Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1988/2017/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 12 tháng 06 năm 2017 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH THANH HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 501/TTr-STNMT ngày 03/5/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Báo cáo thẩm định số 124/BCTĐ-STP ngày 25/4/2017 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2017.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1988/2017/QĐ-UBND ngày 12/06/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện
1. Phạm vi áp dụng
Quy định này quy định các biện pháp và điều kiện thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn;
Những nội dung không nêu trong Quy định này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sinh hoạt, sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
3. Nguyên tắc thực hiện
Quy định về vệ sinh môi trường nông thôn phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Quy định các loại công trình xử lý chất thải phải phù hợp với các vùng, miền khác nhau.
Điều 2. Quy định đối với công trình cung cấp nước sinh hoạt
1. Giếng đào tại các hộ gia đình
a) Thành giếng (tang giếng) phải được xây bằng gạch, đá hoặc bằng bê tông đúc sẵn, độ cao tối thiểu 0,6 mét;
b) Nắp giếng làm bằng các vật liệu đảm bảo chịu lực để che chắn đảm bảo an toàn và ngăn ngừa chất thải rơi xuống giếng;
c) Nền sân giếng phải được làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá có độ dốc không để nước thải đọng trên sân giếng và thẩm thấu xuống giếng. Xung quanh sân giếng phải có rãnh thu gom thoát nước thải ra hệ thống thoát nước chung.
d) Khoảng cách từ giếng đến nhà tiêu, chuồng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc các nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10 (mười) mét.
2. Giếng khoan tại các hộ gia đình:
a) Khi khoan giếng cần lựa chọn theo các điều kiện địa chất thủy văn tại vị trí khoan, kết cấu giếng có đường kính lỗ khoan không quá 60mm, lựa chọn phương pháp khoan. Vị trí đặt giếng cách nhà tiêu, chuồng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc các nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10 (mười) mét.
b) Kết cấu giếng bao gồm: ống chống, ống lọc và ống lắng. Để cách ly giếng khỏi bị nhiễm bẩn từ bề mặt đất xuống và các tầng ngậm nước không dùng đến bằng cách chèn xung quanh bên ngoài ống vách giếng lớp đất sét có độ sâu tối thiểu 1m, quanh miệng giếng lớp đất sét rộng 0,5m; tạo bệ giếng bằng bê tông M200 để nước bẩn không thấm vào giếng.
c) Bơm súc rửa giếng, bơm hút nước từ trong giếng ra ngoài khoảng 2 giờ cho đến khi thấy nước trong, không màu, không mùi vị lạ thì đưa vào sử dụng.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước sinh hoạt được lấy từ sông, suối, hồ, ao, nước tự chảy... phải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi sử dụng.
4. Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung
Công trình cấp nước tập trung từ nguồn nước mặt (sông, suối, hồ) hoặc nguồn nước ngầm phải được xử lý trước khi sử dụng. Tùy từng mục đích và nhu cầu sử dụng, cũng như đặc điểm nguồn nước, phải chọn những biện pháp khác nhau để xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi sử dụng như: phương pháp cơ học, phương pháp hóa lý hoặc các phương pháp đặc biệt khác.
Điều 3. Quy định đối với công trình thoát nước mưa, nước thải
1. Hộ gia đình
Mỗi hộ gia đình phải có hệ thống cống, rãnh thu gom và thoát nước mưa, nước thải vào hệ thống thoát nước chung của khu vực. Việc xây dựng cống, rãnh thoát nước phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Được xây dựng kiên cố, có kích thước, độ dốc đảm bảo tiêu thoát hết nước mưa, nước thải, không gây ứ đọng hoặc chảy tràn ra xung quanh (trừ trường hợp bất khả kháng như lũ, lụt).
b) Cống, rãnh phải có nắp đậy hoặc xây cống ngầm để hạn chế sự phát triển của ruồi, muỗi và mùi hôi, thối phát tán ra môi trường. Trước vị trí đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của khu dân cư phải có ít nhất 01 hố ga để lắng cặn và phải có song hoặc lưới chắn rác; nước thải sinh hoạt phải được xử lý trước khi thải ra hệ thống thoát chung của khu vực.
2. Khu dân cư tập trung
a) Mỗi khu dân cư tập trung phải có hệ thống tiêu thoát nước chung, không có tình trạng xả nước thải sinh hoạt chảy tràn gây ô nhiễm môi trường; có quy định cụ thể về lịch tổng vệ sinh, nạo vét, khơi thông cống rãnh, đảm bảo không ứ đọng nước thải.
b) Xây dựng hệ thống thoát nước mưa và thực hiện quản lý các công trình từ cửa thu nước mưa, các tuyến cống dẫn nước mưa khu vực, các kênh mương thoát nước chính và các trạm bơm chống úng ngập, cửa điều tiết...đến các điểm xả ra môi trường.
c) Xây dựng hệ thống thoát nước thải và thực hiện quản lý các điểm đấu nối, các tuyến cống thu gom, truyền dẫn đến khu xử lý nước thải và từ khu xử lý nước thải đến các điểm xả ra môi trường.
d) Các tuyến cống, mương, hố ga phải được nạo vét, duy tu, bảo trì định kỳ, bảo đảm dòng chảy theo thiết kế. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì nắp hố ga, cửa thu, cửa xả nước mưa. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng các tuyến cống, các công trình thuộc mạng lưới để đề xuất phương án thay thế, sửa chữa.
Điều 4. Quy định đối với nhà vệ sinh
1. Mỗi hộ gia đình, cơ quan, trường học, bệnh viện phải có nhà tiêu hợp vệ sinh (khuyến khích sử dụng nhà tiêu tự hoại hoặc nhà tiêu thấm dội) đảm bảo cô lập được phân người, ngăn không cho phân chưa được xử lý tiếp xúc với động vật, côn trùng; có khả năng tiêu diệt được các mầm bệnh có trong phân, không gây mùi khó chịu và làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhà vệ sinh phải đảm bảo về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu - điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh theo quy định tại Thông tư 27/2011/TT-BYT ngày 24/6/2011 của Bộ Y tế.
2. Vị trí xây dựng nhà tiêu phải cách xa nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tối thiểu từ 10m trở lên để đảm bảo vệ sinh và cảnh quan môi trường, không làm ô nhiễm đến môi trường xung quanh.
3. Nghiêm cấm việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu xả chất thải trực tiếp ra môi trường.
Điều 5. Quy định đối với thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
a) Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải có thùng hoặc túi đựng rác tại nhà và đưa đến địa điểm tập kết rác được quy định để tổ chức thu gom, vận chuyển đến khu xử lý tập trung. Trường hợp xã hoặc thôn chưa xây dựng khu xử lý rác tập trung, từng hộ gia đình phải có hố rác trong khuôn viên đất của gia đình được sử dụng để xử lý, chôn lấp. Hố rác phải được bố trí hợp lý đảm bảo vệ sinh không làm ảnh hưởng đến môi trường và các gia đình xung quanh.
b) Phân loại rác tại nguồn: Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại nguồn, gồm: Rác hữu cơ dễ phân hủy; rác thải khó phân hủy và được chia làm 2 loại là rác tái chế và không tái chế.
c) Tùy theo điều kiện cụ thể của xã, thôn thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường hay Tổ vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển rác thải về khu xử lý của địa phương.
d) Đối với những xã ở xa khu xử lý rác theo quy hoạch đã được phê duyệt, nên quy hoạch khu xử lý rác tập trung riêng.
đ) Đối với các xã có quy mô dân số và diện tích lớn, các thôn cách xa nhau, điều kiện vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung của xã còn khó khăn phải quy hoạch địa điểm xử lý rác riêng cho từng thôn.
2. Xử lý rác thải sinh hoạt
a) Tổ chức, hộ gia đình nằm trong vùng quy hoạch theo Quyết định số 3407/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 thì vận chuyển đến khu vực đó để xử lý.
b) Các thôn, bản thuộc vùng sâu vùng xa của các huyện miền núi cao thực hiện biện pháp xử lý tại hộ gia đình, nơi phát sinh nguồn thải bằng phương pháp chôn lấp. Hố chôn lấp phải được chống thấm nền, đáy; có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác đạt quy chuẩn môi trường, không để ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, nước ngầm; định kỳ thực hiện đầm nén, lấp phủ đất bề mặt; sử dụng men vi sinh, hóa chất khử trùng, khử mùi để tăng cường hiệu quả xử lý, giảm mùi hôi thối và côn trùng.
c) Trường hợp xã xây dựng khu vực chôn lấp rác thải tập trung, yêu cầu phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chôn lấp rác thải hợp vệ sinh (theo TCVN 261:2001 và TCVN 6691:2009): Hố chôn lấp phải được chống thấm nền, đáy; có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác đạt quy chuẩn môi trường, không để ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, nước ngầm; định kỳ thực hiện đầm nén, lấp phủ đất bề mặt; sử dụng men vi sinh, hóa chất khử trùng, khử mùi để tăng cường hiệu quả xử lý, giảm mùi hôi thối và côn trùng.
Điều 6. Quy định đối với hoạt động chăn nuôi
1. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên lô đất hộ gia đình (nếu có) phải đặt cách xa các nhà ở và đường đi chung ít nhất 20m, cuối hướng gió và phải có bể chứa phân, rác; phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
2. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung phải nằm cách biệt với khu nhà ở, đảm bảo khoảng cách an toàn sinh học từ trang trại chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người tối thiểu 500m, cách đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100 m.
3. Chuồng trại chăn nuôi phải xây dựng đạt các yêu cầu sau:
a) Chuồng được làm bằng nguyên vật liệu bền chắc; nền chuồng phải được lát gạch, đá, hoặc xi măng đảm bảo không để chất thải thẩm thấu xuống đất; có chuồng cách ly gia súc, gia cầm ốm, dịch bệnh.
b) Phải có rãnh thoát chất thải lỏng có độ dốc phù hợp, từ rãnh (cống) thu gom chất thải lỏng từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, dễ tiêu, thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác;
4. Xử lý chất thải chăn nuôi:
a) Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý, không xả, chảy tràn trên mặt đất gây ô nhiễm nguồn nước; hệ thống thu gom chất thải; mương rãnh thoát nước; bể lưu giữ, chứa phân, xử lý nước thải phải đảm bảo kín;
b) Xây dựng nhà ủ phân gia súc, gia cầm phải có mái che, tường bao che, nền nhà được láng xi măng chống thấm; rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng trong thời gian ủ để hạn chế côn trùng, ruồi muỗi. Đảm bảo thời gian ủ phân từ 3-4 tháng để tiêu diệt các mầm bệnh, trứng giun sán mới được sử dụng làm phân bón, không được sử dụng phân tươi làm phân bón hoặc nuôi cá để tránh lan truyền dịch bệnh ra bên ngoài;
c) Xây dựng chuồng nuôi cách ly đối với gia súc, gia cầm mới nhập về hoặc gia súc, gia cầm bị bệnh để phòng tránh dịch bệnh lây lan; xác gia súc, gia cầm bị bệnh chết phải được tiêu hủy hay chôn lấp theo quy định của ngành thú y.
d) Sử dụng các chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn để hạn chế mùi hôi thối; định kỳ sử dụng hóa chất khử trùng để vệ sinh chuồng trại; trồng cây xanh xung quanh trang trại;
đ) Các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình chăn nuôi phải có công trình xử lý chất thải (hầm biogas hoặc đệm lót sinh học) đảm bảo vệ sinh môi trường:
- Các trang trại có quy mô từ 1000 gia súc trở lên khuyến khích sử dụng hầm biogas để xử lý phân, nước thải chuồng trại chăn nuôi. Nước thải sau khi xử lý biogas phải tiếp tục được xử lý qua các bể lắng, bể lọc, ao sinh học trước khi thải ra môi trường.
- Các trang trại có quy mô dưới 1000 gia súc và chăn nuôi gia cầm khuyến khích sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi.
5. Phòng, chống dịch bệnh:
a) Phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm theo quy định của pháp luật về thú y và các quy định khác liên quan;
b) Trong quá trình chăn nuôi phát hiện động vật mắc bệnh, chết do bệnh hoặc có dấu hiệu bệnh thuộc Danh mục các bệnh nguy hiểm của động vật không được bán, giết mổ hoặc vứt ra môi trường mà phải cách ly và báo ngay cho nhân viên thú y hoặc cơ quan có thẩm quyền gần nhất để xử lý;
c) Khi có gia súc, gia cầm bị chết do bệnh thông thường phải được chôn lấp, tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật. Khu vực chôn lấp cách các nguồn nước sử dụng để sinh hoạt, cách nhà ở và các công trình công cộng ít nhất 50 mét;
6. Khuyến khích chăn nuôi tại các khu chăn nuôi tập trung, hạn chế chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình.
Điều 7. Quy định thu gom, xử lý chất thải đồng ruộng
1. Thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
a) Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bao gồm túi nilon, chai nhựa, chai thủy tinh...phải được thu gom ngay về các bể chứa bố trí trên các khu vực đồng ruộng. Tránh để tình trạng sau khi sử dụng (sau khi phun thuốc), người dân vứt bừa bãi trên đồng ruộng, bờ đường giao thông...gây ảnh hưởng đến mỹ quan và ô nhiễm môi trường đất, nước trong khu vực.
b) Bể chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng phải đặt tại các vị trí thích hợp, dung tích bể chứa khoảng 0,5÷1,0 m3 có nắp đậy kín, tối thiểu cứ 03 ha đất canh tác cây trồng hằng năm phải có 01 bể chứa hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
c) Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom vào các bể chứa để chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định của chất thải nguy hại.
d) Nghiêm cấm việc tráng, rửa các dụng cụ sử dụng để pha chế, phun hoặc chứa hóa chất bảo vệ thực vật ở các nguồn nước được dùng cho mục đích sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, vui chơi giải trí, thể thao, du lịch.
2. Thu gom, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất nấm ăn, sản xuất phân bón vi sinh, sản xuất viên đốt sinh học từ rơm rạ, thân cây, lõi ngô, vỏ lạc, vỏ trấu...Không đốt rơm rạ tại chỗ hoặc vứt tại bờ ruộng, lề đường giao thông gây khói bụi, ô nhiễm môi trường.
3. Chỉ được sử dụng các loại thuốc thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hằng năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của các tổ chức, cán bộ bảo vệ thực vật ở cơ sở.
Điều 8. Quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh
1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh
a) Các cơ sở phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường) đã được phê duyệt, xác nhận;
b) Cơ sở phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường. Trường hợp nước thải được dẫn về hệ thống xử lý tập trung của Cụm công nghiệp, làng nghề phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung đó.
c) Cơ sở phải có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn, phân loại chất thải rắn tại nguồn. Trường hợp trong quá trình sản xuất phát sinh chất thải rắn nguy hại thì phải đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và có biện pháp phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý theo quy định đối với chất thải rắn nguy hại.
d) Cơ sở phải có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải; không để rò rỉ, phát tán khí thải độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh và người lao động.
đ) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm xen lẫn trong khu dân cư mà không có giải pháp xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường phải có kế hoạch di chuyển vào cụm công nghiệp, làng nghề được quy hoạch của địa phương.
2. Chợ dân sinh
a) Chợ dân sinh phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường) đã được phê duyệt, xác nhận;
- Chợ dân sinh phải có Tổ vệ sinh, chịu trách nhiệm thu gom rác thải của chợ ngay sau mỗi buổi họp chợ, không để rác thải tồn đọng hoặc vứt bừa bãi bên ngoài khu vực chợ gây mất vệ sinh chung; bố trí khu vực chứa rác thải thuận tiện cho việc vận chuyển xử lý;
- Chợ phải có hệ thống tiêu thoát nước mặt, hố ga lắng cặn, không để rác thải làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước gây ứ đọng trong chợ; khu vực kinh doanh hàng tươi sống (thủy sản, gia cầm, thịt) phải bố trí hệ thống thu gom nước thải riêng và có công trình xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Điều 9. Quy định đối với làng nghề
1. Làng nghề phải có hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải riêng biệt, không gây sụt lở đất, lầy lội khu vực xung quanh.
2. Phải xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung; vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Định kỳ duy tu, bảo dưỡng hệ thống thu gom nước mưa; hệ thống xử lý nước thải.
3. Các cơ sở sản xuất trong làng nghề phải có hệ thống xử lý chất thải riêng trước khi thải vào hệ thống xử lý tập trung.
4. Làng nghề phải có khu tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, bố trí thiết bị đáp ứng yêu cầu thu gom chất thải, phù hợp với việc phân loại tại nguồn phục vụ cho việc xử lý tập trung.
5. Làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề phải có hồ sơ, thủ tục môi trường theo quy định.
Điều 10. Quy định đối với cơ sở chế biến thủy, hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm
1. Các cơ sở chế biến thủy, hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường) đã được phê duyệt, xác nhận;
2. Cơ sở phải có biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải; không để rò rỉ, phát tán khí thải độc hại, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh và người lao động.
3. Cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm phải được xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch chế biến thủy, hải sản, giết mổ gia súc, gia cầm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 11. Quy định xử lý chất thải do bão lụt
1. Xử lý chất thải khi bão lụt
a) Trường hợp lụt bão không dự trữ được nước sạch hoặc nước mưa phải xử lý nước giếng bằng phèn chua và khử trùng nước giếng bằng Cloramin B, đun sôi trước khi sử dụng;
b) Dựng các hố tiêu tạm trên các khu đất cao, cách xa nhà ở, xa nguồn nước. Trường hợp ở những chỗ các khu đất đều bị ngập thì có thể dùng các thùng, chậu, rổ, thúng,...lót nilon; trong đó, đổ tro, trấu để chứa tạm phân và đặt ở nơi cao ráo; sau khi nước lụt rút đem đi chôn ngay.
2. Xử lý chất thải sau bão lụt
a) Xử lý nước sinh hoạt
- Sau khi nước rút, khơi thông tất cả các vùng nước đọng xung quanh khu vực giếng, tháo bỏ nắp, nilon bịt miệng giếng, tiến hành thau rửa giếng và môi trường xung quanh, dùng bơm, gàu hút hết nước giếng ra ngoài; dùng phèn, thuốc khử trùng Cloramin B, đun sôi trước khi sử dụng cho ăn, uống.
- Nước sông, ao, hồ phải được xử lý bằng biện pháp làm trong bằng phèn hoặc lọc qua cát hoặc vải sạch, khử trùng trước khi sử dụng cho sinh hoạt, đun sôi trước khi sử dụng cho ăn, uống.
b) Xử lý phân rác và xác súc vật
- Nước rút đến đâu phải huy động nhân dân làm vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, lấp vùng trũng nước đọng, tổ chức lực lượng thu gom rác, đào hố chôn lấp hoặc vận chuyển đến bãi rác tập trung của khu vực để xử lý đến đó;
- Cần quy tập xác súc vật chết về một chỗ và tiến hành chôn chung trong phạm vi từng thôn. Vị trí chôn xác súc vật chết ở những nơi cao ráo ngoài đồng, xa các nguồn nước, đào hố sâu (kích thước hố tùy thuộc vào số lượng động vật chết quy tập được; chiều sâu tối thiểu của hố là 1,5m, lớp đất phủ lên trên xác súc vật phía trên cũng ít nhất là 0,6m). Xác súc vật chết cho vào trong bao được rạch thủng, xếp các bao thành từng lớp, cứ mỗi lớp xếp xong lại rải vôi bột lên trên trước khi xếp lớp khác, lèn đất chặt, chiều dày lớp đất từ 0,6m trở lên, đất đắp trên mặt hố phải cao hơn bề mặt đất xung quanh tối thiểu 0,2m.
- Nơi có súc vật chết sau khi chuyển đi phải được khử trùng bằng vôi bột hoặc Cloramin B.
3. Phòng chống dịch bệnh cho người
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
- Ăn chín, uống chín, không ăn thức ăn đã bị nhiễm khuẩn,...
- Đối với gia đình có bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp, cứ sau mỗi lần bệnh nhân đi đại, tiểu tiện cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B lên chất thải (chất nôn, phân, nước tiểu...) của người bệnh;
- Hạn chế người ra vào những nơi đang có dịch.
4. Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
- Quét dọn, vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm;
- Khơi thông cống rãnh, quét dọn, thu gom phân, rác mang đi xử lý theo quy định của địa phương;
- Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và khu vực xung quanh.
Điều 12. Quy định trong hoạt động mai táng
1. Việc mai táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang, nghĩa địa đã được Ủy ban nhân dân xã công nhận hoặc quy hoạch.
2. Trường hợp mai táng người chết tại nghĩa trang, gia đình phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Gia đình tang chủ không được rải tiền thật, tiền vàng mã trên đường giao thông từ gia đình tang chủ tới nơi mai táng, hỏa táng và ngược lại.
3. Việc quàn ướp, khâm liệm, vận chuyển thi hài, hài cốt phục vụ mai táng, cải táng; vệ sinh đối với người tham gia hoạt động mai táng; vệ sinh dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị hoạt động mai táng, nghĩa trang phải thực hiện theo quy định.
4. Đối với trường hợp áp dụng hình thức hỏa táng thực hiện theo quy định hiện hành.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH, CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 13. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn nghiệp vụ hoặc tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn về vệ sinh môi trường cho cán bộ môi trường cấp huyện, xã;
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, sản xuất sạch hơn, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, kiến nghị liên quan đến pháp luật về bảo vệ môi trường;
d) Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường trong hoạt động kinh doanh, sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; quản lý các loại giống cây trồng, vật nuôi; quản lý hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và hoạt động phát triển nông thôn tại địa phương;
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện có liên quan thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản;
d) Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
3. Sở Y tế
Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh trong hoạt động mai táng; giám sát chất lượng nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động trên địa bàn tỉnh; các trang thông tin điện tử của các ngành, các cấp tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn.
5. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động của các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn.
b) Phối hợp tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, sản xuất sạch hơn, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường làng nghề.
c) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quy hoạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vệ sinh môi trường nông thôn.
d) Phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước, tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động vệ sinh môi trường nông thôn.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Đưa nội dung quy định vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn, hằng năm và thực hiện kế hoạch BVMT tại địa phương.
2. Chỉ đạo Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện xây dựng chuyên mục về môi trường, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường nông thôn, hướng dẫn Đài truyền thanh cấp xã thường xuyên tuyên truyền vệ sinh môi trường nông thôn trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn.
3. Đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận Đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
4. Quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ đúng nội dung và hiệu quả; cân đối bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường cho các xã thực hiện vệ sinh môi trường. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập tổ tự quản về môi trường.
5. Quy hoạch, xây dựng các điểm tập kết, xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư công nghệ tiên tiến để xử lý chất thải rắn trên địa bàn.
Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong công tác giám sát về vệ sinh môi trường và hoạt động thu gom rác, tổ chức vận động, tuyên truyền cho người dân về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, các hình thức xử lý vi phạm, trách nhiệm trong việc đóng góp phí vệ sinh, giám sát hoạt động vệ sinh môi trường và thu gom rác...phổ biến các chủ trương, chính sách và các vấn đề liên quan đến các tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
2. Phối hợp với các phòng chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện quy hoạch, xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải;
3. Phối hợp với các phòng chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện quy hoạch, xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn thông thường trên địa bàn; tập kết chất thải phát sinh tại đồng ruộng.
4. Tổ chức các phong trào về bảo vệ môi trường, hoạt động vệ sinh môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn theo định kỳ hằng tháng, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân;
5. Thực hiện xây dựng, quản lý, vận hành các phương tiện, công trình thu gom, xử lý, nước thải, chất thải rắn trên địa bàn;
Điều 16. Trách nhiệm của Trưởng thôn, bản trong công tác bảo vệ môi trường
1. Tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn, bản chấp hành các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường.
2. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã vận động nhân dân định kỳ hàng tháng khơi thông cống, rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, các khu công cộng.
3. Phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn, bản bổ sung quy định trách nhiệm của các hộ gia đình trong việc bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của thôn đề nghị Ủy ban nhân dân xã phê duyệt.
4. Phối hợp với tổ hòa giải ở cơ sở để hòa giải tranh chấp, khiếu nại về BVMT giữa các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn khu dân cư.
5. Khi nhận được khiếu nại, phản ánh của công dân về hành vi gây ô nhiễm môi trường Trưởng thôn, bản có trách nhiệm yêu cầu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấm dứt hành vi xả thải ra môi trường không đúng quy định, gây mất vệ sinh môi trường.
Điều 17. Trách nhiệm của Tổ chức làm dịch vụ vệ sinh môi trường
1. Chuẩn bị các điều kiện về dụng cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và an toàn. Không để chất thải rơi vãi, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.
2. Định kỳ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm tập kết, từ các đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng đến nơi xử lý của địa phương theo đúng hợp đồng thu gom và xử lý rác thải với Ủy ban nhân dân xã.
3. Phổ biến, tuyên truyền và yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành quy định về thời gian, địa điểm tập kết chất thải, nộp các khoản phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Điều 18. Trách nhiệm BVMT đối với hộ gia đình
1. Thu gom chất thải sinh hoạt:
a) Mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 02 (hai) thùng hoặc hố chứa chất thải rắn sinh hoạt;
b) Thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt đúng vị trí quy định của địa phương để Hợp tác xã hoặc Tổ dịch vụ môi trường thu gom, vận chuyển, xử lý hoặc đổ thải đúng nơi quy định;
d) Nộp phí vệ sinh môi trường đầy đủ, đúng hạn;
2. Không gây tiếng ồn, độ rung quá mức cho phép gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
3. Không tập kết các loại vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, hàng hóa trên lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường.
4. Khi phát hiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xả thải làm tác động xấu đến môi trường, hộ gia đình, cá nhân phát hiện có trách nhiệm:
a) Báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả (nếu có);
b) Phản ánh đến Trưởng thôn, bản hoặc Ban công tác Mặt trận của thôn, bản, ấp và Ủy ban nhân dân xã.
5. Hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm môi trường có trách nhiệm:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến khiếu nại, phản ánh của công dân;
b) Chấm dứt hành vi gây ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại (nếu có) do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra cho cộng đồng;
c) Nộp phạt theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Khen thưởng
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
2. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định này tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Điều 20. Các cấp, các ngành, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, các cơ quan có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng năm 2016
- 2Quyết định 2225/QĐ-UBND năm 2017 công bố số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam năm 2016
- 3Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2017 triển khai Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2017-2020 gắn với thực hiện chỉ tiêu 17.1 của Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn
- 4Quyết định 43/2023/QĐ-UBND bãi bỏ toàn bộ Quyết định 1988/2017/QĐ-UBND quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa
- 5Quyết định 542/QĐ-UBND năm 2024 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần năm 2023
- 6Quyết định 991/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Quyết định 43/2023/QĐ-UBND bãi bỏ toàn bộ Quyết định 1988/2017/QĐ-UBND quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa
- 2Quyết định 542/QĐ-UBND năm 2024 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần năm 2023
- 3Quyết định 991/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Thông tư 27/2011/TT-BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu - Điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2Luật bảo vệ môi trường 2014
- 3Nghị định 18/2015/NĐ-CP Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
- 4Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Quyết định 3407/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 7Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng năm 2016
- 8Quyết định 2225/QĐ-UBND năm 2017 công bố số liệu Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam năm 2016
- 9Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2017 triển khai Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2017-2020 gắn với thực hiện chỉ tiêu 17.1 của Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn
Quyết định 1988/2017/QĐ-UBND Quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa
- Số hiệu: 1988/2017/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/06/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Nguyễn Đức Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra