Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số 104/2007/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH SINH THÁI TẠI CÁC VƯỜN QUỐC GIA, KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban quản lý các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn Phòng TW Đảng;
- Ban Tuyên giáo TW Đảng;
- Ủy ban KHCN và MT của Quốc Hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan
thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao;
- Toà án Nhân dân Tối cao;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu VT, PC

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH SINH THÁI TẠI CÁC VƯỜN QUỐC GIA,KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN, ngày 27/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này áp dụng cho các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập. Các hoạt động du lịch khác trong Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tuân theo các quy định của pháp luật về du lịch, pháp luật về bảo vệ rừng, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Ban quản lý các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kinh doanh du lịch sinh thái; cơ quan, tổ chức, cá nhân, du khách và cộng đồng dân cư ở địa phương có hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định tại Điều 1.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Du lịch sinh thái: Là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng dân cư ở địa phương nhằm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch trong tương lai.

2. Đường mòn du lịch sinh thái: Là lối đi khám phá thiên nhiên ở Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được tạo ra cho du khách đi bộ kết hợp sử dụng cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên, được thiết kế trên cơ sở giảm thiểu tác động đến môi trường.

3. Tháp quan sát: Là công trình được xây dựng để phục vụ du khách quan sát đặc tính các loài thực vật, tập tính các loài động vật rừng hoang dã trong Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên kết hợp sử dụng cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

4. Thuê môi trường rừng: Là hình thức sử dụng một phần đất rừng và rừng Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cho tổ chức, cá nhân thuê nhằm mục đính kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức du lịch sinh thái

1. Các hoạt động du lịch sinh thái không được làm ảnh hưởng đến diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã, cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hoá của cộng đồng dân cư ở địa phương tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

2. Lợi nhuận từ các dịch vụ du lịch sinh thái được tái đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Tỷ lệ tái đầu tư cho bảo tồn thực hiện theo quy định của nhà nước.

3. Cộng đồng dân cư ở địa phương được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Chương 2:

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH SINH THÁI

Điều 5. Các hoạt động không được phép tổ chức

1. Sử dụng các phương tiện gây tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường để phục vụ du lịch sinh thái.

2. Thu hái lâm sản, săn bắn trái phép động vật hoang dã và các hoạt động khác gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

3. Mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ gây cháy, xả rác bừa bãi trong các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

4. Mang theo động vật, thực vật ngoại lai xâm hại tới Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong các hoạt động du lịch sinh thái.

5. Các hành vi khác gây tác động xấu đến các công trình du lịch sinh thái và công trình bảo vệ rừng.

Điều 6. Các phương thức tổ chức du lịch sinh thái

1. Hoạt động du lịch sinh thái do ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện:

a) Việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phải được lập thành đề án cụ thể trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái phải tuân theo các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản.

b) Các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường hoạt động theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 của Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng.

c) Mỗi một Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có hoạt động du lịch sinh thái có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách, có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch sinh thái. Cán bộ được phân công làm công tác hướng dẫn viên, thuyết minh du lịch sinh thái có kiến thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, du lịch và văn hóa bản địa. Hướng dẫn viên du lịch phải có các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Du lịch.

2. Cho thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái

a) Ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái. Giá thuê môi trường rừng được xây dựng căn cứ theo Nghị định số 48/2007/NĐ-CP, ngày 28/3/2007 về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng và theo đề án cho thuê đã được phê duyệt.

b) Đề án cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái:

- Được công khai và gắn với cộng đồng dân cư ở địa phương; Cộng đồng dân cư ở địa phương có thể tham gia vào các hoạt động du lịch.

- Địa điểm cho thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái có thể là các danh thắng có giá trị văn hoá lịch sử, có khu hệ thực vật rừng, động vật hoang dã phong phú, đa dạng; Hệ sinh thái có khả năng phục vụ một số lượng khách tham quan nhất định, không tồn tại những mối đe doạ với văn hoá bản địa, an toàn cho du khách, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

- Đơn vị tổ chức du lịch sinh thái có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường,

- Giá thuê môi trường rừng được xác định cụ thể trên cơ sở địa điểm, vị trí, cảnh quan tự nhiên, hiện trạng tài nguyên rừng, cơ sở hạ tầng hiện có.

c) Thời gian cho thuê môi trường rừng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái không quá 50 năm, sau mỗi chu kỳ 10 năm sẽ xem xét quyết định tiếp tục hợp đồng dựa trên kết quả đánh giá tác động môi trường của hoạt động cho thuê môi trường rừng.

d) Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên:

- Thay đổi mục đích sử dụng rừng.

- Xâm hại tài nguyên thiên nhiên trên và dưới đất rừng được thuê.

Các điều, khoản cụ thể của việc cho thuê môi trường rừng do ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quyết định theo các quy định hiện hành của pháp luật.

3. Liên doanh, liên kết và các hình thức đầu tư phát triển du lịch sinh thái khác

Các hình thức thu hút vốn đầu tư để phát triển du lịch sinh thái khác như liên doanh, liên kết do Ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quyết định trên cơ sở đề án, dự án phát triển du lịch sinh thái đã được thẩm định, phê duyệt.

Điều 7. Các quy định khác về du lịch sinh thái

1. Giáo dục bảo tồn kết hợp với du lịch sinh thái

a) Ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phải lập kế hoạch lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục bảo tồn cho du khách, cộng đồng dân cư ở địa phương trong các hoạt động du lịch sinh thái. Giáo dục bảo tồn được đưa vào chương trình hoạt động hàng năm của Ban quản lý.

b) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch sinh thái có trách nhiệm thực hiện công tác giáo dục bảo tồn, nâng cao nhận thức cho du khách.

2. Vé tham quan và các loại phí dịch vụ khác

a) Mức thu phí tham quan, du lịch tuân theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

b) Mức thu tiền dịch vụ tham quan, du lịch thực hiện theo hợp đồng, thoả thuận giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch với du khách.

c) Tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái khi công bố giá vé tham quan du lịch, dịch vụ phải có sự thống nhất của ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

3. Cộng đồng dân cư ở địa phương và các hoạt động du lịch sinh thái

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch sinh thái phải ưu tiên cộng đồng dân cư ở địa phương tham gia vào hoạt động này, tạo công ăn, việc làm, từng bước nâng cao đời sống người dân địa phương.

b) Cộng đồng dân cư ở địa phương có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường để tạo sự hấp dẫn du lịch.

c) Cộng đồng dân cư ở địa phương được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hoá, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống; sản xuất hàng hoá của địa phương phục vụ khách du lịch sinh thái, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

4) Quản lý nguồn rác thải từ các hoạt động du lịch

a) Tại các khu nhà nghỉ, văn phòng làm việc trong các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cần bố trí hệ thống thu gom, xử lý nước thải, không để nước thải trực tiếp đổ vào hệ thống sông, suối trong rừng; nước thải từ các cơ sở kinh doanh du lịch phải được xử lý đạt tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước.

b) Các chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phải được thu gom, xử lý tại nơi quy định; đối với các chất thải vô cơ, độc hại, khó phân huỷ phải đưa ra ngoài Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để xử lý.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động du lịch sinh thái

Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch sinh thái có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; về bảo vệ môi trường; về du lịch; về di sản, ngoài ra phải phải thực hiện các quy đinh sau:

1. Trách nhiệm của Ban quản lý các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên:

a) Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đối với diện tích cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái.

b) Trên cơ sở đánh giá các tác động tiêu cực về vật lý, sinh thái, cảnh quan và xã hội của các hoạt động du lịch sinh thái lên vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, quy định cụ thể lượng khách tối đa có thể đến thăm, ở lại trong rừng (sức chứa của môi trường) trong một ngày/một địa điểm.

c) Xây dựng nội quy, quy định quản lý du khách, trong đó nêu những điều du khách không được làm khi tham gia du lịch sinh thái.

2. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch sinh thái:

a) Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trên lâm phần kinh doanh du lịch sinh thái, phổ biến các quy định của nhà nước, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho du khách.

b) Tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, chịu sự giám sát và chấp hành nội quy của của Ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

c) Xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch sinh thái tuân theo quy định tại Điều 10 của Quy chế này.

d) Không nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép; việc trồng cây trong lâm phần được thuê làm du lịch phải được sự đồng ý của Ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

e) Có trách nhiệm tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư ở địa phương tham gia các dịch vụ du lịch, ưu tiên tuyển dụng người dân địa phương vào làm việc.

3. Trách nhiệm của du khách đến tham quan

a) Tham quan tại những khu vực được phép theo chỉ dẫn của Ban quản lý rừng.

b) Không đến quá gần động vật hoang dã; Không săn bắt, thu hái mẫu vật thực vật rừng, động vật hoang dã và khái thác đất đá, khoáng sản trong Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

c) Nghiêm cấm các hoạt động mua bán các sản phẩn thực vật rừng, động vật hoang dã trái phép.

d) Chấp hành các nội quy, quy chế của Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Điều 9. Thẩm quyền phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái của các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên do Bộ quản lý.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái của các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên do địa phương quản lý trên cơ sở có ý kiến tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến góp ý bằng văn bản về đề án du lịch sinh thái để Ủy ban nhân dân tỉnh tham khảo, phê duyệt.

Chương 3:

PHÁT TRIỂN VÀ KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH SINH THÁI

Điều 10. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên do tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng hay Ban quản lý khu rừng ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg phải tuân theo các nguyên tắc sau:

1. Phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trước khi tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái.

2. Không làm ảnh hưởng đến diễn thế sinh thái tự nhiên, không làm thay đổi sinh cảnh thực vật rừng, động vật hoang dã, dòng chảy sông suối, cảnh quan thiên nhiên trong khu vực.

3. Hạn chế khai thác nguyên vật liệu tại chỗ (ngoài diện tích được tác động để xây dựng) tại Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng, tránh làm lở đất, chặt cây trong khu vực được quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ du lịch.

4. Việc xây dựng nhà nghỉ phục vụ du lịch chỉ được thực hiện trong phân khu dịch vụ hành chính, phân khu phục hồi sinh thái theo đề án đã được phê duyệt. Kiến trúc nhà nghỉ du lịch sinh thái theo truyền thống của địa phương, chiều cao tối đa cho xây dựng nhà nghỉ không quá 12m.

5. Các khu cắm trại được lập tại phân khu dịch vụ hành chính và một số điểm quy định tại phân khu phục hồi sinh thái; các khu cắm trại được lựa chọn theo điều kiện tự nhiên, giảm thiểu việc chặt cây, san ủi.

6. Việc sử dụng đất để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ các hình thức du lịch phải tuân theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Điều 11. Đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên

1. Các tổ chức, cá nhân được khuyến khích đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái thông qua các hình thức liên doanh, liên kết, thuê môi trường rừng. Các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện phát triển du lịch sinh thái theo kế hoạch, chương trình, đề án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Ban quản lý Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có trách nhiệm xây dựng, đề xuất các chương trình, dự án phát triển du lịch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chương 4

GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ

Điều 12. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giám sát và đánh giá tình hình quản lý du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong phạm vi địa phương quản lý.

Điều 13. Cục Kiểm lâm có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi cả nước.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 104/2007/QĐ-BNN về quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 104/2007/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hứa Đức Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 7 đến số 8
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản