Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2097/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 27 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VIỆC LÀM VÀ DẠY NGHỀ TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu Việc làm và Dạy nghề tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015 (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TBXH;
- Bộ KH&ĐT;
- Bộ Tài chính;
- TTr. Tỉnh ủy;
- TTr. HĐND tỉnh;
- CT, Các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Tổng Cục DN; Cục VL - Bộ LĐTBXH;
- CVP, Các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông

 

CHƯƠNG TRÌNH

MỤC TIÊU VIỆC LÀM - DẠY NGHỀ TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2013)

Phần thứ nhất

 

I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN.

Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề việc làm cho người lao động. Tỉnh Hà Giang xác định công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Quán triệt Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010; tỉnh Hà Giang ban hành quyết định số 537/QĐ-UBND ngày 20/02/2006 về phê duyệt chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2006 - 2010. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02/10/2006 về đào tạo nghề, phát triển nghề, giải quyết việc làm trong nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu lao động; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 13/7/2010 về hỗ trợ lãi suất vay vốn đi xuất khẩu lao động tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đối với lao động không thuộc hộ nghèo, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, qua đó tạo điều kiện để các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, từng lĩnh vực cụ thể với mục tiêu chung là xã hội hóa công tác giải quyết việc làm. Tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo GN-VL&135 của tỉnh, đồng thời ban hành các văn bản, chỉ thị về thực hiện chương trình giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Các ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện. Do vậy, trong 7 năm qua việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm được đồng bộ và hiệu quả.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM - DẠY NGHỀ:

1. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về Việc làm - Dạy nghề.

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình việc làm, trong 7 năm qua công tác tuyên truyền luôn được quan tâm. Ngoài các văn bản chỉ đạo chung của tỉnh, công tác thông tin tuyên truyền của các cơ quan chuyên môn triển khai với nhiều hình thức phong phú như: xây dựng các phóng sự chuyên đề, các tin, bài về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề, về các gương điển hình trong việc phát triển sản xuất kinh doanh thu hút và tạo nhiều việc làm cho lao động phát trên phương tiện thông tin đại chúng; thông tin tuyên truyền trực tiếp đến cán bộ cơ sở, đến người dân qua bản tin của các cấp ủy đảng, qua áp phích, tờ rơi....

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề từng bước được đổi mới và bám sát cơ sở, tạo sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Việc tập huấn nâng cao năng lực về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho cán bộ cơ sở được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Qua các hoạt động trên, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của người dân về công tác giải quyết việc làm, về xuất khẩu lao động và đào tạo nghề có sự chuyển biến, góp phần vào kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình đề ra.

2. Kết quả thực hiện các mục tiêu.

a) Giải quyết việc làm mới: Giai đoạn (2006 - 2010), thông qua thực hiện các chương trình dự án toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 68.320 người, tăng 13,86% (68.320/60.000 LĐ) so với mục tiêu chương trình đề ra và tăng 5% (68.320/65.300 LĐ) so với chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm, trong đó: 2.648 người đi xuất khẩu lao động và 5.825 người đi làm việc ở các khu công nghiệp ngoại tỉnh.

Hai năm 2011, 2012 giải quyết việc làm mới cho 31.027 lao động đạt 101,7% kế hoạch đề ra, trong đó đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động được 3.998 người.

b) Vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm: Trong 5 năm (2006 - 2010), toàn tỉnh giải quyết cho 2.677 dự án vay vốn quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền 75.199 triệu đồng tăng 15,3% (75.199/65.299 trđ) so với mục tiêu chương trình đề ra và tăng 7,4% (75.199/70.000 trđ) so với chỉ tiêu giao hàng năm (trong đó nguồn vốn trích từ ngân sách địa phương là 3.000 triệu), hỗ trợ giải quyết việc làm mới cho 13.983 lao động và tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động.

Hai năm 2011, 2012 cho vay 1.400 dự án với số doanh số cho vay 43 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.930 lao động.

c) Dạy nghề: Tổ chức dạy nghề cho 57.792 lao động, tăng 70% (57.792/34.000 Lao động) so với mục tiêu kế hoạch giao; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 đạt 30,5% (mục tiêu là 25%), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 24,5% (năm 2006 là 10,8%). Đến năm 2010 toàn tỉnh có 15 cơ sở đào tạo nghề, 11/11 huyện, thành phố có cơ sở dạy nghề; chất lượng dạy nghề từng bước được nâng lên.

Hai năm 2011, 2012 tổ chức dạy nghề cho 35.519 lao động, trong đó: Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề: 2.577 người, dự báo số người có việc làm sau đào tạo là 1.560 người, trong đó nam 1.200 người, nữ 360 người; lĩnh vực đang đào tạo tỷ lệ có việc làm cao như: nghề May, Hàn, Công nghệ thông tin, Quản trị cơ sở dữ liệu, Thú y,... tỷ lệ tìm được việc làm trong khu vực nhà nước khoảng 11,4%, khu vực tư nhân và tự tạo việc làm 88,6%. Sơ cấp nghề và dạy thường xuyên 32.942 người, trong đó tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Toàn tỉnh có 16 cơ sở dạy nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30% vào năm 2012.

d) Chuyển dịch cơ cấu lao động: Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ lao động trong khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm, đến năm 2010 đạt 75,51% (mục tiêu là 76,3%) và đến năm 2012 là: 68,4%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng tăng, đến năm 2010 đạt 7,56% (mục tiêu là 7,2%) và đến năm 2012 là 11,08%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng, đến năm 2010 đạt 16,93% (mục tiêu là 16,5%) và năm 2012 là 19,73%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn 3,1% năm 2010 (mục tiêu < 4%); tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn tăng lên 85,03% năm 2010 (mục tiêu là 85%).

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1. Đánh giá chung:

Với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của chính người dân, trong 7 năm qua chương trình mục tiêu việc làm đã đạt được những kết quả tích cực; các chủ trương chính sách đã ban hành tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị - trật tự xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển, thể hiện:

Việc thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu về việc làm góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho người lao động và xóa đói giảm nghèo, góp phần vào ổn định chính trị an ninh trên địa bàn, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã tạo cơ hội cho người lao động nói chung và lực lượng thanh niên nói riêng trong tìm kiếm việc làm và tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người lao động về việc làm, giải quyết việc làm, về học nghề, về xuất khẩu lao động đã có bước chuyển biến tích cực. Người lao động ngày càng chủ động tạo và tự tạo việc làm cho bản thân. Các doanh nghiệp, các làng nghề, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ thu hút và tạo việc làm cho lao động.

Công tác dạy nghề, xuất khẩu lao động đã góp phần tích cực trong việc tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

2. Khó khăn và tồn tại:

- Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, người lao động về việc làm, về học nghề và xuất khẩu lao động chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Chính quyền một số cơ sở chưa coi việc thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm là nhiệm vụ chính trị được giao, chưa thật sự vào cuộc, nên hiệu quả của chương trình đạt chưa cao.

- Nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa về học nghề, về giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động còn hạn chế; trình độ văn hóa thấp, kinh tế khó khăn, tâm lý ngại đi xa, sợ không an toàn là những cản trở lớn trong việc thực hiện chương trình mục tiêu về giải quyết việc làm.

- Việc làm vẫn là một vấn đề đang được quan tâm, song còn nhiều hạn chế: Tính ổn định, bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm còn thấp, năng suất lao động còn hạn chế, đặc biệt là đối với thanh niên trong độ tuổi từ 19 - 24. Chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế: thể lực người lao động yếu, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp (30%) cộng với cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật...; với xuất phát điểm từ kinh tế nông nghiệp nông thôn, đa phần người lao động chưa có tác phong công nghiệp, ý thức, kỷ luật lao động chấp hành chưa nghiêm. Bên cạnh đó, trong những năm qua tuy số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nên khả năng thu hút lao động vào làm việc thấp, thiếu ổn định và chưa tham gia nhiều vào hoạt động đào tạo, dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động.

- Nhận thức của một bộ phận người dân và người lao động về học nghề chưa đầy đủ, hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ muốn vào học các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp để đi làm trong các cơ quan nhà nước nên học sinh theo học nghề chưa nhiều. Mặt khác chất lượng dạy nghề còn thấp, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với đòi hỏi của thị trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có việc làm còn thấp ở những ngành phi nông nghiệp... là những hạn chế tác động đến công tác đào tạo nghề.

- Các dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp (chiếm 80%) nên nhìn chung chỉ tăng thời giờ làm việc, chưa tạo thêm nhiều việc làm mới; cơ chế quản lý, điều hành cho vay quỹ quốc gia về việc làm chưa hợp lý; việc thực hiện chế độ báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội với ngành Lao động - TBXH chưa được thường xuyên và đảm bảo.

- Hoạt động xuất khẩu lao động là một hướng đi quan trọng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người lao động nhưng chưa được các huyện, thành phố quan tâm đúng mức. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu cả về ngoại ngữ, tay nghề, ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng....còn hạn chế.

Phần thứ hai

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VIỆC LÀM VÀ DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Trên cơ sở định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 và các chương trình, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và đặc điểm tình hình việc làm - dạy nghề của tỉnh Hà Giang, Chương trình mục tiêu Việc làm và Dạy nghề tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015 định hướng xây dựng theo các mục tiêu, giải pháp cụ thể như sau:

I. DỰ BÁO CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM VÀ DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2013 - 2015.

1. Khó khăn, hạn chế:

- Tỷ lệ lao động thiếu việc làm còn nhiều; Chất lượng lao động còn thấp; Cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm, năng suất lao động còn thấp, việc làm chưa bền vững;

- Sự chuyển biến nhận thức về lao động, việc làm - dạy nghề chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành, nhất là trong việc bố trí kế hoạch và đầu tư, trong việc lồng ghép các chương trình, dự án để tạo mở việc làm... bên cạnh đó còn có một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ về việc làm và học nghề;

- Việc thực hiện chương trình giải quyết việc làm ở một số địa phương còn chậm và lúng túng. Thủ tục cho vay và giải ngân nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm còn một số bất cập, nguồn vốn cho vay ít, hiệu quả thực hiện dự án còn thấp;

- Suy giảm kinh tế toàn cầu và cắt giảm đầu tư công tác động lớn đến vấn đề giải quyết việc làm và thu nhập của người lao động.

2. Dự báo yếu tố làm tăng nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Giai đoạn 2013 - 2015, nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm vẫn là vấn đề bức xúc do các yếu tố sau:

- Lực lượng lao động tăng nhanh mỗi năm khoảng 19.000 người (chưa tính lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, học sinh, sinh viên ra trường,....); cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp đòi hỏi phải đào tạo nghề và giải quyết việc làm;

- Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (nhiều vùng chỉ sản xuất một vụ), người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên thời gian nông nhàn rất lớn, dẫn đến nhu cầu tìm kiếm việc làm để tăng thu nhập rất cao;

- Việc thu hồi đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tạo ra nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất để chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm và ổn định đời sống;

- Nhu cầu sử dụng nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường trong và ngoài tỉnh nhằm tạo cơ hội cho người lao động tự tạo việc làm và tìm kiếm việc làm đòi hỏi phải phải nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo nghề;

- Nhu cầu có việc làm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo là nhu cầu thiết thân của người lao động, đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp cần có chương trình, giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội và khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển.

3. Nội dung cần thực hiện trong công tác giải quyết việc làm - dạy nghề giai đoạn 2013 - 2015.

- Tăng cường đào tạo nghề để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển và đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và hội nhập quốc tế;

- Làm tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề để định hướng giúp người lao động xác định đúng ngành, nghề cần đào tạo, lựa chọn công việc phù hợp để tìm kiếm việc làm. Làm cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động;

- Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhận thức của người lao động về việc làm, học nghề để có giải pháp thích hợp. Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giải quyết việc làm về đào tạo nghề để người dân nhận thức đầy đủ;

- Lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm.

II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hỗ trợ tạo việc làm và phát triển thị trường lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đào tạo nghề cho 15.000 lao động/năm, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 60%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 36% vào năm 2015. Nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo các cơ sở dạy nghề của tỉnh;

- Tạo việc làm mới ổn định cho 15.500 lao động/năm; trong đó, xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh khoảng 2.100 người/năm; mở rộng và phát triển thị trường lao động;

- Chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở khu vực nông thôn gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu lao động đạt: Lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 63,37%; lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 13,46%; lao động trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại chiếm 23,27%;

- Nâng cao năng lực cho cán bộ lao động - việc làm và cán bộ quản lý dạy nghề thông qua tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.

(Chi tiết có biểu kèm)

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

1. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về giải quyết việc làm và dạy nghề:

Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực hiện giải quyết việc làm và dạy nghề; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác giải quyết việc làm - dạy nghề cho cán bộ cơ sở. Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, thị trường lao động và dạy nghề.

Xác định rõ trách nhiệm của Chính quyền, các tổ chức đoàn thể về giải quyết việc làm và dạy nghề. Tổ chức hoạt động tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm - dạy nghề. Tăng cường các hoạt động truyền thống trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết lập kênh thông tin hai chiều về thực hiện chương trình mục tiêu Việc làm và Dạy nghề từ cơ sở đến cấp tỉnh và ngược lại.

2. Cải thiện và nâng cao chất lượng dạy nghề, chất Iượng nguồn nhân lực: Trang bị cơ sở vật chất cho các Trường, Trung tâm dạy nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý công tác dạy nghề; đổi mới phương pháp và đa dạng mô hình dạy nghề; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục và các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả và hiệu suất đào tạo; gắn dạy nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

3. Các hoạt động nhằm phát triển và mở rộng thị trường lao động:

- Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm; thực hiện liên danh, liên kết với các doanh nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm các tỉnh để cung ứng lao động.

- Hình thành cơ sở dữ liệu thông tin về cung - cầu lao động của tỉnh.

4. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng xã hội về việc làm, giải quyết việc làm và dạy nghề: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về việc làm, giải quyết việc làm và dạy nghề.

5. Kiểm tra, giám sát, tổng kết nhằm đánh giá hiệu quả của chương trình theo từng dự án: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình; định kỳ thực hiện sơ, tổng kết nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình đề ra.

IV. CÁC DỰ ÁN HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH.

1. Dự án 1: Đổi mới và phát triển dạy nghề:

Tập trung nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu suất đào tạo. Thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong công tác dạy nghề, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm.

2. Dự án 2: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:

Tập trung thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 295/2010/QĐ-TTg ngày 26/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề tạo việc làm giai đoạn 2011 - 2015 nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, khuyến khích các hình thức dạy nghề nhằm tạo cho người lao động có nghề để tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và thu hút lao động xã hội.

3. Dự án 3: Vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm (nguồn vốn cấp mới và vốn thu hồi cho vay); tập trung cho vay đối với các dự án sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã có khả năng thu hút và tạo nhiều việc làm cho người lao động, các hộ bị thu hồi đất, các nghề mới. Cho vay ưu đãi với các nhóm lao động yếu thế và cho vay khởi sự doanh nghiệp đối với lao động là thanh niên; cho vay ủy thác đối với các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vào Quỹ giải quyết việc làm địa phương hàng năm để tạo điều kiện cho người lao động vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm.

4. Dự án 4: Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Tăng cường công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động, nhất là chính sách xuất khẩu lao động đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Tăng cường giáo dục nhận thức cho người lao động, kể cả giáo dục về quyền lợi và nghĩa vụ để tự giác chấp hành sự quản lý của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Phối hợp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc tạo nguồn, giáo dục định hướng và dạy nghề để xuất khẩu lao động. Mở rộng thị trường lao động xuất khẩu, từng bước đưa lao động sang làm việc ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định về việc làm. Triển khai các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài.

5. Dự án: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động:

Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở các tỉnh trong nước. Liên kết với các tỉnh, các Trung tâm Giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc. Hoàn thiện hệ thống thông tin cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh.

6. Dự án: Nâng cao năng lực, truyền thống và giám sát đánh giá thực hiện chương trình:

Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực nghiệp vụ về chương trình mục tiêu Việc làm và Dạy nghề cho cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ làm công tác giải quyết việc làm - dạy nghề.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách và chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về việc làm, giải quyết việc làm và dạy nghề; nhân rộng mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình mục tiêu Việc làm và Dạy nghề.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN.

Kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2013 - 2015 là: 138,7 tỷ

Trong đó: + Nguồn Trung ương: 120,1 tỷ

+ Ngân Sách địa phương: 18,6 tỷ

Cụ thể:

- Kinh phí cho hoạt động dạy nghề: 101 tỷ, gồm

+ Nguồn vốn Trung ương: 90 tỷ; nguồn bổ sung của địa phương: 11 tỷ

+ Kinh phí cho hoạt động giải quyết việc làm: 37,7 tỷ

+ Bổ sung quỹ quốc gia về việc làm: 24 tỷ, trong đó nguồn địa phương: 6 tỷ

+ Kinh phí về nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá: 13,7 tỷ, trong đó: Nguồn Trung ương: 12,1 tỷ; nguồn địa phương: 1,6 tỷ

(Chi tiết có biểu kèm)

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

- Thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 4199/QĐ-UBND ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Quyết định số 844/QĐ-UBND ngày 08/5/2013 của UBND tỉnh Hà Giang về việc ban hành Đề án gắn giáo dục với dạy nghề cho học viên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến 2020, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tập trung đào tạo nghề chuyển dịch cơ cấu lao động cho 40 xã điểm xây dựng nông thôn mới vào năm 2015; thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã.

- Thực hiện tốt công tác xã hội hóa đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Nâng cao khả năng tự tạo việc làm, tự tìm kiếm việc làm của người lao động. Ưu tiên dạy nghề cho các lao động thuộc dân tộc thiểu số, nông thôn, thuộc hộ nghèo, là người tàn tật hoặc hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi đất.

- Mở rộng, nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao.

2. Tập trung đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Đối với Nông lâm nghiệp, thủy sản: Quy hoạch các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, tập trung đầu tư các sản phẩm, cây, con có giá trị; lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, xây dựng nông thôn mới nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đẩy mạnh phổ biến kiến thức kinh doanh, phương thức làm ăn mới cho người lao động; phát triển nông nghiệp sạch, đặc biệt hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường (sản phẩm sạch, an toàn); ưu tiên cho các đối tượng thuộc các huyện nghèo, đối tượng lao động phải chuyển đổi nghề do bị thu hồi đất.

- Đối với lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng: Tiếp tục đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, các chương trình, dự án nhằm phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút lao động vào làm việc. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao và có nhu cầu sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại, khai thác thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn.

- Đối với lĩnh vực dịch vụ: Tập trung phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch để tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chú trọng phát triển ngành dịch vụ du lịch. Quy hoạch, đầu tư phát triển di sản Cao nguyên đá địa chất toàn cầu Đồng Văn, Di sản quốc gia ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì, Bãi đá cổ Xín Mần, các khu du lịch sinh thái, tâm linh... nhằm thu hút và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

3. Phát triển thị trường lao động

- Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm để tăng cường khả năng cung cấp thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước, giúp người lao động tiếp cận với đào tạo nghề gắn với việc làm, làm tăng cơ hội và khả năng cho việc làm, học nghề của người lao động; thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động;

- Duy trì và thiết lập hệ thống thông tin, thống kê thị trường lao động thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho dự báo, hoạch định chính sách về cung cầu lao động, đồng thời kết nối thông tin với các tỉnh bạn tạo sự liên kết trong cung, cầu lao động cho các tỉnh trong nước.

4. Đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở các tỉnh trong nước và nước ngoài.

- Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các điều kiện, tiêu chuẩn khi tham gia thị trường lao động ngoài tỉnh và nước ngoài, nhất là thị trường trong nước; đồng thời giúp gia đình nhận rõ trách nhiệm và thực hiện tốt cam kết với địa phương giáo dục, vận động con em tham gia thực hiện tốt hợp đồng xuất khẩu lao động. Tăng cường các biện pháp chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã trong việc phối hợp với doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc ở trong nước và nước ngoài. Tổ chức nhân rộng mô hình liên kết cấp xã với các đơn vị làm tốt công tác đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh và nước ngoài;

- Triển khai và thực hiện tốt các chính sách về xuất khẩu lao động, nhất là chính sách xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động, đi làm việc ngoài tỉnh theo Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 13/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đi xuất khẩu lao động tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với lao động không thuộc hộ nghèo, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 14/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

5. Thực hiện có hiệu quả nguồn vốn cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm, các nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm:

- Thực hiện có hiệu quả nguồn vốn cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm nhằm tạo điều kiện cho người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhóm lao động yếu thế vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh tự tạo việc làm và thu hút lao động vào làm việc. Thu hồi kịp thời vốn của các dự án hết thời hạn để quay vòng cho các dự án mới; nâng cao mức vay đầu tư cho một chỗ làm việc, khắc phục tình trạng chia bình quân, dàn trải, ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các xã xây dựng nông thôn mới để thu hút lao động tại chỗ vào làm việc;

- Vận động các chủ đầu tư, các doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân thu hút lao động vùng chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, vùng bị thu hồi đất vào làm việc.

6. Tuyên truyền, tăng cường và nâng cao chất lượng, năng lực quản lý nhà nước về lao động việc làm:

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, giúp doanh nghiệp, người lao động nắm bắt kịp thời chính sách pháp luật lao động, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, tác phong trong lao động sản xuất;

- Nâng cao năng lực quản lý lao động, việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động nhằm chuẩn hóa và phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý lao động, kỹ năng điều hành triển khai các chương trình, dự án về việc làm, dạy nghề;

- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm trong lĩnh vực dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động này để hoạt động bất hợp pháp.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Ban chỉ đạo Chương trình.

Để thực hiện Chương trình có hiệu quả, cơ chế hoạt động của chương trình là phối hợp liên ngành thông qua một đầu mối là Ban chỉ đạo để giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo việc thực hiện Chương trình.

Ban chỉ đạo thực hiện Chương trinh cũng là thành viên Ban chỉ đạo Giảm nghèo - Việc làm và Dạy nghề tỉnh, thường trực Ban chỉ đạo là sở Lao động - TBXH Hà Giang; Ban chỉ đạo hoạt động theo quy chế.

2. Phân công nhiệm vụ:

a) Sở Lao động - TB&XH cơ quan thường trực Chương trình tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện chương trình. Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, các ngành, các huyện, thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện chương trình; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chương trình báo cáo UBND tỉnh và Trung ương theo quy định; trực tiếp chủ trì triển khai các nội dung hoạt động các dự án của chương trình.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, hàng năm xây dựng và tham mưu cho tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các huyện, thành phố về giải quyết việc làm và dạy nghề để tổ chức thực hiện.

b) Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Lao động - TBXH cân đối và bố trí kế hoạch ngân sách theo Chương trình.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - TBXH và các ngành có liên quan cân đối, phân bổ nguồn lực và giao chỉ tiêu kế hoạch để tổ chức thực hiện theo quy định.

d) Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn, đôn đốc phòng giao dịch tại các huyện, thành phố thực hiện cho vay các nguồn tín dụng theo quy định hiện hành, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động được vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh nhằm thu hút và tạo việc làm cho người lao động

đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung chương trình mục tiêu Việc làm và Dạy nghề tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015 và tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương mình và chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm và dạy nghề trên địa bàn.

e) Các Sở, ngành, chính quyền các cấp, doanh nghiệp: Xây dựng kế hoạch nhằm lồng ghép và gắn chỉ tiêu giải quyết việc làm với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh để thu hút và tạo việc làm cho người lao động; có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc phát triển tại địa phương, doanh nghiệp và xuất khẩu lao động.

g) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp chủ động phối hợp tham gia các hoạt động thông tin, truyền thông trong việc thực hiện chương trình và trực tiếp phối hợp tham gia các nội dung của chương trình.

Các cơ quan được giao thực hiện, định kỳ 6 tháng, hàng năm thực hiện sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và dạy nghề theo định kỳ hoặc đột xuất về Sở Lao động - TBXH - cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - TBXH./.

 

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, DẠY NGHỀ TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2006 – 2012

(Kèm theo Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2013)

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Mục tiêu giai đoạn 2006 - 2012

Thực hiện giai đoạn 2006 - 2012

Tổng số

Trong đó: Giai đoạn 2006 - 2010

Tổng số

Trong đó: Giai đoạn 2006 - 2010

I

Giải quyết việc làm mới

90.550

60.000

99.347

68.320

 

Trong đó: - Xuất khẩu lao động

3.000

1.800

2.831

2.648

 

- Làm việc ngoài tỉnh

4.500

2.500

9.551

5.825

II

Đào tạo nghề

 

 

 

 

 

 

Trong đó: - Cao đẳng nghề

300

0

564

516

 

- Trung cấp nghề

5900

3.350

5.548

3.105

 

- Dạy nghề thường xuyên

63.189

35.189

87.198

54.257

 

- Tỷ lệ LĐ qua đào tạo

%

 

 

38

31,9

 

- Tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề

%

 

 

30

24,5

 

Tổng số kinh phí thực hiện

Tr.đ

 

 

252.220

146.924

 

Trong đó: nguồn địa phương

Tr.đ

 

 

43.459

30.938

III

Vay vốn quỹ quốc gia về việc làm

 

 

 

 

 

1

- Số dự án cho vay

DA

3.900

2.500

4.077

2.677

2

- Doanh số cho vay

Tr.đ

108.299

65.299

118.199

75.199

3

- Lao động được GQVL

15.300

12.500

16.913

13.983

4

- Tỷ lệ nợ quá hạn

%

< 5

5

4

4

 

Nguồn vốn cấp mới

Tr.đ

24.500

13.500

24.500

13.500

 

Trong đó: Nguồn địa phương cấp

Tr.đ

5.000

2.000

5.000

2.000

IV

Chuyển dịch cơ cấu LĐ

 

 

 

 

 

1

- Nông - lâm - ngư nghiệp

%

72,35

76,3

71,7

75,51

2

- Công nghiệp - xây dựng

%

9,5

7,2

9,9

7,56

3

- Dịch vụ

%

18,15

16,5

18,41

16,93

V

Tuyên truyền, Tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề

 

 

 

 

 

1

- T.truyền, Tư vấn về Việc làm

Lượt LĐ

18.000

12.000

18.200

12.200

2

- T.truyền, Tư vấn về học nghề

Lượt LĐ

15.000

10.000

15.250

8.150

VI

Số cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về VL và DN

Lượt người

1.800

1.200

1.850

1.150

 

Kính phí thực hiện

Tr.đ

600

300

450

150

 

Trong đó: Nguồn địa phương cấp

Tr.đ

-

-

-

-

VII

Phát triển thị trường lao động (Gồm nâng cao năng lực TTGTVL hoạt động mở rộng thị trường)

Tr.đ

2.510

-

2.510

-

 

Trong đó: Nguồn địa phương

Tr.đ

-

-

-

-

 

MỤC TIÊU GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM - DẠY NGHỀ TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013 – 2015

(Kèm theo Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2013)

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Mục tiêu giai đoạn 2013 - 2015

Mục tiêu bình quân hàng năm

I

Giải quyết việc làm mới

46.500

15.500

 

Trong đó:

 

 

 

1

- Xuất khẩu lao động

3.00

100

2

- Làm việc ngoài tỉnh

6.000

2.000

II

Đào tạo nghề

45.000

15.000

 

Trong đó:

 

 

 

1

- Cao đẳng nghề

1.500

500

2

- Trung cấp nghề

3.000

1.000

3

- Dạy nghề thường xuyên

40.500

13.500

4

- Tỷ lệ LĐ qua đào tạo

%

45

2,9

5

- Tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề

%

36

2,3

6

- Tỷ lệ LĐ qua đào tạo có VL

%

60

 

III

Vay vốn quỹ quốc gia về việc làm

 

 

 

1

- Số dự án cho vay

dự án

2.100

700

2

- Số vốn cho vay

Tr.đ

43.000

21.000

3

- Lao động được GQVL

4.200

1.400

4

- Tỷ lệ nợ quá hạn

%

< 5

< 5

IV

Chuyển dịch cơ cấu LĐ đến năm 2015 đạt:

 

 

 

1

- Nông - lâm - ngư nghiệp

%

63,37

2,42

2

- Công nghiệp - xây dựng

%

13,46

1,18

3

- Dịch vụ

%

23,17

1,25

V

Tuyên truyền, Tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề

 

 

 

1

- T.truyền, Tư vấn về Việc làm

Lượt LĐ

18.000

6.000

2

- T.truyền, Tư vấn về học nghề

Lượt LĐ

15.000

5.000

VI

Số cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về việc làm và dạy nghề

Lượt người

1.500

500

…………………

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU VỀ VL VÀ DN TỈNH HÀ GIANG, GIAI ĐOẠN 2013 – 2015

(Kèm theo Quyết định số 2097/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2013)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Dự án hoạt động

Ngân sách TW

Ngân sách ĐP và khác

Tổng cộng

Ghi chú

Vốn ĐT

Vốn SN

Tổng

Vốn ĐT

Vốn SN

Tổng

Vốn ĐT

Vốn SN

Tổng

 

Tổng cộng

33.000

87.100

120.200

7.000

11.600

18.600

40.000

98.700

138.700

 

1

Dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm

18.000

 

18.000

6.000

-

6.000

24.000

 

24.000

Không tính vốn thu hồi tại địa phương

2

Dự án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

 

4.000

4.000

-

-

-

 

4.000

4.000

 

3

Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động (gồm đầu tư nâng cao năng lực cho TT Giới thiệu việc làm và xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động)

5.000

1.000

6.000

1.000

300

1.300

6.000

1.300

7.300

 

4

Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề

-

30.000

30.000

-

1.000

1.000

-

31.000

31.000

 

5

Dự án dạy nghề cho lao động nông thôn

10.000

50.000

60.000

-

10.000

10.000

10.000

60.000

70.000

 

6

Dự án nâng cao năng lực thực hiện CTMT về VL-DN (gồm cả hoạt động truyền thông, giám sát và đánh giá)

-

2.100

2.100

-

300

300

-

2.400

2.400

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2097/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chương trình mục tiêu Việc làm và Dạy nghề tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015

  • Số hiệu: 2097/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/09/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Đàm Văn Bông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản