Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2097/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU TẬP ĐOÀN HÓA CHẤT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015” với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Bảo đảm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (gọi tắt là Tập đoàn) có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hóa chất cơ bản và sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.

II. NỘI DUNG

1. Ngành, nghề kinh doanh:

a) Ngành, nghề kinh doanh chính:

Sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược;

b) Ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính:

Tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất.

Kinh doanh các ngành, nghề khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

2. Vốn điều lệ của Tập đoàn: do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Công Thương và thẩm định của Bộ Tài chính.

3. Phân loại, sắp xếp các đơn vị thành viên hiện có của Tập đoàn giai đoạn 2012 -2015:

a) Các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam:

- Văn phòng và các Ban chức năng, tham mưu;

- Trung tâm Thông tin khoa học kỹ thuật Hóa chất;

- Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Hóa chất.

b) Doanh nghiệp do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Apatit Việt Nam;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào.

c) Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Tập đoàn nắm giữ 65% - đến 75% vốn điều lệ:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên DAP - Vinachem;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hơi kỹ nghệ que hàn;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình.

d) Trước mắt, giữ nguyên tỷ lệ vốn điều lệ nhà nước đang nắm giữ đối với 05 công ty cổ phần:

- Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (69,81% vốn điều lệ);

- Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (65,05% vốn điều lệ);

- Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (65% vốn điều lệ);

- Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (67,06% vốn điều lệ);

- Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì (67,2% vốn điều lệ);

đ) Doanh nghiệp do Tập đoàn nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ (bao gồm cả những đơn vị thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình đã được phê duyệt):

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành Vật tư và Xuất nhập khẩu hóa chất;

- Công ty cổ phần Pin Ắc quy miền Nam;

- Công ty cổ phần Ắc quy Tia sáng;

- Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem;

- Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình;

- Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ;

- Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam;

- Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng;

- Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng;

- Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam;

- Công ty cổ phần Bột giặt NET;

- Công ty cổ phần Bột giặt LIX;

- Công ty cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất.

e) Doanh nghiệp do Tập đoàn nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ:

- Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng;

- Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang;

- Công ty cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú;

- Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội;

- Công ty cổ phần Công nghiệp Hóa chất Tây Ninh;

- Công ty cổ phần Pin Hà Nội;

- Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và sản phẩm dầu mỏ;

- Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ;

- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hóa chất miền Nam;

- Công ty cổ phần Cảng Đạm Ninh Bình.

g) Duy trì đến năm 2015 các đơn vị sự nghiệp:

- Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam;

- Trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất.

4. Thoái hết vốn nhà nước Tập đoàn nắm giữ tại:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn Inoue Việt Nam;

- Công ty Phân bón Việt Nhật;

- Tổng công ty cổ phần Bảo Minh;

- Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

- Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất.

- Công ty cổ phần Sơn chất dẻo;

- Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông;

- Công ty cổ phần Công nghiệp và Hóa chất Vi sinh;

- Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội;

- Công ty cổ phần Hóa chất Vĩnh Thịnh;

- Công ty cổ phần Que hàn điện Việt Đức;

- Công ty TPC VINA.

5. Tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:

a) Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ;

b) Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành;

c) Hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực;

d) Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ;

đ) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh;

e) Tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của Tập đoàn đối với người đại diện vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác;

g) Kiện toàn tổ chức của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp thuộc Tập doàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương:

a) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý những vướng mắc nảy sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền;

b) Chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:

Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành hóa chất Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020;

d) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng quy hoạch và quản lý thống nhất việc khai thác và chế biến quặng apatit trên địa bàn tỉnh Lào Cai, phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai kiểm tra, cấp phép khai thác mỏ apatit trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

3. Bộ Tài chính:

Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn.

4. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Khoản 1 Phần III Điều 1 Quyết định này.

5. Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam:

a) Xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2015 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 550/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2012;

b) Phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Đề án này trong Quý 1 năm 2013;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án về quản lý và khai thác quặng apatit tại tỉnh Lào Cai, báo cáo Bộ Công Thương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I năm 2013 và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;

d) Có lộ trình và phương án cụ thể để hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn; xây dựng phương án thoái vốn đối với từng doanh nghiệp tại Khoản 4 Phần II Điều 1 Quyết định này;

đ) Tập trung thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp theo các nội dung nêu tại Khoản 5 Phần II Điều 1 Quyết định này.

Xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty con, của cán bộ quản lý theo quy định.

e) Định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kết quả thực hiện Đề án này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, TKBT, KTTH, PL, V.IIl;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Văn Ninh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2097/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2097/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản