Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2078/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG BỨC XẠ VÀ ĐỒNG VỊ PHÓNG XẠ TRONG CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 114/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”;
Căn cứ Thông báo số 165/TB-BCN ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc thực hiện Quyết định số 114/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong công nghiệp phải phù hợp với “Kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” và điều kiện triển khai thực tế của Việt Nam phù hợp xu hướng phát triển của thế giới và các nước trong khu vực.

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong công nghiệp của Việt Nam nhằm nâng cao trình độ công nghệ, thiết bị và phát triển nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ và đáp ứng kịp thời tiến độ xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân phù hợp với Chiến lược ứng dụng Năng lượng Nguyên tử vì mục đích hòa bình.

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong công nghiệp phải đảm bảo về an toàn bức xạ.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Phát triển ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân truyền thống phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng như dầu khí, hóa chất, giao thông, xây dựng, thăm dò và khai thác khoáng sản, năng lượng, xử lý chất thải nhằm đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển cơ sở công nghiệp bức xạ bao gồm xây dựng các dây chuyền sử dụng công nghệ bức xạ xử lý vật liệu, sản xuất vật liệu mới, mở rộng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ việc chuẩn đoán, tối ưu hóa quá trình sản xuất và chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn vận hành, duy tu, bảo dưỡng, từng bước tham gia hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ.

b) Mục tiêu cụ thể:

Giai đoạn đến năm 2015:

- Tổ chức xây dựng và ban hành hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn quốc gia và các văn bản hướng dẫn áp dụng trong các ngành công nghiệp ứng dụng kỹ thuật hạt nhân.

- Nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, tiếp thu và phát triển công nghệ chuyển giao nhằm làm chủ, sử dụng thành thạo và phát triển các công nghệ kiểm tra không phá hủy (NDT) nhằm phục vụ các ngành công nghiệp dầu khí, hóa chất, năng lượng, vật liệu, xây dựng, giao thông, thăm dò và khai thác khoáng sản, xử lý chất thải, các công nghiệp chế biến.

- Nâng cao năng lực các cơ sở hiện có đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng việc hình thành mới các Trung tâm chuẩn đoán, tối ưu hóa quá trình sản xuất công nghiệp bằng kỹ thuật hạt nhân tại các vùng công nghiệp trọng điểm.

- Phấn đấu đến năm 2015 có 3 dây chuyền – Cơ sở dùng nguồn phóng xạ và máy gia tốc để sản xuất vật liệu mới, xử lý vật liệu.

Giai đoạn đến năm 2020:

- Phát triển, mở rộng lĩnh vực ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật. Tăng cường tiềm lực, trang thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm cho các cơ sở khoa học công nghệ, tổ chức tư vấn để phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng, nghiên cứu chế tạo, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị hạt nhân.

- Tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ quản lý kỹ thuật, đảm bảo chất lượng trong xây dựng, vận hành, bảo trì bảo dưỡng nhà máy điện nguyên tử.

- Nghiên cứu, đầu tư cơ sở kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm sản xuất trong nước một số máy móc chuyên dụng như Máy phát tia X, Máy phát nơtron, Máy gia tốc điện tử tuyến tính năng lượng vài trăm đến vài nghìn KeV, nguồn Co-60, các thiết bị hạt nhân sử dụng trong các ngành khai thác than, sản xuất vật liệu xi măng, công nghiệp giấy.

- Phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ trong lĩnh vực chế tạo vật liệu mới, vật liệu bán dẫn, vật liệu hấp thu năng lượng mặt trời, xử lý thải khí và thải lỏng bằng máy gia công cho mục đích bảo vệ môi trường.

- Giai đoạn sau năm 2020: Đầu tư xây dựng các tổ hợp sản xuất, thử nghiệm các thiết bị nghiên cứu – sản xuất, thiết bị gia tốc, thiết bị chiếu xạ vật liệu.

3. Các nội dung chủ yếu

a) Công nghệ kiểm tra không phá hủy (NDT):

Giai đoạn đến năm 2015

- Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng (QA-QC) cho các doanh nghiệp và quá trình công nhận phòng thí nghiệm NDT.

- Xây dựng hệ thống đào tạo và cấp chứng chỉ nhân viên NDT cho một số lĩnh vực công nghiệp đặc thù và đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

- Áp dụng công nghệ NDT trong việc đánh giá chất lượng hiện trạng và dự báo rủi ro của các công trình công nghiệp và các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam.

- Nâng cấp, hoàn thiện các Phòng thí nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và xây dựng mới 01 Phòng thí nghiệm chuyên nghiệp về NDT kỹ thuật cao chẩn đoán bệnh học thiết bị, công trình công nghiệp.

- Từng bước tiếp thu có chọn lọc các kỹ thuật NDT hiện đại có tiềm năng ứng dụng thực tế cao. Nghiên cứu và xây dựng tổ hợp các kỹ thuật NDT với các phương pháp NDT cơ, hóa, lý khác kết hợp để đáp ứng tối đa các yêu cầu đa dạng của sự phát triển các ngành công nghiệp. Mở rộng hợp tác, liên doanh, liên kết để triển khai các kết quả nghiên cứu phục vụ các ngành kinh tế – kỹ thuật.

Giai đoạn đến 2020

- Nghiên cứu, ứng dụng đưa các kỹ thuật NDT kiểm tra đường ống của các hệ condenser trong công nghiệp lọc hóa dầu và công nghiệp năng lượng.

- Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong nước, tăng cường trang thiết bị đáp ứng việc kiểm tra và kiểm soát chất lượng trong xây dựng công trình công nghiệp và nhà máy điện hạt nhân.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các kỹ thuật NDT thông dụng, có tính khả thi cao.

b) Kỹ thuật điều khiển tự động (NCS) – Kỹ thuật sử dụng nguồn bức xạ - Kỹ thuật phân tích hạt nhân

Giai đoạn đến năm 2015

- Nghiên cứu, chế tạo thiết bị phân tích nhanh nhiều nguyên tố cho ngành sản xuất xi măng, luyện kim, hóa dầu, khai thác than và phân tích các yếu tố tác động môi trường.

- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số thiết bị đo lường, điều khiển tự động cho các dây chuyền sản xuất công nghiệp.

- Từng bước nội địa hóa thiết bị đo mẫu sử dụng trong các ngành công nghiệp.

- Triển khai các dự án chế tạo các thiết bị (Thiết bị phát tia X, thiết bị phát nơtron, nguồn chiếu xạ Co-60, thiết bị electron năng lượng thấp và trung bình, các thiết bị kỹ thuật hạt nhân cho ngành than, xi măng).

Giai đoạn sau 2020

- Xây dựng các dự án nghiên cứu, triển khai nội địa hóa các thiết bị linax và cyclotron, các thiết bị kỹ thuật hạt nhân cho ngành than, xi măng, giấy.

c) Công nghệ bức xạ

Giai đoạn đến năm 2015

- Củng cố và phát triển bền vững các hoạt động dịch vụ chiếu xạ hiện nay phục vụ các ngành kinh tế - kỹ thuật.

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ đối với vật liệu biến tính, vật liệu polymer kỹ thuật, vật liệu nano kim loại, nano composite dùng trong công nghiệp.

- Nghiên cứu, tiếp cận chuẩn thiết kế máy chiếu xạ nguồn Cobalt-60 công nghiệp.

- Hỗ trợ nghiên cứu triển khai chuyển giao công nghệ bức xạ chế tạo vật liệu mới.

Giai đoạn đến năm 2020

- Chế tạo máy chiếu xạ nguôn Cobalt-60 công nghiệp theo định hướng nội địa hóa.

- Hình thành các cơ sở công nghiệp ứng dụng công nghệ bức xạ xử lý vật liệu.

4. Chính sách và giải pháp

a) Giải pháp về thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế

- Xây dựng và triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chuyên ngành về bức xạ và đồng vị phóng xạ, áp dụng các kết quả nghiên cứu vào quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Tăng cường năng lực về nghiên cứu và phát triển cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ kỹ thuật hạt nhân tiên tiến, phát triển mạnh và đa dạng các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp.

- Đào tạo nâng cao trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu nhân lực để quản lý và thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân.

- Nâng cao năng lực và vai trò của bộ phận cán bộ quản lý công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các doanh nghiệp nhằm từng bước hoàn thiện khả năng làm chủ kỹ thuật hạt nhân trong nước.

- Hình thành thị trường công nghệ ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần thiết cho các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực công nghiệp.

- Tăng cường hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành công nghiệp. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí lực, tài lực, vật lực và thu hút đầu tư nhằm phát triển ứng dụng có hiệu quả công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp ở Việt Nam.

b) Giải pháp về đầu tư trang thiết bị, công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế chuyển giao, ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.

- Hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa thiết bị, máy móc cho hệ thống các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp.

c) Giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý nhà nước

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển, quản lý và ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực công nghiệp.

- Củng cố, tăng cường năng lực cán bộ quản lý nhà nước, thanh tra hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân; tăng cường quản lý kỹ thuật an toàn trong khai thác, sử dụng, bảo quản trang thiết bị bức xạ và đồng vị phóng xạ.

- Thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định về sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp đối với quy trình công nghệ, máy móc, thiết bị, phát minh, sáng chế … về bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp.

d) Kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện đề án được cân đối từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nguồn khác (vốn của doanh nghiệp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế …).

- Kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như: hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ; đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức; hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm; nghiên cứu chế tạo các trang thiết bị thay thế nhập khẩu, các dự án trình diễn … được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua các kế hoạch, chương trình hàng năm của các Bộ, ngành.

- Kinh phí để thực hiện các chương trình/đề án đổi mới, hiện đại hóa công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ cụ thể tại doanh nghiệp được huy động từ nguồn của các doanh nghiệp, nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ của nước ngoài và một phần từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho đầu tư đổi mới công nghệ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

2. Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa các giải pháp, chính sách nêu trong Quyết định này.

3. Các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ, xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án tăng cường năng lực, hiện đại hóa trang thiết bị … phù hợp với nội dung của Đề án.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở Đề án này, nghiên cứu phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành công nghiệp của địa phương, bao gồm cả việc đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện; Tham gia với các Bộ, ngành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án này tại địa phương để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Website Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Các Vụ, Cục, Viện Nghiên cứu CLCSCN thuộc BCT;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2078/QĐ-BCT năm 2009 về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 2078/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/04/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản