Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 211/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 29 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRỰC THUỘC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước ngày 03/6/2008;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 02/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Căn cứ Nghị quyết số 100-NQ/TU ngày 25/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về công tác tổ chức và cán bộ;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 37/TTr-SLĐTBXH ngày 13/4/2020 và đề nghị của Sở Nội vụ tại Báo cáo số 243/BC-SNV ngày 27/5/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm những nội dung sau đây:

1. Quan điểm

a) Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải phù hợp yêu cầu về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của của Chính phủ, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và của tỉnh.

b) Kế thừa quy hoạch phát triển sự nghiệp thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đã được phê duyệt trước đây nhằm phát huy hiệu quả, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị.

c) Sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tỉnh tăng cường thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục củng cố, đầu tư cơ sở vật chất các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời thực hiện các chính sách thúc đẩy xã hội hóa nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội tham gia phát triển các dịch vụ sự nghiệp công về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

d) Sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, tập trung nguồn lực cho phát triển chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động; phát huy tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ viên chức hiện có.

e) Đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, tự bảo đảm chi phí hoạt động trên cơ sở giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, tập trung nguồn lực tạo đột phá trong quản lý, từng bước xóa bỏ sự can thiệp và bao cấp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công trực thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

- Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tài chính và nhân lực có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu của người dân và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu về dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội của tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Về mạng lưới các đơn vị sự nghiệp: Rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công của ngành lao động - thương binh và xã hội; đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công.

Đến năm 2025, có 03 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Về thực hiện cơ chế tự chủ:

+ Các đơn vị tăng dần mức tự chủ hằng năm. Giai đoạn 2021 - 2025: Có 01 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (Trung tâm Dịch vụ việc làm); 02 đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Cơ sở cai nghiện ma túy).

+ Định hướng giai đoạn 2026 - 2030: Nâng dần mức độ tự chủ của 01 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; 02 đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

3. Nội dung quy hoạch

a) Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Năm 2020: Thực hiện hợp nhất Trung tâm Công tác xã hội với Quỹ Bảo trợ trẻ em thành Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em. Có 03 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, gồm: Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Giai đoạn 2021-2025: Có 03 đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm: Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Cơ sở cai nghiện ma túy. Tiếp tục củng cố tổ chức và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Định hướng giai đoạn 2026 - 2030: Giữ ổn định các đơn vị như giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục củng cố tổ chức và phát triển chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự; tăng cường sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Về thực hiện cơ chế hoạt động tài chính:

Căn cứ vào kết quả tình hình tài chính và tài sản của các đơn vị và điều kiện thực tế tại địa phương, định hướng cho các năm tiếp theo; giao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo các nhóm tự chủ tài chính để có cơ chế hoạt động cho phù hợp:

- Năm 2020, thực hiện như sau:

+ Nhóm 1: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Không có.

+ Nhóm 2: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Không có.

+ Nhóm 3: Đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: Không có.

+ Nhóm 4: Đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (03 đơn vị), gồm: Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Giai đoạn từ 2021 - 2025:

+ Nhóm 1: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Không có.

+ Nhóm 2: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên: Không có.

+ Nhóm 3: Đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (01 đơn vị): Trung tâm Dịch vụ việc làm.

+ Nhóm 4: Đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (02 đơn vị), gồm: Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Cơ sở cai nghiện ma túy.

- Định hướng đến giai đoạn 2026 - 2030: 01 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (Trung tâm Dịch vụ việc làm); 02 đơn vị do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Cơ sở cai nghiện ma túy).

4. Một số giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Về thực hiện các cơ chế chính sách

- Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển đơn vị sự nghiệp công lập; tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị cùng phát triển ổn định, bền vững; đẩy mạnh huy động xã hội hóa ở những lĩnh vực phù hợp, đảm bảo lợi ích của từng cá nhân, tập thể và của Nhà nước.

- Gắn quyền hạn với trách nhiệm của từng cấp, của tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị; phân cấp về nhiệm vụ với phân cấp quản lý về tổ chức, nhân sự, tài chính và đảm bảo các điều kiện vật chất khác; đảm bảo các quyền sở hữu trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

- Quy định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội; quy định và thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội trong việc thực hiện thẩm quyền.

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật; đồng thời, phát huy dân chủ ở cơ sở để giám sát công việc quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

b) Về tổ chức, hoạt động của các đơn vị

- Tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp, tinh gọn, hiệu quả nhằm cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công cho tổ chức và công dân trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội có chất lượng, đáp ứng yêu cầu.

- Thực hiện các giải pháp đổi mới mô hình hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nâng dần mức độ tự chủ, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, đặc biệt khuyến khích thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực, nhiệm vụ có khả năng, điều kiện thực hiện xã hội hóa.

- Từng bước thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

c) Về nhân lực

- Về số lượng người làm việc: Trước mắt giữ nguyên số lượng người làm việc của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội như hiện nay và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

- Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi Đề án được phê duyệt.

- Phát triển đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, cụ thể:

+ Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho viên chức các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

+ Đẩy mạnh việc xây dựng, hợp tác và thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

+ Đổi mới tác phong, lề lối, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ viên chức.

d) Về tài chính, cơ sở vật chất

- Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào một số lĩnh vực Nhà nước cho phép. Hỗ trợ các đơn vị trong việc tìm nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tự chủ về tài chính và thực hiện xã hội hóa.

- Thay đổi phương thức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, bằng nguồn ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở một số lĩnh vực có đủ điều kiện nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo pháp luật để thúc đẩy các đơn vị phát triển.

- Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất theo quy hoạch được phê duyệt và kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đổi mới cơ chế và phương pháp quản lý, vận hành, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng một đơn vị sự nghiệp có thể cung ứng nhiều dịch vụ công; đẩy mạnh xã hội hóa, từng bước thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp có đủ các điều kiện cần thiết.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này. Định kỳ kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quy hoạch với Ủy ban nhân dân tỉnh; rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh Quy hoạch (gửi Sở Nội vụ thẩm định nếu có) cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Căn cứ quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, xây dựng phương án giao quyền tự chủ về tài chính giai đoạn 2021-2025, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

3. Sở Tài chính: Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí dự toán ngân sách theo quy định của Nhà nước đảm bảo cho các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội hoạt động phù hợp quy định của pháp luật hiện hành; hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng phương án giao quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trì tổ chức thẩm định phương án giao quyền tự chủ về tài chính, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Sở Nội vụ: Hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định vị trí việc làm, số người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

5. Các cơ quan, đơn vị có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính; thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Chánh VP UBND tỉnh;
- Phó Chánh VP UBND tỉnh;
- TP NC, CVTH (Huy), CVVX (Bắc);
- Lưu: VT, NC (Thg).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 211/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 211/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản