Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2068/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 15 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÂN VÙNG SỬ DỤNG TỔNG HỢP ĐỚI BỜ TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

Căn cứ Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/10/2007 phê duyệt Chương trình “Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1612/TTr-STNMT.NBHĐ ngày 08/5/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành thị có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY ban nhân dân
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

KẾ HOẠCH

PHÂN VÙNG SỬ DỤNG TỔNG HỢP ĐỚI BỜ TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2068/QĐ-UBND ngày 15/5/2014 của UBND tỉnh Nghệ An)

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Nhằm từng bước giảm thiểu, giải quyết các mâu thuẩn sử dụng tại đới bờ; điều chỉnh, hỗ trợ hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên, môi trường; đáp ứng phát triển bền vững đới bờ Nghệ An.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng sơ đồ phân vùng và các quy định sử dụng đối với đới bờ tỉnh Nghệ An;

- Đề xuất các hoạt động ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến 2020 để từng bước triển khai Kế hoạch phân vùng;

- Cung cấp cơ sở khoa học để nghiên cứu, tham khảo trong công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch nhằm giảm thiểu các mâu thuẩn trong khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên và môi trường đới bờ của tỉnh;

- Góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, ven biển và hải đảo của tỉnh Nghệ An.

II. Phạm vi Kế hoạch phân vùng

Phạm vi không gian vùng lập Kế hoạch được lấy theo phạm vi đới bờ đã xác định trong khuôn khổ Dự án Quản lý tổng hợp đói bờ tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 – 2015.

Về phía biển: gồm vùng biển ven bờ có ranh giới ngoài cách bờ 6 hải lý và được mở rộng để bao gồm các đảo Hòn Ngư, Hòn Mắt.

Về phía đất liền: Gồm các huyện, thành, thị ven biển của tỉnh: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò và thành phố Vinh.

III. Nội dung phân vùng sử dụng đới bờ tỉnh Nghệ An

Phân vùng sử dụng đới bờ tỉnh Nghệ An được chia thành các loại vùng khác nhau theo 4 nhóm: Nhóm vùng bảo tồn; Nhóm vùng phục hồi, bảo vệ; Nhóm vùng đệm và Nhóm vùng phát triển. Cụ thể như sau:

1. Vùng bảo tồn

Vùng được lựa chọn để bảo tồn là khu vực Đảo Mắt, với diện tích gần 3 km2, cao 218 m, biển sâu 24 m, bao gồm hai hòn lớn và hòn nhỏ nối với nhau.

a) Hoạt động được phép:

- Trồng rừng;

- Thả các loài động vật hoang dã;

- Xây dựng công trình an ninh, quốc phòng;

- Hoạt động cải tạo hoặc nâng cấp vùng bảo tồn.

b) Hoạt động không được phép:

- Đánh bắt thủy sản thương mại:

- Săn bắt động vật;

- Khai thác cây ngập mặn và các sinh vật thủy sinh khác;

- Xây dựng các công trình sản xuất;

- Đổ chất thải và các hóa chất độc hại;

- Các hoạt động khác, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và môi trường thủy sinh.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Đánh bắt thủy sản phục vụ nhu cầu sinh hoạt;

- Giao thông thủy (tàu, thuyền qua lại không gây ồn, xáo trộn và ô nhiễm nước);

- Hoạt động tham quan, du lịch sinh thái (có kiểm soát);

- Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và các khu dân sinh;

- Hoạt động nghiên cứu khoa học/môi trường, điều tra, khảo sát phục vụ công tác bảo tồn.

2. Nhóm vùng phục hồi, bảo vệ: Vùng cần phục hồi và bảo vệ là các vùng rừng ngập mặn tại các huyện, thành phố, thị xã ven biển bao gồm: Lạch Cờn; Lạch Quèn, Lạch Vạn, Cửa Lò và ven Sông Lam.

a) Hoạt động được phép:

- Trồng cây ngập mặn;

- Thả các loài sinh vật đặc hữu;

- Nghiên cứu khoa học/môi trường, điều tra, khảo sát.

b) Hoạt động không được phép:

- Đánh bắt thủy sản;

- Săn bắt động vật trong rừng ngập mặn;

- Khai thác cây ngập mặn và các sinh vật thủy sinh khác;

- Xây dựng các công trình sản xuất;

- Xây dựng các khu dân sinh;

- Đổ chất thải, phân bón và các hóa chất nguy hại;

- Các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cây ngập mặn và môi trường thủy sinh.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Khai thác thủy sản phục vụ mục đích khoa học;

- Phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường;

- Giao thông thủy (tàu, thuyền qua lại không gây tiếng ồn, xáo trộn và ô nhiễm nước);

- Hoạt động tham quan (có kiểm soát);

- Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông;

- Hoạt động cải tạo, hoặc nâng cấp thành vùng bảo tồn (được kiểm soát không gây hại đến điều kiện môi trường, sinh thái).

3. Vùng đệm

3.1 Vùng đệm của vùng bảo tồn Đảo Mắt

Được xác định là vùng nước ven bờ xung quanh vùng bảo tồn Đảo Mắt.

a) Hoạt động được phép:

- Bảo tồn các rạn san hô và các tài nguyên thủy sinh liên quan;

- Bảo vệ chất lượng nước, trầm tích;

- Điều tra, khảo sát phục vụ nghiên cứu khoa học.

b) Hoạt động không được phép:

- Lấp, đổ, đào xới và nạo vét đất;

- Đổ thải các chất nạo vét;

- Xây dựng công trình gây ra những biến đổi về không gian;

- Đổ nước thải, rác thải chưa được xử lý;

- Đổ thải phân bón và các hóa chất nguy hại;

- Khai thác san hô và các thủy sinh vật;

- Các hoạt động có khả năng gây suy thoái cảnh quan và chất lượng môi trường.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Xây dựng và duy tu các công trình phục vụ một số hoạt động quản lý cần thiết, mà không thể xây ở vùng bảo tồn;

- Tham quan của du khách (có kiểm soát);

- Neo, đậu tàu thuyền.

3.2 Vùng vành đai biển

Là dải đất dọc bờ biển Nghệ An, trừ các khu vực cửa lạch và đoạn bờ biển dạng vách núi đá, có độ rộng từ mép nước đến biên trong trên đất liền khoảng từ 100 m đến 400 m (được xác định tùy theo điều kiện cụ thể của bờ biển). Biên trong của dải này là đường Dũng Quyết (tỉnh lộ 542 từ Bến Thủy đến Cửa Hội, đường Bình Minh từ Cửa Hội đến Cửa Lò, đường quốc phòng (từ Cửa Lò đến Cửa Lạch Vạn), biên trong của rừng phòng hộ ven biển hoặc biên trong của khu nuôi trồng thủy sản ven biển ở những đoạn còn lại. Tại vùng này, có sự hình thành và phát triển các dải, đụn, cồn cát ven biển, có thể có rừng phòng hộ hoặc khu nuôi trồng thủy sản trên cát.

a) Hoạt động được phép:

- Trồng rừng phòng hộ (ưu tiên);

- Xây dựng công viên cây xanh với mục đích giải trí ngoài trời (cây xanh xen với các cơ sở hạ tầng và phương tiện công cộng quy mô nhỏ lẻ, như nhà trưng bày - giới thiệu ở những nơi có hoạt động du lịch bãi biển, cầu, đường nội bộ để đi dạo).

- Làm bãi tắm, bãi đỗ của du thuyền.

b) Hoạt động không được phép:

- Xây dựng và hoạt động của công trình công nghiệp, thương mại quy mô lớn;

- Xây nhà, đô thị và các cơ sở dịch vụ thương mại;

- Các loại hình khai thác khoáng sản (kể cả cát, sỏi, đá);

- Nạo vét, đổ thải các chất nạo vét;

- Xây dựng các kho chứa (dầu, nhiên liệu, hóa chất);

- Làm nhà máy xử lý nước thải;

- Đổ nước thải, rác thải chưa được xử lý, phân bón và các hóa chất nguy hại.

c) Hoạt động có điều kiện:

- San lấp, đào xới nhằm bảo vệ bờ, bãi, chống xói lở;

- Xây dựng các công trình nhỏ, tạm thời phục vụ việc giải trí hoặc công trình vì mục đích khoa học như trạm quan trắc, đo đạc;

- Nuôi thả gia súc, gia cầm;

- Nuôi trồng thủy sản.

4. Vùng phát triển

4.1 Vùng phát triển du lịch

Vùng phát triển du lịch bao gồm: Bãi Lữ; Cửa Lò; vùng đảo Ngư; Núi Quyết - Bến Thủy; Diễn Hải và Diễn Thành; và vùng phát triển Du lịch Nam Quỳnh Lưu.

a) Hoạt động được phép:

- Các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí;

- Phát triển các tiện ích và dịch vụ du lịch, bảo đảm không vượt quá khả năng chịu tải tự nhiên của vùng;

- Bảo tồn thiên nhiên và các giá trị văn hóa lịch sử.

b) Hoạt động không được phép:

- Xây dựng và hoạt động của các công trình công nghiệp;

- Khai thác bất hợp pháp tài nguyên nước ngầm;

- Khai thác tài nguyên sinh vật;

- Đổ thải chất thải rắn và nước thải không đạt tiêu chuẩn vệ sinh;

- Xây dựng các công trình thương mại trong vùng “vành đai biển”;

- Khai thác khoáng sản, kể cả cát và sỏi;

- Đào xới, san lấp các bãi tắm.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Xây dựng các nhà nghỉ và nhà hàng phục vụ du lịch;

- Xây dựng công trình bảo vệ bờ biển;

- Xây dựng đường vào, đường đi bộ, và các tiện ích phục vụ du lịch tại bờ biển trong vùng “vành đai biển”.

4.2 Vùng phát triển công nghiệp

Vùng phát triển công nghiệp bao gồm: Khu Công nghiệp Đông Hồi, Hoàng Mai, Thọ Lộc, Nam Cấm và Bắc Vinh.

a) Hoạt động được phép:

- Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo đăng ký;

- Xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn viên khu công nghiệp;

- Trồng cây xanh tăng độ che phủ;

- Xây dựng các cơ sở vui chơi, giải trí;

- Xây dựng các tiện ích bảo vệ môi trường;

- Phục hồi, duy tu các di tích văn hóa, lịch sử.

b) Hoạt động không được phép:

- Đổ thải chất thải rắn và nước thải không đạt tiêu chuẩn vệ sinh;

- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không hợp pháp;

- Xả chất thải vào nguồn nước;

- Phát thải khí thải không đạt tiêu chuẩn môi trường.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Xây dựng khu dân sinh;

- Xây dựng cơ sở cấp nước;

- Xây dựng các tiện ích xử lý môi trường;

4.3 Vùng phát triển cảng:

Vùng phát triển cảng gồm có: Vùng phát triển Cảng Đông Hồi và vùng phát triển Cảng Cửa Lò.

a) Hoạt động được phép:

- Cập bến, neo đậu, xếp - dỡ hàng hóa đối với tàu vận tải biển và các phương tiện đánh bắt hải sản;

- Xây dựng và duy tu các thiết bị/tiện ích cảng, bến và các luồng tàu;

- Triển khai các dịch vụ và tiện ích thích hợp trong quản lý chất thải;

- Hoạt động bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng nước và cảnh quan, bảo tồn các giá trị tự nhiên, lịch sử;

- Phục vụ chuyên chở hành khách ở mức độ phù hợp;

- Các hoạt động khảo sát, nghiên cứu khoa học.

b) Hoạt động không được phép:

- Đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản;

- Du lịch, giải trí trên biển;

- Thải chất thải rắn, nước thải, nước dằn tàu và cặn dầu.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Nạo vét trầm tích chống sa bồi;

- Thu gom, xử lý chất thải từ tàu (đáp ứng tiêu chuẩn môi trường);

- Tham quan giải trí trên bờ.

- Xây dựng các công trình có thể ảnh hưởng đến vùng “vành đai biển”;

4.4 Vùng phát triển đô thị

Vùng phát triển đô thị bao gồm: vùng phát triển chùm đô thị thành phố Vinh mở rộng và vùng phát triển đô thị Hoàng Mai.

a) Hoạt động được phép:

- Xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sản xuất và các khu dân sinh theo quy hoạch;

- Xây dựng các công viên, khu giải trí;

- Xây dựng các tiện ích thu gom rác thải công cộng;

- Trồng cây, tăng độ phủ xanh;

- Hoạt động bảo vệ, duy tu các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử.

b) Hoạt động không được phép:

- Đổ thải nước thải chưa đạt tiêu chuẩn môi trường;

- Chặt đốn cây, gây tổn hại đến thảm phủ xanh;

- Các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn và không khí.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn;

- Xây dựng các khu xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

4.5 Vùng nuôi trồng thủy sản

Vùng nuôi trồng thủy sản bao gồm: vùng nuôi trồng thủy sản cửa lạch Cờn; vùng nuôi trồng thủy sản ven sông Mai Giang; vùng nuôi trồng thủy sản cửa lạch Thơi; vùng nuôi trồng thủy sản cửa lạch Vạn; vùng nuôi trồng thủy sản Tây Bắc Cửa Cấm; vùng nuôi trồng thủy sản Tây Nam Cửa Cấm và vùng nuôi trồng thủy sản ven sông Lam.

a) Hoạt động được phép:

- Nuôi trồng các loài thủy sản và sinh vật thủy sinh;

- Bảo vệ các loài thực vật ngập nước và các sinh vật thủy sinh liên quan;

- Tham quan;

- Điều tra, khảo sát chất lượng môi trường.

b) Hoạt động không được phép:

- Chuyển đổi sử dụng đất trái quy định;

- Xây dựng các công trình sản xuất;

- Đổ chất thải, phân bón và các hóa chất nguy hại;

c) Hoạt động có điều kiện:

- Phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường;

- Giao thông thủy (tàu, thuyền);

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

4.6 Vùng phát triển diêm nghiệp

Vùng phát triển diêm nghiệp gồm có: vùng phát triển diêm nghiệp cửa lạch Cờn; vùng phát triển diêm nghiệp cửa Lạch Quèn; vùng phát triển diêm nghiệp cửa Lạch Thơi và vùng phát triển diêm nghiệp cửa Lạch Vạn.

a) Hoạt động được phép:

- Bảo vệ các loài thực vật và các sinh vật thủy sinh;

- Tham quan;

- Điều tra, khảo sát chất lượng nước.

b) Hoạt động không được phép:

- Chuyển đổi sử dụng đất trái quy định;

- Xây dựng các công trình sản xuất;

- Đổ chất thải, phân bón và các hóa chất nguy hại;

c) Hoạt động có điều kiện:

- Xây dựng nhà ở

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động diêm nghiệp.

4.7 Vùng đánh bắt cá ven bờ

Vùng đánh bắt cá ven bò là vùng nước ven bờ của tỉnh Nghệ An trong phạm vi đới bờ, ngoại trừ các vùng nước thuộc phạm vi các vùng hoạt động cảng, du lịch và bảo tồn.

a) Hoạt động được phép:

- Đánh bắt cá ở các vùng đã được chỉ định vào mùa cho phép với công cụ đánh bắt thích hợp/được phép;

- Đánh bắt cá với quy mô nhỏ/thủ công/thuyền không sử dụng động cơ trong các vùng nước nông ven biển và vùng đệm của khu bảo tồn biển;

- Hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra nguồn lợi thủy sản.

b) Hoạt động không được phép:

- Sử dụng các phương pháp/công cụ đánh bắt mang tính hủy diệt (lưới mắt nhỏ, thiết bị cào đáy, chất nổ, xy-a-nua và các chất gây độc khác);

- Đánh bắt các loài cá và loài hai mảnh vỏ bị đe dọa trong mùa sinh sản/đẻ trứng;

- Đánh bắt các loài cá và giáp xác còn nhỏ, hoặc đang có trứng;

- Đánh bắt các loài quý hiếm, bị đe dọa.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Giao thông vận tải biển (theo tuyến, luồng);

- Neo đậu tàu thuyền.

4.8 Vùng phát triển kinh tế - xã hội cường độ cao

Vùng phát triển kinh tế - xã hội cường độ cao gồm có: vùng phát triển kinh tế - xã hội cường độ cao Đông Nam; vùng phát triển kinh tế - xã hội cường độ cao Nam Thanh – Bắc Nghệ và vùng phát triển kinh tế - xã hội cường độ cao Nam Nghệ - Bắc Hà.

a) Hoạt động được phép:

- Phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và các ngành kinh tế khác theo quy hoạch;

- Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo đăng ký;

- Phát triển cơ sở hạ tầng;

- Xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung;

- Bảo tồn thiên nhiên;

- Phục hồi, duy tu các di tích văn hóa, lịch sử;

- Trồng cây tăng độ phủ xanh.

b) Hoạt động không được phép:

- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không hợp pháp;

- Đổ thải rác, nước thải chưa được xử lý ra môi trường.

- Các hoạt động có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đất, nước và không khí.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Xây dựng các công trình có thể ảnh hưởng đến vùng “vành đai biển”.

4.9 Vùng phát triển kinh tế - xã hội cường độ thấp

Là các vùng sử dụng còn lại thuộc đới bờ Nghệ An, nơi có đầy đủ các hoạt động kinh tế xã hội. Mặc dù có một số hoạt động của một số khu vực trong vùng có thể không ở cường độ thấp, như phát triển đô thị, khu, cụm công nghiệp, khai khoáng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, …; song các khu vực hay hoạt động này khá phân tán so với quy mô cả vùng, được phân định về không gian khá rõ ràng, đồng thời bị chi phối bởi các quy hoạch ngành tương ứng và các quy định về bảo vệ môi trường cụ thể. Do vậy, chúng không được xem xét riêng biệt trong sơ đồ phân vùng này.

a) Hoạt động được phép:

- Phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, khai khoáng chăn nuôi đã được quy hoạch và có kiểm soát;

- Phát triển cơ sở hạ tầng;

- Du lịch, thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp bền vững;

- Sản xuất và khai thác tài nguyên khác không gây hại cho môi trường tự nhiên;

- Xây dựng các tiện ích thu gom, xử lý chất thải;

- Bảo tồn thiên nhiên và các giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử;

- Bảo vệ môi trường.

b) Hoạt động không được phép:

- Khai thác nước ngầm không theo quy hoạch;

- Khai thác khoáng sản phi pháp;

- Khai thác rừng trái phép;

- Sử dụng hóa chất không cho phép trong nông nghiệp;

- Đổ thải rác, nước thải chưa được xử lý ra môi trường;

- Các hoạt động có khả năng gây tác động bất lợi đến các vùng phục hồi, bảo vệ.

c) Hoạt động có điều kiện:

- Xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn;

- Các hoạt động sử dụng không gian và môi trường vùng “vành đai biển”.

IV. Các hoạt động ưu tiên thực hiện theo Kế hoạch

Các hoạt động ưu tiên thực hiện theo Kế hoạch phân vùng sử dụng đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được trình bày chi tiết tại Phụ lục đính kèm.

V. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, làm đầu mối đôn trốc triển khai thực hiện các hoạt động được xác định trong Kế hoạch phân vùng sử dụng đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đạt hiệu quả.

2. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị ven biển có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực đới bờ của tỉnh; nghiên cứu, nắm vững Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020 để định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, từng bước rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch để giải quyết các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian, tài nguyên và môi trường đới bờ của tỉnh.

3. Ban điều phối Dự án Quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An, cùng các tổ chức khác trong cơ chế điều phối đa ngành giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ của tỉnh, bao gồm việc nghiên cứu hoàn thiện cơ chế này sau năm 2015 để tiếp tục chỉ đạo và điều phối việc thực hiện Kế hoạch.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh các nội dung của Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ để phù hợp, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị ven biển chủ động gửi đề nghị qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC HOẠT ĐỘNG ƯU TIÊN THEO KẾ HOẠCH PHÂN VÙNG SỬ DỤNG ĐỚI BỜ TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
Ban hành kèm theo Kế hoạch phân vùng sử dụng đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2068/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2014 của UBND tỉnh Nghệ An)

Tên hoạt động

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp chính

Thời gian thực hiện

1. Nhóm đề án bảo tồn, phát triển

1.1 Xây dựng và triển khai nghiên cứu tiền khả thi Dự án khoanh vùng bảo tồn Hòn Mắt

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

Sở TN&MT

2014-2015

1.2 Xây dựng và triển khai các Dự án khoanh vùng phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển Nghệ An

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT

2015-2020

1.3 Xây dựng và triển khai Dự án phát triển du lịch sinh thái đảo Hòn Ngư

Sở VHTT&DL

Sở Xây dựng, Sở TN&MT

2015-2020

2. Nhóm nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, quy định

2.1 Rà soát điều chỉnh và cụ thể hóa các quy định đối với các vùng nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ nguồn lợi ven biển và bảo vệ chất lượng môi trường ven biển.

Sở NN&PTNT

Sở TN&MT

2014

2.2 Rà soát điều chỉnh và cụ thể hóa các quy định đối với các vùng du lịch ven biển nhằm bảo vệ chất lượng môi trường biển và giảm thiểu tác động tiêu cực lên các hoạt động khác

Sở VHTT&DL

Sở NN&PTNT, Sở TN&MT

2014

2.3 Chuẩn hóa ranh giới và xây dựng quy định cụ thể đối với vùng vành đai biển và đề kế hoạch tái định cư cho dân trong vùng này.

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT, Sở Du lịch. Sở KHĐT, Sở TC, Sở TBXH

2014-2017

2.4 Chuẩn hóa ranh giới và xây dựng quy định cụ thể đối với vùng phát triển du lịch

Sở Du lịch

Sở TN&MT, Sở NN&PTNT

2014-2015

3. Nhóm hoạt động tăng cường thể chế

3.1 Nghiên cứu xây dựng và triển khai cơ chế cấp phép sử dụng tài nguyên, không gian đới bờ theo mục đích sử dụng

Sở TN&MT

Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, Sở Du lịch

2016-2020

3.2 Nghiên cứu xây dựng và triển khai cơ chế giám sát đa ngành trong việc thực thi phân vùng

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT, Sở Du lịch

2016-2020

3.3 Xây dựng, hoàn thiện quy chế cưỡng chế, xử phạt, khiếu nại, khiếu tố phục vụ triển khai phân vùng

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT, Sở Du lịch, Sở KH&ĐT, Sở Nội vụ

2016-2020

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2068/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020

  • Số hiệu: 2068/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản