Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2014/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 22 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2014-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Quyết định 135/2009/QĐ-TTg ngày 04/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/ 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành kèm theo quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số dự án Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2014-2020;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2014-2020, với những nội dung cụ thể như sau:

1. Mục tiêu.

Hỗ trợ cho người lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách, người có công với cách mạng; lao động là người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo; lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; lao động thuộc hộ cận nghèo có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2014 đến hết năm 2020 sẽ hỗ trợ bằng 2 hình thức (hỗ trợ không hoàn lại và hỗ trợ cho vay bổ sung) cho 560 người.

2. Đối tượng hỗ trợ.

- Lao động là thân nhân chủ yếu của gia đình chính sách người có công với cách mạng: Vợ hoặc chồng, con liệt sỹ; thương binh (kể cả thương binh loại B được xác nhận từ 31/12/1993 trở về trước, nay gọi là quân nhân bị tai nạn lao động); người hưởng chính sách như thương binh, mất sức lao động 21% trở lên (gọi chung là thương binh); vợ (chồng), con của thương binh; con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được thưởng huân, huy chương kháng chiến.

- Lao động là người dân tộc thiểu số; lao động thuộc hộ nghèo; lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; lao động thuộc hộ cận nghèo.

3. Nội dung hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

a) Mức hỗ trợ không hoàn lại các khoản chi phí.

- Học nghề ngắn hạn, tối đa không quá 3 triệu đồng/người/khóa học không quá 12 tháng (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế).

- Học ngoại ngữ, tối đa không quá 3 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng khóa học và thời gian học thực tế).

- Bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức 530.000 đồng/người/khóa.

- Tiền ăn cho người lao động trong thời gian thực tế học: Mức chi tương đương mức quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học từ 10 km trở lên đối với các xã đặc biệt khó khăn và 15 km trở lên đối với xã khác. Mức hỗ trợ theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng tại thời điểm thanh toán hoặc theo mức khoán 3.000 đồng/km nhưng tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 400.000 đồng/lao động.

- Chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm: hộ chiếu, visa, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp theo mức quy định hiện hành của Nhà nước.

- Đối với lao động thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết bằng 70% mức nêu trên.

* Số lần được hỗ trợ: Người lao động chỉ được hỗ trợ một lần các khoản chi phí theo quy định tại các khoản nêu trên.

b) Hỗ trợ cho vay.

- Điều kiện vay vốn. Phải đủ các điều kiện sau:

Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi Ngân hàng chính sách xã hội cho vay; có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vay cư trú về việc người vay thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp, đối tượng chính sách không thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú quản lý thì người vay có thể xuất trình giấy tờ để chứng minh (như thẻ thương binh, giấy chứng nhận, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo,...) để Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú có cơ sở xác nhận; được bên tuyển dụng chính thức tiếp nhận đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

- Mục đích sử dụng vốn vay:

Vốn vay được sử dụng vào việc chi trả các chi phí, lệ phí hợp pháp cần thiết để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đã ký giữa bên tuyển dụng và người lao động gồm: phí đào tạo, phí tư vấn hợp đồng, phí đặt cọc, vé máy bay một lượt từ Việt Nam đến nước mà người lao động tới làm việc, chi phí cần thiết khác tại hợp đồng lao động.

- Mức cho vay tối đa:

Mức cho vay cụ thể đối với từng người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được xác định căn cứ vào nhu cầu vay vốn của người vay để chi phí đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng tuyển dụng, khả năng trả nợ của người vay và khả năng nguồn vốn ủy thác của ngân sách tỉnh chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/người đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho vay bổ sung

- Thời hạn vay:

Việc xác định thời hạn cho vay được căn cứ vào thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng tuyển dụng và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa không quá thời hạn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

- Lãi suất cho vay:

Lãi suất cho vay theo quy chế cho vay xuất khẩu lao động Ngân hàng chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ (hiện nay là 0,6%/tháng; Lãi suất nợ quá hạn 0,78%/tháng).

4. Huy động nguồn lực hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Mỗi năm Đề án sẽ hỗ trợ kinh phí cho tối đa 80 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự toán ngân sách sẽ phân bổ hàng năm từ các nguồn:

a) Nguồn ngân sách tỉnh

- Hỗ trợ không hoàn lại tối đa 9.338.000 đồng/lao động.

- Hỗ trợ cho vay bổ sung phần chênh lệch giữa mức cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội so với mức chi phí môi giới của các Công ty xuất khẩu lao động nhưng tối đa 50.000.000 đồng/ lao động.

b) Nguồn Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm - Dạy nghề) được Trung ương phân bổ hàng năm.

- Hỗ trợ không hoàn lại tối đa 9.338.000 đồng/lao động.

- Hỗ trợ cho vay tối đa 30.000.000 đồng/lao động (từ nguồn vốn Trung ương của Ngân hàng chính sách xã hội).

5. Thời gian thực hiện: Thời gian thực hiện Đề án là 07 năm (từ năm 2014 đến hết năm 2020).

Điều 2. Trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị liên quan

1. Sở Tài chính.

- Trên cơ sở dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh:

+ Bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh cho Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (phần chênh lệch giữa nhu cầu thực tế với phần kinh phí từ Dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề) để thực hiện các chính sách hỗ trợ không hoàn lại đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

+ Bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn; thực hiện kiểm tra kết quả tạo lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng chính sách xã hội.

- Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Trực tiếp tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ không hoàn lại đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm: tiền ăn, tiền đi lại, học phí học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp.

- Kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các Công ty xuất khẩu lao động trong việc thực hiện hợp đồng đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

- Quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đúng quy định của pháp luật.

- Quyết toán kinh phí với Sở Tài chính và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

3. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.

- Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện ủy thác cho vay.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng theo văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng chính sách xã hội.

4. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh.

- Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ủy thác của ngân sách tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quyết định này (có xây dựng đề án tổ chức thực hiện cụ thể).

- Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ vay theo quy định.

- Định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả tình hình tạo lập, quản lý, sử dụng nguồn vốn ủy thác của ngân sách tỉnh trước ngày 15/01 của năm sau.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Trà Vinh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Trà Vinh; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đồng Văn Lâm