Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2015/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 09 tháng 09 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ CẢNG CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Căn cứ Thông tư số 52/2013/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Tờ trình số 2343/TTr-SNN ngày 24 tháng 8 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý cảng cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai đến các cơ quan và địa phương có liên quan để thực hiện, sử dụng cảng cá hiệu quả; phối hợp với các cơ quan thông tin hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có tham gia sử dụng, hoạt động trong cảng đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Ban Quản lý cảng cá và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TTTU, Đoàn ĐBQH, TT.HĐND;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra);
- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh;
- Website tỉnh;
- Báo Đồng Khởi, Đài PTTH;
- Ban Tiếp công dân (niêm yết);
- TT.TTĐT, NCTH, KTN,
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CẢNG CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/2015/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý, tổ chức khai thác cảng cá; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đối với hoạt động của cảng cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và sử dụng cảng cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cảng cá là cảng chuyên dùng cho tàu thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa và tiếp nhận các dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm vùng đất cảng và vùng nước đậu tàu.

2. Vùng đất cảng là khu vực đất dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho cảng cá.

3. Cơ sở hạ tầng cảng cá là các công trình, hạng mục công trình trong khu vực cảng cá bao gồm: Vùng nước quay trở, neo đậu tàu, cầu cảng, bờ kè, đường bãi nội bộ, trụ sở làm việc, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, thiết bị báo hiệu, thiết bị đèn chiếu sáng, mặt bằng cho thuê để làm cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình kiến trúc khác.

4. Vùng nước đậu tàu là vùng nước được cơ quan có thẩm quyền giao cho cơ quan quản lý cảng cá quản lý bao gồm vùng nước trước cầu cảng, vùng nước quay trở, vùng neo đậu, luồng ra vào cảng.

5. Tàu thuyền: Bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu dịch vụ hậu cần và các cấu trúc nổi khác hoạt động trong vùng nước cảng cá.

6. Thuyền trưởng là người chỉ huy trên các loại tàu cá, theo quy định của pháp luật phải có bằng thuyền trưởng.

7. Người lái tàu là người trực tiếp điều khiển tàu cá, không yêu cầu phải có bằng thuyền trưởng đối với những loại tàu không quy định bắt buộc phải có bằng thuyền trưởng.

8. Phương tiện vận chuyển đường bộ: Bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe thô sơ và các loại phương tiện đường bộ khác ra vào cảng cá.

9. Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

10. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.

11. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật.

12. Ban Quản lý cảng cá là đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động cảng cá.

Điều 4. Ban Quản lý cảng cá

1. Ban Quản lý cảng cá là đơn vị sự nghiệp công lập, chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các mặt công tác. Hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập) và đồng thời chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Quản lý và tổ chức khai thác có hiệu quả hệ thống các công trình thuộc cảng cá trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực cảng cá khác do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định giao.

3. Ban Quản lý cảng cá có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của Pháp luật.

Điều 5. Những hành vi bị cấm trong cảng cá

1. Xả chất thải, chất thải nguy hại không đúng nơi quy định.

2. Vận chuyển hàng quốc cấm, hàng có khả năng gây ô nhiễm, độc hại, chất nổ, hàng lậu, hàng giả vào cảng cá.

3. Các hành vi gây mất an ninh trật tự, an toàn về tính mạng và tài sản trong khu vực cảng cá.

4. Cản trở hoặc gây khó khăn cho người thi hành nhiệm vụ.

5. Phá hủy, tháo gỡ gây hư hại các công trình, trang thiết bị của cảng cá.

6. Điều khiển tàu thuyền và phương tiện khác sai quy định gây ảnh hưởng đến công trình cảng cá.

7. Phân loại, sơ chế biến nguyên liệu thủy sản trên cầu cảng, vỉa hè, đường bãi nội bộ và những nơi công cộng khác.

8. Bán hàng rong, kinh doanh hàng ăn uống ngoài khu vực quy định của cảng.

9. Lưu hành các loại xe không đủ điều kiện tham gia giao thông.

10. Neo, đậu tàu thuyền và các phương tiện khác không đúng nơi quy định.

11. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 6. Quy định đối với tàu cá Việt Nam vào và rời cảng cá

1. Trước khi vào cảng cá, thuyền trưởng hoặc người lái tàu phải thông báo trước ít nhất 01 giờ cho Ban Quản lý cảng cá về số đăng ký của tàu, cỡ loại tàu, các yêu cầu về dịch vụ và yêu cầu khác (nếu có).

2. Khi vào cảng cá, thuyền trưởng hoặc người lái tàu cá phải tuân thủ sự điều động tàu của Ban Quản lý cảng cá và nội quy của cảng cá.

3. Khi rời cảng, thuyền trưởng hoặc người lái tàu cá phải thông báo cho Ban Quản lý cảng cá biết trước khi rời cảng.

Điều 7. Quy định đối với tàu cá nước ngoài vào và rời cảng cá

1. Tàu cá nước ngoài chỉ được vào các cảng cá đã quy định trong giấy phép hoạt động thủy sản.

2. Trước khi vào cảng cá, thuyền trưởng tàu cá phải thông báo bằng vô tuyến điện (hoặc các loại phương tiện thông tin khác) trước ít nhất 24 giờ cho Ban Quản lý cảng cá về tên tàu, số đăng ký tàu, cỡ loại tàu, các yêu cầu về dịch vụ và yêu cầu khác (nếu có).

3. Khi vào cảng, thuyền trưởng tàu cá phải tuân thủ sự điều động tàu của Ban Quản lý cảng cá, nội quy của cảng cá; khai báo số lượng và chủng loại thủy sản có trên tàu và xuất trình các giấy tờ sau:

- Số danh bạ thuyền viên và hộ chiếu của người đi trên tàu;

- Giấy phép hoạt động thủy sản;

- Nhật ký khai thác hoặc báo cáo hoạt động của tàu cá theo quy định.

4. Thuyền trưởng và người trên tàu cá phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam về xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch và các quy định khác có liên quan.

5. Trước khi rời cảng cá, thuyền trưởng tàu cá phải thông báo về thời gian rời cảng cho Ban Quản lý cảng cá biết trước ít nhất 24 giờ.

6. Đối với tàu vào cảng cá trong trường hợp bất khả kháng, thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu ngay khi cập cảng phải thông báo với Ban Quản lý cảng cá về tình trạng của tàu và người trên tàu; chứng minh về tình trạng bất khả kháng của tàu; nêu rõ các yêu cầu cần giúp đỡ. Sau đó thực hiện các yêu cầu tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều này.

7. Đối với các cảng cá nằm trong khu vực biên giới biển, người và tàu thuyền nước ngoài cập cảng phải chấp hành các quy định tại Điều 13, Điều 15, Điều 16, Điều 17 Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển.

Chương II

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA BAN QUẢN LÝ CẢNG CÁ

Điều 8. Trách nhiệm của Ban Quản lý cảng cá

1. Ban hành và thông báo công khai nội quy của cảng cá.

2. Xây dựng kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện việc duy trì điều kiện an toàn công trình cảng cá, đảm bảo phù hợp với nội dung công bố mở cảng cá.

3. Tổ chức lực lượng nhân viên của cảng đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ trong khu vực cảng cá; thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thời tiết trên hệ thống truyền thanh của cảng; chủ động khắc phục, giải quyết tại chỗ hậu quả tai nạn, ô nhiễm môi trường; xác nhận nguồn gốc, xuất xứ thủy sản khai thác cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

4. Thực hiện chế độ, nội dung báo cáo theo quy định cho cơ quan có thẩm quyền.

5. Phối hợp với cơ quan đảm bảo an toàn hàng hải thông báo tình hình luồng lạch, phao tiêu báo hiệu, tình hình an toàn cầu, bến cho các tàu cá ra vào cảng cá. Phối hợp với thanh tra chuyên ngành trong quản lý cảng và phối hợp với các cơ quan của Nhà nước khi có yêu cầu.

6. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới:

a) Tổ chức trực ban và treo tín hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới theo quy định.

b) Thông báo diễn biến thời tiết qua hệ thống truyền thanh của cảng cho mọi người biết để chủ động phòng tránh.

c) Thông báo danh sách tàu cá và số người trên tàu đang neo đậu tại vùng nước cảng cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

7. Chấp hành sự thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý của các cơ quan có thẩm quyền về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong khu vực cảng cá và các lĩnh vực khác có liên quan.

8. Trường hợp tàu nước ngoài cập cảng, Ban Quản lý cảng cá phải thông báo ngay cho Đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân xã để phối hợp quản lý.

Điều 9. Quyền hạn của Ban Quản lý cảng cá

1. Cho các tổ chức, cá nhân thuê cơ sở hạ tầng để sản xuất kinh doanh, dịch vụ nghề cá tại vùng đất cảng, theo quy định của pháp luật.

2. Không cho vào cảng hoặc bắt buộc rời khỏi cảng đối với người và tàu cá không tuân thủ nội quy của cảng cá.

3. Không cho thuê hoặc bắt buộc rời khỏi vùng đất cảng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ tại vùng đất cảng không tuân thủ nội quy của cảng cá hoặc hợp đồng đã ký kết.

4. Thu phí các hoạt động dịch vụ tại cảng theo quy định của pháp luật.

5. Xử lý hoặc đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương giải quyết các vụ việc để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ trong khu vực cảng cá.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CẢNG CÁ

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại cảng cá

1. Bảo quản tài sản, thực hiện các nghĩa vụ

a) Bảo vệ và sử dụng an toàn các cơ sở hạ tầng của cảng cá.

b) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ thuế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn giao thông và các lĩnh vực khác có liên quan, đồng thời phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan chức năng về các lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.

c) Tự bảo quản tài sản, hàng hóa của mình trong quá trình hoạt động tại cảng cá.

d) Nộp các khoản phí và tiền dịch vụ theo quy định.

2. Giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

a) Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các cảng cá phải có trách nhiệm thu gom toàn bộ chất thải phát sinh từ cơ sở của mình về hệ thống thu gom, xử lý chất thải tập trung của cảng cá và thanh toán tiền xử lý nước thải cho Ban Quản lý cảng cá.

b) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận; phải thực hiện đúng và đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.

c) Trang bị các dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác vệ sinh môi trường và phải thường xuyên làm vệ sinh nơi thu gom; chất thải phải có dụng cụ chứa và đồ đúng nơi quy định.

d) Thủy sản phải được bảo quản, lưu giữ trong các dụng cụ chuyên dùng, không để nước rò rỉ ra môi trường; chỉ được phép tập trung thủy sản tại khu vực đã được Ban Quản lý cảng cá cho phép.

đ) Phải có đủ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định.

e) Đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ các điều kiện quy định về kinh doanh xăng dầu.

Điều 11. Trách nhiệm của thuyền trưởng, thuyền viên, người lái tàu tại cảng cá

1. Neo đậu tàu thuyền

a) Tuân thủ sự điều động, sắp xếp của Ban Quản lý cảng cá và chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, giao thông thủy nội địa, phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão và các lĩnh vực có liên quan khác.

b) Chấp hành Quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền.

c) Khi tàu thuyền đã neo đậu an toàn tại vị trí đã được chỉ định, máy chính của tàu phải được duy trì ở trạng thái sẵn sàng hoạt động khi cần thiết; phải được chiếu sáng vào ban đêm khi tầm nhìn bị hạn chế và duy trì đủ các báo hiệu, dấu hiệu cảnh báo theo quy định.

d) Khi tàu thuyền bị sự cố (trôi dạt, chìm đắm, mắc cạn, tai nạn...) thuyền trưởng phải tiến hành ngay các biện pháp khắc phục thích hợp và thông báo ngay cho Ban Quản lý cảng cá và các lực lượng chức năng.

đ) Trong quá trình neo đậu phải bố trí đủ người có chuyên môn và thiết bị hỗ trợ phù hợp để sẵn sàng điều động tàu thuyền khi cần thiết.

e) Bảo vệ và sử dụng an toàn các kết cấu hạ tầng của cảng cá.

g) Khi phát hiện sự cố tai nạn trong khu vực, có trách nhiệm tìm mọi cách đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tổ chức ngay việc tìm kiếm, cứu nạn theo quy định, đồng thời thông báo cho Ban Quản lý cảng cá phối hợp.

h) Tự bảo quản tài sản của mình trong quá trình hoạt động tại cảng cá.

k) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan chức năng về các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông, các quy định về quản lý cảng cá, luồng hàng hải, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan khác.

l) Nộp các khoản phí và tiền dịch vụ theo quy định.

2. Đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội

a) Chấp hành đúng các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

b) Những người không phải là thuyền viên nếu ở lại trên tàu thuyền phải khai báo với Ban Quản lý Cảng cá và cơ quan chức năng theo quy định.

c) Có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời khi có hành vi gây mất an ninh trật tự.

3. Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ

a) Chấp hành đúng các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ.

b) Thuyền trưởng chịu trách nhiệm về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ đối với tàu thuyền của mình.

c) Trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ (bình chữa cháy, bơm nước, vòi phun nước....) phải được đặt đúng nơi quy định và luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

d) Có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý Cảng cá trong việc phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố tai nạn lao động, cháy nổ xảy ra.

4. Thu gom chất thải từ tàu thuyền

Tất cà tàu thuyền hoạt động trong khu vực cảng cá phải tự trang bị dụng cụ chứa chất thải, chất thải nguy hại và phải được thu gom, xử lý theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện vận chuyển đường bộ tại cảng cá

1. Vận chuyển đường bộ trong cảng cá

a) Chấp hành đúng Luật giao thông đường bộ và sự hướng dẫn, sắp xếp của Ban Quản lý cảng cá.

b) Khi đã đậu đỗ đúng vị trí quy định, phương tiện phải luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động và có người điều khiển khi cần thiết.

c) Bảo vệ và sử dụng an toàn các kết cấu hạ tầng của cảng cá.

d) Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong khu vực cảng cá, đồng thời phải chấp hành sự kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan chức năng về các lĩnh vực này.

đ) Tự bảo quản tài sản của mình trong quá trình hoạt động tại cảng cá.

e) Nộp các khoản phí và tiền dịch vụ theo quy định.

2. Giữ gìn vệ sinh môi trường

a) Thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Chất thải phải xả, đổ đúng nơi quy định.

c) Trong thời gian đậu đỗ, bốc dỡ thủy sản phải có biện pháp thu gom nước thải, xả nước thải đúng nơi quy định; quá trình vận chuyển phải sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng, đảm bảo không rò rỉ, phát tán mùi hôi ra môi trường xung quanh và phải khóa van xả không để nước thải rơi vãi trên đường đi, gây ô nhiễm môi trường.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG VIỆC PHỐI HỢP CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ CẢNG CÁ

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước đối với cảng cá trên địa bàn tỉnh.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công bố đóng, mở cảng cá, theo quy định hiện hành.

3. Tuyên truyền, phổ biến Quy chế này và các văn bản pháp luật có liên quan cho các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác và sử dụng cảng cá.

4. Chỉ đạo Ban Quản lý cảng cá xây dựng kế hoạch bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các hạng mục công trình được nhà nước đầu tư và giao trách nhiệm quản lý; xây dựng nội quy cảng cá và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan biết để thực hiện.

5. Định kỳ tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao; phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn về pháp luật, nâng cao kỹ năng quản lý cho cán bộ, nhân viên quản lý cảng cá trong toàn tỉnh.

6. Hàng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện Quy chế này.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

Chỉ đạo Đồn Biên phòng nơi cảng cá trú đóng:

1. Phối hợp với Ban Quản lý cảng cá tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện tốt Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biên.

3. Hỗ trợ, phối hợp với Ban Quản lý cảng cá không cho vào cảng cá hoặc bắt buộc rời cảng đối với người và tàu thuyền không tuân thủ nội quy của cảng cá. Người, tàu thuyền khi ra, vào hoạt động trong khu vực biên giới biển phải xuất trình những giấy tờ có liên quan trực tiếp đến tàu đó đối với Trạm kiểm soát Biên phòng và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Bộ đội Biên phòng khi ra, vào neo đậu tại các cảng cá.

4. Khi có bão, ấp thấp nhiệt đới hoặc thiên tai khác xảy ra, phối hợp với Ban Quản lý cảng cá điều động, di dời tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện có cảng cá

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã và các đơn vị chức năng có liên quan:

1. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện tàu thuyền sinh sống trên địa bàn, chấp hành các chính sách pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm,... Hỗ trợ Ban Quản lý cảng cá thực hiện tốt Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phối hợp với Ban Quản lý cảng cá thường xuyên tuần tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng cá.

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan

Phối hợp kịp thời và thường xuyên với Ban Quản lý cảng cá để tuyên truyền phổ biến Quy chế, tập huấn, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật trong phạm vi cảng cá về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; hoạt động kinh doanh, dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, phòng chống tệ nạn xã hội, xuất nhập cảnh, các hành vi phá hoại, phòng chống cháy nổ; phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác và sử dụng cảng cá trên địa bàn tỉnh.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cảng cá được khen thưởng theo quy định hiện hành.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng cảng cá và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan vi phạm Quy chế này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 18. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, không phù hợp cần bổ sung, sửa đổi thì các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng cảng cá phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.