THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 114/2007/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2007 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH :
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao chủ trì các đề án nêu trong “Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020”, có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng nội dung, kế hoạch triển khai các đề án đến năm 2020 và có kế hoạch cụ thể từ nay đến năm 2010 và năm 2015;
b) Tổ chức phê duyệt các đề án, dự án theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án sau phê duyệt;
c) Hàng năm có trách nhiệm gửi báo cáo cho Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình thực hiện đề án để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cân đối các nguồn vốn để bố trí ngân sách cho việc xây dựng và tổ chức phê duyệt các Đề án, dự án trong bảng Kế hoạch tổng thể ban hành kèm theo Quyết định này và cho việc tổ chức thực hiện các Đề án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan:
a) Tổ chức triển khai thực hiện
"Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020" ban hành kèm theo Quyết định này;
b) Hàng năm tổng hợp tình hình triển khai các đề án, đề xuất các giải pháp cần thiết để thúc đẩy công việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
c) Tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch tổng thể vào cuối các năm 2010, 2015 và 2020.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Website CP, BĐH 112, Người phát ngôn của TTCP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KG (5b). |
THỦ TƯỚNG
|
TỔNG THỂ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VÌ MỤC ĐÍCH HOÀ BÌNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 114/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)
Kế hoạch tổng thể được xây dựng căn cứ trên quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006, thành hệ thống các đề án, dự án để thực hiện các nhiệm vụ sau:
I. PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG BỨC XẠ VÀ ĐỒNG VỊ PHÓNG XẠ
Đẩy mạnh ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực có đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
1. Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế
Đề án 1: Quy hoạch, đầu tư phát triển mạng lưới các cơ sở y học hạt nhân và xạ trị, tăng cường khả năng sản xuất chế tạo các thiết bị bức xạ hiện đại ứng dụng trong y tế.
Mục tiêu: Phát triển các kỹ thuật hiện đại sử dụng tính ưu việt của bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt đối với các bệnh ung thư và tim mạch.
Nội dung: Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở y học hạt nhân và xạ trị trong cả nước, lập và triển khai kế hoạch xây dựng tại mỗi tỉnh có ít nhất một cơ sở y học hạt nhân và xạ trị; đầu tư phát triển kỹ thuật chụp hình bức xạ cắt lớp đơn quang tử (SPECT) và cắt lớp sử dụng đồng vị phát positron, thiết bị điều trị ung thư bằng kỹ thuật chiếu xạ dùng nguồn phóng xạ và bằng máy gia tốc đến bệnh viện tỉnh để tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị cho các cơ sở này đạt tỷ lệ ít nhất 01 thiết bị chiếu xạ trên 1 triệu dân; tăng cường khả năng sản xuất chế tạo trong nước các thiết bị bức xạ hiện đại ứng dụng trong y tế nhằm thay thế nhập khẩu, tập trung vào máy X-quang và máy gia tốc xạ trị LINAC; phát triển ứng dụng và từng bước sản xuất các thiết bị laser và thiết bị cộng hưởng từ hạt nhân phục vụ ngành y tế; đầu tư thiết bị để từng bước sản xuất các loại đồng vị phóng xạ chu kỳ phân rã ngắn và dược chất phóng xạ trong nước đủ phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
Đề án 2: Xây dựng Trung tâm y học hạt nhân và xạ trị quốc gia.
Mục tiêu: Xây dựng Trung tâm y học hạt nhân và xạ trị quốc gia đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.
Nội dung: Xây dựng Trung tâm quốc gia về y học hạt nhân và xạ trị trên cơ sở Trung tâm máy gia tốc hạt nhân Cyclotron sử dụng trong y tế và các ngành kinh tế - kỹ thuật đặt tại Bệnh viện Trần Hưng Đạo (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) bao gồm đầu tư phát triển các kỹ thuật hiện đại của y học hạt nhân và xạ trị trên cơ sở các thiết bị tiên tiến: PET/CT, cyclone-30, Cyclotron dùng xạ trị với proton 235 MeV, Cyclotron gia tốc proton 70 MeV để điều chế các dược chất phóng xạ cho xạ trị trong và một số thiết bị tiên tiến khác.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản
Đề án 3: Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản.
Mục tiêu: Tạo ra các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, các chế phẩm từ công nghệ bức xạ phục vụ nông nghiệp, các kỹ thuật khống chế côn trùng gây hại trong trồng trọt và chăn nuôi; bảo đảm khả năng bảo quản lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nội dung: Sử dụng đồng vị đánh dấu để nghiên cứu dinh dưỡng cây trồng, thổ nhưỡng và vật nuôi. Sản xuất các chế phẩm phục vụ nông nghiệp bằng công nghệ bức xạ. Xây dựng các cơ sở chiếu xạ gamma liều thấp, liều cao và các phòng thí nghiệm để tạo giống cây trồng, chiếu xạ tiệt sinh côn trùng (SIT) gây hại trong trồng trọt và chăn nuôi theo các khu vực địa lý; xây dựng các cơ sở chiếu xạ công nghiệp để bảo quản lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
3. Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp
Đề án 4: Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp.
Mục tiêu: Sử dụng và phát triển các kỹ thuật hạt nhân truyền thống phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng như dầu khí, hoá chất, giao thông, xây dựng, thăm dò và khai thác khoáng sản, năng lượng, xử lý chất thải.
Nội dung: Đầu tư nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, tiếp thu và phát triển công nghệ chuyển giao nhằm sử dụng thành thạo và phát triển các công nghệ bức xạ, kỹ thuật kiểm tra không phá huỷ, kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ, kỹ thuật sử dụng nguồn phóng xạ kín, kỹ thuật điều khiển tự động bằng bức xạ, kỹ thuật phân tích hạt nhân nhằm phục vụ các ngành công nghiệp dầu khí, than, hoá chất, vật liệu, giao thông, xây dựng, thăm dò và khai thác khoáng sản, năng lượng, xử lý chất thải đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
4. Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Đề án 5: Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Mục tiêu: Sử dụng và phát triển các kỹ thuật hạt nhân truyền thống phục vụ cho công tác điều tra đánh giá, thăm dò, khai thác, quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Nội dung: Phát triển ứng dụng các kỹ thuật đánh dấu đồng vị phóng xạ, kỹ thuật sử dụng nguồn kín, kỹ thuật phân tích hạt nhân, kỹ thuật địa vật lý hạt nhân phục vụ điều tra, đánh giá, thăm dò tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước; đánh giá sa bồi cửa sông, bến cảng, lòng hồ; đánh giá an toàn đê, đập; đánh giá ô nhiễm môi trường (biển, đất, nước, không khí), rà phá bom, mìn.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
1. Quy hoạch dài hạn phát triển các nhà máy điện hạt nhân và thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên
Đề án 6: Quy hoạch dài hạn phát triển các nhà máy điện hạt nhân và thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Mục tiêu: Xác lập chương trình phát triển các nhà máy điện hạt nhân trong chương trình tổng thể phát triển các nguồn điện. Xây dựng và đưa vào vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020.
Nội dung: Lập quy hoạch dài hạn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên cơ sở lựa chọn các công nghệ điện hạt nhân hiện đại đã được thương mại hoá và hướng vào các đối tác có bản quyền công nghệ, có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân với công nghệ tiên tiến nhất; xây dựng báo cáo xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy loại công suất 1.000 MW để trình Quốc hội thông qua chậm nhất trong năm 2009; thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (Đào tạo nhân lực cho dự án; lập báo cáo đầu tư: xong trước năm 2012; xác định đối tác thực hiện và ký kết hợp đồng: xong trước năm 2015; xây dựng nhà máy: hoàn thành vào năm 2020); xây dựng chương trình nội địa hoá sản xuất thanh nhiên liệu từ Urani nhập khẩu làm cơ sở cho việc thực hiện dự án chuyển giao công nghệ chế tạo thanh nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng nghiên cứu ở trong nước bao gồm các hoạt động nghiên cứu thiết kế, phân tích an toàn, công nghệ gốm nhiên liệu, công nghệ vỏ thanh nhiên liệu, chế tạo urani có độ sạch hạt nhân, các sản phẩm Zirconi tinh khiết, thử nghiệm thanh nhiên liệu và hệ thống các phòng thí nghiệm phục vụ cho các hoạt động này; xây dựng kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực các ngành công nghiệp trong nước nhằm tham gia hiệu quả vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Xây dựng hạ tầng cơ sở cần thiết cho Chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn của quốc gia
Mục tiêu: Bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và ứng phó sự cố, tai nạn hạt nhân cùng các điều kiện pháp lý cho việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn của quốc gia.
Nội dung bao gồm các đề án sau:
Đề án 7: Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân.
Mục tiêu: Đáp ứng nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo, kế hoạch quốc gia về phát triển nguồn nhân lực bao gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đề án 8: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về điện hạt nhân.
Mục tiêu: Nắm vững và xác định những tiêu chuẩn cơ bản để lựa chọn công nghệ điện hạt nhân phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân và phát triển các công nghệ có liên quan.
Nội dung: Xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch nghiên cứu và triển khai về điện hạt nhân nhằm đánh giá, đề xuất việc lựa chọn công nghệ điện hạt nhân hiện đại cho việc thực hiện chương trình điện hạt nhân, tiến tới thực hiện việc tiếp thu, làm chủ công nghệ điện hạt nhân được chuyển giao và phát triển các công nghệ liên quan đến điện hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đề án 9: Tăng cường tiềm lực kỹ thuật phục vụ chương trình điện hạt nhân
Mục tiêu: Có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật liên quan để thực hiện an toàn chương trình điện hạt nhân.
Nội dung: Đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ về phân tích, đánh giá và thẩm định an toàn các dự án điện hạt nhân, thanh tra bảo đảm an toàn hạt nhân trong xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
Đề án 10: Quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.
Mục tiêu: Xác định các địa điểm đạt tiêu chuẩn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân.
Nội dung: Thăm dò, khảo sát địa chất công trình, nguồn nước làm mát, đặc điểm về địa lý, môi trường, tự nhiên và xã hội và đánh giá các địa điểm có đủ điều kiện đáp ứng với tiêu chuẩn xây dựng nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đề án 11: Quy hoạch và đầu tư cho các tổng công ty xây dựng lớn về năng lực xây lắp, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật lành nghề.
Mục tiêu: Có năng lực tham gia thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng quy hoạch và kế hoạch đầu tư nâng cao năng lực cho các tổng công ty lớn, đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu tham gia thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
Đề án 12: Bảo đảm ứng phó khẩn cấp các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân.
Mục tiêu: Xây dựng năng lực quốc gia và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng kế hoạch quốc gia ứng phó khẩn cấp các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân. Xây dựng các trung tâm kỹ thuật xử lý các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân trong phạm vi cả nước, đặc biệt chú trọng đối với các khu vực có nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu và các cơ sở chiếu xạ có sử dụng nguồn phóng xạ cường độ lớn. Xây dựng cơ sở chữa bệnh phóng xạ do ảnh hưởng của các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đề án 13: Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Mục tiêu: Bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Nội dung: Xây dựng các biện pháp bảo đảm an ninh, lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt chú trọng đối với các biện pháp bảo đảm an ninh trong lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành và tháo dỡ các cơ sở hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đề án 14: Xây dựng kế hoạch tham gia các điều ước quốc tế có liên quan bảo đảm cơ sở pháp lý quốc tế cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
Mục tiêu: Bảo đảm cơ sở pháp lý quốc tế cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
Nội dung: Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan đến phát triển điện hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Điều tra, đánh giá, thăm dò tài nguyên urani
Đề án 15: Điều tra, đánh giá, thăm dò tài nguyên urani
Mục tiêu: Hoàn thành về cơ bản việc điều tra, đánh giá, thăm dò trữ lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của việc khai thác và chế biến tài nguyên urani làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách quốc gia về khai thác thương mại.
Nội dung: Điều tra để phát hiện các loại hình mỏ quặng urani có giá trị kinh tế; tập trung thăm dò mỏ quặng urani vùng bồn trũng Nông Sơn (Quảng Nam) với mục tiêu 8.000 tấn U3O8 trữ lượng cấp 122; thăm dò các diện tích khác đã được đánh giá để có thêm trữ lượng.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và tổ chức thực hiện.
III. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TIỀM LỰC KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VỀ NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ về năng lượng nguyên tử được thực hiện thông qua đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ hạt nhân, thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo từng giai đoạn 5 năm và các dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.
1. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ hạt nhân
Đề án 16: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và quản lý.
Mục tiêu: Có đủ đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề, phục vụ hiệu quả cho nghiên cứu, đào tạo, phát triển, ứng dụng năng lượng bức xạ, các công nghệ liên quan đến điện hạt nhân và bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng kế hoạch đào tạo, mạng lưới các cơ sở đào tạo đại học và trên đại học, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, đào tạo nghiệp vụ, thực tập chuyên môn, đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ và tổ chức đào tạo theo kế hoạch.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về ứng dụng năng lượng bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân
Đề án 17: Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về ứng dụng năng lượng bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Mục tiêu: Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ về ứng dụng năng lượng bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Nội dung:
- Nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ công nghệ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, công nghệ ứng dụng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; nghiên cứu cơ bản về năng lượng nguyên tử.
- Từng bước sản xuất một số loại thiết bị và sản phẩm ứng dụng bức xạ thay thế nhập khẩu (Các đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ được sản xuất trên lò phản ứng và máy gia tốc; một số vật liệu, chế phẩm mới tạo ra bằng công nghệ bức xạ phục vụ công nghiệp, nông nghiệp; một số thiết bị ghi đo hạt nhân, thiết bị X-quang chẩn đoán, máy gia tốc; một số loại thiết bị laser, thiết bị cộng hưởng từ hạt nhân ứng dụng trong y tế và các lĩnh vực khác).
- Nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ công nghệ xử lý và quản lý chất thải phóng xạ, công nghệ đánh giá và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Xây dựng và phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Đề án 18: Xây dựng và phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Mục tiêu: Xây dựng và phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu - triển khai công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Nội dung: Quy hoạch phát triển dài hạn Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; nâng cấp hệ thống các phòng thí nghiệm hiện có; xây dựng các tổ hợp khoa học - công nghệ - sản xuất với các thiết bị bức xạ hiện đại và các phòng thí nghiệm liên ngành; xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới công suất cao, đa mục tiêu và hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên đề hiện đại; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động thông tin khoa học - công nghệ và thông tin đại chúng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
IV. TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUỐC GIA VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN BỨC XẠ VÀ AN TOÀN HẠT NHÂN
1. Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân
Đề án 19: Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân.
Mục tiêu: Từng bước khắc phục các hạn chế và nâng cao năng lực quốc gia trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và nhiên vật liệu hạt nhân.
Nội dung: Tăng cường khả năng kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp, chiếu xạ y tế, chiếu xạ đối với dân chúng và quản lý chất thải phóng xạ theo tiêu chuẩn quốc tế; bảo đảm kiểm soát nguồn phóng xạ, nguyên, nhiên vật liệu hạt nhân, công nghệ và thiết bị liên quan tới chu trình nhiên liệu hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
2. Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn hạt nhân
Đề án 20: Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn hạt nhân.
Mục tiêu: Từng bước nâng cao năng lực quốc gia trong việc bảo đảm an toàn hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng và hoàn thiện quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ về phân tích, đánh giá và thẩm định an toàn các dự án điện hạt nhân, thanh tra bảo đảm an toàn hạt nhân trong xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện.
V. HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Đề án 21: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Mục tiêu: Hoàn thành cơ bản hành lang pháp lý cho các hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng nguyên tử và về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng, ban hành và trình các cấp có thẩm quyền ban hành: Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng năng lượng nguyên tử và về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân, an ninh các nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân; rà soát và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, phát triển điện hạt nhân và bảo đảm an toàn, kiểm soát bức xạ, hạt nhân; xây dựng cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng cán bộ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và về an toàn kiểm soát bức xạ, hạt nhân
Đề án 22: Kiện toàn quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử.
Mục tiêu: Thiết lập và tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử.
Nội dung: Thành lập cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử bao gồm hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ; thực hiện vai trò đại diện của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và quan hệ với các cơ quan nước ngoài về năng lượng nguyên tử.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Đề án 23: Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân.
Mục tiêu: Hoàn thiện và tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân.
Nội dung: Kiện toàn về cơ sở vật chất (trụ sở, trang thiết bị), năng lực chuyên môn và đội ngũ cán bộ cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Đề án này phải được phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện./.
Quyết định 114/2007/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 114/2007/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/07/2007
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 540 đến số 541
- Ngày hiệu lực: 22/08/2007
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực