Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2012/QĐ-UBND | Ninh Thuận, ngày 25 tháng 4 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 4165/QĐ-BTP ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp năm 2012;
Thực hiện Kế hoạch số 4079/KH-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 390/TTr-STP ngày 04 tháng 4 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lý lịch tư pháp và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012 - 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐỂ QUẢN LÝ LÝ LỊCH TƯ PHÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN VÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC THUỘC SỞ TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2012/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐỂ QUẢN LÝ LÝ LỊCH TƯ PHÁP VÀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC
1. Cơ sở pháp lý
a) Luật Lý lịch tư pháp năm 2009; Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (viết tắt Nghị định 111/2010/NĐ-CP);
b) Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;
c) Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;
d) Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (viết tắt Quyết định 2369/QĐ-TTg);
đ) Quyết định số 4165/QĐ-BTP ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp năm 2012;
e) Quyết định số 34/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp cấp huyện, công tác Tư pháp cấp xã, công tác pháp chế của các sở, ban, ngành;
g) Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận;
h) Thực hiện Kế hoạch số 4079/KH-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
2. Cơ sở thực tiễn
a) Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản. (khoản 1, Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp).
Trong thực tiễn cuộc sống hiện nay và yêu cầu của pháp luật cho thấy, việc quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu của cá nhân để chứng minh nhân thân tư pháp hình sự của mình trong những trường hợp cần thiết. Vì phiếu lý lịch tư pháp được coi là một trong những giấy tờ để chứng minh cá nhân có hay không có án tích khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Do vậy, tại Điều 3 Luật Lý lịch tư pháp đã nêu mục đích công tác quản lý Lý lịch tư pháp nhằm:
- Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích; có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản.
- Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.
- Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.
- Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Thời gian 04 năm gần đây, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân trên địa bàn tỉnh theo Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08 tháng 02 năm 1999 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an quy định cấp phiếu lý lịch tư pháp, đã cấp 2.422 trường hợp (năm 2008: 500 trường hợp; năm 2009: 552 trường hợp; năm 2010: 795 trường hợp và năm 2011: 675 trường hợp). Dự báo trong thời gian đến việc thu hút đầu tư theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn từ đây đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân sẽ tăng cao;
c) Luật Lý lịch tư pháp đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp, trong đó quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp. Bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất phương tiện làm việc cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương; triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; …” (khoản 5 Điều 9 Luật Lý lịch tư pháp);
d) Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Nhiệm vụ cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được quy định tại Quyết định số 34/2011/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận và Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp cấp huyện, công tác tư pháp cấp xã; công tác pháp chế của các sở, ban, ngành;
đ) Tại điểm 7, mục I, phần thứ III Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, quy định: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp xác định biên chế cần bổ sung, bố trí cho Phòng Hành chính - Tư pháp và Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp; … bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Đề án tại địa phương, kinh phí và các điều kiện về cơ sở vật chất cho Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp; chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp” và thực hiện điểm 3 ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan, Mục II của Quyết định số 4165/QĐ-BTP ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp năm 2012; ngày 16 tháng 01 năm 2012 Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp có văn bản số 359/BTP-CNTT về việc triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý lý lịch tư pháp cho các Sở Tư pháp. Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận đã cập nhật, bước đầu làm quen trong việc sử dụng phần mềm vào công tác quản lý (nhập thông tin lý lịch tư pháp);
e) Theo quy định tại Điều 25 Luật Lý lịch tư pháp về hình thức cung cấp thông tin tư pháp về án tích: thông tin lý lịch tư pháp về án tích được gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc qua mạng internet, mạng máy tính.
Từ các căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu để quản Lý lịch tư pháp và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp giai đoạn 2012 - 2015 là rất cần thiết.
II. Mục tiêu và quan điểm chỉ đạo
1. Mục tiêu
a) Việc xây dựng Đề án quản lý cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp nhằm bảo đảm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp; Nghị định 111/2010/NĐ-CP;
b) Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh theo nội dung Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp Quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và Quyết định số 4165/QĐ-BTP ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp năm 2012.
2. Quan điểm chỉ đạo.
a) Đúng với các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước;
b) Đáp ứng yêu cầu về cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân. Đây là nhiệm vụ phải tập trung ưu tiên trong các nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước về quản lý lý lịch tư pháp;
c) Phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả hoạt động trong quản lý, sử dụng tối đa khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
I. Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lý lịch tư pháp
Quản lý lý lịch tư pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của cá nhân chứng minh nhân thân tư pháp hình sự của mình trong trường hợp cần thiết; ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng; đồng thời góp phần phục vụ công tác quản lý nhân sự của các cơ quan, tổ chức; phục vụ hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và thống kê tư pháp hình sự.
Để bảo đảm thực hiện yêu cầu trên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cơ sở dữ liệu khác của các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan là cần thiết. Do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện đầy đủ, chính xác.
Thời gian từ năm 2012 đến năm 2015.
1. Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Sở Tư pháp bố trí phòng lưu trữ hồ sơ riêng và các thiết bị, phương tiện khác, bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và công tác lưu trữ an toàn, lâu dài phục vụ cho việc tra cứu chính xác, kịp thời.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và thời gian thực hiện.
Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước nhằm bảo đảm các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện qua cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sử dụng phần mềm quản lý lý lịch tư pháp của Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tư pháp để phục vụ việc cung cấp, trao đổi và tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp chính xác nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan, tổ chức và công dân; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; được thực hiện theo giai đoạn đầu tư sau đây để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất cho lưu trữ tài liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp:
a) Giai đoạn: từ năm 2012 - 2013: hạ tầng kỹ thuật: máy chủ, máy vi tính, máy in, máy photocopy, xây dựng phòng lưu trữ, tủ chuyên dụng, các phương tiện khác bảo đảm cho việc lưu trữ và trang bị máy vi tính cho các cơ quan Tư pháp tỉnh (Công an tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án tỉnh). Trị giá kinh phí thực hiện 950 triệu đồng, có dự án phê duyệt riêng;
b) Giai đoạn 2: từ 2013 - 2014: trang bị máy vi tính cho 05 cơ quan thuộc 7 huyện, thành phố (bao gồm Phòng Tư pháp, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và Chi cục Thi hành án dân sự). Trị giá kinh phí thực hiện 350 triệu đồng, có dự án riêng;
c) Giai đoạn 3: từ 2014 - 2015: trang bị máy vi tính cho các xã, phường, thị trấn. Trị giá kinh phí thực hiện 650 triệu đồng, có dự án phê duyệt riêng;
d) Mở lớp tập huấn: cho các đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương (03 lớp) liên quan trong việc thực hiện phần mềm trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp. Trị giá kinh phí thực hiện 250 triệu đồng, có kế hoạch tỉnh mở lớp riêng.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là: 2.200.000.000 đồng (hai tỷ, hai trăm triệu đồng). Đối với các đơn vị do Trung ương quản lý đề nghị đơn vị tranh thủ nguồn vốn Trung ương để trang bị.
II. Kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp
Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương; đồng thời thực hiện chức năng xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của tỉnh.
1. Chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp
Sở Tư pháp là trung tâm tích hợp dữ liệu lý lịch tư pháp của tỉnh, có nhiệm vụ thực hiện các công việc: tiếp nhận thông tin; kiểm tra, phân loại, xử lý thông tin; lập lý lịch tư pháp, cấp Phiếu lý lịch tư pháp; cung cấp lý lịch tư pháp và thông tin bổ sung cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương, thể hiện:
1.1. Thông tin đầu vào
a) Tiếp nhận thông tin
Sở Tư pháp tỉnh tiếp nhận các loại thông tin lý lịch tư pháp từ Toà án nhân dân huyện, thành phố, tỉnh; cơ quan Thi hành án dân sự; các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi toàn tỉnh và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, 62 Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, cụ thể:
- Trích lục bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, trích lục bản án hình sự phúc thẩm; trích lục quyết định tuyên bố phá sản do Toà án cung cấp.
- Các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự; quyết định ân giảm hình phạt tử hình; quyết định thi hành án hình sự; quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù; quyết định xoá án tích; giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích; quyết định miễn chấp hành hình phạt; quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước; quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù do Toà án cung cấp.
- Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ; phạt tù cho hưởng án treo và các hình phạt bổ sung do cơ quan, tổ chức khác cung cấp.
- Quyết định thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án; quyết định đình chỉ thi hành án, giấy chứng nhận kết quả thi hành án, văn bản thông báo kết thúc thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp.
- Thông tin lý lịch tư pháp do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cung cấp, gồm: giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù; giấy chứng nhận đặc xá, đại xá; quyết định thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án; quyết định đình chỉ thi hành án; giấy chứng nhận kết quả thi hành án; văn bản thông báo kết thúc thi hành án.
- Thông tin lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác cung cấp.
- Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên; giấy chứng tử theo khoản 2 Điều 16 Nghị định số 111/NĐ-CP, khoản 2 Điều 18 Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND.
- Quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù của Viện Kiểm sát tỉnh, trong trường hợp Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh ký quyết định.
b) Kiểm tra, phân loại, xử lý thông tin lý lịch tư pháp
Sau khi tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp nêu trên, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, phân loại, xử lý thông tin lý lịch tư pháp theo quy trình sau: đối với thông tin lý lịch tư pháp của người đang cư trú trong tỉnh thì Sở Tư pháp cập nhật, xử lý thông tin và đưa vào lưu trữ trong cơ sở dữ liệu, cụ thể:
- Các trích lục bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, trích lục bản án hình sự phúc thẩm; trích lục quyết định tuyên bố phá sản do Toà án cung cấp; tiến hành lập lý lịch tư pháp của đương sự sau khi đã kiểm tra, bảo đảm đầy đủ, chính xác, rõ ràng các thông tin về nhân thân của đương sự và các thông tin về lý lịch tư pháp (trường hợp bị kết án lần đầu). Trường hợp người bị kết án từ lần thứ hai trở lên (đã có bản án lý lịch tư pháp trước đó đã lập tại Sở Tư pháp) thì Sở Tư pháp sẽ tích hợp các thông tin lý lịch tư pháp của bản án tiếp theo vào lý lịch tư pháp đã có.
- Các thông tin lý lịch tư pháp bổ sung liên quan đến quá trình thi hành bản án thì Sở Tư pháp cập nhật các thông tin bổ sung đó vào lý lịch tư pháp của đương sự.
- Đối với thông tin lý lịch tư pháp của người bị kết án có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) thuộc tỉnh khác, Sở Tư pháp sẽ gởi thông tin đó đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đương sự cư trú. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị kết án thì Sở Tư pháp gửi thông tin lý lịch tư pháp của người bị kết án đó đến Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia;
c) Lưu trữ và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
- Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tập hợp các thông tin về án tích, tình trạng thi hành án; về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản; được xây dựng và quản lý tại Sở Tư pháp theo quy định tại Điều 11 Luật Lý lịch tư pháp, bao gồm hồ sơ lý lịch bằng văn bản (bằng giấy A4) và dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP xác định: “Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tài sản quốc gia phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài”.
+ Hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản (bằng giấy) bao gồm các loại văn bản có chứa thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan, tổ chức gửi cho Sở Tư pháp nêu tại tiết a, điểm 1.1, khoản 1, mục 1, phần II nội dung đề án và lý lịch tư pháp của cá nhân do Sở Tư pháp lập.
+ Dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử bao gồm những thông tin lý lịch tư pháp có trong hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản đã được chuyển sang dữ liệu điện tử.
- Việc lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản theo nguyên tắc phân loại, xếp thành hồ sơ của từng cá nhân, có mã số riêng thuận tiện cho việc tra cứu và được lưu trữ tại Sở Tư pháp đến khi cá nhân không còn hiện hữu (đã chết).
- Việc lưu trữ dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản, có cấu trúc phù hợp, đúng với nội dung của hồ sơ bằng giấy và được lưu trữ vô thời hạn tại Sở Tư pháp (không hạn chế về thời gian).
Để việc lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được tốt, phải có quy chế bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài phục vụ cho việc khai thác, đáp ứng nhu cầu cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
1.2. Thông tin đầu ra
a) Cung cấp bản Lý lịch tư pháp và thông tin lý lịch tư pháp bổ sung đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
b) Gửi thông tin lý lịch tư pháp đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đương sự cư trú; nếu không xác định được nơi cư trú của đương sự thì gửi thông tin đó đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
c) Cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp; Nghị định số 111/2010/NĐ-CP.
2. Chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương.
a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp;
b) Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của tỉnh;
c) Kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp;
d) Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và quản lý lý lịch tư pháp;
đ) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp.
3. Tổ chức bộ máy quản lý lý lịch tư pháp Sở Tư pháp: để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và chức năng quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp giao nhiệm vụ này cho phòng Hành chính - Tư pháp thuộc Sở, bố trí ít nhất 03 công chức chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp để giúp Giám đốc thực hiện chức năng quản lý về lý lịch tư pháp ở địa phương.
1. Xây dựng thể chế: nhằm bảo đảm công tác quản lý lý lịch tư pháp có hiệu quả, đạt chất lượng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là công việc mang tính chuyên môn sâu và phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan như: Toà án, Viện Kiểm sát, Công an và Tư pháp. Trong khi chưa có văn bản liên tịch của các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn về cung cấp, trao đổi và tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp. Các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình theo Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Trường hợp có quy định mới (văn bản hướng dẫn liên tịch của Bộ, ngành Trung ương) về cung cấp, trao đổi và tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện theo thẩm quyền.
2. Kiện toàn Phòng Hành chính - Tư pháp
Theo Kế hoạch số 4079/KH-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được thực hiện như sau:
a) Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu biên chế hành chính đối với Phòng Hành chính - Tư pháp thuộc Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ lý lịch tư pháp theo quy định;
b) Công chức thực hiện công tác lý lịch tư pháp phải có trình độ về pháp luật, được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về lý lịch tư pháp, chú trọng công chức có trình độ tin học cao để quản lý, sử dụng, phát triển phần mềm ứng dụng phục vụ xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
1. Sở Tư pháp có nhiệm vụ
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện Đề án;
b) Kiện toàn công tác tổ chức phòng Hành chính - Tư pháp thuộc Sở, bố trí đủ biên chế cho lĩnh vực quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, thẩm định hạ tầng kỹ thuật về cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu dự lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp;
d) Phối hợp với Sở Nội vụ tuyển chọn, đào tạo công chức tin học có trình độ cao và bố trí đào tạo thêm về luật (công chức chỉ có trình độ tin học) để quản lý, sử dụng và phát triển phần mềm ứng dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp ở địa phương;
đ) Phối hợp với Sở Tài chính trong việc lập kinh phí thực hiện Đề án và kinh phí hàng năm bảo đảm hoạt động thường xuyên cho công tác quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp;
e) Bố trí đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về lý lịch tư pháp cho công chức đảm nhận công tác lý lịch tư pháp.
2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp về việc kiện toàn phòng Hành chính - Tư pháp; tuyển chọn, đào tạo công chức có trình độ tin học cao để bố trí thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng và khai thác phần mềm ứng dụng tại Sở Tư pháp.
3. Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định phương án xây dựng hạ tầng kỹ thuật quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Sở Tài chính xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ ngân sách và hướng dẫn sử dụng thực hiện kinh phí cho Đề án (khi Đề án được ban hành).
5. Sở Tài chính bảo đảm ngân sách Nhà nước để cấp kinh phí cho việc thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và công tác quản lý Nhà nước về lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
6. Công an tỉnh chỉ đạo, triển khai cho các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị và Công an các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh và triển khai thực hiện đề án này về kết nối công nghệ thông tin phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp để cấp phiếu lý lịch tư pháp.
7. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh triển khai cho bộ phận nghiệp vụ và Viện Kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ theo Điều 12; điểm b, khoản 1, Điều 19 của quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh và triển khai thực hiện đề án này về kết nối công nghệ thông tin phục vụ trong việc phối hợp xác minh, cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
8. Toà án nhân dân tỉnh triển khai cho bộ phận nghiệp vụ và Toà án nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh và triển khai thực hiện Đề án này về kết nối công nghệ thông tin phục vụ cung cấp, rà soát, xác minh thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
9. Cục Thi hành án tỉnh triển khai cho bộ phận chuyên môn nghiệp vụ và Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 60/2011/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh và kết hợp thực hiện Quyết định số 4165/QĐ-BTP ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp năm 2012 với Đề án này về kết nối công nghệ thông tin phục vụ cho việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tư pháp và chỉ đạo cho phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã trong việc triển khai thực hiện Đề án này để phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương nhằm cung cấp, phối hợp xác minh thông tin lý lịch tư pháp của cá nhân có án tích cư trú tại địa phương.
11. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn bố trí công chức chuyên trách hộ tịch để giúp Ủy ban nhân dân trong việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương theo quy định của pháp luật hộ tịch trong việc sử dụng phần mềm hộ tịch sẽ được triển khai trong thời gian đến để phục vụ trong việc cung cấp thông tin liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách tỉnh và nguồn ngân sách ngành Trung ương cấp theo khoản 2, mục I, Phần II Đề án này theo Luật Ngân sách Nhà nước./.
- 1Quyết định 43/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp cung cấp, xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc
- 2Quyết định 29/2015/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 1Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 2Thông tư liên tịch 07/1999/TTLT-BTP-BCA quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp - Bộ Công an ban hành
- 3Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 6Luật Lý lịch tư pháp 2009
- 7Quyết định 1605/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 111/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp
- 9Quyết định 2369/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 4165/QĐ-BTP năm 2011 về Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
- 11Quyết định 34/2011QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận
- 12Công văn 359/BTP-CNTT triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành
- 13Quyết định 401/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở, Phòng Tư pháp cấp huyện, công tác tư pháp cấp xã, pháp chế Sở, ban, ngành do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 14Kế hoạch 4079/KH-UBND năm 2011 triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 15Quyết định 60/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp liên ngành về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 16Quyết định 43/2011/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp cung cấp, xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc
- 17Quyết định 29/2015/QĐ-UBND về Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Quyết định 20/2012/QĐ-UBND về Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lý lịch tư pháp và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2012 - 2015
- Số hiệu: 20/2012/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/04/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Nguyễn Đức Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra