Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 22 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THIẾT CHẾ VĂN HÓA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 về việc phê duyệt phát triển Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật) giai đoạn 2012-2020;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2013/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy hoạch thiết chế Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan khác;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 783/SVHTTDL-KHTC ngày 08 tháng 05 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thiết chế Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm quy hoạch

a) Từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

b) Quy hoạch thiết chế văn hóa phải gắn với Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đến năm 2020, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương và quy hoạch phát triển ngành.

c) Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và phát huy các thiết chế văn hóa để phục vụ nhân dân.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Mục tiêu chung:

Xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế tương xứng với vị thế của tỉnh và xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa; kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, mang đậm bản sắc văn hóa Huế, đảm bảo các điều kiện để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn từ 2013 - 2020:

+ Trên địa bàn tỉnh có đủ các thiết chế văn hóa hiện đại, có quy mô xứng tầm trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và phù hợp với tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Phấn đấu 90 - 100% huyện, thị xã, thành phố Huế có nhà văn hóa và thư viện.

+ Phấn đấu 55 - 60% số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa.

+ Phấn đấu 75 - 80% số làng, thôn, bản có nhà văn hóa.

- Giai đoạn 2021 - 2030:

+ Phấn đấu 80 - 90% các công trình lớn được đầu tư xây dựng.

+ Phấn đấu 95 - 100% số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa.

+ Phấn đấu 95 - 100% làng, thôn, bản có nhà văn hóa.

3. Định hướng quy hoạch theo chuyên ngành

a) Quy hoạch hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày:

- Phấn đấu giai đoạn 2013 - 2020: đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung, Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu, Khu trưng bày ngoài trời di tích Cồn Ràng (thị xã Hương Trà). Khuyến khích hình thành hệ thống các bảo tàng tư nhân.

- Giai đoạn 2021 - 2030: xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Khu trưng bày thành cổ Hóa Châu (huyện Quảng Điền), Nhà trưng bày xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền), Nhà trưng bày ngư cụ (huyện Phú Vang).

b) Quy hoạch hệ thống trung tâm văn hóa và nhà văn hóa:

- Giai đoạn 2013 - 2020: đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh thành Trung tâm tổ chức hội nghị, biểu diễn hiện đại; xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao các huyện Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền; xây dựng hệ thống nhà văn hóa cấp xã và nhà văn hóa ở làng, thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra.

- Giai đoạn 2021 - 2030: đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao Khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô; Nhà văn hóa khu đô thị An Vân Dương; tiếp tục xây dựng mới và tu sửa hệ thống nhà văn hóa cấp xã, nhà văn hóa ở làng, thôn, bản đạt mục tiêu đề ra.

c) Quy hoạch hệ thống thư viện:

- Giai đoạn 2013 - 2020: đầu tư nâng cấp Thư viện huyện Quảng Điền (Thư viện Nguyễn Chí Thanh); đầu tư phát triển Thư viện Tổng hợp tỉnh thành Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia; Thư viện cố đô (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế); các Thư viện huyện Nam Đông, thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Khuyến khích hình thành hệ thống thư viện tư nhân trên địa bàn tỉnh.

- Giai đoạn 2021 - 2030: đầu tư xây dựng hoàn thành Thư viện Huế (Bắc sông Hương), Thư viện Khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô, Thư viện huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới.

d) Quy hoạch hệ thống nhà hát:

- Giai đoạn 2013 - 2020: nâng cấp, đảm bảo yêu cầu hoạt động của các nhà hát hiện có như: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế; đầu tư xây dựng hoàn thành Trung tâm giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tỉnh, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật - Học viện Âm nhạc Huế.

- Giai đoạn 2021 - 2030: đầu tư xây dựng hoàn thành Nhà hát thực nghiệm trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Nhà hát khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô; Nhà hát múa rối cố đô Huế theo hình thức xã hội hóa.

đ) Quy hoạch hệ thống nhà triển lãm:

Giai đoạn 2013 - 2020: thực hiện Quy hoạch xây dựng Nhà triển lãm nghệ thuật tại một số huyện, thị xã.

e) Quy hoạch hệ thống các đơn vị đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật:

- Giai đoạn 2013 - 2020: tập trung đầu tư nâng cấp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế thành Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Huế; thực hiện liên kết với các trường đại học trong cả nước đào tạo về văn hóa mở các phân viện đào tạo tại Huế như Phân viện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Phân viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

- Giai đoạn 2021 - 2030: tiếp tục liên kết với các trường đại học trong cả nước đào tạo về văn hóa mở các phân viện đào tạo tại Huế như: Phân viện Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm; Trung tâm Quốc sử; Phân viện Trường Cao đẳng Múa Việt Nam.

ê) Quy hoạch hệ thống điện ảnh:

- Giai đoạn 2013 - 2020: tập trung đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa Trung tâm Điện ảnh Thừa Thiên Huế và Rạp chiếu phim Đông Ba; hình thành Hãng phim Cố đô Huế theo hình thức xã hội hóa; xây dựng một số phòng chiếu phim tại các huyện, thị xã trong các Trung tâm văn hóa.

- Giai đoạn 2021 - 2030: đầu tư Trung tâm Giải trí điện ảnh phía Bắc thành phố Huế, Trung tâm Giải trí điện ảnh khu đô thị mới An Vân Dương, Trung tâm Giải trí điện ảnh Khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô theo hình thức xã hội hóa và xây dựng một số phòng chiếu phim tại các huyện, thị xã trong các Trung tâm văn hóa.

g) Quy hoạch hệ thống quảng trường, công viên:

- Giai đoạn 2013 - 2020: tập trung đầu tư phát triển hệ thống Quảng trường, công viên trung tâm thị xã Hương Trà; xây dựng Quảng trường Công viên Bắc Ngự Bình; Quảng trường phía Nam thành phố Huế; Công viên Văn hóa Vọng Cảnh; Công viên cây xanh dọc sông Ngự Hà; Công viên vườn Ngự uyển Tịnh Tâm; Quảng trường - Công viên trung tâm thị xã Hương Thủy; Quảng trường - Công viên Phú Đa (huyện Phú Vang); Quảng trường - Công viên trung tâm các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông; hệ thống công viên các khu công nghiệp, thương mại.

- Giai đoạn 2021 - 2030: tiếp tục đầu tư xây dựng Quảng trường, công viên Bắc Ngự Bình; đầu tư xây dựng Công viên trung tâm khu đô thị mới An Vân Dương; Quảng trường - Công viên trung tâm thị trấn Thuận An; Quảng trường - Công viên trung tâm khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô; Tượng đài, công viên khu vực khu di tích lịch sử cách mạng chiến khu Dương Hòa (thị xã Hương Thủy); hệ thống quảng trường, công viên, vườn hoa tại các trung tâm huyện, thị xã, thành phố, khu công nghiệp, thương mại.

h) Quy hoạch hệ thống tượng đài, vườn tượng:

- Giai đoạn 2013 - 2020: đầu tư xây dụng mới hệ thống Tượng đài 11 cô gái sông Hương; Vườn tượng Bắc Ngự Bình; đầu tư xây dựng Tượng đài Huyền Trân công chúa; Tượng đài biểu tượng Huế.

- Giai đoạn 2021 - 2030: hình thành Vườn tượng và Tượng đài các danh nhân.

i) Quy hoạch hệ thống dịch vụ văn hóa:

- Giai đoạn 2013 - 2020: đầu tư xây dựng Trung tâm tổ chức sự kiện và triển lãm; phát triển hệ thống dịch vụ văn hóa theo hướng xã hội hóa. Chú trọng xây dựng các cơ sở dịch vụ văn hóa chất lượng cao tại thành phố Huế, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô.

Trong giai đoạn từ 2013 - 2020: căn cứ vào khả năng ngân sách và huy động các nguồn lực khác ưu tiên đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm: Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế; Trung tâm Điện ảnh Thừa Thiên Huế; Nâng cấp, mở rộng Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh thành Trung tâm tổ chức hội nghị, biểu diễn hiện đại; Phát triển Thư viện Tổng hợp thành Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia; Trung tâm giao lưu biểu diễn nghệ thuật Huế; Nâng cấp trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế; Quảng trường Công viên Bắc Ngự Bình; Tượng đài 11 cô gái sông Hương; Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Nam Đông.

4. Giải pháp thực hiện

a) Triển khai quy hoạch thiết chế văn hóa phải đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng), quy hoạch sử dụng đất toàn vùng và các quy hoạch khác, tạo sự phát triển đồng bộ, ổn định và bền vững. Các cấp chính quyền quan tâm dành quỹ đất hợp lý để xây dựng các thiết chế văn hóa tại địa phương.

b) Nâng cao năng lực quản lý hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục phân cấp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật; thực hiện đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

c) Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp về hoạt động văn hóa và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, tạo chuyển biến về lượng và chất trong mọi hoạt động và phong trào tương xứng với vị thế của tỉnh và của trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.

d) Tăng cường đầu tư nguồn lực, thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình, dự án để đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đảm bảo thực hiện mục tiêu của đề án; đẩy mạnh công tác xã hội hóa thu hút các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực văn hóa và các hoạt động văn hóa.

5. Kinh phí thực hiện

- Ngân sách Trung ương.

- Ngân sách địa phương (được cấp hàng năm theo quy định hiện hành đảm bảo việc thực hiện các nội dung theo Quy hoạch được duyệt).

- Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương lập kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch theo các nội dung đã được phê duyệt; hướng dẫn, lồng ghép Quy hoạch với các đề án, dự án về văn hóa - xã hội, kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đến năm 2020. Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tiến độ thực hiện quy hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn hàng năm để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa theo quy hoạch được duyệt.

3. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn hàng năm để đầu tư trang thiết bị về văn hóa nghệ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ, hoạt động văn hóa; thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chế độ, chính sách và định mức chi hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa, chế độ cho văn nghệ sĩ...

4. Sở Xây dựng thẩm định, trình phê duyệt phương án kiến trúc các thiết chế văn hóa tiêu biểu, phù hợp điều kiện và hoàn cảnh của mỗi vùng, miền, địa phương, đảm bảo thuận lợi cho nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nhu cầu sử dụng đất để xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp với quy hoạch được duyệt.

6. Sở Nội vụ thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa theo quy định.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế căn cứ Quy hoạch được duyệt để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo phân cấp; chủ động huy động kịp thời các nguồn lực để phát triển các thiết chế văn hóa trên địa bàn.

8. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, Trung tâm Festival Huế, các cơ quan chuyên ngành, các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đóng trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Quy hoạch; đồng thời, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa theo Quy hoạch được duyệt

9. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực để thực hiện Quy hoạch theo mục tiêu đề ra.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể trực thuộc tham gia thực hiện và đóng góp các nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh theo Quy hoạch được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TVTU;
- TT.HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT các PCT UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- VP: PCVP và CV;
- Lưu VT, VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/2013/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 20/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản