Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 210/2010/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 12 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VƯỜN QUỐC GIA NÚI CHÚA, TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vể việc ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên;

Căn cứ Quyết định số 209/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đổi tên Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa thành Vườn quốc gia Núi Chúa;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 198/TTr-SNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2009 của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 508/TTr ngày 08 tháng 3 năm 2010 và Báo cáo thẩm định văn bản số 175/BC-STP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận (sau đây gọi tắt là Vườn quốc gia) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, có chức năng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng và biển, các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái; giáo dục môi trường theo quy hoạch và pháp luật.

Vườn quốc gia là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần kinh phí, có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành; có tư cách pháp nhân; có con dấu và tài khoản riêng và có trụ sở làm việc đặt tại 02 địa điểm như sau:

1. Trụ sở chính đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

2. Văn phòng đại diện đặt tại thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Quản lý, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật đặc hữu; phục hồi tài nguyện và cảnh quan thiên nhiên.

a) Bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên:

- Bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật, nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác.

- Phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ bệnh dịch và sinh vật ngoại lai xâm hại; ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng và biển, môi trường cảnh quan.

b) Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng; bảo tồn tính đa dạng sinh học;

c) Tham gia xây dựng dự án và tổ chức thực hiện các hoạt động thu hút cộng đồng tham gia quản lý, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng đệm theo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.

d) Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc: quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng, tài nguyên biển; lập dự án đầu tư phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn vùng đệm để ổn định cuộc sống cho cộng đồng dân cư đồng thời thiết lập quy chế trách nhiệm của cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình trong việc bảo vệ, bảo tồn Vườn quốc gia; tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn sử dụng hợp lý lâm sản và tài nguyên tự nhiên, các dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập, gắn liền sinh kế của người dân với các hoạt động của Vườn Quốc gia;

e) Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá cảnh quan trong Vườn Quốc gia.

2. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

a) Tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển động, thực vật rừng và biển, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động, thực vật quý, hiếm đặc hữu, nguy cấp;

b) Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu khoa học, học tập tại Vườn Quốc gia;

c) Xây dựng chương tình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức triển khai thực hiện sau khi được duyệt.

d) Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn nguồn gien các loài động thực vật và thủy sản quý hiếm;

đ) Xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

e) Nghiên cứu xây dựng các mô hình lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến lâm, nông ngư ở vùng đệm, mô hình làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân trong vùng đệm.

3. Tổ chức dịch vụ môi trường:

a) Xây dựng trình duyệt quy hoạch, dự án phát triển dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái của Vườn quốc gia và tổ chức thực hiện. Tạo nguồn thu từ du lịch để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển;

b) Tổ chức liên doanh, liên kết, cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái theo quy hoạch và quy định hiện hành; hướng dẫn kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng đã ký kết;

c) Tuyên truyền, giáo dục môi trường nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, môi trường cho khách du lịch và cộng đồng; thực hiện các hoạt động quảng bá, tiếp thị để thu hút khách du lịch.

4. Trình các cấp có thẩm quyền về chương trình, dự án đầu tư, là chủ đầu tư các dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn trong Vườn Quốc gia và vùng đệm.

6. Quản lý tài chính, tài sản được giao; thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; cải cách hành chính theo quy định của Nhà nước.

7. Quản lý bộ máy tổ chức; cán bộ, viên chức; chế độ tiền lương; khen thưởng, kỷ luật theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Ban Giám đốc: gồm có Giám đốc và từ 1 - 2 Phó Giám đốc.

a) Giám đốc là người chịu trách nhiệm quản lý và điều hành các hoạt động của Vườn Quốc gia theo quy định của Quyết định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về toàn bộ hoạt động của đơn vị;

b) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của Vườn quốc gia; trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Giám đốc và giải quyết các công việc khác do Giám đốc giao; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Giám đốc về kết quả công việc được giao.

2. Các phòng chuyên môn:

- Phòng Hành chính - Tổng hợp;

- Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế;

- Phòng Bảo tồn.

3. Văn phòng đại diện:

4. Đơn vị trực thuộc:

Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường.

Điều 4. Biên chế

Biên chế của Vườn Quốc gia do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ hằng năm trong tổng số biên chế sự nghiệp của tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 5. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, viên chức và người lao động

1. Giám đốc và Phó Giám đốc Vườn Quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.

2. Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thuộc Vườn Quốc gia do Giám đốc Vườn Quốc gia quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục quy định và sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và người lao động; thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng và kỷ luật đối với viên chức và người lao động của Vườn Quốc gia theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 6. Mối quan hệ công tác

1. Chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, xã:

a) Vườn Quốc gia có trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức xây dựng hệ thống quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn của từng địa phương và tổ chức các hệ thống các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia tích cực vào quản lý bảo vệ Vườn Quốc gia;

b) Phối hợp để thực hiện các chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia và vùng đệm.

3. Đối với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Vườn Quốc gia để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 03/2004/QĐ-UB ngày 04 tháng 01 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc Vườn Quốc gia có trách nhiệm căn cứ các quy định tại Quyết định này quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Vườn quốc gia; ban hành quy chế hoạt động của Vườn quốc gia và tổ chức đạt hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề nào chưa hợp lý thì báo cáo với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật hiện hành của Nhà nước.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành trong tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như khoản 2, Điều 8;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trang tin điện tử tỉnh Ninh Thuận;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, NC, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 210/2010/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 210/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/03/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Trần Xuân Hoà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản