Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/QĐ-NH7

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TRẠNG THÁI NGOẠI HỐI ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH NGOẠI HỐI

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ điểm 5 điều 50, Chương V, Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức, điều tiết thị trường hối đoái trong nước, giao dịch mua bán ngoại tệ trên thị trường quốc tế;

- Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tạm thời về trạng thái ngoại hối đối với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối”.

Điều 2

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1994. Mọi quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3

Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng vụ Quản ngoại hối, Chánh thanh tra NHNN, Vụ Kế toán - tài chính, Vụ Định chế tài chính, Giám đốc Sở giao dịch NHNN, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT/THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Lê Văn Châu

 

QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TRẠNG THÁI NGOẠI HỐI ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH NGOẠI HỐI

(Ban hành kèm theo Quyết định số ….. QĐ-NH7 ngày …/…/1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Khái niệm trạng thái ngoại hối:

Trạng thái ngoại hối là sự chênh lệch giữa tài sản Có và tại sản Nợ của mỗi ngoại tệ trong các ngoại tệ được ngân hàng sử dụng, bao gồm cả các tài khoản ngoại bảng tương ứng của các ngoại tệ đó.

Trạng thái ngoại hối mở của mỗi ngoại tệ có thể là dương hoặc âm.

Trạng thái ngoại hối dương khi tài sản Có lớn hơn tài sản Nợ; trạng thái ngoại hối âm khi tài sản Nợ lớn hơn tài sản Có.

Tổng trạng thái ngoại hối của tổ chức tín dụng là tổng trạng thái ngoại hối (dương hoặc âm cao nhất) của các ngoại tệ.

Điều 2

Trạng thái ngoại hối được quy định nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh ngoại hối của các tổ chức tín dụng có hoạt động ngoại hối.

Điều 3

Trạng thái ngoại hối được áp dụng cho các chức tín dụng, bao gồm ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng liên doanh, ngân hàng đầu tư và phát triển, công ty tài chính được phép kinh doanh ngoại hối.

Đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt nam phải có giấy cam kết với NHTW đảm bảo thực hiện đúng quy chế trạng thái ngoại hối do ngân hàng nước ngoài quy định và có xác nhận của ngân hàng đó.

Điều 4

Các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối phải báo cáo đầy đủ cho NHNN toàn bộ số liệu kế toán và những thông tin cần thiết mà NHNN yêu cầu.

II. CÁC YẾU TỐ DÙNG TRONG TÍNH TOÁN TRẠNG THÁI NGOẠI HỐI

Điều 5

Giới hạn trạng thái ngoại hối là mức chênh lệch cao nhất hoặc thấp nhất giữa tài sản Có ngoại tệ và tài khoản Nợ ngoại tệ.

Giới hạn trạng thái ngoại hối được quy định so với vốn tự có ròng của ngân hàng. Để thống nhất phương thức áp dụng trong tính toán trạng thái ngoại hối cũng như áp dụng trong các quy chế an toàn khác, về ngoại hối Thống đốc NHNN quy định vốn tự có ròng (là vốn tự có trừ đi những khoản làm giảm vốn tự có) như sau:

a/ Vốn tự có bao gồm:

- Vốn điều lệ thực có (gồm phần vốn mà các cổ đông đã đóng góp đối với các ngân hàng cổ phần)

- Dự trữ

- Dự trữ đặc biệt

- Lợi nhuận chưa chia

- Phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định (nếu có) khi đánh giá lại tài sản theo quy định của NHNN (có thể là toàn bộ hoặc một phần).

b/ Những khoản làm giảm vốn tự có cần được đưa ra khỏi vốn tự có, gồm:

- Phần giá trị tài sản khi đánh giá lại tài sản cố định (nếu có).

- Những khoản cho vay khó đòi không được bảo đảm bằng một khoản dự phòng hoặc không được bảo lãnh.

- Chi nhiều hơn thu.

III. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6

Giới hạn trạng thái ngoại hối cuối ngày của mỗi ngoại tệ không được vượt quá 10% vốn tự có ròng của tổ chức tín dụng và tổng trạng thái ngoại hối cuối ngày của các ngoại tệ không được vượt quá 30% vốn tự có ròng của tổ chức tín dụng.

Trong quy chế này vàng và đá quý nếu được chuyển đổi để giao dịch như ngoại tệ cũng được tính vào tổng trạng thái hối đoái.

Thống đốc NHNN sẽ điều chỉnh các tỷ lệ này khi cần thiết.

Tổng trạng thái ngoại hối và trạng thái ngoại hối của mỗi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được thể hiện bằng đồng Việt nam theo tỷ giá công bố của NHNN tại thời điểm báo cáo.

Điều 7

Các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối phải luôn luôn giữ tổng trạng thái ngoại hối và trạng thái ngoại hối của từng ngoại tệ trong mức giới hạn của quy chế này.

Hệ thống kế toán và thông tin nội bộ của tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ phải đáp ứng những yêu cầu sau:

- Thường xuyên biết được tình hình trạng thái ngoại hối của từng ngoại tệ; tổng các trạng thái ngoại hối dương và tổng các trạng thái ngoại hối âm của các ngoại tệ vào bất cứ thời điểm nào.

- Người phụ trách ngân quỹ tổ của chức tín dụng phải được thông tin thường xuyên về trạng thái ngoại hối.

Điều 8

Tùy theo tình hình và khả năng kinh doanh của mỗi chi nhánh, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng quy định giới hạn mức rủi ro cụ thể cho từng chi nhánh, từng đơn vị kinh doanh ngoại hối và từng cán bộ giao dịch ngoại hối phù hợp với quy chế này, bao gồm:

- Trạng thái ngoại hối cuối ngày theo từng loại ngoại tệ và tổng thể.

- Trạng thái ngoại hối tối đa được chấp nhận trong ngày theo từng ngoại tệ và tổng thể.

- Hội sở chính của các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm theo dõi và giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu này.

Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về việc thực hiện đúng các chỉ tiêu quy định trên.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 9

Hàng ngày, trước 10h sáng Tổng giám đốc, Giám đốc các tổ chức tín dụng thông báo bằng fax hoặc telex cho NHTW tình hình trạng thái ngoại hối cuối ngày hôm trước của toàn hệ thống. Tổng số ngoại tệ mua bán ngày hôm trước, trong đó có ghi rõ tổng số ngoại tệ mua bán với thị trường liên ngân hàng và tỷ giá giao dịch cao nhất, thấp nhất trong ngày hôm trước.

Ngoài báo cáo về trạng thái ngoại hối hàng ngày, cuối mỗi tuần, mỗi tháng Tổng giám đốc, Giám đốc các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối phải báo cáo cho NHNN trạng thái ngoại hối tổng hợp và chi tiết của toàn hệ thống được tính toán vào ngày mở cửa cuối cùng của mỗi tuần và mỗi tháng theo mẫu do NHNN quy định.

Các báo cáo này được gửi cho NHNN (Vụ Quản lý ngoại hối). Đối với các báo cáo tuần và tháng phải được gửi đến NHNN chậm nhất là sau 3 ngày kể từ ngày lập báo cáo. Ngoài những báo cáo trên, tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối phải cung cấp mọi thông tin liên quan khác khi NHNN yêu cầu.

Vụ quản lý ngoại hối là đầu mối tiếp nhận và cung cấp những thông tin về trạng thái ngoại hối cho những Vụ, Cục, Sở NHTW có liên quan.

V. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 10

Các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối phải thực hiện đúng các quy định tại quy chế này. Nếu vi phạm tùy theo mức độ, sẽ bị xử phạt theo quy chế xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm pháp lệnh Ngân hàng ban hành theo Quyết định số 168/QĐ-NH3 ngày 27/8/1992 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Điều 11

Mọi sửa đổi, bổ sung, thay thế các điều khoản trong Quy chế này do Thống đốc NHNN quyết định.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 204/QĐ-NH7 năm 1994 ban hành Quy chế tạm thời về trạng thái ngoại hối đối với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 204/QĐ-NH7
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/09/1994
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Văn Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản