Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 212/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 13 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2014 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2158/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 07/TTr-LĐTBXH ngày 13/01/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Cà Mau giai đoạn 2014 - 2015 (kèm theo Kế hoạch số 03/KH-LĐTBXH ngày 13/01/2014 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐTBXH;
- VXT;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT. Tr 16/02.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải

 

UBND TỈNH CÀ MAU
SỞ LAO ĐỘNG TB&XH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/KH-LĐTBXH

Cà Mau, ngày 13 tháng 01 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH TRẺ EM TỈNH CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2014 - 2015

- Căn cứ Quyết định số 2158/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015.

- Căn cứ công văn số 6128/UBND-VX ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013 -2015.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2014 - 2015 cụ thể như sau:

I. Thực trạng, nguyên nhân về tai nạn thương tích trẻ em

1. Thực trạng

- Cà Mau là tỉnh cực Nam Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 5.294 km2; địa hình có nhiều kênh rạch, dân cư sống phân tán rãi rác ven sông, ven rừng, ven biển; dân số 1.212.089 người. Trong đó, trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi 294.047, chiếm 24% trên tổng dân số trong toàn tỉnh. Đặc điểm địa hình dân cư này làm cho công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu... môi trường sống vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em chưa được loại bỏ; vì thế hàng năm vẫn còn nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là đuối nước xảy ra.

- Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố Cà Mau năm 2011 có 2.769 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó chết 13 trẻ; năm 2012 có 2.072 trẻ, chết 10 trẻ chủ yếu là tai nạn đuối nước và giao thông; năm 2013 hơn 1.684 trẻ, trong đó chết 16 trẻ.

2. Nguyên nhân tai nạn thương tích trẻ em.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích trẻ em chưa được chú trọng thường xuyên liên tục và đi vào chiều sâu cho nên nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em của một bộ phận người dân còn hạn chế.

- Có rất nhiều gia đình do kinh tế khó khăn phải đi làm ăn xa, để lại các cháu cho ông, bà già yếu chăm sóc, trong môi trường sông, ngòi, kênh rạch chằng chịt chưa được cảnh báo, nên tình trạng các cháu tự đi tắm sông còn diễn ra khá phổ biến nên dễ gây tai nạn chết đuối.

- Do sự chủ quan của cha, mẹ trong việc quản lý con cái.

- Phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, trong điều kiện đường giao thông tại địa phương còn hạn chế ... Ngoài ra, tình trạng người tham gia giao thông không tôn trọng luật nên gây ra những tai nạn đáng tiếc đối với các cháu đi trên đường bộ hoặc đường sông (như trẻ không biết bơi nhưng không mặc áo phao, tình trạng đò trên sông chưa trang bị áo phao vẫn còn xảy ra).

3. Thách thức và hạn chế

- Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về tai nạn thương tích trẻ em, nhưng những năm gần đây vấn đề tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng xảy ra ngày càng nhiều. Tai nạn chủ yếu thường gặp do: ngã, chết đuối, tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc thức ăn, súc vật cắn....Tai nạn thương tích trẻ em đã trở thành một vấn đề đáng báo động, gây ra những hậu quả tiêu cực đối với thể chất, tinh thần của không ít các em nhỏ, tước đi của các em những nụ cười và hạnh phúc khi thân thể không còn lành lặn, để lại cho các em, gia đình những bất hạnh, mất mát không gì so sánh được; đặc biệt đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

- Nhận thức của các cấp và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vẫn còn hạn chế, còn thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

- Hoạt động thông tin truyền thông chưa sâu rộng, nhất là ở các xã vùng sâu còn khó khăn.

- Hệ thống thu thập thông tin, giám sát, báo cáo số liệu tai nạn thương tích trẻ em còn nhiều hạn chế.

- Thiếu nguồn ngân sách đảm bảo thường xuyên cho việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

II. Mục tiêu, đối tượng và thời gian thực hiện

1. Mục tiêu chung

- Hạn chế tai nạn thương tích góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, vì sự phát triển bền vững thể chất và tinh thần cho trẻ em.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, từng bước thay đổi hành vi, nếp sống phù hợp; xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

- Phấn đấu 100% cán bộ làm công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

- Hàng năm mỗi huyện, thành phố Cà Mau chọn 04-05 xã làm mô hình điểm xây dựng Ngôi nhà an toàn cho trẻ em phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em; nhân rộng mô hình qua các năm tiếp theo.

- 100% Đài truyền thanh huyện, thành phố phát tin bài tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức toàn xã hội về công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

- 80% hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

- Tập huấn cho 85% cán bộ y tế cơ sở biết về kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu về tai nạn thương tích.

- Phấn đấu đến năm 2015, giảm cơ bản tình trạng trẻ em bị các loại tai nạn thương tích ít nhất 70% so với thời điểm năm 2013.

- 100% phương tiện vận chuyển khách trên sông, bến đò ngang được cấp phép đảm bảo an toàn theo quy định; 100% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

- Hàng năm Sở Lao động-TB&XH phối hợp với các ngành liên quan mở lớp bơi lội miễn phí ở 9/9 huyện, thành phố nhân tháng hành động vì trẻ em.

- Hệ thống thu thập thông tin về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của ngành Lao động - TB&XH được thiết lập và đi vào hoạt động.

3. Đối tượng

Là trẻ em; ưu tiên các huyện, xã, thị trấn có tỷ lệ về tai nạn thương tích trẻ em cao.

4. Thời gian thực hiện:

Từ năm 2014 đến năm 2015.

III. Nội dung các hoạt động

1. Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đặc biệt tập trung phòng, chống đuối nước.

2. Tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

- Thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở các vùng trọng điểm: vùng sông nước, vùng sâu, vùng xa với các hình thức phù hợp như phát tờ rơi, pano, áp phích... thông qua mạng lưới cộng tác viên cơ sở, y tế, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, trường học... cho các bậc cha, mẹ và trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ tai nạn thương tích biết biện pháp phòng tránh.

- Lồng ghép triển khai phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong các phong trào về y tế tại cộng đồng như: Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm, tháng hành động vì trẻ em, tết Trung thu... Đồng thời trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.

- Xây dựng các tài liệu truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em phù hợp với từng đối tượng; trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em vùng khó khăn, sông nước, dân tộc ít người.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các cấp.

- Phải xác định công tác truyền thông vận động xã hội tham gia tích cực công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em là rất quan trọng, thành công của công tác này sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức từ gia đình, nhà trường và xã hội giúp trẻ em được bảo vệ trong môi trường an toàn.

3. Xây dựng và nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” để phòng, chống tai nạn thương tích.

- Tổ chức hướng dẫn gia đình, nhà trường và cộng đồng áp dụng, thực hiện các quy định “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cho trẻ em phòng, chống tai nạn thương tích.

- Phối hợp triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em ở các huyện, thành phố; đồng thời phối hợp mở các lớp bơi lội cho trẻ em nhân dịp hè hàng năm.

- Triển khai các hoạt động liên ngành giám sát thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

4. Tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ tuyên truyền, kỹ năng sơ, cấp cứu cho cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế cơ sở... Đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

- Đồng thời mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức về phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em cấp xã, phường và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

5. Xây dựng hệ thống thu thập, giám sát, đánh giá hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của ngành Lao động - TB&XH.

- Phối hợp với các ngành có liên quan thu thập số liệu do tai nạn, thương tích từ cộng đồng, tai nạn giao thông theo hàng tháng, quý, năm về tai nạn thương tích trẻ em tại các cơ sở.

- Tăng cường theo dõi kiểm tra, giám sát kết quả hoạt động thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả các hoạt động can thiệp của chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích của tỉnh.

Công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em là trách nhiệm của mọi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Một vấn đề đặc biệt quan trọng là môi trường gia đình, nơi mà trẻ em thường được che chắn, bảo vệ một cách an toàn nhất, song trên thực tế tình hình tai nạn thương tích trẻ em xảy ra tại gia đình chiếm tỷ lệ khá cao. Nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ngay tại gia đình đang rình rập, nhiều trẻ em bị ngã cầu thang, bỏng nước sôi, điện giật, bị vật sắc nhọn, bị ngạt thở do nuốt phải đồ chơi ... Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và gia đình cần quan tâm hơn nữa đối với trẻ em, đối tượng dễ bị các loại tai nạn thương tích do môi trường, hoàn cảnh sống, đặc biệt là các em ở vùng sông nước.

IV. Giải pháp thực hiện

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; xác định rõ phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em là trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

- Tăng cường năng lực chức năng quản lý nhà nước của ngành Lao động - TB&XH đối với công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; lồng ghép các mục tiêu phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Đào tạo, bồi dưỡng về công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

- Công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em là trách nhiệm của mọi gia đình và toàn xã hội. Đầu tư cho công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em là đầu tư cho sự phát triển toàn diện của trẻ em; do đó cần đẩy mạnh việc xã hội hóa trong công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em.

- Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm các ngành địa phương và các tổ chức, đoàn thể và hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

V. Nhu cầu kinh phí thực hiện

- Kinh phí triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của tỉnh.

Stt

Nội dung

Đề nghị TW hỗ trợ

Kinh phí ĐP

Kinh phí huy động xã hội hóa

1

In tờ rơi, tờ bướm, tài liệu, ký hợp đồng trách nhiệm, xây dựng phóng sự,...tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

60.000.000

240.000.000

30.000.000

2

Triển khai tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, y tế cơ sở, cán bộ các ngành phối hợp... cộng tác viên và người dân tại địa bàn xã triển khai mô hình và xây dựng thí điểm xã về “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em.

52.900.000

290.000.000

35.000.000

3

Tổ chức các lớp bơi miễn phí cấp tỉnh, huyện (6 lớp x 15.000.000 đồng/lớp)

30.000.000

90.000.000

60.000.000

4

Mô hình “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn” (mô hình xã điểm)

80.000.000

250.000.000

20.000.000

5

Cải thiện hệ thống thu thập, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

20.000.000

46.000.000

15.000.000

Dự kiến kinh phí năm 2014

242.900.000

916.000.000

160.000.000

Dự kiến kinh phí năm 2015

242.900.000

916.000.000

160.000.000

Nhu cầu kinh phí thực hiện hàng năm: 1.318.900.000 đồng; trong đó đề nghị Trung ương hỗ trợ: 242.900.000 đồng; kinh phí địa phương: 916.000.000 đồng; huy động xã hội hóa: 160.000.000 đồng.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hàng năm. Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại địa phương.

- Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện ,thành phố Cà Mau tổ chức nắm tình hình, thống kê số liệu về tai nạn thương tích trẻ em.

- Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và cộng tác viên ở khóm ấp về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo hàng năm về Ủy ban nhân dân tỉnh; Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

2. Sở Y tế tỉnh Cà Mau

- Đưa nội dung phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là đuối nước vào các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho mạng lưới cán bộ y tế cơ sở.

- Từng bước cải thiện hệ thống sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện, chăm sóc chấn thương thiết yếu và phục hồi chức năng.

3. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục học sinh trong các nhà trường về PCTNTTTE thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, lồng ghép vào các môn học chính khóa và môn thể dục.

- Triển khai xây dựng các mô hình “Trường học an toàn, nhà trẻ an toàn” để phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Tổ chức tuyên truyền và đào tạo giáo viên dạy bơi cho các huyện, thành phố, triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học để nhân rộng cho những năm tiếp theo.

4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau

- Chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc và có kế hoạch thực hiện phong trào phổ cập bơi, phòng chống tai nạn cho trẻ em, nhất là công tác phối hợp dạy bơi cho học sinh ở các trường tiểu học. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên bơi lội, hướng dẫn viên cứu đuối.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết phổ cập bơi, cứu nước; đặc biệt là phương pháp phòng, chống tai nạn trên sông nước. Xây dựng khu Du lịch an toàn phòng, chống tai nạn thương tích.

- Lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào nội dung tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa hàng năm.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện theo quy định. Hướng dẫn các ngành liên quan, các địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

- Thường xuyên đưa tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; thông tin phổ biến kịp thời những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt và biểu dương các điển hình tiên tiến thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung; công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phản ánh và lên án các vụ việc xâm phạm quyền trẻ em.

- Chỉ đạo các ngành, đoàn thể ở địa phương và các xã, phường, thị trấn phối hợp tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu vì trẻ em và nội dung hoạt động của kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

Tuyên truyền vận động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em, đưa ra những kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

8. Sở Giao thông - Vận tải

- Chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc và có kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là phòng, chống đuối nước để đề phòng tai nạn cho trẻ em. Vận động phụ huynh đội mũ cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ, ghế ngồi dành cho trẻ em phải chắc chắn, an toàn

- Xây dựng các mô hình phòng chống đuối nước trẻ em trên các phương tiện thủy nội địa, vận động “Người đi đò mặc áo phao”.

- Chỉ đạo các lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời xây dựng bến phà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em.

9. Công an tỉnh

- Chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc và có kế hoạch tăng cường công tác truyền thông phòng ngừa tai nạn đối với phương tiện chở khách công cộng, trên sông, phương tiện thủy nội địa, bến phà ngang sông. Chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên sông đối với phương tiện chở khách ngang sông và phương tiện có nhiều học sinh đi học.

- Tiếp tục xây dựng nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội tự quản về an ninh trật tự trong tổ chức, hướng dẫn trẻ em qua lại trên các phương tiện chở khách, những nơi trẻ em phải đến trường bằng phương tiện đường thủy.

10. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau

Chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc và có kế hoạch lồng ghép nội dung phòng chống tai nạn thương tích trẻ em vào các hoạt động “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; tổ chức các cuộc hội thảo tập huấn cho cán bộ Hội chủ chốt các cấp, tuyên truyền viên cộng đồng. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục, vận động phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ có con ở độ tuổi trẻ em tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tiếp tục có những cam kết nhằm giảm tỷ lệ trẻ em đuối nước, duy trì và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cho trẻ em.

11. Hội nông dân tỉnh Cà Mau

- Chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc; đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục vận động Hội viên, nông dân tham gia các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước ở trẻ em.

- Đồng thời đưa nội dung phòng chống tai nạn thương tích trẻ em vào chương trình tập huấn cho cán bộ Hội chủ chốt các cấp, tuyên truyền viên cộng đồng, các gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn.

12. Tỉnh Đoàn tỉnh Cà Mau

- Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo hệ thống ngành dọc triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong phạm vi hoạt động của ngành mình. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, trẻ em và cộng đồng về phòng chống tai nạn thương tích.

- Lồng ghép các hoạt động dạy bơi gắn với các mô hình giáo dục kỹ năng cho trẻ em như Học kỳ quân đội, trại hè... nhân rộng mô hình dạy bơi cho những năm tiếp theo.

13. Các ban ngành, đoàn thể, Phát thanh truyền hình, các tổ chức chính trị - xã hội

Tham gia triển khai thực hiện phong trào xã hội hóa công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong phạm vi hoạt động của mình, nhằm hướng đến mục tiêu vì một môi trường an toàn cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Xây dựng kế hoạch; bố trí kinh phí cho việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại huyện, thành phố. Chỉ đạo các phòng có liên quan và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại cơ sở.

Trên đây là kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Cà Mau giai đoạn 2014 - 2015, kính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Vp UBND tỉnh;
- Cục BVCSTE (Bộ LĐ);
- Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; (Phối hợp)
- UBND các huyện, thành phố; (Phối hợp)
- Ban Giám đốc Sở;
- Lưu: VP, Phòng KH-TC, BVCSTE.

GIÁM ĐỐC




Võ Hoàng Hiệp