Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2046/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 07 tháng 6 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG TRẺ EM TỈNH BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;
Theo đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tại Tờ trình số 330 TTr/TĐTN-CTTN ngày 19/5/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này là Đề án thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định, giai đoạn 2017 - 2020.
Điều 2. Tỉnh đoàn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung công việc có liên quan như đã nêu trong Đề án kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể Thao, Tư pháp, Tài chính; Bí thư Tỉnh đoàn; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG TRẺ EM TỈNH BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2046/QĐ-UBND ngày 07/6/2017 của UBND tỉnh)
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Sự cần thiết
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong điều kiện tốt nhất là trách nhiệm của toàn xã hội, và là quốc sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Đây là văn kiện quan trọng nhất về quyền con người của trẻ em trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, bao gồm các điều luật như: Trẻ em có quyền được lắng nghe, được tự do bày tỏ quan điểm về tất cả các vấn đề có tác động đến trẻ, được tự do phát biểu, suy nghĩ, hội họp và tiếp cận thông tin… Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chính sách để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tạo môi trường thuận lợi nhất và nâng cao năng lực cho các em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em.
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích, chăm lo về đời sống tinh thần cũng như nâng cao sức khỏe, động viên, khích lệ các em thiếu nhi rèn luyện bản thân và phấn đấu học tập. Để đạt được kết quả như vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo, định hướng cho Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cấp, các ngành trong tổ chức các hoạt động thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em thông qua các buổi tọa đàm, diễn đàn trẻ em, đối thoại giữa học sinh với Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đoàn thể để các em có cơ hội bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc, những tâm tư, nguyện vọng của bản thân.
Tuy nhiên, việc thực hiện Quyền trẻ em hiện còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại về kinh tế, xã hội, tâm lý. Khái niệm “Quyền trẻ em” vẫn còn rất mới mẻ trong xã hội, việc nắm vững và thực thi pháp luật của bộ phận người dân còn hạn chế. Xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa đòi hỏi Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện quyền trẻ em, trong đó có quyền được tham gia.
Ngày 03/8/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 1235/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, Chính phủ đã đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì thành lập Hội đồng trẻ em với mục tiêu đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương. Theo đó, Bình Định được chọn là 1 trong 5 địa phương triển khai thí điểm Hội đồng trẻ em cấp tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, là đại diện cho khu vực miền Trung cùng với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Yên Bái và tỉnh Quảng Ninh.
Việc thành lập Hội đồng trẻ em nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em toàn tỉnh trong việc thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Đồng thời, giúp trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng và giúp các cơ quan, tổ chức có liên quan đến trẻ em hoàn thiện quá trình xây dựng chủ trương, chính sách về trẻ em. Đây là một bước tiến mới trong tiến trình thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em, là mô hình được xã hội mong đợi và kỳ vọng hiện nay.
2. Cơ sở pháp lý
- Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em;
- Luật Trẻ em năm 2016;
- Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;
- Quyết định số 4749/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020;
- Công văn số 20-CV/HĐĐTW ngày 10/2/2017của Hội đồng Đội Trung ương về việc triển khai thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em;
- Công văn số 9048-CV/TWĐTN ngày 09/3/2017của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn về việc thành lập mô hình Hội đồng trẻ em thí điểm;
- Hướng dẫn số 35-HD/HĐĐTW ngày 08/3/2017của Hội đồng Đội Trung ương về việc xây dựng thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2017 - 2020.
Phần thứ 2
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định
1. Khái niệm Hội đồng trẻ em
Hội đồng trẻ em là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương. Hội đồng trẻ em là một trong những kênh quan trọng đại diện cho tiếng nói của trẻ em toàn tỉnh.
2. Cơ cấu tổ chức
2.1. Đối tượng, số lượng:
2.1.1. Đối tượng: Trẻ em từ 9 đến dưới 16 tuổi; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quyền của trẻ em.
2.1.2. Số lượng: 15 em.
- Chủ tịch Hội đồng: 01 em.
- Phó Chủ tịch Hội đồng: 02 em.
- Các Ủy viên: 12 em.
2.2. Định hướng cơ cấu
Cơ cấu trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em: Phải bảo đảm đại diện cho vùng, miền, dân tộc, độ tuổi, giới tính, tôn giáo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, là đại diện tiêu biểu cho tiếng nói, nguyện vọng của thiếu nhi trên địa bàn. Dự kiến thành phần như sau:
- Ban Chỉ huy Liên đội tiêu biểu tại các huyện, thị, thành phố: 08 em.
- Thành viên các Câu lạc bộ thúc đẩy quyền tham gia trẻ em: 02 em.
- Thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu nhi khuyết tật, thiếu nhi dân tộc: 02 em.
- Thiếu nhi tiêu biểu trong học tập, trong thực hiện các quyền trẻ em và các hoạt động Đội, công tác xã hội; thiếu nhi tài năng trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có ảnh hưởng tích cực trong thiếu nhi: 03 em.
2.3. Tiêu chuẩn lựa chọn trẻ em
- Độ tuổi: Từ 09 đến dưới 16 tuổi (lựa chọn cả nam và nữ).
- Phẩm chất đạo đức: Hạnh kiểm tốt.
- Thành tích học tập: Tiểu học: Hoàn thành xuất sắc; THCS: Học lực giỏi.
- Kỹ năng: Có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình tốt và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
(Với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số không nhất thiết phải có đủ tiêu chí lựa chọn như trên nhưng đảm bảo về tiêu chí đạo đức).
2.4. Điều kiện tham gia
- Trẻ em từ 09 đến dưới 16 tuổi.
- Tự nguyện đăng ký tham gia Hội đồng trẻ em.
- Được đồng ý tiến cử của tổ chức cơ sở Đội và cán bộ phụ trách Đội.
- Được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Bảo đảm sức khỏe và thời gian tham gia Hội đồng trẻ em.
2.5. Quy trình thành lập
- Bước 1: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ra quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh. Ban có từ 07 - 15 thành viên trong đó có đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo; Hội đồng Đội tỉnh, cán bộ phụ trách thiếu nhi (Số thiếu nhi tham gia Ban Vận động không ít hơn 1/3 số thành viên Ban Vận động, do Hội đồng Đội tỉnh phối hợp chọn cử từ các em thiếu nhi tiêu biểu đáp ứng điều kiện tham gia).
- Bước 2: Ban Vận động xây dựng tiêu chuẩn, phân bổ cơ cấu thiếu nhi tham gia Hội đồng trẻ em, gửi về Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội cấp huyện, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi và các đơn vị trực thuộc.
- Bước 3: Các đơn vị được phân bổ cơ cấu tổ chức cho các em ứng cử, đề cử. Các em thiếu nhi ứng cử, đề cử, trình bày chương trình hành động của mình tại cấp liên đội hoặc đơn vị chọn cử.
- Bước 4: Căn cứ thành tích và phần trình bày của thiếu nhi, các liên đội hoặc đơn vị chọn cử lập danh sách giới thiệu thiếu nhi tham gia Hội đồng trẻ em lên Hội đồng Đội và Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp trên tổng hợp gửi về Hội đồng Đội tỉnh.
- Bước 5: Ban Vận động họp, rà soát tiêu chuẩn, quy trình bình chọn, thống nhất lập danh sách thiếu nhi tham gia Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định; đồng thời chuẩn bị dự thảo Quy chế làm việc của Hội đồng.
- Bước 6: UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định giai đoạn 2017 - 2020.
- Bước 7: Tổ chức Lễ ra mắt Hội đồng trẻ em, Hội đồng thông qua Quy chế làm việc và đi vào hoạt động.
* Hàng năm Hội đồng trẻ em tỉnh sẽ tổ chức rà soát, kiện toàn lại với những trường hợp các em quá tuổi quy định và lý do khách quan khác.
3. Lợi ích của trẻ em khi tham gia vào Hội Đồng trẻ em
- Củng cố sự tự tin, qua đó giúp cho các em năng động hơn, được rèn luyện nhiều kỹ năng hơn để phục vụ hữu ích trong học tập và sinh hoạt.
- Giúp các em đưa ra những quan điểm của bản thân.
- Tạo cơ hội cho trẻ em được bộc lộ bản thân và hưởng quyền tham gia trẻ em.
- Được trực tiếp bày tỏ những ý tưởng, đề xuất những kiến nghị về những vấn đề liên quan đến trẻ em với các cấp có thẩm quyền.
- Được cung cấp thông tin, tiếp cận những chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em.
4. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng trẻ em
- Hội đồng trẻ em được thành lập thí điểm ở cấp tỉnh. Hội đồng trẻ em do các em tự bình bầu, lựa chọn lập ra, đại diện tiếng nói của trẻ em tại địa phương đơn vị.
- Hội đồng trẻ em tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, có sự hướng dẫn của Ban Tham vấn.
- Các quyết định của Hội đồng trẻ em được đưa ra khi có sự thống nhất của trên 50% thành viên Hội đồng. Trường hợp ý kiến biểu quyết bằng nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.
- Hội đồng trẻ em hoạt động theo quy chế do Hội đồng trẻ em ban hành trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
5. Phương thức hoạt động của Hội đồng trẻ em
5.1. Hội nghị định kỳ
- Thời gian: Hội đồng họp 1 năm 02 lần, trước kỳ họp HĐND tỉnh.
- Địa điểm: Tại thành phố Quy Nhơn.
- Nhiệm kỳ của Hội đồng trẻ em: Nhiệm kỳ của Hội đồng trẻ em theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh (Trong giai đoạn thí điểm, nhiệm kỳ Hội đồng trẻ em được xác định từ khi thành lập đến hết năm 2020. Sau đó, Hội đồng Đội tỉnh tiến hành tổng kết mô hình và tham mưu lập Hội đồng trẻ em nhiệm kỳ mới sau kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp năm 2021).
- Nội dung: Theo các chuyên đề được thống nhất từ Chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em, tập trung vào các nội dung chính sau:
+ Thực trạng thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em; những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương.
+ Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.
+ Các vấn đề xã hội tại địa phương liên quan đến trẻ em.
- Hình thức, tiến trình: Trẻ em phát biểu, thảo luận, tranh luận theo mô hình một phiên họp của Hội đồng nhân dân. Sau khi trẻ em phản ánh ý kiến, các thành viên Ban Tham vấn phát biểu giải đáp, ghi nhận các kiến nghị của trẻ em. Trưởng Ban Tham vấn phát biểu tổng hợp ý kiến.
5.2. Hội nghị Thường trực Hội đồng trẻ em với Ban Tham vấn
- Thời gian: Họp 1 năm 02 lần, trước kỳ họp Hội đồng trẻ em.
- Địa điểm: Tại thành phố Quy Nhơn.
- Nội dung:
+ Rà soát kết quả thực hiện các kiến nghị của trẻ em tại kỳ họp Hội đồng trẻ em trước.
+ Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Hội đồng trẻ em.
5.3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với Hội đồng trẻ em
- Thời gian: 1 năm 01 lần, trước kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Địa điểm: Tại Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Nội dung:
+ Thông báo kết quả giải quyết những kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm.
+ Kiến nghị, đề xuất, giám sát thực hiện các kiến nghị trong năm tới.
- Hình thức, tiến trình:
+ Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông báo kết quả tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của Hội đồng trẻ em trong năm.
+ Đại diện Hội đồng trẻ em báo cáo tổng hợp kết quả Hội nghị và các kiến nghị của Hội đồng trẻ em.
+ Các em thiếu nhi trong Hội đồng phát biểu ý kiến, đề xuất, kiến nghị.
+ Lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu, kết luận.
* Ban Tham vấn của Hội đồng trẻ em có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh chuẩn bị nội dung làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh với Hội đồng trẻ em.
5.4. Hoạt động của trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em tại địa phương, đơn vị
- Thời gian: Thường xuyên, trong cả năm.
- Địa điểm: Do đơn vị chủ động.
- Nội dung:
+ Định kỳ hàng tháng Liên đội, Hội đồng Đội xã, phường, thị trấn nơi có trẻ em là thành viên Hội đồng trẻ em đang sinh hoạt, học tập tổ chức ít nhất một chương trình sinh hoạt chuyên đề để trẻ em tại địa phương, tại Liên đội phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị với thành viên Hội đồng trẻ em; dưới sự hướng dẫn, định hướng về chủ đề, nội dung của Ban Tham vấn và cán bộ phụ trách Đội.
+ Định kỳ hàng quý các huyện, thị, thành Đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi và các câu lạc bộ có trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em phối hợp tổ chức hoạt động phát phiếu thăm dò ý kiến, phiếu trưng cầu ý kiến, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất về các chuyên đề, vấn đề liên quan đến trẻ em để tổng hợp gửi về Hội đồng trẻ em tỉnh.
6. Điều kiện hỗ trợ trẻ em tham gia hoạt động của Hội đồng trẻ em
- Tổ chức Đoàn, Đội phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và đơn vị nơi có trẻ em là thành viên của Hội đồng trẻ em hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động thường xuyên của thành viên Hội đồng tại địa phương và tạo điều kiện thuận lợi để thành viên Hội đồng tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội đồng trẻ em tại tỉnh, Trung ương.
- Ngành Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện về thời gian đối với trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em để các em tham gia tốt vào các hoạt động của Hội đồng.
- Đơn vị nơi có trẻ em là thành viên tham gia Hội đồng trẻ em đang sinh hoạt, học tập định kỳ hằng tháng tổ chức các hoạt động chuyên đề để trẻ em phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến trẻ em với thành viên Hội đồng trẻ em. Giúp thành viên Hội đồng trẻ em tổng hợp kiến nghị, đề xuất của trẻ em, gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em cấp tỉnh.
II. Tổ chức và hoạt động của Ban Tham vấn
1. Khái niệm
Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em gồm đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh và các cá nhân, tổ chức xã hội liên quan đến lĩnh vực trẻ em. Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em có nhiệm vụ định hướng hoạt động và hỗ trợ tổ chức các hoạt động của Hội đồng trẻ em.
Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quyết định thành lập, có nhiệm vụ trực tiếp định hướng hoạt động và thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức các hoạt động của Hội đồng trẻ em, cùng nhiệm kỳ với Hội đồng trẻ em.
- Hoạt động thường xuyên của Ban Tham vấn: Đầu mối duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Tham vấn là Bí thư Tỉnh đoàn, có trách nhiệm điều phối chung hoạt động của Ban Tham vấn, phát huy vai trò của các thành viên trong Ban Tham vấn và giữ mối liên hệ thường xuyên với Thường trực Hội đồng trẻ em để triển khai các hoạt động.
2. Số lượng, cơ cấu Ban Tham vấn: 11 người.
2.1. Trưởng ban Ban Tham vấn: Đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn.
2.2. Phó Trưởng ban Ban Tham vấn:
- Đồng chí Trưởng ban Ban Văn hóa xã hội của HĐND tỉnh;
- Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh;
- Đồng chí Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Đồng chí Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
2.3. Thành viên Ban Tham vấn:
- Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao: 01 người;
- Đại diện lãnh đạo Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh: 01 người;
- Đại diện lãnh đạo Trung tâm hoạt động TTN tỉnh: 01 người;
- Đại diện Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội tiêu biểu: 01 người;
- Đại diện Ban Công tác thiếu nhi Tỉnh đoàn: 01 người;
- Đại diện Phòng BVCSTE và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 01 người.
3. Nguyên tắc hoạt động
3.1. Thời gian
- Ban Tham vấn sẽ họp trước các kỳ họp của Hội đồng trẻ em với Hội đồng nhân dân tỉnh để thống nhất các nội dung và chuẩn bị tài liệu.
- Họp cùng Hội đồng trẻ em tại các phiên họp với đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Họp chuyên đề (có thể mời các chuyên gia trên các lĩnh vực họp cùng). Trong quá trình triển khai thực hiện có thể họp đột xuất khi có nhiệm vụ.
3.2. Nội dung
- Chuẩn bị tài liệu liên quan đến nội dung các cuộc họp.
- Thống nhất các nội dung phiên họp Hội đồng trẻ em với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Tham dự các phiên họp đối thoại trực tiếp giữa trẻ em và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Trực tiếp giải đáp những ý kiến, nguyện vọng của trẻ em tại Hội nghị định kỳ.
- Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Hội đồng trẻ em gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan.
- Tổng hợp kết quả giải quyết những kiến nghị của Hội đồng trẻ em.
III. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em
1. Thời gian: Thường xuyên, trong cả năm.
2. Nội dung
- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động để trẻ em phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị đối với thành viên Hội đồng trẻ em đang học tập, sinh hoạt tại địa phương, đơn vị; tạo điều kiện về mọi mặt cho thành viên Hội đồng trẻ em thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ.
- Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành phố có trẻ em tham gia Hội đồng trẻ em định kỳ hàng quý phối hợp Phòng Giáo dục và đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thăm dò ý kiến, phát phiếu trưng cầu ý kiến về các vấn đề cụ thể liên quan đến trẻ em đồng thời tổng hợp kiến nghị, đề xuất của trẻ em, gửi về Hội đồng trẻ em để tổng hợp.
IV. Kinh phí thực hiện Đề án
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Từ nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ theo kế hoạch hằng năm và nguồn vốn huy động xã hội hóa, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Phần thứ 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Thời gian thực hiện Đề án
Thời gian thực hiện đề án: từ năm 2017 đến năm 2020.
II. Tiến độ thực hiện
1. Dự thảo khung mô hình Hội đồng trẻ em
Thời gian: tháng 6/2016 đến tháng 8/2016.
2. Họp bàn xin ý kiến về việc xây dựng mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh
Thời gian: từ tháng 8/2016 đến tháng 03/2017.
3. Vận động thành lập mô hình
Thời gian: Từ tháng 03/2017 đến tháng 05/2017.
4. Dự kiến ra mắt Hội đồng trẻ em
Thời gian: Tháng 6/2017.
5. Triển khai, vận hành mô hình sau khi ra mắt Hội đồng trẻ em
Thời gian: Tháng 6/2017 - 12/2020.
6. Hàng năm duy trì kiện toàn, sơ, tổng kết đánh giá hoạt động của mô hình
III. Phân công thực hiện
1. Tỉnh đoàn
- Là đơn vị Thường trực của Hội đồng trẻ em.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để thành lập, duy trì, tổ chức thực hiện mô hình Hội đồng trẻ em.
- Tham mưu và thành lập Ban Tham vấn, Ban Vận động thành lập Hội đồng trẻ em.
- Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các huyện, thị, thành phố; phối hợp với các ngành thực hiện tốt các nội dung để thành lập và tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên Hội đồng trẻ em.
- Phân công cán bộ nắm bắt thực tế hoạt động của các thành viên Hội đồng trẻ em tại địa phương, đơn vị.
- Tham mưu chương trình, lịch hoạt động của Hội đồng trẻ em, Ban Tham vấn.
- Phối hợp chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Xây dựng dự trù kinh phí hoạt động của Hội đồng trẻ em hàng năm.
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định, giai đoạn 2017 - 2020.
- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện đề án; định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Hội đồng Đội Trung ương; tổng kết việc thực hiện đề án.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với Tỉnh đoàn để thành lập, duy trì, tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Chỉ đạo các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành phố triển khai và tổ chức các hoạt động của Hội đồng trẻ em tại địa phương.
- Cử 01 đồng chí Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia làm Phó Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Tỉnh đoàn và các cơ quan liên quan để thành lập, duy trì, tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các huyện, thị, thành phố triển khai, lựa chọn, giới thiệu học sinh tham gia Hội đồng trẻ em theo chỉ tiêu phân bổ và tổ chức các hoạt động của Hội đồng trẻ em tại địa phương.
- Phối hợp chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Cử 01 đồng chí Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham gia làm Phó Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em.
4. Sở Tư Pháp
- Phối hợp với Tỉnh đoàn và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tập huấn, tuyên truyền pháp luật về Trẻ em, Quyền trẻ em, các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em cho thành viên Hội đồng trẻ em.
- Có trách nhiệm giải quyết, phản hồi các kiến nghị, đề xuất có liên quan đến lĩnh vực của ngành từ tổng hợp của Hội đồng trẻ em hàng năm.
5. Sở Tài chính: Phối hợp Tỉnh đoàn tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện Đề án thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh.
6. Sở Văn hóa và Thể thao
- Phối hợp với Tỉnh đoàn và các cơ quan liên quan để thành lập, duy trì, tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Cử 01 đồng chí Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tham gia Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định: Phối hợp với Tỉnh đoàn tuyên truyền về hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định, giai đoạn 2017 - 2020.
8. Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh
- Phối hợp với Tỉnh đoàn để thành lập, duy trì, tổ chức hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Phối hợp chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình hoạt động của Hội đồng trẻ em.
- Chọn cử 01 đồng chí Lãnh đạo Hội tham gia Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em.
9. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh
- Đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để Hội đồng trẻ em 01 năm làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh 01 lần.
- Cử đồng chí Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia Ban Tham vấn Hội đồng trẻ em.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo, tạo điều kiện cho phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các huyện, thị, thành Đoàn triển khai thực hiện Đề án.
Trên đây là Đề án thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định, giai đoạn 2017 - 2020, quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh (qua Tỉnh đoàn) để kịp thời chỉ đạo, giải quyết./.
- 1Quyết định 15/2011/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh
- 2Quyết định 1580/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Danh mục mua sắm trang thiết bị đồ chơi cho trẻ em của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bắc Giang
- 3Quyết định 2399/QĐ-UBND năm 2016 kiện toàn Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Phước
- 4Quyết định 4476/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2022
- 1Quyết định 15/2011/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh
- 2Quyết định 1580/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Danh mục mua sắm trang thiết bị đồ chơi cho trẻ em của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bắc Giang
- 3Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Quyết định 1235/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật trẻ em 2016
- 7Quyết định 2399/QĐ-UBND năm 2016 kiện toàn Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Phước
- 8Quyết định 4749/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020
- 9Quyết định 4476/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Hoạt động của Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2022
Quyết định 2046/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh Bình Định, giai đoạn 2017-2020
- Số hiệu: 2046/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/06/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra