Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chức năng

Vụ Pháp luật quốc tế là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện công tác pháp luật quốc tế, bao gồm: xây dựng, tham gia xây dựng pháp luật và thẩm định dự án, dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật quốc tế; tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế theo quy định của pháp luật; quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.

2. Về tư pháp quốc tế:

a) Xây dựng trình Bộ trưởng chiến lược, kế hoạch phát triển về tư pháp quốc tế;

b) Chủ trì hoặc tham gia đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tư pháp quốc tế;

c) Thẩm định, góp ý dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc gia nhập các điều ước quốc tế về tư pháp quốc tế;

d) Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ là cơ quan quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Cơ quan thường trực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế;

đ) Đề xuất tham gia các diễn đàn, hội nghị, hoạt động quốc tế về tư pháp quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ;

e) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đề xuất tham gia, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức quốc tế về tư pháp quốc tế.

3. Về công pháp quốc tế:

a) Giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quy chế thành viên Việt Nam tại Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị;

b) Thẩm định, góp ý dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc gia nhập các điều ước quốc tế, trừ dự thảo điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về hợp tác với nước ngoài về pháp luật;

c) Thực hiện nhiệm vụ của đơn vị đầu mối của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo quy định;

d) Đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về công pháp quốc tế theo quy định;

đ) Đề xuất tham gia các diễn đàn, hội nghị, hoạt động quốc tế về công pháp quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ;

e) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ đề xuất tham gia, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức quốc tế về công pháp quốc tế.

4. Xây dựng, tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật quốc tế, bao gồm biên giới, biển đảo, xuất nhập cảnh, thương mại quốc tế (trong đó có xuất nhập khẩu, hải quan), đầu tư nước ngoài, đấu thầu, hàng không, hàng hải, dầu khí và nhân quyền.

5. Về thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về công tác điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp:

a) Đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược trong ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ;

b) Xây dựng hoặc tham gia xây dựng các kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế theo quy định và phân công của Bộ trưởng;

c) Rà soát, thống kê các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ;

d) Tổng hợp, báo cáo chung về công tác điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp.

6. Trình Bộ trưởng cấp ý kiến pháp lý cho các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay vốn nước ngoài, chương trình, dự án, kế hoạch xử lý nợ nước ngoài và các văn kiện pháp lý khác theo quy định pháp luật hoặc theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

7. Tham gia đàm phán, góp ý cho các hợp đồng quốc tế có liên quan đến cơ quan nhà nước, các hồ sơ, dự án đầu tư; phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh ra thị trường quốc tế theo quy định pháp luật.

8. Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ làm đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp quốc tế theo quy định pháp luật hoặc theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

9. Làm đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ liên quan tới các vấn đề về nhân quyền thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

10. Về tương trợ tư pháp:

a) Đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp về dân sự;

b) Tham gia đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực này;

c) Thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự;

d) Kiểm tra việc thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự, thực hiện việc bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tương trợ tư pháp cho cán bộ thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo, trao đổi thông tin, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật;

e) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu pháp luật về tương trợ tư pháp theo quy định.

11. Đề cử, quản lý chuyên môn của đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

12. Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.

13. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật và có ý kiến về việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp và các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định.

14. Tổ chức sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc phạm vi chức năng của Vụ theo quy định của pháp luật.

15. Kiểm tra, tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

16. Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.

17. Thực hiện công tác thi đua - khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức, tài sản của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng.

18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức, biên chế

1. Cơ cấu tổ chức

a) Lãnh đạo Vụ:

Lãnh đạo Vụ gồm có Vụ trưởng và không quá ba (03) Phó Vụ trưởng.

Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Vụ.

Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Vụ; được Vụ trưởng phân công trực tiếp quản lý một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.

b) Các tổ chức trực thuộc Vụ:

- Phòng Tư pháp quốc tế.

- Phòng Công pháp quốc tế và nhân quyền.

- Phòng Pháp luật về đầu tư, vay nước ngoài và bảo lãnh Chính phủ.

- Phòng Hành chính – Tổng hợp.

Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức trực thuộc Vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trực thuộc Vụ do Vụ trưởng quy định.

2. Biên chế của Vụ thuộc biên chế hành chính của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế.

Điều 4. Trách nhiệm và mối quan hệ công tác

Trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa Vụ với Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác được thực hiện theo Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và các quy định sau đây:

1. Vụ chịu sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng được phân công phụ trách, có trách nhiệm tổ chức thực hiện, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về kết quả giải quyết công việc được giao.

2. Vụ là đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện quan hệ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định này, nếu phát sinh những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác thuộc Bộ Tư pháp thì Vụ có trách nhiệm chủ trì, tham gia với đơn vị đó để giải quyết.

Khi có yêu cầu của các đơn vị khác thuộc Bộ Tư pháp trong việc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó mà có liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ thì Vụ có trách nhiệm phối hợp giải quyết.

Trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc có ý kiến khác nhau giữa Vụ với các đơn vị khác thuộc Bộ thì Vụ trưởng có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách trực tiếp.

4. Quan hệ công tác giữa Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và các đơn vị liên quan trong công tác xây dựng pháp luật, các đề án, văn bản có nội dung chính liên quan đến yếu tố nước ngoài và các lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp luật quốc tế;

b) Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong việc thẩm định, góp ý dự thảo điều ước quốc tế, việc gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác với nước ngoài về pháp luật; góp ý dự thảo thỏa thuận quốc tế về hợp tác với nước ngoài về pháp luật; thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối về công tác thỏa thuận quốc tế của Bộ Tư pháp;

c) Phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Con nuôi, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và công tác xây dựng pháp luật, các văn bản, đề án có nội dung một phần liên quan đến yếu tố nước ngoài và pháp luật quốc tế.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 809/QĐ-BTP ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật quốc tế.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Tổ chức pháp chế các bộ, ngành;
- Lãnh đạo Bộ;
- Văn phòng Đảng uỷ;
- Các tổ chức chính trị- xã hội cơ quan Bộ;
- Lưu: VT, các Vụ TCCB, PLQT.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 204/QĐ-BTP năm 2014 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật quốc tế do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 204/QĐ-BTP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Hà Hùng Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản