCN đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ và gắn với bảo vệ môi trường.

6. Nội dung quy hoạch

6.1. Các điều kiện đảm bảo an toàn cho kho chứa vật liệu nổ công nghiệp

Các điều kiện đảm bảo an toàn cho kho chứa VLNCN hoàn toàn tuân thủ theo đúng Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT với một số điểm cơ bản như sau:

6.1.1. Vị trí an toàn của kho chứa vật liệu nổ công nghiệp

Kho chứa VLNCN phải được đặt ở nơi có địa hình tự nhiên che chắn, cách xa khu dân cư, các công trình xây dựng, giao thông, đường dây điện, di tích lịch sử, văn hóa… không dưới 300m tính từ hàng rào ngoài cùng của kho. Riêng ở khu vực có đập, đê điều thì phải do các chuyên gia xác định khoảng cách.

6.1.2. Kết cấu của kho

Tường gạch có ô thoáng với kích thước nhỏ để thoáng khí và được chắn bởi lưới thép để không cho động vật và côn trùng vào, thiết kế không cho nước mưa hắt vào kho; kho chia ô riêng biệt, một phần chứa thuốc nổ, một phân chứa kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm; trần bê tông cốt thép có chống nóng, thoát nước mưa tốt và không bị thấm, dột; nền kho bằng gạch hoặc bê tông không bị ẩm; kho phải có 02 lần cửa (01 cửa bên trong làm bằng gỗ hoặc sắt thép và cửa ngoài phải làm bằng sắt thép) được khóa chắc chắn, chìa khóa của cửa bên trong kho do Thủ kho giữ, cửa ngoài phải được khóa bằng 02 khóa, bảo vệ giữ 01 chìa và thủ kho giữ 01 chìa; xung quanh móng kho phải có rãnh thoát nước; Phần diện tích từ kho tới hàng rào của kho phải bằng phẳng, được phát quang và không có cây cỏ, phải có hệ thống đèn chiếu sáng toàn bộ khu vực xung quanh kho và khu vực hàng rào về ban đêm; Khoảng cách từ hàng rào tới tường kho ít nhất là 40m, tường rào bằng dây thép gai được giữ bởi các cột bê tông chiều cao không thấp hơn 2m; ngoài hàng rào phải có khu vực cấm các hoạt động tụ họp, đốt lửa ít nhất 50m; Cổng phải được xây dựng chắc chắn và có khóa, chìa khóa do bảo vệ giữ; Nhà bảo vệ được xây bên ngoài ngay trước cổng phải có cửa sổ để đảm bảo tầm nhìn bảo vệ có thể quan sát cửa kho và toàn bộ khu vực của kho VLNCN, có Barie chắn ngay trước cổng. Cửa kho phải quay về hướng tránh ánh nắng mặt trời (thường là hướng Nam).

6.1.3. Hệ thống chống sét và phòng cháy chữa cháy

Hệ thống chống sét gồm các cột thu lôi và hệ thống dẫn dòng điện để đảm bảo an toàn cho kho khi bị sét đánh thẳng hoặc cảm ứng; điện trở của hệ thống chống sét đánh thẳng không được lớn hơn 10Ω và điện trở của hệ thống chống sét cảm ứng không được lớn hơn 4Ω. Hàng năm phải đo kiểm tra điện trở của hệ thống chống sét.

Hệ thống phòng cháy, chữa cháy: bể cát, bể nước và các dụng cụ xúc cát, múc nước đặt bên trong hàng rào phía trước cửa kho và ở vị trí thuận tiện cho việc cứu hỏa; bình bọt dạng cầm tay phải có ít nhất là 03 bình luôn sử dụng được và đặt ở vị trí thuận tiện dễ lấy để cứu hỏa; bảng nội quy và tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy phải được dán ở tường ngay cửa ra vào của kho và không được bị mờ chữ. Cấm không được đem vật dụng dễ cháy hoặc có khả năng tự cháy, thiết bị có khả năng thu, phát sóng vào kho có chứa VLNCN.

6.1.4. Lực lượng bảo vệ kho VLNCN

Kho VLNCN phải được bảo vệ nghiêm ngặt, phải tổ chức lực lượng bảo vệ canh gác suốt ngày đêm. Lực lượng bảo vệ có trạm gác, phải được trang bị công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật (hệ thống thông tin, tín hiệu; hệ thống báo động) để phục vụ công tác bảo vệ, ứng phó khi có sự cố. Biên chế, tổ chức và trang bị đội bảo vệ, trạm gác kho phải được sự chấp thuận của Công an tỉnh.

Người làm công tác bảo vệ phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có thể lực tốt; được huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ; được huấn luyện những kiến thức cơ bản về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy, phòng nổ, ứng phó sự cố liên quan đến bảo quản VLNCN.

6.2. Quy hoạch phát triển kho chứa vật liệu nổ công nghiệp

Căn cứ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, Giấy phép khai thác, đặc điểm địa chất, kiến tạo của các mỏ và hiệu quả kinh tế trong việc vận chuyển, hiệu quả sử dụng, thực tế sử dụng kho VLNCN và đề xuất về sức chứa kho VLNCN của các doanh nghiệp đang khai thác trên địa bàn tỉnh để xây dựng quy hoạch. Riêng về sức chứa của các kho chủ yếu là loại 03 tấn là do các đơn vị khai thác khoáng sản đề xuất vì nó phù hợp với tính chất mỏ nhỏ trên địa bàn tỉnh và phù hợp với hiệu quả trong việc sử dụng và hiệu quả kinh tế, cụ thể:

6.2.1. Giai đoạn từ nay đến năm 2020: Giữ nguyên 14 kho hiện có và bổ sung thêm 20 kho mới như sau:

- Huyện Sơn Động: Bổ sung thêm 06 kho với tổng sức chứa là 24 tấn

- Huyện Lục Nam: Dự kiến bổ sung thêm 02 kho với sức chứa 06 tấn

- Huyện Lục Ngạn: Bổ sung thêm 09 kho với tổng sức chứa là 29 tấn

- Huyện Yên Thế: Bổ sung thêm 03 kho với tổng sức chứa là 09 tấn

Như vậy đến năm 2020 tổng số kho là 34 cái với tổng sức chứa là 113 tấn, trong đó bổ sung thêm là 20 kho với tổng sức chứa là 68 tấn. Sức chứa kho lớn nhất là 10 tấn/kho và nhỏ nhất là 2,5 tấn/kho, phần lớn kho có sức chứa là 3 tấn. Kho được tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi: huyện Sơn Động 10 kho với tổng sức chứa là 41,5 tấn; huyện Lục Ngạn 11 kho với tổng sức chứa là 34,5 tấn; huyện Lục Nam 07 kho với tổng sức chứa là 20 tấn; huyện Yên Thế 05 kho với sức chứa 15 tấn và huyện Tân Yên 01 kho sức chứa 02 tấn.

6.2.2. Giai đoạn từ năm 2020 đến 2030

Giai đoạn 2020 - 2030 giảm 4 kho và bổ sung 2 kho so với giai đoạn 2015-2020, tổng số kho giai đoạn 2020-2030 là 32 kho

- Huyện Sơn Động: Mỏ than Thanh Sơn bỏ kho phục vụ công tác thăm dò có sức chứa 02 tấn, bổ sung thêm 01 kho sức chứa 06 tấn tại mỏ than Hạ My.

Tổng số kho vẫn là 10 kho với tổng sức chứa là 45,5 tấn, không tăng kho nhưng tăng thêm 04 tấn so với giai đoạn 2015-2020

- Huyện Lục Nam: Giảm 02 kho với tổng sức chứa 6,5 tấn tại Khu III, mỏ than Nước Vàng xã Lục Sơn của Công ty CP thương mại Bắc Giang và mỏ đá núi Trồi xã Lục Sơn của Công ty CP Hoàng Liên Sơn do hết hạn cấp phép, bổ sung 01 kho sức chứa chứa 02 tấn tại mỏ Dĩnh Bạn. xã Thanh Lâm, do mỏ chì-kẽm Dĩnh Bạn, xã Thanh Lâm thăm dò giai đoạn 2016-2020 đưa vào khai thác giai đoạn 2020-2030.

Số kho còn lại là 06 chiếc với tổng sức chứa là 15,5 tấn, giảm 01 kho và giảm 4,5 tấn so với giai đoạn 2015-2020.

- Huyện Lục Ngạn: Hiện tại Công ty Cổ phần Anh Phong, Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang đang trong thời gian chuẩn bị và đầu tư xây dựng cơ bản nên sau năm 2020 vẫn tiếp tục khai thác. Do vậy trong giai đoạn 2020-2030 số kho và sức chứa không thay đổi so với giai đoạn 2015 – 2020. Với 11 kho với tổng sức chứa là 34,5 tấn.

- Huyện Yên Thế: Khu 1 núi Non, mỏ sắt Na Lương của Công ty Cổ phần Khoáng sản JMC hết hạn và trữ lượng vào năm 2017 nên sẽ giảm 01 kho sức chứa 03 tấn. Giai đoạn 2020-2030 huyện Yên Thế còn 04 kho với tổng sức chứa 12 tấn.

- Huyện Tân Yên: Giấy phép khai thác mỏ Barit Lăng Cao của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Giang sẽ hết hạn vào năm 2033 do đó kho chứa VLNCN tại mỏ Lăng Cao vẫn giữ nguyên. Trong giai đoạn 2020-2030 số kho và sức chứa không thay đổi so với giai đoạn 2015 – 2020, với 01 kho với tổng sức chứa là 02 tấn.

Trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030 sẽ bỏ đi 04 kho chứa VLNCN do hết hạn giấy phép và bổ sung thêm 2 kho so với giai đoạn 2015 - 2020, vậy tổng số kho VLNCN giai đoạn 2020 -2030 là 32 kho, giảm 02 kho so với giai đoạn 2015-2020 với tổng sức chứa là 108,5 tấn.

6.3. Quy hoạch các điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp

Từ 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 điểm bốc dỡ vật liệu nổ với khối lượng 200 tấn/01 lần bốc dỡ tại hóa trường ga Kép, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang của Chi nhánh công nghiệp hoá chất mỏ Bắc Ninh - Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Vinacomin. Trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng VLNCN. Các nhà cung ứng VLNCN cho các đơn vị sử dụng trên địa bàn tỉnh đều trực tiếp cung cấp tận kho VLNCN của các đơn vị sử dụng. Do vậy từ nay đến năm 2030 tiếp tục duy trì điểm bốc dỡ VLNCN tại ga Kép và không bổ sung thêm điểm bốc dỡ VLNCN nào khác.

6.4. Vốn đầu tư

Tổng kinh phí đầu tư đầu tư xây kho VLNCN đến 2030 là 7.700 triệu đồng.

Trong đó: Giai đoạn 2015-2020 bổ sung thêm 20 kho là 7.000 triệu đồng;

Giai đoạn 2020-2030 bổ sung thêm 02 kho là 700 triệu đồng.

6.5. Đất đai

Giai đoạn 2015-2020 bổ sung thêm 20 kho là 132.000 m2;

Giai đoạn 2020-2030 bổ sung thêm 02 kho là 13.200 m2

7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

7.1. Giải pháp thông tin tuyên truyền

Sở Công Thương, Công an tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan tăng cường tuyên truyền về chính sách pháp luật về VLNCN tới các doanh nghiệp, người lao động liên quan đến hoạt động VLNCN.

Các cấp chính quyền địa phương cấp cơ sở (cấp xã) phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng VLNCN làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng, chấp hành tốt các điều kiện về an toàn đối với kho chứa cũng như khu vực nổ mìn, đồng thời ủng hộ doanh nghiệp và tham giám sát cũng như bảo vệ kho chứa VLNCN nhằm giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

7.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, bảo quản và sử dụng

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy phép sử dụng VLNCN theo hướng công khai, minh bạch và rút ngắn thời gian.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm hướng dẫn công tác an toàn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn hoặc nguy hiểm liên quan đến hoạt động VLNCN. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ông tác an toàn trong hoạt động VLNCN.

Yêu cầu các đơn vị báo cáo theo định kỳ, đột xuất về công tác an toàn trong hoạt động VLNCN về Sở Công Thương.

Xây dựng phương án phối hợp trong công tác lựa chọn vị trí, thẩm định thiết kế và kiểm tra kho VLNCN với các cơ quan liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị sử dụng.

7.3. Giải pháp về kỹ thuật an toàn, đảm bảo an ninh

Yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải thực hiện và chỉ đạo, điều hành cán bộ nhân viên của mình phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về an toàn theo đúng Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT; thực hiện nghiêm việc ghi chép sổ sách theo dõi việc nhập, xuất kho và Hộ chiếu nổ mìn theo đúng quy định và thời gian thực; thực hiện nổ mìn theo đúng Hộ chiếu nổ mìn để không xảy ra việc mất hoặc thất thoát VLNCN.

Đơn vị sử dụng VLNCN phải xây phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn thỏa mãn các yêu cầu của QCVN 02:2008/BCT; kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho, phương tiện vận chuyển VLNCN nội bộ.

Chủ doanh nghiệp cần phải thực hiện đầy đủ nghiêm chỉnh các điều kiện về an ninh trật tự đối với kho chứa và những người liên quan đến VLNCN của đơn vị mình.

7.4. Giải pháp đào tạo nhân lực về công tác bảo quản, sử dụng VLNCN

Căn cứ vào số lao động liên quan đến hoạt động VLNCN tại doanh nghiệp khai thác khoáng sản (gồm lãnh đạo, phòng an toàn, thủ kho, bảo vệ, thợ nổ mìn…). Hàng năm Sở Công Thương tổ chức từ 01 đến 02 lớp huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đảm bảo 100% lao động liên quan đến VLNCN được đào tạo theo đúng quy định.

7.5. Giải pháp về đất đai

Các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho thuê, cũng như việc tuyên truyền cho người dân hiểu và đồng thuận với doanh nghiệp trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng.

7.6. Giải pháp về tài chính

Kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và tiền thuê đất do doanh nghiệp tự bố trí chi trả từ nguồn vốn tự có hoặc vay hoặc huy động vốn hợp pháp khác.

7.7. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Trong quá trình xây dựng và hoạt động phải thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định.

- Khi kho hết thời hạn phải thực hiện phục hồi môi trường và đất đai theo đúng quy định hiện hành.

(Có hồ sơ quy hoạch kèm theo)

Điều 2. Sở Công Thương có trách nhiệm công bố, cung cấp hồ sơ quy hoạch và phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Kho bạc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lại Thanh Sơn